SƠ QUÁT VỀ NHÂN DUYÊN TRONG ĐẠO PHẬT
QUA DUY THỨC HỌC
KHÁNH HOÀNG
Theo định nghĩa thông thường, Nhân Duyên là nguyên nhân phát khởi đầu tiên, nguyên nhân chánh yếu (Nhân) và là các điều kiện cần thiết bổ sung, phụ trợ vào Nhân (Duyên) để xuất sinh, cấu thành, hiện khởi tất cả các sự vật, hiện tượng. Nhân Duyên là một trong những đạo lý cao sâu, vi tế,nhỏ nhiệm nhất của đạo Phật bởi chính Nhân Duyên đóng vai trò quyết định trong sự hình thành thể dạng và cảnh tướng xuất sinh, hiện khởi của tất cả các pháp hữu vi. Các pháp hữu vi là tên gọi chung cho các pháp có thể chất cấu tạo do nhân duyên tập hợp đầy đủ mà phát khởi, sinh thành (tạm gọi là nghĩa “Có”) rồi cũng do nhân duyên chia lìa thiếu vắng mà tiêu hao, diệt hoại (tạm gọi là nghĩa “Không”). Trong Luận Đại Thừa Bách Pháp (100 pháp), Duy Thức Học phân định tất cả pháp (sự vật) trong vạn hữu vũ trụ ra 100 pháp, chia ra 5 nhóm là Sắc, Tâm vương, Tâm sở, Tâm Bất Tương Ưng Hành, và Vô Vi. Ngoại trừ nhóm pháp Vô Vi (có 6 pháp là: Hư không Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Bất Động Diệt Vô Vi, Thọ Tưởng Diệt Vô Vi, và Chơn Như Vô Vi), 4 nhóm còn lại có 94 pháp (bao gồm nhóm 8 pháp Tâm Vương, nhóm 11 Sắc pháp, nhóm 51 Tâm Sở, và nhóm 24 Bất Tương Ưng Hành pháp) đều thuộc về pháp Hữu Vi. Do vậy, có thể xem tất cả các sự vật thuộc về đời sống thường nhật của con người và chúng sanh (các loại sinh vật bao gồm các loại động vật, thực vật, vi sinh vật...), như thân tâm chúng sanh, các môi trường, hoàn cảnh sinh sống, sinh hoạt, các dạng loại thuộc về Khí Thế Gian (như sông biển, rừng núi, đất đá..., cả các ý niệm về khổ-vui, mau-chậm, nhiễm-tịnh, về bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia, đều thuộc về pháp Hữu Vi. Tựu trung, pháp Hữu Vi là những pháp có liên hệ, dính mắc đến nhân duyên, là những pháp tuy có tác dụng, nhưng không thường trụ, luôn biến chuyển theo chu kỳ sanh-lão-bệnh- tử (chúng sinh) hoặc thành-trụ-dị-diệt, thành-trụ-hoại-không (Khí Thế Gian, sự vật khách quan bên ngoài). Trái với pháp Hữu Vi, pháp Vô Vi là những pháp không có tác dụng sanh diệt như pháp Hữu Vi; và cũng không có liên hệ, dính mắc đến nhân duyên nên được xem là pháp thường trụ.
Trong kinh Lăng Già (Dịch giả Phạn - Hán: Pháp sư Tam Tạng Ấn Độ Cầu Na Bạt Đà La (394-468), dịch giả Hán - Việt: Hòa Thượng Thích Duy Lực (1923-2000), phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm, đức Phật đã khai thị cho Bồ tát Đại Huệ về nghĩa lý của 2 Duyên và 4 Nhân như sau:
“Khi ấy, Đại Huệ Bồ tát lại bạch Thế Tôn rằng: “Cúi xin Phật thuyết tướng nhân duyên của tất cả các pháp, do giác đựơc tướng nhân duyên, khiến con và các Bồ tát được lìa tất cả tánh của vọng kiến hữu vô, chẳng vọng chấp các pháp Tiệm sanh, hoặc Đốn sanh, hoặc Tiệm Đốn cộng sanh”.
Phật bảo Đại Huệ: Tất cả pháp có hai thứ duyên tướng, là ngoại duyên và nội duyên.
Ngoại Duyên là: Cục đất, cây cọc, bánh xe, sợi dây, nước, gỗ, nhân công, các thứ phương tiện làm duyên, sanh ra cái bình như bình đất, còn các thứ tơ, lụa, lát chiếu, giống mầm, tô lạc v.v... do ngoại duyên phương tiện sanh ra cũng như thế. Ấy gọi là tướng ngoại Duyên.
Thế nào là Nội Duyên? Vì có vô minh ái nghiệp các pháp hòa hợp gọi là năng duyên, từ đó sanh khởi các pháp ấm, giới, nhập, gọi là sở duyên. Các pháp do tự tâm sở hiện vốn chẳng sai biệt, mà phàm phu vọng chấp, thành có sai biệt, ấy gọi là pháp Nội Duyên.
Đại Huệ! Nói về nhân gồm có sáu thứ, ấy là: Đương hữu nhân, Tương tục nhân, Tướng nhân, Tác nhân, Hiển thị nhân, Đối đãi nhân.
1. Đương hữu nhân: Vì thức thứ tám từ vô thỉ đến nay hay làm nhân cho tất cả pháp, từ nhân sanh quả, bất khả tư nghì, đương lúc đó làm nhân, nên gọi là Đương hữu nhân.
2. Tương Tục nhân: Vì bên trong nương thức thứ tám và thức thứ sáu, phan duyên ngoại cảnh, từ đó pháp trong ngoài làm nhân sanh quả như ngũ ấm chủng tử v.v... do hiện hành huân tập chủng tử, lại do chủng tử huân tập hiện hành, mà quả nhiễm tịnh theo đó liên tục sanh khởi chẳng dừng, nên gọi là Tương Tục nhân.
3. Tướng nhân: Do cái đẳng vô gián duyên (duyên chẳng gián đoạn) làm ra tướng vô gián, sanh ra quả tương tục. Nơi tương tục có tướng vô gián đã lìa nơi nhân mà chưa đến nơi quả, vì nó chẳng gián đoạn cho nên tương tục. Vì ở nơi chính giữa của nhân và quả mà có tướng, nên gọi là Tướng nhân.
4. Tác nhân: Tức là tăng thượng duyên, ấy là tạo nghiệp tăng thượng mà sanh ra quả, cũng như Chuyển Luân Vương, do thân thể chứng đắc Luân Vương làm bản nhân mà bánh xe Thất Bửu từ hư không bay đến, ấy là sự tăng thượng. Vì cảnh chẳng thể sanh quả, phải nhờ tâm làm tăng thượng, Luân Vương mới có thể làm ra thắng nhân. Vì tâm làm tăng thượng duyên cho cảnh (Bánh xe bay), nên gọi là Tác nhân.
5. Hiển Thị Nhân: Sự vọng tưởng sanh rồi thì hiện cái tướng năng tác, sở tác, như cây đèn chiếu soi hiển thị sắc tướng v. v... gọi là Hiển Thị Nhân.
6. Đối Đãi Nhân: Là lúc pháp diệt thì sự tương tục đoạn đứt, mà ngay đó tánh “chẳng vọng tướng” sanh khởi. Đại Huệ! Tự tướng vọng tưởng của phàm phu chẳng lần lượt sanh, chẳng cùng lúc sanh. Tại sao? Nếu cùng lúc sanh thì chẳng phân biệt được năng tác, sở tác, vì chẳng có tướng nhân. Nếu lần lượt sanh thì chẳng có tự tướng, cho nên chẳng thể có lần lượt sanh, như chẳng sanh con thì không được gọi là cha. Đại Huệ! Vì cha với con làm nhân đối đãi với nhau, không có cha thì không sanh được con, không có con thì không được gọi là cha; cha con đối đãi nhau mà sanh, nên gọi là Đối Đãi Nhân.
Đại Huệ! nói tóm lại, các thứ tướng sanh đều do các thứ nhân của tự tánh vọng tưởng chấp tướng mà sanh. Vì tự tâm hiện ra thọ dụng mà có tự tướng, cộng tướng, ngoại tánh, phi tánh; thực ra Lần Lượt Sanh và Cùng Lúc Sanh hai thứ đều chẳng thể sanh. Cho nên phải lìa hai thứ kiến chấp đó”.
Qua đoạn kinh văn trên, ta có thể rút ra các nhận định như sau:
1) Ở quyển 1 kinh Lăng Già, Bồ tát Đại Huệ đã dùng bài kệ để tha thiết, cung kính hỏi đức Phật về độ môn Đại Thừa và diệu tâm Chư Phật, về tất cả tướng trạng, cảnh giới nhị biên trong tâm thức như Niệm Trong Sạch, Niệm Tăng Trưởng, Mê Hoặc, Mê Tăng Trưởng, cách giáo hóa cõi Phật, Chúng Sanh, Ngoại Đạo, Thọ, Vô Thọ... Do vậy, đức Phật đã thuyết về Sanh-Trụ-Diệt của 3 thứ thức (Chơn Thức, Hiện Thức, và Phân Biệt Sự Thức) tương ứng với 3 thứ tướng (Chơn Tướng, Nghiệp Tướng, và Chuyển Tướng). Các thứ Thức này có các tướng Sanh-Trụ-Diệt như huyễn, như hóa, nhưng chúng sanh phàm phu theo nghiệp lực lại bất giác nên cứ bám víu các tướng này mà khởi lên các kiến chấp, gây tạo thêm nghiệp quả khiến cứ mãi chịu trôi lăn, phù trầm trong đường sanh tử-luân hồi. Đến quyển 2 kinh Lăng Già, đức Phật đã thuyết về lý Nhân Duyên do Bồ tát Đại Huệ thị hiện thỉnh cầu tha thiết mong cầu giác liễu đựơc tướng nhân duyên, khiến Ngài và các Bồ Tát “được lìa tất cả tánh của vọng kiến hữu vô, chẳng vọng chấp các pháp Tiệm sanh, hoặc Đốn sanh, hoặc Tiệm Đốn cộng sanh.
2) Trong các tìm hiểu, suy xét, nhận định về Nhân Duyên, phàm phu thế tục, chúng sanh hữu tình nơi Dục Giới (cả các bộ môn khoa học - kỹ thuật) thường chỉ tập trung nhắm đến việc giải thích về căn nguyên và về cấu thành của vũ trụ vạn vật với mục đích khai thác thiên nhiên, xây dựng phương tiện duy trì cùng phát triển đời sống tiện nghi vật chất, an toàn, phong phú, đồ sộ, khang trang, lộng lẫy, hào nhoáng... Mục đích này nhằm phục vụ cho ý hướng tồn sinh và hưởng thụ của phàm phu mê chấp cảnh vật nơi Dục Giới. Điều này khiến có thêm rất nhiều ràng buộc tham ái, các sinh sôi bám rễ buộc ràng chắc chắn hơn vào cõi Dục. Trái lại, Phật đạo tập trung và nhấn mạnh đến ý hướng giải thoát, ý hướng tu tập Kiến Đạo và Tu Đạo, ý hướng đoạn trừ các vướng mắc, chấp thủ hư huyễn để không còn trầm luân sanh tử trong Tam Giới (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới). Điều này khiến Phật đạo xem tất cả môi trường bên ngoài tâm thức chỉ đều thuộc về một nhóm Sắc pháp, một nhóm trong 6 nhóm của Duy Thức Học. Nhóm Sắc pháp này có 11 pháp bao gồm 6 trần cảnh (sắc, thanh,hương, vị, xúc, pháp) và 5 căn thân: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Như thế, tất cả vũ trụ, thiên nhiên (biển, sông, rừng, núi...), những nơi cư trú, những nơi sinh hoạt của chúng sinh cùng thân thể, dạng tướng thân căn chúng sinh đều chỉ là Sắc pháp. 11 Sắc pháp này không được xem là Nhân mà chỉ là Duyên, là Ngoại Duyên, một trong 2 duyên được nêu ở đoạn kinh văn trên.
3) Trong ý hướng tu tập giải thoát, kinh Lăng Già minh định 6 Nhân và 2 Duyên được cảm nhận qua lăng kính Duy Thức Học như sau:
1. Đương Hữu Nhân (tạm gọi là “Nhân Đang Có”): chính là Đệ Bát Thức hay A Lại Da thức. Thức này là “Tâm Sanh Diệt”, có tánh vô phú, vô ký; thường xuyên động chuyển ào ạt như thác nước cùng với 5 tâm sở căn bản của nó là Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, và Tư. Như được diễn tả bởi 4 câu kệ trong Duy Thức Tam Thập Tụng:
“Thị vô phú, vô ký
Xúc đẳng diệc như thị
Hằng chuyển như bộc lưu
A La Hán vị xả”
(Tạm dịch: Là vô phú, vô ký
(5 tâm sở) Xúc... cũng như vậy
Luôn chuyển như dòng thác mạnh
Giai vị A La Hán mới xả bỏ)
Tánh Vô Phú của A lại Da thức được cảm nhận là thể tánh mênh mang, lồng lộng (‘hạo hạo'), hồn nhiên, không bị buộc ràng, không bị vướng chấp không bị vướng chấp bởi bất kỳ ý niệm phân biệt, so sánh, diễn đạt qua ngôn ngữ văn tự nên kinh gọi A Lại Da thức là “bất khả tư nghì”. Đây cũng chính là cảnh giới “Vô Sở Trụ”, cảnh giới của duy nhất một Xả thọ, không có thọ nào khác (tức là không còn có Ưu thọ, Khổ thọ, Hỷ thọ, Lạc thọ) mà trong kinh Kim Cang đức Phật đã khai thị cho trưởng lão Tu Bồ Đề về phương cách hàng phục và an trụ vọng tâm.
A Lại Da thức được xem là biến thể, hoặc nói rõ hơn có thể xem là thoái thể từ căn nguồn Như Lai Tàng, từ Chơn Như, giác thể thanh tịnh, thường trụ. Chơn Như thật không có biến, không có thoái nhưng chỉ là do chúng sanh phàm phu mê mờ vọng chấp, thủ trước trần cảnh khiến không thấy, không biết, không cùng tương ưng được với Chơn Như. Dù vậy, có thể tạm xem A Lại Da thức là cầu nối giữa Chơn Tâm (Giác Thể thanh tịnh, Chơn Như, Như Lai Tàng) và Vọng Tâm (8 thức Tâm Vương).
A Lại Da có công năng tích chứa chủng tử nghiệp thức nên thức này còn có tên gọi là Tàng Thức (hoặc “Tạng Thức”). Nhờ vào Tàng Thức, các chủng tử đã được gây tạo bởi 3 nghiệp (thân, khẩu, ý) có nơi tàng trữ, tích chứa thật an toàn, không bị mất mát, hư hao từ đời này qua đời khác trong vô lượng kiếp sống của tất cả chúng sinh. Điều này giúp làm sáng tỏ qui luật Nhân Quả trong đạo Phật “làm lành hưởng phước, gây ác chịu tội” mà không có một phương cách nào có thể khiến giúp thoát ra khỏi “lưới trời lồng lộng”, “trời cao có mắt” này ngoại trừ gia công tu tập chuyển hóa tâm thức, tiêu trừ chủng tử tập khí nơi các bậc Thánh Hiền.
Mặt khác, trong 8 thức Tâm Vương, A Lại Da thức còn là căn nguồn sinh xuất ra 7 thức còn lại (gọi là 7 Chuyển Thức) nên A Lại Da thức còn có tên gọi là Căn Bản Thức. Căn Bản Thức là cái nhân mà tất cả chúng sanh đều đang có (nên được gọi tên là “Nhân Đang Có”). Nhưng do vì cái Nhân này quá vi tế, quá thẳm sâu và mênh mang nên dù là ‘đang có' mà chúng sinh, phàm phu lại không thể nhận biết được. Chỉ có những bậc hiền thánh đã Kiến Đạo và đang nỗ lực tu tập tăng tiến đến Kiến Tánh mới bắt đầu từng phần thấy được “Nhân Đang Có” này mà thôi. Tuy nhiên, thấy được “Nhân Đang Có” mới chỉ là “Kiến Đạo” (tương đương với quả vị Tu Đà Hoàn của Thanh Văn thừa, hoặc quả vị Sơ Địa Bồ Tát bên Bồ tát thừa), cần phải vượt qua “Nhân Đang Có” mới gọi là “Kiến Tánh”(tương đương với quả vị A La Hán của Thanh Văn thừa, hoặc quả vị Bát Địa Bồ tát bên Bồ tát thừa). Các kinh luận Phật đạo nêu rõ sau khi Kiến Tánh, A Lại Da thức không còn bị nhiễm ô thêm nữa mà dần dà được thanh tịnh hóa rồi cuối cùng có tên gọi là Vô Cấu thức hoặc Bạch Tịnh thức nơi quả vị Phật.
Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục có chuyện về ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744) đến Tào Khê tham vấn Lục Tổ Huệ Năng (638-713). Tổ hỏi:”Đem vật gì đến?”; Ngài mịt mờ, trả lờikhông được. Phải đến 8 năm sau, Ngài chợt tỉnh, đến trình Tổ câu trả lời sau: “Nói là một vật là không đúng.”Tổ hỏi: “Lại có thể đạt được chăng?” Ngài đáp: “Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được”...
2. Tương Tục Nhân (tạm gọi là “Nhân Liên Tục Tiếp Nối Nhau”): được xem là công năng của các chủng tử và của các hiện hành. Công năng này có 2 chiều trái ngược nhưng lại tương quan mật thiết nhau: chiều chủng tử sinh hiện hành và chiều hiện hành huân chủng tử. Hai chiều hướng này có diễn biến tóm lược như sau: khi Tiền Lục Thức tiếp xúc với 6 cảnh trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc,pháp) thiện-ác, các chủng tử sẵn có nơi A Lại Da thức (còn được gọi tên là “Bản Hữu Chủng Tử” hoặc là “chủng tử cũ”) được kích hoạt, khởi động để phát ra hiện hành lành-dữ là công năng tập khí về phân biệt, nhận biết, so sánh, suy lường, đánh giá, buồn vui, thương ghét... nơi Mạt Na thức tư lương chấp ngã và nơi Ý thức tư duy chấp pháp. Các hiện hành chấp ngã, chấp pháp này chính là kết quả của chiều hướng chủng tử sinh hiện hành. Sau đó, ở chiều hướng Hiện Hành huân Chủng Tử, các hiện hành (vừa có ở giai đoạn trên) không bị diệt mất đi mà lại được huân tập, tồn tại, và được cất chứa nơi A Lại Da thức dưới dạng các chủng tử. (Các chủng tử này được gọi tên là Chủng Tử Mới Có, hoặc “Tân Huân Chủng Tử”, hoặc “Thỉ Hữu Chủng Tử”). Duy Thức Học gọi 2 chiều hướng công năng chủng tử- hiện hành này là “Do ba pháp cấu thành hai tầng nhân quả”. Ba pháp là bản hữu chủng tử, hiện hành và tân huân chủng tử; hai tầng nhân quả là chủng tử sinh hiện hành và hiện hành huân chủng tử. Công năng tương tác giữa Chủng Tử và Hiện Hành vừa làm nhân, vừa làm quả cho nhau được gọi là Nhân Quả Đồng Thời. Công năng sinh tạo nhân quả nơi tâm thức cứ thế lưu chuyển mãi, không ngưng nghỉ nên được Kinh gọi là “Tương Tục Nhân”. Quả này được sanh khởi từ sự nương theo tập khí chủng tử của Tương Tục Nhân, tương ưng với Tương Tục Nhân, được gọi tên là Đẳng Lưu Quả.
Đây cũng là giai đoạn bắt đầu có sự hòa hợp của Căn, Trần, và Thức (gọi là “Tam Hòa Hợp”) để khởi sinh ra 12 Xứ (6 Căn, 6 Trần) và 18 Giới (6 Căn, 6 Trần, 6 Thức) nơi tâm thức. Rồi từ nơi Xứ và Giới, mà các Uẩn cũng được tích tụ, dần dà được hình thành cùng tăng trưởng khiến phủ che, mờ lấp Giác Thể thanh tịnh thường hằng như Kinh chỉ rõ: “Vì bên trong nương thức thứ támvà thức thứ sáu, phan duyên ngoại cảnh, từ đó pháp trong ngoài làm nhân sanh quả như ngũ ấm chủng tử v.v...”.
Chủng tử là nơi tận cùng có thể nói đến về Lý Nhân Duyên. Vì đó là nơi không thể mô tả, diễn thuyết, lìa xa ngữ ngôn thế tục. Chủng tử vô hình, vô tướng mà lại thiên biến vạn hóa, sinh tạo ra tất cả sự vật, hiện tượng trong Tam Giới (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới). Quan trọng là chủng tử không thể bị hủy diệt bởi gậy dao đạn bom mà chỉ có thể dần được chuyển hóa qua tu tập: sau giai đoạn Kiến Đạo, các bậc Thánh Bồ Tát Đăng Địa và các bậc Thánh Thanh Văn bắt đầu giai đoạn Tu Đạo, tu tập chuyển hóa chủng tử qua thành tựu 4 chuyển y (chuyển đổi chỗ sở y hay chỗ nương tựa). Đó là chuyển hóa 8 Thức trở về 4 Trí: chuyển Ý Thức về Diệu Quán Sát Trí, chuyển Mạt Na Thức về Bình Đẳng Tánh Trí, chuyển Tiền Ngũ Thức về Thành Sở Tác Trí, và chuyển A Lại Da Thức về Đại Viên Cảnh Trí.
Khế Kinh có bài kệ khai thị về chủng tử như sau:
“Vô thỉ thời lai giới
Nhứt thiết pháp đẳng y
Do thử hữu chư thú
Cập Niết Bàn chứng đắc”
(Tạm dịch: “Xa xưa chủng tử đã đến
Tất cả pháp đều nương
Do đây có ra mọi loài sinh vật
Cùng chứng đắc Niết Bàn)
(Chữ “Giới” trong bài kệ này chính là chỉ cho chủng tử).
Điểm đặc biệt khác cần được ghi nhận là cũng chính do nơi công năng của chủng tử và hiện hành nên khiến có sự hình thành, xuất sinh ra 7 Chuyển Thức. 7 Chuyển Thức này được gọi tên làTiền Thất Thức (Bảy Thức Trước). 7 Chuyển Thức gồm có Mạt Na thức (Ý, Ý Căn, Đệ Thất Thức) có công năng tư lương chấp ngã; Ý thức (Đệ Lục Thức) có công năng tư duy liễu biệt, chấp trước trần cảnh (chấp pháp); và 5 thức còn lại (gọi là Tiền Ngũ Thức) bao gồm Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức có công năng tiếp nhận trần cảnh để đưa tướng dạng trần cảnh đến Ý Thức liễu biệt. Đây là từ nơi thức A Lại Da nay đã có sự động chuyển theo cảnh trần, về hướng sinh tạo nghiệp quả mà xuất sinh ra Tiền Thất Thức. Các vị thiền sư do đó thường nhắc nhở đệ tử không quên việc này. Có thiền chuyện ngắn như sau: “Một vị tăng hỏi thiền sư ThiênNhan: “Thế nào là Lý Bản Thường?”. Thiền sư Thiên Nhan đáp: “Động”. Vị tăng lại hỏi” “Khi động thì sao?”. Ngài đáp: “Chẳng phải Lý Bản Thường”...
3. Tướng Nhân (tạm gọi là “Nhân Hiện Khởi Tướng”): Nếu A Lại Da thức là Đương Hữu Nhân ( “Nhân Đang Có”), các Chuyển Thức và các công năng của Chủng Tử cùng Hiện Hành là Tương Tục Nhân (“Nhân Liên Tục Tiếp Nối Nhau”) thì đến đây, các Tướng hiện khởi nơi tâm thức chính là “Nhân Hiện Khởi Tướng”. Đó là do từ nơi Chuyển Thức (nội tâm), bắt đầu có thêm sự hoạt động của Ý thức trong sự nhận biết, phân biệt, liễu biệt trần cảnh bên ngoài (ngoại cảnh) mà manh nha hiện khởi ra các tướng. Như thế, Tướng Nhân phân định rạch ròi về 2 Duyên (Nội Duyên và Ngoại Duyên) mà đoạn kinh văn trên đã nêu.
Để ngăn tránh việc khởi hiện vọng tưởng rồi bị tác động bởi vọng tưởng, điều cần thiết là cần nhận biết ra Tướng Nhân này càng sớm càng tốt. Như đức Phật đã khai thị cho ngài trưởng lão Tu Bồ Đề trong kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hưvong. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (Tạm dịch: “Nếu còn chỗ có tướng, đều là hư vọng. Nếu thấy các tướngkhông phải tướng, tức thấy Như Lai”).
Từ nơi Tướng Nhân, nếu nhanh nhẹn trở về nguồn Bản Thức mà thấy lại được Bản Giác cũng không xa. Nhà Thiền có rất nhiều câu chuyện nói về Nhân Hiện Khởi Tướng này. Như câu chuyện của ngài Bá Trượng Hoài Hải (724-814) cùng thầy là thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất (709-788): “Sư theo hầu Mã Tổ đi dạo, có bầy vịt trờibay qua. Mã Tổ hỏi “Là cái gì?” Sư thưa: “Bầy vịt trời”. Mã Tổ lại hỏi:”Bay đi đâu?”. Sư liền đáp: “Bay mất rồi”. Mã Tổ bèn nắm mũi Sư kéo mạnh. Đau quá, Sư kêu la thất thanh. Mã Tổ liền bảo: “Lại nói bay qua mất đi”. Ngay dưới lời này, Sư liền tỉnh ngộ”.
4. Tác Nhân (tạm gọi là “Nhân Tác Dụng”): từ nơi Tướng Nhân, Ý thức lại bắt đầu có thêm tác dụng tạo nghiệp: đó là duyên vào cảnh trần, Ý thức lại phân biệt đầy đủ và sâu sắc mọi khía cạnh trong ý hướng chấp ngã. Ý hướng chấp ngã này có đủ ở 2 phương diện Ngã Tướng và Pháp Tướng. Từ nơi chấp mắc Ngã tướng và Pháp tướng, Ý thức khởi lên đủ mọi dạng loại tâm sở thiện và ác (Duy Thức Học liệt kê 51 món tâm sở thiện và ác) mà trong đó các tâm sở Căn Bản Phiền Não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) là chính yếu nơi phàm phu thường tình.
Các tâm sở thiện hoặc ác nơi Ý thức này chính là Tác Nhân, nhân nơi nội tâm chính yếu để khiến trổ sinh ra những quả báo phiền não, vọng tưởng, nghiệp quả. Tác Nhân được kinh Lăng Già gọi là Tăng Thượng Duyên, với ý nghĩa là “tạo nghiệp tăng thượng mà sanh ra quả, cũng như Chuyển Luân Vương, do thân thể chứng đắc Luân Vương làm bản nhân mà bánh xe Thất Bửu từ hư không bay đến, ấy là sự tăng thượng”.
Để ngăn ngừa, tránh bớt đi sự hiện khởi và hình thành Tướng Nhân, việc giữ Giới cùng gia công tu tập Tịnh Tâm cùng Thiền Định Tỉnh Giác là điều không thể thiếu sót.
5. Hiển Thị Nhân (tạm gọi là “Nhân Hiển Lộ”): là các vọng tưởng nay đã hiển lộ rõ ràng nơi Ý thức để có ra các sự tướng như phân biệt, đánh giá, định lượng trần cảnh và có thêm đủ thứ phiền não như thương yêu, ghét bỏ, sân giận, u mê... qua các sự tướng đó. Các vọng tưởng này chính là “Nhân Hiển Lộ” và cũng được gọi là Ý nghiệp, nguyên nhân gần nhất để phàm phu chiêu cảm, gây tạo thêm nghiệp quả nơi Thân (cử chỉ, hành động) gọi là Thân Nghiệp và/ hoặc nơi Khẩu (lời nói, ngôn ngữ) gọi là Khẩu Nghiệp. Như kinh khai thị: Sự vọng tưởng sanh rồi thì hiện cái tướng năng tác, sở tác, như cây đèn chiếu soi hiển thị sắc tướng v.v... gọi là Hiển Thị Nhân”.
6. Nhân Đối Đãi (tạm gọi là “Nhân Đối Ứng Nhau”): Đây là sự đối ứng căn bản trong lý Nhân Duyên của Phật Đạo. Sự đối ứng này là do từ hai bên, bên thứ nhất bao gồm các Nhân sanh khởi vọng tưởng (gồm tất cả các Nhân vừa nêu trên, từ Đương Hữu Nhân đến Hiển Thị Nhân); bên thứ hai chính là Chơn Như thanh tịnh, thường hằng (mà Kinh gọi là “Tánh Chẳng Vọng Tướng”). Khi bên thứ nhất (vọng tưởng) bị hoại diệt, không còn hiện hữu nữa thì không phải là trở thành như ngoan không, trống rỗng, tuyệt đối không có gì mà vẫn còn có tồn tại bên thứ hai (Chơn Như) như Kinh khai thị: “lúc pháp diệt thì sự tương tục đoạn đứt, mà ngay đó tánh “chẳng vọng tướng” sanh khởi”.
Bình luận bài viết