QUAN ĐIỂM CỦA HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA
VỀ CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ*
Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX được khởi xướng ở Sài Gòn – Gia Định, mà chùa Linh Sơn (Cầu Muối, Quận 1, TPHCM) là trung tâm đầu não đầu tiên của phong trào. Vị Tổ tiên phong khởi xướng phong trào là Hòa thượng Khánh Hòa.
Thế danh của Hòa thượng Khánh Hòa là Lê Văn Hiệp, quê ở làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thân sinh là cụ Lê Văn Chất và thân mẫu bà Thị Nương, trong một gia đình thuần nông mộ Phật. Thuở nhỏ ngài theo học chữ Hán tại nhà cụ Đồ Chiểu (1822-1888) ở quê nhà Ba Tri. Ngài sinh ngày 22 tháng 4 âm lịch. Về năm sinh, ngài sinh năm Đinh Sửu (1877) hay Mậu Dần (1878)? Có nghi vấn này là do hiện tại có nhiều tài liệu ghi không nhất quán về năm sinh của ngài theo âm lịch và dương lịch. Chúng tôi cho rằng, nếu căn cứ vào thủ bút mà chính ngài đã ghi trên văn bản trình chính quyền khi xin phép thành lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học (hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II còn lưu giữ), và dòng chữ ghi chú dưới di ảnh của ngài tại nhà Tổ của chùa Tiên Linh (Tuyên Linh) thì ngài sinh năm 1877 (tức Đinh Sửu); trong khi đó, tại bia mộ bảo tháp và bài vị chữ Hán thờ nơi nhà Tổ thì ngài sinh năm 1878 (tức Mậu Dần), trong khi đó, có nhiều tài liệu ghi ngài sinh năm Mậu Thân (1878), có tài liệu ghi ngài sinh năm Mậu Dần (1877) đều là không chính xác1.
Ngài viên tịch ngày 19 tháng 6 năm Đinh Hợi (1947) tại chùa Tuyên Linh2 nơi quê nhà.
Ngài là một vị danh tăng đóng vai trò tiên phong trong công cuộc/ phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX3.
Nguyên nhân Phật giáo Việt Nam cần phải chấn hưng
Đi tìm cội nguồn và nguyên nhân của công cuộc/ phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX, có thể thấy có hai nhân tố đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp để hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
Một là, yêu cầu nội tại của bản thân Phật giáo Việt Nam và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Ngược dòng thời gian, sau thời đại Lý - Trần (thế kỷ X-XIV) thì Phật giáo Việt Nam bắt đầu thoái trào. Từ giữa thế kỷ XIV về sau, tức thời vãn Trần, sang nhà Hồ (1400-1407) thì Phật giáo không còn nhiệm vụ cố vấn cho triều đình, các nhà sư không còn vai trò chính trị nơi triều nội như trước. Đến thời nhà Lê sơ (1428-1527) thì Nho giáo độc tôn, nhất là dưới đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Nho giáo cực thịnh, được Nhà nước bảo trợ, chiếm địa vị độc tôn trong chính trường tại triều đình và ngoài xã hội. Trong khi đó thì các nhà sư lúc này lui về thiền viện, tự viện chăm sóc phần tâm linh cho nhân dân và Phật tử để tạo nên một Phật giáo nhân gian. Tình hình này tiếp tục diễn biến cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Mặc dù dưới triều nhà Mạc (giai đoạn cường thịnh 1527-1592), rồi Lê trung hưng (Lê - Trịnh, 1533-1788), Phật giáo có khởi sắc đôi chút, giới phong kiến quý tộc Lê – Trịnh quyên góp để trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng mới chùa chiền; in ấn kinh sách, nhưng nhìn chung, dù có phục hưng nhưng vẫn không được thịnh đạt như ở thời Lý – Trần. Đặc biệt là trong suốt 500 năm này, như đã nói, Phật giáo không còn vị thế trên chính trường như ở trên có nêu.
Chính thực trạng suy yếu của Phật giáo trong suốt năm thế kỷ này (từ thế kỷ XV đến XIX), theo quy luật vận động của lịch sử, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển thì cần phải cải cách, đổi mới, chấn hưng, bởi đây là một yêu cầu bức xúc và bức thiết.
Mặt khác, từ cuối thế kỷ XIX đến hai mươi năm đầu thế kỷ XX, các vị khoa bảng trí thức Nho học Việt Nam bấy giờ đã chịu ảnh hưởng tư tưởng từ những tân thư của phương Tây, thông qua các bản dịch Hán văn, Trung văn của các học giả cấp tiến ở Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Rồi những phong trào cách mạng ở Việt Nam đầu thế kỷ XX như phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo, phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh khởi xướng, rồi công cuộc cải cách giáo dục hồi đầu thế kỷ này qua hệ thống nhà trường tân học, mà Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội chính là những tiền đề ít nhiều đã tác động để dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo của nước nhà.
Hai là, ảnh hưởng từ phong trào cải cách chấn hưng Phật giáo các nước trong khu vực Nam Á và Đông Á.
Tại khu vực Nam Á, cụ thể là ở Tích Lan và Ấn Độ, từ cuối thế kỷ XIX (năm 1891) đến đầu những năm 30 thế kỷ XX (1933), ông David Hewavitarane (1864-1933), người Tích Lan, sau này xuất gia thành Đại đức Dharmapala, trong khoảng bốn thập kỷ, đã kiên trì đứng ra phục hưng Phật giáo Ấn Độ bằng ba việc làm cụ thể:
- Một, tái thiết bốn Phật tích, gắn với 4 cái mốc lớn trong cuộc đời của Đức Thế tôn: Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini Park) nơi Đức Phật đản sinh; Bồ Đề đạo tràng (Buddha Gaya) nơi Đức Phật thành đạo; Vườn Lộc Uyển (Vườn Nai – Sarnath) nơi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên cho năm anh em ông Kiều Trần Như; và Sa La song thọ (Kusinara) nơi Đức Phật nhập Niết bàn. Ông còn tu sửa bốn con đường để dẫn vào bốn Phật tích này.
- Hai, thành lập Hội Đại Bồ Đề (The Maha Bodhi Society) tại các đô thị lớn ở Ấn Độ.
- Ba, cho xuất bản nguyệt san Đại Bồ Đề (Maha Bodhi Journal), một tạp chí chuyên ngành Phật học để phổ biến giáo lý Phật giáo và công tác Phật sự tại Ấn Độ. Trong thời gian này, ông còn cho thành lập trung tâm Phật học và tu viện Phật giáo. Năm 1908, ông viết thư để liên lạc với cư sĩ Dương Nhân Sơn (1837-1911) ở Trung Hoa mời cộng tác.
Nối tiếp việc làm của Đại đức Dharmapala, không lâu sau, bác sĩ Ambedkar (1891-1956), một Phật tử người Ấn Độ, đã vận động thành lập Hội Phật giáo Ấn Độ (The Indian Buddhist Society), khuyến khích hàng chục triệu người Ấn xuất thân từ giai cấp nô lệ (Paria) quy y theo Phật. Vị bác sĩ này còn biên soạn công trình Đức Phật và Giáo pháp của Ngài (The Buddha and His Dhamma) để truyền bá khắp Ấn Độ.
Còn tại khu vực Đông Á, cụ thể là ở Trung Hoa, năm 1913, Thái Hư đại sư đã đề ra chủ trương cải cách Phật giáo, quy định về Giáo lý, Giáo chế, Giáo sản. Bên cạnh đó ngài còn cho thành lập Trung Quốc Phật giáo hội, in ấn kinh sách. Tiếp đó ngài Thái Hư lập Phật học viện Vũ Xương năm 1912, đến năm 1918 ngài cho xuất bản tạp chí Giác xã (sau đổi thành Hải triều âm ) và tổ chức các Phật học viện tại Nam Kinh, Thượng Hải.
Ở Nhật Bản, dưới triều đại Duy Tân Minh Trị Thiên Hoàng (1868- 1912), Phật giáo Nhật Bản cũng có một số đổi mới như: Về nhân sự trong giáo đoàn quy định chỉ có hai thành phần: Thanh tăng và Tân tăng. Thanh tăng thì không lập gia đình, còn Tân tăng thì được lập gia đình. Do thế, tại xứ sở mặt trời mọc lúc này, tỷ lệ Thanh tăng chỉ có 10%; trong khi đó lực lượng Tân tăng chiếm đến 90% ! Về tổ chức, Phật giáo Nhật Bản lúc này chỉ có hai tông phái: Thiền tông và Tịnh độ Chơn tông. Đó là hai tông phái lớn nhất của Phật giáo Nhật Bản hiện nay.
Như vậy, chính các phong trào chấn hưng Phật giáo của ba nước nói trên cùng sự vận động nội tại trong ý thức xã hội của trí thức tiến bộ và nhu cầu cải cách của Phật giáo nước nhà đã tác động không nhỏ đến tâm lý tư tưởng của các vị cao tăng thạc đức và trí thức Phật tử Việt Nam, giúp các vị thêm động lực tiến hành cải cách chấn hưng Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Cuộc chấn hưng Phật giáo hồi này là một cuộc đấu tranh quyết liệt nhưng rất ôn hòa, mà Hòa thượng Khánh Hòa là người khởi xướng, là chiến sĩ tiên phong phất cao ngọn cờ chấn hưng của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Ngài đã góp phần hoàn thành sứ mệnh cải cách, chấn hưng Phật giáo mà lịch sử Phật giáo nước nhà giao phó.
Quan điểm của Hòa thượng Khánh Hòa về công cuộc chấn hưng Phật giáo
- Về ý nghĩa của công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, trước hết cần phải hiểu đây không phải là một cuộc cải tổ nền tảng giáo lý Phật đà hay xét lại nội dung kinh điển cho phù hợp với thời thế hoặc tùy thuận để chiêu dụ thu hút tín đồ, mà mục đích của chấn hưng là nhằm cải tổ giáo hội Phật giáo, chấn chỉnh hàng ngũ tăng già, phục hoạt mọi hoạt động Phật sự để Phật giáo Việt Nam phát triển như đã từng phát triển trong quá khứ, nhất là trong thời đại Lý – Trần (thế kỷ X đến thế kỷ XIV).
- Về mục tiêu và cũng là chủ trương của công cuộc vận động chấn hưng, theo quan điểm của Hòa thượng Khánh Hòa chấn hưng Phật giáo nhằm vào ba mục tiêu chính là: Chỉnh đốn Tăng già; Kiến lập Phật học đường; Chuyển dịch kinh sách từ Hán ngữ ra Việt ngữ và lưu giữ trong các Pháp bảo phương (thư viện) tại các tự viện lớn.
Ngài còn quan niệm rằng chấn hưng là một nhu cầu bức thiết, chấn hưng là làm cho tăng ni có trình độ Phật học (nội điển), xã hội học (ngoại điển), thông suốt ngũ minh (y phương minh, nội minh, thanh minh, công xảo minh, nhân minh.
Quan điểm chủ trương của Hòa thượng Khánh Hòa được ngài nêu rõ trong những bài viết đăng trên tạp chí Pháp âm4. Đây là tạp chí đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Phật giáo Việt Nam do ngài làm Chủ nhiệm.
Số đầu tiên và cũng là số duy nhất phát hành ngày 31/8/1929. Tạp chí được in ở nhà in Thạnh Mậu, Sài Gòn. Tòa trị sự và phát hành đặt tại chùa Sắc tứ Linh Thứu thuộc làng Thạnh Phú, Xoài Hột, Mỹ Tho tỉnh Định Tường, nơi Hòa thượng đang trụ trì. Ban biên tập Tạp chí bên cạnh Hòa thượng Khánh Hòa, còn có Hòa thượng Bích Liên, các cư sĩ; Nguyễn Khoa Tùng, Minh Châu Tử, Hoàng Phi Long. Tôn chỉ của tờ báo được ghi rõ bên trên trang bìa là Tự giác, Giác tha, Từ bi, Bác ái theo đúng chánh pháp Đức Phật.
Trong bài “Mấy lời bày tỏ”, Hòa thượng viết để kêu gọi Tăng ni Phật tử đóng góp công đức, tịnh tài, tịnh vật mở Thư xã Phật học và Phật học đường. Bài “Bàn về học hội” kêu gọi lập hội Phật học, chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Bài “Tự trần và hành trình nhật ký”, Hòa thượng nêu lên tâm nguyện chấn hưng Phật giáo, mở tòng lâm học đường và Phật học hội. Bài “Tự trần”, ngài thuật lại cuộc hành trình vận động khắp Trung kỳ, Nam kỳ và sang tận Cambode để vận động chấn hứng Phật giáo nước nhà. Ngài cho rằng Phật giáo nước nhà cần phải chấn hưng vì “Phật giáo suy đồi là bởi Tăng đồ thất học…”, trong bài này, Hòa thượng còn cho biết thông tin “vào tháng 2 năm Đinh Mão (1927) tình cờ gặp sư Thiện Chiếu mà bấy giờ đương là tọa chủ chùa Linh Sơn ở Sài Gòn, trong thời gian ngài mòn dép cỏ gặp gỡ chư sơn môn Tăng già để vận động công cuộc chấn hưng Phật giáo”. Bài “Ai tri âm đó”, Hòa thượng đã đặt câu hỏi và trả lời về việc thành lập Thư xã Phật học, đăng kèm theo một bài thơ lục bát và hai bài thơ Đường luật có nhan đề là “Chúc mừng Phật học Thư xã”. Ngoài những bài tập trung về vận động chấn hưng Phật giáo, trong số tạp chí này còn có mấy bài giới thiệu về Phật học như những bài viết về các vấn đề căn bản như quy y ngũ giới, ăn chay, niệm Phật, trì tụng, sám hối, phát nguyện; bài “Phật giả” là một xã luận bàn về Phật tính trong Phật giáo; bài “Phật giáo luân lý học” bàn về tư tưởng triết học Phật giáo, cụ thể là luân lý học Phật giáo. Đây là bài nghiên cứu được dịch từ nguyên tác chữ Hán sang chữ Quốc ngữ.
- Để thực hiện công cuộc/ phong trào chấn hưng Phật giáo như chủ trương đã đề ra, Hòa thượng Khánh Hòa và các chư vị tôn đức có cùng quan điểm, chí hướng đã thực hiện những việc làm cụ thể như sau:
Một là, ra sức chỉnh đốn hàng ngũ tăng già.
Những năm tháng khi mới xuất gia học đạo, tìm cầu chánh pháp, Hòa thượng đã tham học ở nhiều nơi: Thọ pháp với Hòa thượng Chơn Tánh chùa Khải Tường, được ban pháp danh Như Trí; Tham học và cầu pháp với Hòa thượng Chánh Tâm chùa Kim Cang ở làng Bình Cang, huyện Thủ Thừa, Tân An (tức tỉnh Long An), được ban pháp hiệu là Khánh Hòa, ngài được Hòa thượng y chỉ sư cử làm Giám chúng đang tu học tại tự viện này; Năm năm sau, ngài lại đến chùa Long Triều, làng Tân Nhật, chợ Đệm, Thủ Thừa, Tân An (Long An) tham học với Hòa thượng Đạt Thuỵ và Hòa thượng Bửu Quang. Sau đó được Hòa thượng Chơn Tánh là bổn sư điều về về trụ trì chùa Khải Tường, rồi trụ trì chùa Long Phước (sau khi Hòa thượng Chơn Tánh viên tịch); đến năm 1907 dân làng Tân Hương, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre thỉnh ngài về trụ trì chùa Tiên Linh.
Trong những năm cầu đạo, tu tập thiền định và hành đạo, Hòa thượng Khánh Hòa, ngài nhận thấy có một thực trạng là trong tăng đoàn bấy giờ đa phần các vị chỉ chăm chú việc luyện hơi luyện giọng sao cho thật hay để phục vụ các nghi lễ cúng tế tán tụng, thu hút tín đồ; có vị lại luyện bùa chú phù phép để chữa bệnh trừ tà, chứ ít chú trọng đến việc tu tập, nghiên cứu kinh điển giáo lý. Hàng ngũ tăng già phần nhiều lại thất học hoặc ít học, ít chữ nghĩa, nên nhận thức về giáo lý tư tưởng của Phật đà chưa đúng. Từ đó, ngài mới phát khởi chí nguyện chấn hưng Phật giáo, trước hết nhằm chỉnh đốn hàng ngũ tăng già, bằng cách giảng thuyết giáo lý tư tưởng trong kinh văn tại các trường hạ, sau đó vận động thành lập các Phật học đường.
Lần đầu tiên, Hòa thượng được mời giảng kinh Kim cương chư gia cho đại chúng trong kỳ an cư kiết hạ tại chùa Long Hoa ở quận Gò Vấp, Gia Định vào năm 1904 (Giáp Thìn), lúc ngài chỉ mới 28 tuổi. Lần giảng thuyết này ngài được các bậc trưởng lão tôn túc tán thán ngợi khen và từ đó tiếng tăm của ngài được đồn xa khắp lục tỉnh.
Tiếp theo, năm 1926 (Bính Dần), ngài được mời làm chủ giảng Phật pháp tại trường hạ chùa Long Phước ở tỉnh Trà Vinh. Quan sở tại huyện Hội Long của tỉnh này ông Huỳnh Thái Cửu, một người có tín tâm, thỉnh mời ngài và chư sơn môn Tăng già đến dự tiệc chay tại huyện, nhân đó nêu đề án phát huy Phật giáo, mở hội Phật học và trường Phật học. Nhờ thế, quyết tâm thành lập các Phật học đường và các Hội Phật học của ngài được củng cố thêm.
Năm sau 1927 (Đinh Mão), ngài cùng với chư tôn Hòa thượng Huệ Quang, Từ Nhẫn, Chơn Huệ đi Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây, ngài được mời làm chủ giảng ở trường hạ chùa Long Khánh, tỉnh Bình Định.
Hai là, xuất bản tạp chí Pháp âm, Từ bi âm để phổ biến Phật pháp trong quảng đại công chúng.
Ý thức được báo chí có một vai trò rất lớn trong công cuộc vận động chấn hứng Phật giáo, nên ngay từ lúc mới nhen nhóm, Hòa thượng đã chủ trương xuất bản một tờ tạp chí Phật học: tờ Pháp âm (31/8/1929). Đây là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Giáo hội Tăng già với mục đích là nhằm cổ động chấn hưng Phật giáo và quảng báo rộng rãi giáo lý tư tưởng nhà Phật trong Tăng đoàn, trong công chúng nên tờ tạp chí này có nhiều mục rất pà phong phú, mà ở trên chúng tôi có giới thiệu qua. Rất tiếc do nhiều nghịch duyên mà tờ tạp chí này chỉ phát hành được một số duy nhất thì bị đình bản.
Nối tiếp tờ Pháp âm, và gắn liền với hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học do Hòa thượng sáng lập (ngày 27 tháng giêng năm Kỷ Tỵ - 1929) là tờ tạp chí Từ bi âm – cơ quan ngôn luận của Hội. Tạp chí được ra số đầu tiên vào ngày 01/3/1932, tạp chí phát hành được 45 số thì bị đình bản.
Chính sự có mặt của các tờ tạp chí Phật giáo bằng chữ quốc ngữ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, Pháp âm, Từ bi âm, Phật hoá tân thanh niên, Viên âm, Đuốc tuệ, Tam bảo, Tiếng chuông sớm, Duy tâm, Tiến hóa, v.v.., mà tờ Pháp âm, Từ bi âm là những tiếng nói đầu tiên. Những tờ tạp chí này đã làm cho việc học Phật trở nên dễ dàng đối với đại chúng.
Ba là, vận động mở các Phật học đường để đào tạo tăng tài, phụng sự Đạo pháp và xã hội nhân sinh.
Sau mùa an cư tại Quy Nhơn, năm 1928 (Mậu Thìn), ngài trở về Nam đề nghị khởi xướng phong trào ở Nam kỳ trước. Ngài cùng ba vị Hòa thượng có cùng quan điểm và chí hướng là Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lo tổ chức việc xây dựng Thích học đường và Phật học thư xã tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn. Riêng Thích Học Đường mãi đến năm 1934 vẫn không khai giàng được do bất đồng quan điểm và sự khuynh loát thái quá của một vài vị cư sĩ, nhất là cư sĩ Trần Nguyên Chấn.
Tiếp đến, năm 1930 Hòa thượng thành lập Liên đoàn Phật học xã. Đây là một trường Phật học lưu động do các chùa đứng ra lo liệu, tài trợ cho tăng ni sinh học tập. Lớp học đầu tiên khai giảng tại chùa Long Hoa do các vị Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, Khánh Hòa giảng dạy. Sau lớp này còn có hai lớp nữa được tổ chức tại chùa Thiên Phước (Trà Ôn) và Viên Giác (Bến Tre) nhưng sau ba khoá này thì tan rã bởi thiếu tài chính.
Năm 1934 (Giáp Tuất), Hòa thượng Khánh Hòa vận động thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh. Hội được nhiều cư sĩ có đạo tâm cộng tác như Nguyễn Văn Khoẻ, Trần Văn Giác, Phạm Văn Liêu, Huỳnh Thái Cửu, Ngô Trung Tín và Phạm Văn Luông. Điều lệ tạm thời của Hội được thống nhất ngày 01/3/1934, ông Huỳnh Thái Cửu được cử làm Trưởng ban. Ngày 13/8/1934, chính quyền mới chính thức ký giấy phép hoạt động, Hội Lưỡng Xuyên Phật học chính thức được thành lập từ ngày này, bầu Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) làm Hội trưởng. Trụ sở của Hội được đặt tại chùa Long Phước tỉnh Trà Vinh. Hội chủ trương tổ chức Phật học đường. Từ đây Phật học đường Lưỡng Xuyên được thành lập và đi vào hoạt động, khoá học đẩu tiên được khai giảng vào cuối năm 1934. Hòa thượng Khánh Hòa được cử làm Đốc giáo. Các vị giáo thọ sư gồm các Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh, Khánh Hòa, v.v.. Hai vị cư sĩ Huỳnh Thái Cửu và Ngô Trung Tín đã mua tặng cho Phật học đường một bộ Đại tạng kinh để làm tài liệu học tập. Năm sau, Hội cho xuất bản sách Phật học giáo khoa bằng hai văn tự: Quốc ngữ và chữ Hán. Tháng 10 năm 1935, Hội Lưỡng Xuyên Phật học và Phật học đường Lưỡng Xuyên cho xuất bản tạp chí Duy tâm. Tạp chí cho đăng các bản kinh được dịch sang Quốc ngữ như Ưu bà tắc giới, Quán Vô Lượng Thọ Phật… Tạp chí cũng chủ trương kêu gọi thành lập một Phật giáo Tổng hội để thống nhất các tổ chức Phật giáo tại Việt Nam.
