Thông tin

QUÀ TẶNG CHO NGHỀ VIẾT SỬ

QUÀ TẶNG CHO NGHỀ VIẾT SỬ

 

NGUYỄN ĐÌNH THỐNG

 

 

 

1. Người Việt Nam phải giỏi môn lịch sử

Hồi học phổ thông, tôi không giỏi môn sử. Năm cuối cấp, tôi học được bài học khai tâm, không phải trên giảng đường.

Năm ấy, một đoàn bô lão từ Thủ đô hành hương thăm Yên Tử, dừng chân tại nhà tôi, có nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh, nhà sử học Đào Duy Anh, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Sanh và ông Đào Duy Kỳ, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Cụ nào son nhất cũng đã bạc nửa mái đầu, nhưng đều hào hứng hành quân bằng xe đạp. Các cụ gặp nhau hàn huyên chuyện xưa, bạn cũ, những phút hiểm nguy đối diện với cái chết, tù đày. Bọn trẻ ngồi quanh, hóng chuyện, lâu lâu được sai bưng nước, châm trà, lấy làm hãnh diện.

Trước bữa cơm chiều, bố sai tôi đưa ông Đào Duy Kỳ đến thăm nhà ông Cầu, các cụ gọi bằng tên xưa là ông Lý Cáu. Năm 1943, ông Đào Duy Kỳ lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ, từng về chỉ đạo phong trào vùng mỏ, đã gặp bố tôi và ông Lý Cáu.

Nhà ông Lý Cáu ở trên phố. Khi về, qua khách sạn chuyên gia, ông Kỳ dừng xe, đãi tôi một que kem. Hồi ấy, sắp hàng mua được một que kem cũng khá lâu, ông hỏi chuyện: Kết quả học tập của cháu thế nào?

Tôi thật thà đáp: Điểm tổng kết của cháu đạt mức trung bình khá.

- Môn sử cháu học ra sao?

- Môn sử chỉ trung bình thôi bác ạ.

Ông trầm ngâm hồi lâu. Khi ăn xong que kem, ông mới chậm rãi bảo: Người Việt Nam phải giỏi môn sử, cháu ạ.

Tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của câu chuyện, nhưng cứ lúng túng như người vừa phạm lỗi. Sau này, cơ duyên đưa tôi vào nghề viết sử rồi dạy sử thì ông đã thành thiên cổ. Tôi thấm dần lời dạy của ông, như bài học đầu tiên, vào nghề.

2. Vào nghề

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi được cử về Trường Văn hóa Quân khu ôn thi đại học, rồi được phân công học ngành nghiên cứu lịch sử, ra trường, được điều về Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, chuyên tâm nghiên cứu lịch sử nhà tù Côn Đảo.

Niềm vui đại thắng kéo dài chưa lâu thì nước ta phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Kèm theo đó là cuộc khủng hoảng nhiều mặt, kéo theo khủng hoảng niềm tin. Nghề dạy sử, viết sử không còn hào hứng như trước nữa. Cuộc sống khó khăn, bo bo, khoai mì trở thành món ăn chính, lấn lướt cơm gạo. Cán bộ, công chức “chân ngoài dài hơn chân trong”, lo xới đất, trồng rau, nuôi heo gà hơn là làm công chức.

Thấy tôi cần mẫn vào thư viện, đến các trung tâm lưu trữ, gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tài liệu, và viết. Một đồng nghiệp cùng cơ quan bảo: Thời buổi này cậu viết sử cho ai đọc?

Tôi nóng tai, bảo là hy vọng sẽ có người đọc, sau này con tôi sẽ đọc. Anh bạn cười nhạt. Tôi thấy cay cay trong sống mũi.

Bốn năm sau, cuốn sách đầu tay của tôi được xuất bản, con gái đầu lòng chào đời, cuộc sống có thêm niềm vui, kèm theo những lo toan mới. Chút buồn phiền về anh bạn đồng nghiệp nhạt nhẽo với nghề tan biến tự bao giờ.

3. Ước mơ viết sách cho trẻ con đọc

Con gái tôi biết nói trước khi biết đi, biết đọc trước khi đến lớp. Bé thuộc nằm lòng những câu chuyện cổ tích tôi kể hàng đêm. Kho chuyện cổ tích vơi dần, tôi kể cho bé nghe những câu chuyện lịch sử, theo phong cách cổ tích.

Năm bé tròn 6 tuổi, tôi đưa bé đến hiệu sách, tìm mua một cuốn truyện thiếu nhi. Thị trường sách khi đó mới bung ra, ngự trị trong các nhà sách là các loại sách kiếm hiệp, truyện Tàu, Quái vật hai đầu, Bảy viên ngọc rồng,…, chả kiếm được cuốn nào vừa ý. Trong phút chợt buồn, tôi lóe lên ý định sẽ viết cho con mình, những câu chuyện từ lịch sử.

Lang thang qua hàng đồ chơi, bé tần ngần trước dàn búp bê Nga, gấu bông Tàu. Tôi cầm lòng nói với con:

- Ba sẽ mua tặng con một món quà con thích nhất, nhưng không phải bây giờ.

- Vì sao hả ba?

- Vì nhà mình còn nghèo.

- Con không thích nhà mình nghèo.

Tôi chợt thấy cay trên mắt.

4. Cuốn sách cho trẻ thơ

Cuộc đời trả công cho nghề nhiều hơn là lương tháng. Công trình nghiên cứu của tôi được xuất bản mỗi năm một nhiều, nhưng cuốn sách viết cho trẻ thơ vẫn còn ấp ủ, chưa biết viết ra như thế nào. Chuyện đến tình cờ như một cơ duyên, như món quà mà cuộc đời trao tặng.

Biết tôi đi nhiều, đọc nhiều, viết nhiều, chị Kim Chi, diễn viên điện ảnh nổi tiếng một thời đề nghị tôi viết kịch bản phim về Võ Thị Sáu. Chị có ý định lập hãng phim tư nhân, lấy tên là Hãng phim là Hải Đăng, chọn cuốn phim ra mắt về Võ Thị Sáu, người thiếu nữ anh hùng của quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tôi không thạo kịch bản phim, nhưng truyện về Võ Thị Sáu thì tôi viết được. Bản thảo Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại ra đời sau đó vài tuần, chị Kim Chi đọc, lấy làm đắc ý, nhưng Hãng phim Hải Đăng gặp trở ngại, Nhà nước chưa chấp nhận cho lập hãng phim tư nhân.

Anh Trần Quang Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gỡ thế bế tắc, vận động các cơ quan đặt hàng, và tổ chức xuất bản cuốn Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại, lần đầu một vạn bản. Cuốn sách được độc giả đón nhận, được tái bản nhiều lần, được chuyển thể thành phim, được Nhà xuất bản Kim Đồng đưa vào Tủ sách truyền thống năm 2002.

Con gái tôi rất thích cuốn sách này. Bé thường đề nghị ba ký tặng cho những người thân của bé. Bé tự ý thức về quyền sở hữu một phần cuốn sách này, như lời hứa tặng quà của ba, lần sinh nhật bé năm lên sáu.

5. Môi trường sống của sử học

Có đôi lần tôi nhận được giải thưởng trong nghề, nhưng thú vị hơn là khi nhận giải thưởng từ bài viết không thuộc về sử học. Câu chuyện cũng tình cờ như một món quà tặng từ cuộc sống.

Năm 2006, khi chuẩn bị về dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường THPT Uông Bí, tôi viết bài Người thầy đầu tiên, tặng thầy cô, các bạn và ngôi trường năm ấy. Bạn tôi thích thú, gửi đến một cuộc thi, và tôi nhận được giải khuyến khích cuộc thi “Viết tiếp hành trình tuổi hai mươi - Sống đẹp, sống có ích” do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Quỹ Mãi mãi Tuổi hai mươi phối hợp tổ chức.

Khi nhận giải thưởng, trả lời phỏng vấn một tờ báo chuyên ngành về hiện tượng nhiều học sinh không thích học sử, tôi cho rằng không chỉ là vấn đề giáo trình hay cách dạy, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ hiện thực lịch sử chúng ta đang sống. Sự thật là môi trường sống của lịch sử. Khi nào mà chúng ta chưa ngăn chặn được tệ dối trá trong lớp người có trách nhiệm, khi nào mà lẽ sống trung thực chưa được trân trọng và đề cao thì học trò sẽ không tin vào những gì mà sử sách đã viết, những lời mà thầy cô đã dạy.

Không riêng môn sử, môn văn cũng không tránh khỏi thực trạng đó. Văn chương cần đất sống, cần có một môi trường để nuôi dưỡng nó. Văn học nghệ thuật là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống, để cho con người soi mình trong muôn màu huyền ảo, đầy ắp khát vọng tự do và nhân văn. Khi nào mà chúng ta chưa ngăn chặn được lối sống thực dụng, tệ sùng bái chức quyền, tiền bạc, chưa ngăn chặn được sự dối trá trong tư tưởng và hành động thì văn chương sẽ chưa có đất sống, học trò sẽ không thích học văn, người đời sẽ không thích đọc văn.

Sự bùng nổ trong lĩnh vực xuất bản về 2 cuốn Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm vào thời điểm ấy đã đem lại nhận thức mới cho tư tưởng và lối sống đương thời. Sức cuốn hút mãnh liệt từ 2 cuốn Nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm trong hàng triệu trái tim thuộc nhiều thế hệ khiến chúng ta tin rằng, lối sống trung thực và lẽ sống nhân văn luôn được nuôi dưỡng trong tâm hồn con người Việt Nam. Điều này cần được thể chế hóa và xã hội hóa thành lối sống phổ biến ngự trị trong xã hội, góp phần lành mạnh hóa đời sống xã hội, chữa lành những khiếm khuyết trong tư tưởng và tâm hồn người đương thời, đề cao giá trị thực, đoạn tuyệt với giá trị ảo. Đây chính là một hành trang rất quan trọng cho những thế hệ tuổi 20 vào đời, để tự tin, sống đẹp, sống có ích.

6. Quà tặng từ trẻ thơ

Con gái tôi không nối nghiệp. Bé thích ngành báo chí - truyền thông. Bé viết bài từ năm lớp 6, cộng tác viên cho nhiều tờ báo, được giải thưởng “Cây bút tuổi hồng”, nhận học bổng du học và xuất bản cuốn sách đầu tay: Cách nhau một ô cửa sổ. Trong tập sách, có một bài viết tặng ba, nhan đề: Cơm nguội, với cảm xúc chân thật, và thật lãng mạn:

“Cơm nguội. Đó là thứ đầu tiên khi tôi nghĩ đến khi nhắc về ba. Cả tuổi thơ tôi gắn liền với cơm nguội…”.

“Khi bị chọc quê: “Sáng nào cũng ăn cơm nguội ở nhà, tôi trả lời bọn bạn, cơm nguội là món ngon nhất trên đời. Sáng nào tớ cũng ăn cơm nguội, ăn hoài không thấy chán, càng ăn lại càng thấy ngon lạ lùng”.

“Bọn bạn ồ cười, nhỏ này hâm rồi, cơm nguội mà ngon nhất ư”.

“Tôi không phản bác, bởi bạn tôi làm sao biết được hương vị tuyệt vời của cơm nguội, khi mà người duy nhất biết cách làm cho món cơm nguội trở nên ngon hơn bất kì thứ thức ăn nào khác là ba tôi?”.

Con không nối nghiệp cha là chuyện bình thường. Đời có muôn nghề, nghề nào cũng cần những người tận tâm, trung thực.

Một thế hệ ăn bo bo, ăn khoai mì đánh giặc, một thế hệ ăn cơm nguội, cầm cây bút tuổi hồng vẫn có thể sát cánh trên con đường hội nhập những giá trị nhân văn, tinh hoa của dân tộc và nhân loại.

Lập nghiệp cũng là lập thân. Tận tụy với nghề cũng là trách nhiệm với đời. Chỉ khi nào sống hết mình với nghề, với người, với cuộc đời mới cảm nhận được thú vị của cuộc đời và nghề nghiệp, từ một hạt cơm nguội.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6917983