RÍU RÍT TIẾNG CHIM
RÍU RÍT TIẾNG CHIM
ĐẶNG HÙNG ANH
Nghe bà nội của Hương mở lời đồng ý, cả nhóm reo lên.Thằng Thao nhảy lưng tưng trên sân một hồi rồi đưa tay ra hiệu kết vòg tròn. Thấy vẻ nhiệt liệt của nó, mấy đứa bị cuốn theo nắm tay nhau rồi hát vang, quên mất đây là đâu. Thật ra, việc mượn hiên trước ngôi nhà bà nội của Hương để làm vườn Lâm Tỳ Ni đã được bà đồng ý từ hôm trước. Hương giữ kín, đợi các bạn đến đây nghe bà nói rồi cùng nhau bàn công việc luôn thể. Để chào mừng lễ Phật đản, nhà chùa phát động thiết kế vườn Lâm Tỳ Ni tại nhà. Ban huynh trưởng cũng ở trong ban tổ chức, thi đua nên khuyến khích các em làm. Xét điều kiện, hoàn cảnh của mình chưa được nên Hương không đăng ký. Ở đây là vùng ngoại ô, xa trung tâm thành phố. Số đông đoàn sinh Gia đình Phật tử nơi Hương sinh hoạt ở quanh khu vực chùa trong. Cũng may là cùng ngành Oanh có bốn bạn gần nhà. Tất cả cùng bậc và cùng chung khối lớp ở trường. Hai bạn gái thì ở gần nhà Hương, hai bạn trai thì xa hơn một tí nhưng chung đường. Rồi một hôm gặp nhau lúc tan trường, bàn phải làm một cái gì đó để mừng Phật đản. Khi bàn chuyện làm nơi Phật đản sinh, trước hết phải tìm cho được địa điểm rồi mới tính tiếp. Điểm lại mấy nhà chỉ thấy nhà bà nội của Hương là thích hợp, rồi giao cho Hương việc hỏi xin... Nhà bà cách nhà ba má Hương một khoảng vườn, xây bằng gạch đã cũ nhưng chưa trát xi - măng. Trước thềm nhà trên có mái che bằng tôn rộng khoảng ba mét rất ổn khi mưa nắng. Các bạn bầu Hương làm Nhóm trưởng. Hương vào đề ngay:
- Mặt trước của nhà là 5m, ta thiết kế khu vườn rộng bao nhiêu? Ta nên đặt ở giữa hay một bên hay ở giữa, cao hay thấp? Công nói trước:
- Theo tôi, nên đặt ở giữa, nhìn vào thấy cân đối mới đẹp.
Liên không chịu, giọng vẫn nhỏ nhẹ:
- Ở giữa tuy là trung tâm nhưng không tiện. Trong nhà có bàn thờ Phật, dịp lễ lại cần được mở ra cho quang đãng, hơn nữa, bà và khách khứa còn ra vào. Ta nên làm về phía bên phải, chiếm chừng 2m.
Thao nói rổn rảng:
- Tôi đồng ý với bạn Liên nhưng khu vườn phải rộng thêm, Muốn thế phải đặt dưới đất rồi trải thảm xanh. Nhìn quanh không ai nói.
Diệu lên tiếng:
- Khu vườn nên đặt trên cái bàn, tuy rộng vừa phải nhưng trang nghiêm hơn.
Bàn một hồi, Hương gút lại như sau:
- Khu vườn được thiết kế phía bên phải mặt trước ngôi nhà, trên cái bàn hình chữ nhật, ở giữa có tượng Phật đản sinh, sau có tấm băng rôn, hai bên có chậu cảnh. Rồi còn bao nhiêu chuyện phải tính như: cái gì cần mua, cần mượn hay tự làm. Phân công rõ ràng, ai nhận việc nào phải làm tốt, có sàng kiến tô điểm thêm càng hay. Tất cả nhất trí cao và đưa ra mốc thời gian để hoàn thành. Nhìn mấy đứa nhỏ xúm nhau bàn chuyện mừng ngày Phật đản, bà tỏ ra vui lắm. Đem dĩa bánh và bình nước ra bảo các cháu dùng cho vui rồi bà cùng người bạn đi lên phía chùa.
Ngôi chùa mà nội của Hương thường lui tới lễ Phật ở gần nhà, khoảng mươi phút đi bộ. Chùa này dáng vẻ cổ kính, có đông đạo hữu nhưng không có GIA ĐÌNH PHẬT TỬ.
Thuở thơ bé, Hương cũng từng được bà dẫn tới nơi đây. Gặp cảnh đẹp người hiền, Hương rất thích. Trước bàn thờ Phật, Hương thành tâm dâng lên những ước mơ non nớt của mình. Giờ đây, Hương sinh hoạt trong mái Nhà Lam ở chùa xa hơn, chừng bốn cây số, được cái là tiện đường ô tô buýt. Đường đến chùa cũng là đường đến trường cấp 2 gần đó. Hương vào ngành OANH mới vài năm nay, đã qua bậc CHÂN CỨNG và đang tiếp tục tu học bậc TUNG BAY
Nhà của Hương chỉ có bà nội, má và Hương là đi chùa,lễ Phật. Bà nội đi chùa trước, sau đó rủ má đi cùng. Dạo đó, hoàn cảnh gia đình khốn khó, lùng bùng không lối thoát. Ba của Hương làm ăn xa, thất bại liên tiếp, biền biệt không về lại đồn có bồ nhí. Má thì buôn bán ế ẩm, chơi hụi bị bể rồi vay nặng lãi trả không kịp bị hành hung. Chú Ba mới du học nước ngoài, cô Út còn học cấp 3, cả hai đều gắng làm thêm để tự trang trải. Em của Hương thì còn bé. Kinh tế gia đình lúc đó chỉ còn trông cậy vào lò bánh tráng của nội thôi. Có người bạn đến chơi, biết tình cảnh như thế tìm lời an ủi. Khuyên nên đi chùa, tu tâm tích đức, cầu xin chư Phật gia hộ rồi điều dở sẽ lui, điều hay sẽ tới. Từ đó, nội theo bà con đến chùa. Từ ngày đi chùa, tính tình bà dịu dần. Trước kia, bà hay cáu gắt, gặp việc không vừa ý là nổi nóng, chửi chẳng từ núi cao, đất thấp là gì. Má của Hương cũng không nhịn, nhiều lần hai người gây gổ với nhau gây ra không khí bực bội trong nhà. Hương đến ngủ với bà, má không cấm nhưng cả hai đều làm mặt lạnh. Nhờ đi chùa mà má và bà làm lành trở lại. Hai mẹ con cùng nhau sớm hôm làm lụng vượt qua cơn khốn khó.
Từ ngày cô Út đậu đại họ, bà ăn chay thêm hai ngày nữa trong tháng là bốn ngày, mẹ cũng làm theo. Rồi học được một năm, cô Út lại được người bà con cho ở trọ cũng đỡ. Hôm đi chơi với cô Út, Hương được xem GIA ĐÌNH PHẬT TỬ sinh hoạt. Với, đồng phục màu áo lam, các anh chị cùng các em ca hát, làm trò chơi thật hào hứng, trông ai cũng vui vẻ dễ thương. Trong vòng tròn thân ái đó có mấy bạn học của Hương, cô Út cho biết tổ chức này là nơi thích hợp để lớp trẻ hoc tập rèn luyện thành một Phật tử chân chính. Hương rất thích vào nhưng má không cho, bảo tốn kém và chi phối việc học. Sau nhiều lần xin má không được, Hương đem nói với bà. Bà bảo má cho nó đi để học hỏi, mở mang đầu óc. Rồi chính bà may cho bộ đồng phục.
Những lần mới sinh hoạt trong GIA ĐÌNH PHÂT TỬ, Hương rất bỡ ngỡ: kinh kệ chưa thuộc, trò chơi chưa rành... Nhờ các anh chị Trưởng gần gũi, tận tình chỉ bảo, các bạn sẵn sàng truyền lại những điều đã biết, nên chẳng bao lâu Hương đã quen dần nề nếp và dạn dĩ hơn. Xét độ tuổi, ban Huynh trưởng xếp Hương vào học bậc CHÂN CỨNG. Mỗi bậc đều có chương trình học tập bài bản... Lúc ở ngoài, Hương cứ tưởng vào Đoàn chỉ lạy Phật rồi ca hát vui chơi đâu biết có thêm học Phật pháp, học chuyên môn với những điều ý nghĩa và thú vị. Thấy Hương sớm rành vi tính, một anh Huynh trưởng lớn tuổi khen giỏi rồi quay ra nói: Các em bây giờ có nhiều thuận lợi như đất nước an bình, nhiều phương tiện tân tiến hỗ trợ như cái máy vi tính này... mà các anh chị thời trước không có được.Mong các em biết phát huy... Thật ra, lúc đầu mới đi sinh hoạt Hương thấy lấn cấn việc học ở trường, việc ở chùa nên rất mệt, có lúc không thuộc bài. Rồi Hương rút kinh nghiệm, sắp xếp công việc một cách khoa học nên không phí thời gian và vẹn cả đôi bên. Được cô giáo chủ nhiệm nhận xét: Hương dạo rày tỏ ra lanh lợi và có tinh thần tập thể cao
Hè năm ngoái chú về được một tuần thì ba cũng về. Thật là chuyện vui kế tiếp chuyện vui. Học xong, chú về làm việc ở thành phố và ở trọ trên đó. Ba về thì tay không, qua bao sự cố còn giữ được tấm thân mạnh khỏe là mừng rồi. Ba cho là mình lắm lỗi lầm. Khi được biết lúc gia đình túng thiếu, buồn khổ hai mẹ con đến cửa Phật sám hối, cầu nguyện tìm chỗ dựa tinh thần, nương tựa nhau mà sống, ba rất cảm động. Càng thương mẹ, thương vợ con bao nhiêu; ba càng trách mình bấy nhiêu. Nghỉ chừng ít ngày, ba lại sửa sang nhà cửa, chăm sóc rẫy vườn. Ba rất quý chùa, dù chưa theo đạo nhưng biết chùa có việc gì cần mà vừa sức là xin làm tận tụy. Mỗi lần về thăm nhà, ngoài việc thăm hỏi bà, chú thường ngồi nói chuyện với ba chứ ít đi đâu. Ba cũng chưa có việc gì ổn định. Khi hai người ngồi lai, ngoài chuyện làm ăn còn nói chuyện đạo. Chú nói có lớp có lang, ba ngồi nghe chăm chú thỉnh thoảng chau mày. Hương ngạc nhiên, không hiểu vì sao chú không theo đạo Phật lại biết nhiều về đạo Phật như thế. Khi lên chú chơi, thấy trong kệ sách có nhiều sách Phật giáo, Hương mới vỡ lẽ.
Có một chuyện mà Hương còn giấu bà. Ngày Tết, bà thường đến chùa lễ Phật rồi tạt qua gần đó xin xăm, coi hạn. Đến mùng tám tháng Giêng bà đi cúng sao và dẫn Hương đi theo. Khi đi, bà đem theo tờ giấy có ghi tên tuổi những người trong nhà để trình. Bà nói có năm tốt, có năm xấu. Người này người khác làm sao biết hết. Thôi thì cúng ngừa, cúng dôi để trừ hao cho chắc ăn, để yên giấc ngủ. Nghĩ bà vì con vì cháu mà quỳ đội sớ cầu xin, Hương thương lắm. Cúng xong, Hương được ăn một chén chè lộc ngọt ơi là ngọt. Biết chuyện, chú dửng dưng. Ngày mùng tám năm nay, bà chuẩn bị đi cúng sao thì chú xẹt đến nói là mắt của Hương có dấu hiệu bị bệnh không chịu được khói nên phải chở đi khám gấp. Thật ra thì chú chở Hương đi chơi chớ có khám khiếc gì. Rồi một hôm, nghe ba và chú to tiếng. Hương nghe loáng thoáng là chú không thích bà làm vậy. Ba nói gì đó thì chú oang oang:
- Nếu anh không dám nói thì để tôi nói.
Ba gằn giọng:
- Tôi cấm chú! Chú nghĩ kỹ đi! Thời gian gia đình chao đảo, chú ở đâu? Tôi ở đâu? Nhờ nương cửa Phật mà hai người đàn bà yếu đuối đó gượng dậy được, đùm bọc nhau mà chèo chống gia đình. Chú biết nhiều hơn tôi nhưng chưa chắc nói lọt tai ai đâu. Chuyện hay, chuyện dở liệu nói đúng lúc chưa? Nói không khéo làm người nghe suy sụp lại không có cách khác để đỡ lên thì thật là tai hại. Mẹ già rồi không còn bao lăm hơi. Hiện giờ, mẹ có tinh thần vui vẻ, hướng thiện là quý rồi. Chuyện nghe được, Hương chưa kể với bà nhưng không biết có nên kể cho bạn nghe không?
Sáng chủ nhật, nhằm ngày 12 tháng tư âm lịch, còn ba hôm nữa là đến Đại lễ Phật đản. Việc làm vườn Lâm Tỳ Ni cơ bản hoàn thành. Các bạn trong nhóm đến đây để xem công trình mình làm cần gì bổ sung không và hẹn từ đây cho đến rằm, cứ tối đến là về đây sinh hoạt. Thầy và các anh chị trong ban thi đua đang đi chấm ở khu vực trên. Nhóm của Hương không đăng ký nên ban không biết. Hương nghĩ có được khen tặng cũng vui nhưng không có cũng không sao miễn là mình làm được cái gì đó mừng Đại lễ được rồi...
Nhưng còn giấu các anh chị? Có mắc lỗi gì không? Rồi Hương nghĩ tới chuyện giấu bà hôm trước, có là dối trá không? Kể lại với bà có nên không? Hương cảm thấy bứt rứt không yên, bèn đem kể cho các bạn nghe. Các bạn mỗi người một ý. Có bạn nói nên ngăn ông chú. Có bạn hỏi: đó có phải là mê tín không? Có bạn nói không nên làm bà buồn. Có bạn nói để hỏi người lớn. Các bạn cãi um sùm, quên trời, quên đất. Bỗng có tiếng người, cả nhóm nhìn lên thấy bà và mấy người bạn già đi vào... Một bạn nói: Thôi chuyện này còn dài, giờ nói chẳng đến đâu. Các bà vào. Xem kìa, chúng ta đứng dậy chào hỏi. Các bà nhìn khắp, một bà nói:
- Các cháu tranh luận gì mà sôi nổi thế? Các cháu làm đẹp lắm đó!
Nội của Hương tiếp lời:
- Các cháu đây mỗi lần gặp nhau là ríu rít như chim vậy...
Chuông điện thoại reo. Chị Đoàn trưởng điện xuống cho biết một tin vui: chiều nay lúc 17h 30 ban thi đua sẽ ghé thăm một lát. Các em vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, bảo nhau có mặt sớm. Đến giờ, hai chiếc xe đi tới, đậu sát vào mé vườn. Một xe chở ban thi đua có thầy và anh chị Trưởng. Một xe lớn hơn chở một ít đoàn sinh ngành Thiếu, ngành Oanh. Hàng ngũ Áo Lam, sau tiếng hô: Phật tử - Sẵn đã chỉnh tề trước Vườn thiêng lung linh ánh đèn.Tất cả mọi người đảnh lễ trước tượng Phật đản sinh sáng ngời. Thầy và các anh chị xem xét một hồi rồi nói lời động viên, khen ngợi. Thầy nói:
- Các con ở đây thật đáng khen. Thầy sẽ trao cho nhóm một giải đặt biệt. Rồi vòng tròn người nhún nhảy giữa sân, trò chơi được diễn ra dưới ánh điện tưng bừng. Bà con cô bác đứng vây quanh. Ba và bà nội cũng đã có mặt từ lúc nào. Tiếng hát lại vang lên:
- Thành Ca Tỳ La sống yên vui thời Tịnh vương
Người, người vui sướng Thích Ca ngài vừa ra đời...
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
Bình luận bài viết