Thông tin

SƠ QUÁT VỀ CỘI NGUỒN VỌNG TƯỞNG

QUA DUY THỨC HỌC

 

KHÁNH HOÀNG

 


 

Tưởng là một trong những sắc thái sự sống căn bản nhất của tất cả các loài chúng sinh, bao gồm hữu tình chúng sinh và cả vô tình chúng sinh. Tưởng cũng là tác nhân có vai trò tác động chủ yếu trong vô vàn khổ-vui, thất tình, lục dục... của bao kiếp sống luân hồi; và nó cũng là đối tượng thử thách lớn cần được chế phục, vượt qua trong tu tập thiền định, giải thoát. Theo Duy Thức Học, cội nguồn của Tưởng xuất phát từ nơi A Lại Da thức , mà sự hiện diện của Tưởng thì bao khắp, xuyên suốt 8 thức Tâm Vương (Bát thức Tâm Vương). 8 thức Tâm Vương bao gồm A Lại Da thức, Mạt Na thức, Ý thức, Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức,Thiệt thức, và Thân thức . Từ Mạt Na thức đến Thân thức được gọi tên là 7 Chuyển thức, từ Ý thức đến Thân thức được gọi tên là Tiền Lục Thức (Sáu Thức Trước), từ Nhãn thức đến Thân thức được gọi tên là Tiền Ngũ Thức (Năm Thức Trước). 8 Thức Tâm Vương được chia ra làm 3 nhóm Năng Biến là: A Lại Da thức, Mạt Na thức, và Tiền Lục Thức.

Thức A Lại Da (nhóm Năng Biến thứ nhất ) thuộc về Tâm sinh diệt, để phân biệt với Chơn Tâm (Như Lai Tàng Chơn Như Tâm) bất sinh, bất diệt. Thức này hiện diện ở tất cả các loài chúng sinh hữu tình (chúng sinh có đủ 8 thức Tâm Vương) và ở cả chúng sinh vô tình (chúng sinh chỉ có 2 thức là thức A Lại Da và thức Mạt Na mà không có Ý thức và Tiền Ngũ thức). Nó có rất nhiều tên gọi khác như Dị Thục thức (Thức chuyển biến đổi khác, thành thục từ nhân ra quả), Nhất Thiết Chủng thức (Thức có tất cả, vô lượng chủng tử), Tàng Thức (Thức kho tàng có công năng tích chứa), Đệ Bát Thức (Thức thứ tám trong Bát Thức Tâm Vương), Căn Bản Thức (Thức cội nguồn, từ đó sinh xuất ra 7 Chuyển thức kia), ...Đặc điểm chính yếu của A Lại Da thức là vô phú (rất mênh mang, do không có đủ sức để trụ bám, chấp trước, vướng mắc) và vô ký (hồn nhiên, không có sự phân biệt thiện ác, tốt xấu, hơn thua, hay dở; không có âu lo, khổ sở, mừng vui, an vui vì không có các Ưu thọ, Khổ thọ, Hỷ thọ, Lạc thọ, mà chỉ duy nhất có một Xả thọ...). Do là vô phú, vô ký nên trong tổng số 51 tâm sở của Duy Thức Tam Thập Tụng (Tác giả: Tổ Thế Thân (316-396)), A Lại Da thức chỉ có 5 tâm sở gọi tên là 5 Biến Hành Tâm Sở, bao gồm Tác Ý, Xúc, Thọ, Tưởng, và Tư.

Được gọi là Tâm Sở vì đây là hành trạng (trạng thái chuyển hành, chuyển biến, hiện tướng sanh diệt) của 8 thức Tâm Vương. Chữ "Tâm Sở" có thể được tạm dịch là "Chỗ Tâm" cũng như các chữ "Sở Kiến", "Sở Văn", "Sở Tri", "Sở Trụ"...có thể tạm dịch là "Chỗ Thấy", "Chỗ Nghe", "Chỗ Biết", "Chỗ Y Nương"… Như thế, "Tâm sở Tác Ý" có thể được tạm dịch là "Chỗ Tâm khởi tạo ra Ý", "Tâm sở Xúc" được tạm dịch là "Chỗ Tâm chạm biết", "Tâm sở Thọ" là "Chỗ Tâm cảm nhận biết"... Tương tợ, chữ “Tâm Sở Hữu” có thể được dịch là "Chỗ Tâm Có" hoặc "Chỗ Có Tâm" (tức là chỗ Tâm có mặt, chỗ Tâm có biểu lộ sự hiện hữu). Lý do được gọi tên như vậy là vì Thức A Lại Da nói riêng và bản thể tâm thức nói chung vốn là mênh mang biến khắp ra các nơi chốn, không có chỗ ở nhất định, nhưng nay do ở trạng thái bị tác động bởi các duyên nào đó, nên chúng bắt đầu có sư hiện khởi ra các chỗ có tướng trạng khác nhau. Các tướng trạng này chính là các Tâm Sở hoặc Tâm Sở Hữu. 5 Biến Hành Tâm Sở nơi A Lại Da thức chính là 5 tướng trạng chuyển hành tâm thức tinh khôi, sơ khai nhất của chúng sinh. Sở dĩ có tên gọi là Biến Hành vì do các tâm sở này có sự hiện diện ở khắp các nơi chốn trong không gian, ở trong mọi lúc của thời gian, bao gồm tất cả tánh (thiện, ác, và vô ký) , và ở nơi tất cả 8 thức Tâm Vương cùng có tương quan liên hệ với tất cả tâm sở. Duy Thức Tam Thập Tụng (tác giả: Tổ Thế Thân(316-396)) có bài kệ về thức A Lại Da cùng 5 Biến Hành tâm sở như sau:

"Sơ A Lại Da thức

Dị Thục, Nhứt Thiết Chủng

 

Bất khả tri chấp thọ

Xứ liễu thường dữ Xúc

Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư

Tương ưng duy Xả thọ

 

Thị vô phú vô ký

Xúc đẳng diệc như thị

Hằng chuyển như bộc lưu

A la hán vị xả"

Tạm dịch:

“Sơ khởi là thức A lại da

Còn có tên gọi là Dị thục, Nhứt thiết chủng

 

Không thể biết, nương chấp và cảm thọ

Xứ cảnh rõ biết với Xúc

Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư

Chỉ tương ưng với Xả thọ

 

Là vô phú, vô ký

Năm Biến Hành cũng như vậy

Luôn chuyển động như dòng thác chảy xiết

Bậc A La Hán mới xả bỏ xong thức này"

Theo Hiển Dương Thánh Giáo Luận (Tác giả: Đại sĩ Vô Trước (310-390), Dịch giả Phạn- Hán: Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (602-664), Dịch giả Hán- Việt: Quảng Minh) giải thích về 5 tâm sở Biến Hành được ghi nhận khái quát như sau:

“1. Tác Ý: Được sinh ra từ chủng tử nơi A Lại Da thức, dựa vào A Lại Da mà sinh khởi, cùng tương ưng với A Lại Da, và cùng A Lại Da chuyển hiện.

2. Xúc: Là sự phân biệt có được từ sự hòa hợp 3 sự Căn, Cảnh, Thức. Xúc làm chổ sở y cho tâm sở Thọ tiếp nối theo ngay sau đó.

3. Thọ: Là cảm nghiệm, lãnh nạp (những cảm nhận, cảm giác....).

4. Tưởng: Là những ảnh tượng, ấn tượng, hình bóng... trong tâm thức được tiếp nối ngay sau tâm sở Thọ.

5. Tư: Là ý nghiệp nơi cảnh khiến có tâm tạo tác các điều thiện, ác, phi thiện phi ác...

Ngay đây, ta có thể tạm rút ra 2 điều:

Điều 1: Có thể rõ thấy là tâm sở Tưởng đã xuất hiện rất sớm trong sự vận hành của tâm thức chúng sanh: Tưởng đã có mặt ngay nơi cội nguồn tâm thức là thức A Lại Da và Tưởng được xem là có vai trò căn bản và trọng yếu nhất trong 5 Biến Hành Tâm Sở. Nói vậy là do sau 3 tâm sở Tác Ý, Xúc, và Thọ (tạm gọi chung là 3 tâm sở mầm của niệm tưởng), Tưởng liền đã xuất hiện; rồi liền sau đó nó được tâm sở "Tư" duy trì, trưởng dưỡng, nuôi nấng, phát triển . Tâm sở Tư có thể được cảm nghiệm là một chuổi "Tưởng" liền lạc, rõ ràng được nối kết, phát triển qui mô ra các quan niệm, quan điểm, chủ trương, thành kiến, định kiến …theo nghiệp thức của mỗi chúng sinh.

Điều 2: Có thể xem tất cả Tưởng chỉ là Vọng Tưởng. Lý do là Tưởng chỉ là một động thái của Thức mà chính ngay cội nguồn Thức A Lại Da còn chưa là chơn thực, chỉ là ảo huyễn, không có thực thể, thiếu vắng tự thể huống là động thái của chính nó. Điều này khiến trong đạo Phật nói chung, và Duy Thức Học nói riêng dù có đề cập về Chơn Tâm, Chơn Tánh, Chơn Tướng, Chơn Thể, Chơn Kiến, Chơn Tri, Chơn Giác...mà không hề có đề cập đến Chơn Tưởng.

Do bởi thức A Lại Da có tánh mênh mang, mong manh, nhẹ nhàng, hồn nhiên, không vướng mắc nên tâm sở Tưởng nơi A Lại Da cũng chỉ là những dạng tướng tâm thức rất vi tế, chuyển động rất nhanh nhạy, không có sức bám trụ, biến hiện và ẩn khuất rất khó có thể nhận thấy và suy lường. Vì thế, phàm phu và kể cả các bậc Hiền Thánh chưa đạt đến Tam Quả (quả vị A Na Hàm, còn gọi là Bất Lai, không còn luân hồi trở lại vào Dục Giới) không thể thấy và chưa có khả năng nhận biết được 5 tâm sở Biến Hành nói chung và tâm sở Tưởng nói riêng nơi A Lại Da thức cùng sự vận hành ẩn hiển, có không của chúng nơi A Lại Da thức.

A Lại Da thức có thể được cảm nhận là Thức Ấm, một trong 5 Ấm (Sắc Ấm, Thọ Ấm, Tưởng Ấm, Hành Ấm, và Thức Ấm) hình thành nên thân và tâm của chúng sinh. Gọi là Thức Ấm vì chính sự hiện hữu của lớp thức này đã khiến làm che mờ đi Giác Tánh. Trong tiến trình tu tập giải thoát khỏi sự buộc ràng của 5 Ấm, kinh Thủ Lăng Nghiêm (Dịch giả Phạn-Hán: ngài Bát Lạt Mật Đế (đời nhà Đường, Trung quốc), dịch giả Hán- Việt: Hòa thượng Thích Duy Lực (1923-2000)) gọi Thức Ấm là Điên Đảo Vọng Tưởng. Điều này khẳng định là ngay nơi căn nguồn sự sống , tâm sở "Tưởng" nơi A Lại Da thức của chúng sinh, đã sẵn cưu mang tính chất điên đảo rồi. Tính chất điên đảo này được tạm giải thích qua 2 khía cạnh:

Khía cạnh 1: Là tính cách dị biệt giữa Như Lai Tàng tâm và A Lại Da thức. Tính cách này được phân biệt khái quát như sau: Thức A Lại Da (Tâm Sanh Diệt) được hình thành chính là do sự hòa hợp giữa Như Lai Tàng Chơn Như Tâm (được xem là Giác Tánh, là Phật Tánh, là Chơn Tâm, là cái chơn tịnh, bất động, không có Sinh- Diệt, đã vượt qua phân biệt hai bên về Có và Không, về Sinh và Diệt ) và vô lượng chủng tử (là cái có Sanh- Diệt, Có- Không, cái nhiễm ô, luôn động chuyển theo các duyên); nên khi A Lại Da ở thể Tịnh thì nó không khác biệt với Như Lai Tàng, còn khi A Lại Da ở thể Động thì nó có khác với Như Lai Tàng. Như Lai Tàng Chơn Tâm thì không có Đồng- Khác (không có Một- Khác, không có Hòa Hợp- Bất Hòa Hợp) nên chỉ nói là A Lại Da khác (là khác với Như Lai Tàng ) và nói A Lại Da đồng (là đồng với Như Lai Tàng). Hai thuật ngữ khác hay được nhắc đến là "Như Lai Xuất Triền"("Triền" là trói buộc, xoay vấn chung quanh) dùng để chỉ cho Như Lai Tàng Chơn Tâm, bao hàm các pháp vô lậu thuần chơn thanh tịnh, không bị trói buộc bởi những phiền não, triền phược; và thuật ngữ "Như Lai Tại Triền" dùng để chỉ cho thức A Lại Da, bao hàm các pháp hữu lậu, nhiễm ô, còn bị trói buộc, che mờ, lấp khuất bởi vô lượng não phiền.

Khía cạnh 2: Là trong tất cả kinh điển của đạo Phật, đức Phật đại từ, đại bi đã khai thị và hàm ý xác quyết là "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh". Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn, câu nói được đức Phật tuyên thuyết nhiều lần là“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh ấy là Thường Lạc Ngã Tịnh.” Như thế, mỗi loài chúng sinh đều có sẵn Phật Tánh, sẵn có Như Lai Tàng Chơn Như Tâm, sẵn có cảnh giới Đại Niết Bàn tự tại, giải thoát. Nhưng do vì chúng sinh mê lầm, không thấy được tánh Phật (gọi là "Bội Giác": là quay lưng lại với Như Lai Tàng Chơn Như Tâm , Giác thể, Chơn Trí) mà lại nhận chấp, hòa nhập vào với các thứ lớp Vọng Tưởng (gọi là "Hiệp Trần": Là theo Vọng Thức A Lại Da rồi cùng các Vọng Tưởng choàng ôm, nâng niu các trần cảnh) nên bị các phiền não kiết sử trói buộc mà đành chịu lưu chuyển trong sanh tử, luân hồi. Như thế, tính chất "Điên Đảo" của Vọng Tưởng nơi Thức Ấm A Lại Da có thể được rút gọn là: Do mê lầm, không có Trí Tuệ nên gọi là "Điên"; do nhận chấp sai quấy nên gọi là "Đảo".

Lại nữa, kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng ghi nhận Vọng Tưởng Điên Đảo do nương chấp nơi thức A Lại Da, nên tự gánh mang vào nó duyên phần, thân phận có sinh có diệt, gọi là Mạng Căn, căn nguyên sự sống và thọ mạng của thân tâm chúng sinh trong vô lượng kiếp luân hồi. Mạng Căn là một trong 24 món Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp trực thuộc nơi thức A Lại Da, không thuộc phạm vi Tam Hòa Hợp (Căn- Trần - Thức) của Tiền Lục Thức, nên được gọi là "Bất Tương Ưng" (để phân biệt với nhóm tâm sở được gọi là "Tương Ưng" của Tiền Lục Thức). Chính Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp “Mạng Căn” nơi thức A Lại Da đã khiến có ra Mạng Trược, lớp ô trược, uế trược về thọ mạng, về ràng buộc tái sinh, về vọng chấp y nương vào thân tái sinh, và là 1 trong 5 lớp trược của đời sống chúng sinh trong Tam Giới.

Tựu trung, tâm sở Tưởng nơi thức A Lại Da, cội nguồn sơ khai nhất của Vọng Tưởng, tạm nêu có 3 đặc điểm sau:

Đặc điểm 1: Tâm sở Tưởng nơi thức A Lại Da được xuất sinh, biến thể từ 3 tâm sở Biến Hành khác của Thức này là Xúc, Tác Ý, và Thọ. Nhưng nguyên nhân xuất sinh của 3 tâm sở Xúc, Tác Ý, và Thọ lại khó có thể xác định rõ ràng vì chỉ có các bậc Thánh từ quả vị A Na Hàm trở lên mới có khả năng phân biệt, nhận biết được.

Đặc điểm 2: Tâm sở Tưởng nói riêng và 5 Tâm sở Biến Hành nói chung nơi thức A Lại Da có cường lực, sức lực không đáng kể. Có thể ví các tâm sở này chỉ là những chuyển biến rất nhẹ nhàng, mềm mỏng, có tác động như là chỉ để đánh thức, khơi nguồn chảy cho thức A Lại Da. Điều này có nghĩa là nếu ví A Lại Da thức như biển lớn thì những chuyển biến này chỉ là các động thái còn rất vi tế, rất mơ hồ, chỉ như nước nổi tăm, nổi bọt, nổi bong bóng …, chưa đủ sức tạo ra những nét nhăn lăn tăn mong manh huống chi là những gợn sóng, làn sóng , lượn sóng chao động trên mặt biển.

Đặc điểm 3: Do có tính cách rất nhẹ nhàng, hồn nhiên nên tâm sở Tưởng nơi thức A Lại Da không có khả năng kết nghiệp, tạo lập thêm các chủng tử mới vào trong thức A Lại Da mà nó chỉ có thể làm chỗ dựa, nền tảng để sinh khởi và phát triển thêm cho tâm sở Tư. Tâm sở Tư nơi thức A Lại Da này cũng chưa có khả năng kết nghiệp mà chỉ đóng vai trò chủ yếu, quan trọng trong sự sinh khởi, hình thành, và phát triển ra tất cả các dạng tướng tâm thức khác của 7 Chuyển Thức sau (Mạt Na thức và Tiền Lục Thức).

Khi A Lại Da thức theo dòng tập nghiệp chuyển biến mà lại có sự tự chấp nơi Kiến phần (năng lực, năng lượng tri giác) của chính nó rồi chấp trì, gìn giữ thì khi đó có thêm một biến thể mới, một tâm vương mới gọi là thức Mạt Na. Tâm sở Tư theo sự chấp ngã này cũng có biến chuyển, trở nên rõ ràng, đậm nét hơn và phát triển tối đa thành một nguồn tư lương vô tận. Nguồn tư lương vô tận này chính là nét đặc trưng, là Tánh, là Tướng của Mạt Na thức. Tạm nói là vô tận bởi vì thức Mạt Na cũng như thức A Lại Da đều vẫn còn tồn tại khi chúng sinh còn có mê chấp; 2 Thức này chỉ biến mất, không còn tồn tại sau khi chúng sinh đã kiến tánh, đắc A La Hán quả, đã được giải thoát, không còn luân hồi, đã chuyển Thức thành Trí.

Trong khi A Lại Da thức có đặc tánh là Vô Phú, Vô Ký; Mạt Na thức cũng có đặc tính là Vô Ký (giống như ở A Lại Da thức) nhưng nó lại là Hữu Phú, vì nó có chỗ y nương, chỗ trụ chấp là nương dựa vào thức A Lại Da. Do tính cách Hữu Phú và do là nguồn Tư Lương Chấp Ngã bất tận, nên Mạt Na thức ngoài 5 tâm sở Biến Hành còn có thêm 13 tâm sở khác bao gồm 1 tâm sở Biệt Cảnh và 12 tâm sở Phiền Não:

1 tâm sở Biệt Cảnh nơi Mạt Na thức = là tâm sở Huệ;

Biệt Cảnh là phân biệt trần cảnh, đối tượng được thu nhận, thấy biết, nghe biết...từ nơi 6 căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý Thức). 5 tâm sở Biệt Cảnh gồm: 1. Dục = Tâm ham muốn nhận biết, phân biệt; 2.Thắng Giải = Tâm liễu tri rõ được đối tượng muốn nhận biết; 3. Niệm = Tâm nghĩ nhớ về các đối tượng liễu tri; 4. Định = Tâm an ổn, không chao động; và 5. Huệ = Tâm sáng suốt, không chướng ngại, rõ biết các đối tượng. Cần rõ thêm là tâm sở Biệt Cảnh Huệ nơi Mạt Na thức không là rõ biết về các đối tượng trần cảnh mà là rõ biết về các đối tượng nội tâm, về Ngã chấp sơ khai nơi nội tâm, và về hai bên Năng và Sở nơi nội tâm. Do vậy, trong 5 Biệt Cảnh tâm sở, Mạt Na thức chỉ duy có một tâm sở Huệ.

12 tâm sở Phiền Não nơi Mạt Na thức = bao gồm 4 Căn Bản Phiền Não (gồm có 3 tâm sở thuộc về Tư Hoặc là Tham, Si, Mạn và 1 tâm sở thuộc về Kiến Hoặc là Ác Kiến), và 8 Đại Tùy Phiền Não (gồm có Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, và Bất Chánh Tri).

Gọi là “Phiền Não” vì chúng khiến gây ra các khổ đau, các tập nghiệp khiến che mờ Giác Tánh và khiến chúng sinh chịu đày đọa trong các nẻo luân hồi bất tận. Gọi là "Căn Bản Phiền Não " vì những phiền não này có tính cách cội gốc trong Mạt Na thức, chỉ thuần là các đối tượng tâm thức mênh mang trong nội tâm, chưa nhuốm hình tướng, bóng dạng của đối tượng cảnh trần nên chúng là tiền đề để sinh khởi ra các Tùy Phiền Não. Gọi là "Tùy Phiền Não" vì các phiền não này được sinh khởi tùy vào Căn Bản Phiền Não và tùy vào các đối tượng cảnh trần.

Căn Bản Phiền Não trong Duy Thức Học gồm có 6 tâm sở chính:

1. Tham = tâm ham muốn chỉ mong được có và cứ có thêm, thủ đắc bất tận ;

2. Sân = tâm giận tức, nổi nóng, bực bội, thù oán;

3. Si = tâm vô minh, u muội, không rõ chơn lý, đạo lý;

4. Mạn = tâm cao ngạo, luôn thấy mình hơn người khác;

5. Nghi = tâm chưa liễu tri, chưa phân biệt rõ ràng;

6. Ác Kiến = là tâm nhận biết, phân biệt, chấp thủ còn sai lầm, trái nghịch với chơn lý, đạo lý. Ác Kiến lại được phân định ra 5 thứ: 6.1.Thân Kiến = là cái thấy biết chấp trước có thân tâm 5 uẩn, có Ngã và Ngã Sở; 6.2. Biên Kiến = là cái thấy biết chấp trước về 2 bên như chấp đoạn - thuờng, chấp có - không, chấp sinh - diệt, chấp khổ - vui, chấp thương - ghét, chấp đẹp - xấu…; 6.3. Tà Kiến = là cái thấy biết chấp trước chấp sai lầm đối với chơn lý và đạo lý; 6.4.Kiến Thủ = là thủ chấp cái thấy biết sai lầm của mình, không chấp nhận các ý kiến đúng đắn khác; và 6.5. Giới Cấm Thủ =là thủ chấp vào các cảnh giới, các cấm giới còn sai lầm của mình nên còn thiếu sót sự tu tập chân chính.

5 tâm sở Phiền Não Căn Bản đầu tiên (Tham, Sân, Si, Mạn và Nghi) còn được gọi là Tư Hoặc. Tư Hoặc là những mê mờ, sai lầm, có tánh nhiễm ô nơi tà tư, tà niệm, nơi nghĩ suy, tư duy không đúng với chơn lý, đạo lý. Tâm sở Phiền Não Căn Bản còn lại (Ác Kiến) được gọi là Kiến Hoặc dùng để chỉ cho tất cả những mê mờ, sai lầm nơi dụng năng của 6 thân căn là thấy biết, nghe biết, ngửi biết, nếm biết, xúc biết, và nhận biết. Như thế 6 Căn Bản Phiền Não chính là toàn bộ Kiến Tư Hoặc. Trong 6 tâm sở Căn Bản Phiền Não trên, Mạt Na thức do bản tính mênh mang, nhẹ nhàng nên chỉ có 4 tâm sở là Tham, Si, Mạn, và Ác Kiến mà không có 2 tâm sở Sân và Nghi.

Tùy Phiền Não trong Duy Thức Học được phân định chi tiết ra 3 loại tùy vào phạm vi tương ưng với nhận thức, và tùy vào kích thước, dung lượng dính mắc vào đối tượng nhận thức (nơi nội tâm hoặc nơi trần cảnh bên ngoài) là rộng lớn hay nhỏ hẹp. Đó là 3 loại: Đại Tùy Phiền Não, Trung Tùy Phiền Não, và Tiểu Tùy Phiền Não:

Đại Tùy Phiền Não: Là Tùy Phiền Não có phạm vi rộng lớn, không có đối tượng rõ ràng, mà lại mênh mang, khó nhận biết rõ. Đại Tùy Phiền Não có 8 tâm sở là: 1. Trạo Cử = thân tâm chao động, không tĩnh lặng; 2. Hôn Trầm = tâm nặng nề, không sáng suốt; 3. Bất Tín = không có lòng chánh tín nơi Tam Bảo; 4. Giải Đãi= lười biếng,không tinh tấn; 5. Phóng Dật = tâm phóng túng, buông lung; 6. Thất Niệm = tâm hay quên, không nhớ các sự việc đã trải qua; 7. Tán Loạn = tâm rối ren nhiều việc, không thể nhất tâm vào một việc; 8. Bất Chánh Tri = không biết đúng sự việc thực tế nơi thân tâm. (Mạt Na thức có đủ 8 tâm sở Đại Tùy Phiền Não này);

Trung Tùy Phiền Não: Là Tùy Phiền Não có phạm vi trung bình, có đối tượng rõ ràng hơn, dễ nhận biết hơn so với Đại Tùy Phiền Não. Trung Tùy Phiền Não có 2 tâm sở là: 1. Vô Tàm = không biết tự hổ thẹn với chính mình; 2. Vô Quý = không biết xấu hổ với mọi người khác. (Mạt Na thức không có tâm sở Trung Tùy Phiền Não do không thích hợp về phạm vi tương ưng);

Tiểu Tùy Phiền Não: Là Tùy Phiền Não có phạm vi nhỏ hẹp, có đối tượng cụ thể, rõ ràng, dễ dàng nhận biết như phiền não về một người, một việc, một vật... nào đó rõ rệt, không mông lung. Tiểu Tùy Phiền Não có 10 tâm sở là: 1. Phẫn = tâm giận dữ; 2. Hận = tâm trì giữ những phẫn nộ trong quá khứ; 3. Phú = tâm che dấu các tội lỗi, các việc xấu ác của mình; 4. Não = tâm chao động, xáo trộn, băn khoăn, muộn phiền; 5. Tật = tâm đố kỵ, ganh ghét; 6. Xan = tâm bỏn xẻn, xan tham, không san xẻ, giúp đỡ người khác; 7. Cuống = tâm dối trá, lường gạt; 8. Siễm = tâm a dua, nịnh hót; 9. Hại = tâm gây tổn thương, thiệt hại đến người khác; 10. Kiêu = tâm tự mãn, xem mình hơn người khác về chuyên biệt một sự việc nào đó. (Mạt Na thức không có tâm sở Tiểu Tùy Phiền Não do không thích hợp về phạm vi tương ưng).

Có thể cho rằng 13 tâm sở có thêm nơi Mạt Na thức này đều được sinh khởi, phát triển ra từ cội nguồn là tâm sở Tư, tâm sở Biến Hành có mặt nơi A Lại Da thức và nơi Mạt Na thức, nên chúng nhận tâm sở Tư là Chánh Nguồn và nhận tâm sở Tưởng là Sơ Nguồn. Duy Thức Tam Thập Tụng có bài kệ về Mạt Na thức cùng 18 tâm sở tương ứng như sau:

Thứ đệ nhị năng biến

Thị thức danh Mạt na

Y bỉ chuyển duyên bỉ

Tư lương vi tánh tướng

 

Tứ phiền não thường câu

Vị Ngã si, Ngã kiến

Tinh Ngã mạn, Ngã ái

Cập dữ Xúc đẳng câu

 

Hữu phú vô ký nhiếp

Tùy sở sanh sở hệ

A la hán Diệt định

Xuất thế đạo vô hữu

Tạm dịch:

Thức Năng Biến thứ hai

Thức này tên Mạt Na

Nương A Lại Da rồi lại duyên A Lại Da

Tánh tướng là tư lương

 

Thường cùng bốn phiền não

Là Ngã Si, Ngã Kiến

Thuần Ngã Mạn, Ngã Ái

Cùng gắn liền với 5 Biến Hành

 

Nhiếp trì tánh Hữu Phú - Vô Ký

Tùy chỗ nào khởi sanh, chỗ đó hệ thuộc

Bậc A La Hán, Diệt Tận Định

Đạo Xuất Thế Gian, không còn có Thức này

Thức Mạt Na được cảm nhận là Hành Ấm vì nó là dòng chuyển biến của nguồn năng lượng vô tận từ nơi vô lượng chủng tử rất nhanh nhạy, rất vi tế, khó nhận biết của tâm thức A Lại Da. Kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi Hành Ấm (Mạt Na thức) với tên gọi là U Ẩn Vọng Tưởng (vọng tưởng u nhàn, ẩn mật, mờ tối, bị khuất lấp, khó nhận biết), tượng trưng cho Chúng Sinh Trược (lớp uế trược về sự thọ nhận thân phận chúng sinh, có sinh rồi có diệt cùng với bao điều xấu ác nơi thân tâm).

Nhìn chung, tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức tạm nêu có 4 đặc điểm:

Đặc điểm 1: Tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức được xuất sinh từ vô lượng chủng tử tàng trữ sẵn có nơi A Lại Da thức. Do vậy nó có tính cách giống như là bất tận, như dòng nước chảy ào ạt, dữ dội từ ống nước thông với biển cả tâm thức khiến cho dòng Tưởng này cứ chảy mãi miết, liên tu bất tận, không ngưng nghỉ.

Đặc điểm 2: Tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức có tướng trạng được thể hiện như một dòng Tưởng chảy liên tục nên được xem là rõ nét, đậm đà hơn so với tướng trạng bọt Tưởng, tăm Tưởng nơi A Lại Da thức. Lý do là Mạt Na thức luôn có khuynh hướng chấp Ngã, chấp trước vào 2 bên (Năng- Sở, Bỉ- Thử...) khiến cho 5 Biến Hành tâm sở nơi A Lại Da thức từ trạng thái mênh mang, nhẹ nhàng trở nên có chút nặng nề hơn khi được chuyển hóa thêm ra, tạo thành 18 tâm sở nơi Mạt Na thức. 18 tâm sở này cũng có thể được xem là 18 sắc thái, 18 giai điệu tâm thức khiến phong phú hóa và cường lực hóa cho tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức. Tuy vậy, cũng giống như ở A Lại Da thức, tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức cũng chưa có đủ sức gây tạo, hình thành nên các chủng tử mới.

Đặc điểm 3: Sự đậm nét rõ ràng hơn của tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức lại gắn liền với tính chất phiền não, gây tạo khổ đau từ chính nó và cho chính nó. Điều này được thể hiện rõ là trong 18 Tâm Sở của Mạt Na thức có đến 12 Tâm Sở (12/18 = 2/3) thuộc về nhóm Tâm Sở Phiền Não . Như thế ở A Lại Da thức, tâm sở Tưởng đã sẵn mang tính cách điên đảo, nay qua đến Mạt Na thức, lại mang thêm tính cách u buồn, não phiền, tăm tối, ẩn khuất (U Ẩn Vọng Tưởng).

Đặc điểm 4: Tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức có quan hệ mật thiết với khuynh hướng chấp Ngã. Khuynh hướng này không có ở A Lại Da thức, mà chỉ bắt đầu xuất hiện ở Mạt Na thức khi Mạt Na thức trụ nương, chấp mắc vào Kiến phần của A Lại Da thức rồi khiến phát sinh Ngã Tướng. Từ Ngã Tướng (tướng chúng sinh này) lại sẽ có thêm Nhân Tướng (tướng chúng sinh kia), Chúng Sinh Tướng (tất cả các tướng chúng sinh này và tướng chúng sinh kia hợp lại), Thọ Giả Tướng (khoảng thời gian hiện hữu lâu mau của Chúng Sinh Tướng). Bốn tướng này chính là cơ sở tiền đề của Chúng Sinh Trược vừa được đề cập bên trên.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6703414