Bốn là, vận động tịnh tài để thỉnh Đại tạng kinh chữ Hán để nghiên cứu và dịch sang chữ Quốc ngữ.
Bằng chứng là năm 1929, Hòa thượng Khánh Hòa cùng sư Thiện Chiếu vận động giới cư sĩ hữu tâm ở Trà Vinh gửi mua cho Thư xã một bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 tập và tàng trữ nơi Pháp bảo phương tại chùa Linh Sơn. Tiếp theo, sư Thiện Chiếu còn vận động giới cư sĩ ở Chợ Lớn gởi mua thêm cho Pháp bảo phương một bộ Đại tạng kinh vừa mới được ấn hành tại Trung Quốc.
Năm là, thành lập các Hội Phật giáo để làm nền tảng cho công cuộc chấn hưng Phật giáo và vận động các hội Phật giáo ba miền để thống nhất Giáo hội tăng già trong toàn quốc bằng cách thành lập Tổng hội Phật giáo.
Năm 1923 (Quý Hợi), trong một cuộc họp tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, ngài cùng chư tôn Hòa thượng chủ trương thành lập Hội Lục hòa liên hiệp, đây là nền tảng để tiến tới thành lập Tổng hội Phật giáo toàn quốc, làm cơ sở để tổ chức công cuộc chấn hưng Phật giáo.
Ngày 27 tháng giêng năm Kỷ Tỵ (1929), trong một cuộc họp, thầy Thiện Chiếu bàn giao chùa Linh Sơn ở quận nhất Sài Gòn cho Hòa thượng Khánh Hòa; khi ấy Commis Trần Nguyên Chấn, tòng sự tại Tòa đốc lý Sài Gòn và con rể ông này là Phạm Ngọc Vinh có dã tâm muốn chiếm đoạt ngôi chùa làm sở hữu riêng. Hòa thượng đã vân tập chư tôn Hòa thượng, Đại đức: Huệ Quang (Trà Vinh), Từ Nhẫn (Long An), Chơn Huệ (Mỹ Tho), Thiện Chiếu (Sài Gòn) và các vị: Commis Trần Nguyên Chấn (Tòa đốc lý Sài Gòn), Phật tử Thái Bình Ngô Văn Chương để hội nghị về việc thành lập Phật học đường, Thư xã Phật học và lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học để làm chỗ dựa cho sự tiến tới thành lập Tổng hội Phật giáo.
Năm 1931 (Tân Mùi), Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học được thành lập, điều lệ được chính quyền Pháp phê y ngày 28 tháng 8, với sự giúp sức của nhiều chư tôn đức và cư sĩ. Hòa thượng Từ Phong chùa Giác Hải ở Chợ Lớn làm Chánh Hội Trưởng, Hòa thượng Khánh Hòa được cử làm Phó Hội Trưởng thứ nhất kiêm Chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm ra đời một năm sau đó (ngày 01.3.1932). Hai vị cố vấn là thiền sư Huệ Định và thiền sư Trí Thiền. Trụ sở của Hội đặt tại chùa Linh Sơn (Cầu Muối, Quận 1, TP. HCM). Từ đây chùa Linh Sơn là trung tâm đầu não đầu tiên của phong trào chấn hưng, đồng thời còn là trụ sở của hội Phật giáo đầu tiên trong cả nước: Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội. Cũng tại ngôi chùa Linh Sơn này, Hòa thượng Khánh Hòa cùng các vị Hòa thượng Khánh Anh, Huệ Quang, Từ Phong, Pháp Hải… và tu sĩ trẻ Thiện Chiếu đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phục hưng chánh tín cho Phật giáo đồ, để tạo nên một Phật giáo mang bản sắc dân tộc. Sư Thiện Chiếu xuất thân tân học, có tư tưởng cấp tiến, rất nhiệt tình và là trợ thủ đắc lực trong công cuộc chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ. Trước đó năm 1927, Hòa thượng Khánh Hòa đả tin tưởng và giao nhiệm vụ cho sư Thiện Chiếu ra miền Bắc để gặp gỡ sư Tâm Lai, tác giả bài viết kêu gọi chấn hưng Phật giáo trên đất Bắc, đồng thời sư Thiện Chiếu còn có nhiệm vụ tiếp xúc với các vị tôn túc ở Tổ đình Linh Quang, Hồng Phúc, Tiên Lữ v.v... để vận động phong trào, tiến tới thành lập Tổng hội Phật giáo, nhưng vì gặp nhiều trở ngại nên cuộc vận động bất thành, sư Thiện Chiếu trở về Nam.
