Thông tin

SINH HOẠT PHẬT GIÁO

TẠI NGÔI CHÙA CỔ 300 NĂM SẮC TỨ TRƯỜNG THỌ

 

THÍCH NỮ HIỀN NGHĨA

 


 

Chùa Sắc Tứ Trường Thọ tọa lạc tại 791 Phan Văn Trị, phường 7, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được hòa thượng Đại Năng thành lập vào năm 1720 (Canh Tý) với tên là Vĩnh Trường tự, là một trong những ngôi chùa thuộc dòng LâmTế Liễu Quán đầu tiên ở phủ Tân Bình, dinh Phiên Trấn, tỉnh Gia Định. Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng: “Chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ huyện Bình Dương, từ trước không rõ là ai dựng, năm Gia Long thứ 7, Hòa thượng Nguyễn Công Thắng sửa chữa, năm Minh Mạng thứ ba cho tên là Pháp Vũ Tự”. Đến thời vua Tự Đức đổi tên là Sắc Tứ Trường Thọ Tự.

Thời Pháp thuộc chiến tranh loạn lạc, chùa phải di dời đến ba lần, từ vùng Đa Kao quận 1 về quận 12 rồi đến Gò Vấp vị trí hiện tại. Chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở Gò Vấp năm xưa cũng có quy mô lớn, chùa có Tăng đường (đông lang, tây lang) nhưng nay chỉ còn một dãy nhà hai khối kết vào nhau làm theo lối cổ truyền với kèo cột đơn sơ. Tuy nhiên trong ngôi chùa nhỏ bé lụp xụp này lại bảo tồn rất nhiều các giá trị lịch sử văn hóa trong suốt thời kỳ hình thành và phát triển Phật giáo và dân tộc trên vùng đất Gia Định xưa.

Trải qua một thời gian dài hiu quạnh, vắng vẻ, từ sau năm 2013, ngôi chùa đã từng bước phục hồi và phát triển, một số công trình phụ đã được xây dựng, các câu lạc bộ, ban thiện nguyên Phật tử được thành lập. Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, chùa vẫn tổ chức các thời khóa tu nhỏ, cho Phật tử về tham dự, thỉnh giảng sư thuyết pháp vào các dịp lễ, tết… từng bước bộc lộ vai trò của một ngôi chùa đối với quần chúng nhân dân, trong đó điều thành công và đáng chú ý nhất là Hoạt động từ thiện xã hội và văn hóa dân gian.

1. Hoạt động từ thiện xã hội

Công tác TT - XH chùa Sắc Tứ Trường Thọ từ năm 2013 đến nay vẫn luôn được duy trì ổn định, Theo kết quả điều tra cho thấy mức độ thường xuyên tham gia các công ích xã hội do nhà chùa tổ chức, nấu cơm từ thiện, giúp đỡ người nghèo chiếm tỷ lệ như nhau và cao nhất 64.75%, tiếp đến là hỗ trợ người khuyết tật có tỷ lệ 63.7%, nuôi heo đất 63.2%, các đóng góp khác 62.8%, đóng góp quỹ khuyến học, cúng dường trường hạ tỷ lệ bằng nhau 62.7%, xây nhà tình thương chiếm tỷ lệ 57.8%, khám chữa bệnh miễn phí 57.9%... nhìn chung mức độ tham gia các hoạt động TT - XH của phật tử ở chùa STTT là khá cao.

Người con Phật khi làm công tác từ thiện không chỉ đơn thuần là mang quà cứu trợ từ thiện mà mang cả thông điệp, mang tinh thần của Tứ Nhiếp Pháp đến cho mọi người để có kết quả lâu dài. Đây là đặc điểm nổi bật của người con Phật trong công tác TT-XH.

Hoạt động cứu trợ của chùa mỗi năm đều thực hiện theo bốn định kỳ, hai kỳ thực hiện tại Huyện Củ Chi, nguồn quỹ để thực hiện TT - XH tại đây tăng dần theo mỗi năm nhưng năm 2017 đạt một trăm bốn mươi triệu đồng, đến năm 2018 giảm xuống một trăm hai mươi triệu đồng chưa ổn định. Hai kỳ thực hiện tại các tỉnh ở vùng sâu vùng xa như Đăk Nông, Gia Lai, Kom Tum…Tổng kinh phí chùa Sắc Tứ Trường Thọ thực hiện TT - XH từ năm 2013 đến năm 2018 đạt trên một tỷ chín trăm ba mươi triệu đồng.

Ngoài bốn chuyến từ thiện định kỳ chùa duy trì mỗi năm, thì tại địa phương chùa cũng huy động được nhóm lực lượng ban từ thiện như là nấu cơm, phát cơm từ thiện cho bà con ăn chay một tháng được hai ngày, ngày chủ nhật của tuần thứ hai và ngày chủ nhật của tuần thứ tư mỗi tháng. Và hàng năm thì chùa cũng tổ chức các hoạt động từ thiện cho bà con nghèo tại chùa vào các ngày lễ lớn như ngày tết, ngày Phật đản và vu lan báo hiếu.

Ban Thiện Nguyện Tuổi Trẻ chính là nguồn lực chủ yếu nhất trong mọi hoạt động của chùa. Ngoài khuyên góp các mạnh thường quân, chư tăng còn khuyến khích tất cả phật tử đến chùa người lớn, trẻ nhỏ tất cả đều nuôi heo đất và ban Thiện Nguyện còn mở ra quầy bán hoa mang tên Trường Thọ để gây quỹ TT - XH.

Nuôi heo đất

Bắt đầu từ năm 2015, quý thầy phát động phong trào nuôi heo đất, đầu năm phát heo, phật tử đến chùa ai phát tâm nuôi thì nhận đem về nhà. Mọi người nuôi heo bằng cách cho heo ăn tiền lẻ từ năm ngàn, ba ngàn mỗi ngày, đó có thể là tiền đi chợ còn dư, Cũng có những em học sinh, sinh viên, những cụ già bán vé số cũng đồng hành cùng chương trình. Theo chu kỳ ba tháng đập heo một lần, hoặc khi nào có chương trình từ thiện thì chư tăng thông báo tập trung heo về. Mỗi năm tiền nuôi heo có thể được từ năm mươi đến sáu mươi triệu, tất cả đều được dùng làm từ thiện.

Chương trình heo đất tại chùa STTT đến nay đã thực hiện được mười bốn  kỳ, đây là một chương trình nhỏ nhưng lại rất ý nghĩa, tạo điều kiện để tất cả mọi tầng lớp Phật tử đến chùa đều có thể tham gia làm điều phước thiện, là cách để gieo hạt giống từ bi, biết sẻ chia đến tất cả mọi người, trong đó có cả các em thanh thiếu niên và các cụ già bán vé số, tạo cơ hội để người nghèo có thể bán đi cái nghèo của mình, nghèo tiền nghèo bạc, nhưng không nghèo đạo đức tình thương.

Shop hoa tươi Trường Thọ

Sau khi ban Thiện Nguyện được thành lập, mọi người muốn tạo ra một nguồn vốn nhỏ, là phương tiện để có kinh phí cho ban Tuổi Trẻ duy trì và hoạt động mạnh, do đó các phật tử đã hùn vốn để mở ra shop hoa tươi mang tên Trường Thọ. Hiện tại shop hoa tươi Trường Thọ có hai cơ sở hoạt động, một cơ sở đặt tại chùa STTT do phật tử Diệu Tròn đảm trách. Phân phối toàn quận Gò Vấp, nếu ai có nhu cầu gọi đặt thì Tròn sẽ cắm và có thanh niên trong ban tuổi trẻ giao hàng tận nơi. Cơ sở thứ hai phân phối ở các quận 2, quận 3 do phật tử Diệu Thắm phụ trách, cắm tại nhà riêng và giao hàng trong khu vực. Người quản lý, nắm thông tin và báo cáo mọi thu chi là phật tử Diệu Thủ.

Shop hoa tươi là nguồn kinh phí để ban Thiện Nguyện Tuổi Trẻ duy trì việc nấu cơm, cháo từ thiện mỗi tháng. Vào tối thứ ba và thứ năm mỗi tuần các bạn trẻ trong ban Thiện Nguyện tập trung về chùa cùng với quý cô phật tử lớn tuổi nấu cháo, chia phần sau đó đi phân phát cho những người cơ nhỡ trên các vỉa hè. Bánh xe thiện nguyện của các em bắt đầu khởi hành từ lúc 20 giờ, nơi các em thường đến nhất là khu vực xung quanh trung tâm Ung Bướu, cũng có khi lên đến quận 12, quận 1… những nơi có nhiều người nghèo, người cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa, buổi tối họ thường tập trung lại bên các vỉa hè. Có khi đang chạy xe từ xa đã thấy mọi người vẫy tay gọi các em đến để nhận cháo và ăn ngay.

Bên cạnh nấu cháo phát buổi tối hai ngày mỗi tuần thì mỗi tháng các em còn nấu cơm hai ngày chủ nhật để phát cho người nghèo vào ban ngày, là cách để tạo duyên cho mọi người biết ăn chay. Shop hoa tươi là một việc làm rất ý nghĩa cần được phát huy nhiều hơn, quy mô hơn để có thể tăng thêm nguồn thu từ đó thực hiện được nhiều điều thiện nguyện hơn. Cũng là phương pháp để ban Thiện Nguyện Tuổi Trẻ có thể chủ động trong các công tác từ thiện của mình.

Về công tác xã hội ở chùa Sắc Tứ Trường Thọ, thì việc đi cứu trợ đồng bào thiên tai, hoàn cảnh khó khăn có tỷ số hiệu quả cao nhất 92.2%, con số này cho thấy hầu hết công việc cứu trợ đồng bào thiên tai, hoàn cảnh khó khăn luôn đạt hiệu quả. Từ kết quả này, cùng với kết quả khảo sát mô tả ở mức độ tham gia các hoạt động Phật sự, xã hội cho chúng ta thấy hầu như các Phật tử đến chùa STTT đều rất tích cực tham gia trong các việc làm từ thiện - xã hội giúp đỡ người nghèo, thiên tai… và đem lại hiệu quả rất lớn trong việc thực hiện các thiện nguyện này.

2. Hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian lễ hội

Cũng như bao mái nhà chung ươm mầm tâm linh trên đất nước, Chùa Sắc Tứ Trường Thọ mỗi năm đều duy trì tổ chức các lễ tết cổ truyền với những hoạt động tâm linh Phật giáo hòa cùng những tín ngưỡng, văn hóa dân gian bản địa, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Tết Nguyên Đán

Ngày tết ở chùa Sắc Tứ Trường Thọ cũng không thiếu phần rộn ràng của các bạn trong ban Thiện Nguyện Tuổi Trẻ. Từ những ngày đầu tháng chạp là các bạn bắt đầu lên kế hoạch để chuẩn bị bao sái, trang hoàng cho ngôi chùa nhỏ thật đẹp để mọi người cùng về đón mừng năm mới.

Ngôi chùa trở nên lộng lẫy bởi những chiếc lồng đèn màu đỏ, từ trên nóc mái chùa nối ra nóc mái cổng tam quan và tháp chuông, được nối với nhau bởi những đường dây kết lồng đèn và ô dù cổ trang, làm cho không gian trước sân chùa trở nên rực rỡ. Những chiếc đèn lồng liên tưởng đến lễ hội hoa đăng truyền thống của Phật giáo và dân gian, không những riêng ngày tết mà vào các ngày lễ Vu Lan, Phật đản chư tăng, ni và phật tử thường làm lễ đốt đèn hoa đăng để cúng dường Phật và cầu nguyện báo đáp tứ trọng ân. Riêng trong dân gian vào dịp tết Nguyên Tiêu, Trung nguyên hay Hạ nguyên người dân thường đốt đèn hoa đăng để cầu nguyện những điều ước muốn và mong được may mắn…

Để gợi lên khung cảnh ngày tết quê hương, ngày tết của những làng quê Việt Nam các bạn trẻ năm nay (2020) đã cùng nhau dựng lên một mái nhà tranh bên cạnh tháp chuông. Nhà lợp bằng mái tranh, vách làm bằng tre nứa đan thủ công. Hai bên cửa ra vào treo hai lồng đèn lớn và một chùm pháo như ở thôn quê ngày xưa thường treo trước cửa, đợi đến thời khắc giao thừa sẽ đốt pháo. Trên cửa sổ treo bày nào bắp, chuối, thơm, bánh chưng, bánh tét. Kế sát bên cửa sổ là một cội mai già rực rỡ vàng hoa. Trước nhà tranh là một ụ rơm vàng, đội hai chiếc bánh chưng khổng lồ và một chú ngổng nằm lim dim, sát bên ngoài ụ rơm là một bờ rào giả, cũng được làm bằng tre, lại có thêm những chậu mạ xanh rì gợi nhớ đồng quê. Một chiếc bàn tre thủ công cũng được đặt trước nhà tranh, bên trên bàn bày biện đủ các loại dưa món, bánh chưng, kẹo, mứt, hạt dưa,… toàn là những món ăn truyền thống của ngày tết miền quê. Một góc nhỏ nơi đây của chùa Sắc Tứ Trường Thọ gợi lại “ngày tết quê hương” qua hình ảnh mái nhà tranh, ụ rơm vàng, mạ non, hàng rào tre, đóa mai vàng… trong lòng người xa quê giữa chốn thị thành khi khách thập phương đến lễ Phật và chiêm ngưỡng.

Trước khi trở thành một thành phố Hồ Chí Minh hiện đại như hôm nay, thì tỉnh Gia Định xưa cũng bàn bạc những mái nhà tranh, những ngôi chùa gỗ, ngoài đường phố đông người, chợ búa tấp nập, còn có cả ruộng lúa, nương khoai. Việc gợi lại quang cảnh làng quên xưa cùng với các phong tục dân gian sẽ càng góp phần làm nổi bật ý nghĩa của một ngôi chùa cổ và bảo tồn duy trì nét văn hóa dân gian trên vùng đất Gia Định xưa.

Có lẽ màu đỏ là màu năng động, rất hợp với tuổi trẻ năng động, vì vậy rất nhiều sợi dây ghibang đỏ được các bạn trẻ treo lên cây xanh trước ngôi nhà tranh kế bên tháp chuông, gọi là cây ước nguyện, tuy nhiên những giải dây ghibang chỉ để trang trí cho cây thêm rực rỡ. Còn ước nguyện được khách hành hương viết vào trong một tấm giấy màu nhỏ, rồi treo lên cây.Hai cây chiếu thủy hai bên bảo tượng Quan Âm Lộ Thiên cũng được trang trí lồng đèn đỏ và mọi người treo giấy ước nguyện lên đó, như treo lời ước lên cây ước nguyện. Khách thập phương đến chùa lễ Phật và có nhu cầu treo giấy ước nguyện lên cây, thể hiện niềm tin, ước muốn được thành tựu, bên cạnh đó còn có một chút lãng mạn của khách hành hương. Còn các Phật tử, nếu có treo giấy ước nguyện, họ cũng hiểu rằng niềm tin chân chính, muốn thành tựu được thiện pháp thì cần phải tinh tấn tu tập và thực hành thiện pháp, người có phúc đức thì phước lộc sẽ đến. Việc treo giấy ước nguyện như một hứa hẹn năm mới cuộc sống phải hướng thiện nhiều hơn, tích cực làm điều phước thiện và tinh tấn tu tập nhiều hơn.

Từ ngày 25 đến hết ngày 29 tháng chạp, chùa ngưng tất cả thời khóa,, để bao sái các điện, đường trang nghiêm Tam bảo chuẩn bị đón xuân. Bánh chưng, bánh tét cũng được các cô chú phật tử lớn tuổi ở gần chùa tập trung về gói vào trong những ngày này. Một số bạn trẻ trong thành phố hoặc ở quê nhưng còn ở lại, thì phụ quý chư tăng và các chú tiểu bao sái chùa, một số khác thì phụ làm bánh, nấu bánh. Trong những ngày cận kề tết, chuẩn bị đón xuân này là đông vui, nhộn nhịp nhất. Tình thầy trò thêm bao gắn kết, mái chùa là một mái nhà chung cho các đồng bào phật tử, dù là ở quê lên hay người thành thị, cùng tụ hội về thắt chặt tình đồng đạo linh sơn.

Cũng như bao ngôi chùa khác, bắt đầu sau lễ giao thừa là khách thập phương hành hương lễ Phật, trong những năm gần đây số người đến lễ Phật đầu năm nhiều hơn so với trước đây. Thầy Huệ Quang nói: “Vào những lễ tết khách thập phương tới chùa ước lượng khoảng bốn, năm trăm người đổ lại, trong ba ngày tết. Vì lý do là ngày xưa sư ông đóng cửa. Chùa mình thật sự là một ngôi chùa cổ, nhưng mà ngày xưa ông cụ thường đóng cửa nên mọi người cũng ít biết đến ngôi chùa mình nhiều lắm. Khi các thầy về mở cửa ra, thì những người hàng xóm mới biết đó là ngôi chùa”.

“Đi chùa đầu năm” là thành ngữ mà dân gian Việt Nam thực hiện như một tục lệ không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền, như vậy càng tô điểm thêm giá trị của ngôi chùa không chỉ là nơi truyền dạy lời Phật, giáo dục đạo đức, tâm linh cho con người, mà còn là một nét đẹp phong tục không thể thiếu của người Việt Nam, một nét đẹp văn hóa dân tộc cần được gìn giữ, bảo tồn.

Tết Thượng Nguyên, Hạ Nguyên

Tết Thượng Nguyên còn gọi với nhiều tên khác như tết Nguyên Tiêu, tết Nguyên Dạ, tết Hoa Đăng, tết Trạng Nguyên, tết Đoàn Viên… Tùy theo từng địa phương mà ngày hội rằm tháng giêng có phong tục và ý nghĩa khác nhau. Rằm tháng giêng trong Phật giáo cũng là một ngày lễ quan trọng, là ngày bố tát đầu tiên của chư Tăng trong một năm mới, các phật tử cũng tập trung về chùa để cùng chư tăng làm lễ sám hối cầu an và nghe pháp đầu năm.

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, chùa Sắc Tứ Trường Thọ cũng tiếp nhận tên cầu an và cầu siêu đến ngày rằm tháng giêng tất cả những ai ghi tên cúng cầu an đều tập trung về chùa để tham dự khóa lễ Kỳ An Hội vào lúc 18 giờ. Sau khóa lễ Kỳ An Hội là thời pháp đầu năm do thầy trụ trì hoặc thỉnh giảng sư nơi khác đến giảng cho Phật tử.

 


Bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đất nung phủ sơn

 

Tương tự như rằm tháng giêng, rằm tháng mười cũng là một ngày lễ lớn còn gọi là tết Hạ Nguyên, thể nhập vào truyền thống dân gian, ngày rằm tháng mười cũng được đồng hóa bởi Phật giáo. Lễ cúng tạ các vị thần nông đã được chuyển đến chùa vì tất cả các vị thiện thần cũng đều được quy về chùa, là hộ pháp của chư Phật, Bồ Tát ở chùa, có nghĩa vụ bảo hộ cho người lương thiện. Vì vậy mọi người đến chùa trước là lễ Phật, Bồ tát sau là lễ tạ chư vị thiện thần cũng ở nơi đây. Rằm tháng mười trong Phật giáo mang ý nghĩa giáo hóa con người biết làm việc thiện, tu nhân tích đức để gieo trồng hạt giống tốt cho cuộc gặt hái tươi đẹp mai sau. Cúng tạ chư Phật, Bồ tát, chư vị thiện thần là thực hiện một trong tứ trọng ân của Đức Phật dạy.

Rằm tháng mười ở chùa Sắc Tứ Trường Thọ tổ chức không lớn như những ngày lễ Phật đản, Vu Lan trong năm, nhưng đây cũng là một ngày rằm lớn. Phật tử và khách thập phương về chùa lễ Phật khá đông, chùa nấu cơm chay để tất cả mọi người đến chùa đều được dùng cơm. Buổi tối là khóa lễ sám hối cầu an và giảng pháp khuyến tấn mọi người chăm chỉ làm điều phước thiện và sống nhân hiền. Số người đến chùa dự lễ và nghe pháp khá đông, diện tích chánh điện và nhà tổ quá hẹp, phật tử và người dân phải đứng lấn ra bên ngoài sân trước tháp Quan Âm. Sau lễ cầu an và nghe pháp là giờ phát heo đất kỳ 3 trong năm, ai phát tâm nuôi heo đất thì đến nhận heo đem về.

Thượng nguyên là rằm tháng Giêng, Trung nguyên là rằm tháng 7 và Hạ nguyên là rằm tháng mười, đây là những ngày lễ lớn trong nhân gian Việt Nam và cả Đông Nam Á. Văn hóa phật giáo không áp đặt, không cưỡng bức mà tiếp xúc, hòa nhập vào nhân gian một cách tự nguyện. Trên mảnh đất Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã thể hiện được những điểm sáng, vươn mình phát triển, góp phần làm giàu thêm cho nền văn hóa Dân Tộc qua những lễ hội nhân gian truyền thống.

Từ những thành tựu của hoạt động từ thiện xã hội và văn hóa dân gian lễ hội, đã khẳng định được vai trò và tiềm năng của ngôi chùa cổ Sắc Tứ Trường Thọ đối với quần chúng nhân dân và các giá trị truyền thống văn hóa của người dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và miền Nam Tổ quốc nói chung.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6061095