Thông tin

SỐNG TRONG VIỄN TƯỢNG TẬN THẾ

TỪ GÓC NHÌN PHẬT GIÁO

 

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Khoa Ngữ Văn, ĐHSPTPHCM

 


 

Tận thế là phức cảm tập trung trong bản thân nó nhiều khuynh hướng đối lập của chủ thể tiếp nhận - sợ hãi, mong chờ, tò mò, xa lánh… Với tư cách là câu trả lời tối hậu về nhân sinh thế giới, tận thế đã trở thành chủ đề bàn bạc xuyên không gian, thời gian, lĩnh vực và đậm nét trong hệ thống tư tưởng các tôn giáo. Phật giáo trong hành trình hướng dẫn con người đến giải thoát cũng nhiều lần chia sẻ mối bận tâm này.

Tăng nhất A hàm, phẩm 07 ngày, kinh số 1 có bàn về Hỏa tai; tương đương Tăng chi bộ kinh cũng dành chương 07 pháp, phần Đại phẩm để nói về họa 07 Mặt trời. Trung A hàm có nhắc đến hỏa tai và thủy tai trong Kinh Tượng tích dụ. Phẩm hình phạt, kinhPháp cú (Tiểu bộ kinh) kể nỗi khổ Hoặc phòng ốc nhà cửa Bị hỏatai thiêu đốt. Một cách đầy đủ nhất, Kinh Thế ký (kinh thứ 30 trong Trường A hàm) đã trình bày hỏa tai, thủy tai và phong tai một cách hệ thống trong phẩm 09 - Tam tai. Kinh điển Phật giáo Phát triển cũng lưu ý đến đề tài này: Kim quang minh kinh thể hiện uy lực minh chú thoát năm chướng ngại, kiếp nạn gồm ác thú, ác quỷ, giặc thù, tai họa nước lửa (phẩm 06). Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập địa thứ hai mươi sáu kể việc Như lai thị hiện thần lực dập tắt hỏa tai; làm rõ lý hữu hóa duyên sanh, viên dung vô ngại, Bồ tát có thể tự hiện phong tai, thủy tai, hỏa tai khắp mười phương mà không hại động đến chúng sinh. Kinh Pháp Hoa, với một quy mô khác, bằng ví dụ nhà lửa ít nhiều cũng gợi lại tai họa lửa. Phẩm Tứ tướng thứ bảy, kinh Đại bát niết bàn điểm qua một trong số thần thông của Như Lai là thị hiện tật dịch nơi Diêm Phù đề, gồm tiểu tam tai (bệnh tật, đói khát, chiến tranh) đối sánh Đại tam tam (hỏa, thủy, phong). Đến Phẩm Thánh hạnh thứ 19, Bồ Tát trụ nơi Đại thừa Đại Niết bàn được cho rằng không bị ảnh hưởng bởi hỏa, thủy, phong tai và xem đây là quá hoạn ngoại cảnh (đối với trong thân)1. Kinh Vô Lượng Thọ so sánh hào quang Phật A di đà cũng mênh mông không tận như thủy tai.

Đề tài tận thế đến nay đã trở thành giao điểm của khoa học và tâm linh khi được quan sát giữa những giới hạn của hai phạm trù vốn bị xem là đối lập. Một lẽ khác, thực tiễn đời sống hiện đại thế kỷ XXI với nhiều sức ép đang đẩy con người vào tâm thế phân vân và quan tâm đến tận thế hơn bao giờ hết khi hàng loạt các ghi chép, tiên đoán, một cách trực tiếp hay gián tiếp đều hướng đến cảnh chung cục cho đời sống chúng sinh nơi trần thế này. Tâm lý con người luôn khát khao khám phá những bí ẩn; bí ẩn vĩ đại nhất vẫn là ngày tận thế. Vì lẽ đó kịch bản thần thoại được tái lập và tác động sâu sắc đến nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, lắm khi tạo nên những sắc thái tiêu cực. Tiếp cận vấn đề này chính là nỗ lực lý giải và minh định cảm quan Tận thế từ đó đề ra hướng quan niệm / cách sống lành mạnh, có trí tuệ cho ngày hôm nay. Mục tiêu này thúc đẩy chúng tôi khảo sát đề tài Sống trong viễn tượng tận thếtừ góc nhìn Phật giáo cũng như tiếp thu một số công trình đi trước có liên quan. Nghiên cứu phân tích thuyết mạt thế Phật giáo - Lờitiên tri về kỳ mạt Pháp dựa trên Kinh Bảy giấc mơ của Ananda của Shih You Zhi gợi ý phương pháp khảo sát đối chiếu văn bản chi tiết. James B. Apple trong Mạt thế luận và cấu trúc thế giới Phậtgiáo đã khảo sát Kinh Khởi thế nhân bổn Chuyển luân Thánhvương sư tử hống nhằm đưa ra cấu trúc xã hội và ý tưởng mạt pháp trong tương quan xã hội chính trị Ấn Độ thời Đức phật tại thế là một ví dụ lý thú về phương pháp văn hóa xã hội. Về mặt triết học, Cẩm nang Mạt thế luận Oxford do John E. Thiel biên soạn, trình bày diễn trình lịch sử mạt thế, mạt thế trong thần học Thiên Chúa giáo và một số vấn đề mạt thế luận khác đã đào sâu Thần học trong tương quan Tận thế.

Tiếp thu các công trình trên, bài viết này hướng đến 4 nhiệm vụ sau:

Một, phân tích cụ thể bản dịch kinh văn có uy tín.

Hai, so sánh một số văn bản kinh văn có liên quan.

Ba, đối sánh tương đồng khác biệt khái niệm tận thế trong một số hệ thống tư tưởng, văn hóa khác.

Bốn, đề xuất cách hiểu và lối sống theo tinh thần Phật giáo đúng đắn trong cảm quan tận thế hiện nay.

Theo đó, phương pháp được vận dụng ở đây là khảo sát văn bản văn học liên quan khái niệm tận thế theo hướng tiếp cận văn hóa lịch sử nhằm khảo cứu một đề tài về thế giới quan, siêu hình học để rút ra liên hệ thực tế.

CẢM QUAN TẬN THẾ TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

1. Thuật ngữ

Cảm quan tận thế diễn tả một cảm xúc phức tạp về ngày cuối cùng của thế giới, phản xạ qua nhiều hệ tư tưởng văn hóa khác nhau, tạo ra nhiều thuật ngữ khác biệt tinh tế như mạt thế, khải huyền, cánh chung… Bắt nguồn từ tiếng Latin: Revelationem (revelatio), nguyên gốc động từ là revelare: Khai mở, giở ra, để lộ; khải huyền (Revelation) diễn tả sự việc con người được tiết lộ thông tin từ một thực thể siêu nhiên nào đó. Đây cũng là tên quyển cuối cùng của Kinh Tân Ước: Sách Khải huyền, được cho rằng do Thánh John viết kể lại những thị kiến ngày cuối cùng Con người sẽ đến phán xét trần gian nằm trong chương trình cứu chuộc thể hiện tình yêu của Thượng đế. Gần nét nghĩa này, Apocalypse là tiết lộ tương lai, gốc tiếng Hy Lạp apokalyptein: Tiết lộ, phơi bày, mặc khải; vốn do Apo: từ, kalyptein: che đậy, niêm phong, kết hợp lại; thường dùng trong nhà thờ Thiên Chúa giáo La mã. Eschatology có gốc tiếng Hy lạp là eskhatos: Cuối cùng, xa nhất, cực điểm; vốn là một hệ thống thần học nghiên cứu bốn vấn đề: Cái chết, phán xét, thiên đường và địa ngục. Vì vậy, nó còn được dịch là Mạt thế luận hay Cánh chung luận. Từ góc độ Phật giáo, kinh sách không bàn đến Mạt thế mà chỉ nói đến Mạt pháp để chỉ giai đoạn thứ ba2: 2.000 năm sau khi Phật nhập niết bàn, giáo lý mất hẳn nhưng con người vẫn tồn tại. Như vậy, Phật giáo không đặt nặng vấn đề tận thế để đề xuất hàng loạt thuật ngữ như Thiên Chúa giáo. Thần thoại Bắc Âu lại dùng từ Ragnarok: Hoàng hôn của chư thần. Truyện cổ Ấn Độ dùng Kali yuga: Kỳ tăm tối để diễn tả giai đoạn cuối cùng, sa đọa nhất của trần gian… Bỏ qua những khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, chúng tôi thống nhất dùng từ Tận thế nhằm giữ lại nét ý nghĩa chung nhất của trường từ vựng trên là giai đoạn cuối cùng, bị hủy diệt của con người và tự nhiên.

