Thông tin

QUỐC TỰ PHẬT TÍCH, NHỮNG ĐIỀU CẦN THẢO LUẬN

 

TRẦN ĐÌNH SƠN

 

Phật Tích là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng của đất nước đã tồn tại gần 1000 năm. Từ năm 1937 - 1940 trường Viễn Đông Bác Cổ đã tổ chức khai quật nền chùa để nghiên cứu. Kết quả phát hiện được nhiều cổ vật điêu khắc bằng đá rất quý hiếm, tiêu biểu cho nền mỹ thuật thời Lý. Tiếp theo, các học giả như Trần Trọng Kim, L.Bezacier, Nguyễn Bá Lăng, Chu Quang Trứ đã công bố nhiều bài nghiên cứu về Phật Tích. Tuy nhiên chúng tôi sau khi đối chiếu, tìm hiểu tư liệu thấy vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận sâu hơn .

1. Về niên đại xây dựng tháp, chùa

Phần lớn các nhà nghiên cứu căn cứ theo văn bia Vạn Phúc đại thiền tự bi được khắc vào năm Chính Hòa thứ 7 (Bính Dần - 1686) ghi : “Vua thứ ba nhà Lý , niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư [Đinh Dậu – 1057] ra lệnh xây bảo tháp cao 10 trượng dựng tượng Phật thân vàng sáu thước…” (Lý gia Hoàng đế đệ tam, Long Thụy Thái Bình niên tứ, hưng tạo bảo tháp trượng thập , trúc kiến kim thân xích lục…).

Trong cuộc khai quật khảo cổ học 1937 - 1940 phát hiện được những viên gạch có minh văn: Vua thứ ba nhà lý niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư - 1057 làm (Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo). Hoặc ghi: Vua thứ ba nhà Lý, niên hiện Chương Thánh Gia Khánh thứ bảy [1065] làm. “ (Lý gia đệ tam đế, Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo ).

Dựa vào các cứ liệu trên các nhà nghiên cứu xác định thời điểm xây dựng chùa Phật Tích là năm 1057 triều vua Lý Thánh Tông. Tuy nhiên, căn cứ vào sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) bản in Nội các quan bản - năm Chính Hòa thứ 18 – 1697 ghi : “Năm Bính Ngọ, Long Chương thiên tự thứ nhất [1066] tháng 9 mùa thu vua sai lang tướng Quách Mãn tổ chức xây tháp tại núi Tiên Du” (Bính Ngọ, Long Chương thiên tự nguyên niên, thu cửu nguyệt mệnh lang tướng Quách Mãn kiến tháp Tiên Du sơn).

ĐVSKTT ghi tiếp: “Năm Tân Hợi niên hiệu Thần Vũ thứ ba [1071] mùa xuân tháng Giêng vua viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước khắc bia để tại chùa Tiên Du” (Tân Hợi tam niên xuân chính nguyệt, Đế thư Phật tự bi, trường trượng hữu lục xích lưu vu Tiên Du tự).

Như vậy cứ theo ĐVSKTT thì tháp thờ Phật được vua Lý Thánh Tông giao cho lang tướng Quách Mãn chỉ đạo xây dựng ở núi Tiên Du vào năm Bính Ngọ [1066]. Tương truyền bảo tháp này rất cao, đứng ở kinh thành Thăng Long vẫn trong thấy. Có thể mấy năm sau, khi xây tháp xong vua mới cho lập chùa và ngự đến viết chữ Phật lớn khắc vào bia đá năm 1071. Chúng tôi nghĩ niên đại ghi trong ĐVSKTT đáng tin và hợp lý hơn niên đại 1057. Lý do:

- Năm 1057 vua Lý Thánh Tông đang cho xây dựng đại công trình bảo tháp Báo Thiên tại kinh đô Thăng Long. Việc này được ĐVSKTT ghi rõ: “Niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư năm Đinh Dậu [1057] mùa xuân tháng Giêng vua cho xây bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên cao vài chục trượng, 12 tầng”. Sử ký không hề ghi trong năm này cùng xây dựng bảo tháp ở Tiên Du ( Phật Tích ).

- Về niên đại ghi trên các viên gạch theo chúng tôi điều đó chỉ xác định loại vật liệu kiến trúc các công trình lớn do triều đình chủ trương làm. Loại gạch này còn được phát hiện tại một số di tích khác, gần đây trong cuộc khai quật khảo cổ học thành Thăng Long .

2. Pho tượng Phật bằng đá tại Phật Tích

Theo nhà nghiên cứu L.Bezacier (L’art Vietnamien, Paris - 1954 ), kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng (Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, SG. 1971), họa sĩ Trịnh Quang Vũ (Lược sử mỹ thuật Việt Nam, HN. 2009), xác nhận đây là tượng đức Phật A Di Đà.

Tuy nhiên, trước đó nhà sử học, Phật học danh tiếng Trần Trọng Kim nghiên cứu xác định đây là tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni (tức Phật Thế Tôn). Sau này nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ có phân tích pho tượng Phật này với các pho tượng Phật thuộc đời Lý để so sánh với các pho tượng thuộc các triều đại về sau và cũng đồng quan điểm với Trần Trọng Kim[1].

Chúng tôi tán thành nhận định pho tượng Phật đá thời Lý tại chùa Phật Tích vốn là tượng độc tôn thờ trong bảo tháp là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Điều này phù hợp với tư tưởng Phật giáo Thiền Tông và ảnh hưởng mỹ thuật Phật giáo Đông Nam Á phát triển vào thời Lý.

3. Tên tháp và chùa

Hiện nay tên chùa phổ biến là Phật Tích, trong văn bia khắc vào thời Chính Hòa 1686 tên chính thức là Vạn Phúc. Nhưng theo Đại Việt Sử Ký toàn thư ghi là chùa Tiên Du, tên này vẫn được các văn thi gia thời Trần sử dụng. Như vậy tên chính thức của tháp và chùa từ thời Lý là gì?

Phải chăng tên gọi Vạn Phúc đại thiền tự chỉ xuất hiện sau khi tháp bị sụp đổ và được bà Vương phủ nội cung tần Ưu bà di đệ, nhất chiêu nghi Trần Thị Ngọc Am, thụy hiệu Pháp Giới và hoàng gia thời Lê Trịnh trùng tu xây dựng ngôi chùa trên nền tháp cũ của thời Lý?

Trải qua 1000 năm chùa Phật Tích bao lần hưng phế, những công trình kiến trúc chùa tháp cổ không còn nữa, nhưng may mắn di tích này đến nay vẫn lưu giữ được những di sản văn hóa quý hiếm, đặc biệt nhất của thời Lý. Do đó, cần phải cẩn trọng bảo tồn để nghiên cứu và phát huy giá trị cho hậu thế chiêm ngưỡng cảm nhận được quá khứ vẻ vang của đất nước. 



[1] Xem Tượng cổ Việt Nam. Nxb. Mỹ thuật.  HN. 2001.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 83
    • Số lượt truy cập : 6952549