Thông tin

SỰ DỊ BIỆT VÀ HÒA HỢP TÔN GIÁO

TẠI CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG MÊ-KÔNG

 

TT.TS. THICH NHẬT TỪ(*)

 

Trong bài viết này, tôi nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đề cao sự hiểu biết, độ lượng và đối thoại liên tôn giáo vì mục đích tôn trọng các dị biệt về văn hóa và tôn giáo trên toàn cầu, trong bối cảnh của các nước tiểu vùng Mê-kông, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Quan điểm của tôi trong chiều hướng này là, ngoài sự thực tập phổ quát về độ lượng, tôn trọng, đối thoại liên tôn giáo, chúng ta cần khích lệ sự hợp tác giữa các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo khác nhau nhằm xây dựng hòa bình quốc tế cho nhân loại.

I. QUAN ĐIỂM TÍN ĐIỀU VÀ ĐA NGUYÊN VỀ DỊ BIỆT TÔN GIÁO

Ngày nay, nhân loại có nhiều loại hình tín ngưỡng, học thuyết, nghi thức và kinh nghiệm tôn giáo khác nhau. Sự dị biệt tôn giáo không phải là nguyên nhân chính của các xung đột chính trị và xã hội. Trên thực tế, sự dị biệt tôn giáo cần được chấp nhận là yếu tố cần thiết làm cho xã hội trở nên đa diện và năng động hơn.

Do khuynh hướng của con người, hơn là ước muốn của Thượng đế, các tôn giáo khác nhau lần lượt xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Sống trong thế giới đa nguyên, chúng ta không nên sợ hãi về sự dị biệt tôn giáo. Trải qua hàng thế kỷ, đã từng xuất hiện các xung đột xã hội và chiến tranh đẫm máu, dưới danh nghĩa tôn giáo hoặc nhân danh Thượng đế, tạo ra nỗi khổ niềm đau nghiêm trọng đối với xã hội con người. Không ai có thể phủ định rằng sự đa nguyên tôn giáo là cần thiết cho sự phát triển đạo đức và tâm linh của con người. Nếu không có sự dị biệt tôn giáo, chắc hẳn cũng không có bất kỳ tôn giáo nào đủ sức để phụng sự và làm lợi ích cho toàn thể nhân loại.

Thông thường, cách tiếp cận hữu thần về tôn giáo thường rơi vào tín điều độc đoán, dưới hình thức này hay hình thức khác, nhiều hay ít. Bằng sự thực tập hòa hợp tôn giáo, chúng ta không nên tuyên bố rằng: “Tôn giáo của tôi là số một, vượt trội hơn các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Tôn giáo tôi là tối thượng, các tôn giáo còn lại đều là sai lầm”. Quan điểm tín điều cực đoan này đã phủ định các giá trị thực tiễn của tôn giáo khác, tạo ra hệ quả xung đột và khủng hoảng tôn giáo. Thái độ tín điều về các tôn giáo khác là hậu quả của sự hướng dẫn lầm lạc, giải thích sai lầm và thành kiến độc tôn tôn giáo. Mỗi tôn giáo có vị trí và giá trị riêng, tồn tại trên hành tinh để phụng sự nhân loại.

Vấn nạn mà các tôn giáo đối diện hiện nay không phải là tự thân của sự dị biệt, vì các tôn giáo vốn khác nhau về bản chất. Vấn nạn chỉ xuất hiện khi thái độ tín điều được sử dụng đối lại với tôn giáo khác mà chúng ta không phải là một tín đồ trực thuộc. Khi xem các tôn giáo khác là kẻ thù, đối thủ hay lực lượng hủy diệt thì sự hòa hợp tôn giáo không thể đạt được. Sự hiện hữu của dị biệt tôn giáo trong lịch sử nhân loại chứng minh rằng không có tôn giáo độc nhất nào có thể phụng sự nhân sinh một cách trọn vẹn. Chúng ta nên học cách chấp nhận và cảm kích các giá trị của tôn giáo khác đúng với bản chất của tôn giáo đó.

