Thông tin

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở THANH HÓA

(tiếp theo bài đăng trên Từ Quang số 37 ra tháng 7 năm 2021)

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
TS.NINH THỊ SINH

 


 

5. Về Tổ chức giới đàn

Chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói về việc tổ chức đàn giới nhằm đáp ứng nhu cầu thụ giới tu học cho Tăng Ni mới xuất gia, truyền trì mạng mạch cho Phật giáo Thanh Hóa từ năm 1935 trở về trước dưới triều Nguyễn. Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, xứ Thanh đã tổ chức được 2 giới đàn tại chùa Đại Bi ở thành phố Thanh Hóa:

1) Khai giới đàn Bính Tý (1936)

A. Đàn đầu Hòa thượng là thiền sư Thanh Thái - Huệ Minh.

B. Giới tử: ngài Thanh Trí thụ Sa di giới.

2) Khai Đại giới đàn Mậu Dần (1938)

A. Hòa thượng Đàn đầu: Thiền sư Thanh Thái - Huệ Minh

B. Giới sư:

- Hòa thượng Giác Viên ngôi Giáo thụ.

- Hòa thượng Viên Quang: đệ tam Tôn chứng.

C. Giới tử:

- Nguyễn Quang Phú, Huyền Dung, Đỉnh Lễ, Quang Diệp thụ giới Tỷ khiêu.

- Đức Thiện: thụ giới Sa di.

6. Về công tác Nghi lễ

Có thể nói từ khi có Tỉnh hội Phật giáo thì các lễ hội Phật khởi sự được tổ chức tập trung và bài bản hơn trước, như Lễ Phật đản mồng 8 tháng 4, Lễ Vu Lan rằm tháng 7, lễ Cầu siêu, lễ Cầu an. Những Hội viên đã ăn chay 2 ngày, 4 ngày hoặc 10 ngày sau khi làm lễ Quy y, đơn cử:

Ngày 8 tháng 4 Mậu Dần (1938), học tập Đại lễ Phật đản do Hội An Nam Phật học Huế cùng chư sơn cùng tổ chức trọng thể tại Huế ngày 8-4 năm Ất Hợi (1935) niên hiệu Bảo Đại thứ 10 có ảnh hưởng lớn đến công cuộc chấn hưng Phật giáo cả nước. Noi gương trên, Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã tổ chức lễ Khánh đản đức Thế Tôn, cử hành tại chùa Hội quán. Lễ cử hành rất long trọng trang nghiêm, và có ảnh hưởng nhiều tới đại chúng1.

Ngày rằm tháng Bảy năm Nhâm Ngọ (1942), Ban Trị sự Tỉnh hội tổ chức buổi diễn giảng tại chùa Thanh Hà, thỉnh Hòa thượng Tăng cương chùa Đào Viên nói về Sự tích Lễ Vu Lan. Hàng trăm Tăng Ni, Phật tử đã đến dự. Cũng nhân dịp này, ông Chánh Hội trưởng kêu gọi các chùa xứ Thanh tổ chức Lễ Vu Lan tiết kiệm và không đốt vàng mã.

Trong dịp lễ Phật đản, ngày mồng 6 tháng 4 năm Kỷ Mùi (1943), Tỉnh hội Thanh Hoá tổ chức lễ rước. Đám rước khởi hành từ chùa Hội quán lên Phố Giốc gare qua các đường phố lớn ở thị xã. Đi qua các phố, nhà hội viên nào cũng đốt pháo rất long trọng.

Ngày mồng 7 làm lễ đúc chuông tại chùa Hội quán. Quan Công sứ và quan Tổng đốc tỉnh đã đến dự.

Tối mồng 8 có làm lễ quy y 48 hội viên.

Chương trình Nghi lễ

Ngày 6 tháng 4 năm Kỷ Mùi (9/5/1943)

8 giờ: Rước thỉnh kinh

11 giờ: Đại cúng Phật an vị

14 giờ: Lễ khai kinh Pháp Hoa

20 giờ: Đại cúng Sái tịnh đồng.

Ngày mồng 7 tháng tư năm Kỷ Mùi (10/5/1943)

8 giờ: Lên đàn đại cúng đức Tổ Không Lộ.

9 giờ: Bắt đầu nấu đồng

11 giờ: Rót đồng vào cốt

14 giờ: Khai kinh Kim Cương

20 giờ: Lễ cáo yết Phật Tổ khánh đản

21 giờ: Hội viên vào khoá Tịnh độ và nhiễu Phật.

Ngày mồng 8 tháng tư năm Kỷ Mùi (11/5/1943)

6 giờ: Chính lễ Phật Tổ giáng đản

8 giờ: Khai kinh Kim Cương và kinh Thủ Lăng Nghiêm

11 giờ: Đại cúng Phật bảo đàn và lễ khai thanh chuông (tuyên sớ liệt danh các vị công đức vào việc đúc chuông).

14 giờ: Khai Kinh

16 giờ: Phát chẩn

18 giờ: Lễ Chẩn tế

20 giờ: Đại Dược Sư hội

21 giờ: Đàn Quy Y cho hội viên.

Hội viên ai xin quy y phải tới đăng ký tên tại chùa Hội quán trước ngày mồng 3 tháng Tư Kỷ Mùi2.

Buổi Lễ Phật đản do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tổ chức đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Tăng Ni, Phật tử xứ Thanh, góp phần giúp nhân dân Thanh Hóa xu hướng về đạo Phật.

Ngày 16 tháng 10 năm 1943, ông Nguyễn Đình Hòe - Hội trưởng Hội An Nam Phật học ra "Định" số 18 nói về cách thờ tự và việc đọc các kinh ở các chùa Hội quán. Điều thứ nhất của "Định" nêu: Trong các chùa Hội quán của Hội, chỉ nên thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật A Di Đà, đức Dược Sư, đức Văn Thù, đức Phổ Hiền, đức Quan Âm, đức Thế Chí mà thôi. Lại chỉ nên thờ hình tượng đủ các tướng tốt, chớ không nên thờ các hóa thân, như Quan Âm tống tử, Bố Đại Hòa thượng v.v… sợ mất tôn nghiêm. Ngoài hai bên chùa có thể thiết tượng các vị Kim Cương, các vị Hộ Pháp như Phạm Thiên, Vĩ Đà, Tiêu Diện v.v… nhưng không thiết thì càng tốt”3.

Về cách thức cúng cấp: “Trước bàn thờ Phật chỉ nên dùng hoaquả mà thôi; trước bàn thờ Tổ, bàn Linh (thờ ở phía sau hoặc thờ riêng một bên) thì lấy nghĩa “sự tử như sự sanh” hoặc có thể cúng trai soạn, nhưng quyết định không nên đốt giấy, đốt áo, đốt vàng mã, đốt kho tàng như các ngoại đạo4. Đồng thời trong lúc cúng cấp, điều quan trọng nhất là chú nguyện, vì đã tin vào luân hồi sinh tử thì ắt hẳn chỉ có chú nguyện mới có thể mang lại được sự kết nối với các vong linh.

Về cách hành lễ, trong lúc trì niệm, cúng vái chỉ nên tụng các kinh đã có trong Đại Tạng (bao gồm 2372 bộ Kinh, Luật, Luận chữ Hán như: A Hàm, Diệu Pháp Liên Hoa, Mật Giáo, Nghi Tự, Bát Nhã, “không nên tụng các kinh ngụy tạo như kinh Ngọc Hoàng,kinh Thập Điện, kinh Bát Dương… các khoa sám tụng chỉ nên tụng Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, Hồng Danh5 và các bài doTổng Trị sự ấn định, chớ không nên tụng các khoa sám không đúng chánh pháp6.

Về nghi thức tụng niệm, đây có thể được xem là một trong những vấn đề được đưa ra tranh luận khá sôi nổi lúc bấy giờ. Một số tăng ni, Phật tử cho rằng việc tụng kinh, niệm Phật phải thực hiện dựa trên kinh điển Phật giáo Nguyên thủy mới giữ được sự tôn nghiêm và linh thiêng. Một số Phật tử khác lại đưa ra quan điểm nên phiên dịch kinh điển ra chữ quốc ngữ vừa để hiểu được những lời răn dạy của đức Phật vừa góp phần vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp7.

Tuy nhiên, Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã không làm theo “Định” số 18 mặc dù Phật giáo xứ Thanh phải tuân theo quy định của Hội An Nam Phật học. Lý do Ban Trị sự Tỉnh hội đưa ra làtheo truyền thống hàng trăm năm nay, việc bài trí tượng Phật ở cácchùa xứ Thanh đều làm theo các chùa Đại thừa ở đồng bằng BắcBộ thường có từ 5-6 lớp, mang tính hỗn dung.

Ban Tổng Trị sự Hội An Nam Phật học nhất trí với đề nghị này của Phật giáo Thanh Hóa.

