QUAN ĐIỂM VỀ VŨ TRỤ NHÂN SINH
CỦA HÒA THƯỢNG LÊ KHÁNH HÒA
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG*
Hòa thượng Khánh Hòa không chỉ giải đáp vấn đề vũ trụ do đâu mà thành, có hay không có Thượng đế tạo vật dựa trên nền tảng lý luận cơ bản của Phật học, mà nó còn góp phần nâng cao trình độ của người học Phật trên những vấn đề triết học Phật giáo về Vũ trụ, nhân sinh.
Trước sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, cụ thể là sự ảnh hưởng của nền khoa học hiện đại, những triết lý của đạo Phật thể hiện trên báo chí Phật giáo từ năm 1929 đến năm 1945 cũng theo xu hướng chuyển đổi từ đạo Phật cổ truyền sang khuynh hướng thích ứng với thời đại khoa học, hay nói cách khác là cổ xúy cho tinh thần “thay cũ đổi mới”. Từ đó đã làm nảy sinh ra nhiều cuộc tranh luận về tư tưởng xoay quanh vấn đề triết học và nhận thức luận Phật giáo thật sôi nổi giữa các tạp chí Phật giáo, nhằm mục đích làm sáng tỏ tư tưởng của đạo Phật xưa cũng như nay.
Những đề tài có liên hệ tới khoa học phương Tây như: Có hay không có Thượng đế; Có hay không có một cõi nước Tây phương Cực lạc; Có hay không có Đức Phật A Di Đà, Có hay không có linh hồn bất tử... là những vấn đề khá mới mẻ đối với hàng Phật tử trí thức và giới trí thức ngoài Phật giáo, làm tốn nhiều giấy mực, tâm huyết của bao người viết về nó.
Một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất bởi công chúng trong và ngoài đạo Phật: Đạo Phật là hữu thần hay vô thần? Đạo Phật thừa nhận hay phủ nhận sự tồn tại của thượng đế sáng tạo vũ trụ, vạn vật và nhân loại? Vấn đề này được đăng tải nhiều kỳ trên báo chí Phật giáo như: tạp chí Viên âm ở Trung kỳ, bán nguyệt san Đuốc tuệ, Tiếng chuông sớm ở Bắc Kỳ, các tờ Pháp âm, Tiến hóa… ở Nam kỳ. Ở đây, chúng tôi xin tập trung nghiên cứu những bài viết trên tạp chí Duy tâm Phật học – cơ quan hoằng pháp của Hội Lưỡng Xuyên Phật học tham gia cuộc tranh luận về chủ đề Có hay không có Thượng đế tạo vật? và tập trung làm rõ quan điểm của Hòa thượng Khánh Hòa.
Trên các số 6, 7, 8 (ra tháng 3, 4, 5 năm 1936) tạp chí Duy tâm Phật học đăng bài thuyết pháp Vũ trụ nhân sinh của Hòa thượng Khánh Hòa tại Hội quán Hội Lưỡng Xuyên Phật học nhân kỳ Đại hội đầu năm vào ngày 9-10 tháng 2 năm 1936.
Điều trước hết được Hòa thượng nhấn mạnh là mối quan hệ giữa khoa học hiện đại và Phật học cổ truyền. Hòa thượng cho rằng giữa hai cái học ấy có một mối quan hệ độc đáo và mật thiết với nhau. Có lẽ ngài muốn gỡ ngay cái nhãn mê tín dị đoan ra khỏi đạo Phật:
“Tôi vốn là một nhà Phật học chứ không phải nhà thực nghiệm khoa học, nên không dám phê bình khoa học Âu Mỹ ra thế nào… nhưng theo lý học thì Phật pháp tức Khoa học, Khoa học tức Phật pháp. Khoa học là “Tướng”, Phật pháp là Tính; Khoa học là “Dụng”, Phật pháp là “Thể”; Khoa học là “Sự”, Phật pháp là “Lý”; Khoa học là “Hình thức”, Phật pháp là “Tinh thần”; chưa hề có “Tướng” không “Tính”; có “Thể” không “Dụng”, có “Sự” không “Lý”, có “Hình thức” không có “Tinh thần” bao giờ”1.
