Thông tin

SAO SÁNG TRÊN MÂY BỒNG BỀNH

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

Tin tức đại sư Tinh Vân viên tịch ngày 5 tháng 2 năm 2023 lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, thậm chí tốc độ và mức độ còn hơn cả tin trận động đất xảy ra ít ngày sau đó tại Đài Loan. Tất nhiên, đối với trận động đất có cường độ 4.7 độ richter không đủ gây ra bất kỳ tổn thất về người, tài sản, nhưng giới chuyên gia bày tỏ lo ngại khả năng đánh thức ngọn núi lửa Vương Minh vốn có dạng hình trụ, khác với hình lòng chảo, có thể đe dọa sự an nguy của thủ đô Đài Bắc. Người Đài Loan không phản ứng trước dị tượng giống như người Nhật mà vẫn bình chân như vại. Song, sự ra đi của đại sư Tinh Vân lại trở thành sự kiện lớn trên hòn đảo này. Trong giới tu hành tại Đài Loan, cùng với pháp sư Thánh Nghiêm, đại sư Tinh Vân là một trong hai cây đại thụ của Phật giáo Đài Loan, một người sáng lập đạo tràng Pháp Cổ Sơn, một người sáng lập đạo tràng Phật Quang Sơn. Cả hai đều rạng danh cho Phật giáo Đài Loan và hành trình tu tập, hoằng pháp của hai vị đại sư này đáng kể như kỳ tích trong thời hiện đại.

Bước ngoặt cuộc đời

Con người đa số đều đặt nhầm bối cảnh và trong sự nhầm lẫn đó, số ít đã làm nên nghiệp lớn. Đại sư Tinh Vân, tên tục là Lý Quốc Thâm, sinh ngày 19 tháng 8 năm 1927 tại Giang Tô, Trung Quốc. Năm 11 tuổi, ngài theo mẹ tới Nam Kinh tìm cha bị mất tích vào giai đoạn đầu phong trào kháng Nhật. Trong một lần tình cờ gặp vị hòa thượng trên đường, vị ấy hỏi cậu bé có muốn làm hòa thượng không? Quốc Thâm buột miệng trả lời: Có. Ít lâu sau, thị giả chùa Thất Hà gọi cậu tới gặp phương trượng. Phương trượng nhắc lại câu hỏi rằng: Nghe nói cậu muốn làm hòa thượng phải không? Cậu vẫn trả lời rằng: Có. Thế là câu chuyện xuất gia làm hòa thượng của một bậc đại sư trở thành hiện thực năm mới 12 tuổi với pháp danh Ngộ Triệt, pháp tự Kim Giác, pháp hiệu Tinh Vân, bút danh Triệu Vô Nhậm, truyền nhân thứ 48 phái Lâm Tế, đồng thời là người sáng lập Phật Quang Sơn.

Từ không đến có

Khi mới đặt chân tới Đài Loan năm 1949, Tinh Vân không có tài sản gì ngoài nguyện lực, chí lực muốn truyền bá Phật pháp. Ban đầu, ngài tu ở chùa Viên Quang, huyện Đào Viên, theo học Viện Phật học Đài Loan do pháp sư Từ Hàng sáng lập. Năm 1951, nhận được sự ủy thác của pháp sư Đông Sơ, Viện trưởng Viện Phật học Giao Sơn, đồng thời là chủ tờ nguyệt san Phật giáo “Nhân sinh nguyệt san”, đại sư đảm nhận chức vụ chủ biên suốt thời gian 6 năm, sau đó là tuần san “Giác thế”, “Phậtgiáo ngày nay” với chủ trương “Phật giáo nhân gian”.

Năm 1967, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp đại sư. Bối cảnh những năm 60, thế kỷ 20, Phật giáo Đài Loan cũng có điểm tương đồng với Việt Nam. Bấy giờ, Cơ Đốc giáo là tín ngưỡng phổ biến nhất tại Đài Loan. Trong bộ máy chính quyền, tín đồ Cơ Đốc giáo có cơ hội thăng quan, tiến chức. Phật giáo chưa trở thành tôn giáo chính thức được chấp nhận như một sinh hoạt tự do tín ngưỡng. Trong quá trình vân du, Tinh Vân đã tới Nghi Lan, rồi Cao Hùng, thấy khu vườn trúc làng Đại Thụ xuất hiện kim quang, bèn dừng chân bắt tay xây dựng tự viện. Bấy giờ, làng Đại Thụ xa xôi, hẻo lánh, thậm chí có người nói đến ma quỷ cũng không thèm đến nơi này! Đại sư Tinh Vân nói, chỉ cần có Phật, Bồ Tát ở đây thôi và đã quyết định biến nó thành chốn tùng lâm, khai sơn kiến thiết đạo tràng. Công cuộc này bắt đầu từ con số 0. Đứng ở góc độ nguồn lực, nó hình thành bởi nguyện lực, chí nguyện của những người con hướng Phật. Và Điện Đại Bi đã được dựng lên bằng từng viên gạch của mỗi tín đồ, cộng với 500 pho tượng Bồ Tát làm bối cảnh. Đại sư Tinh Vân vốn là một nhà thực tiễn. Để tạo nên bước đột phá, cơ hội cho Pháp âm lan truyền trên hòn đảo này trước vai trò độc tôn của Cơ Đốc giáo, đại sư Tinh Vân đã khéo áp dụng các pháp phương tiện nhằm truyền bá giáo lý, tiếp cận chúng sinh. Ngài chủ trương Phật giáo nhân gian, xây dựng một nền Phật giáo bản địa, gần gũi đại chúng. Ngài đã sử dụng ngòi bút nhằm tìm kiếm những đồng tiền đầu tiên đầu tư cho công trình thế kỷ. Nhờ dịch cuốn “Quan ThếÂm Bồ Tát phổ môn phẩm” từ tiếng Nhật sang Trung văn, ít lâu sau là cuốn “Quốc sư Ngọc Lâm”, đại sư Tinh Vân đã dùng toàn bộ số tiền nhuận bút mua lại mảnh đất sơn địa hoang vu để biến một nơi từ hoang địa thành thánh địa, núi Phật Quang, một đạo tràng lẫy lừng thế giới. Từ cái nôi Phật Quang Sơn, dấu tích đại sư lan tỏa khắp năm châu, bốn biển, như thành lập Hội Xúc tiến Quan hệ Phật giáo Trung Nhật, Hội Xúc tiến Phật giáo Quốc tế, Hiệp hội Phật Quang Trung Hoa, Đại học University of the West tại Mỹ, trường Trung học Phổ Môn, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, như Lý sự trưởng Hiệp hội Văn Hóa Hán Tạng Trung Hoa, Hội trưởng Hội Thanh niên Phật giáo Thế giới, Hội Phật Quang Quốc tế, từng gặp gỡ hội đàm với Đạt lai Lạt Ma bốn lần tại Los Angeles, Mỹ, đối thoại tôn giáo thế kỷ giữa tòa thánh Vatican và giáo hoàng Thiên chúa giáo tại Italya năm 1997; sáng lập tòa soạn “Phúc báo Nhân gian”, thành lập Quỹ Văn giáo Phật Quang Sơn… Ngày nay, hệ thống Phật Quang Sơn lên tới 260 cơ sở, tổ chức hàng nghìn khóa tu, hệ thống Hội Phật Quang Quốc tế phủ khắp thế giới với khoảng 6 triệu hội viên.

Đại sư Tinh Vân cũng là người đầu tiên thấy được sức mạnh của truyền thông, dư luận xã hội. Ngài không ngần ngại đề xuất việc truyền bá giáo lý trên truyền thông, truyền hình. Bấy giờ, Đài Loan không cho phép truyền bá Phật giáo trên truyền hình, đại sư Tinh Vân đã đặt câu hỏi tại sao trong nhiều bộ phim truyền hình, kiếm hiệp… xuất hiện nhà sư, bối cảnh tự viện mà lại không cho phép truyền bá giáo lý trên truyền hình? Nhà quản lý viện cớ rằng, truyền hình cho phép xuất hiện nhà sư giả mà không chấp nhận nhà sư thật. Đó là nghịch lý tạo nên cơ sở cho hành trình truyền bá giáo lý khởi đầu bằng sự thật. Khi chưa có tự viện, đại sư Tinh Vân tận dụng cả bãi trống, nhà dân, kêu gọi các Phật tử tham gia sinh hoạt nghệ thuật kết hợp với kinh văn nhằm truyền bá giáo lý. Bản thân ngài tích cực tham gia viết lời cho Phật khúc, các thể tán, tụng… rồi thông qua sinh hoạt văn nghệ kết duyên với đông đảo chúng sinh. Khi Phật Quang Sơn hình thành, nó trở thành căn cứ đầu tiên sinh hoạt, đào tạo, truyền bá Phật pháp, từ không thành có, từ ít đến nhiều và ngày nay, cơ sở này đã mở rộng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Mỹ, châu Phi…. Thế hệ hòa thượng người gốc Phi được đào tạo, trưởng thành từ hệ thống giáo dục Phật giáo Phật Quang Sơn. Qua đó, có thể thấy, công cuộc hoằng pháp, giáo dục Phật giáo dưới sự dẫn dắt của đại sư Tinh Vân đã phát huy tác dụng.

Trong quá trình tịnh hóa thân tâm con người trong bối cảnh xã hội hiện đại, Phật giáo có tác dụng nhất định trong việc phát huy nguồn năng lượng tích cực ở cá nhân. Điều này khó thể lượng hóa, nhưng hoàn toàn cảm nhận được qua những tiếp xúc, mối quan hệ ứng xử giữa con người với thiên nhiên, vạn vật và với nhau trong xã hội Đài Loan. Dường như mối liên kết thẳm sâu giữa những thành tựu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nguồn năng lượng thiện bắt đầu từ tôn giáo, tín ngưỡng trong lòng xã hội Đài Loan. Chúng ta không chỉ biết đến nơi này nhờ chip điện tử, danh lam thắng cảnh, ẩm thực đường phố, trà sữa trân châu, mà còn có sự thiện lương trong lòng người.

Từ giác ngộ đến giác hạnh viên mãn

Trong suốt hơn 1 tuần, Phật Quang Sơn tổ chức tang lễ đại sư Tinh Vân theo nghi thức Phật giáo dành cho bậc cao tăng đại đức, từ Tọa cang, Phong khám, Trà tỳ cho đến Pháp hội tán tụng, tín đồ từ khắp nơi đổ về dự lễ và điều đáng nói là di sản của ngài đã ở lại với hàng trăm trước tác, như: “Truyện Thích Ca Mâu Ni”, “Truyện mườiđại đệ tử”, “Giác thế luận nghĩa”, loạt tác phẩm đề cập đến giáo lý, như: “Phật giáo tùng thư”, “Bài giảng về kinh Kim cang”, “Bàigiảng về Môn phẩm Quan Thế Âm Bồ Tát”, “Quốc sư Ngọc Lâm”… Ngày nay, Phật Quang Sơn đã xây dựng một mạng lưới phủ khắp toàn cầu, gồm khoảng 300 đạo tràng, tự viện, trong đó có 16 Học viện Phật học, Trường Trung học Phổ Môn, Đại học Nam Hoa, Đại học Phật Quang, Hội Phật học Quốc tế, Hội Phật Quang Quốc tế… Phật Quang Sơn đã trở thành một trong những đạo tràng nổi tiếng nhất Đài Loan, cùng với Pháp Cổ Sơn của pháp sư Thánh Nghiêm. Đó chính là “Điều không thể mất” khi một người đã ra đi.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6568074