Thông tin

SĨ KHÍ YÊU NƯỚC

TỪ GIÁO HỘI LỤC HÒA CHO ĐẾN KHI THÀNH LẬP

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

Hòa thượng THÍCH HUỆ XƯỚNG
Nguyên Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam;
Nguyên ủy viên Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM kiêm
Chánh Thư ký ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Quận Tân Bình;
Nguyên Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM;
Nguyên Chánh Đại diện GHPGVN quận Tân Bình

 

1. Duyên khởi

Hòa chung nhịp đập của dân tộc, khi nước nhà gặp nạn ngoại xâm, toàn dân nhất tề chiến đấu giành lại độc lập, thì Phật giáo không thể đứng ngoài cuộc, như trong kinh A Hàm có nói: “Cứu quốc độ dân nhi đấu giả, đắc phước vô tội” nghĩa là cứu nước bảo vệ nhân dân mà chiến đấu là việc làm có phước không có tội. Mặc dù trong Quy Sơn Cảnh Sách có dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” nghĩa là tất cả việc ác không làm, còn việc thiện thì nên làm, điều đó cho thấy thiện là việc nên làm. Nên khi bàn về chữ thiện, chư Tổ thường dạy: “Tác phước vị vi thiện, phúng kinh vị vi nguyện, bất như đương quyền hành phương tiện, vạn sự môn trung phương tiện đệ nhất” làm phước, tụng kinh là tốt nhưng chưa gọi là tốt nhất, chẳng bằng đương thời làm việc đúng, tất cả muôn việc trên đời làm đúng là bậc nhất.

Tất cả muôn việc trên đời làm đúng là làm theo hành nguyện của chư Phật đem lại hạnh phúc và lợi ích cho số đông loài người và chư thiên. Hơn thế nữa, người tu tập không thể tách rời, không lo cái khổ của quần chúng nhân dân, như Lục Tổ Huệ Năng từng nói: “Bồ đề giác bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề du như cầu thố giác” sự giác ngộ của đạo Phật không rời thế gian; rời thế gian mà tìm đạo Phật như tìm sừng thỏ.

Thật vậy, khi nước nhà lâm nguy thì Phật giáo suy vi, ngược lại nước nhà cường thịnh thì Phật giáo mới được tăng trưởng. Do đó, chư Tổ, chư Tôn đức đem “Sĩ khí yêu nước” xây dựng đạo pháp cũng là xây dựng dân tộc.

2. Giáo hội Lục hòa

Nhân ngày viên tịch 21 - 9 - 1919 (nhằm ngày 28 – 7 Kỷ Mùi) của Tổ thượng Chơn hạ Hương huý Minh Phương trụ trì Tổ đình Linh Nguyên, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An); Tổ thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời 38 đệ tử của Tổ Tiên Giác - Hải Tịnh trụ trì Tổ đình Giác Lâm Tăng Cang thời vua Minh Mạng khai sơn Tổ đình Linh Nguyên, quận Đức Hòa vào năm 1820.

Tổ Minh Phương cũng là người có công khai mở Trường Phật học Song Tra, Đức Hòa vào cuối thế kỷ 19, nên đồ chúng đời thứ 39 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ và các học Tăng về chịu tang rất đông. Trong đó có các vị Hòa thượng như: Hòa thượng Thích Từ Phong huý Như Nhãn – chùa Giác Hải (Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Khánh Hòa huý Như Trí – chùa Tiên Linh (Bến Tre) Hòa thượng Thích Chánh Thành huý Như Vịnh - chùa Vạn An (Sa Đéc), Hòa thượng Thích Quảng Chơn huý Như Nhương - Tổ đình Long Thạnh (Bà Hom, Bình Chánh), Hòa thượng Thích Quảng Sơn huý Như Tiền - chùa Giác Hòang (Bà Điểm, Hóc Môn), Hòa thượng Thích Đạt Thanh huý Như Thông - chùa Long Quang (Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định), Hòa thượng Thích Hoằng Nghĩa huý Như Phòng - Tổ đình Giác Lâm và Giác Viên (Gia Định), Hòa thượng Thích Thanh Ấn huý Như Bằng - chùa Sắc Tứ Từ Ân (Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Pháp Ấn huý Như Quới - Tổ đình Phước Tường (Thủ Đức, Gia Định), ... Hòa thượng Thích Chí Thiền huý Như Hiển - chùa Phi Lai (Châu Đốc), Hòa thượng Thích Bửu Chung huý Như Kim - chùa Phước Long (Đồng Tháp), Hòa thượng Thích Thiện Cang huý Như Đạt - chùa Linh Nguyên (Đức Hòa), Hòa thượng Thích Từ Nhẫn huý Như Đắc - chùa Linh Nguyên (Đức Hòa), Hòa thượng Thích Thiện Hòa huý Như Hoa - chùa Tân Sơn (Đức Hòa, Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Thiện Lạc huý Như Nhẫn - chùa Phước Lâm (Trảng Bàng, Tây Ninh)... nhận thấy Phật pháp đang hồi suy vi, Tăng đồ đương lúc thất học, lại thiếu đoàn kết, tất cả chư tôn đức đồng thuận khởi động phong trào chấn hưng Phật giáo với tên “Hội Lục Hòa” lấy sáu pháp Hòa kính lời Phật dạy cùng nhau tu học và Hòa hợp đại chúng, với tôn chỉ “Tăng vô Lục Hòa Tăng vô sở trú” nghĩa là Tăng không đủ Lục Hòa của Phật thì không nương tựa vào đâu mà bảo tồn được.

* Ngày 8 tháng 2 Canh Thân (1920), Hòa thượng Thích Từ Phong huý Như Nhãn lập Hội Lục Hòa tại Tổ đình Giác Lâm, tỉnh Gia Định.

* Ngày 8 tháng 4 Canh Thân, Hòa thượng Thích Khánh Hòa huý Như Trí lập Hội Lục Hòa Liên Hiệp tại chùaTiên Linh, tỉnh Bến Tre.

Năm 1922, chư sơn Hội Lục Hòa khai Trường Hương (Khoá An Cư Kiết Hạ) tại Tổ đình Giác Lâm và cuối hạ có khai Đàn Giới, chư sơn Lục Hòa Liên Xã đã cúng dường với câu đối:

Từ - Hải - Viên thông, khải tam Hòang, quang huy châu pháp giới

Thanh - Phong - Hoằng đạo, khai thất tụ, phổ tế độ nhân gian.

(Ngôi Tam Bảo Từ Ân, Giác Hải, Giác Viên, mở ba đàn tuyên bày, sáng ngời trong pháp giới

Bậc Cao Tăng Thanh Ấn, Từ Phong, Hoằng Nghĩa, khai bảy tụ tịnh giới, độ người tại nhân gian).

3. Hội lục Hòa liên xã

Năm 1923, Hội Lục Hòa Liên Xã mở rộng khắp Nam Kỳ, Hòa thượng Thích Từ Văn – Chơn Thanh, chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) là một trong những người tiêu biểu nhất ở miền Đông Nan Bộ. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang tức Hòa thượng Nhất Hạnh có ghi rằng: “Ở Việt Nam bắt đầu từ thiền sư Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh (Bến Tre) và các đồng chí của ông năm 1923 nhân ngày giỗ Tổ tại chùa Long Hòa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh vào ngày 19/9 Quý Hợi, ông vận động mời tất cả chư tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu Giang về Tiểu Cần để dự lễ, đồng thời để họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo. Kết quả là hội Lục Hòa Liên Hiệp được thành lập, tất cả những vị tôn túc có mặt trong buổi họp như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp đều đồng ý tham dự (tức tham gia vào Hội Lục Hòa Liên Hiệp)”.

Năm 1945 đáp ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, Chư Tôn đức trong Hội Lục Hòa Liên Xã phát động tất cả chư Tăng từ 22 tuổi đến 30 tuổi lên đường cứu nước:

Cởi áo cà sa mặc chiến bào

Quên mình vì nước sá chi bao

Mô Phật quyết không dung Quốc tặc

Từ bi há chẳng dạ anh hào.

(Đệ nhất thiền gia Sư Thiện Chiếu)

Dang tay La Hán bồng cây súng

Lột chuỗi Bồ đề đỡ ngọn đao

Mõ sớm chuông chiều xin gát lại

Lời kinh tiếng kệ hẹn mai sau

(Đệ nhị thiền gia Hòa thượng Thích Pháp Linh)

Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Giã từ thiền viện lướt binh đao

Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác

Cứu nước thương dân dễ đợi nào.

(Đệ tam thiền gia Hòa thượng Thích Thái Không)

Do trải qua 25 năm giáo dục của Chư Tôn đức Hội Lục Hòa Liên Xã, chư Tăng đã ý thức được trách nhiệm, khế lý khế cơ, sư Thiện Chiếu đã mạnh dạn đưa ra:

Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế

Từ bi nãi sát sanh dĩ độ chúng sanh.

(Đạo Phật là đạo nhập thế chớ không yếm thế

Từ bi có lúc sát sanh để cứu chúng sanh)

Hoặc:

Cải cách Tăng đồ, đề xướng tự do, tuyên chánh pháp

Duy tân Phật học, thực hành bình đẳng độ quần sanh.

4. Giáo hội phật giáo cứu quốc Nam bộ

Khi đất nước đang trong lúc nguy khó, chính quyền thực dân phản kháng mãnh liệt, chiến sự diễn ra khắp mọi nơi ngày càng khốc liệt; ngày 23/9/1945 thực dân Pháp đánh chiếm lại Sài Gòn – Gia Định...

Cuối tháng 10/1945, cuộc họp khẩn của tỉnh Gia Định nhằm kêu gọi tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, tại nhà ông Lê Văn Phèn - Thiện Phương, nhà yêu nước quy y Phật với Yết ma Thiện Thông, chùa Long Quang ở Bà Điểm (Hóc Môn) trong cuộc họp có sự tham dự của Hòa thượng Thích Bửu Đăng. Thế mới thấy:

Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây

Đâu để gian sơn đến thế này

Ngọn lửa tam tùng phừng đất cháy

Chòm mây ngũ quý khắp trời bay.

Không lâu sau đó ngày 25/3/1946, ông Lê Văn Phèn - Thiện Phương bị giặc bắn chết ở Bình Mỹ, Củ Chi và giặc còn thiêu rụi nhà của ông. Phẫn uất trước những hành động dã man đó, từ người lớn đến trẻ em đều thuộc lòng những số lô tô ca ngợi ông:

Ông lính thầy Ba / Tay ôm trái phá

Đánh sập ba đồn / Nứt tiếng Hóc Môn / là con số 4 (bốn).

Hay:

Bình Lý Hóc Môn / tiếng đồn vang dậy

Kẻ cậy cường quyền / dân đen ngơ ngáo / là con 86 (tám mươi sáu).

Năm 1947, trong bối cảnh lòng dân sôi sục, ông Ung Văn Khiêm, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ cho phép thành lập Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và ban hành Chỉ thị 4/NV mang đượm tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Hòa thượng Thích Huệ Thành chùa Long Thiền đã cảm tác:

Phát động phong trào đi cứu nước

Chiến đấu bền gan không thối bước

Tiếng gọi non sông phải vẫy vùng

Kết hợp quân dân như cá nước

Làm cho kẻ giặc phải khốn cùng

Quân tình kinh ngạc tình đoàn kết

Thành thị thôn quê quyết một lòng

Quét sạch xâm lăng lập chiến công.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ lâm thời năm 1945, hầu như chùa nào cũng tham gia, không còn hạn tuổi, có vị đã 50 tuổi như Hòa thượng Thích Pháp Tràng, Chủ tịch Phật giáo cứu quốc Mỹ Tho, Sư Thiện Chiếu, Hòa thượng Thích Pháp Linh đã 47 tuổi... chùa Long Châu (Cai Lậy, Tiền Giang) có 2 vị tham gia là Hòa thượng Thích Định Tri và Hòa thượng Thích Định Bửu; chùa Tây An (Châu Đốc) có 5 vị là Hòa thượng Thích Định Long, Hòa thượng Thích Huệ Định, Hòa thượng Thích Huệ Hải (về sau trụ trì chùa Từ Quang, TP. HCM), Hòa thượng Thích Huệ Châu (về sau trụ trì chùa Tây An, Châu Đốc), Hòa thượng Thích Huệ Thới (về sau trụ trì chùa Ấn Quang, TP.HCM).

Kể từ khi Cách mạng tháng 8 năm 1945, hầu hết các tỉnh thành nào cũng thành lập Hội Phật giáo cứu quốc. Hòa thượng Thích Hưng Từ ở tỉnh Bình Tuy; Hòa thượng Thích Pháp Hiển ở tỉnh Bà Rịa; Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Từ Tân, Hòa thượng Thích Thiện Khải ở tỉnh Biên Hòa; Hòa thượng Thích Minh Tịnh, Hòa thượng Thích Thiện Hương, Hòa thượng Thích Quảng Viên ở tỉnh Thủ Dầu Một; Hòa thượng Thích Huệ Tánh, Hòa thượng Thích Hồng Phước, Hòa thượng Thích Giác Nguyên...ở tỉnh Tây Ninh; Hòa thượng Thích Bửu Đăng, Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Thiện Hòa ở tỉnh Gia Định; Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Hồng Năng, Hòa thượng Thích Thiện Nghị, Hòa thượng Thích Minh Gia, Hòa thượng Thích Minh Giác...ở thành Sài Gòn; Hòa thượng Thích Hoá Sự, Hòa thượng Thích Hoá Duyên, Hòa thượng Thích Thiện Long, Hòa thượng Thích Huệ Long, cùng hai đệ tử là Hòa thượng Thích Thiện Lạc, Hòa thượng Thích Quảng Đạo (chùa Linh Bửu), Hòa thượng Thích Đạt Lộ...ở tỉnh Chợ Lớn (nay tỉnh Long An); Hòa thượng Thích Pháp Tràng, Hòa thượng Thích Trí Long, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Hòan Không (Thủ Toạ Điển), Hòa thượng Thích Định Tri, Hòa thượng Thích Định Bửu...ở tỉnh Tiền Giang; Hòa thượng Thích Pháp Vân, Hòa thượng Thích Pháp Long, Hòa thượng Thích Chơn Lý ở tỉnh Vĩnh Long; Hòa thượng Thích Thành Nghiêm, Hòa thượng Thích Thành Lệ ở tỉnh Bến Tre; Hòa thượng Thích Thái Không ở tỉnh Trà Vinh; Hòa thượng Thích Pháp Thân, Cư sĩ Minh Tịnh (ở tỉnh Cần Thơ); Hòa thượng Thích Nhật Minh tại tỉnh Bạc Liêu; Hòa thượng Thích Thiện Tài tại Cao Lãnh, Hòa thượng Thích Định Long ở tỉnh An Giang; Hòa thượng Thích Trí Đức ở tỉnh Sóc Trăng; Hòa thượng Thích Pháp Hoạt ở tỉnh Gò Công…

Trong công cuộc kháng chiến có những bậc Tôn túc đã ngã xuống, nhưng điều đó không làm nhụt sĩ khí yêu nước, mà còn làm cho ngọn lửa sĩ khí yêu nước thêm cao.

- Năm 1946, Hòa thượng Thích Minh Trứ (thế danh Nguyễn Văn Vằn) đệ tử của Hòa thượng Thích Pháp Hỷ - chùa Thiên Ân, Hòa Lân, Bình Dương bị Pháp xử bắn cùng 5 đồng chí tại chợ Búng.

- Năm 1947, Hòa thượng Thích Trí Quang - Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Sài Gòn hy sinh tại An Phú Đông (Hòa thượng Thích Trí Quang từng ra Huế học là bạn học với Hòa thượng Mật Thể).

- Cũng trong năm 1947, Giáo thọ Hồng Ánh chùa Giác Viên, Chánh Văn phòng Phật giáo cứu quốc Nam Bộ hy sinh tại Kinh Bùi, Đồng Tháp Mười. Giáo thọ Thích Thiện Linh chùa Bửu Phước hy sinh tại suối Nước Trong (nay thuộc Vĩnh Hòa, Bình Dương) và biết bao tấm gương hy sinh của Chư Tôn đức giới Phật giáo.

Giáo hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đã ra đời, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (bí danh Tam Không) tiến hành Đại Hội thành lập Phật giáo cứu quốc Nam Bộ từ ngày 15 đến 17/4/1947 tại chùa Thiền Kim, xã Mỹ Quý, quận Mỹ An, Đồng Tháp với thành phần:

- Chánh Hội trưởng: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (bí danh Tam Không).

- Đệ Nhất Phó Hội trưởng: Hòa thượng Thích Huệ Thành (Giáo thọ Hồng Tín)

- Đệ Nhị Phó Hội trưởng: Ngài Bạch Liên (Commis Hai)

- Tổng Thư ký: Ông Đào Không Không

- Chánh Văn phòng: Giáo thọ Hồng Ánh

- Ủy viên Tuyên truyền: Đại đức Thích Thiện Trí (Lê Hoàng Minh)

- Ủy viên Kiểm soát: Hòa thượng Thích Pháp Tràng, Hòa thượng Thích Huệ Phương.

- Ủy viên Tài chánh: Đại đức Thích Bửu Thiện và Sư bà Thích nữ Diệu Đạo

- Ủy viên đặc trách gồm Hội trưởng 11 tỉnh.

Đại hội suy cử Hòa thượng Thích Huệ Thành - Đại biểu Phật giáo cứu quốc Nam Bộ nằm trong Mặt trận Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ. Đại hội quyết định tờ báo của Phật giáo cứu quốc là “Tinh tấn” do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt là chủ nhiệm, Giáo sư Lê Văn Đổng bút hiệu Trọng Thư hay La Kim Trọng là chủ bút. Nhà in đặt tại chùa Tổ Bửu Lâm, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Văn phòng Ban Thường trực Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tại chùa Thiền Kim, xã Mỹ Quý, huyện Mỹ An, Đồng Tháp. Thường trực Văn phòng Hòa thượng Thích Minh Nguyệt và Commis Hai.

Năm 1948, Hòa thượng Thích Bửu Đăng trụ trì chùa Linh Sơn Hải Hội quận Gò Vấp, là Uỷ viên Mặt trận Viết Minh tỉnh Gia Định, Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định đã bị giặc đến chùa bắt vào ngày 30/8/1948 lúc 5 giờ sáng. Sau ba ngày đêm tra tấn không khai thác được gì, đến 9 giờ sáng ngày 2/9/1948 chúng xử bắn Hòa thượng tại cầu Tham Lương, quận Tân Bình và vứt xác xuống sông.

Sau ngày non sông sạch bóng quân thù chính quyền địa phương, nhân dân và bổn đạo chùa Linh Sơn Hải Hội xây lại mộ tháp và cuối bia ký thờ Hòa thượng có ghi:

Hoài bảo vốn ngàn đời trưởng dưỡng

Tâm lành từ bao kiếp cưu mang

Gieo mầm sống cho Bồ Đề xanh lá

Tạo vườn hoa Bát Nhã ngát hương từ.

Tao nhân mặc khách đến chùa viếng tháp Hòa thượng cảm tác bài thơ thất ngôn bát cú, lộng kiếng trang nghiêm để dưới bia ký và bệ thờ nơi tháp, do mưa nắng chữ đã mờ nhạt, nhưng vẫn đọc được:

Lòng son dạ sắt ít ai bằng

Hòa thượng chùa này Thích Bửu Đăng

Tình cảm thiết tha yêu Tổ quốc

Tinh thần bất khuất chống xâm lăng

Tu thân gương đẹp như tia nắng

Tích đức người hiền tựa ánh trăng

Công việc đạo đời lo trọn vẹn

Lòng son dạ sắc ít ai bằng.

Năm 1949, Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đóng ở vùng Đồng Tháp bưng biền đất rộng người thưa nhận thấy cần phải thay đổi hình thức để hoạt động hữu hiệu hơn, nên Giáo hội tuyên bố tự giải tán. Hòa thượng Thích Huệ Thành chùa Long Thiền đã ghi lại cảm xúc:

Chiến công dự lập chi khí cao

Khoác áo cà sa mặc chiến bào

Mật khu dựng lập nền cơ sở

Trí vận vẫy vùng nặng biết bao

Mặt đối mặt lòng không lãng xao

Thù kẻ thù nhất báo công lao

Cơ ngơi tự viện hầm bí mật

Vào thành công tác đón ngày sau.

5. Giáo hội lục Hòa tăng

Đến tháng 2/1952, các vị lãnh đạo và Chư Tôn túc thuộc Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ trước đây, tiến hành thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam tại chùa Long An Nancy Quận Nhì, Sài Gòn (nay là Quận Nhất, Tp. Hồ Chí Minh). Đại Hội thành lập Hội Lục Hòa Tăng với thành phần:

- Hội đồng Chứng minh:

+ Hòa thượng Thích Đạt Thanh, chùa Giác Ngộ

+ Hòa thượng Thích Hoằng Đức, chùa Bình Hòa

+ Hòa thượng Thích Phước An, chùa Báo Quốc

- Ban Chức sự Trung ương:

+ Đại Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Tòng, chùa Trường Thạnh

+ Tăng giám: Hòa thượng Thích Pháp Nhạc, chùa Long An

+ Phó Tăng giám: Hòa Thượng Thích Thành Đạo, chùa Phật Ấn

+ Tổng Thư ký: Giảng sư Thích Huệ Chí

+ Các ủy viên đặc trách nội ngoại thành và các tỉnh.

+ Hoằng pháp: Hòa thượng Thích Huệ Thành

+ Phó Hoằng pháp: Hòa thượng Thích Pháp Lan

Hòa thượng Thích Minh Nguyệt Giám đốc Trường Phật học Lục Hòa và chủ nhiệm tờ báo Lục Hòa đặt tại chùa Giác Viên. Trụ sở của Giáo hội đặt tại chùa Trường Thạnh số 97, đường Bác sĩ Yersin, Quận Nhì, Sài Gòn.

Năm 1956, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam gửi văn bản yêu cầu Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) thi hành Hiệp định Genève tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước, không lấy sông Bến Hải vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Nam Bắc.

Năm 1957, việc yêu cầu chẳng những không thành, mà chế độ Ngô Đình Diệm còn hòng bóp chết hoạt động và bắt bớ những nhà yêu nước. Chúng thường theo dõi, bắt Hòa thượng Thích Pháp Nhạc Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng, trụ trì chùa Long An Nancy, Quận Nhì (nay là Quận Nhất) tra tấn đến gãy xương sống, ngày 6/9/1957 chúng thả về chùa đến ngày 11/9/1957 Hòa thượng mất. Hòa thượng Thích Thiện Nghị Tăng trưởng Đô Thành, trụ trì chùa Đức Lâm, Thượng toạ Thích Tín Lâm, Thượng toạ Thích Tín Hải, Cư sĩ Thiện Trí- Lê Hòang Minh lần lượt bị bắt đày Côn Đảo.

Thời kỳ này, chính quyền Mỹ - Diệm thực thi Đạo dụ số 10 nhằm cô lập hoạt động của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam , một số tổ chức tập hợp những công dân yêu nước khoác áo nâu sòng. Năm 1960, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt nguyên Hội Trưởng Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, là Đốc giáo Phật học đường Lục Hòa, sau cuộc họp tại chùa Thiên Tôn (Quận 5) chúng theo dõi đến ngã tư Phú Định thì bắt đày Côn Đảo, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, trụ trì chùa Phật Ấn Quận Nhì (nay là Quận Nhất), Thượng toạ Thích Minh Gia, Thượng toạ Thích Minh Giác chùa Long Vân, giảng sư Thích Huệ Chí chùa Giác Viên... bị bắt đưa về Khám Chí Hòa.

Hòa thượng Thích Minh Đức, Phó Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam trụ trì chùa Thiên Tôn, lánh nạn chùa Long Định (Tịnh Biên, Châu Đốc). Hòa thượng Thích Thiện Hào, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam thoát ly vô chiến khu được cử làm Uỷ viên Chủ tịch Đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Các chùa bị khủng bố buộc phải hạ bảng, chỉ còn lại Hòa thượng Thích Huệ Thành trụ trì Tổ đình chùa Long Thiền (Biên Hòa), Hòa thượng Thích Bửu Ý trụ trì Tổ đình chùa Long Thạnh Bình Chánh là những vị Trung ương Giáo hội.

Cũng năm này, Tòa án binh của Đệ nhất Cộng Hòa xử tại Biên Hòa kêu án Ngô Quang Thanh, Bí thư Thủ Biên (Biên Hòa và Thủ Dầu Một) tù chung thân đày Côn Đảo. Thái Văn Kiếm tức Ba Kiếm (Đại đức Thích Bửu Định) tù chung thân đày Côn Đảo (phòng 18, chuồng cọp số 1).

6. Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam

Mang tinh thần sĩ khí yêu nước ngày càng cao và mở rộng phạm vi hoạt động khắp tỉnh thành Nam Bộ, bên cạnh Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam còn hình thành thêm Giáo hội Lục Hòa Phật tử. Do yếu tố lịch sử trở về với tinh thần Lục Hòa, nên vào năm Kỷ Dậu - 1969 hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và Giáo hội Lục Hòa Phật tử Việt Nam đã hợp nhất để hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Trong vai trò mới chư Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng dân tộc.

Ngày 3 tháng 9 năm 1969, nhận tin Bác Hồ - người cha của toàn dân đã đột ngột qua đời, Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gồm Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Pháp Lan, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Thiện Nghị, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Hòa thượng Thích Thiện Hoa, NS Huỳnh Liên..., về dân biểu có bà Kiều Mộng Thu... làm lễ truy điệu tại chùa Khánh Hưng (ngày nay đường Cách Mạng Tháng Tám), lá cờ đỏ sao vàng được xếp từ trái cây xoài - mận, với câu “Quốc Gia Tối Thượng” và đôi liễn:

“Nam - Bắc Toàn Dân Quy Thượng CHÍNH

Á - Âu Thế Giới Kỉnh Tu MI”

(Nam Bắc toàn dân theo chính nghĩa

Á - Âu thế giới kính mày râu)

Điều đáng nói hai chữ cuối của mỗi câu ghép láy lại chữ «CHÍNH MI» là «CHÍ MINH». Cũng chính điều này, mà giặc bố ráp. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Pháp Lan đã giải thích là do yêu cầu của thân nhân, nhà chùa chỉ làm đúng bổn phận, như người thợ gỗ được khách hàng đặt bàn hoặc đặt ghế người thợ ắt phải làm theo. Nhờ lý lẽ đó, Hòa thượng Thích Pháp Lan và Chư Tôn Túc sau đó được thả ra.

Khi Hiệp định Pari ký ngày 27/1/1973 để che giấu tội ác dã man đối với tù chính trị ngày 6/2/1973 giặc dùng phi cơ chở hơn 200 tù chính trị ở chuồng cọp bị què lết về C3 Biên Hòa để sáng ngày 7/2/1973 thả các nơi như ga Biên Hòa, chợ Đệm - Bình Chánh... riêng Đại đức Thích Bửu Định được thả ở ga Biên Hòa, đã đến chùa Thanh Long nhờ Sư cô Thích Nữ Huệ Hương đưa qua chùa Long Thiền. Hòa thượng Thích Huệ Thành gọi tôi (Đại đức Thích Huệ Xướng) lên Biên Hòa đưa Đại đức Thích Bửu Định (là đệ tử của Hòa thượng Thích Huệ Thành) về chùa Ấn Quang nhờ Phật tử cơ sở chăm sóc. Đến khi lành bệnh lại đưa Đại đức vô chiến khu Ba Thu (theo ngõ Đức Hòa - Đức Huệ tỉnh Long An, giao cho chốt chị Sáu Sửa). Khi nước nhà giải phóng năm 1975, Đại đức Thích Bửu Định làm Uỷ viên Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, Tp. HCM, Trưởng Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Quận 4. Bên cạnh đó, bà Luật gia Ngô Bá Thành, cánh phụ nữ đòi quyền sống kết hợp với Ni sư Huỳnh Liên đi các nơi Chợ Đệm - Bình Chánh, Đức Hòa tìm hơn 100 anh em đưa về Bệnh viện Sùng Chính điều trị, đến khi đi lại được đưa trở lại chiến khu (trong số đó có anh Tư Biên - Hà Văn Hiển sau giải phóng làm Bí thư quận 10, Tp. HCM).

Cũng trong năm 1973, khi tù chính trị được trao trả ở sân bay Lộc Ninh (Bình Phước), Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Pháp Lan, Đại đức Thích Huệ Xướng, Thiện Trí - Lê Hoằng Minh và Thiện Đức - Trương Hiến ra thăm và đón Hòa thượng Thích Minh Nguyệt trong số đó. Hòa thượng Thích Huệ Thành đã ca ngợi tinh thần Hòa thượng Thích Minh Nguyệt:

Giang tay La Hán lướt binh đao

Nhập thành công tác đón ngày sau

Ước vọng thành công đà sắp đến

Minh Nguyệt sư huynh khổ hình đau.

Mười ba năm đày nơi Côn Đảo

Sống chết không sờn dạ chẳng nao

Hiệp định Pa Lê ngày trao trả

Chiến khu trở lại trách nhiệm cao.

7. Kết luận

Sĩ khí yêu nước là ngọn lửa nhiệt huyết có trong lòng mỗi người dân Việt, khi đất nước dân tộc bị lâm nguy ngọn lửa đó bùng cháy hơn bao giờ hết. Điều đó được chứng minh với sĩ khí yêu nước từ Giáo hội Lục Hòa Liên Xã, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là những dấu son lịch sử Việt Nam, đã thổi hồn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đương thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong buổi tiếp Đại biểu Đại hội Hiệp thương thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ ngày 4/11 đến ngày 7/11/1981) tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, ông thay mặt Đảng và Nhà nước trân trọng phát biểu: “Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc… Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước giữ nước”.

Thật vậy, các bậc tiền bối qua các thời kỳ đã cống hiến trí tuệ, công sức cho đạo pháp và dân tộc với tinh thần vô ngã vị tha, sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hậu học noi theo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hoá Văn nghệ, 2019.

2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 1994.

3. Kinh Trường A Hàm, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993.

4. HT. Thích Thanh Từ, Quy Sơn Cảnh Sách giảng giải, Nxb Tôn Giáo, 1993.

5. HT. Thích Thanh Từ, Pháp Bảo Đàn kinh giảng giải, Nxb Tôn Giáo, 1992.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6129551