Sự tiếp cận dị biệt tôn giáo từ góc độ đa nguyên sẽ giúp chúng ta thừa nhận, chấp nhận, cảm kích các tôn giáo khác như chúng đang là. Các hệ thống tôn giáo dị biệt có các cách thức trị liệu nỗi khổ niềm đau của con người khác nhau. Nhu cầu dị biệt tôn giáo là một hiện thực, cũng giống như đường lên mái nhà có nhiều cách khác nhau, tùy theo sự lựa chọn và tiện nghi có được. Đại đế Asoka của Phật giáo và đạo sĩ Vivekananda của Ấn Độ giáo là những minh chứng sống động về quan điểm đa nguyên tôn giáo.

Trong lời phát biểu nổi tiếng, đạo sĩ Vivekananda tôn trọng các tôn giáo khác, tuyên bố rằng: “Tôi không có lời nào chống lại các tôn giáo hay người sáng lập tôn giáo đó trên thế giới. Đối với tôi, các tôn giáo là thiêng liêng”(1). Giải thích quan điểm của ông về các tôn giáo khác, đạo sĩ Vivekananda cho rằng: “Tôi chấp nhận các tôn giáo trong quá khứ và sùng tín các tôn giáo đó. Tôi sùng tín Thượng đế theo các hình thái mà tín đồ các tôn giáo đã thờ phượng ngài. Tôi sẽ đến đền thờ ngài Mohammed. Tôi sẽ vào nhà thờ Kito giáo và quỳ xuống trước chân người. Tôi sẽ vào chùa Phật giáo để quy ngưỡng đức Phật và giáo pháp cao quý của ngài. Tôi sẽ vào rừng và ngồi trong thiền quán với các đạo sĩ Bà-la-môn, những người tìm kiếm ánh sáng để soi sáng tâm trí của con người”(2).

Để tránh các xung đột giữa các tôn giáo, thi hào Aurobindo viết rằng: “Xung đột tôn giáo xuất hiện là do con người chủ trương chân lý loại trừ và đòi hỏi sự tuân phục tuyệt đối bằng phương pháp tín điều, niềm tin lễ nghi tôn giáo và các hành động bị ép buộc. Giải pháp thoát khỏi vấn nạn nêu trên là chân lý đích thực của tôn giáo nằm trong kinh nghiệm tâm linh trong đó, nó là phần hình thành ngoại tại”(3).

Đại đế Asoka (304-232 TTL) trong sách dụ bằng đá thứ 12 đã chia sẻ rằng: “Vua Piyadasi, người được các thần linh yêu quý, tôn kính các bậc xuất sĩ và các cư sĩ thuộc các tôn giáo. Nhà vua tôn kính họ bằng phẩm vật, dưới nhiều hình thái khác nhau. Bất kỳ ai đề cao tôn giáo mình, do thuần tín thiên cực, phê phán tôn giáo khác khi nghĩ rằng “tôi làm chói sáng tôn giáo tôi”, chỉ làm tổn hại tôn giáo của mình. Do đó, sự liên lạc giữa các tôn giáo là tốt. Chúng ta cần lắng nghe và tôn trọng giáo nghĩa của tôn giáo khác. Vua Piyadasi mong mỏi rằng mọi người hãy học rộng, hiểu nhiều về triết thuyết của tôn giáo khác”(4).

Trong bối cảnh của toàn cầu hóa và hội nhập, chúng ta cần thừa nhận sự kiện không thể phủ định rằng, thế giới của chúng ta là thế giới đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo. Để tăng cường hòa hợp tôn giáo, chúng ta cần thừa nhận những dị biệt của tôn giáo thế giới và học cách tôn trọng các hành trì và dị biệt tôn giáo. Không hiểu các tôn giáo khác, chúng ta khó có thể hiểu sâu tôn giáo của mình. Khi tăng cường sự hội nhập với cộng đồng tôn giáo khác, chúng ta sẽ hiểu triết lý và giá trị của tôn giáo khác rõ ràng hơn.

