Thông tin

SẮC TỨC LÀ KHÔNG, KHÔNG TỨC LÀ SẮC

 

VU GIA

 

 

Dục vọng, có người cho là xấu, có người cho là tốt. Với tôi, dục vọng chính là bệ phóng giúp con người tiến lên, khiến con người tiến bộ. Quá trình theo đuổi dục vọng, chính là quá trình giúp con người trở nên mạnh mẽ hơn.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) là một trong các kinh căn bản và phổ thông của Phật giáo Đại thừa. Trong kinh này có câu đã trở thành một thành ngữ quen thuộc của hàng Phật tử cũng như giới trí thức: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Sắc tức là không, không tức là sắc). Nghe thật đơn giản, song không đơn giản chút nào bởi tùy vào hoàn cảnh, tùy vào tâm tình của người trong cuộc mà hiểu theo cách hiểu của mình để tâm được an vui, dẫu chỉ là một tí tẹo an vui cũng đã thấy cuộc đời đáng sống rồi.

Có thì có tự mảy may…

Đến với triết lý nhà Phật, ai cũng biết cầu Phật là cầu giải thoát, nhưng thế nhân đến chùa thường cầu dục vọng. Tại sao thế? Câu trả lời rất đơn giản, vì đó là thế nhân! Cuộc đời ngắn ngủi, trừ những năm tháng thời niên thiếu và tuổi già, thì cuộc sống trong trường đời chỉ chừng vài ba chục năm. Trong vài ba chục năm ngắn ngủi ấy mà không cầu dục vọng, đối với phàm nhân thì… phí một đời.

Có thực mới vực được đạo. Bao đời qua, suy nghĩ của phàm nhân mãi là như thế, không đổi được. Chúa Jesus cũng từng nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em, người giàu khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”, ấy mà dường như phàm nhân muốn chọn cái khó cho mình là thích làm người giàu. Nhưng làm giàu không dễ. Người ta thường nói thất bại là mẹ thành công, song vài ba chục năm ngắn ngủi của đời người sẽ chấp nhận được bao nhiêu thất bại đây?

Dẫu biết trên đời không có công bình tuyệt đối. Có người may mắn, có người xui xẻo, nhưng phải biết cố gắng, biết kiên trì. Cho dù bây giờ không gặp may, nhưng chỉ cần không buông bỏ thì may mắn sẽ kéo đến. Suy nghĩ ấy không sai, song dường như chỉ mang tính động viên cho mình, cho những người thân mình khi gặp phải chuyện không vui xảy ra là chính, chứ không mấy thực tế. Khi con người gặp phải nhiều lần thất bại, thậm chí lâm vào tuyệt cảnh, thường sẽ xuất hiện hai loại biểu hiện hoàn toàn trái ngược. Thứ nhất, đảm khí mất sạch, nhắm mắt chờ chết. Thứ hai, điên cuồng vùng vẫy, phát ra lực lượng vượt xa bình thường gấp mười, gấp trăm lần. Loại thứ hai không nhiều, nên phần lớn dựa vào thế lực siêu năng nào đó chở che những mong tai qua nạn khỏi, vượt qua thất bại, bước đến thành công.

Khi cầu dục vọng, không có người nào lại cho rằng lòng tin mà bản thân lựa chọn là sai lầm cả, bằng không căn bản sẽ chẳng giữ mãi không buông niềm tin đó. Khi bất giác gặp phải sự xung kích của hiện thực, cảm nhận được giữa bản thân sự thật và lòng tin mình kiên trì theo đuổi có mâu thuẫn đối lập, thì lựa chọn của phần lớn người, tuyệt không phải là sửa chữa lòng tin của bản thân, mà là nghĩ cách bài trừ, không thèm lý đến mâu thuẫn, chỉ chọn tin tưởng những chuyện mình muốn tin mà thôi. Nhưng nỗi hoài nghi lại vẫn ẩn tàng trong tận đáy lòng, đây chính là bản tính của con người. Khi hiểu ra phần nào “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, thì không còn cơ hội thay đổi nữa, bởi sức tàn lực kiệt rồi. Nếu còn chút tỉnh táo, chắc nhiều người thích thú với bài kệ Hữu không của Thiền sư Đạo Hạnh: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không/ Kìa xem bóng nguyệt lòng sông/ Ai hay không có, có không là gì?” (Thiền sư Huyền Quang dịch).

