Thông tin

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

Ở QUẢNG BÌNH (1930-1945)

 

NNC. NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 


Chùa Phổ Minh

 

Đạo Phật Việt Nam có sự chuyển mình

Những năm của thập niên 1920, một thực trạng đau lòng khiến các vị chức sắc Phật giáo, các cao tăng, những người có tâm huyết với đạo phải chú ý: Đạo Phật ngày càng mất uy tín đối với quốc dân, quần chúng quay lưng lại với Phật giáo càng đông.

Có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến hiện trạng này. Nguyên nhân chủ quan là đa số tăng đồ ngày càng lơ là việc học, chỉ chuyên ứng phó, hành trì tín ngưỡng Phật giáo dân gian, chuyên làm những việc của thày cúng, dẫn đến thực trạng “dốt và hư nát”1.

Từ những năm 1920, phong trào chấn hưng dấy lên ở Nam Kỳ với nhà báo Nguyễn Mục Tiên và các nhà sư Khánh Hoà, Thiện Chiếu, Huệ Quang, và ở Bắc Kỳ với các nhà sư Tâm Lai (chùa Hang - Tiên Lữ động tự, Thái Nguyên), Thượng tọa Nguyên Ân (chùa Phương Lăng, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An... Sau cuộc gặp giữa sư Thiện Chiếu và sư Tâm Lai tại chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên bàn về thành lập Tổng hội Phật giáo (tức thống nhất Phật giáo cả nước) không thành, phong trào chấn hưng Phật giáo lắng xuống ở xứ Bắc, còn ngọn lửa chấn hưng vẫn âm ỉ ở Nam Kỳ...

Sau hai năm trời lặn lội đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ để vận động, giúp phong trào chấn hưng Phật giáo được phổ cập, ngày 26 tháng 8 năm 1931, lần đầu tiên một hội Phật học ra đời với danh xưng là “Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học”2 đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont, Sài Gòn (tức đường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Hội trưởng là Hòa thượng Từ Phong, hai Phó Hội trưởng là Hòa thượng Khánh Hòa và ông Trần Nguyên Chấn. Hội xuất bản bán nguyệt san Từ Bi Âm (số đầu tiên ra ngày 1 tháng 3 năm 1932) để truyền bá giáo lý; lập Pháp bảo phường (thư viện), thỉnh Tam Tạng kinh Trung Quốc làm tài liệu nghiên cứu.

Ngày 17 tháng 9 năm 1932, Khâm sứ Trung Kỳ Yves Charle Chaftel ký Nghị định số 2691 cho phép Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý Phật giáo, chính thức mở đầu cho phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Kỳ3. Mục đích ban đầu của Hội là: “Mỗi tháng đến ngày mồng một và rằm thiết lễ, lễ Phật và thỉnh thầy giảng đạo để cho các hội viên đồng học, đồng tu; cốt để giúp thiện nam và tín nữ được hiểu rõ chánh pháp của Phật4.

Hội viên của Hội bao gồm: 1) Sáng lập hội viên; 2) Ân nghĩa hội viên; 3) Tán trợ hội viên; 4) Vĩnh viễn hội viên; 5) Thường trợ hội viên.

Ban Chứng minh của Hội gồm Quốc sư Phước Huệ (Bình Định) và chư vị Hòa thượng ở Huế như: Huệ Giác, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh.

Ban Trị sự của Hội gồm: Hội trưởng là cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Hội phó Lê Quang Tiếp, Thư ký Hoàng Xuân Ba, Thủ quỹ Trương Xướng, Kiểm soát Lê Thanh Cảnh; Hội viên danh dự gồm vua Bảo Đại cùng Tam tôn cung nữ và Khâm sứ Trung Kỳ. Ngày 30 tháng 5 năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định số 2009/P3 cho phép Hội xuất bản nguyệt san Viên Âm với điều kiện: “Nội dung Viên Âm chỉ giảng giải các giáo lý của Phật giáo ra chữ quốc ngữ”5. Ngày 10 tháng 8 năm 1936, Toàn quyền Refnee Ronin ban hành Nghị định số 394-S công nhận tư cách pháp nhân của Hội6.

Nhờ có một Ban Trị sự gồm nhiều cư sĩ trí thức và tăng sĩ có phẩm hạnh và tài năng, lại được lòng dân xu hướng Phật giáo, nên chỉ trong một thời gian ngắn, các Tỉnh hội Phật giáo lần lượt thành lập để dẫn dắt tăng ni Phật tử trong tỉnh mình tiến hành chấn hưng Phật giáo.

 

Chánh điện chùa Phổ Minh

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Quảng Bình

Tại Quảng Bình, ngày 23 tháng 8 năm 1935, Hội An Nam Phật học đã xin được giấy phép thành lập chi nhánh tại Đồng Hới, ông Huỳnh Tăng Kiêm được mời làm Hội trưởng. Do chưa xây được Hội quán nên cơ sở ban đầu của Tỉnh hội đặt tại Từ đường cũ của ông Khiêm7.

Mấy tháng sau, chi nhánh Hội An Nam Phật học huyện Lệ Thủy được thành lập.

Nhằm đưa hoạt động chấn hưng Phật giáo tỉnh Quảng Bình vào khuôn khổ và thực hiện tốt các chủ trương của Ban Trị sự Trung ương Hội An Nam Phật học, ngày 18 tháng 12 năm 1938, tỉnh hội đã nhóm họp đại hội đồng thường niên bầu ra Ban Trị sự với các thành viên sau:

Hội trưởng: Nguyễn Văn Quy

Hội phó: Đặng Hữu Kỉ

Cố vấn đạo hạnh: Hòa thượng Sùng Phước

Cố vấn Trị sự: Đình Hỉ

Thư ký: Hoàng Mạnh Châm

Phó Thư ký: Hoàng Đài

Thủ quỹ: Lê Huy Tiên

Phó Thủ quỹ: Trần Lương

Kiểm sát: Nguyễn Liên, Nguyễn Văn Soạn, Huỳnh Bân

Bên cạnh đó, Hội còn cử ra một Tiểu ban để lo các hoạt động tại Chi hội Lệ Thủy do ông Lê Tử Oanh phụ trách. Cũng trong khoảng thời gian này, chư vị Hòa thượng Phổ Minh, Hồng Tuyên… đã vận động Tăng ni, Phật tử đẩy mạnh công tác trùng tu chùa chiền, thành lập các khuôn hội ở huyện Bố Trạch, Quảng Ninh; tuyển chọn các tăng ni sinh gửi vào các trường Phật học ở Huế đào tạo nhằm xây dựng nòng cốt cho Phật giáo tỉnh nhà.

Tháng 12 năm 1939, Tỉnh hội Quảng Bình không tiến hành đại hội đồng mà lưu nhiệm Ban Trị sự cũ tiếp tục điều hành công việc.

Ngày 27 tháng 11 năm Canh Thìn (tức 25 tháng 12 năm 1940), Tỉnh hội Quảng Bình họp đại hội đồng thường niên thông qua Báo cáo của Ban Trị sự Tỉnh hội và bầu Ban Trị sự khóa mới, kết quả:

Chánh Hội trưởng: Cụ Nguyễn Văn Quy

Phó Hội trưởng: Ông Đinh Hy

Chánh Thư ký: Ông Hoàng Mạnh Châm

Phó Thư ký: Ông Hoàng Đài

Chánh Thủ quỹ: Ông Quách Tố Ẩm

Phó Thủ quỹ: Ông Hoàng Hoa

Cố vấn đạo hạnh: Thầy Phổ Minh

Cố vấn cư sĩ: Ông Bùi Chương

Kiểm sát: các ông Nguyễn Liên, Đặng Treo, Phạm Xuân Triền, Hoàng Diệm.

Nhờ có sự dẫn dắt của Ban Trị sự Tỉnh Hội, phong trào chấn hưng Phật giáo Quảng Bình khởi sắc, thành tựu trên một số lĩnh vực sau:

Về tổ chức

Hội An Nam Phật học tỉnh Quảng Bình được thành lập với Ban Trị sự ban đầu chỉ gồm cư sĩ, các năm sau đã có các tăng sĩ như Hòa thượng Sùng Phước, Hòa thượng Hồng Tuyên (tức thầy Phổ Minh). Tỉnh đã thành lập được 4 chi hội ở Tỉnh lỵ Đồng Hới, các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch. Tỉnh hội đã chọn chùa Phổ Minh do Hòa thượng Hồng Tuyên trụ trì ở thị xã Đồng Hới làm Hội quán.

Năm Canh Thìn (1940) chùa được vua Bảo Đại ban sắc phong cho chùa là “Phổ Minh tự”.

Về Hội viên

Tỉnh hội và các chi hội có đủ các hạng hội viên: 1) Sáng lập hội viên; 2) Ân nghĩa hội viên; 3) Tán trợ hội viên; 4) Vĩnh viễn hội viên; 5) Thường trợ hội viên.

Số lượng hội viên

Tới năm 1940, số lượng hội viên tăng lên hơn 800 người8. Tờ Viên Âm số 38 ra tháng 7 năm 1940 nhận xét về phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Kỳ như sau: “Trong các Tỉnh hội có Chi hội hay Chi giảng đường: Nha Trang có Ninh Hòa và Vạn Giã, Huế có Chi giảng Túy Vân, Quảng Bình có Chi hội Lệ Thủy và Quảng Ninh”.

Về công tác hoằng pháp

Thực hiện tôn chỉ của Hội An Nam Phật học “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc hữu tình”, nghĩa là đem các phương pháp giác ngộ của Phật truyền bá cùng khắp nơi nơi, cho người người đều hiểu biết và tu trì cho thoát lý các sự khổ não”9. Tỉnh hội Quảng Bình đã tổ chức các buổi diễn giảng nhằm phổ thông giáo lý đạo Phật đến các tín đồ Phật giáo. Do hạn chế về giảng sư, theo đề nghị của Tỉnh hội, Ban Trị sự Trung ương Hội An Nam Phật học đã cử các thầy Thích Mật Nguyện (1911-1972) học sinh trường Đại học và thầy Thích Đôn Hậu (Giác Thanh, 1905-1992) tốt nghiệp Đại học Tây Thiên (Huế) ra Quảng Bình kết hợp với Hòa thượng Sùng Phước, Hòa thượng Hồng Tuyên, thuyết giảng các vấn đề “Vì sao phải chấn hưng Phật pháp”, “Quan hệ của Phật giáo đối với thanh niên”, “Đạo Phật với tôn giáo”… hoặc tìm hiểu về các ngày lễ lớn của Phật giáo như Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, Sự tích đức La Hầu La… ở chùa Phổ Minh, mỗi lần có tới vài trăm người đến nghe.

Tháng 6 năm 1940, Tỉnh hội xây giảng đường để có chỗ rộng hơn cho tín đồ đến nghe giảng kinh, thuyết pháp.

Báo Viên Âm - cơ quan hoằng pháp của Hội An Nam Phật học, được Ban Trị sự Tỉnh hội và nhiều vị đặt mua thường xuyên như các ông Ngô Mạnh Bắc, Trần Văn Giáo, Bạch Quốc Nghệ… Các chi hội Bến Thủy, chi hội Cảnh Dương tổ chức đọc Viên Âm trong các buổi sinh hoạt hàng tháng.

Về đào tạo tăng tài

Ngoài việc tu học tại chùa Phổ Minh ở thị xã Đồng Hới do Hòa thượng Hồng Tuyên trụ trì, với tầm nhìn xa đào tạo tăng tài cho tỉnh nhà, Tỉnh hội Quảng Bình đã gửi một số sư tăng vào Huế theo học ở các trường Phật học: “Các trường Sơn môn học đường, An Nam Phật học đường… đã đào tạo rất nhiều tăng ni tài ba cho Phật giáo vào thế hệ sau. Không chỉ người Huế mà còn thấy ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam…”10.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (1923-2019), xuất gia năm 1936 với đại sư Hồng Tuyên ở chùa Phổ Minh, Quảng Bình đã được gửi vào Huế tu học sau này trở thành bậc cao tăng.

Năm 1944, hưởng ứng lời kêu gọi quyên tiền xây dựng trường Phật học ở Huế, tỉnh hội Quảng Bình đã cúng 150$, chi hội Cảnh Dương cúng 50$. Sau, tỉnh hội lại cúng 100$, chi hội Lệ Thủy cúng 500$ cho Phật học Tùng thư của Hội.

Về nghi lễ, thờ cúng

Tỉnh hội đã tổ chức lễ khánh đản đức Phật Thích Ca theo hướng dẫn của Ban Trị sự Trung ương. Trong dịp lễ, Tỉnh hội đã cấp phát gạo cho những người nghèo khó và có cuộc hành lễ của Ban Đồng ấu hát các bài tán dương đức Phật giáng sinh. Đồng bào và Phật tử tham dự hơn trăm người, ra về với nét mặt vui vẻ phấn khởi.

Ngày 16 tháng 10 năm 1943, ông Nguyễn Đình Hòe - Hội trưởng Hội An Nam Phật học ra "Định" số 18 nói về cách thờ tự và việc đọc các kinh ở các chùa Hội quán. Điều thứ nhất của "Định" nêu: Trong các chùa Hội quán của Hội, chỉ nên thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật A Di Đà, đức Dược Sư, đức Văn Thù, đức Phổ Hiền, đức Quan Âm, đức Thế Chí mà thôi. Lại chỉ nên thờ hình tượng đủ các tướng tốt, chớ không nên thờ các hóa thân, như Quan Âm tống tử, Bố Đại Hòa thượng v.v… sợ mất tôn nghiêm. Ngoài hai bên chùa có thể thiết tượng các vị Kim Cương, các vị Hộ Pháp như Phạm Thiên, Vi Đà, Tiêu Diện v.v… nhưng không thiết thì càng tốt”11.

Về cách thức cúng cấp: “Trước bàn thờ Phật chỉ nên dùng hoa quả mà thôi; trước bàn thờ Tổ, bàn Linh (thờ ở phía sau hoặc thờ riêng một bên) thì lấy nghĩa “sự tử như sự sanh” hoặc có thể cúng trai soạn, nhưng quyết định không nên đốt giấy, đốt áo, đốt vàng mã, đốt kho tàng như các ngoại đạo12. Đồng thời trong lúc cúng cấp, điều quan trọng nhất là chú nguyện, vì đã tin vào luân hồi sinh tử thì ắt hẳn chỉ có chú nguyện mới có thể mang lại được sự kết nối với các vong linh.

Về cách hành lễ, trong lúc trì niệm, cúng vái chỉ nên tụng các kinh đã có trong Đại Tạng (bao gồm 2.372 bộ Kinh, Luật, Luận chữ Hán như: A Hàm, Diệu Pháp Liên Hoa, Mật Giáo, Nghi Tự, Bát Nhã, “không nên tụng các kinh ngụy tạo như kinh Ngọc Hoàng, kinh Thập Điện, kinh Bát Dương… các khoa sám tụng chỉ nên tụng Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, Hồng Danh13 và các bài do Tổng Trị sự ấn định, chớ không nên tụng các khoa sám không đúng chánh pháp14.

Về nghi thức tụng niệm, đây có thể được xem là một trong những vấn đề được đưa ra tranh luận khá sôi nổi lúc bấy giờ. Một số tăng ni, Phật tử cho rằng việc tụng kinh, niệm Phật phải thực hiện dựa trên kinh điển Phật giáo Nguyên thủy mới giữ được sự tôn nghiêm và linh thiêng. Một số Phật tử khác lại đưa ra quan điểm nên phiên dịch kinh điển ra chữ quốc ngữ vừa để hiểu được những lời răn dạy của đức Phật vừa góp phần vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp15. Các chùa trong Tỉnh hội Phật giáo Quảng Bình đều tuân theo Định số 18.

Tạm kết

Phong trào chấn hưng Phật giáo cả nước nói chung và ở tỉnh Quảng Bình nói riêng đang được tín đồ Phật tử các nơi ủng hộ và bước đầu thu được kết quả thì tình hình trong nước và trên thế giới biến đổi nhanh chóng. Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, rồi phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện Đồng Minh; ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền… công cuộc chấn hưng gần như tạm lắng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tạp chí Viên Âm từ số 21-70.

2. Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

3. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2018.

4. Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb Đà Nẵng, 2018.

 


1. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.201.

2. Thành viên sáng lập gồm 6 vị tăng sĩ và 7 vị cư sĩ.

3. Ngày 14 tháng 8 năm 1938, lần đầu tiên Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý Phật giáo tổ chức thành công Đại hội đồng toàn Kỳ tại chùa Từ Đàm Huế với sự tham dự của đại biểu đến từ các tỉnh Trung Kỳ. Đại hội đã nhất trí với đường lối và phương thức chấn hưng do Hội xây dựng đồng thời sửa đổi danh xưng Hội thành Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý Phật giáo tại An Nam, gọi tắt là Hội An Nam Phật học; thông qua các điều khoản trong Điều lệ và quy tắc và Hội trưởng danh dự là Khâm sứ Trung Kỳ, vua Bảo Đại. Ban Chứng minh là các ngài trong Ban Chứng minh của Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý Phật giáo; bầu ra Ban Trị sự gồm có Hội trưởng Nguyễn Đình Hòe, Hội phó Trần Đăng Khoa. Cố vấn: Hòa thượng Giác Nhiên, Kiểm soát Giáo lý: cư sĩ Lê Đình Thám, Thư ký Đặng Ngọc Chương, Thủ quý Lê Văn Lộc. (Theo nguyệt san Viên Âm số 34, tr.64).

4. Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb Đà Nẵng, 2018, tr.86-87.

5. Viên Âm ra số đầu tiên ngày 1 tháng 12 năm 1933.

6. Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb Đà Nẵng, 2018, tr.86.

7. Tạp chí Viên Âm, số 21 ra năm 1936.

8. Báo Viên Âm số 38 ra tháng 7 năm 1940, cho biết: lúc bấy giờ số lượng hội viên ở Thanh Hóa là 294 người, Thừa Thiên là 827 người , Đà Nẵng 360 người, Quảng Nam là 1000 người…

9. Viên Âm số 33 ra tháng 10 và 11 năm 1938, tr.26.

10. Thích Hải Ấn-Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.399.

11. Nguyễn Đình Hòe, “Định” số 18, Viên Âm, số 42, tr.28.

12. Nguyễn Đình Hòe, “Định” số 18, Viên Âm, số 42, tr.28.

13. Cụ thể: Kinh đọc ở các chùa Hội quán là Phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và kinh A Di Đà. Hội viên đều dùng chuỗi hạt Bồ đề. Do vậy mà tư tưởng Tịnh độ với pháp môn niệm danh hiệu A Di Đà Phật, lần tràng hạt để cầu được độ giải thoát lại lan mạnh trong chúng sinh hơn nữa.

14. Nguyễn Đình Hòe, “Định” số 18, Viên Âm, số 42, tr.28.

15. Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb Đà Nẵng, 2018, tr.185-186.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 6952412