II. HÒA HỢP TÔN GIÁO VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Trong thế kỷ XXI, toàn cầu hóa là tiến trình tương tác, tương liên và phổ quát, mang lại sự tương tác văn hóa, kinh tế và xã hội giữa các công dân toàn cầu, làm tăng trưởng sự hiểu biết về các giá trị phổ quát cộng thông của nhân loại, theo đó tôn giáo đóng vai trò quan trọng.

Ngày nay, hàng tỷ người trên hành tinh là tín đồ của nhiều tôn giáo, hữu thần hoặc nhất thần. Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, nhiều tôn giáo như Ấn Độ giáo , Phật giáo, Kỳ Na giáo, Đạo Sikh, Do Thái giáo, Kito giáo, Hồi giáo… đã xuất hiện vì mục đích dẫn dắt con người sống cuộc đời chân chính và cao thượng, nhằm thoát khỏi các tư duy và hành vi bất thiện.

Tuệ quán về lịch sử thế giới giúp chúng ta thấy rằng Ấn Độ là bà mẹ vĩ đại của tôn giáo, đã sinh ra một số tôn giáo thế giới, bao gồm Ấn Độ giáo và Phật giáo. Cộng đồng Phật tử toàn cầu thường xem họ là “Con cháu của Ấn Độ,” theo nghĩa Phật giáo có nguồn gốc tại Ấn Độ. Từ thời cổ đại, Ấn Độ nổi tiếng đa nguyên tôn giáo và hòa hợp tôn giáo, đề cao bất bạo động. Ấn Độ giáo và Phật giáo chưa bao giờ tấn công các nền văn minh và văn hóa khác. Theo các truyền thống tôn giáo Ấn Độ, một chân lý có thể được các bậc thánh giải thích bằng nhiều cách khác nhau. Con người tôn giáo không ngừng tìm kiếm chân lý. Chân lý có thể được diễn đạt dưới nhiều danh xưng và hình thái khác nhau. “Chân lý có thể được tiếp cận từ nhiều hướng và đạt được qua các con đường khác nhau”(5).

Lịch sử thế giới chứng minh rằng sự thành lập và đề cao hòa hợp tôn giáo là con đường trọng tâm, tạo ra thế giới hòa bình và phát triển. Khi không còn chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, không độ lượng tôn giáo hoặc phân biệt tôn giáo, thì quần chúng thuộc các tôn giáo có thể cộng tồn trong hòa hợp và hòa bình.

Khi tôn giáo bị dẫn dắt sai, lý giải sai, hoặc bị lợi dụng bởi những người cực đoan tôn giáo thì các xung đột và bất độ lượng tôn giáo sẽ xuất hiện. Hệ quả là, nhiều vấn nạn xã hội xuất hiện theo sau. Hòa hợp tôn giáo chỉ có thể đạt được, khi con người tôn giáo ngừng phân biệt đối xử dưới danh nghĩa tôn giáo.

Con người trên toàn thế giới nên tìm kiếm những nền tảng chung giữa các quốc gia, nhằm tôn trọng sự phong phú của các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo. Các nhà lãnh đạo chính trị cần có các biện pháp thích hợp nhằm tăng cường hòa bình phổ quát qua chủ trương tôn trọng tính toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia. Các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân cần nỗ lực tập thể, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết thông qua đối thoại xây dựng giữa các nền văn minh và tôn giáo.

Hợp tác quốc tế cần được đề cao nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, trên nền tảng tôn trọng luật pháp quốc tế. Khích lệ sự tôn trọng nhân quyền phổ quát và tự do căn bản cho con người là con đường xây dựng tình hữu nghị hòa tình giữa các quốc gia.

