PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở TỈNH HƯNG YÊN
PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở TỈNH HƯNG YÊN
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Vào đầu thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam lại bị phân hóa: Tăng đoàn rời rạc, đạo hạnh và sự học của các tu sĩ Phật giáo sa sút... Do đó, việc chấn hưng Phật giáo là nhu cầu bức thiết đối với Phật giáo nước ta lúc bấy giờ. Và phong trào chấn hưng Phật giáo nở rộ khắp Bắc - Trung - Nam.
Tháng 11 năm 1934 Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hội viên sáng lập gồm 5 tăng sĩ và 27 cư sĩ, do Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Chánh Hội trưởng, Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Trưởng ban Chứng minh Đạo sư, năm 1936 suy tôn Ngài lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ. Tháng 12 năm 1935, tuần báo Đuốc Tuệ - cơ quan ngôn luận của Hội ra số đầu tiên.
Lúc bấy giờ ở Trung ương Hội có cử nhân Dương Bá Trạc thành viên Ban Khảo cứu Phật học và Giảng diễn quê ở huyện Văn Giang nhiệt tình ủng hộ cho việc thành lập các Ban Đại lý Phật giáo tỉnh nhà. Còn ở địa phương, các ông Phạm Quang Định, Trịnh Như Tấu (Trịnh Tấu Như), Nguyễn Phượng Chính... là các quan chức tỉnh Hưng Yên có nhiều bài viết ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo. Nhờ vậy, sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, ở Hưng Yên đã thành lập 2 Ban Đại lý Phật giáo địa phương trước các tỉnh bạn, đó là Ban Đại lý Phật giáo tỉnh Hưng Yên và Ban Đại lý Phật giáo huyện Mỹ Hào đều thành lập ngày ngày 17-2 Ất Hợi (21-3-1935)1.
Trong mấy tháng trời, hầu hết các hạt trong bản tỉnh đều có Ban Đại lý, số hội viên của tỉnh trừ Hà Nội ra còn Hưng Yên cũng nhiều hơn các tỉnh. Công việc Hội được tiến hành mau chóng như thế cũng nhờ tấm lòng sốt sắng của các vị đại đức Tăng Ni, thân hào thiện tín trong ngoài hợp tác, xem ngay một chứng cớ sau đây có thể rõ:
“Chùa Phục Lễ, chùa Thọ Lâm, chùa Phương Tòng đều ở xa tỉnh lỵ (tức thị xã Hưng Yên). Tuy chưa lập thành chi hội mà sư cụ chùa Phục Lễ và chánh tổng Đức Nhiệm cũng đã khuyến hóa được rất nhiều thiện tín học các khóa lễ (sám nguyện và Phật giáo nhật tụng). Cứ ngày thập trai ra chùa lễ Phật nghe giảng kinh, có khi thỉnh các sư chùa Hội quán Trung ương Hà Nội (chùa Quán Sứ) về giảng, có khi các sư hoặc cư sĩ ở hội quán bản tỉnh về giảng hoặc đem các bài giảng của Hội đã ấn hành, như Tập Kỷ yếu, báo Đuốc Tuệ.
Nếu khắp trong nước đâu đâu cũng như thế cả thì có lo gì Phật giáo không chấn hưng”2.
Một năm sau ngày thành lập Hội, Sa môn Thanh An, Trưởng ban Đại lý bên Tăng tỉnh Hưng Yên nêu ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo trên báo Đuốc Tuệ như sau:
“Hợp quần làm nên thế lực, là một câu phương ngôn rất quan hệ đến việc hành động của loài người, dù việc tôn giáo cũng không ngoài được cái công lệ ấy. Hội Phật giáo thành lập, góp chí gồm tài của người các giới làm một cái cơ quan có đủ thế lực để tuyên dương Phật giáo, nhờ thế mà mới trong vòng hơn năm, phong trào Phật giáo bành trướng khắp mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, đâu đâu cũng khuynh hướng về việc chấn hưng Phật giáo, tưởng trong lịch sử tôn giáo nước nhà, chưa có một thời kỳ nào có đặc sắc như thế; nhưng xét cho kỹ, thì cái hình thức tuy có tiến bộ mau chóng, mà xem ra cái tinh thần (tăng giới) chưa được mạnh mẽ là bao.
Hội Phật giáo lập ra trước để chỉnh đốn Tăng già, mà cái trách nhiệm tuyên dương Phật pháp lại chính ở Tăng già. Tăng già có chỉnh đốn, mới đào tạo được nhân tài có đủ học hành, đủ phương pháp để tuyên truyền giáo lý của Phật, có được như thế mới mong có kết quả tốt tươi. Vậy cần thiết nhất là phải lo đến việc học của Tăng chúng, mỗi tỉnh cần phải lập một nơi tĩnh xá để làm học đường chư tăng.
Hội Phật giáo mới thành lập, tiền quỹ lại phải chi dùng các việc cần thiết cho hội tiến hành, thế mà đương lúc sơ khai, bàn ngay việc lập các tịnh xá, hình như một vấn đề chưa hợp thời. Song việc gì muốn làm thì không cứ trường hợp nào cũng có thể làm được, chỉ bằng ở thập phương Tăng già dũng mãnh, tinh tiến là được mà thôi. Trước khi đem các phương pháp tỏ bầy cùng các giáo hữu, tôi hãy nói qua về hiện tình Tăng già như thế nào, các nguyên nhân làm trở ngại cho sự tiến bộ của Tăng già ra sao?
Một người xuất gia vì hoàn cảnh bó buộc, ngày tháng chỉ lo về việc sinh kế, nào có được mấy thì giờ rảnh để nghiên cứu giáo lý, mỗi năm được vài tháng đi hạ, đi học, phải vận lương riêng đi ăn, nếu gặp cảnh chùa nghèo túng, thì dù có muốn đi hạ học, cũng chưa lấy lương đâu mà học. Vị nào chưa ở chùa thì đi học không có lương, đã có chùa thì phải hoàn cảnh bó buộc như trên, các tăng ni phần nhiều đều không ra ngoài phạm vi ấy cả.
Đã giữ một chùa nào, ngoài việc sinh nhai, còn phải hết sức lấy lòng dân, lo sửa sang vào chùa cho tố hảo, lo theo lệ làng cho đầy đủ, được năm ba mẫu ruộng để đèn hương cúng Phật hằng năm, tiền thuế ruộng, tiền sương túc chưa chắc đã thừa, thế mà đến kỳ Thượng nguyên, hay giỗ tổ, cũng phải làm chay cỗ mặn thiết đãi làng, không thì phải sỏ lợn hay xôi gà theo tục, nếu không thì khăn gói gió đưa, sư phải tìm phương xa lánh. Lắm nơi sư nhịn ăn để dành được ít nhiều để tu bổ vào chùa thì những Huynh trưởng kỳ hào người này ra tạm, người khác ra vay, nếu không được như ý, họ sẽ tìm trăm phương nghìn kế để bóc lột sư, trục xuất sư đi.
Đã là người xuất gia tu đạo, ngày tháng nương nhờ cửa Phật, nếu nhỡ có điều gì thất ý huynh thứ trong làng, bị ra đi, thực là bơ vơ, không chốn nương thân, gập ghềnh bước thấp bước cao nào đâu tịnh độ nào đâu liên đài!
Than ôi! Phật, Pháp, Tăng là Tam bảo trong thế giới. Tăng không được trọng, là vì tín đồ ít hiểu nghĩa tam quy, mà cái đó cũng là vì tăng ít học không biết đem chân lý của Phật trau dồi cho thiện tín. Ấy sự học vấn quan hệ đến đời tu hành là thế, cho nên ta sớm phải cần lo chỉnh đốn việc học trong Tăng già. Tăng già đã có đủ học lực, đủ đức hạnh thì lo gì nhẽ phải nói chẳng có người nghe, công việc làm chẳng được dễ dàng mau chóng. Mong rằng: Trên các cụ Đại đức và thập phương Tăng già, mỗi tỉnh kết tập Tăng giới, kẻ ít người nhiều, hằng sản, hằng tâm, tậu một khu đất rộng rãi, dựng trường học làm bệnh viện, tập nghĩa địa gọi là tịnh xá. Tịnh xá tuy thuộc quyền chính phủ về việc trị an, song không phải thuộc về một thôn một làng nào cả. Tăng giới sẽ được độc quyền trông nom trong khu vũ ấy và thực hành theo tôn chỉ chấn hưng rồi dần dần tậu thêm ruộng đất, để làm lương thực cho chư Tăng về tòng học trong học đường sẽ lập thư viện quyên sách của các nhà trước thuật, của các nhà từ thiện để lấy tài liệu cho tăng chúng nghiên cứu như thế mới là tu có sở, học có trường, ốm có bệnh viện, sống đã có nơi nương tựa, chết lại có chỗ gửi nắm xương tàn khỏi hệ lụy đến ai.
Làm thế thì Tăng già dũ được hết các điều phiền muộn, mà chăm chỉ học hành, mới thấu hết tinh thần đạo Phật. “Trước giác mình, sau đưa chúng sinh tới bờ giác”, ấy là bổn phận Tăng già đầy đủ vậy. Trong Tăng già có kết tập như thế, thì Phật giáo mới chóng xương minh. Sau này việc học có kết quả rực rỡ, ta có thể mở thêm lớp dạy con cháu các Thiện tín, mới thực là làm trọn được cái bổn phận tự giác giác tha vậy. Mong lắm thay!”.
(Còn tiếp)
1. Ban Đại lý Phật giáo tỉnh Hưng Yên, Trưởng ban bên tăng là sư cụ Thanh An trụ trì chùa Quốc Sư, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, Trưởng ban bên Tại gia là ông Vũ Huy Xứng, Hàn lâm viện Kiểm bạ. Hội quán đặt tại chùa Bắc Hòa Quốc Công giữa thị xã Hưng Yên; Ban Đại lý Phật giáo huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Trưởng ban bên tăng là sư cụ Thông Căn trụ trì chùa Son tức chùa Long Hoa gần huyện lỵ Yên Mỹ, trưởng ban tại gia là ông Nguyễn Khắc Giai, Chánh tổng Trương Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên. Hội quán đặt ở 2 chùa là chùa Đại Bi và chùa Ngũ Gian đều liền huyện lỵ Mỹ Hào, Hưng Yên.
2. Báo Đuốc Tuệ, số ra tháng 3 năm 1936.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết