SẮC TỨ MINH THIỆN TỰ - DANH LAM CỔ TỰ
THUỘC PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN TẠI TỈNH KHÁNH HÒA
Nhà giáo NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LOAN
Ủy viên Ban Chấp hành
Hội Cựu giáo chức Phước Tiến
Lời dẫn nhập
Bắt đầu từ thị trấn Diên Khánh chún ta đi về hướng Tây, qua khỏi cửa Đông, rồi cửa Tây, đi dọc theo Tỉnh lộ 2 khoảng 3 km, rẽ vào hương lộ bên trái khoảng 100m là đến chùa Sắc Tứ Minh Thiện. Đây là ngôi chùa cổ có gần 350 năm tuổi, đây không chỉ là một danh thắng, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng quê Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, mà còn lưu dấu một già lam cổ kính của Hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam tại tỉnh Khánh Hòa.
1. Giữa dòng chảy lịch sử
Trong lịch sử dân tộc Việt, Khánh Hòa chính thức trở thành đất đai Đại Việt từ năm 1653, mảnh đất nằm ở vùng duyên hải miền Trung, miền thùy dương cát trắng với những hàng dừa xanh tít tắp, bờ biển ngút ngàn, nơi nổi danh là xứ trầm hương.
Từ giữa thế kỷ XVII (1653), vùng đất Nha Trang thuộc Nam Trung bộ này đã trở thành một phần lãnh thổ của nước ta. Theo Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát: “Bia Võ Cạnh tìm thấy tại làng Võ Cạnh ở Nha Trang, thường được các nhà nghiên cứu xác định là xuất hiện vào thế kỷ thứ II sau dương lịch viết bằng chữ Phạn. Phạn văn trở thành một ngôn ngữ được khắc trên đá từ thời ấy, ghi lại nền văn minh Ấn Độ lúc bấy giờ chủ yếu là đạo Phật”.
Trước khi vùng đất Khánh Hòa thuộc về Đại Việt, thì Phật giáo đã có mặt tại Khánh Hòa hơn mười bốn thế kỷ trước. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cũng như các bộ sử Đại Nam Thực Lục, trong đó sách “Đại Nam Nhất Thống Chí, Việt Nam Sử Lược do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, đều ghi: “Tháng 4 năm Quý Tỵ thứ 5 (1653) đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế (húy Nguyễn Phúc Tần), vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn đất Phú Yên. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hoàng Lộc Hầu làm Tổng binh và Xá Xai Minh Võ Hầu làm Tham mưu đem ba ngàn quân đánh trả. Nhân đêm, quân Nguyễn qua đèo Hổ Dương núi Thạch Bi thẳng đến trại Bà Tấm phóng lửa đốt phá. Bà Tấm thua chạy, sai con là Xác Bà Ân nộp lễ xin hàng. Chúa Nguyễn để từ sông Phan Rang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Rang trở ra lấy làm phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Diên Khánh (Khánh Hòa bây giờ). Đặt dinh Thái Khang để Hùng Lộc làm Thái thú”.
Như vậy, đất Khánh Hòa vào giữa thế kỷ 17 đã trở thành một bộ phận trên cơ thể đất Việt. Nói cách khác, từ năm 1653 người Việt Nam đã bắt đầu sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất Khánh Hòa. Điều đó cũng có nghĩa là đạo Phật mang tinh thần dân tộc Việt đã có mặt tại Khánh Hòa vào năm 1653, bởi vì bất kỳ ở đâu, khi một cộng đồng dân cư đến ở đồng thời cũng mang theo truyền thống văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán.
2. Uy nghiêm Minh Thiện tự
Chùa Sắc Tứ Minh Thiện, còn gọi là chùa Phật Lớn, bởi vì ngày xưa trong vùng này chỉ có tượng Phât Thích Ca được tôn thờ ở chánh điện chùa Sắc Tứ Minh Thiện là lớn nhất huyện Diên Khánh.
Chùa Minh Thiện ngày xưa trên núi Bút Sơn, làng Thanh Truyền, phủ Diên Ninh, dinh Thái Khang (địa chỉ hiện nay là thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), Hiệp Đức Hầu - Nguyễn Phước Chiểu kiến lập vào khoảng năm 1673 (Quý Sửu), vào đời vua Lê Huyền Tông, năm thứ 10, là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Khánh Hòa. Như vậy chỉ sau 20 năm chúa Nguyễn Phúc Tần mở đất Khánh Hòa (1653) thì chùa Minh Thiện đã có mặt.
Chùa thay đổi vị trí nhiều nơi, mỗi nơi đều còn để lại dấu tích ghi đậm nét trang lịch sử Minh Thiện như: Núi Bút, Hòn Ngang (còn gọi là Hòn Tháp, nơi tôn trí tháp Tổ khai sơn), Xóm Đồng (còn gọi là Xóm Chùa), Bến chùa (nơi xí nghiệp Gỗ Việt Đức hiện nay)…
Hiệp Đức Hầu - Nguyễn Phước Chiểu còn có tên là Thuần, ngài là con của chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ở Đàng Trong. Ngài thọ giáo theo học Phật pháp với Tổ Viên Khoan - Đại Thâm. Sau cuộc chiến Trịnh - Nguyễn đẫm máu, Hiệp Đức Hầu càng hiểu rõ lý vô thường của đạo Phật. Vì vậy, ngài quyết chí từ quan xuất gia tu hành. Trong những ngày vân du về phương Nam, khi đến phủ Quy Nhơn ở tỉnh Bình Định, Hiêp Đức Hầu có nhân duyên gặp Hòa thượng Giác Phong. Hòa thượng Giác Phong nhận thấy Hiệp Đức hầu thành tâm cầu đạo và có lòng muốn độ chúng sinh nên khen tặng ông bảy chữ: “Tôn Nhơn Tự Giác, Giác Hàm Sanh” và truyền cho bài kệ:
“Phước Chiểu liên hoa diệu
Thiền gia ngọc bát hương
Vĩnh truyền ngô tống ấn.
Chánh pháp thạnh Nam phương”.
Từ đó Hiệp Đức Hầu - Nguyễn Phước Chiểu lấy hiệu là Giác Sanh Thiền Hòa Tử, ông tiếp tục vân du tu học. Đến trấn Bình Khang (tỉnh Khánh Hòa ngày nay) Giác Sanh Thiền Hòa Tử thấy ngọn núi Bút Sơn nằm bên bờ sông Cái, cảnh trí thích hợp cho việc tu hành nên dựng tích trượng tại đây, lập am tranh tu thiền, hoằng dương đạo pháp. Tài đức của Giác Sanh Thiền Hòa Tử làm cho nhiều người kính phục, danh tiếng đồn xa, các quan chức và dân chúng khắp nơi nghe danh đã dến tham học và quy y rất đông. Để có chỗ tiếp Tăng độ chúng, hoằng pháp lợi sanh, Thiền sư Giác Sanh bỏ am tranh và xây dựng thảo am nơi đây thành một ngôi chùa lớn lấy tên là Minh Thiện.
Trong sách Bình Khang thắng tích do quan Cai bạ Nguyễn Đình Xuân viết năm Tân Dậu (1740) cho biết, tên chùa Minh Thiện là do Tổ Giác Sanh lấy ý từ sách Đại học của Khổng Tử: “Đại học chi đạo tại Minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí Thiện”, nghĩa là người học đạo của Thánh hiền phải sửa mình cho được sáng suốt, đức sáng giáo dục mọi người tiến tới tốt đẹp. đến chỗ rốt ráo là rất hiền lành.
Chùa Sắc Tứ Minh Thiện được phong sắc tứ vào đời vua Lê Cảnh Hưng nguyên niên (1740), sau 70 năm khai sơn kiến tạo.
Sau nhiều lần thay đổi vị trí chùa, do biến động của thiên nhiên, năm 1892 (Nhâm Thìn) đời vua Thành Thái năm thứ tư, chùa được xây dựng trên vị trí hiện nay là thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, do Tổ Phổ Quang kiến lập.
Ngôi chánh điện chùa Sắc Tứ Minh Thiện trang nghiêm như hiện nay được đại trùng tu vào năm 1968 (Mậu Thân), dưới đời Hòa thượng trụ trì Thích Huệ Đăng (tức thiền sư Trí Minh).
Đúng là:
Minh bảo ngự đường trung, đăng chúc huy hoàng hưng chánh giáo
Thiện nhân triêu điện thượng lễ cầu thành kính hiển chân tâm
Sau năm 1975, Thượng tọa trụ trì Thích Thiện Thông kế thừa tiếp tục trùng tu cổng tam quan, Tổ đường, Đông lang, Tây trúc, phương trượng trụ trì, giảng đường, Tịnh Độ đạo tràng, tháp chuông, tượng đài Đức Quan Âm, vườn Nai (Lộc Uyển) và tháp Tổ…
3. Các câu đối tại chùa
Trước chùa, cổng tam quan sừng sững, uy nghi, kiểu cách trang nhã, màu sắc hài hòa. Trên cổng tam quan có treo biển chùa Minh Thiện. Mặt ngoài có câu đối:
Tự viện trang nghiêm hoàn thỉnh tề lâm phò chánh pháp.
Môn quan thanh tịnh tín Tăng câu hội hộ nhân gian.
Mặt cổng tam quan có câu đối:
Minh đức viên dung hóa độ chúng sanh vô lượng, vô biên, vô số kiếp.
Thiện duyên thị hiện tùy cơ thuyêt giáo đại hùng, đại lực, đại từ bi.
Vào trong cổng chùa là tượng đài Đức Quan Thế Âm Bồ tát tay cầm tịnh bình và nhành dương liễu được tôn trí giữa hồ sen, tạo nên cảnh sắc thanh tịnh, trang nghiêm, đang dõi mắt nhìn xa xăm như nguyện cứu khổ cứu nạn cho dân lành ở làng quê Thanh Minh, Diên Lạc.
Ngôi chánh điện Minh Thiện uy nghi, hai bên có cổ lầu, lầu chuông và lầu trống, góc mái uốn cong, bốn góc có giao long uốn lượn. Trên nóc mái có lưởng long chầu nguyệt. Trước hiên có bức hoành phi: “Sắc Tứ Minh Thiện”, bên tay phải hoành phi ghi “Hoàng Triều Cảnh Hưng, Nguyên Niên Sắc Phong”, bên tay trái ghi “Mậu Thân Niên Kiết Nhựt Trùng Hưng”, phía dưới “Minh Thiện Tự Trụ Trì Hiệu Huệ Đăng Tạo”, cho ta biết chùa được phong sắc tứ vào thời vua Lê Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740), chánh điện được Hòa thượng trụ trì Thích Huệ Đăng đại trùng tu vào ngày lành năm Mậu Thân (1968).
Tại đại hùng bửu điện, trên bệ thờ Đức Thế Tôn, tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi kiết già trên tòa sen. Chính giữa chánh điện là bức hoành phi: “Giác Hoàng Điều Ngự”
Hai bên là câu đối:
Tuyết Lãnh cửu tu chân phước huệ dung thông tam giới thiên nhân đồng kính ngưỡng.
Kỳ Viên tuyên diệu pháp từ bi hỷ xả thập phương đàn tín tịnh quy y.
Hai bên chánh điện, một bên là bàn thờ Đức Quán Thế Âm, Quan Thánh Đế Quân và một bên là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ tát. Sau chánh diện là Tổ đường thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma và long vị của chư vị Tổ sư tiền bối nơi ghi đậm dấu ấn của chư vị Tổ sư đã khai sơn, nối tiếp truyền thừa cho đến ngày nay.
Ở trên bàn Tổ là bức hoành phi: “Truyền Đăng Tục Diệm”, hai bên bàn Tổ với câu đối:
Tổ đức lưu phương ngộ chỉ nhất hoa khai ngũ diệp.
Tông phong vĩnh chấn y bằng lưỡng túc chứng tam thừa.
Phía trước Tổ đường là bức hoành phi: “Tổ Ấn Trùng Quang” và hai bên với câu đối:
Phiền não thọ thôi liễu vạn pháp tức tâm tức Phật.
Bồ đề quả hiện ngộ nhất tâm phi sắc phi không.
Chùa Minh Thiện được khai sáng, phát triển và truyền thừa qua 13 đời trụ trì, đã hằng ghi dấu công đức của chư vị Tổ sư tiền bối dày công tô bồi, vun đắp lưu lại đến ngày nay. Trụ trì đời thứ 13 chùa Sắc Tứ Minh Thiện là Hòa thượng Thích Thiện Thông, pháp danh Như Hải, tự Thiện Thông, hiệu Kế Chánh, đời thứ 42 thuộc dòng Lâm Tế chánh tông, trụ trì từ năm 1975 đến nay.
Hòa thượng Thích Thiện Thông đã kế thừa và phát triển xây dựng toàn quang cảnh ngôi Tam bảo Sắc Tứ Minh Thiện trang nghiêm, tú lệ, rộng rãi, uy nghi, xứng danh là ngôi cổ tự, một danh thắng có niên đại khai sơn gần 350 năm tuổi, là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Khánh Hòa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Phật giáo xứ Đàng Trong (Nguyễn Hiền Đức).
2. Tư liệu viết tay của Hòa thượng Thích Huệ Đăng.
3. Toàn tập Tông phong Tổ đình Nghiã Phương.
4. Giác Ngộ online
Bình luận bài viết