QUAN NIỆM CƯ NHO MỘ THÍCH Ở VÙNG ĐẤT MỚI
TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG*
Từ xưa, nền văn hóa của các nước ở vùng Á Đông đều xây dựng trên nền tảng tư tưởng Tam giáo đồng nguyên. Nhưng vì muốn xây dựng chế độ phong kiến vững vàng, các nước này đã chọn tư tưởng Nho giáo làm tư tưởng chủ đạo. Cũng vào thời đó, tức vào thời Lý - Trần, đặc biệt hơn là nước Đại Việt ta đã chọn Phật giáo làm cơ sở để xây dựng chế độ xã hội, và nước ta đã tiến bộ các mặt. Nhưng vận nước có lúc thịnh lúc suy. Vua Lê chỉ còn hư vị, quyền hạn bị chúa Trịnh lấn áp, lộng hành. Hai họ Trịnh-Nguyễn tuy là anh em nhưng cả hai đều lợi dụng đạo lý để tranh giành ảnh hưởng, đánh nhau. Trong xã hội luân thường đạo lý đảo lộn, như tên Trần Trang phản thầy phản chủ còn trâng tráo tuyên bố “sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân” (Hoàng Lê nhất thống chí).
Chúa Nguyễn Phúc Chu trị vì xứ Nam Hà từ 1691-1725 có thể gọi là giai đoạn thái bình thạnh trị. Phía Bắc chúa Nguyễn hòa hoãn với chúa Trịnh. Phía Nam giữ vững biên giới. Đặc biệt thủy quân chúa Nguyễn Phúc Chu đã đánh tan bọn cướp biển người Anh định chiếm Côn Đảo lâu dài. Đây là lần đầu tiên lực lượng quân sự của một nước Á Đông nhỏ bé đánh tan lực lượng Tây Âu có ý đồ xâm lược. Chúa Nguyễn Phú Chu đã sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Đồng Nai-Gia Định lập hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Sau đó Mạc Cửu (người Lôi Châu) đem bảy xã Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, Vũng Thơm, Cần Vọt, Lũng Kỳ thần phục. Chúa Nguyễn Phúc Chu thâu nhận và các chúa Nguyễn kế vị tiếp tục chiêu mộ lưu dân Bố Chính vào khai khẩn, lập dinh Long Hồ và dinh Trấn Định, tức vùng Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp ngày nay.
Theo tục lệ thời bấy giờ, hễ ở đâu có làng xã, có cư dân thì có đình, chùa, miễu… để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của những người ở vùng đất mới. Từ đó, các chúa Nguyễn đã phong tặng bách thần, tạo điều kiện để dân gian thờ phụng, đặc biệt là để duy trì lễ nhạc Nho giáo.
Vào năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn Thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên để xiển dương Nho giáo. Vào năm Canh Dần (1710), chúa Nguyễn Phúc Chu còn ban biển ngạch cho chùa Vạn An (cũng ở Trấn Biên), Thống suất Nguyễn Cửu Vân xây chùa Hộ Quốc và miếu Tam vị Long vương ở phía Bắc; Mạc Cửu xây chùa Tam Bảo và chùa Lũng Kỳ ở phía Nam. Các vị Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri (?-1786), Hòa thượng Thành Đẳng Minh Yêu (1686-1769), Hòa thượng Hoàng Long (?-1737), Ni cô Tống Thị... từ các nơi đến Trấn Biên, Phiên Trấn, Hà Tiên...x ây dựng chùa chiền hoằng dương Phật pháp. Nhưng vì đa số các vị cao tăng thời ấy đều là người Minh hương, khả năng ngôn ngữ để tiếp xúc với người Việt hạn chế, nên họ chỉ lẩn quẩn xung quanh các vùng phố thị và chỉ hoằng dương trong cộng đồng người Minh hương. May mắn, trong đám lưu dân từ vùng Bố Chính vào khai hoang lập ấp cũng có một số tu sĩ Phật giáo hoặc số tín đồ đạo Phật. Họ biết chữ, có khả năng đọc được một số kinh sách, có khả năng thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng như cầu siêu, cầu an... đôi khi làm thuốc chữa bệnh, cứu người... hành Bồ tát đạo với “tâm không bát nhã” nên cũng góp phần lớn trong việc phát triển đạo Phật ở đất phương Nam.
Những người dân từ vùng Bố Chính nghe theo lời chiêu mộ vào Nam khai hoang lập ấp đều là người bình dân, nghèo, thiếu đất canh tác. Họ cũng có thể là những người bị tù tội, tình nguyện gia nhập lực lượng đồn điền vào Nam lập ấp để được giảm xá. Trong giai đoạn đầu đất đai khai phá chỉ đóng thuế tượng trưng, chưa đo đạc cụ thể, chưa có địa bạ, đây là chủ trương mềm dẻo của chúa Nguyễn Phúc Chu và đã hấp dẫn, thu hút số người vào Nam khai hoang lập nghiệp càng nhiều.
Theo chủ trương “cư Nho mộ Thích” của chúa Nguyễn Phúc Chu, các vị Như lai sứ giả thời đó đã uyển chuyển sửa cách truyền bá giáo lý Phật giáo ở vùng biên cảnh. Đối với người bình dân, muốn trở thành Phật tử phải qua hai nghi thức:
Nghi thức thứ nhất là qui y tam bảo, nhằm xác tín mình là người tin vào tam bảo:
- Qui y Phật không đọa địa ngục.
- Qui y Pháp không đọa súc sanh
- Qui y Tăng không đọa ngạ quỉ.
Nghi thức thứ hai là thế độ (nghĩa đen là cạo tóc), tức thọ ngũ giới. Nghi thức thọ ngũ giới chỉ có ở những Phật tử đã thọ tam qui nhưng đã thuần thành. Song theo chủ trương “cư Nho mộ Thích” thời đó kết hợp ngũ giới và ngũ thường.
Điệp Thế độ có lời căn dặn:
“Người trọng Tam giới đều dựa vào ngũ thường. Nhưng ngũ thường vốn không được đầy đủ, nên người đã qui y tam bảo phải giữ thêm ngũ giới. Nếu không giữ được ngũ giới thì đường về cõi nhân thiên (sau này) bị bế tắc. Ngũ giới ấy là: Nhơn chẳng sát sanh, Nghĩa chẳng trộm cắp, Lễ chẳng tà dâm, Tín chẳng nói dối, Trí chẳng uống rượu.
Do đó khi giữ được ngũ thường thì chẳng đọa tam đồ như khi giữ ngũ giới.
(Nhơn cư Tam giới toàn lại ngũ thường. Ngũ thường bất bị bất túc, vi nhân ký qui Tam bảo đương tận Ngũ giới, Ngũ giới bất trì Nhân thiên lộ triệt. Ngũ giới giả sở vị: Nhân bất sát sinh, Nghĩa bất du đạo, Lễ bất tà dâm, Tín bất vọng ngữ, Trí bất ẩm tửu)
Dẫn tận Ngũ thường chi giới bất đọa tam đồ)
Trong bài văn khắc trên thân chuông Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu có đoạn viết:
Sống theo đạo Nho, chuộng theo đạo Phật, vì chính trị không thể chẳng làm nhân;
Tin đạo kính thầy, lấy nhân quả mà nghĩ điều gieo phước;
Nhờ vậy biên giới được thanh bình, thân tâm yên ổn”
Như vậy, tư tưởng “cư Nho mộ Thích” của chúa Nguyễn Phúc Chu là muốn xây dựng cõi Nhân thiên tại thế, tức xây dựng vùng lãnh thổ của ngài cai trị được phú cường, nhân dân hạnh phúc theo tinh thần Nho giáo và Phật giáo. Nhưng nếu so sánh thì ngũ thường bị ràng buộc trong khuôn mẫu nhất định, còn ngũ giới thì đầy đủ nhân tính hơn. Hiện nay, khuôn mẫu Nho giáo có những điểm không hợp thời. Nhưng vào thời buổi con người tôn sùng văn hóa vật chất như hiện nay thì những chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của Ngũ thường theo quan niệm “cư Nho mộ Thích” vẫn còn giá trị.
Ý kiến cuối cùng: Chúa Nguyễn Phúc Chu là một minh quân có công lớn với vùng đất Nam Hà. Đề nghị cho đặt tên đường, tên trường học hoặc các công trình văn hóa ở những nơi có dấu tích của ngài như Thừa Thiên, Biên Hòa, Bà Rịa, Sài Gòn, Hà Tiên...
Bình luận bài viết