Hòa thượng cũng vạch rõ hạn chế và bất cập của tư duy triết học phương Tây là bởi cái bệnh “vị ngã” đã thông thường, phái Duy tâm thì bài xích Duy vật, phái Duy vật lại kích bác Duy tâm, ai chấp sở kiến nấy, kẻ chấp Lý bỏ Sự, người chấp Sự bỏ Lý nên mới sinh ra phân biệt bỉ thử (bên này bên nọ)2. Từ đó, Hòa thượng đi đến kết luận: “Thực ra Phật pháp không ngoài Khoa học, Khoa học cũng không ngoài Phật pháp, Phật pháp Khoa học viên dung mới hoàn toàn sự lý”3. Điều này cho thấy Hòa thượng Khánh Hòa chỉ muốn thỏa hiệp Phật giáo với khoa học, mà không thỏa hiệp tôn giáo với khoa học. Bởi ngài đã nhấn mạnh trong tất cả các tôn giáo trên thế giới hiện nay duy chỉ có Phật giáo là nhất trí với khoa học, hai bên bổ sung cho nhau.
Tiếp sau, Hòa thượng giải thích một cách tường tận về Vũ trụ và Nhân sinh rằng: “… hiện nay chữ vũ trụ nhân sinh đã trở thành tiếng đầu lưỡi trong bất cứ hội đàm luận nào nhưng cái nghĩa của nó chưa ắt là mỗi người đều hiểu. Vũ trụ nghĩa là thế gian hay cõi đời, cái bản thể của nó bao trùm tất cả không gian và thời gian, còn nhân sinh là “nhân loại sinh hoạt, sự sống, loài người”. Về nhân sinh, Hòa thượng cho rằng khổ là bản chất, là tất yếu của kiếp người: “Than ôi! “nhân sinh” nhân sinh!! Khổ nhiều nỗi”: Sống già đau thác lại thêm những điều tai nạn chẳng biết bao nhiêu mà kể: nào trộm cướp giặc giã, nào bão lụt hạn hán… mà đã là nhân sinh trong vũ trụ thì có tài nào thoát khỏi những nạn ấy4. Như Đức Phật từng dạy “Đời người là bể khổ”.
Trước Hòa thượng Khánh Hòa, người đời thường nói là “Trời hóa sinh muôn vật”, “Sống thác tại lẽ Trời”, “Giàu có sang trọng, nghèo hèn đói rách cũng là Trời”… Nhất nhất điều gì cũng đổ cho Trời. Nhưng Trời là ai? Sách Nho gọi là Thượng đế đó chăng? Có phải cái hình ta thấy xanh xanh tròn tròn ở trên không đó chăng? Hòa thượng đã chỉ rõ: Chữ Thượng đế của sách Nho bởi câu “hạo thiên Thượng đế” nghĩa là vua ở trên cõi Trời cao; còn cái hình xanh xanh tròn tròn thấy ở trên không đó, là khói là hơi, là mây là nước, sao lại cho ông vua trên cõi Trời và cái hình xanh xanh mây nước đó là “ông Trời chủ tể hóa sinh muôn vật”5.
Hòa thượng Khánh Hòa đã thẳng thừng công kích quan điểm thần thánh hóa Thượng đế:
“Nếu Thượng đế hay cái hình xanh xanh tròn tròn là đấng chúa tể đủ nhân đức, năng lực, hoàn toàn tự quyền tạo ra muôn vật, thì tức là một đại từ phụ của muôn vật, sao không dùng công đạo, công lý, lại đành nhẫn tâm tạo ra có giống làm người khôn ngoan xảo trá, có giống là vật ngu độn dại khờ. Luận riêng về loài người, sao không lấy đức từ bi mà tạo ra một mực bình đẳng như nhau, đủ tài năng khôn khéo đặng hưởng những sự giàu sang hạnh phúc vui khoái của đời, lại khiến cho phần nhiều phải chịu dốt nát, bệnh hoạn mà nghèo nàn đói rách, thống khổ đủ điều…
Ôi! Thượng đế tạo thành cái thế giới vũ trụ nhân sinh này hình như chốn lao ngục, đầy dẫy gông cùm, tội ác, khổ sở, không tốt lành, không bình đẳng, không tự do, không an ổn, làm như thế là làm ơn hay làm hại? Là có công hay có tội? Ở thế gian này, những ai còn có một chút lương tâm cũng không nỡ hại người, huống chi Thượng đế là một đấng chủ tể tạo vật ở vòi vọi trên cao, đã tạo ra người rồi lại nỡ gia hại sao? Vậy thì cái thuyết trời sinh hay Thượng đế tạo, đều chưa đủ lý”6.
Để củng cố luận điểm này, ngài Khánh Hòa nhấn mạnh: “Như trên đã nói muôn vật đều do Thượng đế tạo, thì nhất luật tất cả đều tạo, dầu Thượng đế cũng không ngoài luật tạo. Xin hỏi: Thượng đế ai tạo? đứng về phương diện phái ấy, chắc sao cũng trả lời: Thượng đế là đấng tự nhiên nhi nhiên. Tự nhiên nhi nhiên lại càng không nghĩa. Ấy là câu để la rầy con cái, em út của kẻ làm cha mẹ, anh chị trong gia đình, đương lúc công việc bận rộn mà trẻ ấy ngồi yên nhìn không ngó ngàng gì đến, thì quở: “sao mi không dám cục cựa cứ ngồi tự nhiên nhi nhiên đó”7 thì tự nhiên nhi nhiên là nghĩa trơ trơ, mà trơ trơ làm sao tạo vật đặng? Cái thuyết “Trời sinh” đã lù mù, thêm cái thuyết “tự nhiên nhi nhiên lại càng lù mù”. Cái nguồn gốc phát sinh nhân sinh vũ trụ đâu phải bởi ấy!?”8.
Hòa thượng nêu mâu thuẫn logic về vai trò: Thượng đế sáng tạo thì phải toàn lương; mà vô số bằng chứng chứng tỏ rằng nếu có ai tạo ra muôn vật thì kẻ ấy là bất lương, đã bất lương thì không phải là thượng đế; vậy không có Thượng đế sáng tạo.
Câu hỏi tiếp theo là: Không có Thượng đế sáng tạo thì vũ trụ nhân sinh phát nguyên tại đâu? Hòa thượng Khánh Hòa cho rằng tôn giáo nào cũng có kinh điển, nhưng hiện nay duy có kinh điển của đức Thích Ca Mâu Ni chỉ rõ chỗ phát nguyên của vũ trụ nhân sinh một cách tường tận. Ngài dẫn lời Phật: “Từ đời vô thủy chưa có Phật, chưa có chúng sinh mà cũng chưa có cái hư không vũ trụ, ấy là kiếp không về trước chỉ có nhiều cái “Biết”, mà cái “Biết” đó nó sáng suốt viên mãn; thấy nghe hiểu biết còn chung lại trong một khối gương sáng suốt viên mãn như như đó. Bên cạnh cái sáng suốt ấy khởi động lên mới thành ra chốn hư không tâm tâm mù mù rồi bắt đầu sinh ra thế giới chúng sinh và nghiệp quả; tức là vũ trụ nhân sinh, sinh sinh tử tử dính níu với nhau đời đời kiếp kiếp cho đến ngày nay (tức vũ trụ nhân sinh vận động không ngừng).”9 Hòa thượng dẫn bài kệ của đức Văn Thù Bồ tát trong Kinh Lăng Nghiêm:
Giác hải tính trừng viên,
Viên trừng giác nguyên diệu.
Nguyên minh chiếu sinh sở,
Sở lập chiếu tính vong.
Mê vọng hữu hư không,
Y không lập thế giới.
Tưởng chừng thành quốc độ,
Tri giác nãi chúng sinh.10
Theo thuyết Duyên khởi, Tính Không và Vô thường, Hòa thượng lập luận rằng: Cái tính “Biết” bao la là “Thể”, lặng lẽ mà trong; Sáng chói mà tròn là “Tướng”. Tròn và Trong của tính “Biết” bản lai vốn tự nhiệm mầu là “Dụng”, ấy là “Thể”, “Tướng” và “Dụng” của cái “Biết” ở kiếp không về trước khi chưa có hư không, bởi sự nhiệm mầu sáng chói mà sinh ra có cái chỗ, hễ có chỗ rồi thì bản tướng của sự sáng chói phải diệt vong. Ví như ùn ùn mây nổi lên thì mặt trời tránh sao khỏi bị ngăn che11.
Hòa thượng vận dụng thuyết Duy thức để phân tích sự tồn tại hữu hình của vạn vật là từ “Biết”: Ấy là phát sinh ra nghiệp thức bởi nguyên nhân nơi cái biết ở kiếp không về sau đã có hư không. Do nơi vọng động mà sinh ra hư không, có hư không thì tự nhiên có thế giới. Ấy là muôn pháp bởi nguyên nhân nơi cái “Biết” mà sinh ra”12.
Hòa thượng Khánh Hòa cắt nghĩa nguồn gốc của vũ trụ không phải bằng Thượng đế, mà bằng “Tứ Đại”, gồm Đất, Nước, Gió, Lửa, nhưng Gió, Đất, Lửa và Nước đều trong cái Biết và cái Không. Như vậy, Hòa thượng giải thích động lực vận động của vũ trụ là tự nó và theo tinh thần Duy thức (thuộc triết học Phật giáo Đại thừa): “Gió, Đất và Lửa đều ở trong “cái Biết” vọng động mà sinh ra, còn Nước thì bởi nơi Đất và Lửa mà có. Trong vũ trụ tất cả vật chi cũng không ngoài bốn chất Đất, Nước, Lửa, Gió. Đất nương với Nước, Nước nương với Gió, Gió nương với Hư không, Hư không nương với Vô minh, Vô minh nương cái Biết, như thế thì đủ biết muôn phép gì trong vũ trụ tất cả đều do nơi “cái Biết”, nếu lìa ra ngoài cái biết thì hẳn không còn chi là tự thể”13.
Như vậy, “Biết” được hiểu theo tinh thần triết học Tính Không của Trung Quán chứ không theo nhận thức đời thường.
Bài viết của Hòa thượng không chỉ giải đáp vấn đề vũ trụ do đâu mà thành, có hay không có Thượng đế tạo vật dựa trên nền tảng lý luận cơ bản của Phật học, mà nó còn góp phần nâng cao trình độ của người học Phật trên những vấn đề triết học Phật giáo về Vũ trụ, nhân sinh. Phải chăng đó cũng là một biện pháp nhằm khắc phục tình trạng “Phật giáo suy đồi là bởi tăng đồ thất học”14 nên bỏ trống những vấn đề triết học Phật giáo – tức Phật học cơ bản – trong đối thoại với khoa học đời sống đương thời trong phong trào chấn hưng Phật giáo?.
* Trưởng Văn phòng miền Bắc Trung tâm NCPGVN, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
1. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 6 ra tháng 3 năm 1936, tr. 352.
2, 3. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 6 ra tháng 3 năm 1936, tr. 352.
4. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 6 ra tháng 3 năm 1936, tr. 355.
5. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 6 ra tháng 3 năm 1936, tr. 357.
6. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 6 ra tháng 3 năm 1936, tr. 357.
7. Tự nhiên nhi nhiên nghĩa là Cứ tự nhiên mà như thế. ... History Search ... Từ điển Tiếng Việt (Vietnamese Dictionary).
8. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 6 ra tháng 3 năm 1936, tr. 358.
9, 10. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 7 ra tháng 4 năm 1936, tr. 376.
11,12. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 6 ra tháng 4 năm 1936, tr. 377.
13. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Vũ trụ nhơn sanh, tạp chí Duy tâm số 8 ra tháng 5 năm 1936, tr 440.
14. Hòa thượng Khánh Hòa, Tự trần đăng trong tạp chí Pháp âm, 1929.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết