Thông tin

QUẦN THỂ LĂNG PHÁT TÍCH VUA,

CHÙA KỲ LÂN Ở GIA VIỄN, NINH BÌNH

 

ĐINH VĂN VIỄN*

 


Chùa Kỳ Lân mới

 

1. Giới thiệu

Chùa Kỳ Lân là ngôi cổ tích nằm trên núi Kỳ Lân, ở thôn Hoài Lai, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngôi chùa mang nhiều dấu ấn của Đệ nhất Pháp chủ GHPG Việt Nam Thích Đức Nhuận. Bài viết xin giới thiệu về quần thể chùa Kỳ Lân, Lăng phát tích vua Đinh và những dấu ấn của Đệ nhất Pháp chủ GHPG Việt Nam tại ngôi cổ tự này.

2. Nội dung

2.1. Lăng phát tích vua Đinh

Thời xưa, dân gian thường có nhiều cách giải thích về nguồn gốc dẫn đến sự xuất hiện những kì tài, vĩ nhân, trong đó họ cho rằng sự xuất hiện vĩ nhân thường gắn với yếu tố phong thủy, mộ mả của dòng họ, cha ông. Trường hợp Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Tiên Hoàng cũng vậy. Dân gian cho rằng việc Đinh Bộ Lĩnh thành tài, thống nhất được giang sơn là nhờ ngôi mộ của ông bà nội được chôn ở nơi có phong thủy đẹp. Địa điểm của ngôi mộ đó hiện nay đã được quy hoạch, xây dựng, gọi là Lăng phát tích nhà Đinh.

Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng và ngôi chùa Kỳ Lân linh thiêng bên cạnh nằm trên núi Đại Nham. Trên núi có một động, trong động có hai nhũ đá giống hình con kỳ lân nên người dân còn gọi núi này là núi Kỳ Lân. Hiện nay, núi Kỳ Lân thuộc thôn Hoài Lai, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Tương truyền, ông Đinh Công Trứ, thân phụ của Đinh Tiên Hoàng thấy địa thế phong thủy nơi đây đẹp. Quả núi có hình dáng một con Kỳ Lân khổng lồ, đầu quay về hướng Đông, vươn lên cao giữa vùng bình địa mênh mông. Đứng ở phía Đông Nam nhìn Lăng như ngồi giữa ngai vàng… Lăng được đặt vào huyệt đất cực kỳ quý: Huyền Vũ có núi Đỗ Thích, Bạch Hổ có núi Long, núi Hổ (Long chầu, Hổ phục) quay đầu vào Lăng, Thanh Long có dãy đồi Độc Lập như một bầy voi quy phục chầu về, Chu Tước có núi Ngũ Nhạc (5 quả núi nhỏ), sông Đại Hoàng uốn lượn như rồng sống động đầy khí lực chạy sát chân núi Kỳ Lân, mang địa khí bồi bổ cho Long huyệt. Người xưa cho rằng đó là nơi có huyệt đẹp, tàng phong tụ khí, chôn cất hài cốt cha mẹ vào đó thì con cháu có thể phát bậc đế vương.

Vì vậy, ông Đinh Công Trứ đã chọn huyệt và mang hài cốt của cha mẹ mình an táng vào đó.

Nhưng theo một số nhà phong thủy, thì địa thế ở đây cũng có khiếm khuyết: Tuy địa thế thì có đẹp nhưng chân núi dốc quá, vì vậy nước chảy bào mòn nhiều, nên có câu:

Hiểm sơn phản bối

Hữu thủy vô chung

Hiểm sơn chiết cước

Bán thế nhi vong

(Dịch: Núi thì hiểm (nhưng) phía sau có phản lại (vì phía sau lưng núi có một núi nhỏ ở phía Tây Bắc lại ngoảnh đi hướng khác, không quay về chầu), có mở đầu song không có kết thúc. Núi thì hiểm song chân núi lại bào mòn, nửa đời thì mất).

Các nhà địa lý giải thích rằng vì huyệt mộ phát tích vua Đinh được chôn vào nơi như thế cho nên nhà Đinh tồn tại không dài.

Đến nay, vẫn chưa tìm được tư liệu về việc lăng được xây dựng lần đầu từ bao giờ thời gian làm lăng bị hủy hoại nặng nề. Năm 2009, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng lại Lăng. Nhiều năm sau đó, con cháu họ Đinh trên toàn quốc đã cúng tiến, tiếp tục xây dựng các hạng mục khác làm cho quần thể Lăng phát tích nhà Đinh trở nên khang trang hơn.

Trước mặt Lăng là hồ Đại Hoàng được ví như nơi tụ thủy cho huyệt mộ. Hiện nay, hồ đã được cải tạo, xung quang làm đường đi, bờ hồ được xây hệ thống cột, lan can đá vững chắc. Giữa hồ có ngọn núi, cao chừng 15 mét, chân núi có tượng, bàn thờ Phật bà Quán Thế Âm là vị Bồ tát quán sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để kịp thời cứu giúp họ thoát khổ.

Lăng phát tích được xây trên lưng chừng núi Kỳ Lân, cao khoảng 20m so với cánh đồng dưới chân núi, đường lên Lăng phát tích được thiết kế với khoảng 50 bậc đá, chia làm 5 nhịp đều nhau. Phía trước Lăng, dưới chân núi có sập đá để thờ bằng đá nguyên khối chạm khắc nổi hình rồng mây, phía sau là đôi trụ cột đèn và nhang án bằng đá xanh nguyên khối cũng chạm khắc nổi hình rồng mây, hoa sen.

Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng hai tầng tám mái, mỗi đầu mái được đắp nổi hình rồng, lợp bằng ngói vảy. Bên trong lăng có sập đá được chạm khắc nổi hình rồng, phượng, hoa sen để đặt đồ lễ thờ. Bên trên sập đá còn có đôi lộc bình đặt trên đế bằng đá. Sau sập đá là nhang án bằng đá chạm khắc cầu kỳ, sau đó là tấm bia lớn cao khoảng 2m, phía trên bia chạm đôi rồng chầu nguyệt, ở giữa bia khắc chữ Hán và chữ Việt “Lăng phát tích vua Đinh TiênHoàng đế”. Bên dưới chân bia đặt chóe đựng rượu và nước để thờ.

Lăng được xây dựng 3 gian, 4 hàng cột, hàng cột phía trước có treo đôi câu đối:

Thủy cao sinh dưỡng vạn phúc lai

Sơn cao đức đại linh song mộ

Hàng cột phía sau có câu đối:

Phụng sự dòng tộc

Hưng thịnh quốc gia.

Quần thể Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng là một trong những di tích lịch sử gắn liền với truyền thuyết vua Đinh Tiên Hoàng. Không rõ sự linh thiêng, ứng nghiệm, thực hư của việc đặt mộ để kết phát nhà Đinh thế nào. Nhưng vào năm 2009, khi tiến hành xây dựng lại Lăng, công nhân đã phát hiện được hai chiếc chum sành khi tiến hành đào móng. Và người dân tin đó là hai chiếc chum mà ông Đinh Công Trứ đã chôn hài cốt của ông bà nội vua Đinh xưa kia. Điều này, rất khó kiểm chứng. Nhưng với những công lao mà Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Tiên Hoàng đóng góp cho dân tộc, quốc gia thì việc ông được tôn lên làm vua cũng là điều dễ hiểu. Và Lăng phát tích này xứng đáng là bảo địa trong lòng dân.

2.2. Chùa Kỳ Lân

Bên cạnh Lăng phát tích vua Đinh, về phía Đông Bắc núi Kỳ Lân có động, chùa Kỳ Lân.

Động Kỳ Lân còn được nhân dân địa phương gọi là động Đại Hữu, nằm ở lưng chừng núi Kỳ Lân, có chiều dài gần 100 mét, rộng 40 mét, lối lên động ở phía Đông Nam núi. Phía Tây Bắc cũng có cửa động, nhưng không có lối lên xuống. Động dài 100m, có chỗ cao 30m, rộng 40m, là động thông xuyên qua núi. Trong động có nhiều nhũ đá đẹp, có lối lên đỉnh núi mà dân gian gọi đó là đường lên “Thiên giới”, lại có lối xuống mãi dưới đáy mà dân gian gọi là đường xuống "Âm phủ".

Trong động Kỳ Lân có chùa Kỳ Lân (còn gọi là chùa Hang). Muốn lên thăm chùa phải leo 109 bậc. Đây là chùa Kỳ Lân cổ, được xây dựng từ lâu đời. Người ta tận dụng hang lớn, cải tạo làm chùa thờ Phật. Ngôi chùa được nhân dân trùng tu tôn tạo nhiều lần. Hiện nay. trong chùa còn hai tấm bia đá được dựng vào niên hiệu triều Mạc (1527-1582) (một tấm bia tạo năm Nhâm Tuất niên hiệu Thuần Phúc 1 (1562), một tấm bia tạo năm Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 4 (1565)).

 

 

Theo văn bia dựng năm Thuần Phúc sơ niên (1562), thời vua Mạc Mậu Hợp cho biết: “Vốn ngôi chùa Hang ở thôn Vân Hà” “trên núi Đại Hữu”, “là chốn danh lam có từ cổ xưa. Gần đây dânthôn đứng ra lo liệu tu sửa lại”. Năm Đinh Tỵ (1557), đã cho tô lại các tòa tượng Phật, nay lại cho lợp ngói ngôi chùa, để lưu lại cho muôn đời sau. Năm 1562, ông Phụ Quốc Thượng tướng quân phát tâm hưng công trùng tu, tôn tạo, đắp tượng thờ Phật. “Quy môtráng lệ, chế độ mới tươi, hơn hẳn khi trước vậy. Ngày 12 tháng 3 mở hội chùa tụng kinh Phạn trước là chúc Thánh thượng hoàng đế muôn tuổi, sau là mong thần dân phú, thọ, khang, ninh… Công đức to lớn nhường bao, muốn khắc lên bia đá. Chùa ta được gọi là Kỳ Lân do hình thế của chùa mà có. Người có công được vinh thân, còn gia đình thì con cháu truyền nối. Quốc tộ dài lâu. Công đức ấy thật khó luận bàn1.

Chùa Kỳ Lân cổ là danh lam linh thiêng của đất Ninh Bình. Đến với chùa là đến với không gian giao hòa giữa trời và đất, giữa Thiên giới và Âm phủ, đến với chốn Bồng Lai, miền tịnh cảnh cõi Phật, cõi Tiên. Đúng như bài thơ (hiện treo ở cửa chùa) được viết vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ca ngợi cảnh chùa:

Kỳ Lân tiên cảnh chính là đây

Phật tích tăng quy ở chốn này

Tả có chùa tiên trong động đá

Hữu kìa Lăng tổ giữa rừng cây,

Trước cửa từ bi rừng với núi

Trên tòa cực lạc gió cùng mây

Khen cho tạo hóa dày công đắp

Ví cảnh Bồng Lai cũng thế này.

Vào năm Canh Ngọ (1930), triều Bảo Đại năm thứ 5, Hòa thượng Thích Thanh Nghĩa (Tổ đệ tứ chùa Đồng Đắc) đã khôi phục và trùng tu lại ngôi chùa Kỳ Lân.

Đến năm 1940, Hòa thượng Thích Đức Nhuận kế tiếp ngôi vị trụ trì chùa Kỳ Lân. Hòa thượng Thích Đức Nhuận, pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp danh Đức Huy, thế danh Phạm Đức Hạp, sinh năm Đinh Dậu (1897), tại thôn Quần Phương, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Nam Định). Năm 1912 (Nhâm Tý), ngài xin phép song thân xuất gia đầu Phật. Ban đầu, ngài cầu pháp với sư Tổ Thích Thanh Nghĩa (thuộc dòng Tào Động, chùa Quảng Bá, Hà Nội), trụ trì chùa Đồng Đắc, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Sau khi thế phát quy y, ngài được nghiệp sư gửi đến chùa Thanh Nộn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, học đạo với sư Tổ Thích Thanh Ninh. Năm 20 tuổi (1917), ngài được Tôn sư cho thụ giới Cụ túc tại chùa Phúc Nhạc (Già Lê tự), xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 42 tuổi, ngài đã phát tâm thụ giới Bồ tát, do sư Tổ Thích Doãn Hài, viện chủ chùa Bảo Khám - Tế Xuyên xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chứng đàn.

Ngay khi đảm nhận ngôi vị trụ trì chùa Kỳ Lân, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã rất quan tâm đến việc tôn tạo lại ngôi chùa và đặc biệt là việc đào tạo tăng tài, tổ chức Giáo hội. Ngài đã thành lập 2 trường Phật học: Một ở chùa Đồng Đắc (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) và một ở chùa Kỳ Lân (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn). Trường Phật học do Ngài mở, giảng dạy tại chùa Kỳ Lân đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Ninh Bình.

Tuy nhiên, vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, với khẩu hiệu “Tất cả cho kháng chiến” các Phật học đường do Thượng tọa Thích Đức Nhuận mở ở chùa Đồng Đắc, huyện Kim Sơn và ở chùa Kỳ Lân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đều ngưng hoạt động. Thượng tọạ đi tới các chùa vùng Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam vận động Tăng ni Phật tử ủng hộ và tham gia kháng chiến2.

Kế đăng ngài là Hòa thượng Thích Trí Dũng - sư đệ của Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Sau Cách mạng tháng Tám và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Kỳ Lân nhiều lần bị giặc Pháp tàn phá, không còn đảm bảo cho việc tu hành và hoằng pháp của chư Tăng, Hòa thượng Thích Trí Dũng đã vào Sài Gòn và khai sáng ra ngôi chùa Nam Thiên Nhất Trụ tại quận Thủ Đức.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị Pháp đốt và đã được nhân dân xây dựng lại, đến thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, hang Kỳ Lân đã được Nhà nước sử dụng làm Đài Phát tín 2 (phát thanh sang Lào và Campuchia), năm 1972, khi bị Mỹ đánh bom Đài Tiếng nói Việt Nam mất sóng 9 phút, thì được tiếp sóng của Đài Phát tín từ chùa Hang. Đây là nơi ghi dấu lịch sử đặc sắc của nhân dân Gia Phương nói riêng và của huyện Gia Viễn nói chung.

Phía dưới chân núi Kỳ Lân, bên cạnh khu Lăng phát tích vua Đinh là chùa Kỳ Lân mới. Chùa được xây dựng từ lâu và qua nhiều lần trùng tu, năm 2022, hoàn thiện khang trang. Chùa được xây dựng với kiến trúc 2 tầng, tám mái, lợp ngói vảy. Phía ngoài hiên có treo quả chuông bằng đồng được trang trí bằng các họa tiết rồng, mây, phượng… có tượng đức Phật đang ngồi thiền, tay phải cầm bông hoa sen, tay trái đặt viên ngọc, bên tay phải từ ngoài vào có ban thờ tượng Phật bà Quan Âm tay cầm cành liễu, bên tay trái có ban thờ tượng Địa Tạng Vương Bồ tát.

 


 

Chùa Kỳ Lân hiện nay do Đại đức Thích Minh Phúc trụ trì. Đại đức đã có nhiều cống hiến trong việc trùng tu, tôn tạo, xây mới chùa, liên tục tổ chức lớp học giáo lý cho các Phật tử vào mỗi dịp cuối tuần.

Hiện nay, chùa Kỳ Lân là nơi đặt trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

 


* Đại học Hoa Lư

1. Ký hiệu No.16926 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Được in trong: Viện Nghiên cứu Hán Nôm -Bảo tàng Hải Phòng (2010), PGS.TS. Đinh Khắc Thuân sưu tập, khảo cứu, dịch chú, Văn bia thời Mạc, Nxb. Hải Phòng.

2. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Cuộc đời và sự nghiệp (1897-1993), Nxb. Khoa học xã hội, 2013.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 217
    • Số lượt truy cập : 6296765