Thông tin

SỰ CỐNG HIẾN TRỌN ĐỜI

ĐÁNG TRÂN TRỌNG CỦA CƯ SĨ THIỀU CHỬU

 

Đại tá TRẦN VIỆT QUANG
Đại tá NGUYỄN HẢI TRỪNG

 

Cầm cuốn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, hai chúng tôi chợt nhớ ra: "Xuân này là Nhâm Ngọ 2002, sách ra đời năm Nhâm Ngọ 1942, vừa tròn một lục giáp" Sáu mươi năm qua, nhiều người học Phật nói sách đã giúp hiểu được kinh hơn. Những người đọc Hán văn thì ngày càng tìm mua tự điển của Thiều Chửu nhiều hơn (chỉ tính từ 1990 đến nay sách đã tái bản hơn chục lần). Tuy vậy Hán Việt tự điển chỉ là một phần nhỏ trong các trước tác của ông. Theo sự nghiên cứu đang còn tiếp tục thì ông đã góp vào việc hoằng dương Phật pháp và cho nền văn hoá dân tộc khoảng trên dưới 70 tác phẩm, trong đó có bản dịch của nhiều kinh căn bản của đạo Phật và một số sách Phật học đáng chú ý. Một số nhà nghiên cứu vừa rất khâm phục vừa ngạc nhiên trước tấm gương hiến dâng cho Phật sự và khả năng trí tuệ như thế.

Hai chúng tôi, một người trong gia tộc ông thường qua lại thăm ông, còn một người là con người bạn thân gửi ông để học văn hoá và học nghề in, ăn ở ngay cùng nhà. Những năm kháng chiến chống Pháp, chúng tôi cũng đôi ba lần có dịp thăm ông. Nhờ đó cũng có thêm thuận lợi trong việc sau này thu thập, thẩm định những thông tin về con người và sự cống hiến của ông. Nhớ lại quãng thời gian từ giữa năm 1936 trở đi, cư sĩ Thiều Chửu ở và làm việc trong gian buồng nhỏ bên cạnh một phòng rộng làm nhà in Đuốc Tuệ. Đó là một căn nhà cấp 4 ở trong khuôn viên chùa Quán Sứ, Hà Nội. Quê ông cũng ở gần đó tức làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ, nay nằm trong địa phận của 2 phường Phương Liên và Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Kha, cha là cụ Cử Nguyễn Hữu Cầu, tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp lưu đày Côn Đảo. Vốn có lòng nhân hậu, lại chịu ảnh hưởng của bà nội mộ đạo Phật, thiên về đạo Phật, năm 18 tuổi (1920) ông bắt đầu đi sâu nghiên cứu các giáo lý của đạo Phật rồi nhận phụ giảng các lớp Tăng ni Phật tử. Năm 25-26 tuổi, bắt đầu dịch kinh. Sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập cuối năm 1934, ông nhận giúp Hội trông nom công việc tờ báo của Hội và quản lý nhà in Đuốc Tuệ. Việc trước tác vẫn tiếp tục tiến hành mạnh hơn.

Mọi người đều biết rằng giáo lý nhà Phật rất cao siêu. Muốn dịch kinh, viết sách Phật học được như nói ở trên phải có một cái tâm và một trí tuệ rất lớn. Theo chúng tôi cái tâm của ông là hoàn toàn dâng mình cho hoằng pháp độ sinh với một ý thức dân tộc rất mạnh. Điều này thể hiện rõ trong những hoạt động quên mình hàng ngày của ông mà chúng tôi đã chứng kiến và trong sự nghiệp trước tác của ông với những tư tưởng rất mạnh dạn. Cũng xin dẫn chứng thêm bằng một đoạn viết của ông từ thời cách đây đã 70 năm: "Các bậc thượng đức khắc kinh sách chữ Hán đã nhiều năm, giải nghĩa kinh luận cũng không ít, nhưng vì tính ta kém tự lập về tinh thần nên cứ vùi đầu với chữ Hán ... Kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán được thì dịch ra chữ ta cũng được chứ có hề chi ... Dám mong ai người hữu tâm hoằng đạo xin giúp đỡ để cho sau này kinh sách đều được dịch ra chữ quốc ngữ thì thật bổ ích cho nền Phật học của ta nhiều lắm" (Lời Tựa bản dịch kinh Kim Cương, Đuốc Tuệ, 1941).

Suốt trong nhiều năm ở gần ông, chúng tôi chỉ thấy ông mặc một bộ quần áo cánh vải thô như nông dân, đi đâu thì thêm chiếc áo dài thâm. Từ rất sớm cho đến chập tối, gần 13 tiếng đồng hồ trừ hơn 1 tiếng ăn và nghỉ trưa, ông không ngừng giải quyết biết bao công việc. Nào là các việc của báo Đuốc Tuệ tháng ra 2 kỳ, nào là các việc của nhà in, lại thêm việc trông nom xây dựng lại rất lớn chùa Quán Sứ trong nhiều năm.

Tuy bận việc đạo, việc đời như thế nhưng có một mục tiêu to lớn ông luôn tâm niệm hàng đầu là: "muốn chấn hưng Phật giáo, phải đào tạo một đội ngũ Tăng tài hùng hậu, có phẩm chất đạo đức, trí tuệ". Ông đề xuất với Hội xin mở ngay ba đạo tràng: Ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tại ba nơi: chùa Quán Sứ - chùa Bồ Đề (Gia Lâm)- chùa Tế Độ (Thanh Xuân, Hà Nội). Nội dung huấn luyện: Giới, Định, Tuệ; phương pháp: Văn, Tư, Tu. Lấy Kinh, Luật, Luận đã dịch ra tiếng Việt để thuận hành tụng niệm. Mỗi kỳ kết Hạ, an cư đều tề tập tại ba đạo tràng này. Được Tổ Vĩnh Nghiêm - Thiền Gia Pháp Chủ rất hoan hỷ tán thành, đồng thời phân công ba vị tổ có đạo cao đức trọng là tổ Trung Hậu, tổ Bằng Sở, tổ Cồn chủ trì ba đạo tràng. Thiều Chửu giúp Giáo hội giảng thuyết phần giáo lý, khoa học tự nhiên. Tất cả các chùa, phải cử Tăng ni về học cho đúng triệu tập của Giáo hội.

Từ đó ông thêm một nhiệm vụ nặng nề nữa. Ngày ngày từ 5 giờ sáng mặc dầu trời mưa rét hay nóng nực, chúng tôi thấy một hình ảnh rất cảm động: Thiều Chửu với một chiếc xe đạp cũ kỹ, lốp đặc không chuông, không phanh, không đèn, đạp từ phố Quán Sứ qua cầu Long Biên sang chùa Bồ Đề, Gia Lâm rồi lại từ đây đạp tiếp theo vào chùa Tế Độ, Hà Đông (nay thuộc quận Thanh Xuân), dù ốm đau không hôm nào bỏ buổi giảng của các Tăng ni sinh.

Từ ba đạo tràng trên ông đã góp phần cùng các Hoà thượng, Thượng toạ đào tạo được một đội ngũ Tăng ni làm nòng cốt cho công cuộc Chấn hưng Phật giáo phục đạo miền Bắc, đồng thời làm cơ sở cho cách mạng hoạt động bí mật lúc đó (tiền khởi nghĩa) và chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Cũng từ đây đã đào tạo được nhiều bậc Tăng ni có uy vọng lớn gánh vác trọng trách của Tam bảo như: Hoà thượng Tâm Tịch (Pháp Chủ), Hoà thượng Thanh Kiểm và Hoà thượng Tâm Thông; ni giới như: Ni trưởng Thích Đàm Ánh chùa Phụng Thánh, Hà Nội v.v...

Khi toàn quốc kháng chiến, ông rút lên chiến khu theo cách mạng, trải bao khó khăn gian khổ, ông vẫn duy trì lớp Phật học đều đặn.

Nhiều vị ở tỉnh xa, mến mộ phẩm hạnh đạo đức trí tuệ của ông, vượt qua vùng kiểm soát của giặc, lên chiến khu theo học ngày càng đông. Các vị Tăng ni sinh không những được ông truyền thụ giáo lý của Phật cho tận tình, còn học ở ông những quan điểm Phật giáo thực hành, vận dụng quan điểm đại hùng, đại lực, đại từ bi của nhà Phật. Cho nên khi kháng chiến chuyển sang giai đoạn ác liệt, nhiều vị Tăng ni tuổi còn thanh niên đã xung phong nhập ngũ, nhiều vị đã lập chiến công oanh liệt; nhiều vị đã hy sinh anh dũng như: Hà Văn Dưỡng (đệ tử tổ Cồn, Nam Định), Trần Thanh Tuấn (đệ tử Hoà thượng Trí Hải, Hà Nam) v.v...