Các Phật sự Tỉnh hội Thanh Hóa thực hiện trong phong trào chấn hưng đã giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn giáo lý đạo Phật và họ luôn muốn làm việc thiện, lánh việc ác. Tinh thần từ bi cứu độ của đạo Phật đã lay động tới bác sĩ Chesneau Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa là một người có lòng thương các bệnh nhân và ưa làm việc nghĩa. Năm 1937, ngài đã có sáng kiến mời Hòa thượng Tăng cương trụ trì chùa Đào Viên cứ thứ ba trong tuần cử hai vị sư đến an ủi cầu nguyện cho các bệnh nhân, với niềm tin đạo Phật là đạo rất mầu nhiệm, có thể an ủi lòng người và phá sự phiền não trong khi đau yếu8.

7. Mối quan hệ của Phật giáo Thanh Hoá với các Hội Phật giáo khác

Trước hết cần phải kể đến mối quan hệ gần gũi giữa Phật giáo Thanh Hóa với Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập ngày 6 tháng 11 năm 1934, do ông Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng, hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo xứ Bắc. Mối quan hệ gần gũi giữa Phật giáo Thanh Hóa với Hội Phật giáo Bắc Kỳ có thể được lý giải bởi vị trí tiếp giáp của Thanh Hóa với Bắc Kỳ. Mối quan hệ này được biểu hiện thông qua các hoạt động như tham quan, diễn giảng, địa bàn dừng chân của các Tăng sĩ Bắc Kỳ khi vào Huế, sang Lào hay Campuchia... Đặc biệt, Tăng cương chùa Đào Viên giữ trọng trách trong Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Vào năm 1941, sau 5 năm thành lập, Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu bất ngờ, nhất là trong việc tổ chức và quản lý hoạt động của tăng chúng. Thành tựu này đã vang tới tận Hà Nội. Báo Đuốc Tuệ - cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã cử phóng viên vào thăm chùa Đào Viên ở thành phố Thanh Hóa. Sau khi đi sâu tìm hiểu về cách tổ chức và hoạt động của Tăng già Thanh Hóa, vị phóng viên đã rút ra những đặc điểm sau:

Ngoài việc hợp tác với Hội An Nam Phật học (Trung Kỳ),Tăng già Thanh Hóa có một đoàn thể riêng, mục đích để đôn đốc và kiểm điểm cho nhau trong sự tu và sự học. Hòa thượng Viên Hải, Tăng cương chùa Đào Viên là người có trọng trách chấn chỉnh Tăng già đã làm đơn xin Thủ hiến Thanh Hóa sức cho các phủ, huyện và châu trong hạt để thông sức cho các làng phải trình các chức sự Ban Tăng già, mỗi khi có các vị sư ở hạt khác tới các chùa thôn quê. Nếu các Hương lý tự đi thỉnh các sư về không trình Ban Tăng già biết, thì khi có việc gì không hay, Hương lý phải chịu trách nhiệm. Còn ở trong chùa hễ có việc gì không thỏa thuận với Hương lý, thì chức sự Ban Tăng già được phép cùng với các quan phủ, huyện địa phương, hai bên hợp tác để xử đoán. Phương pháp chấn chỉnh của Tăng già Thanh Hóa thật đáng khâm phục”.

Tác giả bài báo kêu gọi: “mong Tăng già ở các tỉnh khác củaBắc Kỳ cũng theo gương đó mà tổ chức cho có qui mô, có trật tự, có trách nhiệm, thì tinh thần của đoàn thể Tăng già mới được chắc chắn mà tiến hành Phật sự9.

Không chỉ Tỉnh hội mà nhiều tăng ni, Phật tử Thanh Hóa cũng là độc giả thường xuyên của báo Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ từ năm 1937 trở đi, được Đuốc Tuệ ghi danh như:

Ông Nguyễn Quyển, đặt mua năm 1936-1937. Các vị: Nguyễn Hữu Phát, sư ông Thích Thanh Vinh đặt mua báo năm 1937; Trần Cao Tiêu, Lê Đăng Khắc, Phạm Văn Tính, Đoàn Văn Thiêm và Lê Văn Nguyên ở Bái Thượng, mua cả năm 1938; Nguyễn Tuân, Nguyễn Khắc Tuấn cả năm 1939; Nguyễn Khắc Khoan mua liền từ 1940-1943; Chơn Thắng (cả năm từ 1$5 đến 3$0).

Hội trưởng Trần Hữu Lượng và sư cụ Giám viện chùa Đào Viên mua từ năm 1936 đến 1944.

Một số vị đã cúng tiền vào việc xây dựng chùa Hội quán – Quán Sứ ở Hà Nội như bà Cao Thị Hóa, thành phố Thanh Hóa 2$0, Hồ Ngữ 6$0, Tôn Thất Sung Tri phủ Đông Sơn 1$0, Phạm Đình Đường 3$0, Trần Nhật Thành 20$0.

Trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở Thanh Hóa nói chung và việc kết nối với Phật giáo xứ Bắc nói riêng, chùa Đào Viên và Hòa thượng Viên Hải có một vị trí đặc biệt quan trọng. Hòa thượng Viên Hải, Chứng minh Đạo sư của Tỉnh hội Thanh Hóa từ 1940 là Phó Đốc giáo Ban Thiền học Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Tiếp đó, tại Đại hội đồng thường niên ngày 13 tháng 9 năm 1942, Ngài lại được bầu làm Phó Hội trưởng thứ 2 Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Ngày 15 tháng 5 năm 1943, theo đề nghị của Ngài, Hội Phật giáo Bắc Kỳ cử Thượng tọa Tuệ Chiếu (cũng là người Thanh Hóa) về hành đạo ở chốn Tổ Đào Viên10. Sau hơn một năm giúp việc cho Sơn môn Đào Viên, Thanh Hóa, Thượng tọa Tuệ Chiếu trở ra chùa Quán Sứ, Hà Nội để giúp việc Hội như trước.

Chùa Đào Viên còn là nơi nghỉ chân của các đoàn Phật giáo Bắc Kỳ vào Nam, sang Lào, Campuchia. Chẳng hạn, vào 6 giờ ngày 28 tháng 12 năm 1938 (2-11 Mậu Dần), sư Thái Hòa và Thanh Giản lên tàu đi Campuchia. 11 giờ tàu vào Thanh Hóa, đoàn đến chùa Đào Viên thăm cụ Tăng cương hội đồng là một nhà khoa cử lão thành xuất gia, có nhiệt tâm về công cuộc Chấn hưng Phật giáo; thăm chùa Mật Sơn, vị trụ trì là một Tăng cương người Huế.

Ngoài quan hệ với Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Phật giáo xứ Thanh còn có mối quan hệ với Hội Phật học Đà Thành. Hội được thành lập ngày 14 tháng 5 năm 1935 theo Nghị định số 1057 do Khâm sứ Trung Kỳ F.Graffeuil phê chuẩn. Hội quán đặt tại chùa Phổ Thiên, đường Marc Pourpe (nay là Phan Châu Trinh, Đà Nẵng). Mục đích ra đời của Hội nhằm “mở trường Phật học đào tạo nhân tài, ra báochí lưu thông Phật giáo, không để tăng giới suy sụp, quyết định phò khởi Bắc - Nam lên đoàn thể để bảo tồn Tăng bảo... Chỉnh đốn quy củ trong sơn môn, kẻ tuổi lớn thì lo giữ tu hành, tuổi trẻ thời cố gắng học hỏi, chung nhau một lòng, một sức xuất gia11. Tham gia Ban Hộ niệm của Hội Đà Thành có các vị Hòa thượng đến từ khắp Trung Kỳ như Huệ Chiếu (Bình Định), Từ Pháp (Phú Yên), Chơn Nguyên (Khánh Hòa), Bảo Hiền (Ninh Thuận), Phước Quang (Bình Thuận)... Thanh Hóa có sư Thanh Tuyền.

 


1. Viên Âm, số 30, tháng 6 năm 1938.

2. Viên âm, số 62, tháng 6 năm 1943.

3. Nguyễn Đình Hòe, “Định” số 18, Viên Âm, số 42, tr.28.

4. Nguyễn Đình Hòe, “Định” số 18, Viên Âm, số 42, tr.28.

5. Cụ thể: Kinh đọc ở các chùa Hội quán là Phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và kinh A Di Đà. Hội viên đều dùng chuỗi hạt Bồ đề. Do vậy mà tư tưởng Tịnh độ với pháp môn niệm danh hiệu A Di Đà Phật, lần tràng hạt để cầu được độ giải thoát lại lan mạnh trong chúng sinh hơn nữa.

6. Nguyễn Đình Hòe, “Định” số 18, Viên âm, số 42, tr.28.

7. Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền TrungViệt Nam (1932-1951), Luận án Tiến sĩ Sử học, 2017, tr. 98-99.

8. Viên Âm, số 26, tháng 8 năm 1937

9. Đuốc Ttuệ, số 170, ngày 1-15 tháng 12 năm 1941.

10. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953),Nxb Tôn giáo, 2008, tr.202,212.

11. Hội Phật học Đà thành, Bổn ý và sự hành động, Tam bảo tạp chí, số 1, 1936, tr.7.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6703920