SẮC TỨ TỪ ÂN TỰ
SẮC TỨ TỪ ÂN TỰ
HỮU CHÍ
Hoành phi “SẮC TỨ TỪ ÂN TỰ treo ở chánh điện
Chùa Từ Ân còn có tên là Sắc Tứ Từ Ân Tự, được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII ở khu vực Chợ Đũi, vị trí nằm trong khu vực Công viên Tao Đàn, thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định, chùa Từ Ân bị đốt cháy. Năm 1870, một ngôi chùa mới được dựng lên ở Phú Lâm trên địa bàn Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh lấy tên Từ Ân để tiếp nối dòng đạo, đồng thời gìn giữ những hiện vật còn sót lại của ngôi chùa cũ.
Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35 dòng đạo Bổn Nguyên từ miền Trung vào Nam truyền bá đạo Phật. Trên đường vân du, nhà sư gặp một tăng sĩ không rõ danh tánh cùng lứa tuổi và họ kết thành huynh đệ. Đến nơi ở mới thuộc làng Tân Lộc, huyện Tân Bình (còn gọi là làng Hoạt Lộc hay xóm Chợ Đũi, nằm trong khu vực Công viên Tao Đàn ngày nay), hai nhà sư cùng nhau khai phá rừng và dựng lên một thảo am (khoảng năm 1750) để tu hành. Vài năm sau, nhà sư không rõ họ tên tách ra, lập am riêng cách đó không xa để tiện việc tu hành.
Đến năm Nhâm Thân (1752), sư Phật Ý tu bổ thảo am thành chùa, và đặt tên là chùa Từ Ân, với ngụ ý là "nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no và hạnh phúc nơi vùng đất mới". Cũng khoảng thời gian đó, nhà sư vô danh cũng tu bổ am lá thành chùa, và đặt tên là chùa Khải Tường, với ngụ ý là "mở rộng phước lành cho bá tánh".
Thời gian sau, chùa Từ Ân được trùng tu lại khang trang và rộng rãi hơn trước.
Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Chùa Từ Ân ở thôn Hòa Hưng huyện Bình Dương, qui chế rộng đẹp, cảnh trí u nhã, dựng từ năm Gia Long thứ 1, tên chùa là Từ Ân. Hiếu Khang hoàng hậu cho chữ son làm chùa công. Năm Minh Mệnh thứ 2 cho tên là “Sắc tứ Từ Ân tự” và cấp cho tự phu”.
Sau một thời gian hoằng hóa, sư trụ trì ở chùa Khải Tường viên tịch, sư Phật Ý kiêm trụ trì cả hai chùa. Do tài đức của sư mà hai tự viện trở nên có tiếng ở vùng Gia Định.
Trong giai đoạn có chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh (1788 – 1801), chùa Từ Ân là nơi trú ẩn của Nguyễn Ánh và quan quân, còn chùa Khải Tường dành cho cung phi. Vào năm 1791, Hoàng tử Đảm đã ra đời tại chùa Khải Tường. Sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã cho trùng kiến chùa và sắc phong chùa Từ Ân là SẮC TỨ TỪ ÂN TỰ và chùa Khải Tường là QUỐC ÂN KHẢI TƯỜNG TỰ. Khi làm lễ lạc thành chùa Khải Tường, Nhà vua có cúng chùa một tượng Phật bằng gỗ, tạc đức Phật ngồi trên tòa sen, cao gần 2m.
Sách Đại Nam nhất thống cho biết: Chùa Khải Tường ở thôn Hoạt Lộc huyện Bình Dương. Đầu đời Minh Mạng, vâng dụ chỉ nói rằng năm Tân Hợi (1791), vua sinh ở đây, tức là đất tuờng, cho dựng chùa để ghi việc lành; năm thứ 17 sửa chữa.
Năm Tân Tỵ (1821), Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc viên tịch tại chùa Từ Ân, sau đó di cốt được đưa vào tháp trong khuôn viên chùa.
Nghe tin sư huynh của mình là Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc mất, Thiền sư Thiệt Thành - Liễu Đạt (khi ấy đã là Tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế từ năm 1817), vội vàng xin vua từ nhiệm để trở về làm trụ trì chùa Từ Ân. Năm 1823, Thiền sư Thiệt Thành - Liễu Đạt tự thiêu vì không muốn sợi dây tình ái trói buộc với một vị Hoàng cô (chị vua Gia Long, pháp danh là Tế Minh - Thiên Nhật), vốn là một cư sĩ đã từng học đạo với sư.
Tiếp nối, Thiền sư Tế Chánh - Bổn Giác lên thay thầy làm trụ trì, sau đó là Thiền sư Tế Tín - Chánh Trực.
Trong thời gian vị sư này làm trụ trì, chùa Từ Ân và chùa Khải Tường đều lâm nạn binh đao bởi quân Pháp đánh chiếm Gia Định. Chùa Khải Tường bị quân Pháp chiếm làm đồn; còn chùa Từ Ân bị đốt cháy sau khi các nhà sư ở đây rút chạy và chỉ kịp đem cất giấu một số món đồ.
Số di vật còn lại đành phải di dời. Một số hoành phi, liễn đối, tượng thờ được đem về ngôi chùa mới được dựng lên gần rạch Ông Buông, Quận 6 vào giữa cuối bán thế kỷ XIX (1870), nay ở số 23 đường Tân Hóa, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh và lấy tên cũ: chùa Từ Ân. Kiến trúc tuy không bề thế, lộng lẫy như trước nhưng bên trong ngôi chùa là một “kho tàng” vô giá, đã góp phần lưu giữ văn hóa Phật giáo Gia Định qua nhiều thế hệ. Nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa như hoành phi, liễn đối, tượng thờ, bài vị…
Diện tích đất chùa hiện nay chỉ còn khoảng 20 x 55 m = 1.100 m2. Trước mặt chùa là dòng kênh Tân Hóa – Lò Gốm mới cải tạo gần đây được khang trang sạch sẽ. Một căn phố nhà dân che khuất một phần góc bên phải mặt tiền chùa. Ba phía còn lại tiếp giáp với con hẻm nhỏ và nhà dân.
Chùa xây mái thấp, lợp ngói âm dương, cột gỗ tròn, nền gạch. Ở hàng hiên mặt tiền và bên hông là những cột gạch tô xi măng sau những lần trung tu gần đây.
Cổng SẮC TỨ CHÙA TỪ ÂN ở Phú Lâm trước đây
Ở chánh điện có 2 cửa mở ra phía trước. Trên bàn thờ ở chính giữa, lớp trên thờ Phật Di Đà, ở hai bên thờ Đức Quan Âm và Đức Thế Chí, lớp thứ hai thờ Ngọc Hoàng, hai bên có Nam Tào Bắc Đẩu, lớp thứ ba thờ Phật Thích Ca, hai bên có tượng Ác Hữu và Thiện Hữu, có thêm bàn thờ tượng Di Lặc. Hai bên bàn thờ chánh điện có bàn thờ Đạt Ma Tổ sư và bàn thờ Quan Thánh với các vị Diêm vương. Nơi chánh điện có 2 bức hoành phi chạm gỗ sơn son thếp vàng được sắc phong của vua ban vào đầu giữa thế kỷ XIX.
Bức thứ nhất đề SẮC TỨ TỪ ÂN TỰ (có ghi phần lạc khoản “Minh Mạng tân niên”).
Bức thứ hai đề QUỐC ÂN KHẢI TƯỜNG TỰ (có ghi phần lạc khoản “Quý Mão tân niên, mạnh xuân cát nhựt”).
Chùa còn có các liễn đối chạm trổ công phu treo ở khu chánh điện và khu giảng đường. Tất cả các hàng chữ đều viết bằng chữ Hán.
“Ngoài những hiện vật thờ cúng lưu giữ, chùa Từ Ân còn bảo quản hàng trăm quyển kinh, luật, luận bằng chữ Hán và chữ Nôm. Trong kho tàng quý giá đó có bộ sách Ngũ gia tông phái ký toàn tập do Hòa thượng Hải Tịnh biên soạn vào năm 1875, là bộ sách đầu tiên đề cập đến Phật giáo ở Gia Định và Nam Bộ. Sách gồm 3 quyển, quyển trung mang tên Lược yếu sự tích Phật tổ do Pháp sư Trí Thông chùa Sắc Tứ Từ Ân kiêm Giám quản Phó trụ trì chùa Khải Tường và Chư Sơn đại đức hiệu đính. Quyển hạ cũng cho biết nhiều thông tin quan trọng về việc triệu tập các tu sĩ tại chùa Khải Tường để định lại các ngày kỵ giỗ ở chùa và các ngày tảo tháp; việc Hòa thượng Chánh Trực ở chùa phó chúc cho Hòa thượng Hải Tịnh thống quản tăng chúng ở Gia Định… Qua một số sự kiện trong tập sách đã cho biết rõ thêm vị trí và ảnh hưởng của chùa Từ Ân đối với Phật giáo vùng đất Gia Định thời bấy giờ và đặc biệt là các kinh sách cổ ấy đã giúp cho những nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về những trung tâm in kinh sách khắc bản gỗ tại Gia Định; về nơi tạng bản; về các vị Hòa thượng đã chứng minh cho sách… Một số sách lưu giữ đã được đưa từ các ngôi chùa ở miền Trung vào để trùng khắc ở Gia Định… Ngoài ra còn có nhiều bức hoành phi câu đối còn ghi lại trong phần lạc khoản do các Hòa thượng trụ trì tại khắp nơi ở Gia Định và Nam Bộ tặng. Hoành phi “Đại Hùng Bửu Điện” do Hòa thượng chùa Thới Bình, quận Cần Giuộc dâng cúng nhân ngày lễ lạc thành của chùa; hoành phi “Pháp Vũ Ân Triêm” do chủ hương Hiếu Nghĩa chùa Phước Tường ở Bến Lức dâng tặng; hoành phi “Pháp Nhủ Ân Thâm” do thiền chủ Từ Thông chùa Huê Nghiêm Thủ Đức dâng tặng… Và còn nhiều hoành phi khác do các chùa Giác Lâm, Sắc Tứ Huệ Lâm, chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một), chùa Long Thạnh (Bình Chánh) … dâng cúng”. (Theo Phạm Hồng Hà)
Gian thờ Tổ đâu lưng với gian thờ Phật ở gian trước có bài vị của các vị chư Tổ trụ trì tiền nhiệm: Tổ Phật Ý – Linh Nhạc, Tổ Thiệt Thành – Liễu Đạt, Tổ Chánh Trực – Tế Tìn, Tổ Bổn Giác – Tế Chánh, Tổ Quảng Thông – Minh Đức, Tổ Định Huệ – Minh Tài, Tổ Từ Hóa – Như Bằng, Tổ Thiện Thi – Hồng Cử và vị trụ trì gần đây là Hòa thượng Thích Thiệt Thành.
Ngoài các vị trụ trì, chùa Từ Ân còn có những vị Thiền sư uyên thâm cả Phật học và Nho học, chẳng hạn như Thiền sư Viên Quang, húy Tổ Tông là đệ tử của Hòa thượng Phật Ý – Linh Nhạc.
Cổng SẮC TỨ TỪ ÂN TỰ mới xây dựng gần đây. Ảnh HC
Năm Nhâm Thân (1772), sau gần 30 năm đảm nhận chức năng của một Niệm Phật đường với tên chùa Cẩm Đệm (chùa Giác Lâm sau này), là nơi vãn cảnh, lễ bái cho khách thập phương mà không có tăng sĩ trụ trì, ông Lý Thụy Long, người đứng ra quyên góp để xây dựng chùa đã đến chùa Từ Ân xin một tăng sĩ về trụ trì. Hòa thượng Phật Ý – Linh Nhạc đã cho đệ tử của mình là Thiền sư Viên Quang về trụ trì chùa Cẩm Đệm.
Từ năm 1774, khi Thiền sư Viên Quang về trụ trì, chùa Cẩm Đệm đã đổi tên thành chùa Giác Lâm. Tài đức của Thiền sư Viên Quang đã được người bạn thuở ấu thơ mà sau này là Hiệp Tổng trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức làm bài thơ ngũ ngôn nổi tiếng ca tụng. Đó là bài thơ của một vị danh Nho tặng cho một vị cao tăng sau nhiều năm xa cách.
Tạm dịch:
1 Nhớ thuở thái bình xưa 12 Bèo hoang phận chìm nổi
2 Đồng Nai vừa thịnh mỹ 13 Trải hơn bốn mươi năm
3 Đạo Thích được tôn sùng 14 Mà như không mấy đổi
4 Nhà ngoại còn phú quý 15 Đông Tây rảo dạo quanh
5 Ta làm trẻ dâng hương 16 Cửa núi chợt gặp lại
6 Sư là người giữ giới 17 Ta Hiệp trấn thành này
7 Áo tuy chia xanh vàng 18 Sư Hòa thượng ngôi ấy
8 Lòng vẫn chung ý khí 19 Cầm tay tựa mơ mòng
9 Bạn giỏi xót phong trần 20 Mở lòng còn run rẩy
10 Quỷ đói ngập thế giới 21 Chuyện xưa nói làm gì
11 Bọt nước chuyện mất còn 22 Đạo lớn thảy như vậy.
Ngày mồng 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi (1827), Hòa thượng Viên Quang viên tịch tại chùa Giác Lâm. Để ghi nhớ công lao của Hòa thượng, đệ tử của Ngài đã cho khắc cặp liễn ca ngợi:
Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhân vô tử nhi hữu tứ
Một hậu thinh danh tại thế, tuy vong dã bất vong
Tạm dịch:
Lúc sống dạy bảo được người, không con như có con
Khi chết tiếng tăm để đời, tuy mất mà không mất
(Theo Hoàng Hữu Loan)
Sau khi Hòa thượng Thích Thiệt Thành viên tịch năm 2005, Sư cô Thích nữ Diệu Huệ thay thế chức trụ trì.
Sư cô Diệu Huệ sinh năm 1943, thân nhân của Hòa thượng Thích Thiệt Thành vào chùa Từ Ân tu học từ thuở còn nhỏ.
Ngày kỵ giỗ chánh trong năm: 11 tháng 6 âm lịch
Chùa được tu bổ nhiều đợt theo thời gian khi chùa bị xuống cấp. Những lần được tu bổ gần đây là vào những năm 2006, 2010, 2016.
Trong suốt hơn hai trăm năm qua, dù phải trải qua di dời do biến cố lịch sử, nhưng cho đến nay, chùa Từ Ân vẫn xứng đáng là một kho tàng văn hóa Phật giáo phong phú, xứng đáng là một di tích văn hóa được xếp hạng.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết