Thông tin

QUAN ĐIỂM MÙA XUÂN CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG

QUAN ĐIỂM MÙA XUÂN CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG

TUỆ MINH

 

Vua Trần Thái Tông tức Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa, sinh ngày 16/06/ Mậu Dần 1218 (1), mất ngày 01/04/ Đinh Sửu 1277. Ông là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần khi lên thay ngôi nhà Lý. Ngay từ khi lên 8 tuổi, hầu như mọi chuyện của Ông đã không do chính Ông chọn lựa mà luôn luôn có những bàn tay sắp đặt sẵn(2). Mặc dù sống ở ngôi chín rồng nhưng quyền hành chẳng có; mặc dù sống trong cảnh nhung lụa nhưng tinh thần rách nát…Ông đã đau, đau khổ đến tột cùng khi những mối bi kịch của gia đình liên tiếp giáng xuống đầu Ông. Và trong tận sâu đáy lòng của Ông lúc ấy, hầu như đã bế tắc, Ông chỉ còn duy nhất một con đường, đó là bỏ trốn. Bỏ trốn đi đâu lúc này lại là vấn đề nan giải? Bước chân Ông vô định đưa Ông đến một con đường: anh hùng bán lộ đáo vi Tăng, đại ý khi con người trải qua những dâu bể trong cuộc đời, những khổ đau trong cuộc sống, bị bế tắc, bị khốn cùng thì chỉ còn duy nhất việc xuất gia học Phật, là đường đi rộng rãi, nhẹ nhàng và giải thoát nhất.

Ngỡ tưởng rằng ý định này sẽ thực hiện được nhưng cuối cùng vẫn chẳng thể toại lòng(3). Kể từ khi được vị Thiền sư tu trên núi Yên Tử mở tung cho vua Trần Thái Tông một phương trời mầu nhiệm, phương trời giải thoát tâm linh bằng con đường hướng nội, trở về chính với cái tâm ta và phương trời giải phóng con người bằng con người hành động để phụng sự nhân dân theo nguyện vọng của chính họ, Ông đã ghi nhớ, áp dụng trong đời sống và trong việc lãnh đạo quốc gia như là kim chỉ nam cho cuộc đời và chính sách trị quốc của nhà Vua. Nhờ vậy Vua Trần Thái Tông đã thành tựu cả hai sự nghiệp: Sự nghiệp của một quân vương trị quốc theo chánh pháp và sự nghiệp của một con người giải thoát để hoằng pháp độ sanh.

Có lẽ vì thế mà những cảm nhận về diễn biến của mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống đối với vua Trần Thái Tông rất khác với những gì mà bình nhật người thường thấy. Điều đó, chúng ta có thể đọc đoạn trích sau đây:

Có một ý nghĩ sai cho nên hiện thành nhiều mối. Gửi hình hài ở tinh anh cha mẹ, nhờ thai nghén nuôi dưỡng ở khí âm dương. Hơn hết tam tài mà đứng giữa; là loài khôn nhất trong muôn loài. Há rằng kẻ trí người ngu, đều cùng bào thai bao bọc; bất luận một nhà trăm họ, thảy đều về lò bể nấu nung. Hoặc thái dương biểu hiện, vua thánh giáng sinh, hoặc các sao ứng điềm, tôi hiền xuất hiện. Bút văn quét trận nghìn quân, vũ lược thu công trăm thắng. Trai cậy phong tư ném quả; gái khoe sắc đẹp nghiêng thành. Một nụ cười nghiêng nước, hai nụ cười nghiêng thành. Ganh danh khoe sắc, tranh lạ đấu kỳ. Xem ra không lọt lưới luân hồi, rút lại khó tránh vòng sinh hóa.

Tướng sinh của người là mùa xuân trong năm. Khỏe khoắn thay sự thịnh vượng của dương xuân, mới mẻ thay vẻ tốt tươi của muôn vật. Một trời sáng đẹp, xóm thôn liễu biếc đào hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh ca, bướm múa (4).

Chân tể huân đào vạn vật thành

Bản lai phi triệu hựu phi manh

Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm

Khước bội vô sinh thụ hữu sinh

Tỷ trước chư hương, thiệt tham vị

Nhãn manh chúng sắc,nhĩ văn thanh

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lý trình”

(Tạo hóa khuôn thiêng đúc vạn hình

Vốn không triệu chứng chẳng mầm xanh

Sai vì hữu niệm quên vô niệm

Trái với vô sinh hướng hữu sinh

Mũi lưỡi tham lam hương lẫn vị

Mắt tai mê mẩn sắc cùng thanh

Phong trần thất thểu làm thân khách

Muôn dặm xa quê cuộc viễn trình) (5).

Đây là phần thứ nhất của bài thơ Phổ Thuyết Tứ Sơn trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông. Bài thơ nói rộng về nghĩa của bốn ngọn núi. Đó là ngọn núi Sanh, ngọn núi Lão, ngọn núi Bệnh và ngọn núi Tử. Trần Thái Tông mượn hình ảnh bốn ngọn núi này để nói lên bốn hiện tướng của một đời con người. Ai sinh ra và lớn lên cũng đều phải trải qua bốn thời kỳ này. Do đó, mọi người đều xem nó như là một lẽ tự nhiên, chẳng cần phải để tâm suy xét và quan tâm gì cả. nhưng ngược lại, với riêng Vua Trần Thái Tông, Ông xem sanh - già - bệnh - tử là bốn ngọn núi lớn của cuộc đời. Bởi vì chúng luôn đè nặng và cản trở bước đi từng bước của chúng sanh nói chung và con người nói riêng.

Trong đó, ngọn núi thứ nhất chính là tướng SANH. Theo vua Trần Thái Tông thì Sanh ở đây chính là sự sinh sôi nảy nở, muôn vật được phát triển tăng long. Sanh là xuất hiện của một vật, hiện tượng, con người trên cuộc đời. Và tướng sanh đó của con người cũng chính là mùa xuân trong một năm.

Đọc đoạn thơ trên, chúng ta thấy vua Trần Thái Tông đã cho mọi người biết được rất rõ nguyên nhân sự có mặt của mỗi chúng sinh trong cuộc đời. Đó là “vì sai một niệm nên hiện nhiều bề”. Tại sao lại sai một niệm? Niệm đó là gì mà sai? Chính yếu tố trực tiếp dẫn dắt chúng sanh thọ quả báo luân hồi là do vọng niệm tức vô minh, và do vô minh nơi ái dục nên phải chịu cảnh thọ sanh nơi trần thế. Tương tục như thế mãi, nên chúng sinh liên tục chuyển tiếp từ đời sống này sang đời sống khác. Dù người đứng trùm cả ba cõi, thiêng liêng nhất trong vạn loài hay bất kể bậc thượng trí kẻ hạ ngu đều vẫn thuộc trong bào thai mà sanh trưởng.

Tương tự như trên, trong Lục thời sám hối khoa nghi, vua Trần Thái Tông cũng nói rõ nguyên do mà con người bị trói buộc:

“Canh gà vừa dứt; bóng thỏ mới tàn; mây khói non sông phảng phất; ngựa xe đây đó rộn ràng. Chén trúc diệp trước sông hồ tỉnh; khúc hoa mai trên gác vừa tan. Mày liễu  thập thò bừng nắng sớm; mặt hoa e lệ đọng sương mai. Gặp khi bừng sáng; thương kẻ còn mê. Trong đêm hồn mộng hãy mơ màng; tỉnh dậy tâm đầu còn bối rối. Tai mắt mãi mê thanh sắc; mũi mồm theo đuổi ngon thơm. Nhà lửa luôn luôn thiêu đốt ; sóng yêu mãi mãi đắm chìm. Dù người mở mắt sớm nay; vẫn còn kẻ ngủ say đêm trước. Chẳng lo già ốm chết theo; chỉ bận vợ con tiền của”(6).

Bởi vậy mà trong Kinh Trung Bộ cũng nói rằng: “Tôi làm chủ nghiệp của tôi, tôi kế thừa sự nghiệp, sinh ra tôi đã mang nghiệp, tôi và nghiệp tương quan nhau, tôi sống theo sự dẫn dắt của nghiệp. Tôi tạo ra nghiệp gì, xấu hay tốt thì tôi là người sẽ thọ lãnh sau này” (7).

Qua những dẫn luận trên, chúng ta có thể biết được rằng vua Trần Thái Tông làm ra bài kệ này chính là một tiếng chuông để cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, những người còn lang thang trong sân ga cuộc đời. Tiếng chuông ấy nhắc nhở chúng ta cuộc hành trình  đã diệu viễn lắm rồi, hãy lo quay về đừng đi xa thêm nữa. Hãy nhanh chóng thu xếp hành trang, chuẩn bị tư lương cho con đường tìm về Chơn tâm thường trú trên quê hương Vĩnh cữu của mỗi người chúng ta.


Thế mới biết, lúc đầu thoạt nghe qua, ta tưởng chừng như Núi thứ nhất Tướng Sanh, là con đường gian khổ. Nhưng chúng ta sẽ thấy được điểm trái ngược là vua Trần Thái Tông rất lạc quan. Vì lạc quan nên Ngài mới cho rằng: con người sanh ra cũng đẹp đẽ như mùa xuân trong một năm với hoa, lá cỏ cây, chim ca bướm lượn tung tăng vui thích.