Nhận xét chung
Tóm lại, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX được khởi xướng ở Sài Gòn – Gia Định, mà chùa Linh Sơn (Cầu Muối, Quận 1, TPHCM) là trung tâm đầu não đầu tiên của phong trào. Vị Tổ tiên phong khởi xướng phong trào là Hòa thượng Khánh Hòa. Từ tinh thần chấn hưng bắt đầu tại chùa Linh Sơn, sau đó phong trào mới lan tỏa khắp Sài Gòn – Gia Định, ảnh hưởng đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Đông Nam kỳ), rồi đến các tỉnh Vĩnh Long, Long Xuyên, Rạch Giá (Tây Nam kỳ). Từ Nam kỳ lục tỉnh, phong trào lan ra Trung kỳ: Bình Định, Thừa Thiên Huế; rồi Bắc kỳ: Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, mà Hà Nội dù phát triển sau nhưng lại là nơi phong trào chấn hưng Phật giáo kết tinh tỏa sáng bởi tạp chí Đuốc Tuệ (1935-1945).
Gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo tại các vùng miền là việc thành lập các Hội Phật giáo cùng xuất bản các tờ báo, tạp chí của Phật giáo. Chính báo chí Phật giáo đã góp phần quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Nhờ báo chí Phật giáo mà tư tưởng giáo lý nhà Phật có nhiều điều kiện để quảng bá, phổ biến sâu rộng hơn trong xã hội lúc bấy giờ, góp phần thúc đẩy cho Phật giáo nước nhà phát triển, hòa với sự phát triển chung của đất nước trong tiến trình vận động để hiện đại hóa đất nước lúc bấy giờ.
Đánh giá về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Mật Thể trong công trình Việt Nam Phật giáo sử lược (1943) có ý kiến: “ít năm trước ở Bắc cũng có cụ tổ Vĩnh Nghiêm (Thanh Hanh), sư cụ Tổ Các (Phan Trung Thứ), sư cụ Bằng Sở (Dương Văn Hiển); ở Trung có ngài Tâm Tịnh, ngài Huệ Pháp, ngài Phước Huệ; ở Nam có ngài Khánh Hòa thỉnh thoảng mở trường giảng dạy. Nhờ vậy, đạo pháp cũng còn lưu lại ảnh hưởng chút ít.” (…) “nhờ ảnh hưởng chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa mà nước ta lại có phong trào vận động chấn hưng Phật giáo. Những người khởi xướng đầu tiên là ngài Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu (sau vì trong công việc vận động phải bị nhiều trở lực, ngài Thiện Chiếu đã tức giận bỏ về tục) cùng các ngài Tăng già, cư sĩ khác lập thành Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội (1931) ở Nam. Rồi lần đến Trung kỳ có ngài Giác Tiên, ông Lê Đình Thám (cư sĩ) ban đầu mở đạo trường ở chùa Trúc Lâm, mời ngài Phước Huệ chùa Thập Tháp - Bình Định làm chủ giảng; sau lần đến nhóm cư sĩ lập thành Phật học hội (1932); ở Bắc có sư Trí Hải cùng cụ Nguyễn Năng Quốc và các ngài Đại đức, cư sĩ khác lập Bắc kỳ Phật giáo Tổng hội (1934)”.
Nguyễn Lang trong công trình Việt Nam Phật giáo sử luận (1972) đã khẳng định: “Công đầu của phong trào chấn hưng thuộc về thiền sư Khánh Hòa” (….) “Trong suốt hai mươi lăm năm trời, Khánh Hòa luôn luôn hăng hái trong công nghiệp phục hưng Phật giáo. Đường lối của ông là một đường lối ôn hòa. Ông thường tránh những cuộc bút chiến và tranh luận. Ông sống rất giản dị. Lúc gần tịch diệt, ông căn dặn chỉ nên tẫn liệm ông với bộ y hậu vải thường, không được dùng vải lụa, không được làm long vị sơn son thếp vàng. Các đồng chí của ông như Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải đều rất quý mến ông.”
Thích Thiện Hoa trong bài giảng “Phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới và ở Việt Nam” (1970) có viết: “…phải đợi đến năm 1931, những cố gắng lẻ tẻ mới kết hợp thành lực lượng có tổ chức. Ðầu tiên một hội Phật học được thành lập tại Sài gòn lấy tên là Nam kỳ nghiên cứu Phật học; kế đó là Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Những vị có công khởi xướng cái tên hội này là Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh cùng một số quý vị tăng già và cư sĩ tân tiến”.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho rằng: “Phong trào chấn hưng có thể nói được khởi xướng từ thiền sư Khánh Hòa tại miền Nam, thiền sư Phước Huệ tại miền Trung, và thiền sư Thanh Hanh tại miền Bắc. Ba vị được tôn là Tổ của phong trào”.
