Thông tin

SƯ BÀ TRƯỞNG DIỆU ĐÁNG NI TỔ NAM TÔNG VIỆT NAM

 

TN. MỸ THÚY

 



Sư Bà Trưởng Diệu Đáng (1924-1994) là Tu nữ Việt Nam đầu tiên xuất gia tu học theo truyền thống Nam tông (Theravāda) và được tôn kính như vị Ni Tổ đã góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Nam tông tại Việt Nam. Sư Bà Trưởng thông thạo bảy ngôn ngữ: Việt, Pháp, Hoa, Khmer, Miến Điện, Pali và Thái Lan và là người Việt Nam đầu tiên đỗ chương trình Phật học bằng tiếng Miến Điện tại xứ quốc giáo này.

Sư Bà Trưởng là một tấm gương người phụ nữ đầy cá tính, đặc biệt trong thời khai mở đạo Phật Nguyên thủy tại Việt Nam. Sư Bà Trưởng đã dám mạnh mẽ bước đi trên con đường chưa một phụ nữ Việt nào từng đi. Người là bậc xuất gia được rèn luyện cả pháp học (pariyattisāsana) và pháp hành (paṭipattisāsana), không ngại gian lao, không màng thử thách. Sư Bà Trưởng một mình lặng lẽ tìm lối đi mới cho hàng tín nữ Phật giáo Nam tông (Theravāda) có con đường để tiến bước vào đời sống tu học như một bậc xuất gia trong truyền thống Phật giáo.

Tuổi thơ tại Campuchia và những ngày đầu xuất gia

Sư Bà Trưởng có thế danh là Lê Thị Tư, tên Pali là Vissutañāṇī (nghĩa là người có trí tuệ lẫy lừng); thường được gọi là “Sư Bà” hay “Bà Trưởng”. Sư Bà Trưởng được sinh ra trong một gia đình trung lưu trí thức, là người con gái thứ tư của cụ ông Lê Văn Giảng (1893-1981) và cụ bà Võ Thị Nhung. Lúc thiếu thời, cụ ông là một vị bác sĩ thú y lập nghiệp tại Nam Vang (Campuchia). Sư Bà Trưởng được sinh ra và lớn lên tại Campuchia trong thời kỳ Pháp thuộc nên Sư Bà Trưởng thông thạo cả ba ngôn ngữ: Việt, Khmer và Pháp. Cuộc sống hằng ngày nơi xứ sở chùa tháp đã gắn liền với tuổi thơ Sư Bà Trưởng từ hình ảnh chư Tăng tu học, đi trì bình khất thực đến lời kinh tiếng kệ Pali vang vọng mỗi sáng chiều.

Trong văn hóa Campuchia thì chuyện xuất gia tu học chỉ dành riêng cho nam giới. Phụ nữ thường chỉ đến chùa cúng dường, nghe pháp, tu hành theo hạnh người cư sĩ hộ Tăng. Khi về già, các bà thường “xuất gia” theo hình thức cạo đầu, mặc áo trắng, quấn sarông đen, thọ trì bát quan trai giới, sáng vào chùa tu tập theo thời khóa, chiều tối về lại tư gia. Do đó, dù lớn lên trong môi trường đầy hương vị đạo pháp và có lòng tịnh tín nơi Tam bảo, Sư Bà Trưởng lúc đó cũng như bao người phụ nữ khác, vẫn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xuống tóc xuất gia.

Thế nhưng… Trong cuộc đời này, khó có thể nhìn thấy phước duyên mỗi người sẽ ra sao ngày sau. Năm 1941, vào một ngày nọ, thân phụ Sư Bà Trưởng, tức là ông Lê Văn Giảng lúc bấy giờ đã xuất gia thành vị tỳ khưu Theravāda có đạo hiệu là Hộ Tông và sau này trở thành vị Tăng thống (Sangha Nāyaka) đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam1, Sư Tổ họp các con trong gia đình lại hỏi: “Có ai muốn tu theo không?”. Trong bối cảnh ấy, tâm hồn Sư Bà Trưởng tựa hồ như cây đang chờ ngày ra hoa, Sư Bà Trưởng đã không chút phân vân do dự, liền trả lời: “Dạ muốn”. Thế là sau hôm đó, cô nữ sinh 17 tuổi trở thành vị sư nữ tại chùa Sùng Phước, Nam Vang. Từ đó, người con gái mang tên Lê Thị Tư có pháp danh Diệu Đáng, đã hiển nhiên trở thành vị sư nữ đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Nam tông Việt Nam. Vào những năm đầu khi người Việt mới biết đến Phật giáo Theravāda, phần lớn đệ tử xuất gia theo hệ phái này là nam giới, duy chỉ có Sư Bà Trưởng Diệu Đáng là người nữ đầu tiên thế phát xuất gia trong buổi sơ khai này.

Sự quyết định xuất gia của Sư Bà Trưởng lúc đó chỉ đơn thuần để phụng dưỡng báo hiếu cho thân phụ nhưng khi cất bước vào hành trình thì hoàn toàn khác, người không chỉ tận tụy chăm sóc cho Sư Tổ mà còn miệt mài đèn sách, học hỏi kinh luật từ các vị trưởng lão thời bấy giờ. Sư Bà Trưởng vốn tính siêng năng cần mẫn, tự rèn luyện bản thân mình không bỏ lỡ một cơ hội nào trong việc học tập và hành trì giáo pháp.

Theo chân sư Tổ hoằng đạo trên đất Việt

Ngoài ra, Sư Bà Trưởng luôn nhiệt tâm trong mọi công việc phục vụ Tam Bảo. Vì đây là giai đoạn truyền bá Phật giáo Nam tông (Theravāda) về Việt Nam, nên Sư Tổ Tăng thống Hộ Tông thường xuyên về Việt Nam để giảng đạo và thành lập chùa chiền nuôi dạy chư tăng. Trên con đường hoằng đạo, Sư Tổ đi tới nơi nào thì Sư Bà Trưởng Diệu Đáng cũng theo gót Sư Tổ đến đó. Có thể xác định rõ nhất là 6 ngôi chùa đã từng có bàn tay Sư Bà Trưởng góp sức tạo nên. Đó là các chùa Bửu Quang2, chùa Nguyên Thủy3, chùa Bửu Long4, chùa Thiền Quang5, Tịnh xá Định Quang6 và chùa Bồ Đề7.

Con đường hoằng pháp độ sanh, tạo dựng chùa chiền ở những vùng đất chưa từng biết đến Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông (Theravāda) nói riêng vốn không dễ dàng, phải đương đầu với nhiều việc khó khăn. Tư tưởng Phật giáo Nam tông (Theravāda) trong những năm 40 của thế kỷ trước thật là mới mẻ đối với văn hóa Việt Nam, đặc biệt hơn nữa là hình thức Tu nữ Nam tông thì chưa từng có trên nước Việt trước đây. Sư Bà Trưởng đã góp sức trong đoàn truyền đạo, từng bước gầy dựng đức tin Tam bảo cho tín đồ Phật tử địa phương cũng như xây cất các cơ sở Phật giáo. Chính vì hoàn cảnh xã hội như thế nên một mình Sư Bà Trưởng phải kiêm nhiều vai trò, vừa là thị giả cho Sư Tổ Tăng thống, vừa là thủ quỹ kiêm thư ký lo việc xây dựng chùa chiền, vừa phải chăm coi cả việc tiếp dẫn cho các tín nữ trên con đường xuất gia Tu nữ để tạo nên hội chúng Tu nữ Nam tông.

Bên cạnh dẫn dắt chăm sóc chúng Tu nữ, Sư Bà Trưởng vẫn chuyên tâm thiền định. Con đường hành thiền như là huyết mạch trong cuộc đời của Sư Bà Trưởng ngay từ những ngày đầu bước chân vào đạo, theo gót chân Sư Tổ Hộ Tông - vị Sư Tổ truyền đạo bằng chính con đường thiền định, cốt lõi nguyên thủy của giáo pháp.

Thành công tu học tại Miến Điện

Sư Bà Trưởng đã sống hết lòng với hạnh phục vụ Tam bảo suốt một thập niên đầu làm Tu nữ. Có lẽ công hạnh hy sinh ấy đã trợ duyên dẫn Sư Bà Trưởng bước sang một thành công mới. Đó là năm 1952, Sư Bà Trưởng được chọn vào đoàn Việt Nam tham dự kết tập Tam Tạng lần thứ 6 tại Thủ đô Rangoon (Yangon), Miến Điện. Đây là cơ hội cho vị sư nữ trẻ giàu lòng tu học như Sư Bà Trưởng tiến bước con đường học vấn trong đạo pháp. Sau chuyến ấy, hình ảnh chùa chiền đền tháp uy nghi tráng lệ và hàng nghìn chư Tăng Ni Miến Điện đã in sâu vào tâm thức Sư Bà Trưởng, trái tim nhiệt thành tu học đã không ngừng nung nấu trong tâm tưởng người; Sư Bà Trưởng tạm gác lại các vai trò phụng sự tại Việt Nam và cất bước sang Miến Điện. Đó là năm 1956, Sư Bà Trưởng đến Sagaing để theo đuổi chí cầu học hiếu tu của mình.

Vùng đồi Sagaing là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn của Miến Điện sau Yangon và Mandalay. Đây được xem là vùng đất thiêng liêng của xứ Miến.

