Thông tin

QUI HOẠCH VÀ KIẾN TRÚC CHÙA ĐẠI TUỆ

HUYỆN NAM ĐÀN, TỈNH NGHỆ AN

 

GS.TS.KTS. PHẠM ĐÌNH VIỆT
ThS.KTS. NGUYỄN MINH QUANG

 

1.  Tâm linh, tín ngưỡng

Từ xã hội nguyên thuỷ con người đã tin có các vị thần như thần mặt trời, thần mưa, thần mùa màng... luôn trợ giúp, nên họ tôn kính các vị thần bằng cách xây dựng các đền thờ. Người Việt chúng ta cũng có thờ thần núi, thần sông... và luôn thờ tổ tiên, thờ những vị anh hùng đã có công dựng nước hay cứu nước. Đó là tâm linh.

Từ tâm linh tạo cho con người đức tin và dần hình thành các tín ngưỡng khác nhau, trong đó có Phật giáo và ngay trong Phật giáo cũng dần có các dòng khác nhau. Sự hình thành các dòng khác nhau có nhiều sự lý giải (câu truyện này thuộc về các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng), ở đây trên góc độ của người làm kiến trúc nhìn nhận sự khác biệt dưới góc độ văn hoá, thì thấy lối sống, các tập tục đã có tác động nhất định, làm cho Phật giáo cũng có thay đổi để hoà nhập vào cuộc sống, và làm con người ở các vùng miền khác nhau dễ dàng chấp nhận trong trong đời sống tinh thần.

Trong cuộc sống hiện đại khi nhịp độ sống cao, con người chịu nhiều áp lực thì việc tìm đến một chốn yên bình, một nơi có thể giúp họ cân bằng lại trạng thái tinh thần là cần thiết. Đó có thể là một ngôi chùa ẩn mình trong tán cây nghe tiếng gió reo trên những hàng thông. Vậy có thể nói ngôi chùa ngày nay ngoài chức năng về tâm linh, tín ngưỡng nó còn có rất nhiều chức năng khác, như tham quan, du lịch...

Điều nay nói lên qua không gian, qua thời gian, tâm linh và tín ngưỡng luôn song hành trong cuộc sống của con người và nó cũng có biến đổi theo thời đại. Chúng ta hiện nay phân tích và nhìn nhận vấn đề tâm linh theo khía cạnh văn hoá vì “ văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội" (Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành trung ương khóa VIII ). Những đặc tính văn hoá này được biểu hiện ở những giá trị của những công trình mang tính tâm linh và tín ngưỡng.

2. Nơi thực hiện hoạt động tâm linh và tín ngưỡng.

Đó là những công trình như đình, đền, miếu, chùa, nhà thờ... Những công trình này được xây lên thường nhờ vào công sức tiền bạc của cộng đồng đóng góp bằng cả sự thành kính và từ tâm. Khi xây dựng, cộng đồng đã gửi hết tấm lòng của họ vào đó, nên rất nhiều công trình ngày nay trở trở thành các di sản văn hoá của loài người. Ở Việt nam chúng ta cũng vậy, thí dụ đình Đình Bảng, chùa Tây Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, thánh địa Mỹ Sơn,...

Kính thưa các quý vị, vì thời gian có hạn nên trong khuôn khổ bài tham luận này tôi chỉ đề cập tới việc xây dựng các ngôi chùa.

Từ xa xưa việc xây dựng các ngôi chùa ở Việt Nam chúng ta đã được các vị chủ trì lựa chọn địa điểm và cách bố trí mặt bằng rât kỹ càng.

Về vị trí bao giờ cũng ở nơi thoáng đãng, yên tĩnh, khung cảnh trời đất dung hoà. Hướng của chùa phụ thuộc theo thế đất, nên trong thực tế ta thấy các ngôi chùa có hướng khác nhau.

Về bố cục mặt bằng nếu chùa nhỏ thường bố cục theo kiểu chữ nhất, chữ đinh. Chùa lớn hơn có kiểu chữ nhị, chữ tam hay nội công ngoại quốc, ngoài phần chính (tam bảo) thường có tả vu, hữu vu.

Qua cách chọn địa điểm xây dựng, bố cục mặt bằng và lựa chọn vật liệu xây dựng chùa ta thấy một số điểm nổi bật trong kiến trúc chùa ngày xưa:

- Chú trọng đến sự hoà hợp với thiên nhiên.

- Quy mô vừa phải hợp với thế đất, không khoa trương.

- Tỷ lệ công trình gần gũi với con người.

- Chi tiết kiến trúc, điêu khắc được chọn lọc và có nội dung hàm ý rõ rệt.

- Vật liệu dễ tìm, thường là vật liệu địa phương.

Những điểm trên đến ngày hôm nay vẫn còn có giá trị cao khi chúng ta đang tích cực cho việc gìn giữ môi trường và giữ gìn bản sắc dân tộc trong kiến trúc và xây dựng.

Rất tiếc, hiện nay có một số công trình xây dựng quá lớn nên san đồi xẻ núi làm mất đi khung cảnh thiên nhiên và tạo nên những khối hình quá đồ sộ xa lạ với con người và vật liệu dùng quá xa sỉ không đúng với tinh thần bình dị của nhà phật.

3. Quy hoạch và kiến trúc chùa Đại Tuệ

Khi được mời quy hoạch và thiết kế các hạng mục cho chùa Đại Tuệ, tôi đã cùng các đông nghiệp và Thượng toạ Thích Thọ Lạc, chủ trì chùa đi khảo sát trong nhiều ngày, sau đó chúng tôi có trao đổi với nhau để đi đến thống nhất  một số điểm mấu chốt trong quy hoạch và thiết kế các hạng mục công trình:

- Không chạy theo các kỷ lục, như to nhất, cao nhất, dài nhất...

- Khung cảnh thiên nhiên cần được gìn giữ tối đa, tránh san ủi trên quy mô lớn.

- Gìn giữ những giá trị văn hóa và lịch sử.

- Kế tục truyền thống nhưng thể hiện được đây là công trình của thời đại mới.

Đôi nét về hiển trạng chùa Đại Tuệ

Theo các nhà sử học, chùa đã được xây dựng từ thời Hồ Quý Ly, ông lập nên để thờ phật bà Đại Tuệ, người đã giúp xây dựng thành Đại Huệ. Theo thời gian và những biến cố lịch sử chùa đã bị hư hại, ngày nay chỉ còn là một phế tích, nhưng điều kỳ diệu của nó là dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn có hương khói. Điều này cho thấy Chùa có một ý nghĩa về mặt tâm linh và tín ngưỡng của nguời xứ Nghệ rất manh liệt.

Hiện tại, chùa chỉ có một gian nhỏ và hai trái với mái bằng lá, tường đá, mặt hướng về phía nam. Hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nào nói về quy mô của chùa trước đây. Do vậy khu vực chùa và xung quanh bao gồm hai ngôi mộ bằng đá xếp (có giả thiết cho rằng đó là mộ vua Cảnh Thịnh và ngôi mộ thứ hai có thể của vị sư trụ trì hoặc vợ vua), tạm được khoang vùng thành khu di tích cần nghiên cứu tiếp để có phương án bảo tồn thích hợp khi có đủ điều kiện. Xa hơn một chút là giếng nước cổ (tuy ở độ cao trên đỉnh núi nhưng bao giờ cũng đầy nước), hồ nước và một khu đất phẳng theo các nhà sử học là nơi tập luyện binh sĩ của Quang Trung khi tiến vào Thăng Long đã dừng chân ở đây. Những dấu ấn này đã được chú ý khi đưa vào tổ hợp của tổng mặt bằng khu chùa thượng để làm dầy thêm giá trị lịch sử, văn hoá của khu chùa sau này. Điều kỳ thú làm ta phải đặt câu hỏi: có phải nơi đây là thiên nhiên tạo ra để xây chùa? vì hướng theo cửa của ngôi chùa cũ là hai trụ đá như hai trụ cổng, một bên có ngai đá, rùa đá, mõ đá và khánh đá.

Nhìn tổng thể cảnh quan thiên nhiên và thế đất rất phù hợp với một ngôi chùa có quy mô bao gồm:  chùa Hạ -  chùa Trung - chùa Thượng.

Trong hội thảo khoa học Phục dựng chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ được tổ chức tháng 10 năm 2009, tất cả các ý kiến đều đồng thuận một cách mạnh mẽ về việc phục dựng chùa Đại Tuệ là “phục dựng một danh thắng nổi tiếng, nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hoá không chỉ của Nam Đàn, Nghệ an mà còn mang tầm quốc gia", “phục dựng chùa Đại Tuệ là phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân với chủ chương của Đảng ...", "... là điểm nhấn quan trọng góp phần đưa Phật giáo tỉnh nhà tiến thêm một bước mới trong quá trình phát triển sau bao năm chìm lắng "[1]

Ý tưởng về quy hoạch

Thể hiện được phương châm:

- Tôn trọng và tận dụng cảnh quan thiên nhiên

- Tôn trọng lịch sử

- Phong thuỷ cần được đặc biệt chú ý

- Thuận lợi tối đa cho sử dụng sau này.

Với quy mô bao gồm: chùa Trình – chùa Hạ - chùa Trung – chùa Thượng được trải dài trên một khoảng xấp xỉ 9 km (theo đường chim bay). Trong đó chùa Trình được bố trí gần đường quốc lộ  46 (Vinh – Đô Lương) và xa chùa Hạ khoảng 5 km.  Cụm chùa Hạ - chùa Trung -  chùa Thượng cũng được bố trí giãn cách theo địa hình và lấy trục Hoàng đạo ở chùa Thượng (chùa có quy mô lớn nhất và là trung tâm tinh thần của chùa Đại Tuệ). Việc bố trí giãn cách này sẽ tận dụng được địa hình tự nhiên một cách tốt nhất và hợp với phong thuỷ cho từng chùa nhưng vẫn giữ được sự thống nhất.

Với thế của núi sông việc bố trí theo triết lý ngũ hành cũng được vận dụng đó là: Thuỷ là sông Lam và biển đông; Mộc là ngôi chùa cổ năm trong quẩn thể chùa Thượng (thờ hoá thân Phật ); Hoả phần giữa chùa Trung và Hạ (thờ đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn); Thổ chùa Đá (thờ Báo thân Phật ); Kim là chùa Vàng, trên đỉnh núi (thờ Pháp thân Phật ).

Việc phân chia các chùa cũng dưa theo triết lý nhà Phật, theo quá trình tu hành bốn bước ( tứ đồng tâm ) là: Đức Phật Thích Ca sơ sinh - Đức Phật Thích Ca thành đạo - Đức Phật Thích Ca thuyết pháp - Đức Phật Thích Ca niết bàn.

Trong mỗi khu vực xây dựng của từng chùa áp dụng thủ pháp bố trí phân tán các công trình nhưng theo trục bố cục. Điều này vấn tạo nên sự uy nghiêm của công trình nhưng tạo được không gian phong phú và dễ dàng tận dụng thế đất, không phải san ủi quá nhiều. Các khu vực lịch sử cũng được tính đến như một thành tố trong tổ hợp công trình và được bố trí xen vào bố cục chung một cách hài hoà.

Đường giao thông và bãi đỗ xe được bố trí sao cho thuận lợi nhất cho người tới chùa sau này. Sẽ có hai điểm đỗ xe công cộng một ở kế cận chùa Hạ, một ở cốt cao (+ 290) từ bãi xe này có thể đi bộ hoặc đi xe điện đến chùa Trung và chùa Thượng một cách thuận tiện. Trên cốt cao ( +384) là bãi đỗ xe công vụ, bãi xe này chỉ dùng cho các dịch vụ của chùa nên rất gần nhà cư sĩ, nhà Tăng xá.

Với cách bố trí như vậy đã tận dụng được cảnh quan thiên nhiên vốn có của khu vực hoà nhập với các công trình một cách tự nhiên nhưng vẫn giữ được nội dụng theo triết lý nhà phật.

Kiến trúc công trình

Các hạng mục công trình trong tổng thể chùa Đại Tuệ được cân nhắc kỹ càng ở từng vị trí và chức năng để lựa chọn một tỷ lệ thích hợp vừa tạo sự trang nghiêm thành kính nhưng vẫn gần gũi với con ngưòi và hoà hợp khung cảnh chung.

Vật liệu chủ yếu là bê tông cốt thép, gạch, đá như vậy đảm bảo tính bền vững và phù hợp với nơi chịu sức gió mạnh và độ ẩm khá cao. Phương châm tận dụng tối đa vật liệu địa phương để giảm giá thành và có ý nghĩa trong việc công đức của cộng đồng.

Một số hạng mục có tính đặc trưng mang ý nghĩa như chùa Vàng, chùa Đá, chùa Gỗ (có quy mô nhỏ) được sử dụng đúng vật liệu theo đúng ý nghĩa của nó.

Các chi tiết trang trí sử dụng các các hoa văn truyền thống nhưng không quá cầu kỳ phù hợp với từng hạng mục công trình.

Kính thưa cá quý vị!

Trong tổng thể chùa Đại Tuệ có nhiều hạng mục công trình không thể trình bày hết được trong thời gian ngắn của hội thảo, nên tôi chỉ  giới thiệu một số nét cơ bản của những công trình chính ở chùa Thượng.

Chùa Thượng được bố trí năm trên trục hoàng đạo với các hạng mục  như điện chính nơi thờ Đức Phật Thích Ca (cốt cao + 417. 00), phía sau là tháp Thất Phật thế tôn và trên đỉnh núi là chùa Vàng, phía trước bên phải là Tổ đường thờ chư vị Tổ sư bên trái là Kỷ Niệm đng thờ các vị tiên đế.

Điệ chính ban đầu chúng tôi làm băng gỗ, nhưng do khối lượng gỗ quá  lớn nên chuyển sang kết cấu bê tông cốt thép, nhưng vẫn giữ theo tỷ lệ của công trình bằng gỗ, như vậy phù hợp với điều kiện thực tế. Điện chính có hai tầng, tầng trên là nơi thờ, tầng dưới là giảng đường.

Hai hạng mục công trình Tổ đường à Kỷ Niệm đường không bố trí vuông góc với điện chính (tạo nên Ta Vu - Hữu Vu như cách bố trí tryền thống) mà bố trí song song tạo nên thế “tam sơn", việc lựa chọn bố trí như vậy vì ba lý do. Thứ nhất bố trí theo kiểu truyền thống thì Tả hữu vu có vai trò thứ yếu trong thờ cúng, ở đây Tổ Đường - Kỷ Niệm Đường cũng cần có vị trí trang trọng và cùng có hướng nhìn tốt như chính điện. Thứ hai nếu bố trí vuông góc với điên chính sẽ thu hẹp không gian trước chính điện, không thuận lợi khi tổ chức các sự kiện. Thứ ba nếu kéo dài phần trước điện chính sẽ làm cho việc san lấp trở nên phức tạp và tốn kém ví độ chênh cao lên tới hơn 8 m.

Phía trước sân hành lễ bên phải là lầu chuông, bên trái là lầu khánh, thấp hơn là sân nghênh đón với ngũ quan. Việc bố trí sân hành lễ và sân nghênh đón có độ cao khác nhau tạo được các góc nhìn tốt, tạo được cảm nhận về thị giác tốt khi nhìn từ dưới lên (người vào chùa) và trên xuống (người ngắm cảnh), đồng thời không mất công san ủi lại hoà hợp với thiên nhiên. Tận dụng không gian dưới sân hành lễ tạo một không gian dịch vụ và nghỉ ngơi cho mọi người, như vậy vừa tận dụng không gian vừa tạo sự thuận lợi cho sử dụng mà luôn giữ được cảnh nghiêm trang và thoáng đãng của sân hành lễ.

Tận dụng ngọn đồi thấp hơn phía trước để đặt Huệ Sơn Đại Phật với hướng nhìn theo trục hoàng đạo. Tại đây có tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 25 m. Bệ tượng là một khối cao hai tầng được bố trí phòng truyền thống và một giảng đường chứa được hơn 150 người. Đặc biệt khối công trình này năm trên hệ thống trụ đỡ tạo một không gian mà thiên nhiên đem lại, đó là một cụm các hòn đá to nhỏ khác nhau quy tụ như những con rùa quay quân bên nhau. Sau này nơi đây, cùng với các vật thiên tạo như rùa đá, khánh đá... sẽ là một điểm thăm quan lý thú và sẽ tạo nên truyền thuyết tô đâm thêm nét văn hoá và sự linh thiêng cho chùa.

Phía trước dưới thấp hơn là cụm công trình mang tên Cung Trời Đâu Xuất, nơi tĩnh tâm của các bậc tu hành và cũng là nơi vãn cảnh nước non xứ Nghệ.

Nằm ngoài khu vực của chùa Thượng ở hai ngọn núi phía Đông và Tây là cụm công trình mang tên Thế giới phương Đông và Thế giới phương Tây. Hai cụm công trình này sẽ được xây dựng vào giai đoạn sau. Khi hoàn thành sẽ tạo nên một quần thể các công trình tâm linh mang nhiều ý nghĩa và gia trị cho cuộc sống.

Trong khu vực chùa Thượng  có xen kẽ một số di tích có giá trị như ngôi chùa cổ, tuy hiện tại chỉ là một phế tích nhưng giá trị tinh thần ( phi vật thể ) là rất lớn. Do vậy sự kết nối nó với hệ thống công trình mới là cần thiết. Căn cứ theo hiện trạng công trình sẽ được phục dựng theo kiểu kiến trúc gỗ với quy mô như hiện có. Như vậy sẽ hợp với quy mô của chùa Vàng, chùa Đá tạo nên thể đầy đủ theo ngũ hành.

4. Lời kết

Chùa Đại Tuệ là một không gian tâm linh thiêng liêng, là dấu ấn của nền Phật giáo có từ lâu đời trên đất Nghệ An.

Chùa Đại Tuệ là một trung tâm Phật giáo của miền Trung đồng thời là trung tâm văn hoá tâm linh kết nối giữa quá khứ - hiện tại – và tương lại trên mảnh đất địa linh nhật kiệt.

Chùa Đại Tuệ khi hoàn thành sẽ là một điểm du lịch đặc biệt chứa đựng nhiều nội dung: Du lịch tâm linh, du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch sinh thái...

Chùa Đại Tuệ được sự quan tâm của các cấp chính quyền và với lòng thành kính của cộng động nhất định sẽ xây dựng thành công, góp phần vào sự phát triển mọi mặt của tỉnh Nghệ An.

   Đến ngày hôm nay, dưới sự quan tâm của các cấp lạnh đạo tỉnh, huyện, xã, với sự nhiệt tâm của ban vận động tài trợ phục dựng chùa Đại Tuệ và đặc biệt với lòng thành tâm của đông đảo đông bào không chỉ trong tỉnh mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đã làm cho công cuộc phục dựng chùa Đại Tuệ trở thành hiện thực tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các quý vị!



[1].  Trích Kỷ yếu hội thảo, trang 185

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 303
    • Số lượt truy cập : 6948314