Thông tin

QUAN ÂM ĐẠI SĨ XUẤT HIỆN TỪ BAO GIỜ?

VICH KY LE

 

 

Tượng Quốc bảo Quán Âm tại chùa Thầy

 

Mỗi lần viếng thăm chùa Thầy ở huyện Quốc Oai, Hà Nội tôi lại muốn chạy thật nhanh lên Thượng điện đến cạnh khám thờ Thánh tổ (Thánh Từ Đạo Hạnh) để ngắm nhìn thật lâu pho tượng Quốc bảo Quán Âm. Trừ khi đứng một mình, hầu như không có pho Quan Âm trong bộ ba Tam Thánh nào lại tự nhiên như vậy, thế chân du hý như sắp đứng dậy, đặc biệt cây “phất trần” có một không hai trong các tượng Việt Nam, nó tạo nên vẻ Tiên nhân cho pho tượng (dù nguồn gốc phất trần không phải từ Đạo giáo, cái này sẽ nói ở phần cuối).

Cứ nhìn thấy tượng này là tôi lại nghĩ đến Quan Âm Đại Sĩ, vì sao các Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng ít được gọi là Đại sĩ hoặc hầu như không ai gọi thì Quan Âm lại có một tên dùng song hành và có dáng vẻ tiên nhân như vậy?

Thật ra chữ “Đại Sĩ” này ban đầu không thuộc về Phật giáo mà thuộc về một nỗ lực “Đạo giáo hóa Phật giáo”, quá trình này chẳng những không làm suy yếu mà sau đó hình ảnh Quan Âm lại còn vượt ra ngoài tôn giáo đi sâu vào đời sống văn hóa nhân dân và cả Đạo giáo.

Chuyện bắt đầu từ Tống Huy Tông Triệu Cát (1082-1135), một trong các vua cuối cùng của nhà Bắc Tống và cũng là vị vua gắn với nỗi nhục Tĩnh Khang1 trong lịch sử Trung Hoa. Triệu Cát là một vị vua giỏi những việc liên quan đến ăn chơi nghệ thuật như thư họa, nhạc, ca, đồ cổ, cây cảnh, mộc thạch, trai gái... và cả y thuật nữa.

Trên bề mặt, Tống Huy Tông rất tôn kính Đạo giáo, cũng tu bổ một số đạo quán. Nhưng thực tế ông không phải là người tín Đạo chân chính, mà là lợi dụng Đạo giáo để đề cao bản thân. Tống Huy Tông tự phong mình làm “Giáo Chủ Đạo Quân Hoàng Đế”, tâng bốc bản thân không chỉ là hoàng đế nhân gian mà còn là “Giáo chủ” của Đạo giáo, phàm những người tu Đạo đều phải nghe lời ông.

Chính từ việc muốn đề cao Đạo giáo nên Tống Huy Tông lại có ý muốn kiềm chế Phật giáo, nhưng nhìn gương của các pháp nạn Tam Vũ Nhất Tông2 thì y lại không đập phá chùa chiền… mà làm theo kiểu của người nhiều chữ, Triệu Cát cho đổi:

“Phật” thành “Đại giác Kim Tiên”

“Bồ tát” thành “Đại sĩ”

“Tăng Ni” thành “Đạo Đức sĩ”

“Tự Viện” đổi thành “Cung, Quán”.

Nhà sư thuộc kinh của Đạo giáo đều được thưởng; không cho phép dân cạo tóc xuất gia; người xuất gia phải tụng thêm kinh văn Đạo giáo. Việc làm này còn ảnh hưởng đến tận triều Nguyên sau đó, mãi khi nhà sư Bát Tư Ba của Tây Tạng biện luận thắng đám đạo sĩ Lý Chí Thường, Triệu Chí Kính phái Toàn Chân (từ đời Khưu Xử Cơ đã làm quốc sư) và bắt các đạo sĩ này cạo đầu, hủy bỏ ngụy thư trả lại chùa chiền thì Phật giáo Trung Quốc mới dần hưng thịnh lại. Trong khoảng thời gian đó có rất nhiều ngụy thư như Lão Tử Hóa Hồ hay các chuyện đại loại như Bảng Phong Thần… mượn tên các nhân vật Phật giáo biến thành đệ tử Đạo giáo. Quá trình giao lưu miễn cưỡng này cũng đưa một số nhân vật Đạo giáo vào các chuyện Phật giáo chẳng hạn như Tây Du Ký ta thấy mối quan hệ khăng khít giữa Thiên Đình và Linh Sơn hay Lê Sơn Lão Mẫu chen chân vào cùng với các Bồ tát Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền để thử lòng thầy trò Đường Tăng. Hay như Bồ tát Tỳ Lam Bà lại là mẹ của Mão Nhật Tinh Quân…

Trở lại hình ảnh Quan Âm khi đó đã được gọi Quan Âm Đại Sĩ, dáng vẻ của ngài được tạo hình gần với một bà Tiên nhưng do tính chất vô ngại đại bi, giúp người một cách vô tư không cầu báo đáp, không trừng phạt ai nên vẫn toát lên tính Phật giáo chứ không lẫn vào hàng ngũ của Nữ Oa, Tây Vương Mẫu, Ma Tổ, Hậu Thổ, Cửu Thiên Huyền Nữ… Các câu chuyện cứu độ của ngài cũng nở rộ khắp nơi ở dân gian như vị thánh cứu khổ chứ không còn trong khuôn khổ tín đồ tôn giáo. Đạo giáo cũng mượn hình ngài như một vị Tiên trong hệ thống của họ dù một số vẫn khiên cưỡng xếp ngài sau Diêu Trì Kim mẫu của họ, Thiện đàn cầu cơ thế kỷ XIX - XX ở Việt Nam cũng tương tự hình thức này.

Kinh ngạc hơn cả là hình ảnh Quan Âm Đại sĩ còn theo Marcopolo3 (cận thần của Hốt Tất Liệt) chinh phục cả Thiên Chúa giáo châu Âu vì dân ở đây thấy ngài gần gũi với Đức mẹ Maria nên đặt hàng tượng sứ của Ngài. Chính sự từ bi toát lên từ tên gọi, hình ảnh đã làm nên điều này chứ chẳng phải nét nữ mẫu tính vì vậy châu Âu chả ai mua tượng Tây Vương Mẫu hay Cửu Thiên… gì cả.

Từ đó đến nay danh xưng “Quan Âm Đại sĩ “vẫn được dùng song hành phổ biến và hình ảnh vị Quan Âm tay cầm phất trần cũng vậy như nói về một vị Bồ tát Phật giáo có hình ảnh mãnh liệt vừa là Bồ tát vừa được dân gian coi như Thánh cứu hộ lại cả Đạo giáo cũng sùng kính vay mượn.

Cũng trong thời nhà Nguyên, một vị sư Trung Quốc đã mang tích Quan Âm Nam Hải sang Đại Việt để từ đó hình ảnh này trở thành đặc trưng của các ngôi chùa Việt đặc biệt là chùa xứ Bắc.

Nói về phất trần: còn gọi là Phất Tử - Camara (Tạng) - Hossu (Nhật) ban đầu là cây chổi đuổi côn trùng của các Sa môn Ấn Độ. Sau sang Trung Quốc, ban đầu nó hình thô sơ kiểu như ngòi bút lông, đến đời Tống được nghệ thuật hóa nên hình dáng thon dài và đẹp như hiện nay hay dùng và cả trên tượng chùa Thầy, cũng từ đó chức năng làm phụ kiện trang nghiêm bản thân có khi lớn hơn cả việc đuổi ruồi muỗi. Mặc dù nguồn gốc như vậy nhưng sau này nó được dùng phổ biến ở Đạo giáo đến mức thành hình ảnh đặc trưng cho các đạo sĩ của phái này. 

 


1. Sự sỉ nhục Tĩnh Khang (Tĩnh Khang chi sỉ) một biến cố lớn trong lịch sử nhà Đại Tống xảy ra vào năm 1127, hai vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông đầu hàng nhà Kim, đánh dấu sự diệt vong của vương triều Bắc Tống.

2. Tam Vũ nhất tông pháp nạn: Pháp nạn ba vua Vũ, một vua Tông: Bắc Ngụy Thái Vũ Đế, Bắc Chu Vũ Đế, Đường Vũ Tông, Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh. Tích chỉ các sự kiện diệt Phật giáo của mấy hoàng đế thời Nam Bắc triều, thời Đường và ngũ đại thập quốc bên Trung Quốc

3. Marco Polo, sinh 1254 ở Venice, Cộng hoà Venezia (nay là Italia) Thương gia, nhà thám hiểm, nổi tiếng bởi tác phẩm Marco Polo ky, mất ngày 8 tháng 1, 1324 (69 tuổi), ông là cận thần của Hốt Tất Liệt (1215-1294) (cháu nội Thành Cát Tư Hãn), Hoàng đế khai sáng nhà Nguyên.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6130576