SAO LẠI NÓI CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM “RẤT NỰC CƯỜI”?
NGUYỄN HẢI HOÀNH
Trung Quốc thời hiện đại có một học giả rất nổi tiếng là Quý Tiễn Lâm (季羡林Ji Xian-lin, 1911-2009), người được dư luận chính thống nước này tôn vinh là “Quốc học đại sư”, “Học giới Thái đẩu” (Siêu sao trong giới học thuật), “Quốc bảo” (Báu vật của nước nhà)... Cụ Quý chủ trương đề cao nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, từng đưa ra thuyết “30 năm nước chảy bên Tây, 30 năm nước chảy bên Đông”, khẳng định trong thế kỷ XXI, văn hóa Trung Quốc sẽ thay thế văn hóa phương Tây trở thành dòng chính trong văn hóa thế giới, chiếm địa vị lãnh đạo toàn cầu. Cụ còn đứng đầu phái chống lại việc cải cách chữ Hán ở Trung Quốc và vì thế càng được những người Hoa theo chủ nghĩa dân tộc hết lời ca ngợi.
Không lâu trước khi qua đời, cụ có nói mấy câu có tính trăng trối về vấn đề chữ Hán. Lẽ ra chúng ta chẳng cần quan tâm chuyện ấy nếu như ở đây cụ Quý không mang chữ Quốc ngữ Việt Nam ra làm ví dụ thuyết minh quan điểm của mình, hơn thế lại còn nhận xét không tốt về chữ Quốc ngữ, có ý cho rằng Việt Nam thất bạitrong việc cải cách chữ viết.
Nhân chuyện này, chúng tôi đã tìm hiểu xem dư luận Trung Quốc nghĩ gì về vấn đề trên, qua đó thấy không ít người Trung Quốc còn hiểu sai và nhận xét không chính xác về ngôn ngữ, nguồn gốc dân tộc... và các vấn đề khác của Việt Nam. Trong tình hình đó, dĩ nhiên chúng ta có nghĩa vụ cần phải vạch ra chỗ sai của họ.
Mấy câu trên của cụ Quý đăng trong bài viết có tiêu đề “CụQuý Tiễn Lâm bàn về Quốc học” phát trên một blog. Bài ấy lập tức được dân mạng Trung Quốc nhao nhao chia sẻ và bình luận, dấy lên một dư luận mạnh mẽ đòi phục hồi chữ phồn thể. Một lần nữa, sự chia rẽ quan điểm của người Trung Quốc về vấn đề cải cách chữ Hán lại bùng lên và tiếp diễn cho tới nay.
Nội dung bài blog nói trên như sau:1
“Chiều qua [tôi] đến Y viện 301 thăm cụ Quý Tiễn Lâm. Cụ khỏe mạnh tỉnh táo, nói nhiều lời hay ý đẹp. Khi bàn tới việc phổ cập Quốc học, cụ nói một số ý kiến.
1- Sở dĩ nền văn minh Trung Hoa có thể kéo dài tới ngày nay, chữ Hán có tác dụng lớn. Đọc văn cổ tất phải đọc chữ phồn thể, mọi thông tin của văn hóa Trung Quốc đều ở trong chữ phồn thể;
2- Đơn giản hóa và ghi âm hóa chữ Hán là chủ trương sai lầm, tổ tiên ta dùng [chữ Hán phồn thể] đã mấy nghìn năm đều không cảm thấy bất tiện, cớ sao [khi] tới tay chúng ta thì [chữ phồn thể bị] từ bỏ? Theo đuổi hiệu suất không phải là lý do để đơn giản hóa chữ Hán. Chữ viết của Việt Nam sau khi được ghi âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười. Cụ Quý chú trọng nói về chuyện đáng tiếc gây ra bởi việc đơn giản hóa chữ Hán năm xưa, khi chữ “hậu” 后 trong “Hoàng hậu” [vợ vua] và chữ “hậu 後” trong “dĩ hậu 以後” [về sau] bị làm thành cùng một chữ 后;
3- Dùng lời văn hiện đại để dịch thư tịch văn cổ [cổ văn kimdịch] là cách hủy diệt văn hóa Trung Hoa, [đọc văn cổ] phải đọc nguyên văn, thêm chú thích là được;
4- “Chấn hưng quốc học tất phải nắm ngay từ lũ con nít” - cụ đặc biệt chỉ ra, Quốc học giảng dạy cho người lớn nên khác với Quốc học dạy cho trẻ em, phải dụng tâm suy nghĩ biên soạn giáo trình.
Các ý kiến trên của Quý Tiễn Lâm được đông đảo dân Trung Quốc sôi nổi bình luận theo cả hai hướng ủng hộ và phản đối. Đáng tiếc là họ lại không nói gì về nhận xét chữ Quốc ngữ Việt Nam “rất nực cười”. Có thể vì câu đó khó hiểu, hoặc vì người Trung Quốc không biết về ngôn ngữ Việt Nam nên ngại bình phẩm lời của một đại gia được họ sùng bái hết mực.
Bởi thế trước hết, chúng ta nên tìm hiểu xem câu “Chữ viết củaViệt Nam sau khi được phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười”2 muốn nói lên ý gì?
Theo chúng tôi, câu này nên hiểu là: Việt Nam sau mấy nghìn năm dùng chữ Hán (là loại chữ biểu ý, ideograph) đã tiến hành cải cách chữ viết theo hướng bỏ chữ Hán, chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ (là loại chữ biểu âm, phonograph, viết bằng chữ cái Latin ghép lại), thứ chữ abc này của Việt Nam có hình thức khác với chữ Latin thường thấy trong Anh ngữ, Pháp ngữ... ở chỗ các từ có thêm dấu ở trên và dưới chữ, giống như chữ Latin được “đội mũ đi giày”, trông rất buồn cười (đó là 5 dấu giọng, gồm sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, để ghi thanh điệu; và dấu thể hiện âm đọc của các chữ ă, â, đ, ô, ơ, ư ).
Ở đây, chúng tôi có tham khảo nhận xét của một học giả Trung Quốc lớp trước về chữ Quốc ngữ Việt Nam: 100 năm trước, đại học giả có ảnh hưởng nhiều tới Quý Tiễn Lâm là Hồ Thích (1891-1962) từng nói: Chữ viết Việt Nam hiện nay xem ra giống như chữ Pháp bị nước mưa xối tan ra, giống như phiên bản Latin của chữ hình vuông, vừa không thanh thoát cũng chẳng mỹ quan. Việt Nam từng dùng chữ Hán lâu dài và phát minh ra chữ Nôm của mình, về sau chịu ảnh hưởng của thực dân Pháp mà triệt để Latin hóa chữ viết, vì thế mà có thứ chữ “Tứ bất tượng” ([bốn thứ chẳng giống] chữ Pháp, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Latin).
Ở đây Tứ bất tượng còn có nghĩa là không đâu vào đâu, chẳng ra cái giống gì, ý chê bai.
Có lẽ, họ Hồ và họ Quý nhận xét như vậy về chữ Quốc ngữ là do họ chưa hiểu vì sao chữ Quốc ngữ phải có thêm các dấu vào phía trên, dưới các chữ cái. Những dấu ấy thể hiện đặc điểm của tiếng Việt: đơn âm, có nhiều âm tiết, nhiều thanh điệu.
Tiếng Việt có 6 thanh điệu, vì thế chữ Quốc ngữ phải có 5 dấugiọng thể hiện các thanh điệu, ngoài ra còn có các dấu thể hiện âm đọc một số chữ cái đặc biệt. Dân ta có câu “Ô thì đội nón, Ơ thìthêm râu” là thế. Các giáo sĩ châu Âu khi dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt đã sáng tạo ra 5 ký hiệu (dấu) thể hiện 5 thanh điệu và các chữ cái có thêm dấu như â, ă, đ, ê, ô, ơ, ư. Nhờ những sáng tạo tuyệt vời đó, chữ Quốc ngữ ghi được 100% ngữ âm tiếng Việt, cơ bản thực hiện được yêu cầu nghĩ và nói thế nào thì có thể viết đúng như thế; viết thế nào thì có thể đọc, nói đúng như thế. Đây là một yêu cầu rất cao về tính chính xác của ngôn ngữ, không phải tất cả các loại chữ viết trên thế giới đều có thể đạt được. Như trong Hán ngữ, cùng một chữ có thể đọc theo mấy âm khác nhau hoặc cùng một âm có hàng trăm chữ viết khác nhau, làm giảm tính chính xác của ngôn ngữ.
Hai vị nói trên từng học lâu năm ở phương Tây, giỏi nhiều ngoại ngữ (cụ Quý học 8 năm ở Đức, biết 11 ngoại ngữ), quen đọc sách báo Âu Mỹ, cho nên khi thấy chữ Quốc ngữ rặt những từ đơn âm và có nhiều dấu thêm vào phía trên hoặc dưới chữ cái, trông như “đội mũ, đi giày” hai cụ sẽ có cảm giác lạ mắt, cho là không đẹp.
Người Việt Nam không có cảm giác ấy mà ngược lại nếu thấy thiếu những dấu đó thì rất khó chịu, tuy rằng vẫn có thể đọc hiểu. Thực ra, các dấu này đều có thể thay bằng một chữ cái. Ví dụ dấu sắc thay bằng chữ s, dấu huyền thay bằng chữ f... viết ở cuối mỗi từ, hoặc chữ đ viết bằng hai chữ d, chữ ô bằng hai chữ o, chữ ă bằng aw... như cách hiện nay ta thường gõ phím máy tính. Có lẽ do thói quen, dân ta thích viết và đọc chữ có dấu hơn.
Tiếng nói một số dân tộc châu Á cũng có nhiều thanh điệu, vì vậy chữ viết Latin hóa của họ buộc phải thêm các dấu thanh điệu. Tiếng phổ thông Trung Quốc có 4 thanh điệu, vì thế chữ Latin trong phương án Hán ngữ Pinyin do Nhà nước Trung Quốc ban hành sử dụng từ năm 1958 cũng phải kèm theo 4 dấu giọng, ví dụ [lī], [lí], [lǐ], [lì], ngoài ra các phụ âm kép như zh, ch, sh có thể viết tắt là ẑ, ĉ, ŝ. Như vậy, chữ Hán ngữ Pinyin cũng “đội mũ”, vì saocụ Quý Tiễn Lâm lại phiến diện chỉ chê chữ Quốc ngữ Việt Nam “đội mũ”, “rất nực cười”?
Chữ Pháp cũng dùng với tần suất không lớn một vài dấu hệt như dấu sắc, huyền, dấu mũ (dấu hình nón) ở tiếng Việt; chữ Bồ Đào Nha có cả dấu ngã “~”. Như vậy chữ Pháp, Bồ Đào Nha cũng “độimũ” như chữ Việt Nam. Lẽ nào hai cụ Hồ Thích và Quý Tiễn Lâm biết nhiều ngoại ngữ lại không để ý tới điều đó?
Thực ra, chúng ta chẳng cần quan tâm tới việc hai vị ấy nhận xét chữ Việt Nam kém mỹ quan, vì đó là cảm nhận riêng của họ. Điều đáng chú ý là Quý Tiễn Lâm dựa vào đấy để ngầm nhận xét Việt Nam cải cách chữ viết thất bại và lấy đó làm cái cớ biện luận rằng chữ Hán chớ nên Latin hóa theo cách chữ Việt Nam đã làm.
Đáng phê phán hơn nữa là nhiều người Trung Quốc do sùng bái cụ Quý nên đã đồng ý với quan điểm ấy và phát biểu những nhận thức sai lệch về Việt Nam và tiếng Việt.
Chẳng hạn, có người Trung Quốc nói chữ Quốc ngữ Việt Nam là phương ngữ Quảng Đông (còn gọi là phương ngữ Việt 粤方言) được Latin hóa, Việt Nam bỏ chữ Hán là một sai lầm lịch sử, hoặc nói Việt Nam sau 1945 mới bỏ chữ Hán và chữ Nôm, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chính trị muốn độc lập “thoát Hán”. Vừa qua, nhân dịp một vài học giả Việt Nam kiến nghị cho trẻ em ta học thêm chữ Hán, trên truyền thông Trung Quốc xuất hiện những bài viết với đầu đề đại để như “Việt Nam hối tiếc vìbỏ chữ Hán”...
Người Trung Quốc có các nhận thức nói trên là do họ hiểu sai về nguồn gốc dân tộc ta và về tiếng Việt. Nước ta thời cổ không có chữ viết, phải mượn dùng chữ Hán hai nghìn năm, trong đó hơn nghìn năm từng là quận huyện của Trung Quốc, cho nên chính người Việt Nam cũng dễ tin theo quan điểm của các sách sử Trung Quốc viết về nguồn gốc dân tộc ta.
Nhiều người Trung Quốc hiện nay vẫn nghĩ rằng người Việt Nam thời cổ thuộc tộc Lạc Việt 駱越, một trong các bộ tộc ở phía Nam sông Trường Giang mà họ gọi vơ đũa cả nắm là BáchViệt 百越, tương tự như các tộc người Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tô, v.v... Các tộc người này đều thuộc chủng tộc Hán (hiện nay tỷ lệ người Hán tại ba tỉnh nói trên là 97,6%; 94,1% và 99,64%; số liệu 2015), họ chủ yếu nói các phương ngữ Mân, Việt, Ngô của tiếng Hán. Các phương ngữ đó đều thuộc cùng một ngữ hệ Hán-Tạng, vì thế chữ Hán có thể ghi được tiếng mẹ đẻ của các tộc này và do đó không có vấn đề Hán hóa các tộc Bách Việt.
Thực ra dân tộc Việt Nam khác hẳn các tộc Bách Việt về chủngtộc, về văn hóa và nhất là về ngôn ngữ. Các thành tựu khảo cổ gần đây càng khẳng định ưu thế của giả thuyết cho rằng dân tộc Việt Nam thời cổ là cư dân bản địa (như người Mường) chứ không phải là dân Bách Việt di cư xuống miền Nam, như quan niệm của người Trung Quốc. Tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-khmer trong ngữ hệ Nam Á, khác hẳn ngữ hệ Hán-Tạng, và không phải là một phương ngữ của tiếng Hán (như nhầm lẫn của một học giả Pháp đầu thế kỷ XX), thể hiện rõ nhất ở chỗ có nhiều âm tiết hơn (nhiều gấp chục lần) và khác hẳn về ngữ pháp; bởi vậy chữ Hán không thể nào ghi được tiếng Việt. Cho dù đã dùng chữ Hán hai nghìn năm, nhưng nước ta vẫn không bị Hán hóa như phong kiến Trung Quốc mong muốn, và không thể có một nền văn học tiếng Việt, chỉ có một nền văn học chữ Hán nghèo nàn (các học giả Đặng Thai Mai, Hoài Thanh... không xếp vào loại văn học dân tộc ta). Chữ Hán chỉ được tầng lớp quan chức và trí thức Việt Nam dùng trong công việc hành chính, giao tiếp với Trung Quốc, ghi chép sự việc, làm văn thơ theo kiểu Trung Quốc nhưng đọc âm Hán-Việt. Để xây dựng một nền văn hóa dân tộc, tổ tiên ta đã sáng tạo ra chữ Nôm có tính biểu âm, và cuối cùng chấp nhận dùng chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ châu Âu làm ra trên cơ sở Latin hóa, hiện đại hóa chữ Nôm. Cả hai thứ chữ này đều ghi âm được tiếng Việt nhưng chữ Quốc ngữ hoàn thiện hơn, thuộc loại chữ viết tiên tiến.
Quá trình người Việt Nam bỏ chữ Hán, chữ Nôm, chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ là một quá trình tự nhiên, tự nguyện, chủ yếu vì chữ Quốc ngữ ghi được 100% tiếng Việt và dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng, hơn hẳn các loại chữ tổ tiên ta đã biết. Quá trình chuyển đổi chữ viết này rất thuận lợi, nhanh chóng thành công trên cả nước, tuy mới đầu có gặp sự phản đối yếu ớt từ một số ít nhà Nho cổ hủ. Tất nhiên sự ủng hộ của chính quyền cai trị cũng góp phần thúc đẩy quá trình đó. Trong thời gian ngắn, nước ta xuất hiện một nền văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí tiếng Việt... và phát triển rầm rộ chưa từng thấy. Có thể nói, chữ Quốc ngữ đã chắp cánh đưa nền văn minh Việt bay vút lên tầng cao, sánh vai với các nền văn minh trên thế giới. Nói Việt Nam thất bại trong cải cách chữ viết là hoàn toàn sai lầm.
Rõ ràng, các giáo sĩ tham gia làm chữ Quốc ngữ như Francesco de Pina, Alexandre de Rhodes, Antonio Barbosa, Gasparo d’Amiral, Cristoforo Borri, Pigneau de Béhaine,... không chỉ giàu nhiệt tình tạo chữ ghi âm tiếng Việt mà còn có kiến thức cao siêu về ngôn ngữ học, nhờ thế tuy ít người và làm việc phân tán nhưng họ đã hoàn thành một sáng tạo vĩ đại trong lịch sử ngôn ngữ học thế giới: lần đầu tiên trong lịch sử đã dùng chữ cái Latin làm ramột loại chữ ghi âm thành công tiếng nói của một dân tộc châu Á, tạo ra cho người Việt Nam một hệ thống chữ viết hoàn toàn mới, Latin hóa, ghi âm chính xác 100% tiếng Việt. Đây là món quà vô giá dân tộc ta nhận được từ nền văn minh Ki Tô giáo trong quá trình giao tiếp văn hóa Đông Tây.
Trên thế giới không có loại chữ viết nào tuyệt đối hoàn hảo; chữ Quốc ngữ cũng vậy. Dù sao nó thích hợp nhất với tiếng Việt. Do được Latin hóa nên việc mã hóa chữ Quốc ngữ để đưa tiếng Việt vào máy tính và smartphones trở nên rất thuận tiện, không mất hàng chục năm nghiên cứu như việc mã hóa chữ Hán.
Thực ra từ thế kỷ XVII trở đi, các giáo sĩ châu Âu cũng hăng hái nghiên cứu dùng chữ cái Latin ghi âm tiếng Trung Quốc nhưng tất cả đều thất bại do gặp những khó khăn không thể vượt qua. Mọi cố gắng theo hướng đó của các học giả Trung Quốc về sau cũng vậy.
Năm 1605, nhà truyền giáo Matteo Ricci đầu tiên đề ra phương án dùng chữ cái Latin để ghi chú âm cho chữ Hán. Sau đó nhiều người Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu theo hướng đó, bắt đầu từ phương án chữ ghi âm tiếng Hán do Lô Tráng Chương đề xuất năm 1892. Tới năm 1958, sau khi bỏ ra cực nhiều công của, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm ra được một phương án dùng chữ Latin để ghi chú âm chữ Hán, gọi là Phương án Phiên âm Hán ngữ 汉语拼音方案. Nhưng đây chỉ là một bộ chữ Latin thể hiện âm đọc của từng chữ Hán, chỉ có chức năng làm công cụ hỗ trợ học và dùng chữ Hán mà chưa phải là một hệ thống chữ viết ghi âm hoàn chỉnh có thể thay cho chữ Hán.
Nói cách khác, người Trung Quốc chưa làm ra một hệ chữ viết phiên âm hóa, Latin hóa ghi âm được Hán ngữ. Các cố gắng của họ theo hướng này dường như đã chấm dứt sau một quyết định năm 1986 thống nhất từ nay không đặt vấn đề phiên âm hóa chữ Hán3. Công cuộc cải cách chữ Hán từ đó dừng lại ở tình trạng dùng “song ngữ”, tức dùng chữ Hán như cũ, kèm với bộ chữ Phiên âm Hán ngữ. Hiện nay hầu như toàn bộ người Trung Quốc dùng điện thoại thông minh và máy tính đều sử dụng thành thạo bộ chữ này để đánh máy chữ Hán.
Trong các dân tộc từng dùng chữ Hán, duy nhất Việt Nam nhờ có chữ Quốc ngữ mà đã hoàn toàn “Thoát Hán” về ngôn ngữ, “thoát” một cách nhanh gọn, không chút dính dấp tới chữ Hán.
Người Triều Tiên/Hàn Quốc cũng sáng tạo được chữ Hangul là loại chữ biểu âm nhưng vẫn gặp khó khăn về các chữ/từ đồng âm, vẫn cần dùng chữ Hán để ghi chú nghĩa của một số từ, nhất là các từ về pháp lý4. Người Nhật tuy sáng tạo được loại chữ biểu âm Kana nhưng Nhật ngữ hiện nay vẫn phải dùng khoảng 2.000 chữ Hán. Như vậy nghĩa là hai dân tộc ấy chưa hoàn toàn “Thoát Hán” về ngôn ngữ.
Có thể thấy chữ Quốc ngữ thực sự là một sáng tạo phi phàm, một thành tựu lao động trí tuệ xuất sắc của các nhà truyền giáo đạo Ki Tô người châu Âu - những người hiến dâng đời mình cho sứ mệnh truyền bá học thuyết của Chúa Jesus ấy khi sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không biết rằng họ đã làm được một cống hiến vĩ đại cho dân tộc Việt Nam.
Cần nhấn mạnh: chữ Quốc ngữ được tạo ra trên nền tảngchữ Nôm do tổ tiên ta làm ra từ thế kỷ XII. Chữ Nôm vừa có tính biểu ý, vừa có tính biểu âm. Chính vì thế chữ Nôm có thể phiên âm hóa, Latin hóa được, làm thành chữ Quốc ngữ. Chữ Hán chỉ có tính biểu ý, không có tính biểu âm, do đó không thể nào phiên âm hóa, Latin hóa được. Rõ ràng, sáng tạo chữ Nôm của tổ tiên ta đóng vai trò nền tảng trong quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ. Không có chữ Nôm thì các giáo sĩ nói trên không thể làm ra được chữ Quốc ngữ trong điều kiện chỉ có một nhóm nhỏ khoảng hơn chục người và thời gian chỉ có khoảng ba chục năm. Các vị giáo sĩ - nhà ngôn ngữ học kể trên đều rất giỏi chữ Nôm, như Francisco de Pina đến Việt Nam 3 năm sau đã biên soạn bài giảng giáo lý bằng chữ Nôm. Thư viện Paris hiện còn giữ được các tài liệu chữ Nôm do Gasparo d’Amiral viết, với tổng số gần 2 triệu chữ Nôm.
Các giáo dân vùng Quảng Nam, Bình Định, Quy Nhơn, Phú Yên... từng đóng góp phần đáng kể vào sự hình thành và truyền bá chữ Quốc ngữ. Tiếp đó, công lao hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ và truyền bá phổ cập chữ Quốc ngữ thuộc về các nhà sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, các học giả Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh..., cùng hàng triệu người tham gia phong trào Truyền bá Quốc ngữ và Bình dân học vụ.
Học giả Phạm Quỳnh ca ngợi Chữ Quốc ngữ là công cụ giảiphóng trí tuệ của người Việt Nam. Đúng thế, chữ Quốc ngữ mở ra không gian vô tận cho tư duy của người Việt, bất kỳ ý nghĩ nào cũng có thể ghi lại bằng chữ - điều này trước đây chưa bao giờ thực hiện được. Chữ Quốc ngữ dễ học, dễ nhớ, dễ đọc dễ viết; nhờ thế chỉ trong một thời gian ngắn nước ta đã xóa được nạn mù chữ, nâng cao vượt bậc trình độ hiểu biết của dân chúng. Kho tàng tiếng Việt giàu có hơn bao giờ hết, có thể diễn dịch mọi thành tựu mới nhất của nhân loại về khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội - nhân văn... Nhờ thế nền văn minh Việt Nam phát triển nhanh chóng, toàn diện, hòa nhập xu thế toàn cầu hóa. Với khoảng hơn 90 triệu người dùng, chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ viết top 25 thế giới... Các thành tựu của chữ Quốc ngữ rất to lớn, trên đây chỉ có thể lướt qua vài điểm. Hãy tưởng tượng nếu ngày nay nước ta vẫn dùng chữ Hán, chữ Nôm thì nền văn minh Việt Nam sẽ lạc hậu thảm thương như thế nào. Chữ Hán không ghi âm được tiếng Việt, chữ Nôm ghi âm được tiếng Việt nhưng khó gấp nhiều lần chữ Hán, phải biết chữ Hán mới học được chữ Nôm. Với hai loại chữ vuông đó sao có thể truyền bá được các giá trị văn hóa tư tưởng hiện đại, các khái niệm khoa học kỹ thuật... và xây dựng ngành văn hóa giáo dục, văn học, báo chí, truyền thanh truyền hình, xuất bản... với quy mô như ngày nay?
Rõ ràng nói chữ Quốc ngữ “rất nực cười” là hoàn toàn sai. Chữ Quốc ngữ là di sản phi vật thể lớn nhất, giá trị nhất chúng ta nhận được từ tổ tiên mình. Tổ tiên ta thật tài giỏi khi sáng tạo ra chữ Nôm cũng như khi tán thành bỏ chữ Nôm để dùng chữ Quốc ngữ.
1.季羡林老人谈国学https://wenku.baidu.com/view/a7458429102de2bd97058833.html
2. Nguyên văn chữ Hán: 越南文字拼音化之后,头戴帽子,脚穿鞋子,
很滑稽.
3. Nhà ngôn ngữ học Châu Hữu Quang nói việc này nếu làm thì cần 100-500 năm.
4. Tiếng Triều/ Hàn nghèo âm tiết, cho nên vấn đề từ đồng âm khá phức tạp. Ví dụ hai từ gốc Hán chú ý và chủ nghĩa, tiếng Triều/Hàn đều đọc và viết là “ju-i”, hoặc các từ kị sĩ, ký sự, kỹ sư đều đọc và viết là “ki-sa”, vì thế dễ gây nhầm lẫn. Trong trường hợp cần phân biệt chính xác các từ đồng âm, sách báo tiếng Hàn thường ghi chú bằng chữ Hán trong ngoặc đơn. Tiếng Việt quá giàu âm tiết nên vấn đề từ đồng âm không phức tạp.
Bình luận bài viết