PHƯỚC HỌA THẾ GIAN
TUỆ QUÁN
Người học Phật Pháp trạch rõ công đức và phước đức. Công đức là tối thắng, hay gọi là Công Đức Pháp Thân, không do tu hành mà được, không do tích luyện mà thành, vốn sẵn đầy đủ, viên mãn xưa nay...
Họa phước thế gian chuyện khó lường, như đa số mọi người hay nói như vậy. Và mặc nhiên cho đó là việc ngẫu nhiên, may rủi. Thêm nữa là tin vào thuyết định mệnh: mọi người sinh ra đã theo số mệnh an bài, giàu nghèo có số, sống chết có số hết! Hay có những câu tự an ủi, hoặc đổ lỗi cho Ông Trời: Số Trời đã định. Trời kêu ai nấy dạ. Hoặc có tiến bộ hơn thì cũng chỉ là: Thôi! Nghiệp của tôi nó nặng quá, ráng nhẫn chịu hết đời này. Hoặc khổ quá thì tự an ủi: Chắc kiếp trước mắc nợ người ta nên bây giờ đành phải chịu khổ để trả nợ... Người học Phật thì không nói như vậy, họ có cách nhìn khác.
Phước hay họa đến với mỗi người là do chính bản thân họ cả, đúng với nhân quả rõ ràng, không sai chạy. Đa số thích phước, ai đâu thích họa! Nhưng muốn tránh có được đâu, không chấp nhận cũng không được. Chỉ là chuyển đổi một cách nhìn, hãy tôn trọng PHÁP. Xem sự việc hôm nay biết nhân ngày trước, và nhìn sự việc bây giờ biết kết quả ngày sau. Ngay bây giờ đã đầy đủ tất cả ba thời: Quá khứ - Hiện tại - Vị lai. Hiện tại là quả của quá khứ, và là nhân của vị lai. Vậy ngay hiện tại đây là quan trọng nhất. Ta không thể quay lại quá khứ để thay đổi những nhân xấu, nhưng có thể chuẩn bị cho tương lai bằng gieo những nhân lành.
Người học Phật Pháp trạch rõ công đức và phước đức. Công đức là tối thắng, hay gọi là Công Đức Pháp Thân, không do tu hành mà được, không do tích luyện mà thành, vốn sẵn đầy đủ, viên mãn xưa nay. Hãy trở lại nhân duyên Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma lần đầu gặp vua Lương Võ Đế. Vua hỏi: Trẫm từ ngày lên ngôi, cất chùa, độ tăng, có công đức gì? Sơ Tổ đáp: Không công đức! Thật ngắn gọn, chẳng phí công dài dòng giải nghĩa quanh co! Đối với bậc tác gia, cơ đầu tiên là vậy, đưa người thẳng vào. Nếu người không đủ sức, đành bước xuống một bậc thềm, tùy duyên gieo nhân địa. Công đức Pháp Thân chẳng thể tìm cầu, tu hành mà được. Tất cả Chư Phật từ đó xuất thân. Việc vua Lương Võ Đế hỏi việc xây chùa, độ tăng, in khắc kinh sách, khuyến khích dân chúng quy ngưỡng Phật Pháp,... cũng như bao việc Phật sự ở thế gian, gọi là phước đức,phước hữu lậu của thế gian như bóng theo hình, có tạo có hưởng, nhân quả theo nhau. Thật không thể so sánh, lẫn lộn được với kho báu Công đức Vô Tận Tạng được!
Phẩm Lưu thông của kinh Lăng Nghiêm càng nói rõ hơn kho báu công đức đó: Phật hỏi ngài Anan: “Anan, ví như có người đem các thứ thất bảo đầy dẫy hư không cùng khắp mười phương, dâng lên Chư Phật như số vi trần, vâng thờ cúng dường, Tâm không lúc nào xao lãng. Ý ông thế nào? Người ấy do nhân duyên cúng dường Phật như vậy được phước nhiều chăng?”.
Ông Anan đáp rằng: “Hư không vô tận, trân bảo vô biên. Ngày xưa có chúng sanh cúng Phật bảy đồng tiền, đến lúc bỏ thân rồi còn được địa vị Chuyển Luân Vương, huống gì hiện tiền hư không cùng tột, cõi Phật đầy khắp, đều là trân bảo, thì dù suy nghĩ cùng kiếp còn chẳng thể thấy, phước ấy làm sao có bờ bến”.
Phật bảo Ông Anan: “Chư Phật Như Lai lời không hư vọng. Nếu lại có người thân đủ các tội Tứ Trọng, thập Ba La Di, giây lát phải trải qua địa ngục A Tỳ phương này phương khác, cho đến cùng hết các địa ngục Vô Gián mười phương, không đâu chẳng trải mà có thể trong một niệm đem pháp môn này khai thị cho người chưa học đời mạt pháp, thì tội chướng người ấy trong niệm đó liền được tiêu diệt, biến cái nhân phải chịu khổ địa ngục thành An Lạc Quốc, được phước siêu vượt trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần hơn người thí cúng trước, như thế cho đến toán số thí dụ không thể nói hết được.
Pháp môn Đức Phật muốn nói đó là Diệu Tánh Chân Như Thanh Tịnh vốn sẵn nơi tự mỗi người. Dùng bảy báu: vàng, bạc, trân châu, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách của thế gian để cúng Phật còn được phước vô lượng; Huống nữa, đem Pháp Bảo này chỉ bày cho người chưa học, chuyển mê thành ngộ, chuyển phiền não thành Bồ Đề, Mình tự nhận được của báu, rồi một niệm hồi tâm đem chỉ cho mọi người đều nhận được của báu ấy, thì rõ ràng phước báu hữu lậu thế gian đâu thể sánh bằng.
Tổ Pháp Nhãn dạy: “Tu hành trải qua ba đời sáu chục kiếp, bốn đời một trăm kiếp hay tăng kỳ kiếp cho đến thành quả mà cổ nhơn còn nói là chẳng bằng một niệm duyên khởi Vô Sanh, siêu quá hàng Tam Thừa Quyền Học”. Cũng là ca ngợi hàng thượng căn đủ sức nhận ra kho báu Pháp Bảo vậy. Ngài Huyền Giác từng nói trong Chứng Đạo Ca:
Đàn chỉ viên thành bát vạn môn
Sát na diệt khước tam kỳ kiếp.
Búng tay tám vạn pháp môn thành
Nháy mắt rũ xong ba kỳ kiếp.
Nếu ai chưa đủ nhân duyên nhận ra kho báu, Đức Phật vì lòng bi mẫn thương xót tất cả mà cặn kẽ chỉ bày, tạm dùng phương tiện để tạo phước điền thế gian: Kinh Bốn Mươi Hai Chương nói rằng: “Phật dạy: cho một trăm người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Cho một ngàn người thiện ăn không bằng cho một người giữ Ngũ Giới ăn. Cho một vạn người giữ Ngũ Giới ăn không bằng cúng dường một vị Tu Đà Hoàn. Cúng dường một trăm vạn vị Tu Đà Hoàn không bằng cúng dường một vị Tư Đà Hàm. Cúng dường một ngàn vạn vị Tư Đà Hàm không bằng cúng dường một vị A Na Hàm. Cúng dường một ức vị A Na Hàm không bằng cúng dường một vị A La Hán. Cúng dường mười ức vị A La Hán không bằng cúng dường một vị Bích Chi Phật. Cúng dường một trăm ức vị Bích Chi Phật không bằng cúng dường ba đời Chư Phật. Cúng dường ngàn ức ba đời Chư Phật không bằng cúng dường cho một vị Không niệm, Không Trụ, Không Tu, Không Chứng”.
Hoài bão của Đức Phật vẫn là đưa mọi người vào cảnh giới tự chứng kho Pháp Bảo vô giá. Chưa được như vậy, cũng không uổng qua một kiếp người, bằng cách theo gieo nhân lành, tạo phước cho đời này và đời sau khỏi khổ.
Sách Nhân Thiên Bảo Giám có chép câu chuyện: Thiền sư Trí ở núi Vân Cái, Hồ Nam, ban đêm ngồi trong phương trượng bỗng nghe mùi cháy khét và tiếng gông xiềng, liền thấy một người mang gông có lửa, ngọn lửa còn cháy bập bùng không dứt, cái đuôi gông tựa vào then cửa. Trí kinh sợ hỏi:
- Ông là ai mà phải khổ sở thế này?
Người mang gông đáp:
- Tôi tên Thủ Ngung, trước kia trụ trì ở núi này, vì không biết nên tôi đem vật phẩm đàn việt cúng chúng tăng ra xây tăng đường mà nay tôi phải chịu cái khổ nầy.
Tri hỏi:
- Làm thế nào để được khỏi?
Ngung đáp:
- Xin ông vì tôi thiết trai cúng dường chúng tăng bằng giá tăng đường thì tôi có thể khỏi.
Trí đem của cải mình bồi thường đúng như lời Ngung nói. Một đêm nằm mộng thấy Ngung đến nói: Nhờ sức của thầy tôi được khỏi khổ địa ngục, sanh vào trời người, ba đời sau tôi sẽ được làm tăng.
Ngày nay cái then cửa hãy còn vết cháy.
Nghe lạ! Người ta cúng dường chùa, trụ trì tùy việc dùng miễn làm phật sự lợi ích cho chùa thôi chứ! Tại sao lại bị nạn khổ này? Nguyên do vì đâu? Đọc kỹ thấy rằng: đàn việt cúng dường nói rõ vật phẩm này để cho chúng tăng (ăn uống,tứ sự). Trụ trì lại làm sai tâm nguyện của người cúng, tự ý lấy quyền trụ trì làm theo ý mình,dùng tài vật đó xây tăng đường, cũng là dùng cho nhà chùa, nhưng chính là tự ý làm không đúng, trái với tâm tư nguyện vọng người cúng thí. Vì chưa rõ biết, lại để bản ngã xen vào, thành ra phải nhận quả khổ! Nếu đàn việt chỉ gửi tài vật cho chùa, không tác bạch cúng dường cụ thể, trụ trì có thể tự quyết định phân bổ dùng vào việc Phật sự, lợi ích quần sanh, thì không sao, vẫn tốt đẹp. Điều chính yếu là rõ ràng, minh bạch.
Bây giờ nhìn lại, có nhiều người vẫn đang mắc phải lỗi này. Đáng phải suy gẫm! Không biết, không rõ ràng lại tự chuốc họa vào thân.
Đời không khác chi đạo, đời chính là đạo. Mọi người thường chỉ nghĩ: đem tài vật đến cho chùa, có cúng dường tác bạch rõ ràng, trang nghiêm, quý thầy hứa khả nhận cho, lại có lời úy lạo, chúc phúc...Người cúng dường gửi gắm tâm tư mong ước qua lời tác bạch để tạo phước cho mình. Điều này quá hay! Có người phát tâm,có tài vật cúng dường, có quý thầy đức hạnh hứa khả. Đây là đầy đủ pháp cúng dường, sẽ thành tựu phước đức. Nhưng ngoài đời sống xã hội, họ lại không để ý, hoặc là quên mất điều quan trọng. Chúng tôi có hỏi thăm các vị giám đốc, các công ty lớn nhỏ, lúc họ đóng thuế, họ có suy nghĩ gì, có khởi niệm gì không? Có gửi gắm tâm tư nguyện vọng gì không? Gần như câu trả lời là không. Chính sách thuế là nghĩa vụ đóng góp của người dân, đối với đất nước. Có điều, đa số đem đóng số tiền rất lớn một cách khơi khơi! Thật sự trong tâm nguyện con người Việt Nam rất tốt, có trách nhiệm đối với đất nước, mong muốn những đóng góp của mình qua chính sách thuế được nhà nước điều phối vào việc ích nước lợi dân, giúp cho dân giàu nước mạnh. Số tiền thu từ thuế rất lớn, đây là điều kiện sống còn của một đất nước. Có điều người dân (bao gồm các công ty, tập đoàn, tổ chức, các hộ kinh doanh,...) chưa biết cách đóng thuế đúng Pháp để lợi ích cho mình và cho xã hội, đất nước. Thì đây là cách để mỗi người tự thấy và ứng dụng: Chỉ cần mỗi lần nộp thuế, hoặc đóng góp bất cứ tài vật gì, hãy khởi tâm tốt đẹp: Tôi nay đóng góp số tài vật này cho đất nước, ước nguyện rằng số tài vật này sẽ được nhà nước dùng vào việc ích nước lợi dân, cho đất nước tôi giàu mạnh, cho ngươi dân tôi được ấm no đầy đủ. Vậy là đúng pháp và sẽ thành tựu, ai làm sai người ấy chịu,mình không cộng nghiệp vì nếu có ai đó làm sai. Còn mình không nói rõ mục đích ước nguyện của mình, đem đóng chung chung, thì việc điều phối không đúng, vô tình mình bị cộng nghiệp vì đã góp phần vậy.
Việc làm đem lại lợi ích cho cộng đồng tất nhiên phước rất lớn. Trên thế giới điển hình có tỉ phú Bill Gates ngoài việc sáng lập ra công ty Microsoft, cùng đóng góp phát triển mạng internet, đem lại lợi ích rất lớn cho nhân loại, Ông còn cùng với người bạn là nhà tỉ phú Warren Buffett lập quỹ từ thiện, chia sẻ và đóng góp những lợi ích thiết thực cho cộng đồng thế giới.
Người tu học Phật pháp biết rõ sức mạnh của sự chú nguyện (Tâm tư, nguyện vọng) nên hay chú nguyện hồi hướng phước báu tu học, rãi tâm từ. Khi nhiều người cùng đồng tâm chú nguyện, sẽ tạo một cộng hưởng rất lớn. Chú nguyện là một dạng sóng tư tưởng, có hình tướng, vi tế. Vật càng vi tế càng có sức mạnh vô cùng. Ai cũng biết rõ, đất là vật thô cứng hơn nước vốn mềm mại, lại bị nước lay chuyển, gió lại vi tế hơn nước, lại lay chuyển được nước thành sóng lớn. Thời đại khoa học bây giờ, những loại vũ khí hạt nhân, những dạng sóng phát xạ mắt thường không thấy được, càng rất nguy hiểm, có sức tàn phá, tiêu diệt khủng khiếp.
Để kết lại, xin trích một đoạn trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác:
Giác tức liễu, bất thi công
Nhất thiết hữu vi pháp bất đồng
Trụ tướng bố thí sanh thiên phước
Do như ngưỡng tiễn xạ hư không
Thế lực tàn, tiễn hoàn truy
Chiêu đắc lai sanh bất như ý
Tranh tự vô vi thực tướng môn
Nhất siêu trực nhập Như Lai địa.
Biết là xong tất, chẳng cần công
Thảy thảy hữu vi pháp chẳng đồng
Của cho trụ tướng phước trời hưởng
Ví như tên nhắm bắn hư không
Đà bắn hết, mũi tên rơi
Kiếp sau hận cũ lại bời bời
Sao bằng tự cửa vô vi ấy
Một nhảy liền vào đất Như Lai.
Ngưỡng mong tất cả mọi người đều được lợi ích, an lạc.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu ni.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết