Thông tin

PHÚ LỄ - LÀNG QUÊ HIẾU HỌC

 

PGS.TS. ĐOÀN LÊ GIANG
& ThS. DƯƠNG HOÀNG LỘC*

 

Phú Lễ là xã nổi tiếng ở Bến Tre do có đình Phú Lễ, nhà cổ, hát sắc bùa, rượu Phú Lễ. Không chỉ thế xã còn là nơi nổi tiếng về hiếu học và có nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi Nho học, nhiều trí thức nổi tiếng thời Pháp thuộc cũng như sau này.

Hiếu học trở thành một truyền thống của xã Phú Lễ – dù xã không phải là nơi có nhiều người đỗ đạt nhất của Bến Tre. Truyền thống ấy được vun đắp từ chính sách khuyến học của làng từ xa xưa và hiện đang hoạt động mạnh mẽ hiện nay.

Đôi nét về làng Phú Lễ

Nói đến lịch sử, văn hóa tỉnh Bến Tre - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa bậc nhất ở miền Tây Nam Bộ, người thường nghĩ ngay đến huyện Ba Tri. Trong huyện, thì làng là Phú Lễ là địa danh nổi bật nhất. Làng Phú Lễ nổi tiếng gần xa bởi ngôi đình cổ kính, có giá trị cao về phương diện kiến trúc, nghệ thuật; hát sắc bùa, một hình thức diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ gốc gác từ miền Trung, từng được lưu truyền phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Rượu Phú Lễ danh tiếng lan xa vì hương vị nồng nàn, quyến rũ và thơm lừng của nó. Không chỉ lưu giữ những di sản văn hóa truyền thống của tiền nhân, Phú Lễ còn là một làng quê hiếu học của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cho nên, giá trị tốt đẹp này cần phải được tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi.

Làng Phú Lễ thời Nguyễn thuộc tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long. Tiếp đó, quyển Chuyên khảo về tỉnh Bến Tre của Hội Nghiên cứu Đông Dương, xuất bản năm 1903, ghi nhận Phú Lễ là 1 trong 8 ngôi làng của tổng Bảo Trị, tỉnh Bến Tre. Dân số của làng gồm 1.699 người1. Hiện nay, Phú Lễ là xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi theo Quốc lộ 1 đến TP. Mỹ Tho, rồi theo Quốc lộ 60 đến thành phố Bến Tre. Từ thành phố Bến Tre đi theo Tỉnh lộ 887 khoảng 30 km đến thị trấn Ba Tri. Từ thị trấn Ba Tri đi theo Hương lộ 14 chừng vài cây số thì đến xã Phú Lễ.

Địa chỉ văn hóa nổi tiếng nhất ở Phú Lễ là đình Phú Lễ. Đình tọa lạc tại ấp Phú Khương, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lợp lá, đến năm 1851 thời Tự Đức thì được sắc phong. Đình gồm 10 gian: 6 gian chính và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá. Đình Phú Lễ là đình có quy mô lớn và đẹp vào bậc nhất của tỉnh Bến Tre. Khuôn viên rộng lớn, cây cổ thụ thâm u, qua chiến tranh ác liệt thế nhưng đồ thờ, hương án, cuốn thư, bình phong, hoành phi, câu đối gần như còn nguyên vẹn. Ngày 7 tháng 1 năm 1993, đình Phú Lễ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật.

Truyền thống hiếu học của làng Phú Lễ

Các làng quê Bắc bộ, với truyền thống hiếu học lâu đời, đã hình thành nên các dòng họ hiếu học nổi tiếng, những vị tiến sĩ lưu danh tại Văn miếu, những quy định thúc đẩy việc khuyến học khuyến tài trong hương ước được giữ gìn từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, thật khó có thể tìm thấy điều này ở các ngôi làng Nam Bộ bởi người dân phải đầu tư công sức quá nhiều vào công cuộc khẩn hoang và xây dựng, phát triển để ổn định cuộc sống của họ. Vì thế, cho đến nay, ở nhiều ngôi làng tại Nam Bộ, cũng chưa tìm thấy những dòng họ hiếu học tiêu biểu, những vị tiến sĩ đỗ đạt nổi danh, những chính sách khuyến học khuyến tài được cộng đồng đặt ra trong giai đoạn triều Nguyễn như ở Bắc bộ.

Trong bối cảnh đó thì việc học hành ở Bến Tre nói chung, làng Phú Lễ đã khá quy củ, trong vùng có khá nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi thời phong kiến. Theo Quốc triều hương khoa lục toàn bộ Nam kỳ lục tỉnh có 253 vị thi đậu các kỳ thi Hương dưới các triều vua nhà Nguyễn. Trong đó, địa bàn Bến Tre ngày nay có 31 vị, riêng Phú Lễ có 3 vị đậu cử nhân. Số lượng như thế là rất ít so với miền Bắc, nhưng nếu so với Nam bộ, đơn cử địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay, chỉ có 9 người đậu cử nhân triều Nguyễn, thì mới thấy con số của Bến Tre, Phú Lễ là rất ấn tượng.

Phú Lễ nằm trong vùng đất hiếu học. Gần với Phú Lễ là xã An Đức – nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã tỵ địa từ Gia Định về, được coi như quê hương thứ hai của ông. Cũng gần với Phú Lễ là xã Bảo Thạnh, quê hương của Phan Thanh Giản, vị Tiến sĩ khai khoa của Nam kỳ. Gần nhà của Tiến sĩ họ Phan là mộ của Sùng Đức Xử Sĩ Võ phu tử (Võ Trường Toản), biểu tượng của học phong Nam kỳ cũng được thiên táng về đây năm 1867, vì các học trò tinh thần của ông không nỡ để mộ thầy nằm nơi giặc chiếm.

Truyền thống hiếu học của Phú Lễ biểu lộ ở 3 tấm gương - 3 người thi đậu làm quan.

(1) Trần Văn Tín: thi đậu Cử nhân ở trường thi Gia Định, khoa thi năm Tân Mão thời Minh Mạng (1831). Ông được bổ làm quan, làm đến Án sát Tuyên Quang.

(2) Nguyễn Văn Tấn: thi đậu Cử nhân ở trường thi Gia Định, khoa thi năm Đinh Mùi thời Thiệu Trị (1847).

(3) Hồ Văn Quang: thi đậu Cử nhân ở trường thi Gia Định, khoa thi năm Ất Mùi thời Minh Mạng (1835). Ông được bổ làm Tri phủ Phước Tuy (tỉnh Biên Hòa), rồi Đốc học An Giang (1845), Đốc học Bình Định. Pháp đánh Gia Định, ông mộ binh và chỉ huy đội quân chiến đấu dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Đại dồn thất thủ (1861), ông mai danh ẩn tích cho đến cuối đời2.

Từ thời Pháp đặt ách thống trị lên đất nước ta thì làng Phú Lễ có một người học hành thành tài, nhưng ở lĩnh vực khá đặc biệt là Phật học. Đó là nhà sư nổi tiếng Lê Khánh Hòa (tục gọi là Sư Khánh Hòa, Tổ Khánh Hòa). Năm nay (2017), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức Hội thảo khoa học về nhà sư này. Theo sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, sư Khánh Hòa (1877-1947), là một người thông thạo Nho học và vững vàng chữ Quốc ngữ, ông xuất gia từ năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường. Sư có chí nguyện chấn hưng Phật giáo, làm cơ sở cho tinh thần dân tộc. Ông du hành khắp các tổ đình và Nam kỳ, liên kết được một số các vị cao tăng đồng chí, trong đó nổi bật nhất là Thiện Chiếu vị tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết. Năm 1929, Khánh Hòa cho ấn hành một tập san Phật học bằng quốc ngữ lấy tên là Pháp âm (chùa Xoài Hột, Mỹ Tho). Đây là tờ báo Phật đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam. Sau đó, sư Khánh Hòa cùng các bạn đồng chí thành lập Hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật Học, ông giữ trách vụ Phó nhất hội trưởng và Chủ nhiệm tạp chí Từ bi âm. Hoạt động của thiền sư Khánh Hòa đã góp phần tạo nên công cuộc chấn hưng Phật giáo, một phong trào Phật giáo yêu nước, một trang sử vàng của Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX3.

Sách Địa chí Bến Tre có cung cấp một thông tin quan trọng: “Trên bản đồ Bến Tre thời Pháp có ghi xóm thầy Đồ nằm cách thị trấn Ba Tri không xa4, “Trường học của cụ Đồ Chiểu ở An Bình Đông thu hút học trò từ các vùng xa, từ tỉnh khác đến5. Theo Monograpie de la province de Bến Tre, trước khi Pháp xâm lược, trong tỉnh có 70 trường dạy chữ Hán. Như vậy là mật độ trường học ở nông thôn Bến Tre thời ấy tương đối cao. Thời Tự Đức, phủ Hoằng Trị (gồm cù lao Minh và Bảo) có 125 thôn, như vậy trung bình trên hai thôn thì có một trường học, không kể các lớp tổ chức tại gia, do cha dạy con, anh dạy em. Huyện Bảo An (phần đất tương ứng với huyện Ba Tri ngày nay) là chiếc nôi Nho học của Bến Tre, cũng là nơi cung cấp nhiều thầy đồ cho những vùng khác trong tỉnh6.

Trong hồi ký Thời gian trong mắt tôi, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911- 2006) nhắc lại tình hình giáo dục thời Pháp mới cai trị nước ta: người Pháp cho mở trường dạy chữ Quốc ngữ Ba Tri, họ cho trát về các làng trong huyện phải gửi học trò đến học theo số quy định. Tại thị trấn Ba Tri ngày nay có duy nhất một trường tiểu học cho nhiều xã của thời ấy7. Có thể phỏng đoán rằng nhà sư Lê Khánh Hòa và nhiều con em xã Phú Lễ được đào tạo từ ngôi trường này. Hiện nay, chưa tìm được đầy đủ tư liệu nói về việc học hành, đỗ đạt thời Pháp thuộc cũng như từ 1945 đến 1975 của những người con làng Phú Lễ. Qua một số tư liệu về việc giáo dục thời Nguyễn và thời Pháp thuộc có thể khẳng định: Phú Lễ là đất có truyền thống học tập từ xa xưa, nhiều người con ưu tú đã xuất thân từ mảnh đất này. Truyền thống học tập của làng Phú Lễ mang đậm học phong Nam bộ: một học phong không chuộng từ chương, mà hướng về thực dụng và giúp đời.

Hiện nay, theo thống kê trong năm 2016, toàn huyện Ba Tri có đến 20 dòng họ hiếu học, 9.000 gia đình hiếu học và ước khoảng 250 người có trình độ sau đại học đang công tác khắp mọi miền đất nước8. Vì vậy, từ đó có thể khẳng định rằng, làng Phú Lễ vừa thừa hưởng được truyền thống hiếu học của huyện Ba Tri vừa là một điển hình tiêu biểu cho tinh thần này.

Hiện nay (năm 2017), toàn xã có 1 tiến sĩ và 7 thạc sĩ. Đó là các vị:

 

STT

Họ và tên

Năm sinh

Quê quán

Bằng cấp

1

Huỳnh Em

1971

Phú Khương, Phú Lễ

Tiến sĩ

2

Hạ Chí Điền

1982

Ấp PhúThạnh, Phú Lễ

Thạc sĩ

3

Nguyễn Thanh Tuấn

1988

Ấp PhúThạnh, Phú Lễ

Thạc sĩ

4

Nguyễn Thành An

1981

Phú Lợi, Phú Lễ

Thạc sĩ

5

Nguyễn Thanh Ngọc

1979

Phú Lợi, Phú Lễ

Thạc sĩ

6

Hồ Thị Ngọc

1984

Ấp PhúThạnh, Phú Lễ

Thạc sĩ

7

Trần Thị Trúc Linh

1987

Phú Lợi, Phú Lễ

Thạc sĩ

8

Phạm Thị Thùy Trang

1992

Ấp PhúThạnh, Phú Lễ

Thạc sĩ

 

Các vị này công tác nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục. Họ trở thành những niềm tự hào cho con em Phú Lễ noi gương mà phấn đấu học tập, trở thành những công dân có ích cho xã hội và tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương.

Chính sách khuyến học ở làng Phú Lễ

Khác với các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nơi mà các chính sách khuyến học còn ghi đầy đủ trong các hương ước, làng Phú Lễ cũng như hầu khắp các làng ở Nam bộ, do tính chất lỏng lẻo của kết cấu thôn xã, nên hầu như không có hương ước. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy truyền thống hiếu học qua các câu ca lưu truyền trong dân gian mà người ta sưu tầm ở làng này, dù chưa hẳn nó chỉ lưu hành ở đây.

Người dân ở đây xây dựng hình ảnh người con trai con gái lý tưởng: con gái chăm chỉ ruộng vườn, quay tơ dệt vải, con trai chăm chỉ học hành. Câu ca sau còn phản ánh quan niệm đó:

Trên trời có đám mây vàng

Bên sông nước chảy, có nàng quay tơ

Nàng buồn nàng bỏ quay tơ,

Chàng buồn chàng bỏ thi thơ học hành...

Con gái Bến Tre tháo vát, giỏi dang, họ chỉ yêu chàng trai nào siêng năng cuốc cày và ham học:

Gái xứ này biết cày biết cấy

Biết chèo ghe, gánh lúa ngoài đồng

Anh nào chữ nghĩa không thông

Cuốc cày không giỏi đừng hòng sánh duyên

Câu ca dưới đây thì nổi tiếng hơn, lưu truyền khắp miền Lục tỉnh, nhưng người ta cũng sưu tầm được ở làng Phú Lễ: câu ca nhắc nhở người con trai phải chăm học chữ Nho, chăm học thì đến bao lâu, người con gái cũng chờ:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu,

Anh về học lấy chữ Nhu (Nho)

Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.

Những câu ca trên cho thấy không phải người Phú Lễ hay rộng ra người Lục tỉnh không ham học, họ rất ham học, nhưng điều kiện học khó khăn, và hơn nữa: họ thích một cái học “cho rõ nghĩa lý” – như Trịnh Hoài Đức nói trong Gia Định thành thông chí, chứ không phải là cái học nặng về từ chương, khoa cử.

Trong đình Phú Lễ có không ít hoành phi câu đối đề cao sự học. Đơn cử một câu:

浩浩英風華宇宙

昭昭正気壯山河

Hạo hạo anh phong hoa vũ trụ,

Chiêu chiêu chính khí tráng sơn hà.

(Anh phong rực rỡ lòa trời đất,

Chính khí nguy nga rực núi sông)

Ngày nay, người dân Phú Lễ rất quan tâm đến việc đầu tư cho giáo dục, xem đây là động lực phát triển tương lai con em họ. Hiện tại, xã Phú Lễ có 1 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở để trang bị kiến thức nền tảng cho học sinh. Đồng thời, nhằm khuyến khích công tác khuyến học khuyến tài ở địa phương, Hội Khuyến học xã Phú Lễ được thành lập và đại hội nhiệm kì 5 năm/1 lần. Hội gồm có 7 chi hội trực thuộc ở tại 3 ấp và 3 trường học, 1 cơ quan văn phòng UBND xã. Theo Quy chế hoạt động đã ban hành, hoạt động của Hội Khuyến học xã Phú Lễ hướng đến 3 mục tiêu chính:

1. Khuyến khích và hỗ trợ phong trào học tập, xây dựng một xã hội học tập, nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp của mọi người trong nhà trường và trong xã hội, bảo vệ quyền lợi học tập của mọi người dân địa phương, đặc biệt chú ý tới những người nghèo, những người không có điều kiện học tập, những người có năng khiếu.

2. Trân trọng vai trò của người thầy và chăm sóc người thầy trong sự nghiệp Giáo dục- Đào tạo, khuyến khích người thầy phấn đấu không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp và đạo đức, kiến nghị với các cấp quản lý nhà nước về việc ban hành chính sách và chế độ đãi ngộ người thầy tương xứng với yêu cầu đào tạo và với vị thế trong xã hội.

3. Làm tư vấn về giáo dục trên cơ sở tập hợp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cán bộ lãnh đạo địa phương và những nhà tâm huyết với nghiệp giáo dục, kiến nghị với các cấp lãnh đạo về chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển giáo dục.

Nhờ vào mục tiêu và những cố gắng, phong trào học tập của cộng đồng ở xã Phú Lễ được nâng cao trong nhiều năm qua. Qua Báo cáo tổng kết năm 2016 của Hội Khuyến học xã Phú Lễ, được biết tổng hội viên tham gia Hội khuyến học địa phương gồm 434 người và có đến 339 hộ đăng ký gia đình học tập. Bằng sự đóng góp từ trong và ngoài địa phương, nguồn quỹ giúp đỡ con em xã Phú Lễ vững bước đến trường hiện có 222.813.000đ. Từ nguồn quỹ này, trong năm 2016, Hội Khuyến học Phú Lễ đã trao 119 học bổng với tổng số tiền 72.100.000, 1.076 quà tặng và học phẩm đến 74.923.000đ, 8 xe đạp gồm 15.500.000đ cho học sinh nghèo và khó khăn trên địa bàn xã.

Kết luận

Trong quyển hồi ký Thời gian trong mắt tôi, Bác sĩ-Nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Nghiệp đã lý giải một nguyên nhân quan trọng góp phần đưa đến sự hun đúc lòng hiếu học và tinh thần yêu nước của nhiều thế hệ con em Ba Tri bằng những dòng đầy tự hào: “Bên cạnh âm vang về cách xử thế của họ Phan, gió biển Đông thổi vào còn lan tỏa khắp nơi hương thơm tinh thần Nguyễn Đình Chiểu một “ngôi sao càng nhìn lâu càng sáng” cho ai muốn ngẩng đầu lên9. Xã Phú Lễ nằm khá gần xã Bảo Thạnh là nơi chôn nhau cắt rốn của Phan Thanh Giản, một địa điểm được các sĩ phu chọn làm nơi an táng người thầy giáo khai mở học phong xứ Đồng Nai - Gia Định và xã lại không xa mấy trường dạy học của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Cho nên, những con người này, nhất là tấm gương hiếu học của họ lẫn nỗi lòng với quê hương đất nước khi giặc Pháp xâm lược, chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến bao thế hệ người dân xã Phú Lễ nói riêng và huyện Ba Tri nói chung qua những thăng trầm của lịch sử.

Tóm lại, tất cả những nguyên nhân trên đây đã hun đúc nên một truyền thống hiếu học đáng tự hào ngay trên mảnh đất Phú Lễ, bên cạnh việc địa phương còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa hết sức có giá trị của cha ông. Đó là vẻ đẹp riêng của làng quê này trên mảnh đất giáp biển Ba Tri. Phú Lễ cần phát huy giá trị truyền thống hiếu học trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp.

 


* Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM.

1. Hội Nghiên cứu Đông Dương, Chuyên khảo về tỉnh Bến Tre (Nguyễn Nghị-Nguyễn Thanh Long dịch), TP.HCM, Nxb.Trẻ, trang 30.

2. Nguyễn Đình Tư (2013), Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam bộ, Đồng Nai, Nxb.Đồng Nai).

3. Tham khảo từ: https://quangduc.com/a5562/hoa-thuong-khanh-hoa. Ngày truy cập 18/5/.2017.

4, 5. Thạch Phương, Đoàn Tứ (2001), Địa chí Bến Tre, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, trang 819.

6. Thạch Phương, Đoàn Tứ (2001), Địa chí Bến Tre, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, trang 821.

7. Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, nhà giáo nhân dân-nhà văn - nhà báo, Hà Nội, Nxb Y học, trang 54.

8. Hữu Nghĩa, Tự hào đất học Ba Tri. Báo Đồng Khởi số 3654 ra ngày 15/5/2017, trang 6.

9. Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, nhà giáo nhân dân - nhà văn - nhà báo, Hà Nội, Nxb Y học, trang 54.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 45
    • Số lượt truy cập : 6058906