Tận thế mang những đặc điểm chung nhất là biểu hiện khủng khiếp và thời điểm không rõ (hay quá lớn để tính rõ). Sử thi PopolVuh của người Maya kể về một trận hồng thủy đổ xuống đầu những người bùn, người gỗ nguyên thủy. Truyện cổ Ấn Độ Puranas hình dung viễn cảnh chân trời bốc lửa, bảy mặt trời xuất hiện thiêu đốt đại dương và tiêu hủy mặt đất. Trời mưa ròng rã 12 năm với bão tố, tất cả trở về với biển nước mênh mông không cùng. Các sách tiên tri Do Thái giáo như Sách Ezekiel Daniel kể lại các thị kiến được Thiên Chúa khải huyền gồm các chi tiết: chiến xa lửa, các mãnh thú xuất hiện; con người chịu bốn tai họa: Đói kém, thú dữ, chiến tranh và ôn dịch; tiên tri giả xuất hiện; gió bão nổi lên, mưa rào như thác, mưa đá trút xuống phá hủy tất cả. Thiên thần Micae xuất hiện, người ta sống lại từ cát bụi, có người hưởng sự sống đời đời, có người hổ thẹn cúi mặt. Sách Khải huyền Thiên Chúa giáo nhấn mạnh hình ảnh Con người xuất hiện, mở quyển sách bảy ấn niêm mang theo tai họa binh đao, đói kém, ôn dịch và thú dữ; sao sa, núi non cồn đảo cuộn mất, mưa đá, khổ ngãi, châu chấu, kỵ binh thần chết…; các điềm như quái thú, sông cạn, con rồng và người đàn bà, đánh bại Satan, mọi người đứng trước tòa, phán xét theo sổ sách, âm phủ và biển cả trả lại người chết… Kinh Qu’rankể chuyện tiên tri giả, thành phố biến hoang mạc, Mecca bị tấn công và Kaaba bị tiêu hủy, con thú xuất hiện, cuộn khói đen lớn bao phủ trái đất trong 40 ngày với 3 trận động đất lớn, tổng thiên thần Israfil thổi hai hồi kèn làm người ta choáng váng rồi thức tỉnh để chịu phán xét. Thần thoại Bắc Âu kết thúc thế giới bằng một cuộc chiến giữa các vị thần khi vũ trụ rơi vào Fimpulvetr – mùa đông vĩnh viễn; bè lũ Loki sẽ quay lại giết Odin, Thor sau khi diệt rắn Mithgarth cũng trúng độc chết, mặt trời đen tối, trái đất chìm xuống biển, sao sa,… tất cả bốc cháy. Tính khủng khiếp của sự việc trên càng ám ảnh nhân loại khi thời điểm xảy ra không hề được báo rõ. Bởi Chỉ Allah biết nó (giờ xét xử) thôi3 và sẽ xảyđến thật bất ngờ Bây giờ họ mê say với đời sống trần tục nhưng vào Ngày mà ngài sẽ tập trung họ lại, họ sẽ có cảm tưởng như mới sống trên đời một giờ đồng hồ4. Vì thế mà Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến5.

2. Kinh Tăng Nhất A Hàm và Tăng Chi Bộ Kinh

Tăng Nhất A Hàm (Ekottarikàgama) và Tăng Chi Bộ Kinh(Anguttara- nikàya) bao gồm những bài kinh sắp xếp theo thứ tự tăng dần của các con số, các pháp, được hình thành từ khi Phật còn tại thế đến khoảng 400 năm sau (sau lần kết tập thứ 4). Có thể bước đầu đối sánh văn bản đề cập đến sự xuất hiện của 07 mặt trời như một tai kiếp lớn trong hai bộ kinh này như sau:

  

Bảng 1: Bối cảnh và bài học Hỏa tai trong Tăng nhất A hàm Tăng chi bộ kinh

 

 

 Bảng 2: Tác động của 07 mặt trời trong Tăng nhất A hàm Tăng chi bộ kinh

 

Có thể thấy bản Tăng Chi (dịch ra tiếng Hán) ít quan tâm đến các cõi thiên vốn là đặc trưng của tư duy Ấn Độ; thay vào đó, các dịch giả đã trau chuốt cấu trúc phong phú, tránh trùng lặp. Tuy cùng một sự việc nhưng hai bản kinh đi đến hai đoạn kết khác nhau. Trong khi bản Tăng Chi lý giải nguồn gốc người cõi Quang Âm thiên thì bản Tăng Nhất lý giải việc hình thành thế giới xã hội đẳng cấp Ấn Độ. Tuy vậy, nhìn chung, cả hai đều chú ý đến hỏa tai như là nguyên nhân dẫn đến biến đổi và tiêu hủy thế giới. Điều kiện tự nhiên: Địa hình hiểm trở, phong phú, khí hậu nhiệt đới Ấn Độ chắc hẳn ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở xuất hiện của tai kiếp này.

3. Kinh Trường A Hàm

Trường A Hàm8 (Dìrghàgama) tập hợp những bài pháp thoại dài của Phật gồm 30 kinh, chia thành bốn phần, phần bốn chỉ có một Kinh Thế ký chia thành 12 phẩm, nói về tướng trạng khởi nguyên của vũ trụ (có nhắc đến tam tai). Trường A Hàm tương đương với kinh Trường Bộ (Dìgha-Nikàya) thuộc hệ thống kinh tạng Nam truyền, tuy vậy lại không có bài kinh nào tương đương với Kinh Thế . Có thể lược trình phẩm 09 - Tam tai của bài kinh này như sau:

 

 

Bảng 3: Tóm lược tam tai trong Kinh Thế ký

 

Tam tai được Kinh Thế Ký trình bày diễn ra ở cấp độ ngày càng lớn, mức hủy diệt ngày càng cao. Có một điều đặc biệt là việc hoại của thế gian không phải vì con người phạm tội xấu, ác mà có vẻ ngược lại, vì tu tập tốt nên chuyển lên cõi trời. Bởi lẽ, theo Phật giáo không có một vị thần chủ nào thưởng phạt con người, tất cả đều do nhân quả và nghiệp báo. Điều này làm kinh văn viện đến cú hích ban đầu là nguyên tố: Gió thổi nước tung bọt tự nhiên tác tạo lại cung trời và thiên hạ. Hình ảnh này ít nhiều có liên đới với thần thoại khuấy biển sữa tạo dựng thế giới của Ấn Độ.

XÁC ĐỊNH MÔ HÌNH QUAN NIỆM

Thông qua khảo sát một số bản kinh liên quan, có thể thấy đề tài Tận thế khá phong phú khi có mặt trong cả các bộ kinh Nguyên thủy lẫn Phát triển. Tuy nhiên, hệ thống kinh điển nam truyền trình bày luôn cụ thể và chi tiết về thời gian, tên người gắn với những vấn đề của cuộc sống sinh động trong khi kinh văn Phật giáo phát triển thì nặng tính biểu tượng hơn khi dùng hình ảnh tai kiếp để so sánh, liên hệ và làm nổi lớp ý nghĩa tầng sâu. Tuy nhiên, về mặt nhận thức thì việc đặt ra những vấn đề khổ đau nhằm dứt lìa mọi tham ái chứng đạt Niết bàn tiệm tiến của kinh văn Nikaya A Hàm khiến cho khí vị văn bản có phần ít lạc quan hơn kiểu mở rộng khuyến khích phổ quát đại chúng đốn ngộ chân lý viên thông bất ngại của Hoa nghiêm. Thế mới thấy, Tăng Nhất A-Hàm hay Tăng Chi Bộ Kinh, Trường A Hàm đòi hỏi người tu học phải quán sắc, sinh khởi, thành trụ hoại không của thế gian trong viễn tượng tận thế để dứt khoát lìa tham sân si, thoát ly sinh lão bệnh tử.

Nói riêng về ba bản kinh đã khảo sát bên trên: Bài kinh trong Tăng chi và Tăng nhất cụ thể hóa hỏa tai, còn bản Kinh A Hàm nói đến Tam tai đầy đủ hơn với một dung lượng lớn. Tổng hợp ba bản kinh chính là hoàn chỉnh một tổng thể hoại kiếp, tiến đến không kiếp trong dạng tiêu tan hết, thành kiếp bắt đầu cũng bằng một cơn gió nhẹ tạo phong luân, thủy luân, lớp đất… cung trời, đến Trụ kiếp dài 20 trung kiếp. Chu kỳ này gồm 80 trung kiếp gọi là đại kiếp. Trong trụ kiếp tuổi thọ con người giảm từ 80.000 xuống 10 tuổi9 (100 năm giảm 1 tuổi) rồi lại tăng, giảm đến lần thứ 20. Một lần tăng giảm như vậy là một tiểu kiếp kéo dài 16.798.000 năm. Trong trụ kiếp còn 3 tiểu tai kiếp là chiến tranh, bệnh dịch và nạn đói. Như vậy, mỗi đại kiếp thế giới sẽ bị tiêu hủy do lửa một lần, tám đại kiếp có một thủy tai, 56 đại kiếp có một lần phong tai, 64 đại kiếp thì hoàn thành một chu kỳ hủy hoại của Tam tai.

CẢM QUAN TẬN THẾ TRONG MỘT SỐ NỀN TƯ TƯỞNG, VĂN HÓA KHÁC

Có thể dùng bảng sau để đối sánh đề tài Tận thế:

 

 

Bảng 4: Đối sánh đề tài Tận thế giữa một số nền văn hóa, tư tưởng

 

Đối sánh hình ảnh Tận thế giữa các nền văn hóa tư tưởng giúp phác họa những nét cảm nghiệm phổ quát về đề tài này. Trước hết, đề tài tận thế mang đậm tính phiếm định ở việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh biểu trưng từ đơn giản như lửa, gió nước đến phức tạp như quái vật, tiên tri giả… Nhánh tôn giáo bắt nguồn từ Abraham quy trách nhiệm tận thế vào tội lỗi con người. Hệ tư tưởng khởi nguồn ở Ấn thì áp dụng tính quy luật chu kỳ cho hiện tượng này. Dù khác biệt nguyên nhân thì tính hiện thực vẫn nổi rõ lên ở hoàn cảnh bị động của con người khi bị các lực lượng thiên/siêu nhiên tấn công/tác động. Bài học giáo dục ở đây hẳn là hướng đến kiểu khuyến thiện trừng ác bằng các hình thức khủng khiếp của tận thế cho dù là có một cuộc phán xét hay không. Trong đối sánh này cần lưu ý hai kiểu tận thế khác biệt là trong quá khứ, thường gắn với hình ảnh nước/ hồng thủy (dấu vết các nền văn minh khai sinh ở lưu vực các dòng sông) và tương lai gắn với hình ảnh lửa (một thái cực khác của văn minh, hiện đại).

Hoàn cảnh địa lý và văn hóa đã tạo nên những nét riêng cho đề tài phổ quát này. Thần thoại Bắc Âu mang cái băng giá của mình vào thành một mùa đông vĩnh viễn để chư thần giao tranh. Hình ảnh tận thế của văn hóa Ả Rập Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hứa hẹn một phiên tòa xét xử theo khung thời gian tuyến tính (sống lại, lên thiên đường hoặc xuống địa ngục mãi mãi) là kết quả của kiểu sống du mục, phát triển thương nghiệp khuyến khích con người không ngại hy sinh tính mạng mình để đổi lấy phần thưởng trên thiên đường. Hồi giáo còn đặc biệt hơn khi mang cả sắc dục vào phần thưởng tối hậu khi hứa hẹn những thiên nữ trinh trắng phục dịch cận kề trên vườn trời với hàng loạt những sản vật địa phương như thịt chim, cây bách hương không gai góc; trong khi những kẻ khác bị phạt bằng gió nóng nước sôi, ăn trái độc… Tư duy Phật giáo cấu trúc những chu kỳ nông nghiệp phụ thuộc con nước sông Ấn Hằng thành vòng Thành, Trụ, Hoại, Không quy hồi. Là cái nôi của văn minh và thiên đường các tôn giáo nẩy sinh trên chiều rộng lãnh thổ địa hình phong phú có cả rừng rậm, núi cao, sa mạc, sông rộng; Phật giáo Ấn Độ sáng tạo hẳn các tầng trời Thiền dành cho các bậc đạo sư (ngay cả khi không thuộc Phật giáo) và đặt họ cao hơn cả Phạm thiên. Khác với những tôn giáo thần quyền, Phật giáo với đề tài Tận thế vẫn thể hiện tính nhân vị trong hệ thống tư tưởng nhất quán của mình hướng về con người. Bởi lẽ chu kỳ quay vòng cho người ta cơ hội phấn đấu tu tập và gieo thiện nghiệp mà không cần cầu khẩn một vị thần nào vì một lẽ đơn giản: Khi tai kiếp xảy ra thì ngay cả các vị thần (Phạm thiên) cũng chịu chung số phận. Con người được nâng lên một tầm cao mới, hơn cả các vị thần linh trong khả năng tu tập cũng có nghĩa là một trách nhiệm nặng hơn trong thực hiện lối sống Phật giáo lành mạnh.

TẬN THẾ VÀ LỐI SỐNG PHẬT GIÁO

Hiểu ý nghĩa Tận thế và quan niệm của Phật giáo qua hệ thống kinh điển là cơ sở để hình thành một lối sống phù hợp trong bất kỳ thời đại nào nhưng đặc biệt là trong thời Mạt pháp, khi mà ngày càng nhiều các tuyên bố tận thế ra đời làm xao động một bộ phận không nhỏ thành phần xã hội không phân biệt tôn giáo, địa lý. Lối sống lành mạnh này có thể quy về hai điểm: Hiểu đúng và sống đúng.

Hiểu đúng chính là trí tuệ. Những năm gần đây nhiều tin đồn về ngày tận thế được thông báo và quả quyết, có người tin, có kẻ ngờ, nhưng quả thật không ai là không chú ý dù chủ động hay bị động. Năm 2000 là một bước chuyển gây nhiều hào hứng nhưng cũng không kém phần lo lắng với dự báo sự cố Y2K. Năm 2011, Harold Camping, một chức sắc có tiếng trong cộng đồng Công giáo Mỹ nghiên cứu và lý giải Kinh Thánh để rút ra phương trình tính toán và kết luận 21/5/2011 sẽ xảy ra động đất cực mạnh, tiếp đó là một thời kỳ hỗn mang, rồi một biển lửa trào lên hủy diệt toàn bộ vũ trụ. Người ta hồi hộp chờ ngày 21/12/2012 khi lịch người Maya kết thúc chu kỳ thứ 12; dự báo ngày tận thế cứ vậy còn kéo dài mãi cùng với nỗi lo lắng của con người về đại chung cục. Các nghiên cứu khoa học dù cố giữ thái độ trung lập nhưng vẫn ngầm cổ vũ thuyết Tận thế bằng những số liệu về đợt sóng thần năm 2004 do động đất ở Ấn Độ Dương, siêu núi lửa Yellowstone, nguy cơ đảo cực từ trường trái đất, mặt trời; những cơn bão từ nguy hiểm từ vũ trụ… Con người như búp bê rối bị giật dây bởi nhiều lo toan từ quá khứ, trong hiện tại và cả tương lai. Chính trong hoàn cảnh này mà một ý thức đúng đắn về cuộc sống trong tương quan tận thế càng trở nên vô cùng cần thiết. Vậy sinh mệnh con người tồn tại bao lâu? Vài ngày, một bữa ăn... Sinh mạng con người tồn tại khoảng một hơi thở10. Chính trong chánh niệm từng hơi thở thì sinh mệnh con người mới tồn tại, như vậy tận thế không cần chờ đến các tai kiếp mà đã có sau từng làn hơi.

Nhận thức trên đây đòi hỏi một cách sống đúng, không gì khác hơn ngoài an định. Chỉ an định thân tâm mới có thể chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của sinh tử bởi tuy có nhiều nỗi khổ nhưng tất cả sẽ dồn lại trong một satna tận thế. An định hướng đến Pháp và chân lý để nhận ra rằng tính chất tận thế có phần gắn với sự suy thoái đạo đức và mất cân bằng giữa tự nhiên và con người. Theo đó thì chống hâm nóng toàn cầu, bảo vệ môi trường; bình phục hậu mâu thuẫn; phát triển bền vững, thay đổi xã hội… đều cần bắt nguồn từ cái gốc là lối sống lành mạnh: nương theo Pháp mà sống có trí tuệ và an định. Điều này dẫn đến một mâu thuẫn khi người ta bắt gặp trong tự viện, chùa chiền những hình thức cúng sao, xem giờ hoàng đạo, cầu siêu… mà bản chất là trông chờ vào một tha lực để giải thoát cá nhân khỏi khổ đau, ban phước giáng họa kiểu thần tính… đi ngược lại tôn chỉ của Phật nhưng lại khá phổ biến trong đời sống Phật tử có phần ngày càng trẻ hóa. Phật tử quen tín ngưỡng có thờ có thiêng có kiêng có lành, tăng ni hiểu những hình thức tiêu cực trên là tàn dư Lão giáo Trung Quốc nhưng khó lòng xóa bỏ mà cứ phải vận dụng nó kiểu phương tiện. Đã đến lúc cần mạnh dạn dứt bỏ những tín ngưỡng ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng Phật Đà, cho dù có khó khăn, đối mặt khổ đau cũng nên có thái độ như kinh văn Nguyên thủy: Đơn giản, chặt chẽ và thiết thực. Có như vậy thì suy nghiệm viễn tượng Tận thế sẽ trở thành động lực cho mỗi cá nhân và cộng đồng hiểu tốt và sống tốt hơn giữa cuộc đời, bất kể là tận thế/ vô thường có đến lúc nào.

TẬN THẾ LÀ TIỀN ĐỀ CHO LỐI SỐNG LÀNH MẠNH HIỆN TẠI

Tóm lại, đề tài Sống trong viễn tượng tận thế từ góc nhìn Phậtgiáo đã khảo sát trên ít nhất hai bình diện: Nội bộ kinh sách Phật giáo và đối sánh một số hệ tư tưởng văn hóa khác để minh định khái niệm Tận thế nhằm rút ra một lối sống thích hợp trong thời đại mới. Bài viết này cũng cơ bản khái quát một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về mô hình chu kỳ thế giới với các tai kiếp như một hệ thống vận hành độc lập với một đấng toàn năng; điều này có ý nghĩa cổ vũ cho giá trị và khả năng phấn đấu của con người trong quá trình phát triển toàn diện mọi mặt. Phật giáo không phải là một tôn giáo bi quan yếm thế như đã từng bị lầm tưởng bởi ngay trong một đề tài tiêu cực như tận thế thì tư tưởng Thích Ca vẫn làm sáng lên những con đường tích cực để con người ngày nay (cách hơn 2000 năm) vẫn có thể hiểu và sống lành mạnh.

 


1. Sơ thiền thiên có quá hoạn: Trong có giác quán, ngoài có hỏa tai.

Nhị thiền thiên có quá hoạn: Trong có vui mừng, ngoài có thủy tai.

Tam thiền thiên có quá hoạn: Trong có hơi thở, ngoài có phong tai.

Tứ thiền thiên trong ngoài đều không quá hoạn, nên ba thứ tai họa lớn không đến được.

2. Giáo lý đức Phật truyền bá trong thế gian này qua 3 thời kỳ:

1/ Thời kỳ Chánh pháp: Khi đức Phật tại thế và sau khi đức Phật nhập Niết Bàn 1000 năm.

2/ Thời kỳ tượng pháp: Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn 1000 năm đến 2000 năm.

3/ Thời kỳ mạt pháp: Sau 2000 năm. Giáo l. Phật mất hẳn nhưng loài người vẫn còn.

3. Kinh Qu’ran [3] Chương 33, câu 63.

4. Kinh Qu’ran [3] Chương 10, câu 45.

5. Kinh Thánh [1] (Mt 24, 42-44).

6. Kinh Tăng Nhất A Hàm, Thích Thanh Từ dịch (1997), TPHCM: Viện Nghiên cứu Phật học VN.

7. Kinh Tăng Chi, Thích Minh Châu dịch (1996), Sài G.n: Viện Phật học Vạn Hạnh.

8. Trường A hàm, Tuệ Sỹ (2008) dịch và chú giải, Cà Mau: Phương Đông.

9. “Kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống”, Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu dịch (2003), HN: Tôn giáo.

10. Kinh Tứ thập nhị chương, Thích Viên Giác dịch (1995). Long An: Trường Cơ Bản Phật học.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6736796