Hơn 50 trẻ mồ côi dưới 12 tuổi được ông và Hội Tế sinh (cụ Cả Mọc, ông Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thuý...) cứu trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ, trụ sở nuôi các em bị giặc chiếm, các em lại bị bơ vơ không cha mẹ một lần nữa. Các vị trong Hội đều theo cơ quan đi kháng chiến không tham gia cứu trợ các em được nữa. Thiều Chửu tự nhận đưa các em vượt vòng vây của giặc ra ngoài vùng kháng chiến, nhận lấy trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ, bảo đảm an toàn cho các em. Thực là muôn vàn khó khăn, nếu không phải là người có đạo hạnh Bồ tát thì không thể làm được việc phi thường này.

Cuộc sống quên mình để hoằng dương Phật pháp, học vấn uyên thâm, đạo đức cao cả và tấm lòng nhân hậu, luôn luôn giúp đỡ mọi người khiến cho ông có một uy tín rất lớn, ai ai cũng kính nể cảm phục. Nhiều vị Hoà thượng, Thượng toạ, nhiều Phật tử, nhiều trí thức có tên tuổi như cụ Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, ông Hoàng Đạo Thuý, bác sĩ Trần Duy Hưng, bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết ... thường đến thăm ông, với thái độ thân thiết và trân trọng.

Suốt 8 năm kiên trì kháng chiến chống Pháp, dù phải chuyển cư nhiều lần do chiến sự và cuộc sống cực kỳ gian khổ, ông vẫn vừa lao động sản xuất vừa duy trì nề nếp học tập cho Tăng Ni, trẻ mồ côi. Điều rất quý là ngay trong hoàn cảnh khó khăn đó ông vẫn tiếp tục trước tác 3-4 cuốn sách có giá trị như bản chú giải kinh Viên Giác, sách "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ 20" mà một số nhà nghiên cứu đánh giá là một tác phẩm "đầy tâm huyết với nhiều tư tưởng đáng chú ý". Ông đã qua đời ở một làng thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, 7 ngày trước khi Hiệp định Genever về Việt Nam được ký kết, để lại sự tiếc thương vô hạn trong biết bao người. Nhưng bên cạnh những tình cảm sâu đậm ấy, một điều rất quý báu nữa là "ông đã để lại cho đời một sự nghiệp trước tác về Phật học làm giàu cho thư tịch cũng như văn hoá Việt Nam" (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q Thắng - Nguyễn Bá Thể, NXB Văn hoá thông tin, 1999). Cuốn sách còn nêu rõ: "Ông là một nhà Phật học uyên thâm am tường sâu sắc giáo lý đạo Phật". Tác giả bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận (NXB Văn học, 1994. Bản gốc do NXB Lá Bối Paris, 1985). Nguyễn Lang viết: "Ông là một cây bút rất vững chãi và sâu sắc... Văn Khoá Hư Lục rất khó dịch mà bản dịch của Thiều Chửu đọc rất êm tai, nghĩa lý rõ ràng, lại chú giải mỗi khi có danh từ khó: Từ năm 1999, học trò của ông là Ni sư Đàm ánh (trụ trì chùa Phụng Thánh, Khâm Thiên, Hà Nội), phát nguyện ấn tống và lần lượt tái bản những kinh sách của ông. Hiện nay nhà xuất bản Tôn Giáo đã bước đầu in lại bản dịch các kinh Phổ Môn, Thuỷ Sám, Kim Cương, Diệu Pháp Liên Hoa v.v... chữ to, giấy trắng, hợp với các Phật tử có tuổi1.

Các đệ tử của ông và một số nhà sử học, nhà văn hoá có ý nguyện năm 2002, đúng 100 năm sinh của cư sĩ Thiều Chửu, sẽ có một cuộc Sinh hoạt Lịch sử về ông để có thể tìm hiểu đầy đủ hơn về cuộc đời từ, bi, hỷ, xả và các cống hiến rất đáng trân trọng của ông, cũng là để giúp cho các thế hệ kế tiếp rút ra đôi điều về tấm gương kiên trì tự học tập rèn luyện và hết lòng hoằng dương Phật pháp cứu độ chúng sinh.

Tháng 4 năm 2002

 


Ghi chú:

Bài này đã đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ số tháng 5 năm 2002.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6794775