Thông tin

QUAN HỆ GIỮA PHẬT GIÁO VÀ TRIỀU ĐÌNH THỜI LÝ

QUA TRƯỜNG HỢP THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH -

MỘT CÁCH GIẢI HUYỀN THOẠI

 

PGS.TS. LÊ THỊ LAN*

 

Việt Nam là một đất nước thống nhất của nhiều tộc người và tôn giáo. Sự đa dạng tộc người và tôn giáo đòi hỏi sự xác lập một đường lối hiệu quả trong quản lý nhà nước về tôn giáo. Đường lối này lại phụ thuộc vào nhận thức của giai cấp lãnh đạo về mối quan hệ giữa chính trị với tôn giáo và chính thực trạng mối quan hệ đó. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa chính trị với tôn giáo đưa tới những tác động hoặc tích cực hoặc tiêu cực nhưng đều rất cụ thể và trực tiếp tới sự phát triển của một thể chế chính trị nói riêng, dân tộc nói chung.

          Thời Lý, chiều hướng xây dựng mối quan hệ liên kết, hài hoà giữa chính trị và tôn giáo, trong đó có quan hệ giữa triều đình với Phật giáo, đã trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống chính trị - tôn giáo Đại Việt và tạo nên một nền tảng văn hoá chính trị hết sức rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Mối quan hệ liên kết, ủng hộ lẫn nhau ngày càng chặt chẽ, tốt đẹp giữa Phật giáo và triều đình nhà Lý suốt 215 năm dựng nước đã góp phần xây dựng một nhà nước Đại Việt hùng mạnh và văn hiến. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, Phật giáo thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với triều đình nhà Lý không phải là hoàn toàn dễ dàng và mối quan hệ đó không phải là bất biến. Đã có những sự tranh đấu giữa Phật giáo với Đạo giáo và Nho giáo ở những mức độ khác nhau, trong những thời điểm khác nhau, dưới những triều vua khác nhau để xây dựng nên mối quan hệ chủ đạo gắn kết giữa Phật giáo và triều đình. Đặc biệt, dưới thời Lý Nhân Tông, khi nhà vua có quan điểm dung hoà tam giáo, khuyến khích cả ba đạo cùng phát triển, thì sự đấu tranh này cũng bộc lộ rõ ràng hơn, dù là dưới những hình thức gián tiếp. Khảo cứu huyền thoại Từ Đạo Hạnh sẽ cho ta một cách nhìn rõ hơn về Phật giáo thời Lý trong quá trình duy trì, củng cố quan hệ với triều đình cũng như mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo thời kỳ này.

          Thời Lý, các vua Lý tôn Phật giáo làm quốc giáo, các vị sư đứng đầu giáo hội Phật giáo cũng là những người uyên thâm trong lĩnh vực tư tưởng, có vai trò quan trọng trong triều đình trung ương như Khuông Việt đại sư, Viên Thông quốc sư. Thậm chí, bản thân nhà vua giữ vai trò người đứng đầu Thiền phái Thảo Đường như trường hợp vua Lý Thánh Tông. Trên tổng thể và dựa vào văn bản thơ văn thời Lý, Phật giáo Thiền tông là dòng chủ đạo ảnh hưởng tới tư tưởng tầng lớp quý tộc và triều thần nhà Lý. Nhưng trên phương diện đời sống xã hội, chính Phật giáo Mật tông đã giữ một vị thế hết sức quan trọng đối với quảng đại dân chúng và với cả sinh hoạt tôn giáo của giới quý tộc nhà Lý. Từ truyền thuyết Từ Đạo Hạnh (? - 1116) là tiền thân của vua Lý Thần Tông, đối chứng với những sự kiện lịch sử đương thời liên quan tới  vua Lý Nhân Tông (1066 - 1127) nổi tiếng là người vừa sùng đạo Phật, vừa trọng phép thuật[1], chúng tôi cho rằng đã có một cuộc đấu tranh giữa các thiền sư trong nội bộ các hệ phái Phật giáo để củng cố quan hệ và giành ảnh hưởng với triều đình nhà Lý.

Vua Lý Nhân Tông là con của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan. Ông lên ngôi năm 1072, trị vì 56 năm. Dưới triều đại của ông, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn làm ăn, cả văn học và quân sự đều phát triển. Ông được coi là vua giỏi của triều Lý. Lý Nhân Tông không chỉ sùng mộ Phật giáo mà còn nổi tiếng là người ham mê Đạo giáo, tin vào những phép thuật như cầu đảo, bùa chú, bắt quyết và các phép linh dị khác. Nhà vua thường mời các vị cao tăng, giỏi phép thuật như Từ Đạo Hạnh, Minh Không... làm lễ cầu đảo, bùa chú, chữa bệnh mỗi khi có việc bất thường như hạn hán, lũ lụt, bệnh tật... Trong Đại việt sử ký toàn thư, thời Lý Nhân Tông, các sử gia chép rất nhiều sự kiện liên quan tới sự ưa chuộng Đạo giáo của Lý Nhân Tông. Như năm 1073, mưa dầm, vua sai rước Phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh, cúng thần núi Tản Viên, năm 1117, không mưa, cầu đảo ở hành cung... Những buổi lễ cầu đảo này thường do các nhà sư đảm nhiệm. Như vậy, chúng ta thấy rằng, vua Lý Nhân Tông đã thiết lập mối quan hệ rất khăng khít với các nhà sư, đặc biệt là những người giỏi phép thuật như Từ Đạo Hạnh.

Từ Đạo Hạnh là một thiền sư nổi tiếng Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời và hành trạng của ông được ghi lại từ rất sớm trong nhiều văn bản như Việt điện u linh, năm 1329, An Nam chí lược năm1333, Thiền uyển tập anh năm1337, trong những bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư và những bia ký khác như văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc… Đồng thời, cuộc đời ông cũng được thêu dệt thành huyền thoại, thành cổ tích. Trong các văn bản, huyền thoại, cổ tích về cuộc đời và hành trạng của thiền sư Từ Đạo Hạnh có nhiều điểm cơ bản khá thống nhất.

Về cuộc đời của thiền sư Từ Đạo Hạnh, ngài là một nhân vật lịch sử có nguồn gốc rất rõ ràng, là người có chí lớn và phóng khoáng, kết bạn, giao du rộng rãi với cả nho sĩ và đạo sĩ. Ông vui chơi hết mình nhưng cũng đọc sách quên ăn quên ngủ và đã trúng tuyển kỳ thi tăng quan của triều đình. Chịu ảnh hưởng của đạo hiếu Nho giáo, ông quyết tâm sang Ấn Độ cầu học phép thuật để trả thù cho cha bị nhà sư Mật giáo là Đại Điên hại chết. Tuy không sang được tới đất Ấn Độ, nhưng Từ Đạo Hạnh đã học được bài thần chú Đại bi tâm đà la ni của Mật giáo, khổ công tu niệm và đã đắc đạo. Sau khi dùng pháp thuật giết chết Đại Điên, ông đã rũ bỏ mọi việc đời và toàn tâm toàn ý theo Phật giáo. Ông đã chứng ngộ được triết lý cao sâu của thiền phái Tì ni đa lưu chi, trở thành người thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái này và truyền bá đạo pháp cho đông đảo các môn đồ. Ông để lại bốn bài thơ thiền có giá trị trong văn học thời Lý, thể hiện cô đọng triết lý về bản thể thế giới là Không, nhân sinh quan vô thường và phương pháp tư duy không chấp trước, trong đó có bài kệ thể hiện tinh thần thiền học hết sức thâm sâu nhưng cũng vô cùng sáng tỏ của ông:

“Tác hữu trần sa hữu            

Vi không nhất thiết không   

Hữu không như thuỷ nguyệt     

Vật trước hữu không không”.

