PHONG TRÀO CHẤN HƯNG
VÀ CÁC ĐỒNG CHÍ CỦA NGÀI KHÁNH HÒA
TT.TS. THÍCH ĐỒNG BỔN*
Ông bà ta có câu ca dao:
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Thật vậy, phong trào chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn 1930-1945 do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng đầu tiên ở miền Nam đã nhận được sự hưởng ứng lan tỏa khắp cả ba miền đất nước. Công đầu tiên thuộc về Hòa thượng Khánh Hòa, nhưng nếu không có các đồng chí cộng sự đồng tâm hiệp lực thì một mình ngài chắc chắn không thể làm nên sự nghiệp lịch sử. Ngược lại, giả sử nếu không phải là ngài Khánh Hòa mà là một vị khác đứng lên, cũng chưa chắc kêu gọi được giới Phật giáo cùng hưởng ứng phong trào. Có thể nói, phong trào chấn hưng Phật giáo là một tập thể những đồng chí đồng cam cộng khổ, hưởng ứng lời kêu gọi cùng với ngài thực hiện sứ mạng đi cùng lịch sử Phật giáo Việt Nam, tạo nên phong trào chấn hưng Phật giáo đi đến thành công.
Các thế hệ đồng chí trong phong trào chấn hưng
Xét về các vị đồng chí làm nên phong trào ấy, có 3 thế hệ:
Thế hệ đầu là các bậc tiền bối của ngài Khánh Hòa, đã tạo ra tiền đề, tạo ra điều kiện vừa và đủ để chín muồi điều kiện cho ngài Khánh Hòa phát khởi lời hiệu triệu chư sơn đứng lến cùng ngài chấn hưng Phật giáo, như các ngài: Hải Lương - Chánh Tâm, Phi Lai - Chí Thiền,...
Thế hệ thứ hai là các bậc pháp lữ đồng song với ngài Khánh Hòa, đã hưởng ứng lời kêu gọi của ngài, chung sức đứng vào những hội đoàn đầu tiên tiến hành chấn hưng nền Phật giáo thời bấy giờ. Điển hình như các ngài: Huệ Quang, Giác Hải - Từ Phong, Thiện Chiếu, Như Mật - Bửu Thọ, Khánh Thông, Khánh Huy, Khánh Long (miền Nam),...
Thế hệ thứ ba là lớp kế thừa sự nghiệp của ngài Khánh Hòa, được phong trào đào tạo bài bản để tiếp bước thế hệ khai sáng mà xiển dương phong trào đi đến thành công. Điển hình có thể kể đến các ngài: Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hồng Liên, Từ Hóa, Trí Tịnh, Hành Trụ (miền Nam); Trí Quang, Trí Thủ, Thiện Siêu, Phúc Hộ, Kế Châu (miền Trung); Tố Liên, Trí Độ, Trí Hải (miền Bắc),... Trong phạm vi có giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ xin lược dẫn một số danh tăng ở miền Nam có liên hệ với ngài Khánh Hòa làm điển hình.
Hành trạng tiêu biểu của lực lượng khởi xướng phong trào
Thế hệ tiền bối
* HT Hải Lương-Chánh Tâm (1836-1906)
Thuở nhỏ, ngài xuất gia tu học với Hòa thượng Tánh Châu, hiệu Từ Lưu ở chùa Linh Sơn, được Hòa thượng cho thọ giới Sa di và ban pháp húy là Hải Lương, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 37. Sau khi bổn sư viên tịch, ngài đến tổ đình Giác Lâm, cầu thọ cụ túc giới tại trường Kỳ giới đàn, do Tổ Tiên Giác - Hải Tịnh làm Hòa thượng đàn đầu truyền giới; ngài xin cầu pháp được Tổ ban pháp tự là Minh Lương, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 38. Lúc bấy giờ ở huyện Cửu An, phủ Tân An có một ngôi chùa hiệu là Phước Long, do thiền sư Đại Bồ Thiên Đề khai sơn. Nhân vị trụ trì viên tịch đã lâu, nghe danh tiếng ngài, dân làng khăn gói đến cầu thỉnh ngài về đây trụ trì. Ngài nhận lời và di dời chùa về cạnh bờ sông, xây dựng lại và đổi hiệu là Kim Cang. Từ lúc ngài về đây hoằng hóa, tứ chúng khắp nơi nghe danh tiếng, ngưỡng mộ uy đức của ngài, quy tụ về tu học rất đông. Sự kiện thịnh hành Phật pháp ở thời kỳ này theo các nhà nghiên cứu sử học mô tả thì: “Chùa Kim Cang là Trung tâm Văn hóa Phật giáo miền Nam lúc bấy giờ”. Dưới pháp tòa của ngài, nhiều bậc cao tăng thạc đức được sản sinh, góp phần rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo thời kỳ đầu như:
- Hòa thượng Khánh Hòa (trụ trì chùa Tuyên Linh, Bến Tre).
