SẮC TỨ VẠN AN TỰ,
DI TÍCH PHẬT GIÁOTỪTHỜI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU
ĐĐ. THÍCH TUỆ THÔNG &
ĐĐ THÍCH THIỆN SANH
Sách “Đại Nam nhất thống chí”, tập V (Quốc sử quán triều Nguyễn-NXB Thuận Hóa, Huế-1992), trong mục Chùa quán của tỉnh Biên Hòa, trang 80 đã ghi:
“Chùa Vạn An : Ở thôn Phước An, huyện Phước An. Hiển Tông hoàng đế bản triều cho biển ngạch khắc chữ “Sắc Tứ Vạn An Tự” và “Vĩnh Thịnh lục niên, thất nguyệt, cát nhật, Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân ngự đề”. Năm Minh Mệnh thứ 10, chùa bị cháy, sư trụ trì đem biển ngạch cất ở chùa Long Hưng.”
Từ các nguồn tư liệu lịch sử về tiến trình mở rộng và bảo vệ bờ cõi về phương Nam của các bậc tiền nhân, cùng các tài liệu về lịch sử, địa lý, quá trình hình thành, phát triển kinh tế-xã hội và các Di tích văn hóa-tôn giáo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng ta được biết, trước thế kỷ thứ 17 thì xứ Mô Xoài-Đồng Nai còn là vùng rừng núi hoang vu, dân cư còn thưa thớt, gồm người Khmer và một vài dân tộc thiểu số khác, canh tác rải rác. Đến thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, các tầng lớp dân cư của miền Trung và miền Bắc phải rời bỏ quê hương ruộng đồng, dìu dắt nhau đi lánh nạn, từng bước trôi dạt đến các vùng đất mới là Đồng Nai, Gia Định…Vùng đất mà cư dân người Việt định cư đầu thế kỷ 17 là vùng Mỗi Xuy hay Mô Xoài, ở các lưu vực cửa sông, ven biển, tức là vùng đất thuộc Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ,Vũng Tàu ngày nay. Vùng này được coi là trạm dừng chân đầu tiên trong tiến trình mở mang bờ cõi về phương Nam của cộng đồng cư dân người Việt. Sau đó, các chúa Nguyễn còn tiếp tục tiến hành những đợt di dân vào khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, nhờ vậy mật độ người Việt ngày một chiếm số đông.
Đến năm Mậu Dần-1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã phái Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, đem quân vào kinh lược xứ Chân Lạp, chia vạch ranh giới, lấy đất Đông Phố đặt làm Phủ Gia Định; Lấy huyện Phước Long lập Dinh Trấn Biên; Lấy đất Sài Côn- sau này gọi là Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lâp Dinh Phiên Trấn. Từ thế kỷ 17I đến đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn tiếp tục chính sách khẩn hoang, khuyến nông ở vùng đất phương Nam theo cách dùng binh lính làm lực lượng mở đường khai khẩn, rồi dung nạp dân thường, cho những người có năng lực trong dân tự đưa người từ quê hương bản quán, vào tổ chức khai khẩn, lập các làng ấp mới, từng bước hình thành các đồn điền, với sự bảo trợ của chính quyền nhà nước phong kiến. Nhờ chính sách thiết thực, khoáng đạt như vậy đã chiêu mộ, quy tụ dân chúng đến an cư lập nghiệp, mà các vùng hoang hóa nơi đầm lầy, biên cương, hải đảo như Hố Nai, Cát Tiên, Xuyên Mộc, Bà Rịa, Long Đất, Côn Đảo, Vũng Tàu… ngày nay được khai phá, mở mang nhanh chóng. Sự ra đời của ba làng cổ bắt nguồn từ cái tên ban đầu là “Tam Thoàn” (tức 3 thuyên), đã hình thành tên gọi ba làng có tên là Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam; Gắn liền với ba Ông Đội đầu tiên được vua Minh Mạng cho phép đứng ra cai quản, đã trở thành Thần hoàng làng, mà các thế hệ cư dân Ô Cấp-Vũng Tàu đã thành kính tôn thờ, lưu truyền cho đến ngày nay. Đó là các vị:
Đình Thắng Nhất thờ Thần hoàng Phạm Văn Dinh.