(Có thì muôn sự có

Không thì tất cả không,

Có, không trăng đáy nước

Đừng vướng có, không không)[2]

Về hành trạng của Từ Đạo Hạnh, ngài được thừa nhận là người có pháp thuật cao cường, được vua Lý Nhân Tông rất tín nhiệm và thường mời vào cung cầu đảo, dùng pháp thuật để hoá giải tai ương, điềm gở... Đỉnh cao pháp thuật của Từ Đạo Hạnh là việc ông giúp vua Lý Nhân Tông tìm người nối dõi. Theo truyền thuyết, ngài hoá tại chùa núi Phật Tích, thác sinh vào nhà Sùng Hiền hầu (em vua Lý Nhân Tông), trở thành con nuôi Lý Nhân Tông và được lập làm vua Lý Thần Tông. Xung quanh truyền thuyết Từ Đạo Hạnh là tiền thân của vua Lý Thần Tông, chúng ta thấy có khá nhiều bằng chứng về cuộc đấu tranh giữa các hệ phái Phật giáo, cũng như giữa Phật giáo và Nho giáo để củng cố quan hệ khăng khít giữa Phật giáo với triều đình giai đoạn này.

Theo truyền thuyết được ghi lại trong cả Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Đại việt sử ký toàn thư  và sau này là trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, mối thù cha bị sư Đại Điên, một nhà sư Mật giáo có phép thuật cao cường giết chết, là động lực tu tập pháp thuật của Từ Đạo Hạnh. Vì đạo hiếu mà ông quyết chí nếm mật nằm gai, vượt bao gian khó để tầm sư học đạo. Cùng tìm cầu đạo pháp với Từ Đạo Hạnh có Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ. Theo Thiền uyển tập anh, hai nhà sư này là thuộc phái Vô Ngôn Thông. Tuy cùng hướng tới Ấn Độ học đạo nhưng mục địch của hai vị sư này hoàn toàn là nhằm tìm tới nguồn cội Phật giáo, nhằm thấu triệt chân lý nhà Phật để cứu khổ cứu nạn giúp đời, khác hẳn với Từ Đạo Hạnh là nhằm mục đích đạt tới phép thuật tinh thông, cao cường để trả thù cho cha. Do mục đích cầu đạo không đúng đắn, Từ Đạo Hạnh tuy có được Bồ tát truyền cho một số phép thuật nhưng không đắc đạo. Ngược lại, Minh Không và Không Lộ đã đắc đạo và trở về bản quán. Để trau dồi phép thuật đủ sức chống lại Đại Điên, Từ Đạo Hạnh vào núi Phật tích, Sài Sơn, tiếp tục tu tập, niệm chú Đà la ni (một bài chú của Mật giáo) tới trình độ giao tiếp được với quỷ thần. Sư Đại Điên đã thua Từ Đạo Hạnh phép thuật cao siêu hơn. Sau khi trả sạch thù cha, Từ Đạo Hạnh mới toàn tâm toàn ý tu hành theo Phật giáo. Trong khi đó, để phục thù, Đại Điên thấy chỉ còn cách trở thành vua mới có thể tiêu diệt được Từ Đạo Hạnh. Ông tìm cách thác sinh vào hoàng cung làm con vua Lý Nhân Tông. Âm mưu này đã bị Từ Đạo Hạnh triệt phá. Thay vào đó, chính Từ Đạo Hạnh, được sự đồng thuận của cả Lý Nhân Tông và Sùng Hiền hầu đã thác sinh vào nhà Sùng Hiền hầu, trở thành hoàng tử Dương Hoán và sau đó được Lý Nhân Tông cho kế thừa ngôi báu, trở thành vua Lý Thần Tông. Do duyên nợ với Minh Không và Không Lộ, Lý Thần Tông (được coi là hậu thân của Từ Đạo Hạnh) đã được hai vị sư này chữa khỏi căn bệnh hoá hổ kỳ lạ. Sau này, Từ Đạo Hạnh được nhân dân phong là thánh và cùng được thờ song song với Lý Thần Tông tại chùa Thầy ở núi Phật tích, Sài Sơn và ở chùa Láng, Hà Nội.

Điểm lại những tình tiết nổi bật xung quanh truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh như trên, chúng ta thấy, đằng sau việc ân oán giữa nhà sư Mật giáo Đại Điên với Từ Đạo Hạnh và ơn nghĩa giữa Từ Đạo Hạnh với hai nhà sư phái thiền Vô Ngôn là Minh Không và Không Lộ là những thông điệp ngầm về tình hình Phật giáo thời Lý Nhân Tông và tính chất mối quan hệ giữa Phật giáo và triều đình được truyền tải.

 Thứ nhất, đã có một cuộc cạnh tranh khá quyết liệt giữa Mật giáo và phái Thiền Tì ni đa lưu chi trong việc xác lập vị trí và ảnh hưởng của hệ phái đối với triều đình nhà Lý. Mặc dù được Lý Nhân Tông ưu ái, nhưng với chủ trương tam giáo đồng nguyên khá rõ ràng của nhà vua, phái Tì ni đa lưu chi đã phải tăng cường sức thuyết phục của mình bằng các phương pháp tu tập theo Mật giáo, đặc biệt là phép niệm chú Đà la ni. Bóc tách lớp sương huyền ảo về pháp thuật cao cường của Từ Đạo Hạnh, chúng ta thấy, ông là người đã thành công trong việc tăng cường sức chinh phục của Phật giáo bằng việc tu tập kết hợp cả hai phương pháp Thiền và Mật (kết hợp thiền định với niệm chú). Với thắng lợi của Từ Đạo Hạnh trong việc trả thù cho cha, chúng ta có thể diễn giải được ưu thế của phái Thiền Tì ni đa lưu chi (khi đi theo hướng kết hợp Thiền và Mật, đáp ứng sở thích của nhà vua) đối với vua Lý Nhân Tông trong tương quan với các dòng phái khác.

Thứ hai, mối quan hệ giữa Từ Đạo Hạnh với Lý Thần Tông, về phương diện truyền thuyết và tôn giáo là quan hệ giữa tiền thân và hậu thân, đã được dân chúng đồng lòng thừa nhận trên phương diện xã hội. Dân chúng tôn thờ cả hai ngài tại chùa Láng, nơi quê hương Từ Đạo Hạnh và chùa Thầy, nơi ông tu hành và hoá. Điều này chứng tỏ mối quan hệ hết sức chặt chẽ trên phương diện chính trị - tôn giáo - xã hội giữa phái Thiền Tì ni đa lưu chi và triều đình nhà Lý ở thời Lý Nhân Tông. Có lẽ, Phật giáo đã có ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí có tính quyết định tới vấn đề kế truyền ngôi báu của họ Lý. Sự kiện Lý Nhân Tông lựa chọn người nối ngôi là có thật. Sự kiện vua Lý không có con phải chọn người trong hoàng tộc mà không lựa chọn người tài ngoài dân gian là có thật. Sự kiện vua Lý Nhân Tông thường tham vấn Từ Đạo Hạnh và một số vị cao tăng khác trong những vấn đề triều chính trọng đại là có thật. Liên kết các sự kiện đó, chúng ta thấy vai trò hết sức quan trọng của Từ Đạo Hạnh trong việc giúp vua lựa chọn người thừa kế ngai vàng, đảm bảo cho dòng họ Lý được trường tồn thêm gần 100 năm nữa. Có thể nói, thời Lý Nhân Tông, Phật giáo đã củng cố được mối quan hệ hết sức mật thiết với triều Lý. Sau thế hệ thứ 12 của Từ Đạo Hạnh, thế hệ thứ 13, 14 của Thiền phái Tì ni đa lưu chi liên tục có các vị Tăng thống, Quốc sư như Huệ Sinh, Khánh Hỷ tiếp tục xu hướng củng cố mối quan hệ này.

Thứ ba, mặc dù không cạnh tranh gay gắt với Thiền phái Tì ni đa lưu chi nhưng có lẽ dưới thời Lý Nhân Tông, Thiền phái Vô Ngôn không có xu hướng duy trì và củng cố mối quan hệ chặt chẽ về mặt chính trị đã có với triều đình từ thời Quốc sư Khuông Việt. Càng về sau, phái Thiền Vô Ngôn Thông càng có xu hướng củng cố quan hệ với triều đình về mặt đạo pháp, tư tưởng hơn là về ảnh hưởng chính trị. Thiền uyển tập anh cho chúng ta thấy vua Trần Nhân Tông và Nguyên phi Ỷ Lan thường xuyên tham vấn các nhà sư thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông về các vấn đề  tư tưởng, học thuật Phật giáo như: phân biệt Phật và Tổ, lịch sử truyền thừa Phật giáo, tôn chỉ của Thiền  tông,… Kết hợp giữa các sự kiện lịch sử, ghi chép của Thiền uyển tập anh và truyền thuyết, chúng ta thấy có sự phân chia phạm vi một cách tương đối rõ ràng về ảnh hưởng của hai phái Thiền đối với triều đình thời Lý Nhân Tông. Phái Tì ni đa lưu chi thiên về ảnh hưởng chính trị, xã hội, còn phái Vô Ngôn Thông thiên về ảnh hưởng học thuật, tư tưởng. Và cũng do chiều hướng ảnh hưởng như vậy mà vào giai đoạn này, phái Tì ni đa lưu chi có tính chất nhập thế hơn phái Vô Ngôn Thông, hay nói cách khác, với ảnh hưởng của Từ Đạo Hạnh, phái Thiền tì ni đa lưu chi thời kỳ này có tính chất thế tục hơn phái Thiền Vô Ngôn Thông.

Tóm lại, với việc giải huyền thoại về Từ Đạo Hạnh, qua chiều dài thời gian lịch sử, chúng ta có thể thấy rõ hơn được một số nét về tình hình Phật giáo dưới thời vua Lý Nhân Tông như trên đã trình bày. Qua đó, chúng ta cũng có thể đoán định về vai trò hết sức quan trọng của Đức thánh Láng đối với việc phát triển Thiền phái Tì ni đa lưu chi theo hướng củng cố sự kết hợp Thiền - Mật trong tu tập, đối với việc củng cố quan hệ giữa Thiền phái và triều đình trên phương diện thế tục, chính trị. Nhờ đó, xét về tổng thể, Từ Đạo Hạnh đã góp phần vào việc củng cố vị trí độc tôn của Phật giáo trong đời sống xã hội thời Lý, ngay cả trong giai đoạn Lý Nhân Tông có tinh thần cổ vũ cả tam giáo cùng phát triển.

 

SÁCH THAM KHẢO:

1. Đại Việt sử ký toàn thư.Tập 1. Nxb Văn hóa - Thông tin. Hà Nội- 2000

2. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội. 1988

3. Thiền uyển tập anh. Nxb. Văn học. Hà Nội, 1993.

4. Thơ văn đời Lý. Nxb. Văn hoá Thông tin. Hà Nội, 1998.

 


* Phó viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội,Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

[1] Nhà sử học Ngô Sĩ Liên với con mắt Nho gia đã nhận xét Lý Nhân Tông là người “mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt". Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 1. Nxb Văn hóa - Thông tin. Hà Nội. 2000. Tr. 424.

[2] Thiền uyển tập anh. Nxb.Văn học, Hà Nội. Năm 1993, Tr. 201.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6116239