Thông tin

SƠ QUÁT VỀ CHỮ “NIỆM” TRONG ĐẠO PHẬT

 QUA DUY THỨC HỌC

(Tiếp theo Từ Quang 41)

 

KHÁNH HOÀNG

 


 

Biện Trung Biên luận giải thích và phân định Bát Chánh Đạo ra 4 chi:

“1. Phân Biệt Chi: là Chánh Kiến của Bát Chánh Đạo. Chi này tuy thuộc thế gian nhưng nó là thể của Trí Hậu Đắc xuất thế gian. Chánh Kiến có khả năng phân biệt được sự tự sở chứng trong Kiến Đạo Vị.

2. Hối Thị Tha Chi: là hai chi Chánh Tư Duy và Chánh Ngữ, phát khởi ngôn từ để chỉ dạy người khác.

3. Linh Tha Tín Chi: bao gồm Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng là các pháp khiến cho người khác tin nhận.

4. Đối Trị Chướng Tri: bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định là các pháp tu tập đối trị”.

Do vậy, Niệm của phần tu tập Bát Chánh Đạo cũng là Niệm của Tuệ Giác Bát Nhã như Niệm của phần tu tập Thất Giác Chi nhưng nay đã được gia cố thêm Thánh lực chiếu soi các pháp giới và lại có thêm sức mạnh từ các đại nguyện từ bi cứu độ khắp tất cả hữu tình chúng sanh: Tuệ Giác Bát Nhã về Pháp Thân Bình Đẳng ở phần tu tập Thất Giác Chi nay có thêm lực dụng, có thêm khả năng để đoạn trừ 2 trọng chướng là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, viên mãn 4 thứ Tự Tại, hoàn tất Chuyển Y với 2 đại quả là Đại Niết Bàn và Đại Bồ Đề.

Duy Thức Học gọi công phu tu tập ở Tu Đạo Vị là Tu Tập Vị của Duy Thức Hạnh, gồm có Trú Tâm ở Sơ Địa cho đến Xuất Tâm ở Thập Địa, diễn đạt qua 4 câu kệ:

“Vô đắc bất tư nghì

Thị xuất thế gian trí

Xả nhị thô trọng cố

Tiện chứng đắc chuyển y”

(Tạm dịch:

“Vô đắc không thể nghĩ lường

Đó là ra khỏi trí thế gian

Khi đã buông bỏ hai thô nặng

Liền chứng đắc mà chuyển y)

Như thế, qua 37 phẩm Trợ Đạo, vẫn cùng là chữ “Niệm” nhưng ý nghĩa về chữ này đã không cứng nhắc, khư khư một nghĩa đồng nhất, bất di, bất dịch. Ở phàm phu,”Niệm” là dòng chảy tâm thức, dòng chảy này có hướng từ bên trong nội tâm (kho Tàng Thức A Lại Da, kho chứa vô lượng chủng tử nghiệp thức) phóng ra bên ngoài với đầy ắp 6 cảnh trần (sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp) rồi các chuyển thức, mạnh mẽ nhất là Ý Thức và Mạt Na Thức, tha hồ chụp vồ, nắm bắt... theo 6 cảnh trần mà gây tạo thêm các nghiệp cảm, đưa vào thêm cho kho chứa A Lại Da. Tựu trung, Niệm ở phàm phu được cảm nhận là có 3 tánh chất là: (1) thụ động, tiêu cực, (2) lăng xăng, không ngưng nghỉ, và (3) lung tung, không định hướng. Phàm phu khởi niệm liên tục, bất tận từ bộ ba Hòa Hợp Căn - Cảnh - Thức, luôn bám víu theo các ảnh tượng nơi Tưởng Uẩn (các ảnh tượng sinh khởi từ Thức Uẩn, Thọ Uẩn, Sắc Uẩn cùng với sức chuyển dịch của Hành Uẩn), khiến sinh khởi tràn lan nhớ nghĩ vô hạn lượng rồi lo lắng triền miên hết việc này, việc nọ, việc mình, việc người, việc bản thân, việc gia đình, việc thân nhân, việc bạn bè, việc hôm qua, hôm nay, ngày mai, tháng này, năm nọ, việc việc liên tục chồng chất xen lẫn vào nhau. Rồi tiếp theo các vọng niệm này lại phát triển thêm biết bao phiền não, đại để như mong muốn (phiền não tham ái) về những việc chưa tới; như giận hờn, thù ghét (phiền não sân nhuế) với những việc bất như ý đã qua... Điều này khiến dòng Niệm thức phàm phu này được ví như con trâu đen cuồng điên ngổ ngáo dưới nhãn quan nhà Thiền. Ở giai đoạn tu tập Tứ Niệm Xứ Quán, do bắt đầu có được lòng tin nơi Tam Bảo, nơi Lý Tứ Đế nên đã ra sức tu tập theo Chánh Pháp; “dòng Niệm Thức thụ động- lăng xăng - lung tung, vô định hướng” của phàm phu bắt đầu dần dà có được sự chủ động, bớt lăng xăng, bớt lung tung do tâm thức từ nay đã có 4 nơi (4 đối tượng) quy hướng, nghĩ nhớ dụng công quán sát về là Thân, Thọ, Tâm, và Pháp. Điều này có nghĩa là con trâu đen cuồng điên ngổ ngáo của niệm thức phàm phu đang bước đầu được thuần phục để sẽ được đổi màu từ đen sang trắng trong các giai đoạn sau. Ở giai đoạn tu tập Tứ Chánh Cần, “dòng Niệm Thức có chủ động- bớt lăng xăng- bớt lung tung - có định hướng” của Tứ Niệm Xứ Quán lại bắt đầu có thêm được sự thanh lọc, tinh luyện qua các nhận định, thẩm xét về 2 tiêu chuẩn phẩm chất là Thiện và Ác trong 3 thời (quá khứ, hiện tại, và vị lai) để có thể chủ động về phương hướng chảy trôi cần có cho dòng Niệm Thức. Đến giai đoạn tu tập Tứ Như Ý Túc, “dòng chảy Niệm Thức có chủ động - bớt lăng xăng - bớt lung tung - có định hướng và được thanh lọc” của Tứ Chánh Cần bắt đầu lại được gia tăng sức mạnh về Định lực (4 Như Ý Định) bởi công phu tu tập Chỉ (Tâm Như Ý Túc) và tu tập Quán (Quán Như Ý Túc) cùng với Dục Như Ý Túc và Tinh Tấn Như Ý Túc. Đến giai đoạn tu tập Ngũ Căn và Ngũ Lực, “dòng chảy Niệm Thức có chủ động- bớt lăng xăng- bớt lung tung - có định hướng - được thanh lọc và được gia cố bởi Định lực” của Tứ Như Ý Túc lại được duy trì bền bỉ, vững chắc với sự định hình và thiết lập 5 căn cứ địa cho tu tập (Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Định Căn, và Tuệ Căn), từ đó có thể khởi phát ra 5 lực cần thiết (Tín Lực, Tấn Lực, Niệm Lực, Định Lực, và Tuệ Lực) hầu có thể thấy biết rõ được Lý Tứ Đế mà ngộ nhập vào giai vị Kiến Đạo, đắc chứng quả vị Nhập Lưu (Tu Đà Hoàn quả). Khi hoàn tất giai đoạn tu tập Ngũ Lực, do Thức không còn đủ sức mạnh để sinh khởi, nên có thể xem là Thức Niệm (Niệm phát khởi từ sự hành chuyển của 8 Thức Tâm Vương) đã không còn hiện hữu nữa. Điều này cũng có nghĩa là trong 2 giai đoạn tu tập tiếp theo về Thất Giác Chi và về Bát Chánh Đạo của Tứ Thánh Thanh Văn hay của Thập Địa Bồ tát, các vị chỉ có Giác Niệm: thể tánh, bản chất của Niệm nay đã có bước chuyển hóa rất lớn, chuyển hóa từ Thức sang Giác.

Đồng bộ với chữ “Niệm”, chữ “Chánh Niệm” cũng có ý nghĩa không cứng nhắc, khư khư một nghĩa đồng nhất, bất di, bất dịch. Chữ “Chánh Niệm” bắt đầu xuất hiện nơi tu tập Tứ Như Ý Túc với ý nghĩa là nhớ nghĩ không quên công phu Chỉ và Quán, là an trú tâm nơi Chỉ (Xa Ma Tha) để không quên, không rời lìa cảnh sở duyên (Định tâm nơi cảnh sở duyên). Ở phần tu tập Ngũ Căn và tu tập Ngũ Lực, chữ “Chánh Niệm” có ý nghĩa tiến triển lên một mức độ mới: nó không chỉ là nhớ nghĩ, không quên công phu Chỉ và Quán, mà còn là luôn nhớ nghĩ, sống với trí tuệ thu hoạch được từ công phu Chỉ và Quán nơi giáo lý Tứ Thánh Đế. Ở phần tu tập Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo, Chánh Niệm không còn xuất phát từ 8 Thức Tâm Vương nữa mà từ Tuệ Giác xuất thế Vô Công Dụng Đạo, từ giác trí sáng tỏ không có phân biệt, từ trí Bát Nhã...

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh (Thiền Tối Thượng Thừa), Lục Tổ khai thị là các vọng niệm đều bị tiêu tan nhanh chóng, chuyển hóa thành Vô Niệm (Bát Nhã Định) một khi bị quán chiếu bởi Trí Tuệ Bát Nhã; với khẳng định “Trí tuệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt thì tự đạt Bổn Tâm (“thức tự Bổn Tâm”), tự đạt Bổn Tâm là nguồn Giải Thoát, được giải thoát là Bát Nhã Tam Muội, Bát Nhã Tam Muội chính là Vô Niệm”.

Tựu trung, Niệm thức có thể được xem là dòng chảy thường trực của Vô Minh, căn nguồn thẳm sâu nhất của sanh tử luân hồi. Dòng chảy này chảy hoài, chảy mãi không dừng, chảy từ đời này sang kiếp nọ; chảy từ kho Tàng Thức vô hạn lượng chủng tử nghiệp thức vào đến vô hạn lượng các hình thái sinh thể tương ưng qua đời đời kiếp kiếp... Trong kinh Phật có câu chuyện “Bình Bát Trôi Ngược Dòng” như sau: “Sau khi thọ thực bát cháo sữa cúng dường của hai chị em nàng mục nữ Sujata, Sa môn Gotama đến bên dòng sông Ni-liên-thiền nói rằng: “Nếu ta thành đạo Bồ Đề, thì bình bát này sẽ trôi ngược dòng sông!”. Rồi Ngài ném bình bát ra giữa dòng nước. Lạ thay, bình bát bằng vàng trôi ngược dòng nước chảy một khoảng xa. Lúc này, Sa môn Gotama trở lại cội cây cổ thụ Ajapala, dũng mãnh phát đại nguyện: “Nếu ta chưa thành đạo, dù thịt nát xương tan, quyết không rời cội cây này”. Sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định, vào rạng sáng khi sao Mai mọc, Ngài chứng nhập vào cảnh giới bất khả tư nghì, thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”... Nơi câu chuyện này, có thể cảm nhận là đức Phật đã hiển thị dòng chảy Niệm Thức như dòng sông Ni Liên Thiền (tất cả sự vật thế gian đều trôi chảy theo sức cuộn trôi của sông). Ngài cũng đã ẩn dụ công phu tu tập thành đạo Bồ Đề cần có sự vận hành ngược chiều lại dòng chảy Niệm Thức đó mà không đứng lại (để bị đắm chìm); cũng không bước tới, chạy theo (để bị trôi giạt trong luân hồi sinh tử) như kinh Bộc Lưu đã khai thị. Sự vận hành ngược chiều này có thể được thị hiện qua rất nhiều phương cách: tùy theo căn cơ của chúng sanh mà chư Phật, chư Tổ đã đề ra nhiều dạng loại, thứ bậc phương tiện (các tông, các phái...) để “nhổ đinh, tháo chốt” mà độ sinh. Một trong các căn bản quan trọng nơi các phương tiện này chính là khai hiển ra phương cách thích hợp để có thể giúp chuyển hóa thể tánh Niệm từ Thức qua Giác, chuyển hóa từ địa vị phàm phu qua các giai vị Hiền Thánh vậy.

Plano - April 22, 2022

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6126103