Thông tin

"SÀI SƠN THỰC LỤC", XÉT TRONG DÒNG MẠCH

TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI CHỮ HÁN VIỆT NAM

 

PHẠM VĂN ÁNH*

 

I. TIỂU THUYẾT VÀ TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIỆT NAM - MẤY NÉT PHÁC

Tiểu thuyết là khái niệm xuất hiện từ thời Chiến quốc. Sách Trang Tử, phần Ngoại vật chí ghi: “Trau chuốt bằng tiểu thuyết đặng mong làm Huyện lệnh thời sự đại đạt cũng xa xăm vậy”. Sách Tuân Tử ghi: “…Bởi vậy nên chỉ có bậc trí giả mới bàn luận về đạo mà thôi. Cái mong muốn của nhà tiểu gia trân thuyết đều đã suy vi rồi”. Trang Tử đem “tiểu thuyết” để so với “đại đạo”, Tuân Tử lấy “tiểu (trân) thuyết” so với “đạo”, lấy “tiểu gia” so với “trí giả”… từ đó có thể nhận thấy tiểu thuyết ban đầu vốn không được coi trọng. Tuy nhiên, với tình thần khoan hòa hơn, như cách nói của Khổng Tử, “tuy cái đạo nhỏ nhoi cũng có chỗ đáng xét” (Tiểu đạo hữu khả quan), Hoàn Đàm người thời Hán trong sách Tân luận có viết: “Các nhà tiểu thuyết góp nhặt những câu tản mác, lấy các  thí dụ để làm thành sách ngắn, về trị thân, trị gia cũng có những lời đáng xét”. Nhà nho xưa vốn không coi trọng tiểu thuyết, ngay đến thế kỉ 20, khi tiến hành dịch bộ Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô Tất Tố từng đổi các 17 hồi của tác phẩm thành 21 thiên vì “muốn nó khỏi bị liệt vào hàng tiểu thuyết”[1], thậm chí các câu thơ đầu và cuối mỗi hồi cũng bị lược bỏ.

Tiểu thuyết vốn chia làm nhiều loại, chẳng hạn Hồ Ứng Lân thời Minh chia tiểu thuyết thành 6 loại, gồm: tiểu thuyết chí quái, truyền kì, tạp lục, trùng đàm, biện đính và châm quy. Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu chia tiểu thuyết thành ba phái, gồm: tạp sự (những việc tản mạn), dị văn (những chuyện lạ tai), tỏa ngữ (những lời lặt vặt). Đối với loại tiểu thuyết có dung lượng lớn, để đáp ứng nhu cầu kể chuyện (thuyết thư), những người kể chuyện (thuyết thư nhân, hay thuyết thoại nhân) thường phân chia nó thành các đoạn khác nhau, ban đầu thường gọi là các “tắc”, muộn hơn là các “hồi”, hoặc các “tiết”; loại này thường sau được gọi chung là tiểu thuyết chương hồi.

Ở Việt Nam, tiểu thuyết chương hồi được tiếp thu khá muộn, do đó không có loại phân chia thành các “tắc”, chỉ có loại phân thành “hồi” (như: Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng kí, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí…) và loại được phân chia thành các “tiết” (như: Hoan Châu kí, Trùng quang tâm sử…). Trong tiểu thuyết Trung Quốc, tiểu thuyết chương hồi là bộ phận tinh hoa nhất đồng thời nội dung và dạng thức của nó cũng khá gần với quan niệm tiểu thuyết du nhập từ Tây phương. Bộ phận tiểu thuyết chương hồi ở Việt Nam tuy không nhiều song cũng là bộ phận rất quan trọng.

Vào thời điểm trước đổi mới (1986), thông thường khi nói đến tiểu thuyết chương hồi Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán mà đại diện tiêu biểu và cơ hồ là duy nhất là Hoàng Lê nhất thống chí. Vấn đề nghiên cứu một cách tổng thể thể loại tiểu thuyết chương hồi Việt Nam chưa được đặt ra. Điều này cũng khá dễ hiểu vì trong khoảng thời gian đó, giới nghiên cứu văn học nước nhà chưa tiến hành một cuộc khảo sát tổng thể về tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, nên họ bằng sự quan tâm cá nhân, các nhà nghiên cứu tập trung sự chú ý của mình vào Hoàng Lê nhất thống chí, một tác phẩm đặc biệt nổi tiếng và được coi là đỉnh cao của thể loại này; xuất hiện nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành, đồng thời tác phẩm này cũng được dịch và giới thiệu rất sớm và có nhiều bản dịch khác nhau (chẳng hạn bản dịch của Cát Thành - năm 1912, Ngô Tất Tố - năm 1942, Nguyễn Đăng Tấn, Nguyễn Công Liên - năm 1950, Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch - năm 1964…). Ngoài Hoàng Lê nhất thống chí, Trùng quang tâm sử dường như là tác phẩm duy nhất được chí ý nghiên cứu. Tuy nhiên, tiểu thuyết chương hồi Việt Nam không chỉ có Hoàng Lê nhất thống chí và Trùng quang tâm sử, mà còn nhiều tác phẩm khác. Đúng như Trần Nghĩa từng viết: “Lâu nay, khi nói về tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam, ta chỉ nghĩ đến một tác phẩm tường chừng như duy nhất: Hoàng Lê Nhất thống chí. Nhưng mấy năm gần đây, do những cố gắng trong việc sưu tầm thư tịch Hán Nôm, và sự mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, đặc biệt là với các nước thuộc cộng đồng văn hiến chữ Hán như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… chúng ta đã nhìn lại và phát hiện trước cũng như sau Hoàng Lê nhất thống chí còn có một loạt tác phẩm cùng loại mà nếu gom vào một chỗ, chúng sẽ chiếm một khoảng không nhỏ trong khu vườn văn học Việt Nam. Ấy là Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí Trùng quang tâm sử[2].

Tuy nhiên, khảo sát qua thư tịch Hán Nôm, bộ phận tiểu thuyết chương hồi chữ Hán của Việt Nam không chỉ giới hạn trong số các tiểu thuyết kể trên, chí ít còn Sài Sơn thực lục, Nam Thành du dật toàn truyện. Bên cạnh các tiểu thuyết chương hồi bằng chữ Hán còn có các tiểu thuyết chương hồi bằng chữ Nôm, như: Sự tích ông trạng Lợn (19 hồi), Sự tích ông trạng Quỳnh (23 hồi). Ngoài ra còn có nhiều truyện thơ Nôm (lục bát) mang bóng dáng của dạng tiểu thuyết chương hồi, như: Bích Câu kỳ ngộ (30 hồi), Phú bần truyện diễn ca (12 hồi), Đổng Thiên Vương tân truyện (12 hồi)…

Trong các công trình nghiên cứu, giới thiệu về tiểu thuyết Việt Nam nói chung, tiểu thuyết chương hồi nói riêng, bộ phận tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Nôm không được chú ý, các học giả trong và ngoài nước mới chỉ hướng sự quan tâm của họ và tiểu thuyết chương hồi chữ Hán, song ngay các tiểu thuyết chữ Hán cũng chưa được khảo sát và điều tra một cách toàn diện.

Tháng 2 năm 1989, Học sinh thư cục Đài Loan xuất bản sách Vực ngoại tiểu thuyết Hán văn luận cứu (nghiên cứu thảo luận về tiểu thuyết chữ Hán ngoài cõi Trung Hoa), do Hội Nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc biên soạn, phần tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Trịnh A Tài phân làm 4 nhóm lớn: 1/ Loại tiểu thuyết truyền thuyết thần thoại, 2/ Loại tiểu thuyết truyền kỳ, 3/ Loại tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử, 4/ Loại tiểu thuyết bút ký. Các tiểu thuyết chương hồi chữ Hán gồm 4 tác phẩm: Hoàng Việt xuân thu, Việt Nam khai quốc chí truyện, Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Việt long hưng chí được đưa vào nhóm tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử.

Trong bài “Bước đầu tìm hiểu tiểu thuyết lịch sử Việt Nam”, Trần Khánh Hạo tiến hành mô tả tiểu thuyết lịch sử viết bằng chữ Hán của Việt Nam, phần về tiểu thuyết chương hồi mới chỉ nhắc đến các tác phẩm: Hoan Châu kí, Hoàng Việt xuân thu, Việt Nam khai quốc chí truyện, Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Việt long hưng chí[3].

Với ý hương nghiên cứu về văn hiến phương Đông, năm 1986 Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole Franacise d’Extrême - Orient) cho xuất bản hệ ấn phẩm Tùng thư tiểu thuyết Hán văn Việt Nam tập I, chủ biên là Trần Khánh Hạo, nhà nghiên cứu văn học, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (C.N.R.S), đồng thời là cộng tác viên của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp và Trường Đại học Paris 7. Cùng tham gia công trình này còn có các nhà làm công tác nghiên cứu ở Sở nghiên cứu Trung văn của Trường Đại học Đài Bắc thuộc Đài Loan. Trong tập I của bộ sách này đã giới thiệu các tiểu thuyết chương hồi: Hoàng Việt xuân thu, Việt Nam khai quốc chí truyện, Hoàng Lê nhất thống chí. Bộ sách này sau được xuất bản sang dạng tiếng Trung với tiêu đề Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san, tập 1 xuất bản năm 1987, tập 2 xuất bản năm 1992, đều do Học sinh thư cục Đài Bắc ấn hành. Tập 1 do hai Giáo sư Trần Khánh Hạo và Vương Tam Khánh chủ biên, gồm 7 quyển đã dung nạp 18 tác phẩm, trong đó có Truyền kỳ mạn lục. Tập 2 do ba Giáo sư Trần Khánh Hạo, Trịnh A Tài, Trần Nghĩa chủ biên, gồm 5 quyển, dung nạp 17 tác phẩm, trong đó có Lĩnh Nam chích quái liệt truyện. Học giả Trung Quốc Vương Tiểu Thuẫn đánh giá “Đây là bộ sưu tập đại thành về tiểu thuyết chữ Hán của Việt Nam và cũng là một trong những công trình chỉnh lý cổ tịch Việt Nam một cách có hệ thống”[4]. Tuy nhiên trong bài viết của mình Vương Tiểu Thuẫn cũng nêu ra một số điểm chưa hợp lí của bộ sách. Liên quan đến mảng tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử, tác giả cho rằng nên gọi là “tiểu thuyết chương hồi” và bổ sung thêm Đào hoa mộng ký, Nam Thành du dật toàn truyện. Đào hoa mộng ký và Nam Thành du dật toàn truyện đều là tiểu thuyết chương hồi về đề tài tình yêu bằng chữ Hán. Trong khi các tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam đều thuộc đề tài giảng sử, diễn sử thì việc phát hiện và bổ sung Đào hoa nguyên kí và Nam Thành du dật toàn truyện khiến người đọc nhận ra một cách rõ ràng, phạm vi đề tài của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam, thậm chí chỉ xét trong phạm vi tiểu thuyết chương hồi bằng chữ Hán cũng không chỉ giới hạn bởi đề tài lịch sử hay chỉ mang tính giảng sử, diễn sử.

Các nghiên cứu, công trình trên về tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam không thu thập và giới thiệu Đào hoa mộng kí và Nam Thành du dật toàn truyện, tất nhiên càng không chú ý đến Sài Sơn thực lục. Tới bộ Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam[5]tuy có bổ sung Đào hoa mộng kí song vẫn không có Nam Thành du dật toàn truyện và Sài Sơn thực lục. Đến nay, có thể nói Sài Sơn thực lục vẫn là cái tên xa lạ với khá nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có những nhà nghiên cứu về tiểu thuyết chương hồi Việt Nam trong, ngoài nước.

II. SÀI SƠN THỰC LỤC TRONG DÒNG MẠCH TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI CHỮ HÁN VIỆT NAM

Sài Sơn thực lục hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Các kí hiệu: A. 3227, A. 3227 BIS, A. 3107), sách in từ bản khắc gỗ, ngoài 02 trang bìa, nội dung chính gồm 24 tờ, bìa đề Sài Sơn thực lục, thời gian khắc in: “Ngày tốt tháng Mạnh xuân, năm Canh thìn, năm thứ 15 niên hiệu Bảo Đại nước đại Nam [1940]”, do “Đệ tử trụ trì ở chùa Đính Sơn núi Sài Sơn tên là Thông Thi, tiểu hiệu là Tùng Như ghi chép và san khắc”.

Mở đầu sách là bản “Mục lục”. Sau Mục lục, sách ghi: “Cử nhân khoa Bính ngọ, An Sơn cư sĩ là Gia Phủ, biệt hiệu là Cúc Hương, Hoàng Thúc Hội người ở An Quyết, huyện Từ Liêm phụng tập”[6].

Ngoài sách này, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu hai sách khác vốn đều được khắc in tại Sài Sơn, đó là Sài Sơn thắng tích tạp kỉ và Sài Sơn thi lục. Sài Sơn thắng tích tạp kỉ do sư Trúc Vân biên khảo năm năm Gia Long 6 [1807]. Ván khắc in để tại chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích. Sách ghi về lịch sử, địa lí, phong cảnh chùa Sài Sơn (chùa Thầy), tiểu sử của bốn vị sư Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không, Nguyễn Đạo Thành, cùng các bài điệp, tấu, sớ văn dùng trong cách dịp lễ, đồng thời chép 3 bài văn bia chùa Thầy. Sài Sơn thi lục do nhà sư Thông Thi, tập hợp các tác phẩm thơ phú của lịch đại danh gia, các nhà khoa bảng viết về chùa Thầy và núi Sài Sơn, in tại chùa Thầy năm Bảo Đại thứ 5 [1930]. Người biên tập là Hoàng Thúc Hội.

Có thể thấy, trong các sách được khắc gỗ tại Sài Sơn thì Sài Sơn thắng tích tạp kỉ được khác in sớm nhất, kế đó là Sài Sơn thi lục và Sài Sơn thực lục. Hai sách sau đều do sư Thông Thi biên soạn, Hoàng Thúc Hội biên tập.

Mục lục sách Sài Sơn thực lục thống nhất với nội dung cuốn sách, gồm 10 tiết, tên mỗi tiết gồm 2 câu đặt theo lối biền ngẫu như các hồi, hoặc các tiết của các tiểu thuyết chương hồi khác. Cụ thể là:

Đệ nhất tiết: An Lãng trại môn đình triệu khánh / Từ thần tăng cung trị thừa gia (Tiết thứ 1: Trại An Lãng gia đình điềm lạ/ Từ thần tăng khéo nối gia phong), Đệ nhị tiết: Từ tiên khảo hương khuê tạo nghiệt / Lê Đại Điên thái tuyến hành phù (Tiết thứ 2: Từ tiên khảo hương khuê gây nghiệp/ Lê Đại Điên kết sợi làm bùa), Đệ tam tiết: Kim Xỉ Quốc dị nhân điểm hóa / Thiên Hưng tự đạo hữu đề huề (Tiết thứ 3: Nước Kim Xỉ dị nhân chỉ điểm/ Chùa Thiên Hưng đạo hữu đề huề), Đệ tứ tiết: Thiên Phúc tự Kim Cương hộ pháp/ Tô giang kiều thiết trượng phục thù (Tiết thứ 4: Chùa Thiên Phúc Kim Cương hộ pháp/ Cầu sông Tô gậy sắt phục thù), Đệ ngũ tiết: Cao Trí Huyền chân tâm bí quyết/ Trường Hương chử tái thế oan gia (Tiết thứ 5: Cao Trí Huyền trao truyền bí quyết/ Trường Hương chử tái thế oan gia), Đệ lục tiết: Giác Hoàng nhi bị yểm thu linh/ Hiền tôn thất thiện ngôn hoạch báo (Tiết thứ 6: Trẻ Giác Hoàng bị yểm mất thiêng/ Cháu tông thất khéo lời được báo), Đệ thất tiết: Lí hoàng điệt chi thừa đế thống/ Nguyễn Minh Không thân liệu thánh cung (Tiết thứ 7: Cháu vua Lí kính thừa ngôi báu/ Nguyễn Minh Không lo liệu bệnh vua), Đệ bát tiết: Cố hương trạch linh thanh phi chấn/ Sài động trung xá lị như sinh (Tiết thứ 8: Nơi cố hương anh linh vang dậy/ Động non Sài xá lị ngưng thần), Đệ cửu tiết: Trịnh Tĩnh Vương đồng diệp cầu thư/ Chiêu Thiền tự đệ niên trại hội (Tiết thứ 9: Trịnh Tĩnh Vương đồng diệp cầu thư/ Chiêu Thiền tự hàng năm mở hội), Đệ thập tiết: Khánh Thụy am thiên thu linh tích/ Sài Sơn cảnh tam nguyệt xuân quang (Tiết thứ 10: Am Khánh Thụy dấu thiêng ngàn thuở/ Cảnh non Sài xuân sắc tháng Ba).

Sau phần nội dung chính gồm 10 tiết là lời Bạt của “Hậu học, Tì khưu Đỗ Trân Bảo, Thích Thái Hòa ở Hội Phật giáo trung ương” và lời Bạt của “Thị độc, ban Bắc Giang thượng phán, Cử nhân Nam Đán Nguyễn Văn Bình”.

 Xét dung lượng, mục lục, tên các tiết và nội dung các tiết, dễ nhận thấy về thể thức, Sài Sơn thực lục là một tiểu thuyết chương hồi chữ Hán. So với các tiểu thuyết đã được chú ý nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi như: Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí Trùng quang tâm sử, đâylà tác phẩm có dung lượng nhỏ nhất và ra đời muộn nhất. Về phương diện tác giả, Sài Sơn thực lục do một nhà sư chấp bút, đó cũng là nét khác biệt khá lớn so với các tiểu thuyết chương hồi khác.

Về phương diện nội dung, Sài Sơn thực lục ghi chép từ điềm lành liên quan đến việc thiền sư Từ Đạo Hạnh ra đời tại trại An Lãng đến việc cha ông mắc thù oán với Diên Thành hầu, sau đó bị Diên Thành hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép thuật sát hại. Xuất phát từ mối hận thù đó, Từ Đạo Hạnh đến chỗ Đại Điên trả thù, việc bất thành, ông quyết định cùng hai người bạn là Minh Không và Giác Hải sang nước Kim Xỉ học phép thuật, sau đó trở về tu luyện tại chùa Thiên Phúc núi Sài Sơn, cảm phục được Kim Cương hộ pháp, biết phét thuật đã thành, Từ Đạo Hạnh đến trả thù Đại Điên, sau khi trả được thù, ông vân du khắp nơi, được các bậc cao tăng chỉ điểm. Sau khi chết, Đại Điên thác sinh thành một đứa trẻ thần dị, lấy tên là Giác Hoàng, hiểu biết mọi việc của nhà vua, tự nhận là con vua, được vua sai đón về cung, muốn y làm phép đầu thai đặng hợp thức hóa việc kế thừa ngôi báu. Từ Đạo Hạnh yểm bùa khiến việc đầu thai bất thành. Bị phát giác việc yểm bùa, Từ Đạo Hạnh bị giam cầm, may nhờ Sùng Hiền hầu khéo léo khuyên can nhà nhà vua mới thoát tội, Từ Đạo Hạnh báo ơn bằng cách thác hóa đầu thai làm con, sau được kế vị ngôi vua, đó là Lí Thần Tông. Trước đó, trên đường từ nước Kim Xỉ về, do từng dùng phép thuật hóa thành hổ dọa Giác Hải và Không Lộ, ông đã tiên liệu “Một niệm sai lầm, không tránh khỏi phải sa sẩy”, cho hậu thân của mình tất mắc bạo bệnh, cậy nhờ Nguyễn Minh Không cứu giúp, đến lúc này, quả nhiên mắc chứng hóa hổ, được Minh Không chữa trị. Từ Đạo Hạnh thác hóa ở núi Sài Sơn. Phần cuối truyện ghi việc mở hội ở chùa Chiêu Thiền (chùa Láng), các điển lễ tế tự, mô tả khung cảnh chùa và núi Sài Sơn.

Dựa vào nội dung diễn thuật, có thể phân các tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam làm hai mảng lớn, mảng thứ nhất là các tiểu thuyết về đề tài lịch sử, mảng này chiếm số lượng lớn, bao gồm nhiều tiểu thuyết quan trọng; mảng thứ hai là các tiểu thuyết viết về đề tài tình yêu, loại này không nhiều, đến nay giới nghiên cứu mới chỉ biết Đào hoa mộng kí và Nam Thành du dật toàn truyện. Như vậy, về đề tài, Sài Sơn thực lục có thể được xếp vào nhóm các tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài lịch sử. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có nét rất khác biệt, đó là các tiểu thuyết khác, từ Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí đến Trùng quang tâm sử đều là các tiểu thuyết có dung lượng khá lớn, phạm vi miêu tả là một những giai đoạn lịch sử với bối cảnh rộng và hệ thống nhân vật phong phú trong khi đó Sài Sơn thực lục dung lượng nhỏ, về cơ bản chỉ ghi chép về một nhân vật lịch sử đó là thiền sư Từ Đạo Hạnh, từ xuất thân, tu tạo, thành đạo, thác hóa và một số tình tiết hữu quan. Sự ghi chép đó khiến người ta có cảm giác tuy hình thức của nó là tiểu thuyết chương hồi, nhưng dung lượng phản ánh chỉ tương xứng với một truyện trong các tiểu thuyết truyền kì, chí quái, như các truyện của Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái hay một tiểu truyện trong Thiền uyển tập anh, hoặc giả nó là một thức cao tăng truyện nào đó hơn là tiểu thuyết chương hồi. Vậy tại sao tác giả của nó lại lựa chọn hình thức thể loại tiểu thuyết chương hồi? Điều này rất khó có thể làm minh bạch. Chỉ có thể đoán định rằng nhà sư Thông Thi – tác giả tập sách (hoặc giả có thể là Hoàng Thúc Hội, người trực tiếp gia công biên tập) là người có nhiều hứng thú với các tiểu thuyết chương hồi cho nên đã quyết định lựa chọn hình thức đó cho cuốn sách của mình. Thêm nữa, việc phân chia sách thành các hồi, mỗi hồi trình bày một nội dung riêng biệt và tuần tự theo tiến trình thời gian, đặt hai câu biền ngẫu đặt làm tiêu đề để chỉ rõ nội dung của từng hồi, khiến cuốn sách tuy ngắn gọn mà vẫn đảm bảo lớp lang, có trật tự ổn định và kết cấu chặt chẽ.

Tác giả của Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Việt long hưng chí khi sáng tác tác phẩm của mình, độ cách quãng thời gian sự kiện miêu tả trong tác phẩm với thời điểm mà tác giả sống không quá xa, tiêu biểu như trường hợp Hoàng Lê nhất thống chí tác giả còn mô tả các sự kiện lịch sử cùng thời, thậm chí bản thân có can dự vào đó. Chính vì vậy, xét về mặt bút pháp, tuy một số tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam trong khi miêu tả nhân vật và khung cảnh chiến tranh ít nhiều bị ảnh hưởng của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, đặc biệt là bộ Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, song xét mức độ chân thực của các sự kiện được miêu tả, chúng lại mang dáng dấp của các bộ sử. Thậm chí thời điểm lịch sử trong tác phẩm với thời đại tác giả có độ cách quãng thời gian khá xa như Trùng quang tâm sử cũng có yếu tố tương tự. Sài Sơn thực lục, tính từ thời điểm hoàn thành bộ sách ngược về thời đại của nhân vật chính, tức thời của thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có độ lùi 900 năm, điều đó rất khác so với Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Việt long hưng chí nhưng lại gần giống với Việt Lam xuân thu (nói về giai đoạn cuối Trần và khởi nghĩa Lam Sơn - cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV) và Trùng quang tâm sử (nói về giai đoạn khởi nghĩa cuối thời Trần (thế kỉ XIV). Trong các tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam, Việt Lam xuân thu, tuy tiêu đề có hai chữ “xuân thu”, ngụ ý cho rằng tác phẩm khu biệt với các bộ sử nhưng vẫn thuộc phạm vi của sử[7], nhưng xét nội dung, đây là tác phẩm theo lối tiểu thuyết luận đề, các sự kiện lịch sử tuy không hoàn toàn là bịa đặt song chủ yếu được sử dụng để minh họa cho ý chủ quan của tác giả vốn đã được thiết lập từ trước, điều đó khiến nó rất xa lạ với truyền thống tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam vốn là một nền tiểu thuyết chương hồi không gắn với thoại bản và truyền thống thuyết thư, trong khi đó lại bị chi phối rất sâu đậm bởi truyền thống tản văn lịch sử bản địa[8].

Sài Sơn thực lục là cách gọi ở bìa sách, tên đầy đủ của sách này là Sài Sơn Từ thần tăng thực lục như ghi ở phần Mục lục. Hai chữ “thực lục” khiến người đọc liên hệ đến những tác phẩm khá nổi tiếng như Lam Sơn thực lục, Trung hưng thực lục, Đại Nam thực lục. Sài Sơn Từ thần tăng thực lục nghĩa là ghi chép sự thực về vị thần tăng họ Từ ở Sài Sơn. Hiển nhiên khi biên soạn sách này, tác giả của nó chỉ mượn hình thức của tiểu thuyết chương hồi để trình bày tác phẩm của mình mà không mang tâm thái của một người sáng tác hay phóng tác, ý hướng của tác giả là muốn lựa chọn những gì mình cho là đáng tin nhất để đưa vào bộ sách. Song le, thời gian cách quãng quá xa với thời đại của thiền sư Từ Đạo Hạnh có thể coi là khó khăn rất lớn đối với tác giả. Thông tin liên quan đến vị thiền sư nổi tiếng này vốn từng được ghi chép trong bài văn chuông chùa Thiên Phúc (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn) do Đại sa môn Thích Huệ Hưng soạn vào ngày 9 tháng Tám năm thứ 9 niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa, tức ngày 5 tháng Chín năm 1109 theo yêu cầu của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây là tư liệu quan trọng chứa đựng nhiều thông tin đáng tin cậy nhất về vị thiền sư Từ Đạo Hạnh và việc xây dựng chùa Thiên Phúc. Tuy nhiên đến năm 1794, trong bài ký khắc trên chuông mới đúc của chùa Thiên Phúc (Phật Tích sơn Thiên Phúc tự tân chung ký minh), Phan Huy Ích (1754 -1822) cho biết đến năm 1789, chuông đã bị bị phá đi để đúc tiền. Sở dĩ ngày nay ta còn biết được nội dung bài văn chuông vì nó được ghi lại trong sách Kim văn loại tụ[9]. Tuy nhiên, ở đầu thế kỉ 20, có lẽ nhà sư Thông Thi không biết đến sự tồn tại của nó, bằng chứng là nội dung văn chuông này không thấy được thể hiện trong Sài Sơn thực lục.

Theo bài văn chuông chùa Thiên Phúc do Đại sa môn Thích Huệ Hưng soạn thì đương thời chùa Thầy, ngoài cái tên là chùa Thiên Phúc còn được gọi là viện Hương Hải; Sài Sơn ngoài tên gọi là núi Phật Tích còn được gọi là núi Bồ Đà Lạc, hay núi Bồ Đà. Cách gọi tên đó tương đồng với ghi chép về núi Bồ Đà Lạc Ca và viện Hương Hải, là nơi trụ trì của Bồ tát Quán Thế Ân từng được ghi lại trong kinh Hoa nghiêm. Khi thiền sư Từ Đạo Hạnh từ kinh thành đến đây: “Qua một dòng sông, thấy một ngọn núi xanh, men đá mà bước lạc tục trần, vịn dây mà thân lên thượng giới. Ngọn núi ấy, sừng sững như Lăng Già bao bọc, vằng vặc một vầng trăng thu. Có bậc thang lạ, dẫn vào khám Phật tròn bằng đá. Mây ngũ sắc vần vụ, ngọc thất châu buông rèm. Lưới nhện đan xen, áo tơi rực rỡ. Bên dưới núi còn dấu thờ Phật, ở giữa có đài nghê nguy nga. Dấu Phật đó, ngọc trắng dưới đáy, rồng xanh cuộn bên ngoài; đài nghê đó, tê giác trấn bên cạnh, đèn chuỗi sáng lung linh. Há đây giống phòng nghi trượng, mà chính là ngọn Thứu phong vậy”. Thế rồi sau: “Bèn sai thợ giỏi, chọn đất trung tâm. Dựng điện ngọc sáng rực bốn phương, đặt tượng vàng nghiêm trang chiếu toả. Mọi người truyền lời đó, rừng tiếng vút cao. Trong chốc lát, các thiện nam, nữ tín kéo về; chẳng mấy ngày mà cảnh chùa đã hiện rõ. Tìm xẻ gỗ quý, đắp lò ngói xanh. Dấu mực thước dọc ngang, tiếng búa rìu chan chát. Nguy nga viện mới, sừng sững lầu cao. Trồng thông cho lối dẫn mát lành; vun hoa để cảnh quang thơm ngát”.

Về thiền sư Từ Đạo Hạnh, theo ghi chép trong văn chuông, “tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ lạ. Khi tụng tập Liên kinh, tiếng ngọc vang sang sảng; lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Dựng Bát chủng tháp mà khắp cõi hết mực uy nghiêm; đọc Tam kíp thư mà kinh Phật thảy đều quán triệt”. Đương thời, ông là hẳn là một trong các vị thiền sư danh tiếng, rất có uy vọng: “Thầy ở đủ sáu năm, ân huệ ban rộng khắp. Các vương tử xe ngựa ồn ào, người khắp nước hương hoa kính lễ. Ngự thư ban chiếu, vua dự tiệc chay. Ban áo báu xếp ngang bậc thầy, lên xe Phật sánh cùng Tứ quả”. Nói về việc sư đúc chuông thì: “Cảm kích vì cùng chí nguyện, Thái hậu [Nguyên phi Ỷ Lan] sai Trung sứ đến tận nơi. Thế rồi, ngựa xe kéo đến khiến cửa son trống trải; già trẻ dồn về mà thôn xóm vắng tanh. Ùn ùn kéo đến bệ Phật, lũ lượt như phiên chợ Đông”. Về đường lối tu hành của vị thiền sư này mang đặc điểm rõ nét của Mật giáo: “Gặp thời đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học người xưa không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước vảy mà dứt hết ốm đau; việc chưa manh nha, dự đoán trước mà trúng như bùa phép. Kinh Phật nói: “Phật có bát biện, không có thầy thì không ai nối viên âm; Phật đặt ra thi la, không có thầy thì không thể vững chắc; phúc điền của Đế Thích, không có thầy thì không truyền bá được hương Phật; Dược Vương đốt cánh tay, không có thầy thì ai có thể chịu được nỗi khổ; Quan Âm cứu nạn, không có thầy thì ai tiếp nối công danh; cao tăng hiện rõ linh dị, không có thầy thì không ai kế gót thần linh” . Hay đoạn nói việc sư ở núi Bồ Đà Lạc: “Sư ở lại chưa mươi ngày đã có sự cảm ứng. Hổ hoang tới phục, rồng núi tự thuần”.

Tương tự như vậy, muộn hơn bài văn chuông nói trên, Đại Việt sử lược thời Trần có ghi một số chi tiết về thiền sư Từ Đạo Hạnh, song khá sơ lược. Về đại thể là các sự kiện: Tháng Mười hai [tháng Chạp] năm Long Thụy Thái Bình thứ tư [1057]: Dựng chùa Thiên Phúc; tháng Mười một năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 [1112], ghi các sự kiện kì dị liên quan đến việc Giác Hoàng ở Thanh Hóa được vua đón về cung, làm thuật thác sinh bị Từ Đạo Hạnh yểm bùa, Đạo Hạnh bị hạ ngục, sau đó nhờ Sùng Hiền hầu nói với nhà vua nên được tha; tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 7 [1116]: Sư Đạo Hạnh hóa; năm Bính thìn niên hiệu Thiên Chương Bảo tự năm thứ tư [1136]: vua [Thần Tông] bị bệnh, chữa thuốc không thuyên chuyển, được nhà sư Minh Không chữa khỏi. Tuy nhiên, tác phẩm này cùng An Nam chí lược của Lê Tắc trước kia chỉ có ở Trung Quốc, vào đầu thế kỉ 20, nhà sư Thông Thi hẳn không có điều kiện tham khảo. Tư liệu thời Trần liên quan đến thiền sư Từ Đạo Hạnh mà sư Thông Thi có thể tham khảo đó là Lĩnh Nam chích quái do Trần Thế Pháp biên soạn cùng sách Thiền uyển tập anh ngữ lục. Lĩnh Nam chích quái có truyện về Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không (Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không truyện). Trong truyện này, các chi tiết liên quan đến Từ Đạo Hạnh được trình bày một cách khá hệ thống và không kém phần phong phú. Phần ghi chép về thiền sư Từ Đạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh ngữ lục nội dung tương tự Lĩnh Nam chích quái, chỉ xuất nhập một vài chi tiết nhỏ, từ đó có thể thấy hoặc giả hai sách này chép lẫn nhau hoặc từ cùng một nguồn. Các bộ sử sau đó như Đại Việt sử kí toàn thư và một vài sách khác tuy có ghi chép việc xây dựng chùa Thiên Phúc năm 1057, một số sự kiện liên quan đến thiền sư Từ Đạo Hạnh song không nhiều, đôi khi rất khác so với Đại Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái và Thiền uyển tập anh ngữ lục. Chẳng hạn sự việc năm liên quan đến Giác Hoàng về cung làm phép đầu thai, bị Từ Đạo Hạnh yểm bùa, sau đó Đạo Hạnh bị hạ ngục phải nhờ Sùng Hiền hầu giải cứu… Đại Việt sử kí có ghi song tước bỏ các chi tiết thần dị. Theo Đại việt sử kí toàn thư, năm Nhâm thìn niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 3 [1112]: “Bấy giờ nhà vua tuổi đã nhiều mà chưa có con nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm người nối ngôi. Em vua là Sùng Hiền hầu cũng chưa có con trai, gặp lúc sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì báo cho tôi biết trước để cầu khấn với sơn thần. Ba năm sau, phu nhân có mang, sinh con trai là Dương Hoán”. Còn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, các chi tiết liên quan đến thiền sư Từ Đạo Hạnh gần như đều bị tước bỏ. Với ý hướng ghi chép sự thực về thiền sư Từ Đạo Hạnh song do cách quãng thời gian quá xa, tư liệu chính sử quá nghèo nàn, sơ lược, nếu có tham khảo chính sử, sư Thông Thi cũng chỉ có thể tham khảo được một số tình tiết, mà các tình tiết đó cơ bản đều có trong Lĩnh Nam chích quái và Thiền uyển tập anh ngữ lục. Chính vì vậy, dấu ấn của phần truyện về Từ Đạo Hạnh - Nguyễn Minh Không của Lĩnh Nam chích quái và phần ghi chép về thiền sưTừ Đạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh ngữ lục được thể hiện hết sức rõ ràng trong Sài Sơn thực lục. Bài minh trên chuông chùa Thiên Phúc do Đại sa môn Thích Huệ Hưng soạn tương đồng về bút pháp so với các tác phẩm kim thạch học thời Lí hiện còn, bên cạnh tính chất ghi chép sự thực có cả bút pháp ước lệ và khoa trương. Gạt bỏ các chi tiết ước lệ khoa trương trong bài văn đó, vẫn có thể thấy đương thời Từ Đạo Hạnh tu hành theo Mật giáo, có nhiều bùa phép và thuật lạ. Đó hẳn là lí do sau khi ông mất, các chi tiết liên quan đến vị thiền sư này được phụ hội thêm, khiến hành trạng và con người thực của ông ít nhiều bị che lấp để rồi yếu tố linh dị, thần kì ngày càng được bổ sung và Lĩnh Nam chích quái và Thiền uyển tập anh ngữ lục là những mốc quan trọng ghi dấu những sự bổ sung và phụ hội đó. Trong hai sách trên chứa đựng vô số yếu tố thần kì, đó hiển nhiên cũng là lí do để truyện về Từ Đạo Hạnh được thu nạp vào một tiểu thuyết chí quái. Chọn Lĩnh Nam chích quái và Thiền uyển tập anh ngữ lục làm tài liệu chính yếu để viết thực lục về thiền sư Từ Đạo Hạnh như tác giả Sài Sơn thực lục đã làm đồng nghĩa với việc dung nạp vào tác phẩm của mình những yếu tố thần kì, linh dị.

Chưa dừng lại ở đó, nếu so sánh nội dung ghi chép trong Sài Sơn thực lục với Lĩnh Nam chích quái hay Thiền uyển tập anh ngữ lục ta sẽ thấy có nhiều điểm bất đồng. Chẳng hạn sau khi Từ Đạo Hạnh lần đầu tìm cách giết Đại Điên bất thành, theo Lĩnh Nam chích quái và Thiền uyển tập anh ngữ lục ông “Muốn tìm đường sang nước Công Độ [Có lẽ chỉ Ấn Độ] cầu phép lạ để chống lại Đại Điên, đường đi qua đất man Kim Xỉ thấy hiểm trở bèn quay về, ẩn cư ở núi Phật Tích, hàng ngày chuyên đọc chí Đà la ni trong Đại bi tâm kinh, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần…”, còn Sài Sơn thực lục lại ghi: “Sau khi đi giết Đại Điên thất bại, ông muốn sang nước Thiên Trúc, Ấn Độ cầu đạo để chống lại Đại Điên, liền cùng đạo hữu là Khổng Minh Không và Nguyễn Giác Hải vượt núi trèo non, chẳng quản khó nhọc, đến nước man Kim Xỉ, núi khe hiểm trở, chẳng biết đi hướng nào, ai nấy đều muốn quay về, chợt thấy một ông lão cưỡi thuyền cầm gậy du ngoạn trên sông, mới đến hỏi rằng:

Vãn bối chực đến Tây Thiên cầu đạo, đến đây không biết đường, chẳng biết đi thế nào, còn bao dặm đường? Ông lão đáp bằng bài kệ rằng:

Đạo lí thường nhiên lộ cộng hành,

Đa công học đạo tất thành công.

Uông dương vạn phái hà nan thiệp,

Chỉ nhật hà thanh đổ thánh sinh.

(Đạo lí thường thôi, bước bộ hành,

Nhiều công học đạo tất thành công.

Mênh mông muôn lạch đâu qua khó,

Mai mốt sông trong ắt thánh sinh).

Vả hôm ấy đường non hiểm trở, không thể nào đi được, lão nhân có một chiếc thuyền và chiếc gậy, thuyền thì để chở, gậy thì chỉ hướng, nhờ đó có thể đến Tây Phương cũng chả lấy gì làm xa, bèn lấy điều nghĩa mà tặng cho ba người, đặng thể thành tựu cái chí của người quân tử. Ba người cảm tạ, nhận thuyền nhận gậy, đi một lát đã đến địa giới Thiên Trúc. Minh Không và Giác Hải lên bờ, Lộ ở lại giữ thuyền. Ba ngày sau chẳng thấy tăm hơi hai người đâu, bỗng thấy một bà lão gánh hai chiếc thúng đến bền bờ sông múc nước (Sách khác ghi rằng: Người đàn bà đến bên sông, tháo tay chân mình ra để rửa rồi hong, cứ như hong củi, hong khô thì các xương khớp đều hợp lại thành như người thường, rồi xuống sông múc nước), [Lộ] hỏi rằng:

- Bà có thấy hai người [bạn tôi] qua đây không?

Bà lão đáp:

- Hai người đó được ta dạy cho đã về lâu rồi.

Lộ nói rõ việc ba người cùng đi với nhau, rất chung ý hướng. Bà lão nói:

- Chả hề chi.

Bèn sai gánh nước về, thúng thưa mà nước không hề rò chảy, đã lấy làm lạ; đến nhà, bà trao bí quyết linh dị cho và phép “rút đất” (xúc địa), Đà la ni chú, sai về.

Lộ ám ảnh vì chuyện hai bạn lỗi hẹn, lấy làm giận, trên đường về niệm chú, hai bạn trên đường về thấy bụng quặn đau, khó lòng đi nổi, Lộ bèn cướp đường mà đi trước, đến ẩn ở bụi cây chùa Thiên Hưng, địa đầu xã Ngải Cầu, huyện Từ Liêm, hai người bạn đi đến đó, giả làm tiếng hổ gầm để nhát họ, hai người tâm cũng linh cảm ứng, biết đó là Lộ, cười bảo:

- Khéo làm tiếng hổ, anh muốn hậu thân làm hổ à?

Lộ bèn ra tạ lỗi mà rằng:

- Ta sai rồi. Một niệm sai lầm, không tránh khỏi phải sa sẩy, ngày kia chẳng may hóa hổ, xin cho phương thuốc hay để cứu mạng, thắp đuốc soi kẻ mê, xin phiền hai vị ra sức giúp cho vậy.

Hai người đồng ý. Từ đó không để ý hận cũ, kết làm anh em, lộ là anh cả, Minh Không làm thứ, Giác Hải tuổi nhỏ nhất đứng sau chót”.

Rõ ràng về mặt tình tiết Sài Sơn thực lục ghi chép phong phú hơn Lĩnh Nam chích quái hay Thiền uyển tập anh ngữ lục rất nhiều và cũng rất khác; mức độ phụ hội và tình tiết hoang đường cũng được tăng cường.

Vấn đề đặt ra là, vậy các tình tiết rất khác biệt so với các ghi chép về thiền sư Từ Đạo Hạnh trong các tư liệu thời Trần cụ thể là Lĩnh Nam chích quái và Thiền uyển tập anh ngữ lục thể hiện trong Sài Sơn thực lục được tiếp thu từ nguồn  nào?

Xem xét các nguồn tư liệu Hán Nôm, các chi tiết đó khá giống với Từ Đạo Hạnh đại thánh thực lục ghi trong một số bản Việt điện u linh tập hiện còn. Việt điện u linh tập là sách do Lí Tế Xuyên người thời Trần biên soạn. Vậy phải chăng các tình tiết khác biệt với Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh ngữ lục thể hiện trong Sài Sơn thực lục cũng được tiếp thu từ tư liệu thời Trần? Kì thực không phải vậy. Trong các bản Việt điện u linh tập hiện còn, những bản đáng tin là giữ được dấu ấn của bản Việt điện u linh tập thời Trần như A.1919 không hề có phần Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục, phần này chỉ xuất hiện trong các bản như Việt điện u linh tập A.751 và VHv.1285/1 vốn là phần do “Đạo nhân tam quán Tam Thanh” trùng bổ. “Đạo nhân tam quán Tam Thanh” tức Ngô Giáp Đậu (1853-?) , Tam Thanh là tên hiệu của ông. Ngô Giáp Đậu đồng thời là tác giả bộ tiểu thuyết Hoàng Việt long hưng chí hoàn thành năm Thành Thái Giáp thìn [1904]. Vấn đề tiếp theo được đặt ra là phần Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục trong Việt điện u linh tập có nhiều chi tiết vốn các bộ chính sử cũng như Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh ngữ lục không hề ghi, vậy Ngô Giáp Đậu đã tham khảo, tiếp thu từ nguồn nào? Khảo sát thêm một bước, kết quả cho thấy ghi chép trong Từ Đạo Hạnh đại sự tích thánh thực lục về nội dung các tình tiết rất giống với các bản thần tích về thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện còn, và đặc biệt giống bản thần phả xã Yên Lãng (xem trong: Hoàn Long các xã thần tích – Hoàn Long huyện, Yên Hạ tổng, Yên Lãng xã thần tích, AE.A2/38) – vốn là nơi có quan hệ đặc biệt với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Nhan đề bản thần tích này ghi là Từ Đạo Hạnh sự tích thực lục, mở đầu thần tích ghi là “theo thực lục ở chùa Chiêu Thiền xã Yên Lãng” (An Yên Lãng Chiêu Thiền tự thực lục). Xem xét về nội dung, tên gọi, có cơ sở để tin rằng, phần Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục đã tiếp thu rất nhiều từ bản thần tích xã Yên Lãng. Vấn đề cuối cùng là vậy tác giả Sài Sơn thực lục đã tiếp thu từ thần tích xã Yên Lãng, hay từ phần tăng bổ của Ngô Giáp Đậu? Xem xét một cách tổng quát, Sài Sơn thực lục có một số chi tiết tương đồng với thần tích xã Yên Lãng, mà những chi tiết này không có trong Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục. Trong Sài Sơn thực lục có phần ghi chép về ghi việc điển lễ tế tự và lễ hội ở chùa Chiêu Thiền tại Yên Lãng, điều này cho thấy khi viết, biên tập sách này, sư Thông Thi và Hoàng Thúc Hội đều đã có điều kiện khảo cứu các tư liệu có liên quan đến thiền sư Từ Đạo Hạnh tại chùa Chiêu Thiền cũng như xã Yên Lãng mà bản “thực lục” của chùa và thần tích Từ Đạo Hạnh sự tích thực lục là những tư liệu quan trọng bậc nhất họ không thể bỏ qua. Thêm vào đó, xét nhan đề Sài Sơn thực lục, đây vốn là nhan đề được ghi ở bìa tập sách, nó thực ra là một nhan đề đã được rút gọn. Ở Phần phụ lục cũng ở ngay đầu cuốn sách, tên đầy đủ của tập sách vốn là Sài Sơn Từ thần tăng thực lục. Như vậy, có nhiều cơ sở để khẳng định Sài Sơn Từ thần tăng thực lục đã tiếp thu rất nhiều từ bản thần tích xã Yên Lãng.

Sài Sơn thực lục ban đầu do sư Thông Thi biên soạn song đã qua sự biên tập của Hoàng Thúc Hội. Hoàng Thúc Hội can thiệp khá sâu vào cuốn sách, có tăng bổ thêm ở một số đoạn, do đó có thể coi ông là đồng tác giả của Sài Sơn thực lục. Trong lời tựa, Hoàng Thúc Hội cho biết khi biên tập sách này ông có ý hướng “bỏ chỗ quái đản, giữ cái thường” , lại còn “… Bỏ chỗ phồn tạp cho giản lược, bớt chỗ tục cho nhã thêm, khiến cho câu chữ thông thuận, người đọc có thể nhân văn mà khảo thực”, “Còn như chỗ nào ghi chép sự thực thì mảy may cũng không dám tước bỏ”. Nếu vậy có thể giải thích như thế nào về các chi tiết như đoạn về người đàn bà ở bến sông nói trên, phải chăng đó cũng là chỗ “ghi chép về sự thực”? Xét kĩ, không khó để nhận ra chính bản thân Hoàng Thúc Hội cũng có sự thỏa hiệp nhất định giữa việc cắt hay để, ngoài lí do ông là người làng An Quyết, gần sát với An Lãng nên có thể không xa lạ với truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh lưu truyền rộng rãi trong khu vực, còn bởi ông cho rằng: “Bỏ chỗ quái đản, giữ lại chỗ bình thường, chính là cách viết của sử vậy. Song trong trời đất, điều kì quái nào mà không có, kì nhân kì sự thảng hoặc cũng xuất hiện. [Cho nên] sưu thần, dị kí, thường thấy rất nhiều; chích quái, truyền kì, sách Nam cũng lắm. […] Nghe thì nhiều mà thấy thì ít, há có thể tóm lược hết lại mà cho là chuyện hoang đường quái đản hay sao”. Lại thêm ông có hướng ý vào phương diện đạo lí và tính chất khuyến giới, coi việc Từ Đạo Hạnh báo thù cho cha là tận hiếu; được Sùng Hiền hầu giải cứu, tránh được hình phạt, quên mình báo đáp đó là chuộng đức; còn Nguyễn Minh Không nhận lời nhờ cậy của Từ Đạo Hạnh khi ở địa đầu xã Ngải Kiều huyện Từ Liêm mà ra sức cứu giúp sau này đó là tình bạn thắm thiết… vì vậy vẫn giữ nguyên những tình tiết vốn dĩ rất hoang đường. Ông viết trong lời tựa: “Huống việc cầu đạo, phục thù, nhiều lần thúc giục, đó là tận hiếu vậy. Một lời nói mà tránh được hình phạt, quên thân mình để mà báo đáp, đó là chuộng cái đức vậy. Lời hẹn ngoài nội, trọn đời không quên, đó là tình bạn thắm thiết của Minh Không và Giác Hải vậy. Các bậc thánh hiền tiên Phật ngàn xưa, cũng là luân lí cương thường ngàn xưa vậy. Tấm gương răn mình sao có thể mất được”. Cho nên trong sách, ông “lại thêm đôi chút nghị luận để phụ thêm chút kiến giải thô lậu của mình, ngõ hầu có ích cho sự giám giới”. Và cuối cùng vừa thanh minh, vừa nhún nhường “…truyền nghi truyền tín cũng là cách viết của sử vậy, mong bậc thức giả thể lượng cho”. 

Xem xét tổng thể các tiết trong Sài Sơn thực lục, có thể thấy Hoàng Thúc Hội đã can thiệp khá sâu vào cuốn sách, tuy nhiên ở đoạn từ tiết thứ nhất đến tiết thứ tám, tức là đoạn nói về hành trạng thiền sư Từ Đạo Hạnh, có lẽ ông chỉ cắt bỏ những chi tiết rườm rà không cần thiết để văn mạch được sáng sủa hơn, với những chi tiết tuy hoang đường song có tác dụng đề cao phẩm hạnh, đạo hạnh của thiền sư họ Từ thì vẫn được lưu giữ. Trong bài tựa, ông còn cho biết mình có “tăng bổ một đoạn điển lễ tế tự ở Yên Lãng và Sài Sơn để tiện cho việc khảo cứu”. Hai tiết cuối cùng là phần ghi chép về lễ hội tại chùa Chiêu Thiền [chùa Láng], cùng phong cảnh núi Sài, điển lễ tế tự, các đồ tế khí, tượng võ sĩ Chiêm Thành… ở chùa Thiên Phúc, v.v… là những ghi chép rất cụ thể, chi tiết và có thể kiểm chứng được tính chân xác của chúng, hẳn là phần mà Hoàng Thúc Hội có nhiều dụng công tăng bổ.

KẾT LUẬN

Sài Sơn thực lục, tên đầy đủ là Sài Sơn Từ thần tăng thực lục về hình thức thể loại là một tiểu thuyết chương hồi chữ Hán có dung lượng nhỏ, toàn sách phân làm 10 tiết, ra đời vào hàng muộn nhất trong các tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam. Tác giả chính của sách này là nhà sư Thông Thi, tu hành tại chùa Đính Sơn (núi Sài Sơn); người biên tập, hiệu chỉnh và có thể coi như đồng tác giả là Cử nhân Hoàng Thúc Hội, quê quán tại làng Yên Quyết (tức làng Cót) huyện Từ Liêm, cả hai cũng là người biên soạn, biên tập sách Sài Sơn thi lục, được khắc in trước đó 10 năm.

Sài Sơn thực lục lấy cuộc đời và sự nghiệp tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh làm nội dung miêu thuật chính. Xét về đề tài, có thể xếp tác phẩm này vào nhóm các tiểu thuyết giảng sử, diễn sử. Tuy nhiên, xem xét kĩ nội dung các tiết, do cách quãng quá xa so với thời điểm lịch sử của thiền sư Từ Đạo Hạnh, tài liệu chính sử ghi chép về vị thiền sư này ít ỏi, nguồn tư liệu mà tác giả tiếp thu trực tiếp là thần tích xã Yên lãng - Từ Đạo Hạnh sự tích thực lục, tức phần do Thần phả này, xét về bản chất là các chi tiết từ các nguồn khác nhau, đã bị dân gian hóa, do vậy chứa đựng trong nó vô số tình tiết hoang đường. Chính vì vậy, tuy ở một số tiết cuối của tập sách có những chi tiết ghi chép sự thực về phong cảnh Sài Sơn, điển lễ tế tự ở chùa Chiêu Thiền, Thiên Phúc cùng các di vật cổ ở chùa Thiên Phúc song phần ghi chép này chỉ chiếm dung lượng nhất định; trên đại để, tuy tác giả của Sài Sơn thực lục có ý hướng ghi chép sự thực về thiền sư Từ Đạo Hạnh, trình bày nó dưới dạng tiểu thuyết chương hồi nhưng cái chi phối mạnh mẽ đến tác phẩm không phải bởi truyền thống tản văn lịch sử Việt Nam mà là bởi các tư liệu đã bị dân gian hóa và truyền thuyết dân gian. Bởi vậy, Sài Sơn thực lục rốt cục chỉ có hình thức là tiểu thuyết chương hồi, còn về nội dung, chỉ có thể xếp nó vào dạng tiểu thuyết chích quái, truyền kì mà thôi. 



* ThS, Viện Văn học.

[1] Ngô Tất Tố: Lời nói đầu sách Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb. Văn hóa, 1958.in lần 2, tr. 12.

[2] Xem Trần Nghĩa: “Sơ bộ tìm hiểu tiếu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam”, Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1994.

Hoan Châu ký: còn có tên là Thiên Nam liệt truyện Nguyễn Cảnh thị Hoan Châu ký, được biên soạn vào khoảng năm Chính Hòa (1680 - 1705) đời Lê. Tác giả là một người thuộc dòng họ Nguyễn Cảnh (họ kép), nhưng chưa rõ tên tuổi và hành trạng cụ thể.

Nam triều công nghiệp diễn chí: còn có tên là Việt Nam khai quốc chí truyện, do Nguyễn Bảng Trung soạn, Phong Sơn Dương Thận Trai viết lời tựa, Tri huyện huyện Phù Ninh tên là Giản viết lời bạt. Nguyễn Bảng Trung tên thực là Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736), Bảng Trung là tên tự, tước phong Bảng Trung hầu, quê ở Hải Dương, sinh quán Hương Trà, Thừa Thiên, làm quan đến chức Cai bạ phó đoán sự. Dương Thận Trai và Tri huyện Giản đều là người sống vào đầu triều Nguyễn.

Hoàng Lê nhất thống chí: nguyên tên là An Nam nhất thống chí, theo Ngô Giáp Đậu thì phần đầu sách do Học Tốn, tức Ngô Thì Chí (1753 - 1788), hiệu Uyên Mật, người Tả Thanh Oai, Hà Tây, con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương sự viết 7 hồi đầu, phần tiếp theo do Trưng Phủ, tức Ngô Thì Du (1772 - 1840), hiệu Văn Bác, cháu gọi Ngô Thì Sĩ bằng bác ruột, làm Đốc học Hải Dương viết 7 hồi tiếp theo (từ hồi 8 đến hồi 14). Các hồi 15 đến hồi 17 tương truyền do Ngô Thì Thiến viết. Trước đây từng có ý kiến cho rằng tác phẩm này do Ngô Thì Nhậm viết. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, có thể Ngô Thì Nhậm có tham gia nhất định vào sách này, song mức độ không lớn.

Đào hoa mộng ký: còn gọi là Đào hoa mộng tục Đoạn trường tân thanh do Tiên Phong Liên Đình soạn, Lê Bỉnh Đức đề thơ, Tương Giang Mai Cát Phủ đề từ và viết các phần bình luận. Tiên Phong Liên Đình tên thật là Nguyễn Đăng Tuyển, hiệu Mộng Liên Đình và Hy Lượng Phủ, người làng Hoài Thượng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, đỗ Tú tài năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), là Giám sinh Quốc tử giám, làm Chủ sự bộ Hộ, sau thăng Thị độc, Sử quán Biên tu, cuối cùng giữ chức Tri phủ Thuận Thành. Ông có đi sứ Trung Quốc. Lê Bỉnh Đức tên thật là Lê Hựu, hiệu Thiệu Hiên và Lộc Đàm chủ nhân, nguyên Tổng đốc Bình Thuận. Tương Giang Mai Cát Phủ chưa rõ tên thật và tiểu sử. Trong sách, ở Q. I, sau tiêu đề Lan Nương tiểu sử, còn ghi tên một người nữa là “Cấn Phong Hà Đạm Hiên”; cuối chuyện Hội chân ký do Tiên Phong Liên Đình soạn, có chép: “Nguyễn Sinh kể lại chuyện mình cho bè nghe, ai cũng lấy làm lạ. Có người tên là Hà Sinh bèn dựa theo chuyện kể, viết Lan Nương tiểu sử cho chàng, đặt tên là Đào hoa mộng”, người cùng tham gia sáng tác Đào hoa mộng ký với Nguyễn Đăng Tuyển, nhưng cũng chưa rõ tên thật và tiểu sử.

Việt Lam xuân thu: còn gọi là Hoàng Việt xuân thu hay Việt Lam tiểu sử, biên soạn khoảng cuối thế kỷ XIX, được sửa sang lại và xuất bản vào năm Duy Tân Mậu thân (1908). Người khởi thảo, tương truyền là Vũ Xuân Mai. Người biên tập và đề tựa là Lê Hoan. Vũ Xuân Mai quê ở phường Xuân Yên tỉnh Hà Nội, đậu Cử nhân năm Kiến Phúc Giáp thân (1884) làm Tri huyện huyện Phúc Thọ (Hà Tây). Lê Hoan (1856-?) người thôn Cự Lộc, xã Nhân Mục (làng Mọc), tổng An Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội (nay là xã Nhân Chính, phường Thượng Đình, quận Đống Đa, Hà Nội) gia công thêm. Trần Nghĩa dẫn theo Thanh Trì Lê Lưu thị thế phả” cho biết: “Lê Hoan từng giữ các chức Binh bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Ninh Thái Hải Yên, tước Phú Hoàn nam. Trong bài tựa viết cho sách khi xuất bản, Lê Hoan có nói ông tìm thấy bản thảo Việt Lam xuân thu trong hòm sách một gia đình cựu học. Khi mang ra đọc, ông lấy làm tiếc là về mặt kết cấu cũng như mạch lạc câu chuyện trong sách chưa được “xảo điệu tinh kỳ” lắm, cho nên nhân lúc rỗi rãi, ông đã “lạm gia tài tước”, mạn phép tác giả tỉa tót, cắt xén, cốt làm cho tác phẩm mang tính văn học hơn, rồi đưa in, đặt tên là “Việt Lam tiểu sử” để phân biệt với chính sử. Trong sách có “giáp phê”, “giáp bình”.

Hoàng Việt long hưng chí: biên soạn xong vào năm Thành Thái Giáp thìn (1904), tác giả Ngô Giáp Đậu (1853 - ?), hiệu Tam Thanh, biệt hiệu Sự Sự Trai, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (Hà Tây), đậu Cử nhân năm Thành Thái thứ 3 (1891), làm quan Đốc học.

Trùng quang tâm sử: do B.G sáng tác, Hiến Hán dịch, lần lượt đăng trên Binh sự tạp chí ở Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) từ số 81 tháng 1 - 1921 đến số 132 tháng 4-1925. Có người cho “B.G” chính là B.C, chữ C xếp chữ nhầm thành G (Xem Phan Bội Châu toàn tập, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.288.). Nếu điều đó là đúng thì “B.C” tức Bội Châu (Phan Bội Châu, 1867 - 1940), hiệu Thị Hán, biệt hiệu Sào Nam, người làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một chính khách nổi tiếng, được người trong nước hết sức kính mến vào những năm đầu thế kỷ XX. “Hiến Hán” là bút danh của người “dịch” thực ra là biên tập tác phẩm này để đăng tạp chí. Tác phẩm sau khi biên tập, có khác với lúc đầu chút ít về tên người, tên đất, cũng như số chương hồi.

[3] Trần Kinh Hòa (Chan Hing-Ho), xem bản dịch của Thọ Nhân in trên Tạp chí Hán Nôm số 3 năm 1994.

[4] Xem Trần Nghĩa, bài đã dẫn.

[5] Xem Trần Nghĩa, bài đã dẫn.

[6] Hoàng Thúc Hội là bố đẻ của học giả Hoa Bằng – Hoàng Thúc Trâm.

[7] Xem thêm B.L. Riptin: “Hoàng Lê nhất thống chí và truyền thống của tiểu thuyết viễn đông”, Tạp chí Văn học số 2 năm 1984.

[8] Thời cổ, hai chữ “xuân thu” trong một số trường hợp, nhất là trong tên sách thường để chỉ các bộ sử, tiêu biểu như bộ Xuân thu của Khổng Tử vốn là cuốn sử ghi chép về nước Lỗ.

[9] Xem thêm B.L. Riptin: “Hoàng Lê nhất thống chí và truyền thống của tiểu thuyết viễn đông”, Tạp chí Văn học số 2 năm 1984.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6131171