Nơi vùng đất này, Sư Bà Trưởng Diệu Đáng đã ngày đêm miệt mài đèn sách suốt mười năm tại ngôi chùa là trung tâm Phật học đào tạo Tu nữ có tên là Ta-ta-na-bei-man. Thời ấy, các chương trình Phật học nơi đây đều dạy bằng tiếng Miến Điện, Sư Bà Trưởng phải nỗ lực thật nhiều để thông thạo các kỹ năng cần thiết nhằm đủ sức tham gia chính thức chương trình Phật học. Tu nữ Vijjesī - vị trụ trì đầu tiên của cơ sở Phật học chùa Ta-ta-na-bei-man - vị sư bà đồng hành cùng Sư Bà Trưởng trong suốt quá trình học tập. Sư Bà Vijjesī vừa là bạn, vừa là người thầy hướng dẫn Sư Bà Trưởng Diệu Đáng học chữ Miến, cũng như chỉ dẫn nhiều khía cạnh khác trong sinh hoạt tu học để Sư Bà Trưởng hòa nhập thích nghi với đời sống văn hóa Miến Điện. Thời ấy, hội chúng Tu nữ của trung tâm có khoảng 60 vị, tất cả đều rất quý mến và kính nể đức tính khiêm nhường hiếu học, cần cù siêng năng của Sư Bà Trưởng Diệu Đáng8.

Có lẽ ai đã từng du học xứ Miến sẽ thấu hiểu những khó khăn trong việc học tiếng Miến đối với người Việt chúng ta là như thế nào. Bởi, Việt - Miến là hai hệ ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Hơn thế nữa, nguồn gốc của tiếng Miến Điện xuất nguyên từ cổ ngữ Sanskrit và Pali nên không nhiều người ngoại quốc có thể vượt qua “bức tường” này. Mặt khác, ngôn ngữ trung gian cho Việt - Miến thì lại là một chướng ngại không nhỏ đối với Sư Bà Trưởng. Bởi Sư Bà Trưởng thông thạo tiếng Pháp trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của người dân xứ này9. Đây là yếu tố trở ngại không nhỏ cho hành trình du học của Sư Bà Trưởng. Thế nhưng không khó khăn gì có thể đánh gục vị Tu nữ tiên phong đầy bản lĩnh như Sư Bà. Chất dũng khí của Sư Bà Trưởng đã bộc lộ từ những năm tháng mới vào đạo, người không ngại cực nhọc, không màng gian nan, đã đồng hành cùng Sư Tổ Tăng thống Hộ Tông đi hành đạo khắp nơi. Với cá tính đó đã giúp Sư Bà Trưởng vượt qua mọi chướng ngại từ ngôn ngữ đến vật thực và cả thời tiết khắc nghiệt của vùng đồi Sagaing để hòa nhập vào đời sống tu học nơi đây như một vị tu sĩ bản xứ.

Rồi cái ngày “sắt nên kim” cũng đã đến, ngày 26 tháng 12 năm 1962, báo Sài Gòn nổi lên nhan đề “Một Sư Nữ Việt thành công trong việc học đạo ở Miến Điện”10. Đây là tin tức về Sư Bà Trưởng Diệu Đáng nhận bằng Phật học Miến Điện sau sáu năm đèn sách. Thông tin ấy chẳng mấy chốc lan tỏa khắp các chùa chiền tự viện Việt Nam, đã làm nhiều trái tim Việt không khỏi rơi lệ xúc động, mừng vui cho nữ giới Phật giáo Việt Nam có vị sư nữ thành công xứ người.

Năm đó, Sư Bà Trưởng đậu bằng Phật học cấp thứ 2 trong 5 cấp của học vị Dhammacariya - một học vị cao quý tại Miến Điện. Chương trình chủ yếu đi sâu vào Tam tạng và Chú giải (Tipiṭaka - Aṭṭhakathā) kinh điển nguyên thủy và văn phạm Pali. Mỗi cấp có tên gọi như sau:

- Cấp I: Mu-la-dan (Achapyumūlatam) là chương trình căn bản, chủ yếu học thuộc lòng 4 môn: Pali văn phạm căn bản, Abhidhammasaṅgaha (Thắng Pháp Tập Yếu Luận), Vinaya (luật), Mātikā và Dhātukathā (đầu đề và bộ thứ 3 trong 7 bộ của tạng A-tỳ-đàm).

- Cấp II: A-nge-dan (Pathamangal) là chương trình sơ cấp gồm 5 môn học. Bốn môn giống như cấp I nhưng học ở mức nâng cao hơn, nghĩa là học phân tích ngữ nghĩa từng câu từng từ trong bản kinh Pali sang tiếng Miến Điện, và môn thứ 5 là Jātaka (tìm hiểu về 35 câu chuyện tiền thân của đức Phật).