Với những lời bàn

Xưa nay, dân gian không sợ thầy bói chỉ sợ thầy bàn, bởi nếu gặp phải lời bàn không hay thì tâm bất an, lo nghĩ lung tung xèng chẳng đâu vào đâu, chỉ được mỗi cái là khổ tâm. Tôi xin kể vài chuyện về những lời bàn:

- Hồi Mùa hè đỏ lửa 1972, người mẹ vợ của anh bạn tôi có người con trai thất lạc trong chiến trận. Nghe đền, điện nào hay, hoặc thầy bói nào ở đâu có chút tiếng tăm, bà cũng tới cầu khấn, xin xăm, xin quẻ… Kẻ nói con trai của bà chết, người nói con trai của bà sống, chẳng biết đâu mà lần. Bà cứ than vắn thở dài, khóc hết nước mắt. Một hôm, anh bạn của tôi chở bà ra Đà Nẵng xem bói Kiều. Bà lật được câu Kiều: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”. Thầy bói khẳng định con trai bà chết, bởi “vuông tròn” là hình dáng cái mả chỉ cho sự chết, còn nơi chết là ở “ngọn nguồn lạch sông”. Muốn tìm xác con trai bà thì phải tìm ở những nơi có “ngọn nguồn lạch sông”, chứ không thể ở nơi khác được. Anh bạn tôi lần đầu chở mẹ vợ đi xem bói, và thầm nghĩ không ngờ bói Kiều lại… linh thế, vì anh thường xuyên theo dõi báo chí. Chiến trường Hạ Lào ngày đó mà không chết ở “ngọn nguồn lạch sông” mới lạ.

Hai mẹ con không nói với nhau lời nào, nhưng khi về gần đến nhà, bà mẹ vợ bảo anh ghé lại tịnh cốc gần đó cho bà thắp cây nhang. Sau khi thắp nhang, bà không cầm được nước mắt, khóc òa lên. Vị trụ trì thấy vậy, hỏi bà có chuyện chi buồn. Anh bạn tôi kể lại sự việc. Vị trụ trì nhìn hai mẹ con một thoáng rồi khẳng định con trai bà còn sống, ít lâu nữa sẽ về sum họp gia đình. Anh bạn tôi nói lại lời bàn của thầy bói Kiều, thì vị trụ trì bác lời bàn đó. Ông cho rằng vuông tròn không phải là hình dáng cái mả, mà là điều tốt lành. Đàn bà vượt cạn mà được “mẹ tròn con vuông” không tốt thì cái gì mới tốt? Vãi Giác Duyên, tiên Thúy Kiều chẳng dặn “Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” đó sao? Từ từ nghe ngóng, đừng vội mà buồn phiền ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân, gia đình. Họa, phúc đều do mình tạo ra. Hãy về sống vui vẻ, chờ tin tốt đến.

Hai mẹ con nghe lời bàn ấy mà nhẹ hẳn cả người. Gia đình nghe vậy cũng vui hơn. Khi Hiệp định Paris được ký kết, con trai bà nằm trong diện trao trả tù binh đôi bên. Cả nhà vỡ òa niềm vui hạnh phúc. Chuyện này, anh bạn tôi và bà mẹ vợ nhắc mãi. Trước khi qua đời cách nay mươi năm, bà vẫn còn nhắc tới vị trụ trì ấy.

- Không biết từ bao giờ, người dân quê tôi (Quảng Nam) rất ngại tiếng kêu của chim cú mèo. Truyền đời rằng loài chim đêm này núp trong chỗ tối, lén đếm lông mày của người ta. Lông mày của ai bị đếm rõ ràng thì người ấy không sống được tới sáng. Do vậy, những người bị trọng bệnh mà nghe tiếng cú kêu thì gia đình ngại lắm. Ngày xưa, phương tiện giao thông khó khăn, nên đi đâu cũng phải đi thật sớm, nhưng mới thức dậy chuẩn bị cho chuyến đi hay vừa mới bước chân ra khỏi cửa mà nghe tiếng cú kêu là trong lòng bất an, nếu không phải chuyện hệ trọng thì chắc chắn người ta ở nhà làm việc khác. Nói chung, với người dân quê tôi, tiếng cú kêu chỉ đem lại những điều xui rủi.

Một lần, người bác thứ tư của tôi nhận thầu xây dựng ngôi nhà. Khi vừa lên đèn làm lễ thượng lương thì con chim cú kêu ba tiếng: “Cú! Cú! Cú!”. Bác tôi vẫn bình tĩnh làm lễ. Hạ hương đèn, ông tưới xuống đất ly rượu tạ thần đất, rồi mang hai ly rượu còn lại mời chủ nhà một ly, ông một ly: “Anh với tôi cùng uống ly rượu mừng cho việc may mắn”. Nét mặt chủ nhà không mấy vui cũng đưa tay cầm lấy ly rượu. Bác tôi nói tiếp: “Khi chúng ta làm lễ thượng lương, có con chim ở đâu bay tới, vui mừng kêu ba tiếng: “Phú! Phú! Phú!”. Chắc chắn, nhà cất xong, gia đình anh sẽ làm ăn giàu có”.

Nghe vậy, mặt chủ nhà rạng rỡ hẳn, cùng bác tôi uống ly rượu “mừng” điềm trời báo trước cho sự giàu sang. Sau này, bác tôi thường nói với con cháu, vui buồn trong đời tự lòng mình ra, nên vui được lúc nào cứ vui, tìm hạt giống vui mà gieo trồng, khóc than chẳng ai thương đâu, có khi bị người ta khinh.

Với những con số

Những năm gần đây, người ta hay bàn về những con số. Tôi nhớ hồi còn thời bao cấp, có người gọi là “thời con phe”, người ta rất ngại số 8. Không mấy ai đi đăng ký biển số xe mà mong được số 8, bởi số 8 tượng trưng cho… còng số 8. Sau ngày đất nước đổi mới, hòa nhập nền kinh tế thị trường, thì số 8 là số mơ ước của nhiều người, vì 8 đọc theo âm Hán Việt là “bát”, đồng âm với “phát”. Số 6 trước đây thuộc loại… trên trung bình một chút, nhưng sau khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường, thì số 6 cũng là số của ước mong. Theo âm Hán Việt, số 6 đọc là “lục”, đồng âm với “lộc”. “Lộc phát”, “Phát lộc” còn gì mong hơn!?

Qua cách đọc và cách suy ấy, người ta ngại con số 4, bởi đọc theo âm Hán Việt thì 4 là “tứ”, đồng âm với “tử” (chết), nên con số này có cho cũng không lấy. Nhưng nếu làm… thầy bàn, thì số 4 rất tuyệt vời: Đạo Phật có “Tứ diệu diệu đế”, có “Tứ đại” (đất, nước, lửa, gió). Về hiện tượng thiên nhiên có “Tứ phương” (Đông, Tây, Nam, Bắc). Thời tiết có 4 mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông). “Tứ bình” với 4 loại cây tiêu biểu cho 4 mùa (Mai, Lan, Cúc, Trúc). Về hiện tượng xã hội có “Tứ dân” (Sĩ, Nông, Công, Thương). Về nghệ thuật có Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Kinh điển Nho gia có “Tứ thư” (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử), “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phụng), “Tứ đức” (Công, Dung, Ngôn, Hạnh),…

Số 7 có nhiều người không thích, vì đọc theo âm Hán Việt, 7 là “thất” (mất). Thực ra, từ Đông sang Tây, số 7 là số tốt lành, chứ không phải như suy nghĩ có phần phiến diện của một số người ở xứ ta. Ta thử nhẩm tính, nào là 7 kỳ quan, 7 ngày trong tuần, 7 nốt nhạc cơ bản, Đức Phật đản sanh đi 7 bước trên hoa sen, Đức Chúa Trời hiện thân ở ngày thứ 7 trong 7 ngày tạo dựng của Ngài…

Số 10, nhiều người cho là rất xấu cần phải tránh. Trong đổ trường, người ta kỵ nói “thập”, vì 10 điểm là nhỏ nhất trong bài cửu. Câu chửi “Biệt thập” chính là xuất phát từ nước bài này. “Nhị bản lục” cũng là câu chửi người, vì “nhị bản” (2 con 2) là 4 điểm cộng với 6 là 10. Ở miền Nam trước ngày giải phóng, nhất là thời Mỹ đổ quân vào Việt Nam, nhân dân miền Nam không lạ gì với câu cửa miệng: “Number one” (số 1 - tốt), “Number ten” (số 10 - xấu)…

Thực ra, trong tất cả các số, số 10 được coi là con số hoàn hảo và đạt tới đỉnh cao giá trị. Số 10 được hình thành dựa vào hai số 5. Số 5 vốn đại diện cho ngũ hành, trong đó con người lại có 5 tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) và 5 khí (tâm khí, thân khí, can khí, tỳ khí, phế khí). Trong Kinh Dịch, quẻ số 10 (Thiên Trạch Lý) là loại quẻ Cát, tốt cho công danh sự nghiệp và tình duyên, gia đạo; gặp dữ hóa lành. Đạo Kitô có 10 điều răn của Thiên Chúa dành cho con người. Ở Việt Nam, từ xa xưa đến nay, những gì tốt nhất thì được xếp ngang với… vàng 10. Nhìn chung, con số 10 được các chuyên gia đánh giá là con số thượng thần hướng tới sự hoàn mỹ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho con người.

Qua vài việc kể trên, chúng ta thấy chuyện tốt hay xấu đều do tâm mà ra cả. Dục vọng, có người cho là xấu, có người cho là tốt. Với tôi, dục vọng chính là bệ phóng giúp con người tiến lên, khiến con người tiến bộ. Quá trình theo đuổi dục vọng, chính là quá trình giúp con người trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu không có dục vọng thì mọi chuyện chỉ là hoa trong gương, trăng dưới nước, một hồi ảo mộng mà thôi. Những suy nghĩ này có khi chưa đúng, nhưng với tôi, hoàn cảnh sống của mỗi người khác nhau, thì tất nhiên không thể bắt người khác phải có suy nghĩ, có cách đối nhân xử thế giống mình. Và chỉ có thể tìm điểm chung, bỏ qua những điểm bất đồng của nhau thì mới có thể tìm được niềm vui nơi cõi đời này.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 354
    • Số lượt truy cập : 6947195