QUẢ LÀNH CÓ NĂM GIÁC QUAN KỲ DIỆU - BÀI I: CƠ QUAN XÚC GIÁC
QUẢ LÀNH CÓ NĂM GIÁC QUAN KỲ DIỆU
(KUSALAPHALÀNAM PAÑCA SAVIMHAYA DVÀRÀ)
BÀI I: CƠ QUAN XÚC GIÁC
TUỆ LẠC - NGUYỄN ĐIỀU
Cùng là cấu tạo vật chất, hiện hữu từ rất lâu trên mặt đất này, nhưng không một cấu tạo vật chất nào, dù hiện nay cho là tối tân đến đâu, có thể xem tinh vi hơn năm cơ quan cảm giác của con người. Phải chăng đó là những quả lành, hay «phần thưởng» của một sinh vật biết tiến hóa như nhân loại, để giúp trí óc loài người vừa tự hướng thượng, vừa tương liên phát triển giữa “cộng đồng” vạn vật?
Bốn trong năm cơ quan cảm giác ấy nằm xung quanh não bộ, dưới dạng mắt, tai, mũi, lưỡi, và chỉ có cơ quan cảm giác thứ năm (làn da bao quanh thân) là có diện tích lớn hơn, trương rộng bao phủ xuống đến lòng bàn chân. Nó (làn da) cũng là “vỏ bọc” che chở cho bốn cơ quan cảm giác kia. Cả năm “cơ quan” này hoạt động một cách liên đới kỳ diệu, mà không một bác học chuyên phát minh nào, có thể sáng chế được một tác phẩm hoàn hảo hơn thế.
Nhiều kinh điển nhà Phật vẫn thường nhắc “Khó mà tiến hóa nên thân người”, hay “Nhiều thiện duyên lắm mới trở lại kiếp làm người”. Vì cõi người là cõi hội đủ những yếu tố để một Bồ-tát thực hiện viên tròn Ba-la-mật, thành Phật.
Như vậy, năm cơ quan cảm giác kia, trên một phương diện nào đó, chính là năm “lợi khí”, hay năm “phúc lộc” của nhân loại, để vừa vui sống, vừa tiến hóa. Tiến hóa sao cho thiện duyên còn mãi (hay nhiều hơn nữa), để nếu không đạt được quả vị thánh hiền trong hiện tại, thì sau khi chết, ít nhất cũng tái sinh được làm người trong tương lai, có toàn vẹn ngũ quan cảm giác, thay vì bị tàn tật hay sa đọa.
Chúng ta thử bàn qua những “lợi khí” (hay quả lành) này, vì ấy vừa là một biểu lộ sự hiểu biết thực tiễn, trong đời sống nhân thể hằng ngày, vừa là một kiến thức cần thiết, nhắc nhở chúng ta cái khả năng độc đáo của năm giác quan, hầu chúng ta sẽ không coi thường quả phúc mà mình đang có.
Hãy bắt đầu bằng cơ quan xúc giác (làn da)
Nhà Phật gọi làn da là cảm quan của thân căn (Kàya Dvàra). Thân căn ở đây ám chỉ toàn thể diện tích mặt ngoài của nhân thể. Nếu một côn trùng hay sâu bọ nào đó, xuất hiện, di động trên mình chúng ta, thì chúng ta lập tức biết ngay vị trí của nó, mà chúng ta không cần phải nhìn. Ðó là nhờ hệ thống xúc giác bén nhạy và thần tốc của làn da, xuyên qua hệ thống thần kinh, giao cảm với não bộ.
Và đa số diệu dụng của xúc giác lại nằm ở làn da đôi bàn tay. Khi chúng ta cầm một cuốn sách, tuy chúng ta chẳng tính toán cách nào cho đúng, cuốn sách đã tự nhiên nằm vừa phải trước tầm mắt. Ðồng thời, cùi chỏ của chúng ta cũng tự động co vừa đủ, để cho bàn tay đỡ cuốn sách, không quá chặt làm nó lệch, và cũng không quá lỏng để nó phải rớt. Rồi lúc cần đọc qua trang khác, thì các ngón tay tự lật như ý muốn. Thử hỏi nếu xúc giác đôi cánh tay, nhất là đôi bàn tay không «tinh tế», đa dụng như thế, thì con người còn có thể làm những gì?
Một động tác khác: Chúng ta nâng một quả trứng. Nếu xúc giác các ngón tay của chúng ta không bén nhạy, vận dụng vừa đủ sức để giữ quả trứng, thì nó sẽ rơi. Nhưng nếu chúng ta dùng sức quá mạnh thì quả trứng vỡ toang. Chúng ta cũng nào biết trước quả trứng nặng bao nhiêu để liệu sức cho vừa trên các ngón tay? Thế mà qua xúc giác, mấy ngón tay của chúng ta vẫn nghiệm đúng được trọng lượng quả trứng, để dùng đủ sức nâng quả trứng một cách an toàn.
Người mù cũng dùng làn da bàn tay để “đọc sách”. Họ “rà” làn da các đầu ngón tay lên trang giấy có “in nổi” những “chùm ký hiệu” mà nhận ra mặt chữ. Phương pháp hướng dẫn người bị tàn tật đôi mắt biết đọc biết viết, tuy chỉ được khoa học phát minh gần đây. Nhưng từ xa xưa, người mù vẫn dùng làn da đôi bàn tay, để phân biệt sự khác nhau giữa các màu sắc trên vải, trên mặt giấy, hay trên bất cứ vật gì họ cầm nắm.
Trong trường hợp tai nạn, một người bị thương bất tỉnh, máu chảy dầm dề, ngẫu nhiên có mặt một bác sĩ. Tuy không dụng cụ chuyên môn, nhưng với tính linh động, phối hợp với sự hiểu biết y khoa về phương pháp cứu cấp, vị y sĩ liền dùng xúc giác các đầu ngón tay để “bắt mạch” xem tình trạng bị thương của nạn nhân trầm trọng như thế nào. Và nhất là nhờ “tính đa năng” của đôi bàn tay, vị y sĩ có thể dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp mạnh vết thương cho máu chảy ít lại, đồng thời ông vội xé áo nạn nhân, lấy mảnh vải làm sợi dây cột chặt phía trên động mạch. Thế là nạn nhân tạm được cầm máu, và đủ sức nằm chờ xe cứu thương đến đưa gấp vào bệnh viện.
Ngoài khả năng xúc giác, đôi bàn tay còn nhờ những thớ thịt có nhiều đường gân gọi là “gân trái chanh”, nằm giữa ngón cái và ngón trỏ. Công dụng của chúng là “điều khiển” các lắt léo của hai ngón tay đó, cùng những ngón khác.
Theo nhân thể học, sự điều hợp các “lắt léo” ấy đến từ khớp xương toàn động (nằm ở bả vai). Chúng không cần sự kéo đỡ của các thớ thịt, mà chỉ xuyên qua xúc giác, trên làn da đôi bàn tay nối liền với thần kinh, chúng vẫn có thể cử động dễ dàng. Nhờ vậy mà ngón tay cái mới chu toàn được nhiều động tác khá phức tạp, khi nó được “áp” vào đầu những ngón kia trên bàn tay. Ngón cái luôn luôn đóng vai chính trong sự cầm nắm, và là phương tiện đa năng cho việc sử dụng đôi bàn tay của con người trong mọi sinh hoạt.
Không có bàn tay thì con người không thể thí nghiệm được gì cả. Và kết quả của vô số thí nghiệm xưa nay đã mang lại cho nhân loại những phương tiện tinh xảo. Từ “nghệ thuật” xỏ sợi chỉ qua lỗ kim nhỏ xíu, đến sáng chế các dụng cụ tối tân, như máy chụp hình, máy quay phim, động cơ xe hơi, tàu ngầm, máy bay, máy vi tính, hỏa tiễn, phi thuyền v.v..., đôi bàn tay càng ngày càng phô diễn nhiều “biệt tài” mới lạ, gây ngưỡng mộ cho loài người không ít.
Nhà bác học Isaac Newton, trước xúc giác bén nhạy của bàn tay, đã nói “Cần gì phải thí nghiệm phức tạp toàn thân thể, chỉ quan sát khả năng của ngón tay cái thôi, người ta sẽ sáng mắt ra, về những kỳ diệu trong sự sống con người”.
Giáo sư Napier cũng nhận định: “Tuy khoa học có thể đưa được con người lên cung trăng, hay đưa máy móc đi khám phá xa hơn ngoài không gian, (thậm chí đến gần cả mặt trời, gần một số ngôi sao), nhờ sức đẩy của cơ khí và điện tử, nhưng khoa học vẫn không chế ra được toàn bộ một ngón tay trỏ, có đủ khả năng và xúc giác như ngón tay thật!”.
Sách Tân Bách Khoa của nước Anh cũng viết: “Bộ phận có nhiều khéo léo và tuyệt hảo nhất trong cơ thể con người là làn da bàn tay. Nhờ “khả năng” của nó, mà khối óc nhân loại mới chế ngự được cả thiên nhiên, chinh phục các loài động vật mạnh bạo hơn loài người trên mặt đất”.
Từ thời thượng cổ cho đến ngày nay, và mãi mãi về sau, bàn tay đã, đang, và sẽ góp phần trong việc giúp con người tạo duyên, tạo nghiệp, để sẽ chịu nhân quả báo ứng, nên đạo Phật vẫn chủ trương rằng: Con người nên sử dụng đôi bàn tay vào những hành động lành mạnh, phúc thiện, hợp với đạo đức, hầu mang lại lợi ích cho chính mình và cho mọi người. Không nên lạm dụng đôi bàn tay để thực hiện những việc tội lỗi, độc ác, vô lương tâm, sẽ đánh mất nhân tính của chính mình, và gây tai hại cho nhiều sinh vật xung quanh.
Ðạo Phật cũng nói rõ: Xúc giác nơi làn da bàn tay con người thuộc về thân căn (cửa thân), lấy sự đụng chạm với ngoại vật làm tác dụng, chuyển thẳng vào não bộ (= ý), để có cái biết, gọi là thân thức (Kàya Viññàna). Cái biết ấy đồng thời cũng được “phản ảnh”, và ghi đậm vào tâm linh. Xúc giác là một cảm quan rất trọng yếu cho sự sống động vật.
Ngoài thân căn (làn da) ra, bốn căn thức còn lại là: 1/Nhãn căn, biểu lộ qua đôi mắt (thị giác). 2/Nhĩ căn, biểu lộ qua lỗ tai (thính giác). 3/Tỷ căn, biểu lộ qua lỗ mũi (khứu giác). Và 4/Thiệt căn, biểu lộ qua cái lưỡi (vị giác).
Khi hoạt động, bốn căn thức nầy vừa biểu lộ độc lập, vừa biểu lộ với sự “hợp tác” của thân căn (“cửa thân”), nhất là xúc giác nơi đôi bàn tay, hoặc thỉnh thoảng của đôi bàn chân. Những người tàn tật đôi cánh tay từ khi lọt lòng mẹ. Do nhu cầu sinh tồn, họ cũng có thể tập luyện và sử dụng đôi bàn chân, nhất là các ngón chân, để làm một số việc của các ngón tay, như kẹp ngòi bút để viết chữ hoặc pha trà, rót nước...
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
Bình luận bài viết