Thông tin

SẮC TỨ QUAN ÂM CỔ TỰ Ở CÀ MAU

SẮC TỨ QUAN ÂM CỔ TỰ Ở CÀ MAU

HỮU CHÍ

  

Sắc tứ Quan Âm cổ tự ở Cà Mau

 

Theo các sử liệu còn lưu lại, Hoà thượng Thích Trí Tâm, tục danh là Tô Quang Xuân, quê làng Tân Duyệt (nay thuộc huyện Ðầm Dơi), được coi là một trong những người truyền thừa Phật giáo tại Cà Mau, người đặt nền móng xây dựng Sắc tứ Quan Âm cổ tự.

Sắc Tứ Quan Âm cổ tự hay Chùa Phật Tổ tọa lạc tại phường 4, thành phố Cà Mau, được xây dựng vào năm 1840.

Tương truyền, có một chàng trai còn trẻ tên Tô Quang Xuân một hôm đi lấy củi trong rừng, khi rìu bổ vào thân cây bồ đề thì bất ngờ nhìn xuống gốc cây chàng thấy lộ ra một quyển sách. Mở ra xem, chàng trai mới rõ là quyển kinh Phật. Sau khi nhận được quyển kinh, chàng mới dựng một am tranh gần bên gốc bồ đề để có nơi an định tu hành và nói lời đạo lý trong quyển kinh,... Chàng còn làm nghề xem mạch, bốc thuốc xa gần. Về sau, nhờ người dân đóng góp tài vật, chàng trai dựng được một ngôi chùa mái lá khang trang và thờ Đức Quan Thế Âm.

Thiên hạ nghe tiếng đến cầu thuốc và học đạo rất đông. Trong số những đệ tử này, có cả một con cọp dữ cũng đến để học đạo. Hiện nay, tháp của con Hổ ấy vẫn còn, đệ tử trong chùa gọi là Tháp Sư Cậu.

Tô Quang Xuân có đạo hạnh hơn người, cảm hóa được cả thú dữ, người ác thành người hiền. Nhưng chẳng may, ông mất sớm, được dân trong vùng nhập tháp và tôn kính như một vị trụ trì. Tiếc thương ông, năm 1842, vua Thiệu Trị xuống chiếu sắc phong cho ông là Hòa thượng Thích Trí Tâm, cho sửa sang ngôi chùa và sắc tứ ngôi chùa  với tên hiệu là: “Sắc tứ Quan Âm cổ tự”. Hòa thượng Trí Tâm được người dân tôn kính, xem như một vị “Phật Tổ” và do đó ngôi chùa còn được gọi là “chùa Phật Tổ”.

Từ ngoài nhìn vào, khuôn viên chùa khá rộng, không gian hài hòa. Tượng Quan Âm lớn hơn người thật đứng trên tòa sen, nhìn về Rạch Chùa.

Chùa có hai cổng.

Cổng bên trái có câu đối:

Quan sắc quán không độc thụ tây thiên khai mật pháp;

Âm vô âm hữu nhất chi đông đô thị tâm kinh.

Dịch nghĩa:

Có sắc cũng như không có sắc, một cây ở trời Tây mở ra pháp môn mật tông;

Có tiếng cũng như không có tiếng, một cành ở phương Đông cũng gọi là có tâm kinh.

Cổng bên phải có câu đối:

Cổ tháp trang nghiêm ngọc thể lâm chung hư bất tạp;

Tự cung thanh tịnh kim thân giới nội niệm thường chân.

Dịch nghĩa:

Tháp cổ đẹp, thân trong bảo tháp không hư còn mãi;

Tự thanh tịnh tấm thân ngàn vàng, niệm tâm kinh trường tồn mãi mãi.

Bản gốc Sắc tứ Quan Âm cổ tự đã bị thất lạc từ lâu, chỉ còn bản khắc trên bia đá bằng chữ Hán.

 

 Bản khắc chữ Hán ghi nguyên văn Sắc phong của vua Thiệu Trị

 

Dịch nghĩa:

CHÙA QUAN ÂM CỔ ĐƯỢC VUA SẮC PHONG

Chức Hàn Lâm viện học sĩ vâng mệnh soạn

Chiếu rằng:

Kỳ viên um tốt, trăm hoa đầy gốc đầy cành;

Hương quốc thênh thang, muôn thuở không sinh không diệt.

Mênh mông bờ nọ, từng nghe một lá vượt qua;

Bát ngát trời kia, chỉ có con thuyền tới được.

Xem viễn mà xét việc nay:

Xưa đọc sách, đã thấy ve vàng trước mắt;

Nay xem sớ tỏ, mới hay hạt trắng tung trời.

Người thiêng đất tạo mà thiêng;

Phép nước lòng cùng phép Phật.

Gấm là ân tứ, những cầu Lạc quốc vinh thân;

Hòa thượng sắc phong, nào xá bao giờ thoát xác.

Tên chùa đã rõ;

Ơn nước càng vinh.

Vui sao!

Tiên cảnh không nhơ;

Thiên đường có lối.

Phong hàm một đạo, tấm lòng sùng đạo sáng ngời;

Thêu gấm mấy hàng, ơn nghĩa triều đình tỏ rõ.

Rạng rỡ xiết bao!

Kính đấy!

Sắc ngày mồng 2 tháng Sáu năm Nhâm Dần Hoàng Triều Thiệu Trị

Năm thứ 2 (09/7/1842)

Sắc phong của Giác Linh Hòa thượng húy Tô Quang Xuân pháp danh Trí Tâm nối Dòng Lâm Tế đời thứ 37 chính tông.

Nguyễn Công Trí  dịch

Năm 1937, Hòa thượng Thiện Tường và Thiện Đức tiến hành xây dựng lại chùa có kiến trúc như ngày nay. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa. Chùa Phật Tổ có kiến trúc mái cong, lợp ngói có hình quả ấn, mô phỏng mái đình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống tượng thờ trong chùa theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, nổi bật gian giữa là tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trang nghiêm. Hiện nay, nhiều hiện vật như tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng La Hán, các bức hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ phụng khác vẫn còn được bảo tồn, lưu giữ. Chùa nằm trên một vùng đất rộng, phía sau chùa hiện vẫn còn tịch mịch với một tán bồ đề cổ thụ, bên cạnh là ngôi tháp Tổ, và một vườn tượng hết sức hoành tráng gồm tượng Phật nằm, vườn Lâm Tỳ Ni, Thích Ca tọa thiền…

Ngoài kiến trúc chính của ngôi chùa cổ, hiện nay bên phải từ cổng vào còn có Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo, Trường Trung cấp Phật học Cà Mau, Văn phòng Phân ban Đặc trách Ni giới. Bên trái kiến trúc chính còn có Tuệ Tĩnh đường xem mạch, bốc thuốc miễn phí cho dân nghèo, Hội quán Gia đình Phật tử, nhà Tăng… Nơi đây vừa là nơi chốn tâm linh, thanh tịnh vừa là văn phòng làm việc của các ban ngành Tỉnh hội Phật giáo Cà Mau, các cơ sở từ thiện giúp đỡ người nghèo từ các huyện thị vùng sâu, vùng xa.

Chùa Phật Tổ được xem là trung tâm văn hóa, tu học, tâm linh của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Cà Mau. Mỗi dịp đại lễ Phật giáo như lễ rằm tháng Giêng, Phật đản, Vu lan… chùa Phật Tổ trở thành nơi diễn ra lễ hội, đông đảo Tăng Ni, Phật tử đã quy tập về tham dự.

Chùa là nơi đã diễn ra Đại giới đàn Thiện Bửu. Ngoài ra, chùa Phật Tổ còn là nơi sinh hoạt của hàng trăm Phật tử với 4 đạo tràng: Niệm Phật, Bát quan trai, Thiền, Gia đình Phật tử. Hàng tuần nơi đây đều tổ chức tu học, thuyết giảng thể hiện tinh thần tu học tinh tấn, trang nghiêm, thanh tịnh.    

Từ năm 1946 trở về sau, Quan Âm cổ tự được sự kế thừa của thầy Chánh, Hòa thượng Thiện Ấn, Sư bà Diệu Hạnh, Hòa thượng Nhật Minh, Ni sư Diệu Tín... 

Chùa Phật Tổ là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Cà Mau được công nhận Di tích Nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT ngày 24/11/2000 của Bộ Văn hóa và Thông tin.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6784686