SƠ LƯỢC VỀ TƯ TƯỞNG NHẬP THẾ BAN ĐẦU CỦA PHẬT GIÁO
THÍCH QUẢNG MINH
Phật giáo buổi ban đầu hình thành và sinh hoạt hầu hết trong môi trường rừng thẳm, tách biệt thế giới bên ngoài, nên bản chất và nếp sống ban đầu lấy cuộc sống viễn ly làm y cứ. Thời điểm đó, các học pháp dựa trên đời sống du cư mà chế định, tinh thần tu tập Phật quả lúc này chỉ dừng ở mức độ tự lợi bản thân của các sa môn, chưa phổ cập rộng rãi cho xã hội. Đến khi đức Phật diệt độ, trọng trách duy trì và phát triển giáo đoàn bắt đầu đặt lên vai các hàng đệ tử kế thừa thì công cuộc nhập thế hành đạo được đặt nặng hơn, trở nên trọng yếu để Phật giáo tồn tại và phát triển.
Từ sự dấn thân vào nhân thế, thời cuộc đòi hỏi phải thay đổi tư duy nhận thức ban đầu nhằm để tính chất tu tập được mở rộng hơn, dễ hiểu hơn từ phương pháp diễn đạt và áp dụng giáo lý Phật giáo. Đến đây, các sa môn kế truyền không chỉ dừng lại ở sự tu tập tự thân mà trách nhiệm còn phải phổ biến Phật pháp vào cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thời đại, việc đẩy mạnh các pháp tu lợi tha hơn so với tư tưởng tự lợi ban đầu của Phật giáo, nên gọi là Phật giáo nhập thế, từ đó trở thành tiền đề hình thành Phật giáo Đại thừa về sau.
Khái niệm về nhập thế
Thuật ngữ “nhập thế” có thể hiểu theo Hán-Việt là đi vào đời, dấn thân vào xã hội, ý nói sống với người đời và gánh các việc đời, hay thể nhập vào xã hội con người bằng những gì tốt đẹp nhằm cải thiện cuộc sống của con người... Có thể hiểu, “Phật giáo nhập thế” tức là chúng ta mang giáo lý Phật giáo tiếp cận cuộc sống của quảng đại quần chúng, nhằm đẩy mạnh hoạt dụng của lời dạy đức Phật vào nhân gian, hay nói cách khác phát huy tính chất lợi tha trong giáo pháp của đức Như Lai. Bên cạnh, cũng có thể hiểu rằng danh ngữ “Phật giáo nhập thế” (the Engaged Buddhism) được hiểu như “Đạo Phật vào đời”,“Đạo Phật dấn thân” hay “Đạo Phật nhập cuộc” thoạt nghe có vẻ là lời cổ vũ, hay khẩu quyết của một phong trào Phật giáo có phương và chiều véc-tơ hướng tới xã hội1.
Theo Christopher S.Queen, thuật ngữ Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism) lần đầu tiên xuất hiện trên nhan đề một cuốn sách do thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1963. Đến năm 1988, hai tác phẩm quan trọng khác về chủ đề Phật giáo nhập thế (Socially Engaged Buddhism) được xuất bản tại Thái Lan và Hoa Kỳ. Thuật ngữ này nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng Phật giáo thế giới với sự ra đời của ‘Hội thân hữu hòa bình Phật giáo’ vào năm 1978 và ‘Mạng lưới Phật tử nhập thế quốc tế’ vào năm 19892. Phật giáo nhập thế hướng đến việc thay đổi quan điểm của người Phật tử về vấn đề đạo đức và giải thoát, qua đó họ có thể nhận chân và góp phần hóa giải những khủng hoảng hiện thời của nhân loại trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.
Tuy nhiên, trong định kiến nào đó, danh ngữ “Phật giáo nhập thế” lại dễ gây nên ngộ nhận về bản chất của đạo Phật. Bởi vì thuật ngữ “nhập thế” có nghĩa là từ một nơi nào đó “ngoài đời” mới bước vào cuộc đời, thế nên đạo Phật truyền thống thường bị gán ghép hay hiểu sai là “yếm thế, trốn đời”, tách xa cuộc đời, không dính dáng gì với đời sống thực tiễn xã hội, trong khi Hòa thượng Thích Trí Thủ lại có nhận định rằng: “Chúng ta làm cho đất nước cũng là làm cho Phật giáo và làm cho Phật giáo cũng là làm cho đất nước”3, đã thể hiện rõ tinh thần báo đáp tứ trọng ân trong công cuộc nhập thế hành đạo, vì lợi ích cho quốc gia cũng là một trọng trách của Phật giáo, chứ không “yếm thế” như những định kiến. Trong tác phẩm “Nẻo về của ý” (Fragrant Palm Leaves), Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nêu bật thiện ý: “Trong truyền thống của chúng tôi, tự viện chỉ là phòng thí nghiệm để tu tập ‘một cái gì đó’. Thiền quán không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Được huấn luyện và thực hành đời sống tâm linh người tu hành, do đó có thể đi ra ‘ngoài’ phục vụ người khác”4, nhằm đem những vốn liếng thể nghiệm trong đời sống tu tập mà đóng góp cho cuộc đời, đây cũng là một khái niệm mở rộng của danh ngữ “nhập thế”.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, khái niệm nhập thế của Phật giáo là nói đến tính ứng dụng của giáo pháp trong cuộc sống, vì mục đích ra đời của đạo Phật là để mang lại nguồn tuệ giác vào đời sống nhân gian, đem lại ánh sáng giác ngộ và tinh thần giải thoát cho nhân loại.
Tư tưởng nhập thế trong văn điển Pali
Tiêu biểu nhất trong văn học Phật giáo ngữ hệ Pali là bộ kinh Nikaya, được các luận sư theo Thượng tọa bộ hệ biên soạn. Nguồn tư liệu này mang nhiều tư tưởng mà các học giả đánh giá gần với nguyên thỉ nhất. Trong đó, tính chất nhập thế cũng được nội hàm trong những ý nghĩa mà giáo điển đề cập.
Đầu tiên, chúng ta nhận thấy chính đức Phật là người có tư tưởng dấn thân vào thế gian trước hết: “Này chư Thiện hữu ở Tam thập tam thiên các vị nghĩ thế nào? Như Lai dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài Trời và loài Người. Một vị Ðại sư dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài Trời và loài Người như vậy, một vị Ðại sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn”5.
Đức Phật đã tự thân chứng ngộ Vô thượng Bồ Đề, Ngài từng suy tư về giáo pháp cao quý này liệu có thể phổ quát cho chúng sanh thấu hiểu được không? Nhưng sau khi quán chiếu bên hồ sen, Ngài nhận thấy tuy căn cơ, nhận thức không đồng nhưng vẫn có người thụ đắc được giáo lý thậm thâm của Ngài, nên đã quyết định đem giáo pháp hoằng truyền vào thế gian. Thế nên, Ngài không từ khó nhọc gian nan mà quyết lòng tuyên thuyết chánh pháp vì giải quyết những nỗi khổ của nhân loại, làm bậc đạo sư du hành khắp muôn phương để nói lên những chân lý công bằng của cuộc đời.
Không những tự thân du hóa, mà Ngài còn truyền đạt tâm huyết, tình thương của mình đến hàng thánh đệ tử, mong muốn hàng đệ tử cũng dấn thân đi vào cuộc đời vì lý tưởng cao đẹp: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn viên mãn. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp”6. Ở đây, chúng ta nhận chân một cách chi tiết hơn những tâm tư của đức Phật, một tình thương rộng lớn dàn trải khắp nhân gian. Đức Phật không chỉ muốn hàng đệ tử phải dấn thân hoằng pháp mà còn phải thành tựu những sở đắc một cách thuần thục, mà vì nhân gian thuyết giáo thật toàn thiện như tấm lòng người thầy lớn suy tư cho nền giáo dục non trẻ, cho thế hệ kế thừa sơ khai.
Tư tưởng nhập thế trong văn điển Hán tạng
Khác với trong nền văn học Phật giáo thuộc Pali ngữ, trên văn đàn Hán tạng thì hoạt động nhập thế được đẩy mạnh trở thành trung tâm phát huy giáo lý Phật giáo. Khi nói đến Bắc truyền hay Hán tạng, chúng ta liên tưởng ngay Phật giáo Đại thừa, một trào lưu nhập thế diện rộng và chấn hưng Phật giáo sau thời kỳ hỗn chủng của Bộ phái. Qua thuật ngữ “Đại thừa” tức là cỗ xe lớn, có thể chung chở số đông con người, đã phần nào nói lên tính chất phổ quát trong hoạt dụng của nền Phật giáo đại chúng này.
Trong Tạp A-hàm, Tôn giả Xá-Lợi-Phất cũng nói lên những tiêu chuẩn để một vị Tỳ kheo đủ sức du hóa khắp nơi:“Các ông trở về phương Tây, mỗi quốc độ mỗi khác nhau, mỗi chúng hội mỗi khác nhau, ắt sẽ có người hỏi các ông. Hiện tại các ông đang ở chỗ Đức Thế Tôn nghe pháp được khéo giảng thuyết, hãy khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ, khéo quán sát, khéo thâm nhập, để đủ khả năng vì mọi người kia mà tuyên nói lại đầy đủ, để không phải là hủy báng Đức Phật chăng? Không để cho các chúng kia nạn vấn, gạn hỏi chê trách và bị bế tắc chăng?”7. Lời sách tấn này đồng bộ với tâm tư mà đức Phật muốn gửi gắm hàng Tỳ kheo bước đầu nhập thế hoằng đạo, tôn giả Xá-Lợi-Phất được đức Phật tán thán là bậc đệ nhất trí tuệ hay có những suy nghĩ, lời nói được đức Phật nhiều lần xác chứng là tương tự với chủ ý của Ngài. Vì vậy, dù ở truyền thống nào, cũng biên soạn những điều căn dặn rất kỹ càng cho sự chuẩn bị của vị hoằng pháp vào xã hội, phải tư trang khối kiến thức đáp ứng nhu cầu số đông quần chúng, những thuật tài diễn thuyết gần gũi và dễ hiểu, chứ không phải những triết thuyết bác học hiếm người hiểu được.
Đức Phật cũng chú ý về tác phong khất thực của vị Tỳ kheo khiến cho hàng tại gia bố thí phát sinh thiện niệm, dễ tiếp cận, kính trọng từ cái nhìn: “Cũng vậy, Tỳ-kheo tôn túc, đức độ, học đạo lâu ngày, không ưa thích đùa giỡn, tu phạm hạnh đã lâu, được Đại Sư khen ngợi; cũng được các vị tu phạm hạnh trí khác lại càng khen ngợi hơn. Các Tỳ-kheo này nương nơi thành ấp, làng xóm; sáng sớm đắp y, ôm bát đi khất thực, khéo giữ gìn thân miệng, khéo nhiếp các căn, chuyên tâm cột niệm, có thể khiến người nào không tin phát lòng tin, người đã có lòng tin sẽ không biến đổi. Khi được tài lợi, y phục, đồ ăn, thức uống, giường nằm, thuốc men; vị ấy không nhiễm, không đắm, không tham, không ham, không mê, không theo đuổi; mà thấy được lỗi lầm, tai hại, thấy sự xuất ly chúng, sau đó mới dùng. Ăn xong, thân tâm đều đượm vẻ an lạc, sắc được tươi, sức được khỏe. Vì nhân duyên này Tỳ-kheo luôn luôn được an lạc”8. Đức Phật lại xây dựng cho hàng Tỳ kheo hình ảnh của bậc mô phạm du hành, xứng đáng nhận lãnh vật phẩm cúng dường chứ không yếu đuối, nương cậy, tạm bợ như một số người hiểu theo nghĩa tiêu cực. Vị Tỳ kheo thiện xảo trong học pháp, thánh hóa trong oai nghi bước vào cuộc đời gieo lòng tin, củng cố chánh tín cho nhân gian bằng phương tiện ưu việt thân-khẩu-ý chính là hình ảnh nhân bản của đức Phật đi vào cuộc đời.
Phật giáo Bắc truyền còn biên soạn nhiều bài kệ nhuận văn và đầy nhiệt huyết như: Bài tựa chú Lăng Nghiêm có đoạn: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập/ Như nhất chúng sanh vị thành Phật/ Chung bất ư thử thủ nê hoàn...”9, bài kệ nói lên nguyện lực của tôn giả A-nan sau khi được đức Phật hóa giải kiếp nạn, ngài đã phát tâm dấn thân vào cuộc đời ô trược, lập hạnh nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật thì quyết định không nhập vào Niết Bàn. Bên cạnh đó, trong kinh Pháp Hoa, bài kệ tán thán công hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm có viết: “Quán Âm sức trí diệu/ Hay cứu khổ thế gian/ Đầy đủ sức thần thông/ Rộng tu trí phương tiện/ Các cõi nước mười phương/ Không cõi nào chẳng hiện/ Các loài trong đường dữ/ Địa ngục, quỷ, súc sanh/ Sanh, già, bệnh, chết, khổ/ Lần đều khiến dứt hết...”10. Đến đây, Phật giáo Đại thừa phát huy tối đa hoạt dụng nhập thế bằng phương thức xây dựng nên những hạnh nguyện của các vị Bồ tát sẵn sàng tích cực bước vào cuộc đời hóa giải nỗi khổ niềm đau trong nhân gian bằng nhiều phương tiện như: trí tuệ, thần thông, lòng từ... và ở đây phạm vi hoằng pháp đã được nhân rộng vào hàng cư sĩ.
Có thể nói, những kinh văn theo truyền thống Bắc truyền mở rộng tối đa phương cách nhập thế của Phật giáo, đem hạnh nguyện của đức Phật tích cực thể nhập thâm viễn vào xã hội.
***
Nhìn chung, bản chất nhập thế của Phật giáo vốn dĩ đã nội hàm trong nguyên bản giáo lý nguyên thỉ mà đức Phật đã chuyển vận, chỉ là ở thời gian nào, không gian nào thì hoạt dụng của nó là tích cực nhất, mạnh mẽ nhất mà thôi. Hơn ai hết, đức Phật là người mong muốn truyền tải những thông điệp cao đẹp, nhân văn, bình đẳng cùng những trải nghiệm tâm linh tối thắng, ưu việt nhất mà ngài thụ đắc được từ trí tuệ vô thượng vào quảng đại quần chúng. Đó là từ nguyện muốn góp phần cải tiến xã hội lạc hậu, nhân trí u tịch, truyền thống áp đặt, giai cấp thần quyền mà đức Thế Tôn luôn suy tư, nhiệt huyết, hay truyền đạt, hướng dẫn hàng đệ tử tích cực đem giáo lý của mình nhập thế vì trách nhiệm với xã hội, nhân loại, bằng phương châm “hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”.
Sau này, một học giả phương Tây cũng đã nhận định: “Những ai cho rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những ý tưởng cao vời, đến tư tưởng triết học và luân lý cao siêu mà quên đi lợi ích kinh tế và xã hội của con người là sai lầm. Đức Phật luôn quan tâm đến hạnh phúc của con người. Đối với Ngài, hạnh phúc không thể đạt được nếu không có đời sống thanh tịnh dựa trên những nguyên tắc luân lý và tâm linh. Nhưng Ngài cũng hiểu rằng thật không dễ gì sống một cuộc đời như thế nếu thiếu đi những điều kiện về vật chất và xã hội. Phật giáo không cho rằng tài sản vật chất là cứu cánh, mà đó chỉ là phương tiện để đưa đến cứu cánh - một cứu cánh tôn quý và cao thượng hơn. Nhưng phương tiện này không thể thiếu đối với sự thành tựu cao tột hơn về hạnh phúc của loài người”11.
Ngày nay, Phật giáo đã và đang phát triển đúng theo tinh thần nhập thế đó, tùy nghi thích ứng, khế hợp căn cơ, phương tiện thiện xảo để hình thành một Phật giáo của nhân gian mà ở đó tình thương và trí tuệ là chất liệu để đúc kết thành quả vị.
1. Thích Nguyên Đạt, Phật giáo Việt Nam nhập thế trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 hôm nay, 2017. (http://tnti.vnu.edu.vn/phat-giao-viet-namnhap-the-trong-ky-nguyen-cong-nghe-4-0-hom-nay/)
2. Thích Đồng Thành, “Phật giáo nhập thế”, Tập san Pháp Luân, số 48, 2008, tr.12.
3. Thích Trí Quảng, Hai mươi mùa an cư, quyển 1B, Nxb. Hồng Đức, H, 2015, tr. 7.
4. Thích Nhất Hạnh, Nẻo về của ý, Nxb. Hồng Đức, H, 2017.
5. Trường Bộ kinh, Thích Minh Châu dịch, kinh Đại Điển Tôn số 19, Nxb. Tôn giáo, H, 2016, tr. 388-389.
6. Tương Ưng Bộ kinh, tập 2, Thích Minh Châu dịch, chương IV, Bẫy sập (2), Nxb. Tôn giáo, H, 2016, tr.178.
7. Linh sơn Pháp bảo đại tạng kinh, tập V, Bộ A-hàm V, Trung A-hàm biệt dịch & kinh Tạp A-hàm số 1, Tạp A-hàm quyển 5: Sai Ma, kinh 108, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc-Taiwan, 2000, tr. 692.
8. Linh sơn Pháp bảo đại tạng kinh, tập VI, Bộ A-hàm VI, kinh Tạp A-hàm số 2, Tạp A-hàm quyển 39, kinh 1083, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc-Taiwan, 2000, tr. 861-863.
9. Quán Nguyệt chú giải, Nhị Khóa Hiệp Giải, HT.Khánh Anh dịch, chương 3: Yếu nghĩa kinh Lăng Nghiêm, Nxb.Tôn giáo, H, 2015.
10. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thứ hai mươi lăm, Nxb.Tôn giáo, H, 2016, tr. 548.
11. W. Rahula, What the Buddha Taught, London: The Gordon Fraser Gallery, 1978, p. 81.
Bình luận bài viết