Thông tin

QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA

 

VÕ THÀNH HÙNG*

 

Cuộc đời và sự nghiệp của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đề cập tới, trong bài tham luận này chúng tôi nhìn Quốc Chúa ở khía cạnh khác, với tiêu đề là “Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu - Nhìn từ góc độ văn hóa”.

1. Người hâm mộ đạo Phật.

Trong lịch sử “chín chúa xứ Đàng Trong”, chúa Nguyễn Phúc Chu được biết đến là một con người thông minh, đĩnh đạc, đủ cả tài văn võ. Chúa rất quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế ám giao dịch, bớt việc hình ngục. Chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi vào ngày 7-2-1675, và được xưng tụng là Quốc chúa hay Minh Vương. Là người rất mộ đạo Phật, chúa có pháp hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân hay Hưng Long Cư Sĩ. Từ khi chúa vào trấn đất Thuận Hóa thì miền Nam được mở mang về mọi phương diện. Từ đó, hơn 200 năm, họ Nguyễn đối với Phật giáo hết lòng sùng bái. Không chỉ tên hiệu mà cả những việc làm khi trị vì trên đỉnh cao quyền lực đều cho thấy sự mộ đạo của vị chúa còn được gọi là Quốc chúa này.

Sử cũ chép rằng vừa mới lên ngôi, chúa đã cho xây dựng một loạt chùa miếu; mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Năm 1710, chúa sai đúc chuông lớn nặng 3.285 cân, đặt trong một lầu chuông rộng lớn ở chùa Thiên Mụ để cúng Tam Bảo. Chúa lại mời Hòa thượng Thích Đại Sán, một lão tăng ở Trung Quốc sang Thuận Hóa giảng đạo.

Cũng theo sử cũ kể lại rằng, năm Ất Tỵ (1665), có một vị sư người Trung Quốc là Thọ Tôn hòa thượng, húy là Nguyên Thiều, ban đầu trú ngụ ở Phủ Quy Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà, sau ra Thuận Hóa Lập chùa Quốc Ân để tiếp tục hoằng pháp. Sau ngài theo thời yêu cầu của chúa Nguyễn Phúc Trăn (Nguyễn Phúc Thái) trở về lại Trung Quốc để mời các danh tăng Trung Quốc sang truyền đạo. Ngài về Quảng Đông mời được Thạch Liêm hòa thượng (tức Hòa thượng Thích Đại Sán) và rất nhiều danh tăng khác. Ngài viên tịch dưới thời Bảo Thái nhà Lê và được chúa Nguyễn Phúc Chu ban thụy hiệu là Hạnh Đoan thiền sư; chúa có làm bài thơ khắc vào bia đá để tán dương công đức của ngài.

Trong thời gian lưu tại xứ Đàng Trong, ngoài việc cố vấn cho chúa về lĩnh vực trị nước, Hòa thượng Thạch Liêm đã giúp đỡ nội phủ rất nhiều trong việc trùng hưng lại đạo Phật. Trong cuốn Hải ngoại kỷ sự, hòa thượng đã viết: “Lão tăng từ phương xa đến, được Quốc vương cung kính, thân như cốt nhục… Vả lại thần dân trong nước thảy đều quy y Tam bảo, thực là một quốc gia ưa muốn làm lành, rất hiếm có”. (1)

Ngày 1 tháng 4, tổ chức lễ truyền Sa di giới, Quốc chúa mở đàn chay dâng lễ và mời Hòa thượng Đại Sán thượng đàn thuyết pháp.

Sang ngày lễ Phật đản (mồng 8 tháng 4), Quốc chúa khai đàn ở Nội viện, có quốc mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc… đồng thọ Bồ tát giới. Tiếp đó, ngày mồng 9 tháng 4, Hòa thượng xuất tăng nhân hai hàng, thi lãnh hơn 1.400 tân giới đệ tử, mặc cà sa, cầm bình bát, cử hành lễ cổ Phật khất thực và tạ ơn Quốc chúa đã thành tựu công đức, kế đó chúa cho mời hai tăng nhân vào cúng chay, dải trà nhóm tân giới đệ tử và ban thêm 300 quan tiền, 100 thạch gạo sai lính gánh đến chùa Thiền Lâm, lại đem tất cả giới điệp có đóng ấn triện của chúa ban cấp cho tăng nhân và những người đã tham gia đại lễ trai đàn.

Đến ngày 14 tháng 4, chúa mời 10 đệ tự của Hòa thượng Thích Đaị Sán mở một kỳ sám tụng Đại bi đà la ni. Theo gợi ý của hòa thượng, chúa cho đại trùng tu chùa Thiền Lâm ở gần phủ Dương Xuân, là cung điện mùa đông của chúa. Thiền Lâm, từ một cái cốc ba gian lợp bạch ma, trở thành một tòa phương trượng với 5 gian gồm 32 cột, bốn mặt đều có hành lang.

Năm 1710, chúa cho đúc Đại Hồng Chung tại chùa Thiên Mụ. Đồng thời, chúa làm một bài minh khắc vào chuông đồng để nói lên tâm nguyện của mình: “Chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Động thượng chánh tông đời thứ 30, pháp danh Hưng Long đúc chuông lớn này nặng 3.285 cân, để vào chùa Thiên Mụ, cúng Tam Bảo lâu dài. Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sanh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ”.

Một tấm bia đá kể lại sự tích và công đức của ngài Hòa thượng Thạch Liêm cũng được chúa cho dựng lên ở bên hữu chùa; Năm 1714, chúa cho mua hơn một ngàn quyển kinh Luật, Luận và đại trùng tu ngôi chùa này. Đánh dấu sự kiện quan trọng đó, chúa làm văn bia, mở đại trai đàn và phát chẩn cho người nghèo suốt cả tháng. Vua Chiêm là Kế Bà Tử cùng hoàng gia Chiêm cũng được mời dự.

Năm 1715, chúa lại cho trùng tu chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Năm 1721, lập chùa Giác Hoàng… Chúa còn cho xây dựng một loạt chùa miếu, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa Mỹ Am. Bản thân chúa cũng ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng trời, phát tiền gạo cho người nghèo, làm từ thiện.

Chưa bao giờ Phật giáo Đàng Trong được lưu tâm hộ trì đến thế. Cuối đời chúa Nguyễn Phúc Chu trong cõi yên ổn, nhân dân quy tụ đông đúc, cảnh tượng thật thái bình… văn hóa tinh thần, trong đó có văn hóa tâm linh, được coi trọng; đạo Phật được chấn hưng.

Ngay các tướng lĩnh dưới trướng của ông cũng ảnh hưởng văn hóa tâm linh của ông như: Nguyễn Hữu Cảnh, Phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh, Trần Đình Ân đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu... lo việc đánh dẹp phiến loạn và an dân toàn tâm, toàn ý với văn hóa tâm linh của nhân dân, mở mang bờ cõi đến đâu cho lập đình, miếu, chùa chiền đến đó để giữ đất, để an dân. Được như vậy, càng khẳng định tầm nhìn của vị minh quân có tấm lòng yêu nước, thương dân cao độ và tầm chiến lược về văn hóa dân tộc; khẳng định bờ cõi và quyết tâm gìn giữ từ thực tế đến trong văn hóa tâm linh, hình thành một hệ thống ý thức trong tư duy của người Việt từ bao đời đã có. Ngoài những yếu tố trên, ở Quốc Chúa còn nổi trội tính khoan dung, độ lượng thông qua xử thế và nhân tình thế thái không chỉ là bậc quân vương mà mang tình người ấm áp; biết nhìn người, sử dụng người tài, người có đức vào công việc chung của đất nước.

2. Một tâm hồn nghệ sĩ.

Chúa Nguyễn Phúc Chu là người rất ”mê” ca hát, là tay cầm trống chầu lão luyện vào thế kỷ 17. Ngoài ra, chúa còn làm rất nhiều thơ, trong đó có nhiều bài thơ khóc vợ với tình ý tha thiết. Ông có nhiều bài thơ viết trên những chiếc tô sứ men trắng vẽ lam. Mỗi bài thơ được viết thành 10 dòng, gồm 1 dòng tiêu đề, 8 dòng nội dung và 1 dòng lạc khoản, ở cuối bài thơ ghi ba chữ Hán: Đạo nhân thư. Bên cạnh mỗi bài thơ là một bức tranh sơn thủy - nhân vật, vẽ cảnh sắc, địa danh mà bài thơ miêu tả. Đây là lối trang trí nhất thi, nhất họa rất phổ biến trên đồ gốm sứ phương Đông lúc bấy giờ. Bài thơ Thiên Mụ hiểu chung viết trên chiếc tô sứ vẽ cảnh chùa Thiên Mụ ở Thuận Hóa dưới thời chúa trị vì(4). Ngoài ra còn có các bài thơ Tam Thai thính triều; Nhàn tâm lạc sự, Hà Trung yên vũ

Trong sự nghiệp mở mang bờ cõi, chính Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là người đã sai Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chinh phục xứ Đồng Nai, dựng nên Phiên Trấn và Trấn Biên. Trong sự nghiệp trị vì xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Chu đã có một quyết định “gây sốc” khi dời phủ chúa về Bác Vọng (Quảng Phú, Quảng Điền). Quyết định dời đô về Bác Vọng, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai và tự mình thẩm định, nêu ra ý tưởng cùng ký lục Lê Quang Hiến vẽ bản đồ để xây dựng phủ mới trên quan điểm giữ được nét văn hóa dân tộc nhưng thông thoáng về đường sá, khu hành chính và phố thị và đến năm 1712 mới chính thức dời phủ từ Phú Xuân về đây, tồn tại cho đến năm 1739. Dấu xưa đã hầu như biến mất, nhưng vẫn còn đó những tên gọi về địa danh như một Bác Vọng - Thủ phủ với những cái tên như Thượng Phủ, Cồn Kho, Xưởng, Mô Súng...

3. Giỏi phong thủy.

Việc chọn Bác Vọng làm thủ phủ, chúa Nguyễn Phúc Chu đã nhìn nhận được vị thế “phong thủy” quan trọng của vùng đất vốn là một làng cổ của xứ Thuận Hóa này. Làng Bác Vọng trải dài theo con sông Bồ và theo Dương Văn An trong “Ô Châu cận lục”, dân Bác Vọng xưa sống chủ yếu dựa vào “sông nước sinh nhai” và “đóng đăng bắt cá”. Theo GS. Trần Quốc Vượng, dân tộc ta có một truyền thống tư duy sông nước trong việc định đô, lập phố. Chính vì vậy khi lập phủ chúa Nguyễn Phúc Chu đã lấy sông Bồ làm mặt tiền (chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng dựng phủ Phước Yên trước dòng sông Bồ). Chúa Nguyễn Phúc Chu đã phát huy được truyền thống tư duy này trong việc định đô, lập phố. Ngoài ra, thời gian đóng đô ở Bác Vọng cũng là thời gian xây dựng lại thủ phủ Phú Xuân.

Mỗi con người đều gắn liền với một vùng đất lịch sử, với những phận số khác nhau. Chính chúa Nguyễn Phúc Chu là người đã nhận ra và nâng tầm vị thế của Bác Vọng, để hôm nay trong ký ức của mỗi một chúng ta, còn lại hoài niệm về một thủ phủ xưa, bên dòng sông Bồ lịch sử. Ông mở rộng bờ cõi đất đai xuống phía Nam, đạt được nhiều thành tựu.

Ở Hương Thọ, lăng Trường Thanh - Chúa Nguyễn Phúc Chu có cảnh quang vui vẻ, thoáng đãng. Lăng nằm trên đồi cao, xoay mặt về hướng Đông - Nam, phía trước là đồng ruộng. Nhìn trên bản đồ di tích, lăng Trường Thanh nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông Hương chừng 800m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10,5 km đường chim bay về hướng Tây - Nam. Lăng Trường Thanh có cùng biểu thức chung của các lăng chúa Nguyễn khác, gồm 2 vòng thành. Vòng thành ngoài có chu vi 120,5m và thành cao 1,96m. Vòng thành trong có chu vi 70,3m và thành cao 2,05m. Mộ có 2 tầng. Tầng 1 rộng 136cm dài 212m và cao 22cm. Tầng 2 rộng 193cm, dài 258cm và cao 27cm. Lăng có bình phong và hương án còn khá nguyên vẹn và rất đẹp. Tương truyền, chính Nguyễn Phúc Chu đã khảo sát và chọn địa điểm, quy cách xây lăng tổng cộng chu vi cả 2 vòng thành và 2 tầng mộ tạo thành số 9 - số sanh. Vì thế, có người gọi đây là lăng Trường Thanh là lăng Trường Sanh -  nơi an nghỉ vĩnh hằng của Quốc chúa mang đậm huyền hoặc tâm linh và dấu ấn văn hóa phương Đông.

4. Một nhà ngoại giao giỏi và nhà giáo dục.

Về đối ngoại, năm 1701, Nguyễn Phúc Chu sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt, tách khỏi thực thể chính trị do vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Tuy nhiên việc ấy không thành do đình thần nhà Thanh, vì nhà Lê vẫn còn đó. 

Sách Hải ngoại kỷ sự hết lời ca ngợi chúa. Ngoài việc mở rộng giao thương với phương Tây, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu cũng là người đầu tiên nhận thấy vai trò quan trọng đặc biệt của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nên vào năm 1711 đã sai cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc địa đồ quần đảo Trường Sa, để xác lập chủ quyền quốc gia và tổ chức khai thác hải sản.

Trong thời gian chúa cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao đổi hàng hóa. Chúa lại biết lợi dụng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật quân đội: dùng Jean de Arnedo để mở rộng về khoa học và kỹ thuật. Dùng người về thần phục như Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu để khai khẩn đất hoang. Sử dụng các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân trong các cuộc mở mang bờ cõi. Ngoài ra, dưới thời chúa, quân đội cũng đã được tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh, nhờ thường xuyên thao luyện. Chúa cũng cải cách cơ chế tổ chức trung ương; định lại quan tước, phẩm hàm. Nguyễn Phúc Chu quan tâm và tạo cơ hội trọng thưởng những người có công với đất nước, không kể đó là tướng, là quân sĩ hay là thứ dân, ngay cả người Chà Và đều được ban thưởng hết sức hậu hĩ như: Năm Nhâm Ngọ (1702), công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catchpole đem 200 quân và 8 chiếc thuyền chiếm đảo Côn Lôn của nước ta. Chúa ra lệnh cho Trấn Phủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan tùy liệu đối phó. Mùa đông năm Quý Mùi (1703), Phúc Phan tuyển mộ 15 người Chà Và (dân đảo Java gốc Mã Lai - Nam Dương), sai họ dùng kế trá hàng để len vào đất địch. Quân Anh không lo liệu đề phòng, vì thế nửa đêm nhóm  người Chà Và theo mưu của Trương Phúc Phan nổi lửa đốt trại, đâm chết những tên chỉ huy, bắt được một số thuộc hạ, số khác chạy thoát ra biển trốn, liền bị thủy binh ta truy đuổi tiêu diệt. Sau khi thắng trận, Phúc Phan ra Côn Đảo thu hết của cải mang về nộp cho Phủ chúa. Nguyễn Phúc Chu trọng thưởng những người Chà Và cùng các  tướng sĩ tham gia trận đánh. Năm Mậu Tý (1708), bấy giờ có Mạc Cửu người Quảng Đông không phục nhà Thanh, bỏ chạy sang Chân Lạp, được vua Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha (?). Mạc Cửu khai hoang lập được 7 xã ở Hà Tiên. Sau đó, xin đem đất đó sáp nhập vào nước ta. Quốc chúa chấp thuận và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng binh, trấn giữ Hà Tiên. Nước ta mở rộng bờ cõi đến Hà Tiên kể từ năm đó. Nhưng quan trọng hơn cả là Quốc chúa đã  thực hiện được việc mở rộng bờ cõi; bảo vệ Tổ quốc và đặt nền móng vững chắc cho cả vùng đất Nam Trung bộ và Nam bộ xưa.

Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tự tay tổ chức thi cử, ra đề thi và giám sát kỳ thi nghiêm túc. Sách Đại Nam thực lục chép: “Năm Quý Mão (1723), tháng tư, thi Nhiêu học. Quan giám khảo lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò bàn tán rất sôi nổi. Chúa ra lệnh mở kỳ thi khảo hạch lại và không một sĩ tử nào được chấm đỗ cả. Đặc biệt chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức, nhằm mục đích thay đổi người kém năng lực, phẩm hạnh; trọng người hiền tài giúp dân, giúp nước.

Kết luận:

Quốc Chúa ở ngôi 34 năm. Chí hướng của chúa được thể  hiện trên một bài “minh” do chúa viết trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ (Huế) đúc năm 1710 “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí” (Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ). Với 34 năm cầm quyền, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đóng góp được nhiều công lao vào việc mở mang đất nước cũng như thực hiện nhiều tiến bộ về xã hội ở Đàng Trong  vào đầu thế kỷ 17I, một nhà văn hóa mang đậm dấu ấn Phật pháp, lấy từ bi, hỷ xả làm trọng trong việc trị vì và chăn dắt muôn dân. Ý nghĩa và bài học đầy tính nhân văn - văn hóa này hiện vẫn mang tính thời sự và soi rọi cho hậu thế. Nhìn từ góc độ tâm linh, góc độ văn hóa, ông là một Phật hoàng thứ hai của đất nước sau Phật hoàng Trần Nhân Tông.



* Thạc sĩ, Hội VNDG Sóc Trăng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 70
    • Số lượt truy cập : 6951902