Đình Thắng Nhì thờ Thần hoàng Lê Văn Lộc.
Đình Thắng Tam thờ Thần hoàng Ngô Văn Huyền. Tại nơi đây còn có Đền thờ Cá Ông. Đình Thắng Tam cùng với Phước Tỉnh và Cần Giờ là ba nơi thờ.
“Đại Tướng Quân Nam Hải”, bậc thần hộ mệnh của cư dân miền biển, cầu mong Cá Ông phù hộ cho thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt an toàn, Quốc thái Dân an.
Cư dân thời kỳ đầu của các tổng An Phú hạ, An Phú thượng, Phước Hưng thượng, Phước Hưng hạ..sinh sống bằng nghề trồng khoai, bắp, đậu, hoặc trồng đay, gai, đánh bắt hải sản, làm muối, để tự cung tự cấp và trao đổi với nhau. Riêng ba tổng Long Xương, Long Cơ và An Trạch của người Chơ Ro nằm ở phía Bắc, các làng cách biệt nhau khá xa, dân cư thưa thớt, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa cạn, chăn nuôi trâu bò và thâu lượm sản vật của rừng như sáp, mật ong, dầu rái, để tự túc và trao đổi trong khi du canh du cư với các sắc tộc khác trong vùng.
Quá trình khẩn hoang lập ấp, phần đông cư dân mang theo các nét riêng về phong tục tín ngưỡng, tôn giáo từ quê cha đất tổ và dung nạp, thích nghi với tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa. Họ tiếp tục và phát triển các hình thức thờ cúng ông bà tổ tiên, các đạo Phật, Nho, Lão ở nơi quê hương mới. Nhờ vậy mà nhiều chùa, đền miếu, đình làng, nhà hội đồng… được xây cất trên các khoành đất được lựa chọn là “Địa linh”, với sự tự nguyện góp công góp của của cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc của các cư dân trên vùng đất mới. Tín ngưỡng dân gian và Phật giáo song song tồn tại, xen kẽ tác động, dung hòa nhau, làm nền tảng cho đạo lý, văn hóa tâm lý cho cộng đồng dân cư. Có thể nói, Phật giáo được truyền vào Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu từ rất sớm, nơi đây từng là cái nôi của Phật giáo Đàng Trong, là cơ sở để phát triển đến các vùng miền Đông, Tây Nam kỳ và ra Nam Trung kỳ. Đó là thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), sau khi thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm- đời thứ 29 phái Thiền Tào Động, từ Trung Hoa sang truyền bá đạo Phật (1695), chúa Nguyễn Phúc Chu đã thọ giới Bồ tát và được ban pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân. Năm 1696, trước khi Hòa thượng Thạch Liêm về nước, theo yêu cầu của Quốc chúa, ngài Thach Liêm đã cho các đệ tử là Thiền sư Hưng Liên, hiệu là Quả Hoằng cùng Thiền sư Hưng Triệt và Giám Sinh Hoàng Thần (Hoàng Thìn) ở lại để giúp chúa về Phật sự và cố vấn các việc triều chính, thì phái Thiền Tào Động tiếp tục phát triển ở Đàng Trong. Các đời chúa kế tiêp đều quy y thọ Bồ tát giới như: chúa Nguyễn Phước Trú có Pháp hiệu là Vân Tuyền Đạo Nhân; chúa Nguyễn Phước Khoát là Từ Tế Đạo Nhân; chúa Nguyễn Phước Thuẩn là Khánh Phủ Đạo Nhân. Cho đến năm 1774, khi chúa Nguyễn Phước Thuần bị quân Tây Sơn đánh, phải bỏ Phú Xuân, chạy vào Gia Định, thì các vị sư hâu duệ phái thiền Tào Động cũng tiếp tục vào theo. Vì vây, đạo Phật ở các vùng đất mới khai mở ở phương Nam càng phát triển, chùa chiền, đình miếu… tiếp tục được xây dựng. Các thế hệ sau kế tục bảo tồn tôn tạo, trở thành các di tích lịch sử-văn hóa-Phật giáo có giá trị. Trải qua bao thăng trầm thử thách của thơi gian và các triều đại cho đến ngày nay, trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu còn trên 500 ngôi chùa, đình đền, miếu mạo được xếp hạng. Trong đó có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng được ghi nhận trong Đại Nam nhất thống chí, tiêu biểu là các chùa :
* “Chùa Hộ Quốc: Do Chánh Thống suất Nguyễn Văn Vân dựng. Năm Giáp Dần, đời Túc Tông được ban biển ngạch chữ vàng khắc chữ “Sắc Tứ Hộ Quốc Tự”, phía tả khắc những chữ: “Long đức tứ niên, tuế thứ Ất Mão trọng đông cốc đán” (ngày lành tháng 11, năm Ất Mão Long Đức thứ tư, 1735); phía hữu khắc chữ “Quốc chủ Vân Tuyền đạo nhân ngự đề”. Ngày nay dấu cũ vẫn còn”- Vân Tuyền đạo nhân chính là chúa Nguyễn Phước Trú, kế vị chúa Nguyễn Phước Chu.
* Chùa Đại Giác ở huyện Phước Chính, không rõ dựng từ đời nào, gần đây có người cúng một tấm biển chữ vàng khắc chữ “Đại Giác Tự”, phía tả biển khắc chữ “Minh Mệnh nguyên niên mạnh đông cốc nhật”, bên hữu biển khắc chữ “Tiên triều hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ánh”.
* Chùa Long Hưng: ở huyện Phước An, không rõ dựng từ đời nào.
* Chùa Vạn An: Theo Đề tài khoa học của Sở Khoa học công nghệ và Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu- năm 2000, thì chùa Long Hưng cũng được xây dựng cùng thời gian xây dựng chùa Vạn An, vào đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Vì vậy năm 1785, khi chùa Sắc Tứ Vạn An bị cháy, mới dời biển và số tượng Phật sang chùa Long Hưng. Do được cất giữ tấm biển “Sắc Tứ Vạn An Tự” của Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề vào năm Vĩnh Thanh lục niên, nên chùa Long Hưng được mang tên là “Sắc Tứ Vạn An Tự ” từ đó đến nay.
Trải qua ba thế kỷ, ngôi chùa không còn giữ được nguyên trạng kiến trúc cổ xưa, đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên trong gian chánh điện của chùa vẫn còn thờ một số tượng Phật cổ và pháp khí từ xa xưa như: chính giữa là tượng Phật Di Đà tọa thiền, trên bệ lớn hình hoa sen cách điệu xây dựng trong đợt trùng tu vào mùa thu năm Nhâm Ngọ-1942, còn ghi bằng cả chữ Nho và con số la tinh ở phần bảng hiệu trên tường phía trước của chùa. Gian bên thờ tượng Quan Thánh và Châu Xương, Quan Bình.
Bàn thờ Tổ của chùa còn bài vị của Thiền sư Liễu Huệ-Tâm Thông, Lâm Tế Chánh tông, đời thứ 37; Thiền sư Hải Chánh - Bảo Thanh và Hải Bình – Bảo Tạng, Lâm Tế đời 40 (Tế Thượng Chánh Tôn). Trong vườn tháp của chùa còn bảo tồn được một ngôi tháp Tổ, so với các tháp xây sau thì có phần nhỏ hơn, nhưng ở bậc cao của vị trí trung tâm, vẫn toát lên dáng cổ kính đường bệ của ngôi Tháp Tổ. Có thể là tháp của Thiền sư Liễu Huệ - Tâm Thông, có thời gian hoằng hóa ở chùa Long Hòa (An Ngãi) trước khi Hòa thượng Hải Hội-Chánh Niệm về trụ trì.
Hơn chục năm trước đây, chùa Sắc tứ Vạn An do đại đức Thích Tịnh Trí, chánh đại diện Phật giáo huyện Đất Đỏ kiêm nhiệm trụ trì. Sau khi Đại đức Tịnh Trí viên tịch, từ sau năm 2000 đến nay, Đại dức Thích Thiện Sanh kế vị làm trụ trì (đại đức Thiện Sanh có thế danh là Nguyễn Văn Duyên, sinh năm 1937, quê Đất Đỏ, trước 1975 tham gia kháng chiến chống Mỹ, năm 1978 xuất gia tu hành, là đệ tử của Hòa thượng Vĩnh Vô. Năm 1990 được thọ giới Tỳ Kheo tại Long An tự, Long Đất, thuộc tổ đình Long Thiền – Biên Hòa, do Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Hòa thượng Đàn Đầu) đã có nhiều cố gắng trong các Phật sự, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và đã huy động được sự đóng góp của bà con Phật tử trong việc tôn tạo xây dựng chùa ngày một khang trang hơn. Theo các bậc bô lão các đời trước gốc địa phương kể lại thì thời xưa chùa Long Hưng-Vạn An Sắc Tứ nay thuộc phần đất của Phước Hưng Hạ. Chùa Vạn An trước đây thuộc địa phận Phước Hưng Thượng, do một vị tăng từ miền Trung vào tu hành. Khi chùa được ban “Sắc Tứ Vạn An Tự ”, có được cấp cho mấy chục mẫu đất để canh tác lấy hoa lợi thờ tự. Thời gian sau, bọn hương quản, điền chủ địa phương dòm ngó, gây khó, bắt nhà chùa phải đóng thuế và các khoản lệ phí cho xã, tổng. Trước việc làm khó dễ ấy, bà con Phật tử hai làng bèn vận động Hội đồng Hương quản và các bô lão bên Phước Hưng Hạ đón mời vị tăng sang tu hành tại chùa Long Hưng, rồi từng bước di chuyển các pho tượng, bảng SẮC TỨ VẠN AN TỰ bằng gạch, Bbảng khắc “Sắc tứ Vạn An Tự” bằng chữ Nho, trên bức xà chính của chùa cũ sang chùa mới, duy trì tồn tại tới ngày nay. Trên nền chùa cũ, nay còn nền tường bao quanh bằng đá hộc, rộng khoảng một sào, trong đó có một nhà xây ba gian nhỏ, trước nhà có cột cờ, giống như trụ sở của khu dân cư. Nhưng khi vào gần mới thấy có bảng đề: “Đền thờ Phạm Quới Công”, cuối góc vườn có miếu nhỏ thờ thần hổ. Vào sâu trong ấp khoảng năm trăm mét cũng có một chùa mang biển hiệu Sắc Tứ Vạn An do một vị ni trụ trì. Khi chúng tôi hỏi về ý nghĩa của chùa, vị ni này cũng chỉ cho biết nơi nền cũ của chùa xưa. Tên trên bảng chùa là để thờ bái vọng sự tích chùa xưa, từ lâu nay đã chuyển sang Sắc Tứ Vạn An Tự ở thị trấn Đất Đỏ.
Về ý nghĩa “vô thường, nhân duyên” và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân ta, việc tìm lại dấu xưa, tưởng đến công đức của tiền nhân cũng để cầu chúc cho đất nước luôn được thanh bình, độc lập, thống nhất, Quốc Thái Dân An, để Dân tộc cùng Đạo pháp đồng hành, phát triển bền vững trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đất Đỏ-Vũng Tàu, tháng 5 năm 2011.
Bình luận bài viết