- Hòa thượng Khánh Thông (trụ trì chùa Bửu Sơn, Bến Tre).
- Hòa thượng Khánh Đức (trụ trì chùa Phước Thạnh, Cái Bè - Tiền Giang)
- Hòa thượng Khánh Huy (trụ trì chùa Phước Lâm, Cai Lậy - Tiền Giang)
- Hòa thượng Khánh Long (kế thế trụ trì chùa Kim Cang).
Và các bậc cao tăng khác như: Hòa thượng Khánh Hưng, Hòa thượng Khánh Dư, Hòa thượng Khánh Tường, Hòa thượng Khánh Thoại, v.v
Ngoài việc đào tạo Tăng tài để truyền trì mạng mạch Phật pháp, ngài còn cho trùng khắc in ấn kinh luật để truyền bá chánh pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu học của tứ chúng. Một số bảng khắc gỗ bằng chữ Hán hiện nay vẫn còn lưu giữ lại tại chùa Kim Cang như:
1. Tứ Phần Luật
2. Bồ Tát Giới Kinh.
3. Sa Di Oai Nghi, Cảnh Sách Luật Giải.
4. Kim Cang Chư Gia.
5. Phật Thuyết Tam Thế Nhân Quả Kinh.
6. Chuẩn Đề Ngũ Hối, v.v…
Hòa thượng làm Đường đầu truyền giới cho không biết bao nhiêu giới đàn ở khắp Nam kỳ Lục tỉnh. Đến năm Bính Ngọ (1906), ngài thâu thần thị tịch, hưởng thọ 70 tuổi.
Thế hệ Đồng Song
* Hòa thượng Như Mật - Bửu Thọ (1893-1972)
Hòa thượng pháp danh Như Mật, húy Bửu Thọ thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 38. Ngài thế danh Nguyễn Thế Mật, sinh tại làng Vĩnh Tế, Núi Sam, Châu Đốc. Ngài xuất gia với tổ Hoằng Ân - Minh Khiêm, chùa Tây An, Châu Đốc. Năm 20 tuổi (1910), ngài thọ đại giới tại chùa Phước Sơn, làng Cẩm Sơn, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre, do Hòa thượng Niệm Nghĩa làm Đàn đầu truyền giới. Sau đó, ngài được giao chức Thủ tọa chùa Tây An, quản lý ngôi cổ tự này thay tổ Hoằng Ân - Minh Khiêm vân du hành đạo.
Năm Bính Dần 1926, chùa Trường Thạnh ở vùng Bến Nghé - Sài Gòn được vợ chồng Hội đồng Ninh dâng cúng cho Hòa thượng Từ Văn (1877- 1931) ở Thủ Dầu Một. Hòa thượng Từ Văn tiến cử ngài Thiện Tòng (1891-1964) về đây trụ trì, được một thời gian chùa lại bị chủ đất người Ấn Độ đem phát mãi do ông bà Hội đồng Ninh còn nợ tiền đất. Biết ngài có lòng trắc ẩn hay giúp đỡ đồng đạo nên tín đồ chùa Trường Thạnh đã lặn lội xuống chùa Tây An cần cầu. Ngài đã hiến cúng 5 tờ giấy bạc bộ lư 100 đồng, để tiếp sức ngài Thiện Tòng lấy lại và bảo tồn ngôi chùa.
Năm 1931, trong khi vận động thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947), người khởi xướng phong trào có xuống chùa Tây An vận động; hưởng ứng lời kêu gọi góp phần chấn hưng Phật giáo, ngài đã hiến cúng một số bạc lớn để Hòa thượng làm kinh phí xuất bản tạp chí Từ Bi Âm cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo buổi đầu, trụ sở của hội đặt tại chùa Linh Sơn (Cầu Muối, Sài Gòn).
Ba năm sau (1934), do không thành lập được trường Phật học, Hòa thượng Khánh Hòa từ chức Hội trưởng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, trở về Trà Vinh hợp tác với Hòa thượng Huệ Quang (1888-1956) lập ra Hội Lưỡng Xuyên Phật học, mở trường Phật học, xuất bản tạp chí Duy Tâm, trụ sở đặt tại chùa Long Phước, Trà Vinh. Ngài cũng thể theo tâm nguyện của chư sơn mà thường xuyên tán trợ tịnh tài cho Hội Phật học Lưỡng Xuyên, đồng thời vận động với ông Hàm Trương Hoàng Lâu (nhạc gia của ông Nguyễn Ngọc Thơ) làm đại thí chủ cho trường Phật học này. Ngài nổi tiếng là người hay ủng hộ việc trùng tu và kiến tạo chùa. Hầu hết các chùa vùng Châu Đốc đều có sự giúp đỡ tài lực của ngài. Năm 1958, ngài xây dựng lại ngôi cổ tự Tây An, mang kiến trúc Ấn - Hồi bằng vật liệu bền chắc. Đây là ngôi chùa có kiểu dáng kiến trúc rất khác so với kiểu dáng truyền thống xưa nay.
Năm 1966, Hòa thượng Thiện Hoa là Viện trưởng Viện Hóa Đạo cung thỉnh ngài vào ngôi vị Trưởng lão trong Hội đồng Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng ngài 3 lần từ chối. Hòa thượng viên tịch năm 1972, trụ thế 79 tuổi đời với 59 mùa an cư. Sinh thời, ngài theo truyền thống phụng đạo yêu nước, có đóng góp lớn vật chất nuôi giấu cách mạng qua hai thời kỳ hoạt động kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mặc dù đã viên tịch, ngài vẫn được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
* Hòa thượng Thích Huệ Viên (1884-1961)
Hòa thượng pháp húy Ngộ Chỉ, pháp hiệu Tâm Viên, sinh tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Ngài xuất gia với tổ Chánh Cần chùa Phước Long, Cái Tàu Hạ, Lấp Vò, Sa Đéc năm 1908. Lúc này, ngài 24 tuổi.
Trải qua bao nhiêu năm học đạo với chư vị cao Tăng danh tiếng thời bấy giờ và cũng là thời gian chừng ấy, ngài đã theo thầy vân du cùng khắp Lục tỉnh Nam kỳ hoạt động pháp sự. Nhờ đó, ngài đã nghe và thấy được hai sự việc đang diễn ra: một là các phong trào yêu nước đang nổi lên đối kháng với chính quyền thực dân Pháp đang cai trị nước ta; hai là có một số tăng sĩ vận động kêu gọi Tăng ni đoàn kết xây dựng nghi thức chấn chỉnh phong hóa Phật pháp. Các sự việc này tạo thêm trong tâm tưởng của ngài một tinh thần dân tộc và đạo pháp.
Khi nhận trách nhiệm trụ trì chùa Châu Viên ở Bạc Liêu (1928) và nhận làm Chứng minh Đạo sư trường Gia giáo Phật học ni tại chùa Giác Hoa; đặc biệt hơn nữa là khi gặp được Hòa thượng Khánh Anh cùng trong Ban Chứng minh, ngài càng sáng thêm ý tưởng phụng sự nên ngài liền gắn kết với Hòa thượng Khánh Anh và trở thành là thành viên trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở miền Tây Nam Bộ.
Chùa Châu Viên là nơi ngài khởi đầu xây dựng sự nghiệp đạo pháp phụng sự dân tộc: mở mang việc thu nhận đệ tử dạy nhạc lễ, chữ Nho, chữ Quốc ngữ cho đạo chúng và con em trong làng, mở phòng mạch Đông y kê toa cho thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Cũng tại đây, ngài đã đào tạo một lớp học trò như các ngài: Trí Đạt, Trí Đức, Trí Tâm, Trí Minh, Trí Chánh, Trí Kỉnh và sau này có thêm Trí Từ, Trí Bổn. Các vị về sau trở thành những vị Hòa thượng có tên trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.
Với công lao phụng sự đạo pháp tại chùa Châu Viên, uy danh của ngài lan tỏa khắp vùng Bạc Liêu. Năm 1934, được chư Phật tử, trong đó có các vị thân hào nhân sĩ như ông Cả Phượng, Hương sư Hiệu, Hương hào Phát, thương gia Mẹo, v.v... thỉnh ngài về trụ trì chùa Vĩnh Hòa nơi trung tâm của thành phố Bạc Liêu để dễ dàng công việc Phật pháp.
Tại chùa Vĩnh Hòa, ngoài việc giáo dục, đào tạo đồ chúng bằng phương tiện nghi lễ cổ truyền Phật giáo, ngài còn liên kết với các vị cao tăng ở các chùa lân cận. Các vị liên kết thành một nhóm Lục Hòa Tăng, tiền thân của Giáo hội Tăng già Bạc Liêu về sau.
Năm 1939, khi phong trào Chấn hưng Phật giáo phát triển, Hòa thượng Khánh Anh chính thức mời ngài vào Ban Lãnh đạo phong trào và chịu trách nhiệm các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá. Và cũng từ phong trào đó có sự cộng hưởng về sau, khi phong trào Phật giáo Cứu quốc thành lập, hoạt động có các đệ tử của ngài như: Trí Từ, Trí Đức, Trí Tâm, Trí Tân, v.v... tham gia lãnh đạo tổ chức Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng.
Năm 1950, Giáo hội Tăng già Việt Nam thành lập, ngài được Giáo hội suy cử Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Sóc Trăng, Ba Xuyên và sau đó làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Bạc Liêu. Ngài là người đặt móng khởi công xây dựng và khánh thành chùa Phật học, nay là chùa Huệ Quang, trụ sở Thành hội Phật giáo Bạc Liêu.
Năm 1964, Hòa thượng viên tịch trong lúc hành đạo từ Cần Thơ về Bạc Liêu, thọ 77 tuổi. Nhục thân nhập tháp tại chùa Vĩnh Hòa, thành phố Bạc Liêu.
* Hòa thượng Khánh Huy (1883-1932)
Ngài là sư đệ của Hòa thượng Khánh Hòa. Trong huynh đệ đồng môn với ngài Khánh Huy gồm có:
- KhánhThông (chùa Bửu Sơn, Ba Tri)
- Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh – Mỏ Cày)
- Khánh Hưng (Hội Linh – Cần Thơ)
- Độ Long (Tổ đình Kim Cang – Tân An)
- Khánh Đức ( chùa Phước Thạnh - Cái Bè)
- Khánh Tường (Thiền Lâm – Hậu Mỹ)
- Khánh Thoại (tục gọi là Thầy Trầm ở Ba Giồng).
Năm Quý Hợi (1923), tại chùa Phước Lâm ở Cai Lậy mở khóa kiết đông, tham dự nội thiền ngoại thiền có hơn 200 vị. Khóa này, ngài Huệ Đăng (Thiên Thai - Bà Rịa) làm Chứng minh; ngài Khánh Đức (Phước Thạnh - Cái Bè) làm Thiền chủ; ngài Khánh Huy làm Chủ hương.
