Thông tin

QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU

VỚI CÔNG NGHIỆP ĐẠI ĐỊNH ĐẤT NƯỚC

VÀ CHẤN HƯNG VĂN HÓA, HỘ TRÌ PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM

 

TRẦN MINH THƯƠNG*

 

1. Mùa xuân năm 1691, chúa Nghĩa lâm bệnh, triệu thế tử Phúc Chu vào, bảo: Ta vâng theo mối trước, mong mỏi nối theo được chí, làm theo được việc của tổ tông. Con kế nghiệp, nên noi theo thành đức của người trước, cầu hiền, đãi sĩ, thương dân, yêu binh, chớ tin lời gièm pha, chớ bỏ những người ngay thẳng, để xây dựng nghiệp lớn ấy là đại hiếu.

Ngày 7 tháng 2 năm ấy, Nghĩa vương băng, Nguyễn Phúc Chu nối ngôi chúa, sách sử thường gọi là Quốc Chúa Minh Vương. Quốc Chúa băng năm 1725, thọ 50 tuổi.

2. Trong suốt 34 năm giữ ngôi chúa, Nguyễn Phúc Chu đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc đặc biệt là công cuộc cuộc định cơ nghiệp ở phương Nam cũng như việc hộ trì và phát triển Phật giáo thời kỳ này. Lần theo những trang sử liệu chúng tôi có thể tóm tắt công nghiệp đại định như sau:

2.1. Mở mang và bảo vệ bờ cõi

Năm 1692, vua Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, chúa sai Nguyễn Hữu Kính đem quân chinh phạt. Năm sau, Kính bắt được Bà Tranh, chúa Nguyễn cho đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành; năm 1699, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, chúa Nguyễn lại sai Nguyễn Hữu Kính đi dẹp; năm 1703, nhân dân đảo Côn Lôn được sự giúp sức của trấn thủ Trấn Biên (Đồng Nai) là Trương Phú Than đã đánh đuổi Công ty Ấn Độ của Anh ra khỏi đảo; năm 1705, tướng Nguyễn Cửu Vân đóng quân phòng giữ phiên trấn, huy động nhân dân khai khẩn Vũng Cù và đắp lũy đất để bảo vệ. Sau khi đánh Chân Lạp, chúa Nguyễn biến ruộng khai khẩn được thành quan điền; năm 1708, ở Hà Tiên (Kiên Giang), Mạc Cửu chiêu tập dân lưu vong khai hoang, lập ra 7 thôn xã. Mạc Cửu xin thần phục. Nguyễn Phúc Chu chấp nhận đất Hà Tiên, phong Mạc Cửu làm tổng trấn. Từ đó Hà Tiên thuộc Đàng Trong và ngày càng phát triển phồn thịnh; tháng 4 năm 1711, chúa Nguyễn sai đo diện tích các đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền biển đảo.

2.2. Xây dựng kỷ cương, bình ổn đất nước

Năm 1692, chúa cho sửa Văn Miếu ở Triều Sơn; năm 1693, chúa cho đào kinh Trung Đan để mở mang nông nghiệp; năm 1694, sai văn chức kiểm số dân đinh hạng, cùng hạng ẩn lậu ở Quảng Nam và số tiền ẩn lậu ở các nha phủ, huyện; năm 1697, chúa Nguyễn đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Rang, Phan Rí trở về tây chia làm hai huyện An Phúc và Hồ Đa (nay là Hòa Đa) cho thuộc vào; năm 1698, chúa Nguyễn bắt đầu đặt phủ Gia Định; năm 1700, chúa cho lập trường thao diễn ngựa trận, năm sau (1701), lại cho sửa chữa và trang bị thêm hệ thống phòng thủ quân sự ở Quảng Bình. Năm 1709, chúa cho đúc quốc bửu Đại Việt Quốc Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu. Năm 1722, chúa sai Nguyễn Khoa Đăng dẹp tan bọn cướp ở Hồ Xá (truông nhà Hồ), nhân dân phấn khởi truyền nhau rằng:

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm

2.3. Mở khoa cử tìm người tài

Năm 1691, vừa lên ngôi, chúa đã cho mở khoa thi Hội (tháng 3) rồi khoa Hoành từ (tháng 5); năm 1694, tổ chức thi nhiêu học lấy 133 người trúng cách về chính đồ và 92 người trúng cách về Hoa văn, năm 1695, chúa lại cho mở khoa thi để bổ dụng quan chức từ cao đến thấp; năm 1701, chúa cho mở khoa thi để tuyển bổ vào các chức tri phủ, tri huyện, huấn đạo,…; năm 1711, chúa Nguyễn cho chia ruộng đất, bãi bỏ tô thuế lao dịch ở hai dinh Phiên Trấn và Trấn Biên trong 2 năm. Đây là biện pháp mà Chúa làm để ổn định sản xuất, thiết lập thôn, phường.

3. Chúa Nguyễn Phúc Chu là người say mê ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa để đưa về dùng trong vương phủ. Những món đồ sứ ký kiểu của chúa Nguyễn Phúc Chu thường đề các thi phẩm do chúa trước tác, kèm theo hình vẽ minh họa nội dung các thi phẩm ấy. Đáng chú ý là những chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn, đường kính 18cm - 22cm, trên đó có ghi những bài thơ của chúa viết về những danh lam thắng tích của vùng Thuận - Quảng như: Thuận Hóa vãn thị (vịnh cảnh chợ chiều ở xứ Thuận Hóa), Thiên Mụ hiểu chung (vịnh cảnh chùa Thiên Mụ vào buổi sáng), Hà Trung yên vũ (vịnh cảnh chùa Hà Trung bên đầm Cầu Hai), Ải lĩnh xuân vân (vịnh cảnh mưa xuân trên núi Hải Vân), Tam Thai thính triều (vịnh cảnh núi Non Nước và chùa Tam Thai)… Bên cạnh mỗi bài thơ là một bức tranh sơn thủy, vẽ cảnh sắc của địa danh mà bài thơ miêu tả.

Bài Ải lĩnh xuân vân được viết trên những chiếc tô sứ ký kiểu, vẽ cảnh núi Hải Vân. Ải lĩnh là tên cũ của dải núi ở tây nam kinh đô Huế. Xưa kia, trên đỉnh núi có xây một cửa ải nên gọi là Ải lĩnh, nhưng dân gian thường gọi là Ngải lĩnh, vì trên núi có mọc nhiều cây ngải. Tương truyền, đến mùa cây ngải nở hoa, gió thổi cánh hoa bay xuống biển, cá ăn được sẽ hóa thành rồng. Năm 1826, vua Minh Mạng cho trùng tu cửa ải, xây làm hai cửa. Cửa trước có tấm biển đá khắc dòng chữ Hán: Hải Vân quan. Từ đó, quen gọi là núi (hay đèo) Hải Vân. Cửa sau cũng có tấm biển đá, khắc dòng chữ Hán Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

 Nguyên văn bài thơ:

隘 嶺 春 雲                                                   Ải lĩnh xuân vân

越 南 衝 要 此 山 巔                            Việt Nam xung yếu thử sơn điên

絕 嶺 还 如 蜀 道 偏                            Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên(3)

但 見 雲 橫 三 峻 嶺                            Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh

不 知 人 在 幾 重 天                            Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên

冷 沾 鬚 髮 非 同 雪                            Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết

濕 濺 衣 裳 豈 是 泉                            Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền

惟 願 海 風 吹 作 雨                            Duy nguyện hải phong xuy tác vũ

正 宜 千 里 潤 桑 田                            Chính nghi thiên lý nhuận tang điền

道 人 書                                                         Đạo nhân thư

Bốn câu đầu của bài thơ này cũng được khắc in trong sách Ðại Nam nhất thống chí, bản in đời Duy Tân (1907 - 1916), nhưng trong các câu phá thừa có khác mấy chữ so với bài thơ viết trên những chiếc tô sứ ký kiểu. Sách Đại Nam nhất thống chí xác nhận tác giả 4 câu thơ trên là Hiển Tông Hoàng Đế, tức là chúa Nguyễn Phúc Chu.

Bài thơ Thiên Mụ hiểu chung (天 姥 曉 鐘) viết trên chiếc tô sứ vẽ cảnh chùa Thiên Mụ ở Thuận Hóa dưới thời chúa trị vì.

Nguyên văn bài thơ:                                          Phiên âm:         

天 姥 曉 鐘                                                   Thiên Mụ hiểu chung

既 白 東 方 翠 績 重                            Ký bạch đông phương thúy tích trùng

署 炯 漸 與 百 花 濃                            Thự quynh tiệm dữ bách hoa nùng

斜 看 雲 影 江 干 月                            Tà khan vân ảnh giang can nguyệt

不 听 潮 聲 山 寺 鐘                            Bất thính triều thanh sơn tự chung

獨 我 閒 情 依 縹 緲                            Độc ngã nhàn tình y phiếu miểu

幾 人 塵 夢 得 從 容                            Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung

悠 悠 餘 韻 諸 天 裏                            Du du dư vận chư thiên lý

梵 語 遙 應 答 曉 鐘                            Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung

道 人 書                                                         Đạo nhân thư

Bài thơ Thuận Hóa vãn thị (順 化 晚 市) viết trên chiếc tô sứ vẽ cảnh bến chợ ở Thuận Hóa xưa.

 Nguyên văn bài thơ:                                         Phiên âm:

順 化 晚 市                                                   Thuận Hóa vãn thị

暖 烟 夕 照 戀 江 濱                            Noãn yên tịch chiếu luyến giang tân

細 听 鶯 啼 處 處 春                            Tế thính oanh đề xứ xứ xuân

晚 市 只 看 紅 粉 女                            Vãn thị chỉ khan hồng phấn nữ

通 衢 不 斷 扆 羅 塵                            Thông cù bất đoạn ỷ la trần

時 沽 白 酒 能 筵 客                            Thời cô bạch tửu năng diên khách

日 用 青 錢 卻 便 民                            Nhật dụng thanh tiền khước tiện dân

交 易 豈 無 衡 與 斗                            Giao dịch khởi vô hành dữ đấu

還 餘 風 俗 葛 天 淳                            Hoàn dư phong tục Cát Thiên thuần

道 人 書                                                         Đạo nhân thư

 v.v…

Không những chúa Nguyễn Phúc Chu là một người mộ đạo Phật, mà chúa cũng là người có tâm hồn nghệ sĩ, biết thưởng thức ca vũ nhạc và tuồng. Chính chúa là một tay đánh trống tuồng lão luyện vào thế kỷ 17. Thích Ðại Sán đã ghi lại trong Hải ngoại kỷ sự những nhận xét của ông như sau:

Cơm nước xong (...) kế khiến gọi ra bốn năm mươi cung nữ, người nào cũng thoa son đánh phấn, bận áo hoa màu lục dài phết đất, đội mão vàng... ra múa hát. Diễn tuồng xong nhà vua lấy ra năm mươi đồng tiền giao cho ta bảo thưởng cho tiểu hầu (...).

Trong tiệc có diễn kịch, Quốc vương dắt bọn tiểu hầu đến, dọn lại bàn tiệc, nhường cho bọn tiểu hầu của vương hát trước. Trong cuộc hát, chủ nhân đặt một cái trống lớn (trống chầu) bên sân khấu, thỉnh thoảng điểm 2; 3 tiếng trống cũng có ý nghĩa như gõ nhịp thuở xưa vậy. Ngày ấy vua rất cao hứng, tự đánh trống điểm nhịp cho bọn hát, thanh điệu lạ lùng, bộ tịch đường lối cũng khác, người trong tiệc ngồi xem cũng rất thú vị.

Căn cứ vào sự kiện diễn tuồng mà Thích Ðại Sán ghi lại ở dinh chúa Nguyễn, một số nhà nghiên cứu tuồng cho rằng, vào thế kỷ 17, tuồng đã định hình ở Việt Nam.

4. Bên cạnh việc chấn hưng và phát triển Nho giáo, Nguyễn Phúc Chu cũng là người rất mộ Phật giáo. Chúa có pháp hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân hay Hưng Long Cư Sĩ. Trong thời gian ở ngôi, chúa Nguyễn Phúc Chu đã trực tiếp hoặc gián tiếp hộ trì Phật giáo ở miền đất mới qua một số sự kiện chính sau đây:

Đại Nam thực lục tiền biên ghi, năm Nhâm Thân 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho sửa chữa lại chùa Thúy Vân (Mỹ Am).

Dưới thời Quốc chúa, Phật giáo đã phát triển nhiều, nhưng trước đó, vì không có cương lĩnh và không có nhiều vị sư xứng đáng để lãnh đạo. Chính vì thế mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho người dâng thư xin mời Hòa thượng Thạch Liêm. Trong thời gian lưu tại xứ Đàng Trong, ngoài việc cố vấn cho chúa về lĩnh vực trị nước, hòa thượng đã giúp đỡ nội phủ rất nhiều trong việc trùng hưng lại đạo Phật. Trong cuốn Hải ngoại kỷ sự, hòa thượng đã viết: Lão tăng từ phương xa đến, được Quốc vương cung kính, thân như cốt nhục… Vả lại thần dân trong nước thảy đều quy y Tam bảo, thực là một quốc gia ưa muốn làm lành, rất hiếm có.

Ngày 1 tháng 4 năm 1695, tổ chức lễ truyền Sa di giới, Quốc chúa mở đàn chay dâng lễ và mời Hòa thượng Đại Sán thượng đàn thuyết pháp.

Sang ngày lễ Phật đản (mồng 8 tháng 4), Quốc chúa khai đàn ở Nội viện, có quốc mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc… đồng thọ Bồ tát giới. Tiếp đó, ngày mồng 9 tháng 4, hòa thượng xuất tăng nhân hai hàng, thi lãnh hơn 1.400 tân giới đệ tử, mặc cà sa, cầm bình bát, cử hành lễ cổ Phật khất thực và tạ ơn Quốc chúa đã thành tựu công đức, kế đó chúa cho mời hai tăng nhân váo cúng chay, dải trà nhóm tân giới đệ tử và ban thêm 300 quan tiền, 100 thạch gạo, sai lính gánh đến chùa Thiền Lâm, lại đem tất cả, đóng ấn triện của vua rồi ban cấp cho tăng nhân và những người đã tham gia đại lễ trai đàn.

Đến ngày 14 tháng 4, chúa mời 10 đệ tử của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán mở một kỳ sám tụng Đại bi đà la ni. Trước đó, chúa có tham vấn ý kiến của hòa thượng là những việc cần nên làm. Hòa thượng đáp rằng: Việc trai giới chẳng phải chỉ để giữ cho sạch miệng, sạch mình, sạch tư tưởng mà thôi. Việc trai giới của nhà vua, cần phải đem việc quốc gia trên giới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết, nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yêm trệ, bãi bỏ điều cấm nghiêm khắc, thương xót kẻ buông bán, thi ân cho thợ thầy. Nói tóm lại, nên đem tất cả các việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành. Đến như nghi lễ đàn trường, tăng chúng y bát, vật dụng hương hao… sẽ kê đơn chế biện... (Hải ngoại kỷ sự)

Theo gợi ý của hòa thượng, chúa cho đại trùng tu chùa Thiền Lâm ở gần phủ Dương Xuân là cung điện mùa đông của chúa. Thiền Lâm từ một cái cốc ba gian lợp bạch ma, trở thành một tòa phương trượng với 5 gian gồm 32 cột, bốn mặt đều có hành lang.

Chúa Nguyễn Phúc Chu khi tới giới đàn đã quá khâm phục mà nói: May có Lão Hòa thượng tới đây mới được thấy pháp môn quảng đại trang nghiêm như vậy.

Năm 1710, Quốc chúa cho đúc Đại Hồng Chung tại chùa Thiên Mụ, nặng “tam thập nhị bách bát thập ngũ cân” (3.285 cân, tức gần 2 tấn). Trên chuông ghi “Vĩnh Thịnh lục niên tuế thứ Canh Dần tứ nguyệt”, tức tháng 4 năm 1710.

Đến năm 1714, Quốc chúa lại cho đại trùng tu chùa Thiên Mụ với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền… mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Quốc chúa còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2,60m, rộng 1,2m). Ở đầu bài văn bia có ghi: 國 主 阮 福 週 嗣 洞 上 正 宗 三 十 世,   法 名 興 龍,   號 天 縱 道 人 鼎 建 順 化 天 姥 寺 碑 記 銘 – “Quốc chủ Nguyễn Phúc Chu tự Động Thượng chính tông tam thập thế pháp danh Hưng Long hiệu Thiên Túng Đạo Nhân đỉnh kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tự bi kí minh…”

Ở cuối tấm bia có bài thơ của Quốc chúa, nội dung không chỉ nói lên tư tưởng sùng Phật, tôn Nho (Cư Nho mộ Thích, Nho Thích đồng ban), mà còn phản ánh lòng tự hào và tình cảm với quê hương đất nước, xin giới thiệu nguyên văn: Việt quốc chi nam hề giai thủy giai sơn/ Bảo sát chi tráng hề nhật chiếu thiền quan/ Tính chi thanh tịnh hề khê hưởng sàn sàn/ Quốc chi điện an hề tứ cảnh u nhàn/ Vô vi chi hóa hề nho thích đồng ban/ Kí tư thắng khái hề nhân quả hồi hoàn/ Kiến tiêu lập đích hề thành tồn tà nhàn: 越國之南兮, 佳水佳山/ 寶剎之壯兮, 日照禪關/ 之清淨兮, 溪響潺潺/ 國之奠安兮, 四境幽閒/ 無為之化兮,  儒釋同班/ 記茲勝概兮,  因果迴還/ 建標立的兮,   誠存邪閑

Bản dịch trong Hải ngoại kỷ sự:

Miền nam nước Việt Nam ta,

Non sông gấm vóc thật là xinh tươi.

Ngôi chùa hùng tráng bên trời,

Vừng dương rực rỡ rạng soi cửa thiền.

Tính thường thanh tịnh tự nhiên,

Suối tuôn róc rách lượn bên chốn này.

Nước nhà bình trị lâu ngày,

Cõi bờ lặng lẽ cỏ cây u nhàn.

Vô vi cảm hóa chứa chan,

Rừng Nho cửa Thích cùng ngang tôn sùng.

Chép ghi tóm tắt đôi dòng,

Lẽ mầu nhân quả theo vòng chuyển xoay.

Dựng tiêu lập đích cho ngay,

Chân thành giữ lại tà tây bỏ trừ. 

Trong đại điện của chùa còn có bức hoành phi lớn với thủ bút của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, đề 4 chữ “靈 鷲 高 峰- Linh Thứu cao phong”, “甲午年孟夏穀日,  國主天縱道人題 – Giáp Ngọ niên mạnh hạ cốc nhật, Quốc Chủ Thiên Túng Đạo Nhân đề” (tháng 4 âm lịch năm 1714), từ đó có thể ước đoán là đại điện hoàn thành trước khi dựng bia (tháng 10-1715) gần một năm rưỡi. Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sanh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ”.

Năm 1715, chúa lại cho trùng tu chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Năm 1721, lập chùa Giác Hoàng…

Chưa bao giờ Phật giáo Đàng Trong được lưu tâm hộ trì đến thế. Cuối đời chúa Nguyễn Phúc Chu cuộc Nam – Bắc phân tranh đã chấm dứt, trong cõi yên ổn, nhân dân quy tụ đông đúc, cảnh tượng thật thái bình…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, NXB Thuận Hóa, Huế, 1995.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Phạm Trọng Ðiềm dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992.

3. Đỗ Đức Hùng – Nguyễn Đức Nhuệ - Trần Thị Vinh – Trương Thị Yến, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), NXB Giáo dục, H, 2001.

4. Trần Đình Sơn, Quốc chúa Nguyễn Phước Chu, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 52 (ngày 1/3/2008).

5. Nguyễn Đắc Xuân, Chín đời vua mười ba đời chúa Nguyễn, NXB Thuận Hóa, Huế, 1998.



* Thạc sĩ, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 40
    • Số lượt truy cập : 6705216