QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU,
NGƯỜI MỞ CÕI PHƯƠNG NAM
VU GIA*
Sau 17 năm nối ngôi, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mở rộng bờ cõi đến vùng cực nam Tổ quốc ngày nay, và lo cho cuộc sống người dân tha hương như chăm lo cho chính người thân của mình, không phải ai ngồi ngôi cũng làm được. Công đức ấy, muôn đời con cháu khắc ghi.
Nguyễn Phúc Chu là con cả của chúa Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn (Thái), mẹ là Tống Thị Đôi ở Tống Sơn, Thanh Hóa. Ngài sinh năm 1675, được nuôi ăn học cẩn thận, văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ. Lúc 16 tuổi (1691), ngài nối ngôi chúa, lấy hiệu là Thiên Túng đạo nhân, một hiệu mới mẻ sùng đạo Phật, gọi là Chúa Minh. Ngài là vị chúa thứ 6 kể từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Ngài là người tiếp tục thực hiện tiền đồ của ông cha, và đã mở rộng bờ cõi đến cực nam của phương Nam.
Hành trình mở cõi
Theo Việt sử xứ Đàng Trong, khi vừa lên ngôi, “Tộ quận công miễn một nửa thuế ruộng năm ấy cho dân. Chúa chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má sưu dịch, bớt việc hình ngục”[1]. Qua những việc làm cụ thể như vậy, người đương thời cũng như đời sau đã nhìn ra một vị minh chúa. Và trên thực tế, “Sau khi hết tang Anh Tông, các quan tấn tôn Chúa là Thái phó, quốc công, và dâng tôn hiệu là Quốc Chúa. Từ đấy, trong các sắc lệnh đều xưng là Quốc Chúa”[2]2. Lúc đó, cương vực của chúa Nguyễn không rộng, còn phập phù lo cả mặt Bắc lẫn mặt Nam. Do vậy, những việc làm của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu trong ngày đầu tiên nối ngôi là việc làm hợp lòng người, thuận lòng trời. Nhờ vậy mà trong thời gian ấy, vua Chăm là Bà Tranh “đem quân đắp lũy, cướp giết nhân dân phủ Diên Khánh, dinh Bình Khương báo lên”[3], chúa tôi không hề nao núng. Trái lại, đấy là cái cớ để Quốc Chúa và quân dân Đại Việt xứ Đàng Trong tiến hành thực hiện những gì mà ông cha chưa làm được. Tháng 8 năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu phái Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật, về sau được nhân dân kính trọng đọc trại tên thành Cảnh - Nguyễn Hữu Cảnh) làm Thống binh, Văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu đem quân Chánh dinh cùng quân Quảng Nam và Bình Định đi bình định biên cương, bắt được Bà Tranh. Chúa Nguyễn Phúc Chu cho nhập phần đất Chăm còn lại này vào bản đồ Đại Việt, đặt làm một trấn. Đó là trấn Thuận Thành (đất Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Bình định vừa xong, một nhóm người Thanh, đứng đầu là A Bân xúi giục bè đảng dấy loạn. Nguyễn Hữu Kính lại nhận lệnh đi đánh dẹp, rồi được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương (còn được gọi Bình Khang, nay là vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận).
Theo Đại Nam thực lục tiền biên thì vào tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai. Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến ở tại Cù lao Phố (nay thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), là một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ. Sách Gia Định thành thông chí ghi rõ: “Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) đời vua Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để quản trị; Nha thuộc có 2 ty Xá lại để làm việc; quân binh thì có cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ.
Đất đai mở rộng 1.000 dặm, dân số hơn 40.000 hộ, chiêu mộ những lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô Nam đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó, con cháu người Tàu ở nơi Trấn biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi ghép vào sổ hộ tịch”[4].
Kinh nghiệm của ông cha qua hàng ngàn năm đánh giặc giữ nước, cho thấy muốn thu phục được lòng người phải đủ cả hai mặt ân - oai. Nếu thiếu một trong hai mặt ấy, thì hậu quả khó lường. Ngày ấy, dân Đại Việt đã có mặt khắp nơi và nhiệm vụ triều đình phải bảo vệ để họ yên tâm khai khẩn khai cơ. Nhưng sách sử còn ghi vào thời điểm ấy rộ lên nhiều vụ đánh cướp người Việt tại nhiều nơi hẻo lánh dọc theo sông Cửu Long. Nguyễn Hữu Cảnh đem quân dẹp loạn.
Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu (Ang Saur, có sách ghi Nặc Ong Thu) đem quân tiến công Đại Việt. Chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, cùng với Phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Và thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Nông Pênh), đánh tan quân của Nặc Thu. Sau khi vua Chân Lạp quy hàng, Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyền ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Khmer, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tinh thần thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau. Những hành động khoan hòa, thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của vị quan thay mặt triều đình ở biên cương phía Nam đã làm cho đồng bào vui vẻ, yên tâm làm ăn và một lòng hướng về minh chúa. Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (sử cũ gọi Cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc, sau dân địa phương nhớ ơn ông, nên gọi là Cù lao Ông Chưởng, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, và báo tin thắng trận về kinh.
Vùng đất cực Nam vào bản đồ Đại Việt
Trong cách hành xử của bậc minh vương, sách sử có ghi khi nhập phần đất Chăm vào bản đồ Đại Việt, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sử dụng những quan lại của người Chăm. Và để tỏ rõ công bằng trong cuộc sống của hai dân tộc, “Năm Nhâm Thìn (1712), theo lời yêu cầu của Phiên vương Kế Bá Tử, Chúa Hiển Tông sai định điển lệ về quản trị người Chiêm, người Việt sống lẫn lộn trên đất Thuận Thành, điển lệ gồm các điều:
Phàm người Việt kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành thì do Phiên vương và Cai bộ, Ký lục (của Việt) xử đoán, dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình Phiên vương xét đoán, v.v…”[5].
Ngày đó, “Hà Tiên nguyên đất của Chân Lạp, tục xưng là Mang Khảm, tiếng Tàu gọi là Phương Thành, khi ban đầu Mạc Cửu người xã Lê Quách, huyện Khang Hải, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, nước Đại Minh, vào năm niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680) đời Đại Thanh, nhà Minh mất, ông Cửu không phục chánh sách nhà Thanh, để tóc dài chạy qua phương Nam ở tại phủ Nam Vang nước Cao Miên, thấy nơi phủ Sài mạt của nước ấy có những người các nước: Trung Hoa, Cao Miên, Đồ Bà tụ tập mở trường đổ bác trưng thuế, gọi là thuế hoa chi, ông bèn trưng mua thuế ấy, lại được cái hầm bạc nữa, nên mau phát giàu có, ông lại chiêu mộ dân phiêu lưu ở Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau lập làm 7 xã thôn. Xứ sở này tương truyền thường có người tiên hay xuất hiện trên sông, nhơn đó gọi là Hà Tiên”[6], chưa thuộc về Đại Việt. Nhưng trước tài đức của vị minh chúa thông qua cách hành xử của quan quân tiền phong mở cõi, “Mạc Cửu bèn sai người thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá đệ biểu văn trần tình đến kinh đô Phú Xuân xin làm quan trưởng xứ ấy.
Mùa thu tháng 8 năm Mậu Tý (1708), đời vua Hiếu Tông Hiếu Minh hoàng đế (Nguyễn Phúc Chu) sắc cho Mạc Cửu làm Tổng binh Trấn Hà Tiên, phong tước Cửu Ngọc hầu; Cửu lập dinh trại đồn trú ở đất Phương Thành, nhơn dân càng ngày quy tụ càng đông đảo.
Tháng 4 năm 21 Tân Mão (1711) Hà Tiên trấn Tổng binh Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu đến đến cửa Khuyết tạ ơn”[7]. Đặc biệt, khi vùng đất cực nam thuộc về Đại Việt, thì “có một số người Việt xiêu tán ở Chân Lạp, chúa Hiển Tông sai Tướng thần lại ty Thuần Đức sang chiêu tập họ, khiến họ trở về xứ, rồi năm Tân Mão (1711) ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Phiên trấn rằng phàm dân lưu tán mới trở về thì chia cho họ ruộng đất để thiết lập thôn, phường, tha các thứ diêu dịch, quân sự, và tô thuế trong 3 năm”[8].
Như vậy, chỉ sau 17 năm nối ngôi, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mở rộng bờ cõi đến vùng cực Nam Tổ quốc ngày nay, và lo cho cuộc sống người dân tha hương như chăm lo cho chính người thân của mình, không phải ai ngồi ngôi cũng làm được. Công đức ấy, muôn đời con cháu khắc ghi.
Chấn hưng Phật giáo Đàng Trong
Là người sùng mộ đạo Phật, và theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo Đàng Trong, chùa Thiên Mụ (xây dựng từ đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, 1601) được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (Thiên Túng đạo nhân) xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, Quốc chúa cho đúc một chiếc chuông lớn, nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, Quốc chúa lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2,6 m, rộng 1,2 m) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây; cho người sang Trung Quốc mua hơn 1.000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp. Ngày nay, chùa Thiên Mụ vẫn là danh thắng xứ Huế.
Đạo Phật trên đường Nam tiến được tiếp tục xiển dương. Riêng ở vùng cực Nam Tổ quốc, thì: “Khi Mạc Đô đốc ở Trấn, có Tống Thị Sương con gái nhà giàu, tuổi vừa cập kê, nữ công tuyệt xảo, mai mối tới lui đầy nhà mà cô không dung nạp, cô nói “đợi Phật dạy, cô mới kết nhân duyên”. Cha mẹ cô không hiểu ý, phải miễn cưỡng theo cô. Lúc ấy có thầy tăng du phương là Ngộ Chân trì giới tinh cẩn, chỉ niệm Phật hiệu, không học kinh điển, không ăn vật hôi tanh và ngũ cốc, chì ăn rau cỏ hoa quả mỗi ngày một bữa mà thôi, lại có nhiều nết lạ, người ta gọi là Thái tăng (thầy tu ăn rau). Có bữa thầy đi ngang qua ngõ, thấy Tống Thị phơi cái áo lót, thầy hớn hở vào năn nỉ hỏi xin, bảo là dùng để thù nguyện cúng Phật. Khi ấy, cha mẹ cô mắng nhiếc đuổi ra, cô khuyên giải được yên việc, thầy tăng cười lớn một tiếng rồi đi luôn. Từ đấy, cô phát lòng từ bi, miệng thường niệm Phật, nguyện bỏ hết việc nhân gian, hớt tóc làm ni cô để chào hầu đức Quán Âm Đại sĩ ở thế giới cực lạc. Cả nhà dùng trăm cách khuyên bảo mà không cởi mở được lòng cô, bất đắc dĩ phải làm cái am ở phía tả đảo Đại Kim. Cô mừng rỡ đến ở, thêu đại tượng Quán Âm cao bằng mình người, mỗi lần cô đâm cây kim xuống thì niệm Phật một tiếng, trong ba tháng thêu mới xong. Thổ sắc (?), thần sắc linh động như một vị Phật sống, tuy họa công có tài vẽ vời sắc đẹp đan thanh, cũng kém thua mấy trăm phần vậy. Rồi những tăng đồ ở Trấn này hay vào đất Việt (Quảng Đông, Quảng Tây) đến chùa Hải Đông để tìm Nam Tông Chân thuyên, cho nên pháp giới kinh điển và thanh điệu tụng tán học được tôn chỉ của thiên môn, đương thời khen là một nơi cửa Phật đứng vào bực nhất vậy”[9].
Trịnh Hoài Đức còn cho biết thêm, ở Hà Tiên thời ấy có “Chùa Tam Bảo ở sau trấn thự, Phạn cung mở rộng, Phật pháp phô trương, nguyên xưa do Thống binh Mạc Cửu làm ra. Kế có thân mẫu Mạc Cửu là Thái phu nhân tuổi ngoài 80, nhớ con tha thiết, từ Lôi Châu theo đường biển đến, Mạc Cửu phụng dưỡng ở chùa này. Phu nhân vốn tính mộ Phật, hết lòng thành kính, vừa ngày tắm Phật, Phu nhân vào chùa cúng dường chiêm bái, trong khoảnh khắc thốt nhiên hóa (chết) trước bàn thờ, Mạc Cửu theo lễ chôn cất, xây mộ ở núi Bình Sơn, lại đúc tượng bằng đồng thờ tại chùa ấy, nay tượng vẫn còn”[10].
Theo nhà Phật, Bồ tát là người tìm cầu sự giác ngộ hay người có trang bị đầy đủ sự giác ngộ. Đặc biệt, đối với trường hợp của Đại thừa Phật giáo, Bồ tát không phải là người tu hành để tìm cầu chân lý giác ngộ, tu hành thực tiễn cho mọi người trên đời, nỗ lực tinh tấn Tịnh Độ hóa hiện thực xã hội bằng chân lý giác ngộ, thì Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu chính là bồ tát giữa cõi đời ô trọc vậy.
* Nhà Nghiên cứu, Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.
[1] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng trong, NXB. Văn học, H, 2001, tr. 164.
[2] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng trong, sđd, tr. 164.
[3] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng trong, sđd, tr. 299.
[4] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Tập trung, Nha Văn hóa xb, S, 1972, tr. 12.
[5] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng trong, sđd, tr. 302.
[6] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Tập trung, sđd, tr. 79-80.
[7] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Tập trung, sđd, tr. 80.
[8] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng trong, sđd, tr. 328.
[9] Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành thông chí, Tập hạ, sđd, tr. 23.
[10] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Tập hạ, sđd, tr. 130.
Bình luận bài viết