Sau khóa kiết đông, ngày 16, 17 và 18 tháng 9 – nhân ngày kỵ tổ Quảng Huệ, ngài đã thiết lập giới đàn báo đáp ân sâu Tam bảo. Giới đàn do Hòa thượng Khánh Đức làm Đường đầu Hòa thượng. Có thể nói, đây là lần đầu tiên tại huyện Cai Lậy có một đại lễ long trọng, đã mời rất nhiều Tăng ni các nơi về dự. Ngài đã thỉnh Hòa thượng Huệ Tịnh (chùa Linh Tuyền) làm Pháp sư, thỉnh thầy Thiện Nghĩa, Tịnh Trí… lo việc chẩn tế. Trong khóa kiết đông này lại có một vị trẻ tuổi nổi danh là thầy Thiện Chiếu dự nội thiền. Khoảng năm 1930, Hòa thượng biết cơ duyên đã mãn, ngài nguyện nhập thất vĩnh viễn. Đến năm Giáp Tuất (1934), ngài viên tịch, thọ 52 tuổi. Có thể nói, Hòa thượng Khánh Huy là một bậc cao tăng đạo hạnh, mặc dù ngài lưu trú ở thế gian này không lâu, nhưng với đạo hạnh lớn lao, nên dân chúng thêu dệt thành nhiều giai thoại.
Về công đức, ngài đã dành rất nhiều ngân khoản để khắc ván kinh và ấn tống các bộ kinh: Pháp Hoa, Tam Bảo, Thiền Môn Nhật Tụng... đồng thời đóng góp rất nhiều tài lực ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo năm 1930 trước khi nhập thất rồi viên tịch.
Thế hệ kế thừa
* Hòa thượng Thích Từ Hĩa (1909-1966)
Hòa thượng pháp húy Bổn Từ, pháp tự Chơn Minh, pháp hiệu Từ Hóa, thế danh Nguyễn Văn Nhu, ngài sinh tại xã Phước Tường, tổng Bảo Hòa, quận Sóc Sải, nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ngài xuất gia với Hòa thượng Khánh Hòa năm 1924, lúc 15 tuổi, tại chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre.
Năm 1927 (Đinh Mão), Hòa thượng Khánh Thông khai giới đàn tại chùa Thắng Quang - Giồng Tre, Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trong đàn giới tử, ngài thuộc lòng bốn bộ luật được chấm đậu Thủ Sa di.
Năm Canh Ngọ (1930), ngài nhập hạ tại trường Hương chùa Viên Giác, tỉnh Bến Tre và thọ Cụ túc giới tại đây.
Năm Tân Mùi (1931), Hòa thượng Khánh Hòa cùng các bậc cao tăng khác thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, đường Dumond, Sài Gòn, ngài được Hòa thượng cho vào học tại đây suốt tám năm.
Năm 1939, ngài về Mỹ Tho học trường Gia giáo Vĩnh Tràng. Trường này do Hòa thượng Thích Thiện Ngọc làm Pháp sư giảng dạy.
Năm Tân Tỵ (1941), ngài được 32 tuổi, nhân duyên ứng pháp đã đến, ngài được Phật tử thân thỉnh về trụ trì chùa Bửu Thành, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Về phương diện hoằng pháp, ngài thường đi thuyết giảng trong những lễ húy kỵ, trai đàn nên Tăng ni, Phật tử đều gọi ngài là Pháp sư Thành Triệu.
Năm Kỷ Sửu (1949), chùa Minh Đức, xã Phú Túc, Bến Tre khai đàn truyền giới, ngài được ban tổ chức suy cử làm Yết ma A xà lê. Lúc này, ngài vừa được 40 tuổi. Năm Canh Dần (1950), Giáo hội Tăng già thành lập tại tỉnh nhà, Tỉnh hội bầu ngài làm Trưởng ban Hoằng pháp. Đến năm Nhâm Thìn (1952), Giáo hội Tăng già tỉnh Bến Tre bầu ngài làm Trị sự trưởng tỉnh Giáo hội.
Ngài một đời hành đạo, tiếp tăng độ chúng, hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Ngài thị tịch năm Bính Ngọ 1966, trụ thế 58 năm, hạ lạp 38 mùa hạ.
* Hòa thượngThích Hồng Liên (1915-2003)
Hòa thượng pháp danh Thiện Lạc, pháp hiệu Hồng Liên, dòng kệ Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài sinh tại xã Long Khánh, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, xuất gia năm 12 tuổi với Hòa thượng Chánh Thành, chùa Vạn An, Sa Đéc. Thời gian sau mấy năm chấp tác học đạo, thấy ngài thông minh tinh tấn, nên được Hòa thượng Tổ cho ngài vào học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh.
Năm 1935, ngài được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn tổ chức tại chùa Long Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, do Hòa thượng Thích Khánh Hòa làm Đàn đầu truyền giới, Hòa thượng Thích Khánh Anh làm Yết ma A xà lê, Hòa thượng Thích Huệ Quang làm Giáo thọ A xà lê.
Đến năm 1938, ngài cùng đoàn tăng sinh của Phật học đường Lưỡng Xuyên như: Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Hành Trụ... được chuyển cấp ra Phật học đường Báo Quốc - Huế tu học. Bốn năm sau, vì tình hình chiến tranh, nên Phật học đường Báo Quốc phải dời lên Tòng lâm Kim Sơn. Hòa thượng chịu nhọc nhằn theo học suốt 8 năm dài, từ 1938 đến 1945 tại đất thần kinh.
Năm 1945, lớp học vừa mãn thì chiến tranh trở nên khốc liệt khi quân Pháp tái chiếm Trung kỳ và Nam kỳ. Hòa thượng trở về tu học ở chùa tổ Vạn An, Cái Xếp, tỉnh Sa Đéc.
Từ năm 1945 đến 1951, phong trào cách mạng kháng Pháp ngày càng lớn mạnh, Hòa thượng ý thức rằng hàng tu sĩ cũng cần phải có trách nhiệm khi Tổ quốc kêu gọi chống giặc ngoại xâm. Được sự hướng dẫn của ông giáo Quý, Hòa thượng được kết nạp vào tổ chức cách mạng, hoạt động trong Ty Giao thông Liên lạc tỉnh Trà Vinh, với nhiệm vụ vận chuyển công văn từ khu 9 về tỉnh Sa Đéc.
Thời gian này, Hòa thượng phải phương tiện hóa trang nhiều hình thức như một nhà sư ở thôn quê áo vải nâu sòng, xách túi đệm chuông mõ và quyển kinh chữ Hán đi qua đồn giặc; có khi là anh nông dân, đôi tay không với chiếc xuồng con âm thầm vượt qua nhiều trạm gác của lính Tây lính ngụy... để phục vụ cách mạng. Hòa thượng đặt nặng tinh thần vì tổ quốc trên hết, xem nhẹ bản thân, kham chịu gian khổ đội nắng tắm mưa, nhẫn nại đói khát... có khi vì công tác đặc biệt, ngài phải thức trắng đi suốt đêm.
Bởi trách vụ vô cùng nhưng sức người hữu hạn, nên ngài thường bị đau ốm. Tháng 4 năm 1951, ngài bị bệnh nặng trong lúc mặt trận chiến đấu gặp lúc khó khăn quyết liệt, nhưng tổ chức cách mạng lo lắng sức khỏe của ngài, nên đồng ý cho ngài được tạm nghỉ công tác để dưỡng bệnh. Hòa thượng đến chùa Thiện Bửu, ấp Phước Thiện, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, ở tạm để điều dưỡng bệnh và phụ công tác tại địa phương.
Năm 1952, Hòa thượng Hồng Khương, trụ trì chùa Thiện Bửu giới thiệu ngài đến trụ trì chùa An Phước, xã An Hóa, huyện Giồng Trôm. Hòa thượng nhận lời về đây an trụ và hoằng hóa đạo pháp cho đến ngày viên tịch.
* Hòa thượng Thích Thiện Tài (1912-1985)
Hòa thượng pháp húy Hồng Thanh, pháp tự Ngộ Tài, pháp hiệu Pháp Bửu, thế danh Trần Văn Tài, sinh tại làng Phong Nẫm, quận Cao Lãnh, hạt Sa Đéc, là đệ tử của tổ Phổ Lý, hiệu Như Liễn, thuộc dòng Lâm Tế Đạo Bổn đời thứ 39, chùa Bửu Lâm, làng Bình Hàng Trung. Năm 17 tuổi, chí nguyện rộng lớn cao xa, ngài xin bổn sư đến tham học với pháp sư Bửu Chung - Như Kim, chùa Phước Long, Sa Đéc và Hòa thượng Chánh Thành, chùa Vạn An, Sa Đéc, cho đến năm Nhâm Ngọ (1942).
Bấy giờ, phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Nam diễn ra sôi nổi dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Khánh Hòa và chư tôn túc, sau đó Phật học đường Lưỡng Xuyên khai giảng, Hòa thượng tham dự tu học. Suốt những năm tháng tu học, ngài luôn luôn lưu tâm, không ngừng tìm tòi nghiên cứu ba tạng kinh điển.
Năm 1943, Hòa thượng rời khỏi trường về làm Chánh na, kiêm Pháp sư tại trường Hương chùa Hội Phước, Nha Mân, Sa Đéc.
Đến năm 1945, đất nước gặp lúc chiến tranh tàn khốc nên lớp gia giáo chùa Hội Phước ngừng sinh hoạt, ngài cùng Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Thiện Tường lên Sài Gòn mở chùa Tăng Già và Giác Nguyên tiếp Tăng độ chúng. Ngài luôn giữ nhiệm vụ Pháp sư cho những khóa an cư tại đây. Ngưỡng mộ tài đức của ngài, Hòa thượng Đạ Tỷ - Hoằng Đức mời ngài kế truyền tổ vị tại chùa Bình Hòa đời thứ 30 Thiền phái Lâm Tế - dòng Tổ Đạo với pháp hiệu Thiện Tài.
Năm 1947, ngài về lại Sa Đéc kế thừa trụ trì chùa Tổ Bửu Lâm, đời thứ 10. Mảnh Tăng bào qua lại đó đây, gót Tăng sĩ ngày đêm dạo khắp, vừa tham phương cầu học, vừa lo hoằng pháp độ sanh, chư tăng bấy giờ tôn xưng ngài là bậc “Giá na bất khuyết” bởi lý sự viên dung nơi ngài.
Năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập, Hòa thượng được cử làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt tỉnh Kiến Phong, suốt sáu nhiệm kỳ. Năm 1964, Hòa thượng là Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Kiến Phong suốt ba nhiệm kỳ cho đến ngày thống nhất đất nước. Hòa thượng có công lao biên dịch và giảng dạy các tác phẩm:
- Tòng Lâm Quy Thức, 5 quyển
- Tòng Lâm Thanh Quy, 5 quyển
- Di Giáo kinh giảng giải, 1 quyển
- Tứ Thập Nhị Chương giảng giải, 3 quyển
- Quy Nguyên Trực Chỉ giảng giải, 3 quyển
- Nhị Thời Khóa Tụng giảng giải, 2 quyển.
Hòa thượng thị tịch năm 1985, trụ thế 73 năm, có 52 mùa hạ lạp.
Nhận xét
Là người khởi nguồn cảm hứng cho phong trào chấn hưng phát triển rộng khắp 3 miền, tạo nên hiệu ứng suốt 3 thế hệ. Sự nghiệp của Hòa thượng Khánh Hòa để lại tuy không gọi là nhiều, nhưng quá lớn cho một giai đoạn lịch sử chấn hưng Phật giáo Việt Nam và giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.
Điểm xuyết một số nhân vật điển hình đã cùng chung vai sát cánh với Hòa thượng Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo nơi mảnh đất Nam Bộ này, để góp phần tưởng nhớ về công lao khai sáng phong trào chấn hưng của một bậc tiền nhân lỗi lạc, có xuất phát điểm từ quê hương Bến Tre vậy.
* Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết