PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở TỈNH HƯNG YÊN (tt)
PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
Ở TỈNH HƯNG YÊN (tt)
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Mong muốn của Sa môn Thanh An gần 4 năm sau mới thực hiện được: tháng Tư năm 1939 (Kỷ Mão), các Tỷ khiêu Phạm Tâm An và Trần Quảng Dung xin chính quyền tỉnh Hưng Yên cấp đất ở khu Văn Miếu thị xã Hưng Yên để thành lập trường Phật học. Tùng lâm Văn Miếu rất rộng, nội tự hơn 7 mẫu, cây cối um tùm mỗi khóa có đến 40 - 50 Phật tử từ nhiều chùa thuộc các sơn môn về học. Chương trình gồm 2 phần: học kinh Phật và học chữ Quốc ngữ. Trong số thầy dạy Quốc ngữ có nhiều cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Các sư Thanh Đặc, Thanh Chuân v.v... từng theo học ở đây đã giác ngộ cách mạng, khi trở về trụ trì ở các chùa đã trở thành những cơ sở tốt của Đảng.
Tiếp sau, chi hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên và huyện Mỹ Hào, ngày 7 tháng 8 năm 1935, Ban Đại lý Phật giáo Khoái Châu thành lập. Trưởng ban bên tăng là sư cụ chùa Lạc Thủy, Trưởng ban tại gia là chánh tổng Đông Kết Lê Văn Hiệu, Hội quán đặt tại chùa làng Đông Kết. Ngày 16-8-1935, Ban Đại lý Phật giáo huyện Văn Lâm thành lập. Trưởng ban bên tăng là sư cụ Đỗ Văn Ưng, Trưởng ban tại gia là ông Nguyễn Văn Thu, Hội quán đặt tại chùa Bùng, tức chùa Trình Xá.
Lòng hướng Phật giáo của dân làng Kim Quan, tổng Yên Lịch, phủ Khoái Châu được báo Đuốc Tuệ số 22 ra ngày 12 tháng 5 năm 1936 tường thuật như sau:
Chùa làng Kim Quan đã lâu nay không có sư ở, ông tiên chỉ làng ấy nguyên là ngũ phẩm chánh suất đội hưu trí, có chân trong chi hội Phật giáo Phù Sa. Ngày 1/3 chính, sư ông Thanh An đã vâng mệnh sư cụ chùa Phù Sa đi giữ chùa Kim Quan. Đến ngày 1/3 nhuận vừa rồi, dân làng Kim Quan tổ chức một cuộc lễ rất quan trọng, thỉnh Ban Đạo sư chi hội Phật giáo Phù Sa về chứng minh cuộc lễ đó. Dân làng các chức dịch cùng thiện nam tín nữ mang cờ quạt chuông trống cùng hai ban đồng ấu, ban sinh nhạc đúng 3 giờ chiều hôm ấy đi đón chư tăng. 4 giờ rưỡi chiều về tới cửa chùa. 6 giờ chiều rước lễ của dân ở lại đình vào lễ Phật và yết kiến chư tăng. 7 giờ 30 phút tối chư Tăng lên cúng Phật và dẫn lục cúng. 8 giờ 30 phút một vị đạo sư diễn thuyết ở sân rạp nhà Tổ. Các duyên xong, đồng dân ra bạch các cụ đạo sư nhờ xin phép cụ Chánh hội trưởng và Ban Trị sự Trung ương lập cho một giảng đường ở chùa ấy, để trong dân xã nam phụ lão ấu cùng được tuân theo đạo Phật.
Ngày 23 tháng 2 năm 1936, Ban Đại lý hội Phật giáo huyện Văn Giang thành lập Trưởng ban bên Tăng là sư cụ Trần Hưởng, Trưởng ban bên tại gia là ông Vũ Văn Sáng trí sĩ. Hội quán đặt tại chùa Minh Đức, xã Thọ Vực.
Ngày 11 tháng Tư năm Bính Tý (1936), đã khánh thành chi hội Phật giáo huyện Tiên Lữ. Các ông Từ Đạm, Nguyễn Can Mộng, Hòa thượng Trung Hậu Chánh giám viện chùa Quán Sứ và Thượng tọa Tố Liên ở Trung ương Hội đã về dự. Cuộc tiếp rước rất long trọng, sau khi Hòa thượng Trung Hậu nói mấy câu về công cuộc tổ chức chấn hưng Phật giáo hiện thời của Hội, Phó bảng Nguyễn Can Mộng đứng lên diễn thuyết, mọi người lắng nghe xong rất lấy làm vui vẻ.
Chi hội cử sư cụ Đồng Lạc làm Chánh Đại lý bên Tăng; Chánh tổng trí sĩ Nguyễn Văn Tiếp làm đại biểu bên tại gia. Các cụ văn thân đứng làm cố vấn cả.
Ngày 25 tháng 2 năm 1937 (15/1 Đinh Sửu), khánh thành chùa Tam Cương, làng Phương Tòng, huyện Kim Động.
Hồi ba năm trước, chùa là một cảnh cổ am tịch mịch ở giữa đồng không hiu quạnh lơ thơ mấy khóm tre bao bọc, trong chùa có một vị sư Ni già yếu, ít người lui tới chiêm bái. Bỗng đâu có cơn gió từ phong phe phẩy đưa phong trào Phật giáo tràn qua. Cụ hàn lâm Nguyễn Ngọc Tích cùng dân Phương Tòng đem ngôi chùa cúng sư cụ chùa Phục Lễ. Sư cụ Phục Lễ là người nhiệt tâm về đạo nên trông thấy ngôi Phật tự tiều tụy như thế đã đảm nhận công việc nặng nề. Sư cụ và cụ hàn lâm ra công khuyến hóa hết sức gây dựng, trong 3 năm trời tới nay đã thành một ngôi Tam bảo trang nghiêm hoàn hảo, đúc thêm 1 khánh đồng.
Ngày 15/1 năm Đinh Sửu (1937), chùa mở hội khánh thành, có Chánh sứ tỉnh, tri huyện Kim Động cùng các vị trong chi hội Phật giáo tỉnh về dự lễ, các hàng chánh phó tổng đến chiêm bái rất long trọng.
Trong buổi lễ, một ông giáo làng Phương Tòng lên diễn thuyết về vấn đề Phật giáo hiện nay, thính giả rất đông, đều tỏ vẻ vui mừng về đạo Phật.
Ngoài sự khánh thành tập phúc, sư cụ và dân làng Phương Tòng còn thành lập một đàn trai cúng phả độ gia tiên, tiếp triệu các vong hồn nịch tử ở bãi Bồng Giang sông Hồng.
Ngày 29 tháng 12 năm 1938 (Mậu Dần), Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ về chứng kiến lễ khánh thành chi hội Phật giáo, thư viện và xưởng thủ công nuôi dạy trẻ làm nghề đăng ten tại Phú Thị, 3 chi giảng ở 3 xã Phú Trạch, Đa Hòa và Mễ Sở đều nằm dọc đường đê tổng Mễ Sở nên gọi là chi hội Phật giáo Mễ Sở, Khoái Châu (ngày nay thuộc huyện Văn Giang) và lập đàn quy cho giáo hữu chi hội Phật giáo Mễ Sở. Chi hội do cử nhân Dương Bá Trạc làm Đại lý. Các Hòa thượng Trung Hậu, Tế Cát, Bằng Sở, Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, các ông Trần Văn Đại, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Trọng Thuật đã về dự. Hội quán chi hội đặt tại chùa Phúc Hưng làng Phú Thị quê ông Dương Bá Trạc. Ban thư viện có 18 ông tổ chức trông coi, có ông Dương Trọng Khoát em thứ 2 cụ cử Trạc. Thư viện đặt ở nhà hành lang 3 gian ngói sạch sẽ. Trong tủ sách có nhiều kinh sách chữ Nho, Quốc ngữ có nhiều quyển âu trang chữ vàng. Đáng chú ý nhất là trên vách treo tượng Phật mà không quên tượng đức Khổng Tử, thực tỏ quan niệm “Phật Thánh nhất trí”. Có 100 trẻ em từ 7 - 15 tuổi vừa theo học nghề vừa học chữ theo sách Phật giáo Nhật Tụng của Hội, 3 chỗ học đăng ten ở Phúc Trạch, Đa Hòa và Mễ Sở. Thầy dạy những nơi này do thầy giáo trường Phú Thị luyện cách tốc thành đến dạy nghề dạy đạo. Đoàn đều tán thán một công đức thực hiện mà các nơi chi hội Phật giáo trong xứ Bắc đều nên bắt chước. Nên theo cách dạy đạo ở trong các nghề, nghề thủ công gì tiện cho địa phương mình cũng được, cho các trẻ em nhà nghèo khát học như khát sữa được có nghề sinh nhai mà được thấm nhuần nghĩa đạo từ thuở nhỏ1.
Ông cử Dương còn đưa đoàn đến xem tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở chùa tổng Mễ Sở. Pho tượng này khéo không kém gì pho tượng ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh.
Ngày 21 tháng 5 năm 1939 (4-4 năm Kỷ Mão), khánh thành chi giảng Ngọc Nha phủ Khoái Châu, Hưng Yên. Hội quán tại chùa Tam giáo Ngọc Nha. Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, Thượng tọa Thích Trí Hải, các ông Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật về dự đến ngã tư phố Phủ trời mưa ô tô không đi được chỉ có ông cử Trạc và Nguyễn Trọng Thuật đi xe tay về dự. Chi Ngọc Nha thuộc chi hội Phật giáo Đông Kết thành lập đã hơn 2 năm nay, mãi bây giờ Trung ương mới về dự được. Chánh đại lý chi hội Đông Kết là Chánh tổng Lê Văn Hiện, phó đại lý chi giảng Ngọc Nha là ông Trần Xuân Hạn.
Chùa đã khuyến hóa trong hội ngoài làng xây 2 cầu gạch cho dân tổng tiện giao thông. Chi giảng mở lớp dạy trẻ em tại giảng đường nghề đan đăng ten, nay đã có sản phẩm được đưa đi dự đấu xảo ở tỉnh.
Ngày 24 tháng Ba năm 1940 (ngày 15 tháng Hai năm Canh Thìn), Bạn Đại lý Phật giáo chi hội Phật giáo huyện Yên Mỹ tổ chức Đàn qui tại chùa hội quán Yên Phú. Tuần phủ hưu trí Trần Văn Đại, Phó hội trưởng hội Phật giáo Bắc Kỳ đã về dự. Lễ đàn quy được tổ chức viên mãn nhờ sự sốt sắng của quan tri huyện và Huấn đạo huyện Khoái Châu.
Sư cụ tổ chùa Yên Phú làm Đại lý bên Tăng, tri huyện Yên Mỹ Phạm Hữu Liễn làm chánh đại biểu bên ngoại hộ (tại gia).
Ngày Rằm tháng Hai năm Giáp Thân (1944), chi hội Phật giáo Khoái Châu đã tổ chức một đàn quy rất lớn. Bắt đầu từ 15 tháng Hai âm lịch cho đến hết ngày 17 tháng Hai âm lịch. Hội Phật giáo Trung ương có cụ Giám Cồn và thủ quỹ Lê Toại xuống chủ lễ quy. Đàn quy tổ chức được viên mãn. Đón tiếp Ban Trị sự Trung ương cực kỳ long trọng để tỏ ý hoan nghênh Phật pháp là pháp quý giá mà thiện tín Khoái Châu bấy lâu nay hằng khát ngưỡng, ngày nay mới tới chỗ thực hành. Trước khi quy và sau khi quy đều làm lễ rất thành kính để tỏ ý hết lòng quy y Tam bảo một cách thiết tha. Trong đàn quy lại tổ chức thêm phường nhạc, múa rồng, diễn thuyết diễn kịch Quả báo luân hồi để cho người dự xem cũng được thấm nhuần nghĩa lý của Phật, đáng gọi là lợi kỷ lợi tha, đúng như giáo pháp của Phật vậy.
Ngày 16 tháng Hai âm lịch, Hòa thượng Trần Thanh Thuyên (Tuệ Tạng, tổ Cồn) và cư sĩ Lê Toại, thay mặt Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ và 2 vị trung tọa về làng Đông Kết, sau khi làm lễ Phật ở chùa Đông Kết, ông Lê Toại đăng đàn thuyết pháp, thính giả đông tới ngoại nghìn người. 4 giờ chiều, đoàn lên chứng đàn quy, có trên 400 người xin quy.
Đến 8 giờ tối chi hội tổ chức diễn vở Nhân quả luân hồi, có hơn nghìn người tới xem. Chi hội này được ông Chánh tổng làm Chánh Đại biểu cùng Ban Trị sự làm việc rất sốt sắng nên công việc tiến hành tốt đẹp2.
Chỉ qua 10 năm thực hiện chấn hưng Phật giáo dưới sự dẫn dắt của Hội Phật giáo Bắc Kỳ và Ban Đại lý Tỉnh hội Phật giáo, Phật giáo Hưng Yên đã có những thay đổi đáng kể về mọi mặt: từ xây dựng tổ chức cơ sở đến công tác hoằng pháp, chấn chỉnh nghi lễ, đào tạo tăng tài, Tăng ni, Phật tử ai ai cũng hoan hỷ và hưởng ứng phong trào. Tới đầu năm 1945 nạn đói xảy ra, rồi Nhật đảo chính Pháp… Phật giáo Hưng Yên lại đồng hành cùng dân tộc trong cao trào Cách mạng tháng 8 năm 1945.
1. Báo Đuốc Tuệ, số ra năm 1939.
2. Báo Đuốc Tuệ số 219-222 ra tháng 1 và tháng 2 năm 1944.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết