Thông tin

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG*

 

Xét ra, sở dĩ việc chấn hưng Phật giáo được mau chóng như thế theo Tổ Thanh Hanh là nhờ cái giáo lý nhiệm mầu của đức Thế Tôn, và cái Phật tính vẫn ở trong tâm chúng ta cả.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, một thực trạng đau lòng khiến các vị chức sắc Phật giáo, các cao tăng và những người có tâm huyết với đạo tại Việt Nam phải chú ý, đó là đạo Phật ngày càng mất uy tín đối với quốc dân, quần chúng quay lưng lại với Phật giáo ngày càng đông.

Có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến hiện trạng này.

Nguyên nhân thứ nhất và cũng là nguyên nhân chủ yếu là đa số tăng đồ ngày càng lơ là việc học, chuyên lo ứng phó, hành trì tín ngưỡng Phật giáo dân gian, chuyên làm những việc của thầy cúng, dẫn đến thực trạng “dốt và hư nát”, không chuyên tu hành, chỉ tham lợi dưỡng. Điều này đã bị các báo phê phán rất gay gắt. Tuy gay gắt, nhưng những lời phê phán ấy đã thể hiện rất rõ những khía cạnh suy đồi, tiêu cực trong Phật giáo đương thời.

Nguyên nhân thứ hai là xu thế đòi cải cách chính trị và xã hội rộ lên khắp nơi (phong trào đấu tranh của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh…). Đồng thời, tầng lớp thanh niên trẻ ảnh hưởng Tây học ngày càng đông. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của đạo Cao Đài (1926) thu hút tín đồ của đạo Phật1.

Về khách quan, vào đầu thế kỷ XX, trên đất nước Ấn Độ - quê hương Đức Phật đã nổi lên phong trào chấn hưng Phật giáo. Bắt đầu từ cư sĩ David Hewavitarane, người Sri Lanka sau này xuất gia pháp danh là Dharmapala. Ngài là người khởi xướng thành lập Hội Maha Bodhi ở Ấn Độ, đề ra nhiệm vụ: Khôi phục các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ. Phong trào chấn hưng lan rộng nhanh chóng sang các nước Sri Lanca, Myanmar, Nhật Bản và nhất là ở Trung Hoa Dân quốc phong trào khởi sự từ cư sĩ Dương Nhân Sơn đứng lên thiết lập Kỳ Hoàn Tinh xá, vận động nghiên cứu Phật học qua các ngôn ngữ: Hán văn, Anh văn và Pali. Nhưng nhân vật thực hiện chấn hưng Phật giáo Trung Quốc triệt để nhất là Thái Hư Đại sư (1890-1947). Năm 1918, ngài cùng Chương Thái Viêm và một số người khác thành lập Giác Xã ở Thượng Hải, chủ biên Giác xã tùng thư, sau đổi tên thành Hải Triều Âm. Ngài cổ súy phong trào hiện đại hóa Phật giáo và tuyên bố: cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế, cách mạng giáo sản. Sau đó, các tổ chức như: Hiệp hội Phật giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Cư sĩ lâm... liên tiếp ra đời.

Tất cả những điều trên đã tạo nên động lực thúc đẩy và buộc Phật giáo Việt Nam phải tự xét, rồi nhất trí và quyết tâm thực hiện chấn hưng từ những năm 1920 trở đi2.

Những người khởi xướng chấn hưng Phật giáo

Tại Nam kỳ, tháng 7 âm lịch năm 1926 sau khi mãn Hạ tại chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh, cư sĩ Huỳnh Thái Cửu rước chư tôn túc đến thăm nhà mình ở Trà Sất gần thị xã Trà Vinh để cúng dàng Ngọ trai. Trong bài tác bạch long trọng trước chư Hòa thượng, ông Huyện Cửu mô tả hiện tượng suy đồi của Phật giáo và vạch ra con đường làm sáng lại chân tinh thần của Phật pháp. Ông kêu gọi chư Hòa thượng hãy “mạnh dạn hợp tác lập Hội, làm khởi lên phong trào nghiên cứu, chấn chỉnh giềng mối đạo”3.

Hòa thượng Lê Khánh Hòa, trụ trì chùa Tiên Linh, tỉnh Bến Tre, đem việc này bàn với Sa môn Huệ Quang, trụ trì chùa Long Hoà, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, ngài chỉ rõ “Tăng đồ hủ bại, Phật giáo suy vi, chung quy là do Tăng đồ thất học mà ra nông nỗi”. Tiếp theo, Hòa thượng vạch chương trình cho ngài Huệ Quang ý thức sáng tỏ vấn đề cần làm là: Lập Hội Phật giáo, Thỉnh ba tạng kinh dịch ra chữ quốc ngữ, Lập trường Phật học gấp lo đào tạo tăng tài, Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý đạo Phật, kêu gọi tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng lại nếp sống, v.v…4

Tuy nhiên, khi bàn đến bước đi cụ thể thì hai vị đều thấy bốn phương mịt mùng, chưa có ai đủ ánh sáng nhận thức để tham gia và khó khăn nhất là dựa vào nguồn tài chính nào để khuấy động phong trào, trong khi hai vị đều nghèo với ngôi chùa ở nơi thôn quê tỉnh lẻ, danh chưa có bao nhiêu thì có xướng lên rồi cũng như không.

Tại Sài Gòn, tờ Đông Pháp thời báo số 529 ra ngày 5-1-1927 đăng bài Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà của nhà báo Nguyễn Mục Tiên kêu gọi chấn hưng Phật giáo nước nhà trước sự phát triển mạnh mẽ của đạo Cao Đài ở Nam kỳ.

Tờ Đông Pháp thời báo số 533 ra ngày 14-1-1927 đăng bài Chấn hưng Phật giáo ở nước nhà của sư Thiện Chiếu ở chùa Linh Sơn, Sài Gòn, ủng hộ lời kêu gọi chấn hưng Phật giáo của Nguyễn Mục Tiên và đề ra chương trình chấn hưng Phật giáo Việt Nam gồm 3 điểm: 1) Lập Phật học báo quán để tuyên truyền Phật lý, bài trừ mê tín; 2) Lập Phật gia công học hội để đào tạo những bậc có tư cách đúng đắn để truyền giáo; 3) Dịch kinh ra tiếng Việt.

Tại Hà Nội, Khai Hóa nhật báo ra ngày 16-1-1927 đăng bài kêu gọi Chấn hưng Phật giáo của sư Tâm Lai5 đề nghị thành lập Việt Nam Phật giáo Hội cho cả 3 miền và đưa ra chương trình chấn hưng gồm 3 điểm:

1) Lập giảng đàn trong các chùa để giảng kinh sách Phật cho các nhà thiện tín, mượn các nhà văn sĩ thông Hán học dịch kinh sách Phật bằng chữ Hán ra quốc văn; mượn các nhà Pháp học dịch kinh sách Phật bằng chữ Pháp ra quốc ngữ;

2) Mở các trường Sơ học yếu lược, Sơ đẳng tiểu học bên cạnh các chùa đón các thầy giáo theo luật lệ nhà nước dạy học, chỉ thêm mỗi buổi học mười phút giảng kinh Phật;

3) Lập ra ở bên cạnh mỗi chùa một nhà nuôi kẻ khó thu các người tàn tật vào nuôi, dạy cho nghề nghiệp sinh nhai; làm nhà bảo cô thu các trẻ em mồ côi vào nuôi cho ăn học.

Báo chí xứ Bắc đăng nhiều bài hưởng ứng lời kêu gọi chấn hưng Phật giáo của sư Tâm Lai của các tác giả ở Hà Nội và Hải Phòng như Nam Hải, Mộng Hoa, Tâm Ứng, nhà văn Nguyễn Mạnh Bổng, v.v… Một số chùa đã tổ chức dịch kinh ra quốc văn, mở trại nuôi trẻ mồ côi, tổ chức phát thuốc trị bệnh cứu dân,6

Tháng 2 năm Đinh Mão (1927), ngài Khánh Hòa qua đám thượng lương chùa Long Khánh - Trà Vinh, gặp gỡ và làm quen với Giáo thụ Thiện Chiếu, trụ trì chùa Linh Sơn - Sài Gòn. Ông cùng ngài Huệ Quang và sư Thiện Chiếu bàn việc chấn hưng Phật giáo.

Theo kế hoạch, tháng 4 năm Đinh Mão, hai ngài Khánh Hòa và Huệ Quang ra giảng kinh tại trường Hạ ở chùa Long Khánh, thị xã Quy Nhơn để tìm hiểu tình hình Phật giáo Trung kỳ và chiêu tập thêm một số người cùng chí hướng nữa7.

Tháng 5 năm Đinh Mão, được tin phong trào chấn hưng Phật giáo ngoài Bắc có người khởi xướng và một số sơn môn ủng hộ thực hiện, được báo chí cổ động, Giáo thụ Thiện Chiếu liền chủ động ra Bắc liên lạc với các tổ đình để xúc tiến việc thành lập Tổng hội Phật giáo (tức thống nhất Phật giáo ba miền).

Ra Hà Nội, Thiện Chiếu đến chùa Bà Đá yết kiến Hòa thượng Tăng cương Đỗ Văn Hỷ, rồi xin phép lên chùa Hang để gặp sư Tâm Lai. Nhưng do bất đồng quan điểm nên chuyến đi của ngài không thành công. Trên đường về Nam, Thiện Chiếu ghé qua trường Hạ ở chùa Long Khánh - Quy Nhơn, tặng ngài Khánh Hòa một số tạp chí Hải triều âm của Phật giáo hội Trung Hoa mới xuất bản.

Mãn Hạ trở về, hai ngài Khánh Hòa và Huệ Quang dừng tại chùa Linh Sơn bàn tiếp công việc chấn hưng với Thiện Chiếu. Thiện Chiếu đã đưa Chương trình hành động của Tổng hội Phật giáo Trung Hoa mang từ Hà Nội vào cho quý ngài và giục hai vị thực hiện ngay để chấn hưng Phật giáo kẻo chậm8.

Tới cuối năm 1928, trên báo chí Bắc Kỳ không thấy có bài nào viết về chấn hưng Phật giáo nữa. Hơn một năm sau kể từ ngày khởi xướng, phong trào chấn hưng Phật giáo xứ Bắc dần dần lắng xuống rồi tắt hẳn.

Các tổ chức Phật giáo ra đời

Ngọn lửa chấn hưng tuy tắt ở xứ Bắc do không còn người đứng mũi chịu sào, nhưng ở Nam kỳ phong trào chấn hưng vẫn âm ỉ tiếp tục mà công đầu thuộc về Hòa thượng Khánh Hòa lặn lội đi các tỉnh miền Tây để vận động, rồi ngài cùng Sa môn Huệ Quang, sư Thiện Chiếu đi khắp các chùa vùng Sài Gòn - Gia Định kêu gọi ủng hộ tài chính và tinh thần cho chấn hưng Phật giáo.

Tháng 8 năm 1929, nguyệt san Pháp âm của Phật học Thư Xã do Hòa thượng Lê Khánh Hòa chủ trương và sau đó một tháng, tập Phật hóa tân thanh niên do nhà sư trẻ Thiện Chiếu giàu nhiệt huyết cải cách Phật giáo nước nhà ra đời. Tuy chỉ ra được một số, thời gian hoạt động không bao lâu, nhưng Pháp âm Phật hóa tân thanh niên thực sự giữ vai trò tiên phong trong truyền bá chấn hưng Phật giáo. Cuối năm đó, nhờ số tiền 1.000$ bán chính điện chùa Tiên Linh cho làng làm đình và sự giúp đỡ tài chính của các cư sĩ hảo tâm Trần Nguyên Chấn, Ngô Văn Trương và các thầy Thiện Niệm - chùa Viên Giác, thầy Từ Phong - chùa Liên Trì, việc xây Thư Xã và Phật học viện tại chùa Linh Sơn hoàn tất. Các yếu tố tinh thần và cơ sở vật chất cho một tổ chức Phật giáo hoạt động đã chuẩn bị xong, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập hoạt động theo bản Điều lệ được công nhận ngày 29 tháng 12 năm 1929 do một Ban Trị sự lâm thời (tạm) gồm 6 vị Sa môn và 7 vị cư sĩ điều hành.

Ngày 26-8-1931, Thống đốc Nam kỳ J.Krautheimer ký Nghị định số 2062 duyệt y và cho phép Hội được hoạt động chính thức, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont (tức đường Cô Giang, quận 1 hiện nay), Sài Gòn. Ban Trị sự chính thức gồm 9 vị do Hòa thượng Khánh Hòa làm Chánh Hội trưởng, Chánh Thừa biện hạng nhất tại dinh Đốc lý thành phố Sài Gòn là ông Trần Nguyên Chấn làm Phó Hội trưởng; Thủ bổn và Phó Thủ bổn, Từ hàn và Phó Từ hàn, 2 cố vấn viên đều là công chức đương nhiệm. Hội xuất bản bán nguyệt san Từ bi âm (số đầu tiên ra ngày 1-3-1932) do Hòa thượng Bích Liên làm Chủ bút để truyền bá giáo lý; lập Pháp bảo phường, thỉnh Tam Tạng kinh Trung Quốc làm tài liệu nghiên cứu.

Do ông Trần Nguyên Chấn không giữ lời hứa mở Phật học đường, nên ngài Khánh Hòa cùng một số đồng chí bỏ về miền Tây thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học năm 1934, mục đích mở trường đào tạo Tăng tài, hoằng dương Chính pháp. Trụ sở Hội đặt tại chùa Long Phước, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Hội thỉnh Đại Tạng Kinh và Tục Tạng Kinh để làm tài liệu nghiên cứu và ra tạp chí Duy Tâm Phật học do Hòa thượng Huệ Quang làm chủ nhiệm để làm cơ quan hoằng pháp. Năm 1935, Hội mở Phật học đường Lưỡng Xuyên. Những vị xuất thân từ trường này có các Hòa thượng: Thiện Hoa, Thiện Hòa, Huyền Quang, Hành Trụ, v.v…

Ngoài ra, ở Nam kỳ còn có các tổ chức Phật giáo sau:

1) Hội Phật giáo Liên hữu do vị sư trụ trì chùa Bình An, tỉnh Long Xuyên sáng lập năm 1932.

2) Ngày 20 tháng 2 năm 19349, các cư sĩ Lê Văn Hậu, Phan Hiền Đạo, Phạm Đình Vinh, Lương Văn Đường, Lê Văn Chim, Lại Văn Giáo, v.v… quyết định đổi tên tông phái này thành Hội Tịnh độ Cư sĩ Phật học, suy tôn ngài Minh Trí Nguyễn Văn Bông làm Tông sư; trụ sở Hội đặt tại chùa Hưng Minh (Tân Hưng Long), xã Phú Định, Chợ Lớn; chủ trương «Phúc Tuệ (phước huệ) song tu», chú ý đến công tác xã hội. Tháng 1-1937, Hội xuất bản tờ Pháp Âm mang màu sắc thiên tả do Trần Quỳnh, người từng cộng tác với tạp chí Duy Tâm Phật học của Hội Lưỡng Xuyên Phật học làm Chủ bút.

3) Năm 1934, Hòa thượng Lê Phước Chí ở chùa Thiên Phước, tỉnh Sóc Trăng, thành lập Hội Phật giáo Tương Tế, hoạt động khu vực địa phương, tới tháng 10 năm 1936, Hội xuất bản nguyệt san «Bồ Đề Phật học».

4) Ngày 19-10-1934, Hội Thiên Thai Thiền Giáo tông Liên hữu thành lập, có khoảng 400 hội viên, trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai, tỉnh Bà Rịa, do tổ Huệ Đăng làm Hội trưởng. Hội xuất bản tạp chí Bác Nhã Âm có nội dung phong phú, tiến bộ.

5) Hội Phật học Kiêm Tế thành lập tại Rạch Giá, đặt trụ sở tại chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân. Điều lệ Hội được phê chuẩn ngày 23- 3-1937, Hòa thượng Trí Thiền (Nguyễn Văn Đồng) làm Chánh tổng lý, tạp chí Tiến hóa - cơ quan ngôn luận của Hội do Phan Thanh Hà đứng tên Chủ bút ra số đầu tiên vào đầu năm 1938, mang khuynh hướng thiên tả bởi Thiện Chiếu đứng phía sau điều hành.

6) Cuối năm 1934, Hội Thông Thiên học thành lập tại Châu Đốc, Hội ra tạp chí Niết Bàn.

7) Năm 1940, Hòa thượng Thiện Luật và Đại đức Hộ Tông, v.v... qua học ở Campuchia, rồi trở về Việt Nam thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

Sự ra đời nhiều Hội Phật học tại Nam kỳ như “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” phát huy được nguồn lực ủng hộ phong trào chấn hưng, nhưng cũng có nhược điểm là phân tán lực lượng tín đồ, chương trình chấn hưng không thống nhất, có khi các hội công kích lẫn nhau, trái với nguyên tắc Lục hòa của Đức Phật.

Hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo, năm 1932, Hội An Nam Phật học được thành lập ở Huế tại chùa Trúc Lâm, sáng lập viên gồm 5 tăng sĩ và 17 cư sĩ, do Hòa thượng Giác Tiên làm Chứng minh, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Hội trưởng. Hội thỉnh Đại tạng kinh để làm tài liệu nghiên cứu và ra nguyệt san Viên âm (số 1 ra ngày 1-12-1933) để hoằng dương chính pháp, do bác sĩ Lê Đình Thám là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Tới năm 1939, Hội có gần 6.000 hội viên. Tất cả các tỉnh đã thành lập tỉnh hội, mỗi tỉnh hội lại chia ra làm chi hội, phần nhiều còn đang sắp đặt tổ chức.

Năm 1932, hai Hòa thượng Giác Tiên và Tịnh Khiết cử Ni sư Diệu Không và cụ bà Ưng Bàng mở Ni trường (có 40 người) tại chùa Từ Đàm, do Ni trưởng Diệu Hương làm Lãnh chúng. Từ năm 1934 trở đi, Ni viện ngày càng hưng thịnh, có lúc Ni chúng cả ba miền hơn 100 vị theo học, cuối năm này trường chuyển về chùa Diệu Đức.

Năm 1935, Hội mở Phật học đường Báo Quốc, sau dời về tùng lâm tu viện Kim Sơn (1945), những vị xuất thân từ trường này có các Hòa thượng: Thiện Minh, Trí Quang, Thiện Siêu, Trí Tịnh, v.v…

Năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục ra đời, những người xuất thân từ tổ chức này là Tỷ khiêu Thích Minh Châu, cư sĩ Võ Đình Cường, Giáo sư Minh Chi. Sau đó là manh nha Gia đình Phật hóa phổ (sau này là Gia đình Phật tử) do Tâm Minh Lê Đình Thám khởi xướng (năm 1943)10.

Ngoài ra, tại Trung kỳ còn có Hội Đà Thành Phật học thành lập tại Đà Nẵng vào tháng 10 năm 1937, có cơ sở tại 13 tỉnh ở Trung kỳ; Hội xuất bản nguyệt san Tam bảo chí do Hòa thượng Bích Liên làm chủ bút11.

Tiếng nói Từ bi của Nam kỳ, “Âm vọng tròn đầy” (Viên âm) của Trung kỳ đã vang dội ra đến Bắc Kỳ. Các sư Trí Hải, Vũ Đình Ứng (Hải Châu, Tâm Ứng), Đỗ Trân Bảo (Tâm Bảo, Thái Hòa) và các cư sĩ Nguyễn Hữu Kha (Thiều Chửu), Lê Toại, Trần Văn Giác, Lê Dư, … đã bàn tính công chuyện đẩy nhanh phong trào chấn hưng Phật giáo tại xứ Bắc. Tất cả đã quyết tâm và ngày 6 tháng 11 năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập do Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Chánh Hội trưởng, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ số 73 phố Richaud (nay là phố Quán Sứ, Hà Nội); Tháng 12 năm 1935, Hội ra bán nguyệt san Đuốc tuệ. Tháng 1 năm 1936, Hội tổ chức Lễ suy tôn Hòa thượng Thanh Hanh (tổ Vĩnh Nghiêm) lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ. Hội có các cơ sở là Ban Đại lý Phật giáo tỉnh, huyện và xã. Ở cấp huyện, có hai ban: Ban Đại diện bên Tăng và Ban Đại diện bên tại gia (cư sĩ), tính đến năm 1945, Hội đã có trên 100 chi hội Phật giáo các cấp với hơn ba vạn hội viên.

Ngoài ra, ở xứ Bắc còn có:

1) Bắc Kỳ Cổ Sơn môn do Hòa thượng Đinh Xuân Lạc (Chánh Duy na sơn môn và trụ trì chùa Võ Thạch) đứng đầu gồm hai sơn môn Bà Đá và Hồng Phúc với hàng chục chùa ở các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Đông và thành phố Hà Nội. Hội ra bán nguyệt san Tiếng Chuông Sớm từ 1-6-1935. Lúc đầu, Bắc Kỳ Cổ Sơn môn cho rằng Ban Trị sự của Hội Phật giáo Bắc Kỳ chỉ toàn là cư sĩ; Hội lập trường Phật học theo “lối mới” để đào tạo một thế hệ “sư mới”, như vậy là phủ nhận truyền thống học tập trong mùa An cư kiết Hạ của Thiền môn và họ không thể chấp nhận chấn hưng Phật giáo với những nội dung như vậy.

Tuy nhiên, qua những lần Tổ Thiền gia Pháp chủ chủ động đến thăm và đàm đạo với Hòa thượng Đinh Xuân Lạc nên những bất đồng nói trên được giải quyết, nhường chỗ cho sự hợp tác thân thiện. Nhờ vậy, Phật giáo Bắc Kỳ quy về một mối dưới sự lãnh đạo của Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

2) Ngày 23 tháng 12 năm 1943, Hội Thanh niên Phật tử Việt Nam thành lập do bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Hội trưởng, tham tá Nha Học chính Đông Dương Nguyễn Văn Bê làm Phó Hội trưởng. Hội chủ trương đoàn kết các Phật tử để cùng nhau tinh tiến theo Phật giáo, trong thì săn sóc thanh niên đồng đạo, ngoài thì từ bi cứu tế làm việc xã hội.

Ngọn đuốc trí tuệ của tăng ni, Phật tử Bắc Kỳ được châm lên hơi muộn nhưng kịp hòa chung với ngọn đuốc ở Trung kỳ và Nam kỳ bừng sáng cả 3 miền, dần dần xua tan bóng tối của thế lực vô minh, đẩy lùi những tham vọng làm sụp đổ nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, đưa dân tộc Việt Nam vào con đường tha hóa để dễ dàng làm suy yếu tinh thần độc lập tự cường của dân tộc.

Các Hội Phật học đã tận dụng triệt để các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, để tuyên truyền những nội dung vừa nêu. Đồng thời, kêu gọi được sự đồng tình nội bộ Phật giáo, sự ủng hộ từ nhiều phía, nhiều đối tượng trong xã hội.

Thái độ, quan điểm của các giai tầng xã hội Việt Nam về chấn hưng Phật giáo

Trải gần 2.000 năm du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã chiếm được một chỗ khá vững chắc trong lòng của hàng chục triệu người. Giờ đây, đứng trước sự kiện mới lạ là cuộc vận động chấn hưng Phật giáo diễn ra trên cả ba miền thì thái độ, quan điểm của các giai tầng xã hội Việt Nam về vấn đề Phật giáo với dân tộc như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu làm rõ.

Các nhà Nho Duy tân

1. Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng cổ súy cho Phật giáo

Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng trong bài Hiện trạng Phật học ở xứ ta đăng trên tạp chí Viên âm12 số 3 ra ngày 1-2-1934, viết: "Người ta nói khoa học với tôn giáo không cùng đi với nhau, là nói ở xứ văn minh nào kia, chứ ở xứ khai thông chậm trễ, dân trí mê mù như xứ ta, tôn giáo vẫn còn là phương thuốc chữa bệnh chung cho người mình có hiệu nghiệm. Huống chi cái thuyết từ bi cứu khổ, độ tha, giác tha và nhân quả luân hồi của Phật giáo, thông cả các giai cấp trong xã hội, mà ai thực tâm tín ngưỡng và thực hành theo, có bổ ích trong chúng sinh không phải là ít, chưa nói đến Niết bàn là chỗ thượng thừa cao xa kia. Vật nuôi tinh thần cũng như vật nuôi hình chất, người ta giàu sang thì món ngon vật lạ mới lấy làm ngon miệng, chớ dân nghèo đói thì khoai rau đậu bắp cũng lấy làm no lòng. Phật giáo ở đời khoa học này, dầu là vật xưa, mà xứ ta chưa phải là vô dụng”. Huỳnh Thúc Kháng nhận xét: "Trải qua những thăng trầm của lịch sử Phật giáo vẫn còn nguyên vẹn mà bây giờ lại có người lo chấn hưng như Từ bi âm13, Viên âm; trong khi đó Nho giáo gần như bị tiêu diệt”. Ông chỉ rõ chấn hưng Phật giáo là một việc làm có lợi ích cho quốc dân và động viên “Viên âm hãy gắng lên!”.

2. Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Một số Nho sĩ có tư tưởng cấp tiến cho rằng chấn hưng Phật giáo là phương tiện thích hợp để vận động cách mạng. Nhân vật tiêu biểu là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy), người đã có liên hệ mật thiết với Hòa thượng Khánh Hòa - nhân vật chính của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ và các nhà cách mạng. Theo cụ Phó bảng: “Tu theo Phật là phải nhập thế, thực hiện thuyết từ bi cứu khổ chúng sinh của Phật, nghĩa là phải tham gia vào công cuộc vận động giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang”14.

Giới trí thức tân học

1. Bác sĩ Lê Đình Thám

Bác sĩ Lê Đình Thám nhấn mạnh vai trò của đạo Phật trong việc xây dựng nền đạo đức cho xã hội: “Đức dục mở mang làm cho mọi người đều biết bỏ tham dục thì nhân loại quyết định hưởng được cái hạnh phúc rất to tát ra ngoài cái vật chất. Vậy đức dục là một sự cần yếu nhất cho nhân quần xã hội.

Đức dục đối với nhân quần xã hội hệ trọng đến thế nên đức Bổn sư của chúng ta là Đức Phật Thích Ca trong lúc hiện ra ở Ấn Độ chỉ một mặt tuyên truyền chính pháp để cải tạo cái tâm tham, sân, si của chúng sinh biến thành cái tâm từ bi của chư Phật.

Đức Phật Thích Ca đã lấy cái đức dục của chúng sinh làm mục đích thì cái trách nhiệm về phần đức dục của xã hội quyết định là cái trách nhiệm của Tăng bảo đạo Phật. Vậy đạo Phật là các ông thầy dạy về xã hội, về mặt đạo đức, dắt dìu sự thực hành đạo đức cho người lớn, đào tạo cái tinh thần đạo đức cho trẻ con, sửa cái tâm dữ hoá tâm lành, sửa những người ích kỷ trở nên người bác ái. Xã hội càng tham sân si bao nhiêu thì cái trách nhiệm của Tăng bảo đạo Phật lại càng trọng yếu bấy nhiêu”15.

Lê Đình Thám cho biết ở nước ta “từ thế kỷ XI đến XIV, dưới triều Lý, Trần, đạo Phật lại càng thêm vẻ vang oanh liệt. Từ các vị Đế vương, các bà Hoàng hậu, các bậc Công Hầu, Khanh Tướng, cho đến nhân dân, tất thảy đều quy y Tam Bảo, dựng chùa khắp xứ, tôn trọng Tăng già, sùng bái Phật pháp.

Về sau, tuy đạo Nho vẫn bành trướng, mà đạo Phật cũng vẫn duy trì; cho đến đời nay, thiện nam tín nữ toàn xứ đâu đâu cũng thờ Phật, không làng nào không có chùa. Ảnh hưởng đạo Phật đối với đức dục, văn minh, tư tưởng quốc dân, thực rất cao thâm, điều ấy không ai còn không nhận”.

Ông cho rằng lập Hội An Nam Phật học là để “trước hết là thức tỉnh tất cả Phật tử trong nước để hiệp thành đoàn thể và đem lòng đại nguyện

tự giác, giác tha tự tha kiêm lợi của Phật mà hoá độ lẫn nhau, dắt dìu trên con đường chánh giác, mong tìm hạnh phúc viên mãn”. Muốn đạt mục đích ấy, Hội chỉ dùng tôn chỉ từ bi bác ái của Phật, mà khuyến khích nhân tâm theo lành tránh dữ16.

2. Lệ Thần Trần Trọng Kim

Ông từng học ở Pháp từ năm 1907 -1911 và là một học giả nổi tiếng với các tác phẩm về lịch sử (Việt Nam sử lược) và Nho giáo (Nho giáo, Khổng học đăng). Trong bài diễn thuyết đầu tiên của ông tại chùa Quán Sứ ngày 17-3-1935, có đầu đề là “Phật giáo đối với cuộc nhân sinh” đứng trên lập trường chấn hưng Phật giáo, Trần Trọng Kim nhấn mạnh đến tính chất tự cường tự lực cần có của người thực sự muốn tu hành theo đạo Phật. Ông nói: “Theo đạo Phật là tự cái tâm mình phấn chấn lên mà làm điều lành điều phải, tự mình có sức mạnh để phá cho hết những cái nó trói buộc mình vào chỗ khổ. Bởi thế người thật bụng theo đạo Phật là người có cái tâm lực rất cương kiện lòng dạ vững bền như gang sắt. Cũng vì thế mà đạo Phật thường hay dùng bốn chữ “dũng mãnh tinh tiến”. Dũng mãnh tinh tiến để giải thoát, dũng mãnh tinh tiến để cứu người, dũng mãnh tinh tiến để phá cái mê, trừ cái hại. Người ta đã có cái đức dũng mãnh tinh tiến thì không bao giờ chịu đứng lùi lại mà chịu kém người, không bao giờ lười biếng trễ nải, không bao giờ ham mê vật dục, có thể giam hãm mình vào những nơi tối tăm dơ bẩn”.

Sau khi nói đến đại nguyện của đức Quán Thế Âm Bồ tát, ông tiếp: “Đạo Phật về đường tinh thần thì mạnh mẽ như thế, về đường từ bi bác ái thì rộng rãi bao la như thế. Giá ta hiểu được rõ và biết đúng ra thì rất có lợi cho sự tiến thủ của người đời”17.

Trong bài diễn thuyết nổi tiếng “Thập nhị nhân duyên” tại chùa Quán Sứ, Hà Nội ngày 11-01-1936, Trần Trọng Kim nói rõ mục đích của phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ: “... Bởi những lẽ ấy cho nên chúng tôi rủ nhau đứng lên lập Hội Phật giáo, chủ ý là muốn làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau chuốt cho bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với nhu yếu của người đời”. Để góp phần làm sáng tỏ cái đạo đã mờ: “... nhiều người tuy nói là tín đồ nhà Phật, nhưng ngoài mấy câu kinh kệ và sự đi lại đến chùa lễ bái để cầu phúc cầu đức ra, hỏi đến Phật, đến Bồ tát là thế nào, thì chưa hầu dễ đã có mấy người biết rõ mà nói được. Thậm chí, đến cách bài trí trong chùa, thấy có tượng thì gọi là tượng Phật, tượng Thánh mà thôi, chứ không biết đích xác ngôi tượng nào thờ vị nào, và bày ra như thế là có ý nghĩa gì”.

Tu sĩ Phật giáo

1. Hòa thượng Thanh Hanh (tổ Vĩnh Nghiêm)

Bậc cao tăng đức cao đạo trọng này của Phật giáo xứ Bắc nói: Từ khi bần tăng xuất gia đầu Phật cho đến bây giờ (tháng 1-1936), một lòng vì đạo, những mong thiệu long Phật pháp để cứu độ quần mê. Song le gặp phải thời kỳ mạt pháp, đạo Phật khó nỗi chấn hưng, nên ngài đành phận ở nơi rừng núi, tu theo các Tổ để mong giải thoát cái thân giả dối này. Tưởng rằng không may mà lại hóa may; Tổ không nghĩ đến đâu lại gặp cơ hội đạo Phật hưng thịnh như thế này; khắp Bắc Trung Nam ba kỳ đâu đâu cũng nghe tiếng chấn hưng Phật giáo.

Xét ra, sở dĩ việc chấn hưng Phật giáo được mau chóng như thế theo Tổ Thanh Hanh là nhờ cái giáo lý nhiệm mầu của đức Thế Tôn, và cái Phật tính vẫn ở trong tâm chúng ta cả. Tổ kêu gọi: “Chư Tăng! Chư Tăng cùng bần đạo là đệ tử Phật, cái trách nhiệm nội hộ để truyền Phật tâm ấn, phụng tuyên Tam Tạng thánh giáo, để lấy làm Phật pháp cương kỷ, nhiều vị bấy lâu vẫn tùy tâm tùy lực riêng mà ra công chống chọi với cái đồi ba của đạo Phật trong lúc vận tàn này! Nay được chính quyền cho phép thành lập Hội Phật giáo, trong chư Tăng như có vị nào trước đã trót làm sai tôn chỉ của đạo Phật, thì kíp sửa đổi thân tâm, còn ra thì nên lấy cái nghĩa Lục hòa của Phật, bỏ hết mọi sự hiềm khích, của tông nọ phái kia, một lòng sùng bái Đức Phật Tổ chí tôn, ra công bảo trợ Hội Phật giáo làm được hoàn toàn mọi việc, để Phật lý ngày một xương minh, cho quần sinh được vui vẻ nương nhờ dưới bóng Bồ đề mà thoát khỏi vòng trầm luân khổ ải, ấy là cái lòng sở nguyện của bần tăng đạo mỏng đức bạc này”18.

Những người Macxit

Nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn) người đầu tiên tuyên truyền chủ nghĩa Mac-Lênin một cách bài bản trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam từ cuối thập niên 1920, đặc biệt là cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật - Nghệ thuật vị nhân sinh và cuộc tranh luận về Duy Tâm - Duy vật.

Trên báo Tiến bộ số 4 ra ngày 9-2-1936, trong bài Sư Vân Đàm đã cởi áo cà sa trả cho Phật, Hải Triều có nhắc kỷ niệm tranh luận với sư Thiện Chiếu về «Tâm» và «Vật». Kết quả nhà tu hành ở Linh Sơn tự cởi áo cà sa trả Phật và khẳng khái bảo: «Phật giáo không giúp ích gì cho nhân sinh cả». Điều này cho thấy Hải Triều không tán thành phong trào chấn hưng Phật giáo.

Từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Đại hội lần thứ nhất tại Ma Cao, Trung Quốc. Khi đánh giá về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, cùng với sự ra đời và hoạt động sôi nổi của đạo Cao Đài, Nghị quyết chính trị của Đại hội cho rằng đây “là những mưu mô của đế quốc lấy mê tín che lấp tư tưởng giai cấp tranh đấu, để kéo quần chúng ra khỏi cách mạng tranh đấu”19. Nhận định này mang tính «tả khuynh» của Quốc tế III, đã hạn chế phần nào khả năng đoàn kết dân tộc, tôn giáo trong cách mạng dân tộc. Mãi tới năm 1941, khi Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng đã khắc phục quan điểm sai trái trên bằng việc thành lập Mặt trận Việt Minh tập hợp mọi tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, các đảng phái, đoàn thể... cùng nhau đứng lên đánh đổ đế quốc thực dân, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Những kết quả của phong trào chấn hưng Phật giáo

Phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 1930 - 1945 đã gặt hái được một số kết quả sau:

1- Hàng loạt các Hội Phật học20 ra đời với sự chung tay chung sức của Tăng già và cư sĩ. Có trụ sở Hội quán, có tổ chức hành chính, có hướng dẫn tổ chức lễ Phật đản, lễ Vu lan - phổ độ Trung nguyên, hướng dẫn bài trí tượng Phật ở chùa, hướng dẫn khóa lễ, giảng truyền giáo lý Phật đà…

Bắc Kỳ và Trung kỳ đã suy tôn được ngôi vị Tăng thống để chỉnh đốn thiền môn, vãn hồi quy giới.

Nhờ vậy, chư Tăng có phong thái từ hòa, đạo hạnh quy giới trang nghiêm, nạn mê tín dị đoan được đẩy lùi dần.

2- Các Hội21 đều ra báo để hoằng dương chính pháp, phổ thông giáo lý bằng quốc văn thay cho chữ Hán. Nhiều bản dịch kinh sách Phật giáo được xuất bản như các kinh: Bát đại nhân giác, Bát nhã Ba la mật đa, kinh Lễ sáu phương, Địa Tạng, Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm…; Các trước tác như: Phật Lục, Phật giáo của Trần Trọng Kim, Vì sao chúng ta nên theo đạo Phật của Ưu Thiên Bùi Kỷ, Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Thích Mật Thể… hay các sách: Khóa hư giảng nghĩa, Phật giáo giáo khoa thư… những bài viết về Phật giáo các nước Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Pháp,… nhật ký viếng thăm Phật giáo Lào, Campuchia, Trung Quốc không những giúp cho nhiều người học và nghiên cứu Phật học mà còn góp phần vào việc giới thiệu Phật giáo thế giới với Việt Nam.

Nếu khẳng định chữ quốc ngữ là yếu tố quan trọng trong công cuộc xây dựng và củng cố nền thống nhất quốc gia dân tộc, thì trên lĩnh vực này đóng góp của phong trào chấn hưng Phật giáo vượt trội phong trào Đông Kinh Nghĩa thục cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

3- Các thiên biên khảo danh Tăng trên tạp chí Đuốc tuệ, Viên âm, nhất là bộ Việt Nam Phật điển tùng san do hai cư sĩ Trần Văn Giáp và Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha sưu tập, trình Hội Phật giáo Bắc Kỳ thẩm định và xuất bản 3.000 bộ với sự tài trợ của Trường Viễn Đông Bác Cổ mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa dân tộc sâu sắc. Phong trào chấn hưng Phật giáo đã góp phần đáng kể trong việc xác định rằng yếu tố Phật giáo là một trong những yếu tố căn bản làm nền tảng cho văn hóa Việt Nam.

4- Các Hội đều mở trường có chương trình môn học với các cấp học, đào tạo một thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính và có học22.

5- Đưa tuổi trẻ vào đạo Phật là một trong những thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngay từ những năm 1938-1940, các Hội Phật giáo ở Trung kỳ và Bắc Kỳ đã chú trọng đến giáo dục tuổi trẻ. Ở Bắc Kỳ có nhiều tỉnh hội đã thành lập Ban Đồng ấu, và nghi thức lễ Phật của các em đã được sáng tác toàn bằng Việt ngữ. Cư sĩ Đỗ Công Chân là người có công nhất trong sự dạy dỗ và huấn luyện tuổi trẻ. Đặc biệt, ở Trung kỳ, ngày 8 tháng 12 năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục ra đời tại Huế, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, sau đó là Đoàn Đồng ấu Phật tử, tới tháng 5 năm 1944 chuyển thành Gia đình Phật hóa phổ - tiền thân của Gia đình Phật tử ngày nay23.

6- Về phương diện xã hội ngoài những công tác như lập cô nhi viện nuôi trẻ mồ côi, nuôi dạy trẻ em nghèo, cứu trợ nạn nhân đói, đồng bào vùng bị thiên tai, tổ chức khám, chữa bệnh phát thuốc, Tỷ khiêu Thích Thanh Đặc kêu gọi các tu sĩ Phật giáo phải chọn «một sinh nghiệp xã hội» để tự nuôi sống mình và hành đạo. Những nghề họ có thể làm, theo ông, là dạy học, làm thuốc Đông y, làm nhà in, nhà xuất bản, in kinh, cắt chữ, dệt may v.v…không nên sống trên sự cúng dàng của tín đồ24. Điều này cho đến nay đối với tu sĩ Phật giáo vẫn đúng.

KẾT LUẬN

Phong trào chấn hưng Phật giáo được khởi xướng từ những năm 1920 bởi các nhà sư giàu nhiệt huyết lo lắng tới vận mệnh của Phật giáo nước nhà ở Nam và Bắc Kỳ, rồi lan rộng trong cả nước.

Nhờ sự hiệp sức giữa các tăng sĩ và cư sĩ mà các Hội Phật học ra đời, lãnh đạo công cuộc chấn hưng ở ba miền, thu hút được nhiều tín đồ Phật tử. Một sự chuyển biến được diễn ra trong tư tưởng của hàng trí thức cựu học và tân học, đã quá chán ngán với nền văn minh vật chất phương Tây. Họ tham gia phong trào, ủng hộ bằng mọi cách hoặc cung cấp tiền bạc hoặc giúp đỡ phổ thông giáo lý… giúp các Hội Phật học ở ba miền gặt hái những kết quả ban đầu đáng khích lệ không chỉ góp phần khôi phục lại truyền thống tín ngưỡng của dân tộc để duy trì, truyền bá chính pháp mà còn góp phần vào khai dân trí, nâng cao dân sinh cho nhân dân ta dưới thời thuộc Pháp.

Tới năm 1945, thời cuộc thay đổi làm cho công cuộc chấn hưng gần như bị đình chỉ trọn vẹn. Nhưng cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ 1930-1945 đã để lại những bài học quí cho Phật giáo Việt Nam những năm tiếp theo, cho đến hôm nay và mai hậu.

 


* Trưởng Văn phòng miền Bắc Trung tâm NCPGVN, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

1. Dẫn theo Trần Tri Khách, Thời kỳ Tiền chấn hưng: Theo báo cáo của Thống đốc Nam kỳ: năm 1930 đạo Cao Đài có từ 500 ngàn tới 1 triệu tín đồ trong tổng số dân Nam kỳ là 4 triệu tới 4 triệu rưỡi. Có nhận xét cho rằng ở Nam kỳ lúc đó, đạo Phật và đạo Khổng suy yếu vì thiếu những tu sĩ có học thức Trong khi đó, đạo Cao Đài là một tôn giáo tổng hợp Phật-Lão-Nho, một hệ thống tổ chức giáo hội chặt chẽ, nghi thức hành lễ trang trọng gây ấn tượng mạnh và thành phần sáng lập đạo là những công chức cao cấp trong chính quyền thuộc địa có uy tín, có trình độ học thức và có khả năng thu hút quần chúng.

2. Năm 1923: Tại Nam kỳ, Hội Lục Hoà Liên hiệp do các Hòa thượng Từ Phong, Huệ Quang, Khánh Hòa khởi xướng, nhằm tạo điều kiện cho các vị trong giới Tăng già ưu tư về sự suy thoái của Phật giáo nước ta có cơ hội gặp gỡ nhau để bàn bạc việc chấn hưng Phật giáo qua ba nỗ lực: chỉnh đốn Tăng già, lập Phật học đường, dịch và xuất bản các kinh sách bằng chữ Quốc ngữ. Hội Lục Hoà Kiên hiệp đặt trụ sở tại chùa Long Hoà ở Trà Vinh, do sư Huệ Quang trụ trì. Hội tổ chức họp Tăng già luân phiên mỗi kỳ tại một chùa để gây tình đoàn kết. Sư Từ Phong (1864-1938, trụ trì chùa Từ Lâm ở Gò Kén, Tây Ninh) thường được mời làm Pháp sư thuyết giảng trong những buổi hội chúng này. Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3) cho rằng Hội Lục Hoà Liên Xã là viên đá đầu tiên của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Nhưng theo học giả Trí Không trong sách Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ 1950 trở đi, do chùa Xá Lợi, xuất bản năm 2009 thì: Năm 1920, ngài Khánh Hòa cùng Hòa thượng Từ Phong thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp ở chùa Giác Hải nơi ngài Từ Phong trụ trì. Và từ 1920-1926 trải 7 năm, việc chấn hưng Phật giáo của Hội Lục hòa Liên hiệp chưa tiến triển được chút gì, vì các tăng sĩ chí khí thì có dư mà tài chính và bao nhiêu ách yếu khác thật khó vượt qua. Còn ông Huyện Cửu có đề nghị “sửa đạo” trong một buổi trai tăng vào tháng 9 năm 1926. Chư Hòa thượng nghe xong biết vậy, không suy tư gì (theo “Tự trần” của Hòa thượng Khánh Hòa). Bởi vậy, chúng tôi cho rằng công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ cũng như Bắc Kỳ là từ năm 1927, khi xuất hiện 3 bài kêu gọi chấn hưng Phật giáo trên các tờ Đông Pháp thời báo, Khai Hóa nhật báo, việc dịch kinh Phật ra chữ quốc ngữ và nuôi trẻ mồ côi ở chùa Phương Lăng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và quan hệ giữa Phật giáo Nam kỳ với Phật giáo Bắc Kỳ qua chuyến ra Bắc của sư Thiện Chiến.

Còn việc thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp ở Nam kỳ (1920/1923) hay Hội Tiến đức Cảnh sách đặt trụ sở tại chùa Quế Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định do Hòa thượng Tuệ Tạng – Trần Thanh Thuyên thành lập năm 1920 chỉ là những bước đi dò dẫm, thí nghiệm trong một phạm vi nhỏ của vài ngôi chùa Nam kỳ và Bắc Kỳ. Chưa thể gọi là phong trào chấn hưng Phật giáo.

3. Khánh Hòa “Tự trần” đăng trên Pháp âm tạp chí số ra ngày 13-8-1929.

4. Khánh Hòa “Tự trần” đăng trên Pháp âm … đd.

5. Tư liệu báo chí Việt Nam năm 1927 (xem Nguyễn Đại Đồng và TS. Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo (tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938), NXB Tôn giáo, 2008), cho biết: Năm 1924, sư Tâm Lai được sư cụ chùa Phương Lăng (thuộc sơn môn Bà Đá, Hà Nội), xã Vĩnh Bảo, huyện Thuỷ Nguyên, tỉnh Kiến An cử lên trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ động tự) ở làng An Thái, đồn điền Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

6. Nguyễn Đại Đồng và TS. Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo (tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938), NXB Tôn giáo, 2008, cho biết: Chùa Phương Lăng huyện Thủy Nguyên phối hợp với các nơi dịch ra chữ quốc ngữ 4 bộ kinh: Báo Ân, Hiền Ngu, Pháp Hoa và Hoa Nghiêm đang chuẩn bị xuất bản; đã in Huyết Hồ phát cho Phật tử để «cho con hiểu biết yêu thương mẹ đẻ»; đang in Sự tích Phật Tổ tại nhà in Long Quang, Hà Nội. Tu sửa lại chùa, nuôi 3 -4 trẻ mồ côi.

7. Khánh Hòa “Tự trần” đăng trên Pháp âm… đd.

8. Khánh Hòa “Tự trần” đăng trên Pháp âm… đd.

9. Theo sách Đồng Tháp nhân vật thì ngày 20-2-1934, sư Minh Trí thành lập Hội Tịnh Độ cư sĩ. Nói như vậy e rằng không phù hợp việc một nhà sư đứng ra thành lập Hội Phật học cho cư sĩ. Còn sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3 của Nguyễn Lang, NXB Văn học, 1994 thì cho rằng Hội Tịnh Độ cư sĩ thành lập năm 1936.

10. Ngày 8-12 năm Mậu Tý (đầu năm 1949) Gia đình Phật tử chính thức ra đời tại chùa Từ Đàm, Huế góp phần giáo dục ‘Đức dục” và “Trí dục” cho thanh thiếu niên Phật tử với các cấp Sơ thiện, Trung thiện, Chánh thiện phù hợp với các lứa tuổi. Phong trào Gia đình Phật tử phát triển ra Bắc (15-10-1950), vào Nam, tới năm 1973 số đoàn sinh Gia đình Phật tử miền Nam lên đến 20 vạn người.

11. Theo Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB Văn học, 1994 thì: Năm 1930, tại tỉnh Bình Định các Hòa thượng: Phước Huệ, Phổ Huệ chùa Thập Tháp, các Pháp sư: Bích Liên, Liên Tôn, Trí Độ, các Hòa thượng Vĩnh Khánh, Long Khánh, Thiên Đức, Bạc Sa v.v…có công lớn trong ấn hành các văn phẩm, sáng lập và duy trì các trường gia giáo ở các chùa Thập Tháp, Long Khánh, Bạch Sa, Minh Tịnh và Thiên Đức. Năm 1932, quí ngài hợp nhau thành lập “Hội Phật học Bình Định” với sự cộng tác của các cư sĩ Nguyễn Mạnh Trừng, Phan Thanh Khuyến, Lê Tú Anh v.v… Không rõ Nguyễn Lang căn cứ vào đâu để viết như vậy. Theo tài liệu điền dã của Thạc sĩ Dương Văn Mừng, giảng viên khoa Sử Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng thì tại Bình Định chỉ có Khuôn hội An Nam Phật học mà thôi.

12. Viên âm là cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội An Nam Phật học (Trung kỳ)

13. Từ bi âm là cơ quan hoằng pháp của Hội Nghiên cứu Phật học Nam kỳ.

14. Sách Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc xuất bản năm 1994, cho biết: năm 1928, chí sĩ Nguyễn Sinh Huy lưu lại chùa Tuyên (Tiên) Linh gần 7 tháng và rất tâm đầu ý hợp với vị trụ trì là Hòa thượng Lê Khánh Hòa, trước khi đi lên Cao Lãnh sống, ông tặng ngài Khánh Hòa hai câu đối, đặt theo hiệu NHƯ TRÍ của Hòa thượng:

Như trí như thị, như lai hoá hiện tiếp dẫn quần mê qui tịnh vức,

Trí vi trí giả, hiện thân thuyết pháp hô hào trí thức thượng thiên thai.

Hai câu đối này có ý mong ngài Khánh Hòa hãy làm việc như Đức Phật là nói pháp khai mở tâm trí ngu muội của chúng sinh, giúp họ đạt tâm thanh tịnh, khiến người có hiểu biết đạt tới cõi cao sang giải thoát.

Ông còn tặng hai câu đối nữa, lấy ý từ hiệu chùa Tuyên Linh:

Tâm tức Phật, Phật tức tâm, bát vạn trầm lao độ tịnh tận,

Linh nhi hư, hư nhi giác, tam thiên thế giới tổng bao hàm.

Hai câu đối sau, nói chỗ bí yếu thành Phật chính là Tâm. Điều này chứng tỏ Chí sĩ có sức hiểu rất sâu về Phật pháp.

15. Châu Hải (bút hiệu của Lê Đình Thám), Trách nhiệm của Tăng bảo với xã hội, tạp chí Viên âm số 21 ra tháng 5+6 năm 1936.

16. Tâm Trực (bút hiệu của Lê Đình Thám), Phật pháp đối với hiện đại trong xứ ta, tạp chí Viên âm số 36 ra tháng 5+6 năm 1939.

17. Dẫn theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB Văn học, 1994.

18. Dẫn theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB Văn học, 1994.

19. Xem Đuốc tuệ số 9 ra ngày 11-1-1936.

20. Xem Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mục Văn kiện Đại hội.

21. Trong các Hội Phật giáo nói trên, có 3 Hội hoạt động rất mạnh mẽ, đều đặn, thường xuyên đi vào quần chúng và có ảnh hưởng lớn lao là Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội An Nam Phật học và Hội Phật giáo Bắc Kỳ

22. Những tác phẩm trong bộ sách này đã được ấn hành: Chư kinh nhật tụng (một bộ hai tập); Thụ giới như phạm (một bộ hai tập), Thiền uyển kế đăng lục (một tập), Pháp Hoa đề cương (một tập), Bát Nhã trực giải (một tập), Khóa hư lục (một tập), Trần triều dật tồn điển lục (một tập), Lễ tụng hành trì tập yếu (một tập). Những tác phẩm như Thiền uyển tập anh, Thánh đăng lục, Trần triều Thiền tông bản hạnh chưa kịp ấn hành vì thời thế thay đổi và công việc bị đình trệ. Viện Viễn Đông Bác cổ tặng Hội Phật giáo Bắc Kỳ 200 bộ Việt Nam Phật điển Tùng san.

23. Các danh tăng như đức Pháp chủ Thích Tâm Tịch, quí Hòa thượng Thanh Kiểm, Tâm Giác, Tâm Thông, Viên Tu …được đào tạo tại trường Phật học Quán Sứ, Bồ Đề, Bằng Sở của Hội Phật giáo Bắc Kỳ; Các thiền sư uyên thâm như Thiện Hoa, Hành Trụ, Thiện Hòa, …đều được đào tạo tại Phật học đường Lưỡng Xuyên; quý vị cao tăng xuất sắc như các ngài Trí Quang, Trí Thuyên, Trí Thủ, Thiện Siêu, Thiện Minh …được đào tạo khóa đầu tiên của Phật học đường An Nam Phật học. Năm 1944, Hội Phật giáo Bắc Kỳ ủy nhiệm cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha và Ban Hộ niệm xây trường Phổ Quang tại làng Mọc (nay thuộc phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân), Hà Nội. Tháng 1 năm 1945, Trường tiếp nhận 300 trẻ em nghèo đến vừa học (chủ yếu theo chương trình thế học, xen kẽ học giáo lý đạo Phật) vừa làm, một mô hình giáo dục tiên tiến lúc bấy giờ.

24. Báo Viên âm, số 109 + 110 năm Tân Mão (1952) Đặc san về Gia đình Phật tử.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6952388