Như vậy, rõ ràng Hòa thượng Khánh Hòa là vị danh tăng tiên phong khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX. Hạnh nguyện và công đức cùng đóng góp của ngài đối với phong trào chấn hưng nói riêng, cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung đã được sử sách và Giáo hội Phật giáo Việt Nam vinh danh. Ngài là một trong số ít cao tăng thạc đức, là thạch trụ thiền lâm Việt Nam thời hiện đại hồi nửa đầu thế kỷ XX.
* Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM.
1. Chúng tôi xin lưu ý: Năm Mậu Thân theo dương lịch phải là các năm 1728, 1788, 1848…; còn năm 1878 phải là năm Mậu Dần; và năm 1877 phải là năm Đinh Mão. Vấn đề ghi năm sinh của ngài không nhất quán, xin xem các bài viết, công trình sau:
- Trần Văn Giàu trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (Viện Sử học) năm 1971 đã công bố bài viết về phong trào chấn hưng trên 2 số liền 139 (tr. 8-21) và 140 (tr. 7-19) thì ghi: “sinh năm Mậu Thân (1878) tại làng Phú Lễ…” (NCLS, số 139). (Tư liệu này ghi sai năm âm lịch – NCL chú)
- Thích Đồng Bổn (chủ biên) trong Danh Tăng Việt Nam, Tập I, Thành Hội Phật giáo, Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản 1997, ghi: “Hòa thượng Khánh Hòa thế danh Lê Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, sinh năm Mậu Thân (1877) tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre”. (Tư liệu này ghi sai năm âm lịch – NCL chú)
- Trên trang mạng điện tử được post ngày 19/01/2007 thì ghi: “Hòa thượng Khánh Hòa, pháp danh Như Trí, sinh ngày 22 tháng 4 năm Mậu Dần (1877), tại làng Phú Lễ, tổng Bảo An, quận Ba Tri, nay là xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngài tịch năm 1947”. (Tư liệu này ghi sai năm dương lịch – NCL chú).
Từ bài viết của học giả Trần Văn Giàu trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử mà về sau, nhất là một số tham luận (như của Nguyễn Quốc Tuấn, Trần Hồng Liên…) in trong Kỷ yếu HTKH Tổ Khánh Hòa và công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức, TP.HCM, ngày 20/5/2017, các tác giả đã ghi sai về năm sinh của ngài.
- Tại chùa Tiên Linh thì ở bia mộ tại bảo tháp của thiền sư ghi 1878-1947); và tại bài vị chữ Hán thờ Ngài tại nhà Tổ thì ghi năm sinh là Mậu Dần (1778) và tịch năm Đinh Hợi (1947). Bài vị này do đệ tử tạo lập để thờ sau khi ngài tịch chắc là khoảng vài chục năm sau. Trong khi đó, cũng tại nhà Tổ, dưới di ảnh của ngài thì lại ghi (1877-1947).
- Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội, tái bản, 2000, chỉ ghi năm dương lịch mà không kèm theo năm âm lịch: “Ông sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ tỉnh Bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường”.
- Trong văn bản viết tay xin chính quyền Pháp thành lập Hội Nghiên cứu Phật học Nam kỳ thì Ngài ghi năm sinh là 1877.
2. Năm 1927, Hòa thượng Khánh Hòa cùng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đổi tên chùa từ Tiên Linh thành Tuyên Linh, với ý nghĩa chùa này là nơi linh thiêng truyên truyền phong trào chấn hưng Phật giáo.
3. Xin xem:
- Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức xuất bản, 1943.
- Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Lá Bối, SG, 1972; Nxb Văn học, HN, tái bản trọn bộ, 1994.
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Tổ Khánh Hòa và công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức, TP.HCM, ngày 20/5/2017.
- Nguyễn Công Lý: Hòa thượng Khánh Hòa: Vị danh tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Hội thảo khoa học: “Tổ Khánh Hòa và công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam”, tlđd; In lại: Tạp chí Hoa Đàm, số 45, tháng 6/2017.
4. Lưu ý trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX có hai tờ tạp chí cùng mang tên Pháp âm. Một tờ Pháp âm do Hòa thượng Khánh Hòa chủ trương, kiêm Chủ nhiệm, chỉ ra được một số duy nhất vào ngày 31/8/1929. Một tờ khác cũng mang tên Pháp âm của Hội Cư sĩ Tịnh độ ở Sài Gòn xuất bản số 1 vào tháng 01 năm 1937.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết