PHƯƠNG NAM NGHĨ VỀ HÒA THƯỢNG TUỆ TẠNG[1]
Trước tiên phải nói đến yếu tố sống còn của đạo Phật, đó chính là giới luật. "Giới luật còn thì Phật pháp còn", mà giới luật chí có ở bậc chân tu tinh thông luật tạng mô phạm tòng lâm. Tổ Tuệ Tạng là bậc được muôn người ngưỡng mộ, là ngọn đuốc chính pháp làm nhân tố cho sự nghiệp chấn hưng và uy danh của Người đã khiến cho hậu học khắp ba miền đất nước nghe tiếng quy tụ nương về học hỏi.
Miền Nam thời bấy giờ tuy vẫn có các bậc cao đức, nhưng riêng luật tạng thì không đâu hơn được chốn Tổ Cồn. Vì thế, quá trình tìm tòi lặn lội ra tận miền Bắc của các tăng sĩ phía Nam để được nghe pháp âm của Người giảng dạy, là phúc duyên lớn cho việc truyền thừa mạng mạch chính pháp mạnh mẽ ở phương Nam sau này.
Sau đây là những sự kiện, những tư liệu mà Phật giáo miền Nam đã phát biểu, đã viết về một bậc cao tăng danh đức mà tầm ảnh hưởng của người để lại trong lòng tăng ni phật tử miền Nam:
Tổng hội Phật giáo Việt Nam
Đối với Tổng hội, Hòa thượng được tôn cử chức Nguyên Lão Chứng Minh Đạo sư Tổng hội Phật giáo Việt Nam trước khi được suy tôn lên chức Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc. Trong điếu văn của mình, Tổng hội đã viết:
"Hôm nay, Tổng hội Phật giáo Việt Nam chúng tôi cảm khích ân đức tiền nhân, làm lễ cầu siêu Cố Hòa thượng Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc, tại chùa Xá Lợi, Sài gòn. Chúng tôi đứng trước linh tòa, sáu tập đoàn như một, thề nối gót người xưa, dù biển lý sơn hà, phong suy vũ chuyển, nguyện noi gương thủa trước, mặc cổ kim thế thái vật đổi sao dời. Dâng nén tâm hương, chúng tôi thành khẩn cầu ân trên Tam bảo độ trì Hòa thượng siêu sinh Tịnh cảnh, tái hiện độ sinh, viên thành Chính giác..."
(Trích Điếu văn của Tổng hội PGVN, trang 01,
tạp chí Từ Quang số 89 tháng 6 – 59).
Hội Phật học Nam Việt
Là một trong những tập đoàn của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hội đã đăng nguyên văn "Lá Tâm Thư" trong hai số 92 – 93 của tạp chí Từ Quang, để tưởng nhớ và học tập những lời dạy khuyên của Người. Phần mở đầu, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã viết như sau:
"Sau Đại hội nghị Phật giáo toàn quốc kỳ III, ba giáo hội Tăng già có hợp đại hội kỳ nhì, trong hai ngày 10 và 11-9-59, tại chùa Ấn Quang, để suy tôn ngôi Thượng thủ, thay Hòa thượng nguyên Thượng thủ Thích Tuệ Tạng đã viên tịch ngày 10-5-59. Nhân dịp này, Từ Quang thấy có bổn phận nhắc lại sau đây những lời tâm huyết mà vị cố lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo toàn quốc đã kính gửi, hồi năm 1953, đến chư sơn Trưởng lão, nhị bộ Thánh chúng và thập phương thiện tín.
Chư quý độc giả thân mến sẽ thông cảm mối hoài bão và nỗi lo âu của một bậc đạo cao đức cả đối với vận mệnh Phật giáo nước nhà, và chắc cũng sẽ thương tiếc Hòa thượng quá sớm về miền An dưỡng, trong khi công cuộc chấn hưng còn mong chờ nhiều ở Hòa thượng."
(Trích phần Lời Tòa Soạn, trang 16,
tạp chí Từ Quang số 92 tháng 9-1959)
Tạp chí Từ Quang
Trước đó, khi hay tin Hòa thượng viên tịch, tạp chí Từ Quang, cơ quan truyền bá giáo lý của Hội Phật Học Nam Việt, ngay trang nhất, đã dành trọn trang để in ảnh của Hòa thượng. Phía dưới ảnh có lời phân ưu của tạp chí như sau:
"Hòa thượng Tuệ Tạng, Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc. Nguyên chứng minh Đạo sư Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đã thị tịch tại chùa Vọng Cung (Nam Định) ngày mồng 3 tháng Tư Kỷ Hợi (tức 10-5-59).
Tổng hội PGVN đã long trọng cử hành lễ Kỳ siêu và truy niệm Hòa thượng tại trụ sở chùa Xá Lợi, sáng ngày 14-6-59 hồi 8g30 với sự tham gia của cả ngàn thiện tín.
Tiểu sử của Hòa thượng được ghi rõ trong bài điếu văn đăng trang sau.
TỪ QUANG kính nguyện chư Phật gia hộ Hòa thượng thượng phẩm thượng sanh, Bồ đề viên đốn."
(Tạp chí Từ Quang số 89, xuất bản tháng 6-1959, trang nhất)
Đức Hội chủ Thích Tịnh Khiết
Ngài thay mặt Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã viết trong Thông bạch của Tổng hội nhân ngày Phật đản Phật lịch 2504:
"Trong năm qua, chúng ta đã mất một vị lãnh đạo tinh thần cao cả mà tin thị tịch đã làm chấn động hàng ngũ chúng ta. Tôi muốn nhắc đến cái tang của Hòa thượng Tuệ Tạng, Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc, đã xãy ra ngày mồng 3 tháng 4 Kỷ Hợi, tức 10 tháng 5 năm 1959 tại chùa Vọng Cung, thuộc tỉnh Nam Định. Để cảm niệm giác linh Hòa thượng, một vị cao tăng trọn đời tha thiết với công cuộc thống nhất và trùng hưng Phật giáo nước nhà, tôi kính mời toàn thể Phật tử giữ một phút yên lặng..."
(Trích thông bạch của Tổng hội Phật giáo Việt Nam,
đăng trong tạp chí Từ Quang số 99 tháng 4,1960, trang 03).
Ban Chính Tín Phật tử chùa Giác Minh
Chùa Giác Minh vốn là trụ sở Giáo hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam và là nơi sinh hoạt của các Phật tử miền Bắc di cư, Ban Chính Tín Phật tử Giác Minh, khi hay tin Hòa thượng viên tịch, đã làm bài điếu văn kính dâng lên giác linh Người trong buổi lễ Tứ cửu được tổ chức tại chùa Giác Minh ngày 22 tháng 5 năm Kỷ Hợi tức 27/6/1959 tại số 578 Phan Thanh Giản Sàigòn.
Bài văn này nguyên là bản viết tay, còn lưu giữ trong di cảo của Cố Hòa thượng Thích Bình Minh, xin trích một đoạn như sau:
"Suốt một đời Hòa Thượng chỉ biết phục vụ cho đạo và hy sinh vì người. Khi đất nước thanh bình, lúc thời cuộc đổi thay, Hòa Thượng vẫn bền lòng tiếp nhân độ chúng, không hề lui chuyển. Vậy công nghiệp của Hòa Thượng làm, nếu không phải là Bồ tát tái sinh, thì thử hỏi đã mấy ai làm được?
Chúng con cũng tưởng:
Chúng sinh nghiệp quả còn sâu,
Hòa Thượng còn nặng lời nguyền..."
(Trích bản viết tay trong di cảo của
Cố Hòa thượng Thích Bình Minh)
Hội Phụ nữ Phật tử chùa Dược Sư
Chùa Dược Sư ở vùng Gia Định, nay thuộc quận Gò Vấp Tp. Hồ Chí Minh, vốn là ngôi chùa có nhiều Phật tử Bắc và Nam cùng sinh hoạt, đã tổ chức tuần Tứ cửu tưởng niệm cố Hòa thượng tại đây. Trong điếu văn của mình, các nữ Phật tử của hội đã viết:
"Nay Hòa Thượng viên tịch, theo sự nhận xét của bậc thượng căn thượng trí, thì đáng mừng, chứ không có chi mà phàn nàn ân hận. Nhưng đối với hàng hạ căn hạ trí, phúc mỏng nghiệp dày, quen tính ỷ lại, không chịu tự học tự tu như chị em chúng con đây thì ai chẳng bùi ngùi tấc dạ, đau thương mến tiếc và bàng hoàng sợ hãi, như nhà mất chủ, như thuyền mất lái, như đêm tối mất ánh sáng v.v... Nhất là trong thời đại: Phật cao nhất xích, ma cao thiên trượng, Hòa Thượng mất đi, ai là người kế ngôi Hòa Thượng lèo lái con thuyền Phật giáo Việt Nam, đứng mũi chịu sào, đương đầu với cơn sóng gió, ngõ hầu nhiếp chính ma vương, thiệu long Tam Bảo."
(Trích bản viết tay trong di cảo của
Cố Hòa thượng Thích Bình Minh)
Tuần báo Đuốc Tuệ Sài Gòn
Báo Đuốc Tuệ là tuần báo của Tăng ni Phật tử miền Vĩnh Nghiêm. Trong số báo kỷ niệm sáu năm ngày giỗ Hòa thượng Tuệ Tạng, đã cho đăng 3 bài viết: bài một của Đuốc Tuệ nhan đề Hoài niệm Tôn sư; bài thứ hai là Tiểu sử cố Hòa thượng Tuệ Tạng do Hòa thượng Thích Thanh Cát phụng soạn; bài thứ ba là Lá tâm thư của Tổ viết lúc sinh thời. Ở đây chúng tôi xin trích phần đầu trong bài viết "Hoài niệm Tôn sư":
"Nén hương viễn xứ lại bắt đầu lan tỏa trong những tấm lòng người đệ tử biết ơn.
Tình sư đệ làm sao có thể phai mờ dưới bao cành lá thời gian rơi trong vườn dân tộc.hình ảnh Tôn sư vẫn là một vết tích quen thuộc trong cặp mắt kính mến của những Phật tử Bắc Việt di cư.
Pháp âm và đạo hạnh Tôn sư mãi mãi truyền cảm mọi người, Tăng ni và Cư sĩ trong toàn quốc.
Dù đó chỉ là những vang bóng của người xưa, những quá trình nổi bật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chúng ta, những người kế vãng khai lai, có bổn phận ghi ơn bằng những sứ mạng duy trì, phát triển, bảo vệ Phật pháp và dân tộc. Nghĩa là, chúng ta biết cách kỷ niệm Đức Thượng thủ đầu tiên, Hòa thượng Thích Thanh Thuyên, pháp hiệu Tuệ Tạng, trú trì chùa Cồn và Quán Sứ Hà Nội, đã từ trần cách đây sáu năm tại Bắc Việt."
(Tuần báo Đuốc Tuệ-Sài Gòn, số 11, ra ngày 28/03/1964)
Hòa Thượng Thích Thanh Cát
Trong bài "Tiểu sử Cố Hòa thượng Tuệ Tạng, Thượng thủ đầu tiên Giáo hội Tăng già toàn quốc", ngoài phần tiểu sử súc tích và mô tả hành trạng của Tổ rõ ràng hơn các bài tiểu sử đã soạn trước đây. Trong đoạn luận kết, Hòa thượng Thanh Cát đã viết:
"Thế là Hòa thượng từ trẻ, đến già, suốt đời hy sinh vì đạo, một bậc tu hành chân chính, đạo cao đức trọng, đáng làm gương sáng cho các Phật tử hiện nay và muôn đời hậu thế. Ôi! Người như thế, công đức như thế, có vàng mười hồ dễ đúc lên, sự nghiệp còn đây, tên tuổi còn đây, hiềm giấy ngắn khó lòng tả xiết!"
(Trích đoạn cuối trang 9, Đuốc Tuệ, số 11, sđd)
Hòa thượng Thích Thiện Hòa
Là một người Nam bộ, sau khi học xong ở Phật học đường Báo Quốc năm 1945, xa nghe tiếng tăm đức độ của Tổ Tuệ Tạng, ngài đã gát lại chuyện trở về Nam hành đạo, mà tiếp tục lên đường ra đất Bắc tìm đến chùa Cồn tham học luật tạng với Tổ.
Khi trở về Nam năm 1950, Hòa thượng Thiện Hòa đã hoằng dương sở học luật tạng từ chốn Tổ Cồn.Từ đây, nghi thức tụng giới Tỳ khưu, giới Bồ tát bằng Việt ngữ mới được phổ biến thống nhất ở phương Nam. Ngọn lửa truyền đăng luật tạng từ nơi Tổ Tuệ đã được ngài Thiện Hòa di đăng thắp sáng khắp trời Nam. Khi sinh thời, ngài Thiện Hòa luôn nhắc nhở đến công ơn giáo dưỡng thọ mạng chánh pháp cho mình từ nơi chốn Tổ Cồn đã truyền thụ.
Tác phẩm nổi tiếng của ngài khi học với Tổ Cồn chính là quyển Nghi thức tụng giới Tỳ kheo và Nghi thức tụng giới Bồ Tát. Trong đây lời văn, cách thức đều như sự nghi quỹ của các chốn tổ miền Bắc. Khác chăng là miền Bắc thì tụng giới nguyên âm Hán văn, còn miền Nam thì được ngài Thiện Hòa chuyển ngữ ra nghĩa tiếng Việt.
Hòa thượng Thích Hành Trụ
Là một vị chuyên luật danh tiếng ở miền Nam, Hòa thượng Thích Hành Trụ, người đã phiên dịch các quyển luật tạng như Tứ Phận Giới Bổn Như Thích, Sa Di Luật Giải, Bồ Tát Giới Kinh... Trong khi dạy luật học cho chúng tôi, Hòa thượng thường ngậm ngùi tiếc nuối nhắc đến Tổ Tuệ Tạng, vì bản thân ngài khi học ở Phật học đường Tây thiên-Huế vì bệnh duyên, nên không thể tiếp tục ra Bắc theo học chuyên luật như ngài Thiện Hòa.
Năm 1946, Hòa thượng từ miền Tây lên đất Sài gòn lập ra chùa Tăng Già, nay là chùa Kim Liên, là Phật học đường đầu tiên ở đất Sài gòn, qui tụ đông đảo tăng ni khắp lục tỉnh về đây tu học. Năm 1951, được sự chỉ bảo của Hòa thượng, hai vị tăng ni đệ tử của ngài đã lên đường ra Bắc tìm đến học luật với Tổ Tuệ Tạng tại chùa Vọng Cung-Nam Định. Đó là Thượng tọa Khánh Nghiêm và Ni trưởng Tịnh Nguyệt. Hai vị quyết tâm chuyên cần học luật với Tổ cho đến khi làu thông mới trở về Nam, nên khi đất nước bị chia đôi năm 1954, các vị vẫn tình nguyện ở lại học hỏi luật tạng với Tổ mà không trở về Nam. Sau khi Tổ viên tịch năm 1959, hai vị về đất Hải phòng nhận chùa Đồng Thiện để tu học hoằng pháp. Mãi đến khi đất nước thống nhất năm 1975, chỉ mỗi Ni trưởng Tịnh Nguyệt trở về Nam, còn Thượng tọa Khánh Nghiêm đã gửi thân về cát bụi nơi đất Bắc.
Đối với chúng tôi, mỗi khi đăng đàn giảng luật, là mỗi lần Hòa thượng không tiếc lời tán thán đức độ của Tổ Tuệ Tạng. Ngài nói "Tôi chuyên trì dạy luật, mà chưa được diễm phúc diện kiến để học hỏi và truyền thừa từ Tổ sư luật học Tuệ Tạng, đó là điều mà tôi nghĩ mình bất hạnh nhất trong đời tu hành".
Chính những lời nói của Hòa thượng, làm cho chúng tôi càng kính ngưỡng tài đức của Tổ, dẫu rằng chúng tôi là kẻ hậu học xa vời, nào có duyên may tiếp cận sự chân truyền này. Chính vì nỗi niềm ấy, Hòa thượng Hành Trụ, bổn sư của chúng tôi đã khuyên nhủ giới thiệu tôi đến tham học thêm luật học nơi Hòa thượng Thích Bình Minh, vốn là một cao đồ chân truyền của Tổ Cồn ở chùa Hòa Bình, Sài Gòn.
* * *
Bao nhiêu chứng tích cảm nhận trên đây, chưa phải là tất cả đối với Phật giáo đồ miền Nam, nhưng cũng đủ để nói lên tấm lòng và sự tôn vinh kính phục về Hòa thượng Tuệ Tạng-Thích Tâm Thi.
Nhìn xuyên cuộc đời hành đạo của ngài, chúng tôi liên tưởng đến hành trạng của Hòa thượng Khánh Hòa, một bậc danh tăng đi đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam. Sau đây là những nét song trùng:
– Hòa thượng Tuệ Tạng trong quá trình vận động chấn hưng Phật giáo tại Bắc phần, ngài cũng không được như tâm nguyện. Ta thấy trong bài viết của Hòa thượng Thanh Cát:
"Vì nguyện vọng chấn chỉnh tông phong, phục hưng chính pháp, nên Hòa thượng đi khắp các nơi, vận động cho phong trào Phật giáo chấn hưng. Nhưng rất tiếc vì thời cơ chưa đến, vận hội không thành, hòa thượng lại trở về bản quán (Nam Định), cùng mấy vị đồng tu thành lập hội "Cảnh Sách Tiến Đức Sơn Môn". Mục đích: Báo đáp tứ ân, sách tiến hậu côn trên đường tu học, truyền bá chính pháp."
(Trích trang 8, Đuốc Tuệ, số 11, sđd)
– Hòa thượng Khánh Hòa cũng trong hoàn cảnh như thế. Ta xem đoạn trích trong Danh Tăng Việt Nam tập I:
"Năm 1927, Ngài cử Sư Thiện Chiếu ra Bắc bộ để vận động chấn hưng Phật giáo. Không thành công, Sư Thiện Chiếu về Sài gòn. Năm 1928, Ngài cùng các vị Thiện Chiếu, Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lập Thích Học Đường và Phật Học Thư xã tại chùa Linh Sơn (Cầu Muối), cuối cùng vẫn không thành công. Ngài trở lại quê nhà, không nản lòng với nguyện cao cả, Ngài quyết định đi cổ động chấn hưng Phật giáo khắp các tỉnh Nam bộ, kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ với ba phương châm : 1/ Chỉnh đốn Tăng già. 2/ Kiến lập Phật học đường. 3/ Diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ.
Tâm lực cao cả đó là hành trang theo Ngài trên mọi nẻo đường từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ngài đem hết can tràng tha thiết chỉ rõ sự suy đồi và nguy cơ bị tiêu diệt của Phật giáo nếu không sớm chấn hưng. Tuy nhiên chỉ một ít vị tỏ ra đồng tình ủng hộ, hầu hết chỉ nghĩ đến tông môn mình, chùa mình và từ chối thoái thác cộng tác."
(Sđd, Thích Đồng Bồn chủ biên,
THPG Tp.HCM ấn hành 1995)
Qua hình ảnh hai vị cao tăng dấn bước kêu gọi chấn hưng nhưng không được hồi âm, đủ nói lên sự thiết tha vì đạo và tâm tư hai ngài giống nhau đến cỡ nào! Một cách nhìn khác, hai ngài chính là những vi tiên phong đặt nền tảng cho phong trào chấn hưng ở hai đầu đất nước thời bấy giờ, những tư tưởng lớn ấy đã gặp nhau, châm ngòi cho sự dấy lên phong trào chấn hưng lan rộng khắp cả ba miền đất nước, là nhân tố làm nên sự nghiệp rực rỡ cho sự thống nhất Phật giáo ngày nay như tâm nguyện ấy của các ngài.
* * *
50 năm đã trôi qua, hôm nay chúng ta hội thảo về Hòa thượng Tuệ Tạng, để thấy thời gian, con người dẫu có phai mờ cát bụi, nhưng lịch sử vẫn mãi ghi đậm đức độ và hành trạng Tổ Tuệ Tạng cũng như Tổ Khánh Hòa. Các ngài đã để lại cho hậu học chúng ta lòng tự hào về Lịch sử Phật giáo Việt Nam trong một giai đoạn khó khăn nhất của Phật giáo và đất nước ở nửa đầu thế kỷ 20 vừa qua.
Kính thắp nén tâm hương tưởng niệm giác linh Hòa thượng Thượng thủ đạo hiệu Tuệ Tạng, pháp danh Thích Tâm Thi tác đại chứng minh.
Viết tại chùa Phật học Xá Lợi
Tp. Hồ Chí Minh ngày 05-05-2009
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết