QUAN NIỆM THIỀN VỚI VĂN HÓA
CỦA DAISETSU TEITARO SUZUKI
THÍCH VẠN NGỘ
Thiền là một trong những pháp môn đặc thù của Phật giáo, nó cho phép mọi người tự mình trải nghiệm lấy các giá trị chân thật nơi hạnh phúc ở tâm hồn. Để chứng minh cho pháp môn này, luôn phù hợp với thực tế trong cuộc sống. Chúng ta cùng tìm hiểu, “tư tưởng Thiền của D. T. Suzuki” có sức ảnh hưởng như thế nào, đối với tất cả mọi người hôm nay.
Tư tưởng Thiền của D. T. Suziki, được cho là khởi nguồn từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng, khi ngài từ Ấn Độ đến Trung Hoa để truyền Thiền. Trong lịch sử có chép rằng: “Ngài cập bến Nam Hải vào đời nhà Lương, niên hiệu Phổ Thông (520)”1. Mặc dù vậy, nhưng hầu hết các vị thiền sư ở thế hệ sau này, đều rất ngạc nhiên vì không hiểu tại sao Tổ Bồ Đề Đạt Ma lại từ Ấn Độ đến Trung Hoa mang theo ý chỉ gì? Câu hỏi này đã trở thành một đề tài quan trọng, đối với những người đang trải nghiệm trong pháp môn Thiền. Vì vậy, nó thường được các vị thiền sư lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong chốn Thiền gia. Ở một khía cạnh khác, cũng câu hỏi đó, nhưng lại hoàn toàn không dính dáng gì đến mục đích của Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa. Hay nói một cách khác, là vai trò của Tổ Bồ Đề Đạt Ma với Phật giáo Trung Hoa như thế nào? Tuy nhiên, trong phương pháp Thiền, Tổ Bồ Đề Đạt Ma chưa từng nói rõ điều này với bất cứ người nào. Bởi vì, đó là pháp môn “tâm truyền”2 của Phật giáo Ấn Độ. Cho nên, trước Tổ Bồ Đề Đạt Ma mặc dù có rất nhiều thiền sư và các học giả đến Trung Hoa để truyền đạo, tuy họ rất uyên bác về Phật học, nhưng vẫn chưa làm nổi bật được cốt tủy của pháp môn Thiền. Bên cạnh đó, các vị thiền sư này còn phiên dịch được rất nhiều kinh điển của Phật giáo sang tiếng Hoa. Tuy nhiên, cũng có những vị thiền sư rất lão luyện trong Thiền định, có khả năng để thực hiện một số hành động rất diệu kỳ, khiến quy phục các loại quỷ thần ở xung quanh; và thường cư ngụ trên khắp xứ sở tại đất nước Trung Hoa ở thời kỳ quá khứ. Nếu như chúng ta không muốn phân biệt một cách rõ ràng về sự có mặt của Tổ Bồ Đề Đạt Ma với những người đến trước ngài, thì sự xuất hiện này của ngài ở tại Trung Hoa cũng không mang một ý nghĩa nào cả. Mà chỉ là một sự kiện mang tính “huyền thoại”3 trong chiều dài lịch sử của Phật giáo ở Trung Hoa.
Ở điểm này, chúng ta cần sự kiến giải của Thiền sư D. T. Suzuki trong bộ Thiền Luận mà ngài đã viết trước khi truyền Thiền qua phương Tây. Đối với Thiền sư Suzuki thì: “Bồ Đề Đạt Ma không hề nói rõ; ngài chỉ biến khỏi thế gian, trải qua chín năm dài theo như truyền thuyết, hoàn toàn lánh mình trên núi Tung Sơn trong cương thổ nhà Ngụy”4. Nhưng qua cách lý giải này của ngài, chắc chắn rằng Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến đất nước Trung Hoa, tất nhiên phải mang một chân lý hay thông điệp nào đó được truyền lại từ đức Phật hay các vị thiền sư tại Ấn Độ. Thông điệp ấy, phải là một thứ khác thường và độc nhất vô nhị đối với những gì mà người Phật tử ở Trung Hoa đã nhận thức ở trước đây.
Chúng ta cũng đều biết rằng, đâu phải trong Phật giáo, bất cứ những điều gì cũng có thể giải thích bằng ngôn ngữ và văn bản được hết, nhất là trong lĩnh vực Thiền học. Chúng ta không thể quá máy móc, trong một số nghi vấn không nhất thiết phải công khai, mà phải có khoảng thời gian để tự trải nghiệm với chính bản thân mình; lúc đó mình mới thấy rằng sự mầu nhiệm của Thiền không nằm ở ngôn ngữ và lý luận. Từ góc độ này tự khắc chúng ta sẽ rõ được, “Ý chỉ của Sơ tổ từ phương Tây đến là gì? Đương nhiên trở thành một trong những đề tài có ý nghĩa nhất mà các môn đệ Thiền phải thảo luận”5. Điều này cho thấy, không có một khoảng cách nào giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng và ngay cả Thiền sư D. T. Suzuki cũng như vậy không khác. Quả thật đúng như những gì mà: “Huyền Tổ ở Hạc Lâm, khoảng đầu thế kỷ thứ VIII, và câu hỏi của ông được trả lời rằng: “hiểu tức chẳng hiểu. Nghi tức chẳng nghi”, nhưng trong một thời gian khác, câu trả lời rằng: “Chẳng hiểu chẳng nghi, chẳng nghi chẳng hiểu”6. Đó mới chính là tư tưởng rốt ráo của Thiền tông Trung Hoa.
Chúng tôi cho rằng, tư tưởng Thiền tại Trung Hoa, dù ở giai đoạn huyền thoại (huyền bí), hoặc giai đoạn cổ điển (Ngữ lục), và giai đoạn văn học (Công án) đi chăng nữa, những đóng góp của pháp môn này đối với con đường giác ngộ từ đức Phật đến ngày hôm nay, vẫn không có gì là thay đổi. Nếu có thay đổi, cũng chỉ là sự thay đổi về mặt hình thức ở bên ngoài của phương pháp Thiền, sao cho phù hợp với văn hóa tín ngưỡng và nhận thức của mọi người ở hiện tại. Ngược lại, nội dung của phương pháp này, hoàn toàn không có gì để thay đổi nữa. Rất có thể, đây là cách giải thích khách quan của Thiền sư D. T. Suzuki đối với những ai còn thắc mắc về phương pháp truyền Thiền của ngài.
Chúng tôi khẳng định rằng, khi chúng ta nhắc đến nền văn hóa Nhật Bản, có nghĩa là mọi người đang đề cập đến sự có mặt của Thiền tông ở Nhật Bản. Bởi vì, Thiền tông ở Nhật Bản được xem như nét đặc trưng trong văn hóa của người Nhật nói riêng và văn hóa Phật giáo nói chung. Tuy nhiên, ngày nay trong các lễ hội của nền văn hóa người Nhật, có những lễ hội mang tính phồn thực và hiện đại hơn so với văn hóa truyền thống ở trước đây. Điều này, đã cho thấy sự tiếp biến và giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới, dựa trên tinh thần hợp tác và phát triển về mọi mặt với những quốc gia khác. Đặc biệt là sự kết hợp giữa nền văn hóa truyền thống với nền văn hóa hiện đại của phương Tây. Cộng thêm sự có mặt của Thiền sư D. T. Suzuki ở phương Tây, đã làm nổi bật những nét đặc trưng trong nền văn hóa của người Nhật Bản, và đồng thời cũng là cơ hội hiếm có để giới thiệu với tất cả mọi người ở phương Tây; về sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng Thiền trong văn hóa của người Nhật. Nếu như nền văn hóa của đất nước này, không có sự tiếp biến hay hòa quyện với nền văn hóa của Phật giáo (Thiền và văn hóa Nhật Bản), chắc có lẽ mọi người trên thế giới khi nhắc đến con người và đất nước Nhật Bản, cũng chỉ dừng lại ở mức độ một nền văn hóa truyền thống như những quốc gia khác khi chưa có Phật giáo du nhập vào. Chính vì tư tưởng Thiền của Phật giáo, đã làm thức tỉnh mọi giá trị nhận thức của người Nhật từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Khi họ thật sự muốn: “phá vỡ mọi dáng vẻ nhân tạo để nắm bắt những gì chân thực tàng ẩn bên trong”7. Cho nên, trong văn hóa Thiền và Trà đạo của người Nhật Bản cũng vậy, họ luôn lấy sự giản dị và trực giác của bản thân mỗi người, cộng thêm sự hiện hữu của mọi thứ ở xung quanh họ; cũng đủ để rạo ra một đề mục mới hoàn toàn không có sự sắp đặt trước, giúp cho mỗi người cùng nhau trải nghiệm trong một buổi uống trà mà không nhất thiết phải xuất hiện những lời nói. Thiền sư D. T. Suzuki đã nhìn thấy được sự kết hợp này, qua nghệ thuật uống trà của người Nhật Bản. Ngài viết rằng: “Thiền, hay nói rộng hơn, các hình thức tôn giáo, vứt bỏ tất cả những gì con người nghĩ là vật sở hữu của mình, ngay cả mạng sống, để đưa họ trở về trạng thái bản lai, cái mà người ta gọi là “bản trụ địa” (original abode), hay là “khuôn mặt thật lúc cha mẹ chưa sinh” (phụ mẫu vị sinh dĩ tiền bản lai diện mục)”8.
Mặc dù, trong thời quá khứ Phật giáo Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Phật giáo Trung Hoa, nhưng các vị thiền sư Nhật Bản ở trước đây như: Đạo Nguyên, Thân Lan, Nhật Liên… đã biến từ Phật giáo Trung Hoa trở thành Phật giáo Nhật Bản, nhờ sự kết hợp giữa Phật giáo với Thần đạo và Võ Sĩ đạo. Ngày nay chỉ trong một tác phẩm “Thiền và Văn hóa Nhật Bản” của Thiền sư D. T. Suzuki, cũng đủ để cho thấy sự cống hiến thầm lặng của một vị thiền sư có một không hai đối với Phật giáo Nhật Bản nói chung và Thiền tông của nước Nhật nói riêng, đều rất xứng đáng để mọi người nghiên cứu và làm theo tấm gương của ngài. Chúng ta có thể đem ra để so sánh, giữa những đóng góp của Thiền sư D. T. Suzuki Nhật Bản trong thời kỳ cận đại, đối với việc truyền bá Thiền tông sang phương Tây, và những đóng góp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308)9 trong thời kỳ trung đại; đối với việc khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam, là hoàn toàn rất xứng đáng. Trong khi đó, cả hai quốc gia này đều cùng có sự truyền thừa từ Thiền tông Trung Hoa. Nhưng ở mỗi góc độ tiếp nhận của các vị thiền sư, đã dung hợp được tư tưởng Thiền của Phật giáo với tư tưởng nhận thức của mọi người trong văn hóa tín ngưỡng dân gian ở tại đất nước mình. Do vậy, trong bài viết của HT. Thích Đức Nhuận với nhan đề “Phương pháp nhận thức của đạo Phật”, có đoạn ngài đã khẳng định rằng: “Đạo Phật là sự thể hiện của cuộc đời phồn tạp, khúc mắc, đa diện. Nên cũng có thể nói đạo Phật là đạo của “con người” - nhân đạo - với đầy những trái ngược phức tạp, nhưng vẫn chỉ là một “con người” sống thực với những nhu yếu phức tạp đó. Đạo Phật là tất cả”10. Cho nên chúng tôi cho rằng: “Thiền là tất cả và tất cả là Thiền”.
Có thể nói rằng, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Thiền của Thiền sư D. T. Suzuki ở Nhật Bản, không chỉ được đánh giá hay bàn luận dựa trên những bài viết và các cuốn sách nghiên cứu của nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới. Mà qua đó, chúng ta còn thấy rằng ngày nay ở xã hội phương Tây, đều có khuynh hướng nghiên cứu về Phật giáo, nhất là trong lĩnh vực Thiền học. Như vậy, cũng đủ để thấy rằng sức ảnh hưởng của pháp môn Thiền đối với nền văn hóa ở phương Tây vẫn còn thích ứng, mà trong đó sự khởi đầu của luồng tư tưởng này được cho là phát xuất từ thời kỳ của Thiền sư D. T. Suzuki; khi ngài giới thiệu một cách rộng rãi với mọi người về pháp môn Thiền của Phật giáo. Thiền sư D. T. Suzuki đã từng khẳng định rằng: “Thiền là sự kiện tâm thần cuối cùng diễn ra khi ý thức tôn giáo được nâng cao lên tột đỉnh. Dù việc đó diễn ra trong lòng người Phật tử, trong tín đồ Thiên Chúa, hay trong các triết gia, rốt cục nó vẫn là ngẫu nhiên đối với Thiền. Rõ ràng ở Viễn Đông, Thiền đã được trải nghiệm một cách sống động, đã khẳng định giá trị, được truyền bá và truyền thừa giữa các tín đồ, nhất là các tín đồ Đại thừa. Sự kiện này tuy thế không có nghĩa Thiền là của đạo Phật và chỉ duy đạo Phật mà thôi”. Chúng tôi tin rằng, những gì mà các học giả và triết gia ở phương Tây đã hết lòng cảm phục, đối với những công lao to lớn trong sự nghiệp truyền bá Thiền tông ở phương Tây; của Thiền sư D. T. Suzuki Nhật Bản là hoàn toàn sự thật và rất khách quan. Hơn thế nữa, đối với những gì mà Hiroshi Sakamoto (1960), một cựu vận động viên bơi lội người Nhật Bản đã ghi lại trong bài viết của mình, về một vị thiền sư nổi tiếng như D. T. Suzuki đã từng tuyên bố rằng: “Nếu như các Thiền viện của nó bị hủy, thiền tăng xóa, kinh điển văn hiến Thiền bị thủ tiêu, chắc chắn tông phái Thiền Phật giáo sẽ diệt vong. Ngay cả lúc đó, Thiền trong ý nghĩa tôi nói vẫn trường tồn. Phát biểu như vậy, tôi tin rằng sự khác nhau giữa Thiền và tông phái Thiền sẽ rõ ràng hơn”11. Những lời này mới nghe qua, nếu như ai đang bênh vực hay cổ vũ cho pháp môn này, chắc chắn rằng họ cảm thấy rất khó chịu, vì cách dùng từ quá táo bạo. Hay nói một cách khác, là hơi quá đáng và vượt qua cả sự hiểu biết của mọi người. Ý tưởng này của Thiền sư D. T. Suzuki, là muốn xóa bỏ mọi ranh giới giữa sự can thiệp của tri thức với khả năng chứng ngộ trong pháp môn Thiền. Do đó, không có bất cứ lý do nào để cho rằng, Thiền chỉ dành riêng cho Phật giáo. Đây chính là sự bình đẳng “vô phân biệt của Thiền tông” và cũng là của Phật giáo.
1. Daisetz Teitaro Suzuki (2015), Essays in Zen-Buddhism, 3 tập, Trúc Thiên - Tuệ Sĩ dịch, Thiền Luận, tập 2, Nxb: Hồng Đức, Hà Nội, tr. 233
2. Lấy tâm truyền tâm, không dựa trên ngôn ngữ và văn tự.
3. Thời kỳ Huyền thoại (The Legendary period): Từ khi Bồ-đề-đạt-ma truyền Thiền vào Trung Quốc cho đến cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn vào năm 765, các tài liệu về Thiền tông thời này khá hiếm hoi. Đây là thời kỳ diễn ra sự truyền pháp giữa 6 vị tổ sư Thiền tông, từ Bồ-đề-đạt-ma cho đến Huệ Năng. Và phân chia giữa Truyền thống Thiền Nam tông với đại diện là Lục tổ Huệ Năng và Thiền Bắc tông với đại diện là Ngọc Tuyền Thần Tú. (ý này chúng tôi tìm thấy ở trang <https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_tông>).
4. Daisetz Teitaro Suzuki (2015), Essays in Zen-Buddhism, 3 tập, Trúc Thiên - Tuệ Sĩ dịch, Thiền Luận, tập 2, Nxb: Hồng Đức, Hà Nội, tr. 233.
5. Daisetz Teitaro Suzuki (2015), Essays in Zen-Buddhism, 3 tập, Trúc Thiên - Tuệ Sĩ dịch, Thiền Luận, tập 2, Nxb: Hồng Đức, Hà Nội, tr. 234.
6. Daisetz Teitaro Suzuki (2015), Essays in Zen-Buddhism, 3 tập, Trúc Thiên - Tuệ Sĩ dịch, Thiền Luận, tập 2, Nxb: Hồng Đức, Hà Nội, tr. 234.
7. Nguyễn Nam Trân, dịch và chú thích (2019), Thiền và Văn hóa Nhật Bản Suzuki T. Daisetsu, Nxb: Hồng Đức, tr. 36.
8. Nguyễn Nam Trân, dịch và chú thích (2019), Thiền và Văn hóa Nhật Bản Suzuki T. Daisetsu, Nxb: Hồng Đức, tr. 297.
9. Tham khảo trang < https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Nhân_Tông>. Ngày 23/04/2021.
10. HT. Thích Đức Nhuận viết, (1965), Phương pháp nhận thức của đạo Phật, Nxb: Tạp Chí Vạn Hạnh, số 1, 95B Gia Long Sài Gòn, tr. 11
11. Các vấn đề của Thiền 禪の諸問題 (Tokyo, 1941), tr. 7-8.
Bình luận bài viết