- Cấp III: A-la-dan (Pathamalat) là chương trình trung cấp gồm 6 môn. Năm môn đầu giống như môn cấp II nhưng khai triển sâu rộng hơn, có giải thích xuyên qua chú giải, và môn thứ 6 là Yamaka (tức là học bộ thứ 6 trong 7 bộ của tạng A-tỳ-đàm).

- Cấp IV: A-kyi-dan (Pathamakyi) là chương trình học cao hơn trung cấp và gần với cấp Dhammacariya. Chương trình gồm 8 môn, cũng giống như chương trình cấp dưới về môn Pali, Abhidhammasaṅgaha, Vinaya, Jātaka, Yamaka nhưng cách học nâng cao hơn các cấp dưới. Thêm 2 môn khác là môn sáng tác thơ văn Pali, và Paṭṭhāna (bộ cuối cùng của tạng A-tỳ-đàm).

- Cấp V: Dhammacariya là cấp cao trong chương trình Phật học quốc gia ở Miến Điện. Gồm 3 môn là Pārājikapāḷi-aṭṭhakathā (chú giải luật tỳ-kheo), Sīlakkhapāḷi-aṭṭhakathā (chú giải Trường bộ kinh), Dhammasaṅganī-aṭṭhakathā (chú giải bộ Pháp tụ, là bộ thứ nhất chứa đựng nội dung nền tảng cho toàn bộ tạng A-tỳ-đàm).

Dù rằng so với cấp bậc Phật học của xứ Miến Điện thì cấp bậc này chưa phải là cao nhưng xét về nội điển giáo lí thì vô cùng thực chất về cổ ngữ Pali và chuyên môn về Kinh - Luật - Luận. Đối với người Việt Nam, Sư Bà Trưởng Diệu Đáng là vị tu sĩ Việt Nam đầu tiên đỗ đạt bằng Phật học truyền thống Miến Điện. Tính đến thời điểm hiện tại, Sư Bà Trưởng là vị sư nữ Việt Nam duy nhất đạt thành tích này, mặc dù từ khi bước vào thế kỷ 21 đến nay đã có nhiều người Việt Nam đến Miến Điện tu học.

 

Sư Bà Trưởng Diệu Đáng ngồi hàng đầu từ phải sang trái 
và hội chúng Tu nữ Miến Điện tại Sagaing, 1960

Hồi hương - tiếp tục con đường lợi tha

Những tưởng sau khi vượt qua con dốc khúc khuỷu khó khăn nhất trong phần nền tảng của toàn bộ Tam tạng chú giải cũng như văn phạm Pali, Sư Bà Trưởng sẽ thẳng tiến các cấp bậc sau. Thế nhưng! Mọi thứ phải tùy duyên…

Năm 1966, Sư Bà Trưởng phải rời trường lớp, giã từ thầy cô, xa bạn bè huynh đệ vùng đồi Sagaing Miến Điện, hồi hương về chăm sóc thân mẫu bệnh đau cho đến ngày cụ bà qua đời tại chùa Xà-xia, núi Xà-xia ở Campuchia.

Năm 1968, sau khi lo hậu sự cho thân mẫu xong, Sư Bà Trưởng Diệu Đáng trở về quê hương Việt Nam, trụ tại tổ đình Bửu Long. Lúc đó, Sư Bà Trưởng đã tròn 27 tuổi đạo và 44 tuổi đời. Sư Bà Trưởng được Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đề cử vào chức vụ “Ni Trưởng”, người đứng đầu lãnh đạo hội chúng Tu nữ Nam tông Việt Nam.

Thiền định nơi đất Thái - vân du hoằng đạo

Năm 1974, Sư Bà Trưởng sang Thái Lan cùng Sư Tổ Hộ Tông và hai vị thị giả trẻ là ngài Bửu Đức (xưa là sa-di Bửu Đức, thị giả cho Sư Tổ), và Sư Bà Diệu Bông (cô Tư Bông, thị giả cho Sư Bà Trưởng). Đoàn người bốn vị đến tu thiền ở miền Nam nước Thái, tại chùa Punchacanhchanaram - Thonpuri, nơi thiền sư Ajharn Naeb hướng dẫn. Vốn đã sẵn có pháp học, pháp hành vững chãi, Sư Bà Trưởng có dịp học hỏi thêm phương pháp thiền định tại nơi đây và còn là cơ hội thuận duyên cho Sư Bà Trưởng sở hữu thêm tiếng Thái Lan - một ngôn ngữ cùng hệ ngữ với tiếng Khmer mà Sư Bà Trưởng đã thông thạo như tiếng mẹ đẻ.

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sư Bà Trưởng trở về Việt Nam cùng đoàn. Từ đó, cuộc vân du hoằng đạo bốn vị năm ấy đã gieo duyên từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ. Trú xứ được biết đầu tiên là Tịnh xá Định Quang, tọa lạc thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây, đoàn dừng chân một hạ thiền định, hướng đạo thiện tín, tạo lập đạo tràng.

Năm 1976, Sư Bà Trưởng cùng đoàn lưu trú về miền Tây Nam Bộ. Đoàn đến Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, dừng chân tại chùa Phật Lớn, tọa lạc tại số 151 đường Quang Trung, phường Vĩnh Quang. Đây là ngôi chùa Khmer với cảnh quan thoáng mát nhiều cây cao bóng ngã thích hợp cho những tâm hồn yêu thích thiền định, Sư Bà Trưởng cùng đoàn trụ lại đây gần hai năm.

Năm 1977, Sư Bà Trưởng trở về lại tổ đình Bửu Long cùng đoàn, trụ lại đây một hạ.

Năm 1978, Sư Bà Trưởng cùng đoàn đến Vũng Tàu, trụ lại chùa Bồ Đề, tọa lạc số 25 Vi Ba, phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong một hạ, rồi trở về trụ sở tổ đình Bửu Long.

Năm 1980, Sư Bà Trưởng theo gót Sư Tổ Hộ Tông sang Pháp quốc.

Trên con đường Thiền định

Ngày 5 tháng 7 năm 1981, Sư Bà Trưởng trở về Việt Nam trụ lại tổ đình Bửu Long, tiếp tục hoạt động Phật sự, nối tiếp sự nghiệp đào tạo nữ tu, củng cố hội chúng Tu nữ Nam tông. Cũng vào năm này là thời điểm ngài Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh trước 1975, nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đang chuẩn bị mở trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Ngài đã từng đến chùa Bửu Long gặp Sư Tổ Hộ Tông ngỏ lời xin phép mời ni sư Diệu Đáng dạy môn Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) cho trường Cao cấp Phật học mà ngài sắp mở. Lúc ấy, Sư Tổ Hộ Tông bảo ngài Thích Minh Châu: “Cô Diệu Đáng đang ở đó, cứ đến hỏi trực tiếp cổ đi”11. Năm đó, Sư Bà Trưởng cũng đã 57 tuổi đời, 40 tuổi đạo, vốn đã sống khép mình trong khuôn khổ bậc xuất gia thiền định, người luôn thiên hướng phát triển trí tuệ tâm linh hơn tất cả con đường phát triển khác. Với một người mang tâm hồn đạo như thế nên Người nhẹ nhàng trả lời một cách khiêm nhượng rằng: “Tôi học để tu và tâm nguyện của tôi là phụng sự cho cha để trả hiếu”12.

Không chỉ từ chối sự thỉnh mời của trường Phật học mà cả các lớp giáo lý tại các chùa chiền cũng thế, Sư Bà Trưởng không tham gia giảng dạy. Được biết rằng vào khoảng năm 1982, tại chùa Siêu Lý quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, ngài Tịnh Sự - vị dịch giả chuyển ngữ tạng Abhidhamma sang Việt ngữ và cũng là vị thầy chuyên giảng dạy môn Vi Diệu Pháp, ngài từng tâm sự rằng: “Hy vọng sư cô Diệu Đáng sẽ phụ tiếp đảm trách các lớp Vi Diệu Pháp để mở mang giáo lý thâm sâu này, cô ấy rất giỏi tạng Vi Diệu Pháp”13.

Thế nhưng không một hào quang công danh sự nghiệp nào có thể lay động con đường thiền định Sư Bà Trưởng đã chọn… Sư Bà Trưởng luôn giữ vững định hướng ban đầu là “học để tu” nên cứ thỉnh thoảng là nghe Sư Bà Trưởng nhẹ nhàng từ chối việc giảng dạy giáo lý dù trong tâm hồn và phong cách của Người luôn là vị thầy hướng đạo hoàn hảo song toàn cả thân giáo và khẩu giáo, đúng như câu: “Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết càng khiêm tốn”14.

Đức hạnh khiêm cung

Dù trước đó, giáo hội chưa chính thức phong chức “ni trưởng” nhưng với cương vị là người nữ xuất gia đầu tiên có đạo hạnh thâm niên nhất trong hội chúng Tu nữ nên Sư Bà Trưởng luôn ở vị trí bậc lãnh đạo. Thói thường phàm nhân khi nắm quyền lực trong tay thì sẽ quản thúc, sai bảo người khác bằng uy thế mình đang có, nhưng Sư Bà Trưởng thì hoàn toàn khác. Dù Sư Bà Trưởng xuất thân từ gia đình trí thức thời Pháp thuộc, và còn là con gái của vị Tăng thống đứng đầu giáo hội Nam tông thời đó, Sư Bà Trưởng lại được đi du học ở xứ Phật giáo Miến Điện, và đặc biệt là thông thạo bảy ngôn ngữ, nhưng không vì thế mà tự cao, thể hiện thân phận mình hơn người. Đức tu tập đã trưởng dưỡng nội tâm Sư Bà Trưởng khiêm nhu như nước. Sư Bà Trưởng đã chọn cách quản chúng của bậc trí là dùng pháp sống chứ không dùng quyền lực áp đặt. Sư Bà Trưởng luôn hướng đến bài học thân giáo từ chính hành động của mình để làm tấm gương cho hội chúng.

Người không bao giờ thể hiện quyền lực đối với hội chúng mà thay vào đó là thái độ nhẹ nhàng, nhắc nhở từng cá nhân khi cần thiết một cách tế nhị. Trong việc giáo huấn trước tập thể Tu nữ, Sư Bà Trưởng thường dẫn dụ bằng những câu nói như: “Sư ông Hộ Tông dạy như vầy, dạy như thế kia…”15, chứ không dùng kiểu cách của bậc bề trên giáo huấn cấp dưới. Hình ảnh thân giáo - khẩu giáo luôn hòa quyện trong sở hành của Sư Bà Trưởng Diệu Đáng đã in sâu vào lòng Tăng - Ni - Phật tử; mỗi khi đến với Sư Bà như được bước vào bóng mát của tàn cây đại thụ.

Từ cách sống khiêm nhường đó, Sư Bà Trưởng mở rộng con đường hoằng pháp tiếp độ hàng tín nữ xuất gia. Dù giai đoạn đầu chưa có chùa ni riêng biệt nhưng nhiều chùa Nam tông sau khi thành lập đã chia ra một khu vực làm trú xứ cho những vị nữ tu. Hội chúng Tu nữ ngày một đông, nếp sinh hoạt tu học vẫn thuận hòa, kính trên nhường dưới theo pháp lục hòa như từ thuở ban đầu mới hình thành. Sự thành công đó được tạo nên là nhờ vào pháp tu tập của Sư Bà Trưởng đã lan tỏa trong lòng hội chúng, sức mạnh tinh thần ấy tựa như chất keo gắn kết những trái tim yêu đạo xích lại gần nhau xây dựng nên tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong ni chúng.

Dù Sư Bà Trưởng không mở lớp dạy giáo lý nhưng người luôn chỉ dạy hợp thời đúng lúc cho từng trường hợp, từng hoàn cảnh của mỗi thành viên trong chúng. Không những quan tâm dạy dỗ như người thầy, Sư Bà Trưởng còn chăm sóc hội chúng như tình cảm người mẹ dành cho đàn con. Mỗi khi trong chúng có vị Tu nữ nào bệnh đau, Sư Bà Trưởng liền đến thăm hỏi, cạo gió, phát thuốc và cho người nấu cháo mang đến tận cốc liêu vị tu nữ đó. Chính cách đối xử chân tình với hội chúng như vậy nên gần như toàn thể chúng tu nữ đều kính thương Sư Bà Trưởng. Sự quý kính ấy từ tận đáy lòng của từng thành viên trong tập thể chứ không phải vì thế lực uy quyền áp đặt.

Nhờ thân giáo của Sư Bà Trưởng đã xây dựng nên hội chúng nữ giới thuận hòa, luôn biết đối đãi nhau bằng tấm lòng từ ái, kính trên nhường dưới. Bởi tất cả trong chúng luôn có tấm lòng thương kính Sư Bà Trưởng: “sợ Sư Bà Trưởng buồn, luôn muốn Sư Bà Trưởng vui”16, nên sẵn sàng nhường nhịn nhau nếu có sự khác biệt về quan điểm. Trên tinh thần giáo dục đó đã làm nền tảng cho sự phát triển hội chúng Tu nữ tại tổ đình Bửu Long, cũng như hội chúng Tu nữ Phật giáo Nam tông.

Cứ thế mỗi ngày như mọi ngày, khoảng 3 giờ sáng là giờ thiền định của Sư Bà Trưởng đến sáng. Ban ngày thì quan sát việc chùa chiền, thỉnh thoảng Sư Bà Trưởng còn phụ giúp vị thị giả của mình là Sư Bà Diệu Bông trông coi việc hậu cần phục vụ chư Tăng tại bổn tự.

Đối với chư Tăng thì gần như tất cả những vị từng tu học tại tổ đình Bửu Long trong thời Sư Bà Trưởng Diệu Đáng hiện tiền, đều cảm nhận hạnh khiêm nhường, khiêm hạ, giản dị của Sư Bà Trưởng. Sư Bà Trưởng rất mực cung kính chư Tăng, dù gặp chư Tăng đang ở sân chùa hay nơi đất cát bụi bặm, Sư Bà Trưởng vẫn cúi quỳ đảnh lễ mà chẳng hề ngại dơ bẩn y phục. Thái độ khiêm cung ấy không chỉ đối với các vị tỳ khưu mà luôn cả các vị sa-di trẻ tuổi, Sư Bà Trưởng vẫn luôn giữ lễ phép kính trọng. Đối với chư Tăng, nhất là các vị trẻ tuổi, Sư Bà Trưởng còn chan chứa cả tấm chân tình ấm áp như một người mẹ hiền che chở đàn con. Mỗi khi chư Tăng trong tự viện bệnh đau, Sư Bà Trưởng thường có mặt kịp lúc chăm sóc, dâng thuốc uống đến chư Tăng. Gần như thời ấy, hầu hết các sư trong bổn tự đều được Sư Bà Trưởng chăm sóc sức khỏe mỗi khi đau yếu. Không chỉ phục vụ chư Tăng, Sư Bà Trưởng còn quan tâm chỉ dạy các vị sư sa-di khi cần thiết nhưng Người luôn khiêm nhượng ngôn từ, chỉ nhắc nhở các sư bằng cách kể những câu chuyện Phật giáo về cách sống, về oai nghi tế hạnh của bậc xuất gia thời đức Phật.

Đối với cư sĩ, Sư Bà Trưởng luôn đối đãi với tâm tư hiền dịu, từ bi của bậc xuất gia và quan tâm thân tình như từng là quyến thuộc với nhau. Sư Bà Trưởng luôn dạy dỗ hàng tín nữ cách cung kính chư Tăng trong khuôn phép giới luật: “thương kính nhưng phải luôn giữ khoảng cách”17. Sư Bà Trưởng còn quan tâm đời sống tinh thần, gia cảnh kinh tế của mỗi gia đình Phật tử để tạo duyên trợ giúp Phật tử kịp lúc theo từng hoàn cảnh. Mỗi Phật tử đến chùa đều được Sư Bà Trưởng chỉ dẫn tận tình cách tạo phước, cách tu tập trong đời sống hằng ngày… Người luôn nhẹ nhàng từ tốn trong mọi hoạt động Phật sự, không bao giờ ỷ quyền cậy thế lãnh đạo mà thể hiện quyền lực cá nhân đối với đồ chúng. Sư Bà Trưởng là thế… hiện lên trong lòng mọi người như một người thầy ân cần giáo dưỡng, như một người mẹ hiền từ giúp đỡ khuyên răn.

Năm 1994, Sư Bà Trưởng được 70 tuổi, thân tứ đại báo hiệu sự mệt mỏi già nua của kiếp người. Sư Bà Trưởng buông gánh quản chúng, nhiếp tâm vào thiền định để thẩm thấu dòng sinh-trụ-diệt kiếp nhân sinh đến đi theo duyên tác tạo. Cuối năm đó, Sư Bà Trưởng Diệu Đáng an tịnh ra đi vào lúc 9 giờ 50 phút ngày 23 tháng 12 năm Giáp Tuất (tức là ngày 23/01/1995).

 

 

Từ trái sang phải: Sư cô Issariyañāni, trụ trì đời thứ 2 chùa Ta-ta-na-bei-man
và sư cô Ngọc Sương tại nơi Sư Bà Trưởng từng tu học tại vùng đồi Sagaing, năm 2020

 

Lời kết

Sự đến và đi của Sư Bà Trưởng đã để lại một tấm gương lành về một bậc xuất gia tròn đầy: tâm - đức - hạnh. Chỉ vỏn vẹn ba từ “tâm - đức - hạnh”18 đã toát lên vẻ đẹp hoàn hảo của tâm hồn bậc xuất gia thanh tịnh. Sự có mặt của Sư Bà Trưởng trong thời điểm ấy vừa như một người thầy đầu tiên dẫn dắt từng bước chân tín đồ vào đạo, vừa là hình ảnh người mẹ tinh thần cho nhiều Tăng - Ni       - Phật tử đến với giáo pháp.

Sư Bà Trưởng Diệu Đáng, vị Tu nữ Nam tông đầu tiên của nước Việt đã để lại cho đạo một tấm gương hoằng pháp thầm lặng. Sư Bà Trưởng là bậc thầy đặc biệt lãnh đạo hội chúng bằng pháp tu tập, chứ không dùng quyền lực. Những đức hạnh khiêm nhường, khiêm hạ, ít nói, thinh lặng phụng sự Tam bảo của Sư Bà Trưởng đã toát lên sự hoàn hảo về Tâm - Đức - Hạnh của một bậc xuất gia. Sư Bà Trưởng Diệu Đáng thật sự xứng danh là vị Ni Tổ Tu Nữ Nam Tông Việt Nam cao đẹp song toàn về thân giáo và khẩu giáo, đúng với tinh thần “học để tu” của một bậc xuất gia nguyên thủy chơn chánh.

(Bài viết dựa theo lời kể từ ngài Bửu Đức (Hoa Kỳ), ngài Satima (Hoa Kỳ), Sư Bà Diệu Thành, Sư Bà Diệu Hóa, Sư Bà Diệu Bông đang trụ xứ tại tổ đình Bửu Long và tín nữ Diệu Nga (Xuân Nga) - là vị tu nữ trẻ thời Sư Bà Trưởng còn hiện tiền. Hiện cô Xuân Nga đang định cư tại Thụy Sĩ; tín nữ Hoàng Dung đang định cư tại Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ và sư cô Ngọc Sương là ni sinh Học viện Phật Giáo Sitagu tại Sagaing, là người trực tiếp tìm kiếm nguồn tài liệu về Sư Bà Trưởng Diệu Đáng tại vùng Sagaing. Bên cạch đó, còn có sự trợ giúp thông tin từ sư Aggadhamma (Miến Điện) - nghiên cứu sinh Học viện Phật giáo Sitagu - Sagaing).

TP. HCM, 2021
(Dhīracittā Therī)
Kính bút

 


1. Ngài Hộ Tông xuất gia năm 1940 và trở thành Tăng Thống năm 1957. Hôm ngài hỏi ý các con trong gia đình về chuyện đi tu theo ngài thì lúc đó ngài chưa phải Tăng Thống, ngài cũng là nhà sư mới xuất gia.

2. 171/10, quốc lộ 1A, tổ 8, khu phố 3, ấp Gò Dưa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. HCM.

3. 33-A đường 10, khu phố 1, phường Cát Lái, Quận 2, TP. HCM

4. 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, Quận 9, TP. HCM

5. Tam Bố, Di Linh

6. Thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

7. 25 Vi Ba, phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

8. Theo lời kể của ni trưởng trụ trì chùa Ta-ta-na-bei-man hiện nay là thời đó, tất cả quý tu nữ ở chùa đều kính nể Sư Bà Trưởng về hạnh học và hạnh tu.

9. Miến Điện từng là thuộc địa của Anh quốc hơn 100 năm (1824 – 1948).

10. Mảnh giấy báo Sài Gòn đưa tin này được lưu giữ trên trang website: http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=news&function=detail&id=855#.XvLMiWgzbIU., cập nhật ngày 20/03/2020).

11. Trích từ lời tường thuật của ngài Bửu Đức. Ngày hôm xảy ra câu chuyện giữa ba vị: Sư Tổ Hộ Tông, Ôn Minh Châu và Bà Trưởng có sự chứng kiến của ngài Bửu Đức. Lúc đó, ngài Bửu Đức còn là vị sa-di thị giả (1974 – 1981) hầu cận Sư Tổ. Ngài cũng là vị trụ trì chùa Bửu Long (1981-1992). Hiện ngài Bửu Đức là trụ trì chùa Hương Đạo tọa lạc 4717 E. Rosedale St. Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ 76105.

12. Trích từ lời tường thuật của ngài Bửu Đức.

13. Trích từ lời tường thuật của ngài Satima (Thường Niệm), là vị sa-di thị giả của ngài HT. Tịnh Sự lúc đó. Hiện ngài Satima đang định cư tại Hoa Kỳ.

14. Câu nói của nhà văn George Bernard Shaw, một là văn nổi tiếng người Anh.

15. Trích từ lời tường thuật của tín nữ Hoàng Dung, là đệ tử ruột của Bà Trưởng Diệu Đáng, thường gọi Bà Trưởng bằng từ ngữ rất trìu mến là “má Diệu”. Hiện tín nữ Hoàng Dung đang định cư tại Atlanta Georgia, Hoa Kỳ.

16. Trích từ lời tường thuật của ngài Bửu Đức, là vị sa-di thị giả của Sư Tổ Hộ Tông lúc đó (1974–1981) và cũng là vị sư được Bà Trưởng Diệu Đáng giáo dưỡng trên đường đạo. Ngài cũng là vị trụ trì chùa Bửu Long (1981-1992). Hiện ngài Bửu Đức là trụ trì chùa Hương Đạo tọa lạc 4717 E. Rosedale St. Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ 76105.

17. Trích từ lời tường thuật của tín nữ Hoàng Dung, là đệ tử ruột của Bà Trưởng Diệu Đáng. Hiện tín nữ Hoàng Dung đang định cư tại Atlanta Georgia.

18. Ba từ: Tâm – Đức – Hạnh, là lời ngài Bửu Đức, trụ trì chùa Hương Đạo, tọa lạc số 4717 E. Rosedale St. Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ 76105, đánh giá về Sư Bà Trưởng Diệu Đáng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6126033