Đối với Trần Thái Tông, sự sinh ra của con người trong đời là một bước khởi đầu tốt đẹp như mùa xuân. Có thể nói đây là sự khẳng định tinh thần nhân bản sâu sắc trong tư tưởng văn học của Trần Thái Tông.

Con người là tất cả, là hơn hết. Sự hiện hữu của con người là một niềm vui lớn. Cho nên khi diễn đạt về tướng Sanh, Vua Trần Thái Tông đã cụ thể hoá những nguyên nhân đưa đến sự khác biệt của con người khi phải thọ sanh. Và chính điều đó, trong cõi trời đất mênh mông bao la vô tận nầy, mọi sự, mọi vật có muôn hình vạn tượng khác nhau, không ai giống ai. Mỗi loài, mỗi vật cũng đều tự có nhân duyên sanh hoá của nó. Riêng con người, sở dĩ sanh ra trong đời vì có hai đều sai trái: thứ nhất là vì quên chơn tâm vô niệm. Thứ hai là vì hướng đến các tướng có mà không biết tự giữ gìn cái tướng bình thản vô sanh của mình. Điều đó được thể hiện rõ trong những sự bình thường nhất của bản thân:

Mũi tham hương thơm lưỡi tham vị

Mắt mê sắc đẹp tai say tiếng

Mãi mãi làm kẻ phong trần trôi dạt,

Mỗi ngày mỗi xa quê hương hàng ngàn dặm”

Do bị khách trần sai sử luôn luôn làm khách phong trần thất thểu khổ đau trong cuộc đời, vì sự tham lam ngu muội của chính mình trong mỗi kiếp sống. Như vậy trong cuộc luân hồi dài của cuộc đời, mỗi con người mới sinh ra cứ tưởng là mới sinh, nhưng thực ra là tái sinh. Để rồi trong cuộc sống bị sáu trần lôi kéo, sáu căn làm ta say mê suốt cả cuộc đời. Và cứ làm người khách phong trần lang thang trong vòng luân hồi, càng đi càng xa. Do vậy, nếu chạy theo sáu trần là làm khách phong trần. Nếu không dính mắc sáu trần tức là kẻ xuất trần thượng sĩ.

Tóm lại, quan điểm về mùa xuân của vua Trần Thái Tông đã cho chúng ta một cái nhìn thâm sâu hơn rất nhiều những mùa xuân của nhân thế. Con người là chủ nhân của chính mình, nên có thể làm chủ tất cả mọi hành động của bản thân. Được như vậy, thì sự an lạc trong hiện tại và làm tiền đề tốt đẹp cho mọi hướng đi, mọi sinh hoạt nối tiếp trong tương lai là điều thật có.


(1) Theo Viện Văn Học, Thơ Văn Lý Trần tập 2, NXB KHXH, Hà Nội 1988, tr.19. Tuy nhiên theo Việt Sử lược- lược truyện các tác giả Việt Nam, Hà Nội 1952 thì cho rằng Ông sinh 10/07 Mậu Dần. Còn theo Việt Sử ký tiêu án” của Ngô Thời Sĩ, dẫn theo sách Nguyễn Đặng Thục, Thiền Học Trần Thái Tông – NXBVHTT 1996, tr.18 viết rằng Ông sinh năm Mậu Thìn.

(2) Việc Ông được đưa vào trong cung làm hầu cận cho nữ vua Lý Chiêu Hoàng cũng là một sắp xếp. Và Ông lấy Chiêu Hoàng làm vợ ít lâu sau cũng do sắp xếp. Tình duyên giữa hai người không được lâu dài vì chậm có con, Ông bị ép lấy chị dâu mình là Thuận Thiên vợ anh ruột là Trần Liễu, sau đó phải hạ chiếu giáng vợ mình Chiêu Hoàng xuống làm Công chúa cũng do sắp xếp.

(3) Khi Ông bỏ lên núi Yên Tử để tìm chốn yên tĩnh tâm hồn, gặp Thiền Sư Trúc Lâm Viên Chứng, Ông đã giải bày nỗi khổ của bản thân và mong muốn tìm Phật. Và Thiền sư đã dạy, “trong núi vôn không có Phật, Phật ở trong lòng. Phàm làm đấng nhân quân phải lấy ý muốn của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón vua về, vua không về sao được? Tuy nhiên, sự tìm hiểu về nội điển  của Phật giáo xin mong bệ hạ đừng phút nào quên”. Và Ông đã nghe theo lời trở về làm vua lại.

(4) Theo Viện Văn Học, thơ văn Lý Trần tập 2, sđd, tr.45.

(5) Theo Viện Văn Học, thơ văn Lý Trần tập 2, sđd, tr. 42 và 45

(6) Theo Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd, tr. 165.

(7) HT Thích Minh Châu dịch, kinh Trung Bộ tập III, VNCPHVN 1991, tr. 474.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6111884