Công dân toàn cầu cần thúc đẩy sự tôn trọng các dị biệt văn hóa và di sản văn hóa như nguồn khích lệ cho sự tăng cường hòa bình thế giới một cách bền vững. Công dân toàn cầu có quyền tự định đoạt tình trạng tôn giáo và văn hóa của mình, đang khi giữ gìn, theo đuổi và phát triển sự tăng trưởng tôn giáo văn hóa xã hội và kinh tế.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần khích lệ tín đồ tôn trọng các di sản văn hóa và dị biệt văn hóa, đang khi lắng nghe và học hỏi lẫn nhau bằng sự nhấn mạnh, tăng cường và bảo vệ các hành trì tôn giáo, tự do tôn giáo, độ lượng tôn giáo và tôn trọng sự dị biệt, hòa hợp tôn giáo và hòa bình thế giới sẽ được đề cao và đạt được trong tầm tay.

III. ĐỘ LƯỢNG VÀ ĐỐI THOẠI TÔNGIÁO VÌ HÒA HỢP TÔN GIÁO

Hòa hợp liên tôn được hình thành trong lịch sử nhân loại là nhằm đề cao sự cộng tồn đích thực và vì hòa bình bền vững. Nỗ lực tập thể này cần được xây dựng trên nền tảng vững chãi nhất, bằng cách sử dụng đối thoại liên tôn năng động như công cụ để đạt được mục đích.

Bên cạnh các chướng ngại vật của bất độ lượng tôn giáo và cực đoan tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo nên khích lệ sự đối thoại và tương tác giữa các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo, không phân biệt sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Tôn trọng sự dị biệt văn minh có thể giúp chúng ta bảo tồn các di sản tập thể của nhân loại. Các nỗ lực tập thể cần được nhấn mạnh, để đảm bảo rằng các di tích, di sản văn hóa tôn giáo được tôn trọng và bảo vệ, nhằm xóa đi các khoảng cách về sự hiểu biết giữa các nền văn hóa và tôn giáo.

Các hình thái bất độ lượng và phân biệt trên nền tảng tôn giáo và tín ngưỡng cần bị lên án và loại trừ. Các hình thái thành kiến, bất độ lượng tôn giáo sẽ tạo ra hận thù, xung đột, bạo lực, khủng bố giữa các cộng đồng và các quốc gia trên toàn cầu.

Độ lượng tôn giáo trở nên cần thiết cho việc tăng cường các quan hệ quốc tế hòa bình trong thế kỷ XXI. Sự đề cao phổ quát về nền văn hóa hòa bình thế giới cần được xây dựng trên nền tảng tôn trọng dị biệt về đức tin, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và ý thức hệ.

Đối thoại liên tôn giáo là tiến trình tương liên giữa con người tôn giáo dựa trên nguyên lý bình đẳng, độ lượng, cởi mở, bao hàm và trí tuệ tập thể để học và khám phá các giá trị cốt lõi cộng thông hoặc giá trị nhân bản phổ quát.

Bằng sự đề cao đối thoại và hòa hợp tôn giáo, chúng ta có thể cảm kích về sự phong phú và trí tuệ hiện hữu trong các tôn giáo, vốn rất lợi ích cho tri thức nhân loại và cho sự phát triển thế giới. Trí tuệ tôn giáo tập thể giúp chúng ta trình bày và giải quyết các thách đố cộng thông, vốn đe dọa xã hội loài người, bao gồm sự thay đổi khí hậu khủng hoảng xã hội, xung đột và khủng bố.

Thông qua đối thoại liên tôn giáo, chúng ta cùng nỗ lực tìm kiếm và đạt được sự hiểu biết tốt hơn về các giá trị đạo đức cộng thông của tôn giáo thế giới. Bằng sự thừa nhận về tính dị biệt tôn giáo và văn hóa như những đặc điểm nền tảng của xã hội loài người, chúng ta có thể làm giàu sự lớn mạnh phúc lợi tâm linh, vốn được chia sẻ trong các tôn giáo.

Khi sự tham dự có trách nhiệm của các cá nhân, cộng đồng và quốc gia trong đối thoại liên tôn giáo ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế được thúc đẩy hiệu quả hơn thì sự cam kết về hợp tác giữa các tôn giáo như cơ chế đề cao các giá trị phổ quát. Đối thoại liên tôn giáo tạo ra các đóng góp trọng tâm cho việc xây dựng niềm tin và xây dựng hòa hợp giữa các tôn giáo.

Tham gia trong đối thoại liên tôn giáo sẽ trở nên toàn cầu trong phạm vi, và rộng mở đối với mọi thành phần, bao gồm học giả, nhà tư tưởng, giới tri thức và giới thực hành tôn giáo, những người đóng vai trò công cụ quan trọng, trong sự khởi xướng và tạo ra tính bền vững về hòa hợp tôn giáo.

Các tổ chức khu vực và quốc tế, các hội đoàn dân sự, các tổ chức phi chính phủ luôn được chào đón, cùng tiến hành các bước thích hợp, khởi sự để tạo ra đối thoại liên tôn giáo trong nhiều phạm trù, vì mục đích hòa hợp tôn giáo và hòa bình thế giới.

Tăng cường về sự thống nhất tâm linh giữa các tôn giáo giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của hòa hợp liên đức tin và xã hội trong sự dị biệt tôn giáo, cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Khuynh hướng căn bản về “thống nhất trong dị biệt” tạo ra ý thức và giáo dục về hòa hợp toàn cầu, vốn hình thành nên nền tảng hòa hợp tôn giáo và nền văn minh hòa hợp của thế kỷ XXI.

Sự ra đời của tính hòa hợp tôn giáo toàn cầu suốt lịch sử nhân loại là con đường duy nhất cho sự cộng tồn tôn giáo, phát triển bền vững và hòa bình thế giới. Sự thật hiển nhiên là, bằng cách bắt tay nhau, chúng ta đánh dấu sự bắt đầu của một kỷ nguyên nhân loại, kỷ nguyên hòa hợp tôn giáo, với mục đích vượt qua chủ nghĩa khủng bố, xung đột, bất độ lượng và cực đoan tôn giáo.

Ngày nay, có sự nỗ lực vun trồng tập thể về hòa hợp tôn giáo và xã hội khi nhân loại bước vào ngưỡng cửa của nền văn minh hòa hợp. Hòa hợp tôn giáo thế giới mở ra con đường cho hòa hợp toàn cầu thông qua hòa hợp liên đức tin một cách có ý thức.

Có thể giả định chắc chắn rằng sự đa nguyên tâm linh và hòa hợp dị biệt tôn giáo giúp cho thế giới trở nên nơi sinh sống an toàn hơn. Hợp nhất, hòa hợp và thân thiện không chỉ là những lý tưởng của cộng tồn, còn là những yếu tố tạo nên sự hòa hợp nội tại, ngoại tại lâu dài giữa con người. Người Phật tử tin rằng thống nhất và hòa hợp nội tại sẽ dẫn đến thống nhất và hòa hợp ngoại tại. Khi sinh sống và làm việc trong hòa hợp, ta sẽ đạt được sự hòa hợp hội nhập. Khi các nguyên nhân chính của xung đột giữa cá nhân, cộng đồng xã hội và quốc gia được thừa nhận đích thực từ tham ái, sân hận, si mê và cố chấp thì sự tháo mở các chướng ngại vật tâm lý nêu trên sẽ mang lại sự hợp nhất, hòa hợp, hòa bình, và hạnh phúc cho nhân sinh.

Đề cao hòa hợp tôn giáo mở ra con đường mới cho tư duy tôn giáo xã hội trong thế kỷ XXI, vốn có thể dẫn đến sự phát triển và hòa hợp xã hội. Hợp nhất trong dị biệt giữa các tôn giáo, văn minh và văn hóa mở ra tuệ giác toàn cầu, theo đó soi sáng sự phát triển ý thức về bất bạo động. Đề cao văn hóa bất bạo động sẽ tạo ra chủ nghĩa hòa hợp tôn giáo. Đây chính là bước chuyển trong nhận thức và hành vi của con người.

IV. GIÁO DỤC VÌ ĐA NGUYÊN TÔN GIÁO

Giáo dục tôn giáo, đặc biệt giáo dục Thiên Chúa giáo tại châu Á đã bỏ quên tính hiện thực của đa nguyên văn hóa châu Á, dẫn đến tình trạng xâm thực văn hóa, loại bỏ và khử trừ các thực tại văn hóa của tôn giáo khác. Hệ quả của sự loại trừ tôn giáo này là mất niềm tin, nghi ngờ, thù hận, và xung đột bạo lực sẽ xuất hiện giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Hệ giống giáo dục Thiên Chúa giáo cận đại nhấn mạnh đến tính châu Á, theo cách tận dụng các dữ liệu văn hóa châu Á làm công cụ cho sự lý giải thần học. Chính sách này dẫn đến sự ám sát bản sắc văn hóa của các tôn giáo khác. Nếu nền “thần học loại trừ” tạo ra các ngộ nhận, bất độ lượng và khử trừ xã hội, thậm chí chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo và cực đoan tôn giáo, thì sự chuyển đổi từ tính loại trừ sang tính bao hàm, từ nhu cầu đạt được đại đa số đến sự hài lòng với thiểu số, sẽ là chính sách thần học châu Á mới có hiệu quả cho sự cải đạo.

Tán đồng và tôn trọng đa nguyên tôn giáo trong bối cảnh hiện đại là nghệ thuật xây dựng hòa bình vốn liên hệ đến sự trung thành của con người với tôn giáo của họ, trong khi đồng thời trở nên rộng mở và mở hiểu biết về các nền văn hóa và tôn giáo khác. Giáo dục theo hướng này sẽ vượt lên trên sự xâm lăng văn hóa. Nói chung, giáo dục tôn giáo cần nhấn mạnh đến các đối thoại liên tôn giáo về phương diện ý nghĩa và giá trị.

Mục đích của giáo dục tôn giáo là để nhận ra rằng, các tôn giáo khác là các thực tại văn hóa vốn có các cấu trúc giá trị riêng, theo đó thành lập mối quan hệ hữu nghị, đối thoại và cộng tồn trên nền tảng tương kính, hiểu biết và hòa bình. Mối quan tâm chính yếu của chính sách trên là đề cao sự hòa giải, trị liệu, hòa hợp và hòa bình giữa các cộng đồng đa nguyên. Giáo dục tôn giáo nêu trên phải thật sự chân thành, rộng mở, khích lệ sự tham dự và đối thoại và có khả năng chuyển hóa các xung đột xã hội.

Cộng tồn là trạng thái, theo đó, hai hoặc nhiều nhóm cùng sống chung nhau trong bối cảnh không gian và thời gian, tôn kính các sự dị biệt, bất luận chính trị, tôn giáo, văn hóa, chủng tộc, và giải quyết các xung đột thông qua hiểu biết, độ lượng, bất bạo động. Giáo dục tôn giáo rất cần thiết cho việc xây dựng hòa bình thông qua đối thoại và các phương tiện bất bạo động.

Cộng tồn hình thành nên sự hòa hợp giữa các cá nhân, cộng đồng, quốc gia và các liên minh. Để sự cộng tồn trở nên bền vững thì hòa bình và hạnh phúc của mỗi bên cần được xem như mối quan tâm hàng đầu. Các nỗ lực nhận ra hòa bình bền vững và sự phát triển bền vững bao gồm sự thừa nhận các sai lầm quá khứ, kêu gọi sự tha thứ, tìm kiếm công bằng, tái xây dựng tình huynh đệ, tái cấu trúc hệ thống xã hội trên nền tảng tôn trọng sự thay đổi tích cực.

V. GIÁO DỤC HÒA BÌNH VÌ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo Phật giáo, hòa bình bền vững và phát triển bền vững là hai phương diện của cùng một vấn đề, nghĩa là, sự tồn tại của cái này kéo theo sự hiện hữu của cái nọ, và cả hai không thể phân ly. Các nỗ lực tạo ra hòa bình bền vững thường đối diện với các thách thức. Từ năm 2006 đến nay, xung đột Trung Đông và khủng hoảng hạt nhân tại Iran và Bắc Triều Tiên đã tạo ra các bạo lực và chủ nghĩa khủng bố có mặt khắp nơi trên thế giới. Xung đột vũ trang, chiến tranh dân sự, chiến tranh du kích, bạo lực sắc tộc và các phong trào ly khai trên thế giới nói chung, châu Á nói riêng, đã tạo ra vô vàn nỗi khổ niềm đau và chết chóc xuyên qua nhiều thế hệ. Các tấn công khủng bố đã đe dọa hàng triệu con người. Có khoảng 1.6 triệu người đã chết mỗi năm vì bạo lực. Nếu mỗi công dân toàn cầu đều thực tập tâm thương xót, tâm cảm thông và chuyển hóa hận thù nhằm xây dựng nền văn hóa hòa bình thì chúng ta có thể cứu sống được hơn 1 triệu người mỗi năm từ các cái chết bạo lực.

Giáo dục hòa bình không chỉ liên hệ các xung đột bắt nguồn từ các cuộc ngoại xâm, chiến tranh, bóc lột, bất công bằng và vi phạm nhân quyền mà còn nỗ lực cho nền hòa bình, vì mục đích xây dựng một xã hồi công bằng và bất bạo động là cần thiết cho sự hiện hữu tiếp tục và phát triển của nhân loại trên địa cầu. Giáo dục hòa bình là nguồn gốc của tuệ giác vì mục đích thay đổi tích cực đối với các vấn nạn toàn cầu. Thật là quan trọng khi xây dựng xã hội toàn cầu thịnh vượng và phát triển. Trong ý nghĩa rộng hơn, giáo dục hòa bình gắn kết với giáo dục giải trừ vũ khí, giáo dục môi trường, giáo dục nhân quyền và giáo dục hòa hợp quốc tế.

Giáo dục hòa bình sẽ ủng hộ và cung ứng tri thức nền tảng về các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo, theo đó, người thực tập hòa bình thừa nhận và chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên xã hội. Các phương pháp giảng dạy liên văn hóa cần nhấn mạnh về giáo dục hòa bình và sự tái thừa nhận về việc tôn trọng đa nguyên văn hóa và tôn giáo trong xã hội hiện đại. Các phương diện về nghệ thuật, văn học, lối sống, hệ thống giá trị, các đức tin tôn giáo và truyền thống… cần được xem xét như nguồn tài nguyên văn hóa vốn cần đến sự tôn trọng và bảo vệ của chúng ta.

Giáo dục hòa bình nên nhấn mạnh về giáo dục dị biệt tôn giáo và đa nguyên tôn giáo, như các phương diện của tự do chọn lựa. Điều này giúp cho công dân toàn cầu tránh được các hình thái của “xung đột văn minh” và cũng là một trong những nền tảng phát triển kinh tế, tri thức, đạo đức và tâm linh toàn cầu.

Theo Phật giáo, chiến tranh không thể được xem là phương tiện thiết lập hòa bình. Vì hận thù không thể bị tiêu diệt bằng hận thù, do đó, chiến tranh không thể là nền tảng của hòa bình được. Chiến tranh kéo theo bạo lực, đẫm máu, chết chóc, hủy diệt, phân hóa và khủng hoảng xã hội. Theo đức Phật, kinh doanh về vũ khí, ma túy, rượu bia và chất gây say… được xem là các nghề bất thiện, vì chúng có hại cho sức khỏe thân thể và tâm hồn, cũng như bất lợi cho đạo đức nhân sinh. Ảnh hưởng tiêu cực của các loại thương mại nêu trên, trên thực chất, là sự sụp đổ của cộng đồng và xã hội. Xây dựng hòa bình trên nền tảng tương kính, từ bi, trí tuệ và độ lượng là cách tốt nhất để đạt được hòa bình bền vững vì mục tiêu phát triển bền vững.

Xây dựng hòa bình bền vững nên bắt đầu từ khuynh hướng làm tăng trưởng thái độ bao hàm chính trị và tôn giáo để giảm thiểu xung đột, bạo lực và chiến tranh. Đây cũng là cách giảm thiểu các nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng xã hội, vốn được xem là trọng tâm của phát triển bền vững trong mỗi quốc gia.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo hữu thần nên nỗ lực vượt qua chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, xung đột tôn giáo, và không nên sử dụng tôn giáo nhằm biện hộ cho bạo lực và chiến tranh. Đối thoại liên tôn giáo nên thực hiện vì mục đích xây dựng hòa bình tôn giáo, chứ không nên là sự biện hộ cho sự bao hàm bản sắc và cải đạo. Mối quan tâm chính của các tổ chức liên tôn cấp quốc gia và thế giới nên hướng về việc xây dựng nhịp cầu giữa các tổ chức tôn giáo, nhằm gây tạo ý thức tín đồ về các vấn đề hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Các nỗ lực tôn giáo vì hòa bình cần được tiến hành vì mục đích phúc lợi và hạnh phúc con người.

Theo Phật giáo, hòa bình bền vững cao nhất là hòa bình nội tại trong mỗi con người, khi các biểu hiện của khổ đau và nguyên nhân gây tạo chúng đã kết thúc. Hòa bình nội tại dẫn đến hòa bình thế giới. Xây dựng hòa bình theo phương hướng nêu trên là nguồn gốc cho sự phát triển bền vững đích thực. Chìa khóa xây dựng hòa bình và hòa hợp thế giới là không khí hòa bình trong mỗi trái tim người. Phát triển tâm và chuyển hóa hành vi bất thiện được xem là công việc quan trọng hàng đầu mà các tổ chức hòa bình thế giới nên quan tâm.

Con người tôn giáo cần thực tập các nguyên lý từ bi phổ quát và tôn trọng bình đẳng cũng như sự cộng tồn trong hòa hợp. Các nhà hoạt động hòa bình cần phải khách quan và kiên nhẫn trong giải quyết xung đột, tránh tình trạng loại trừ tôn giáo và loại trừ xã hội.

Xây dựng hòa bình cần được thực hiện thông qua các phương tiện khác nhau bao gồm hành vi “hòa bình phủ định” (negative peace), tức nhấn mạnh sự kết thúc chiến tranh và các nguyên nhân chiến tranh, và hành động “hòa bình tích cực” (positive peace) là thực tập chuyển hóa các nguyên nhân bạo lực xã hội trong tâm của con người, chẳng hạn các trở ngại tinh thần đối với sự phát triển đạo đức và tâm linh cũng như hạnh phúc của con người. Mô thức giáo dục hòa bình bền vững cần bao hàm ý thức về nhu cầu hòa bình, sống theo phong cách từ bi và bất bạo động, tôn trọng nhân quyền và các giá trị phổ quát. Đồng thời chúng ta cần đầu tư về phát triển tâm linh để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của con người.

Để đạt được hòa bình phủ định, cộng đồng quốc tế cần tham gia vào các hoạt động phản chiến, loại trừ các hình thái xâm lăng, không khích lệ các hoạt động bạo lực, nói không với việc chạy đua vũ trang và vi phạm nhân quyền, xóa bỏ các gốc rễ xã hội của bất bình đẳng, bất công về kinh tế, tham nhũng trong quản trị đất nước, và đặc biệt là sự loại trừ xã hội.

Để đạt được hòa bình tích cực, mỗi người cần thực tập thiền quán để chuyển hóa các gốc rễ tâm lý gồm tham lam, hận thù, vô minh và cố chấp, đồng thời phát triển từ bi và trí tuệ. Khi hòa bình được thành tựu trong tâm của mỗi người, mọi gia đình và mọi cộng đồng, đó chính là hòa bình bền vững đích thực. Hòa bình bền vững khi tồn tại trong tâm của con người sẽ kéo theo sự phát triển bền vững gồm các phương diện vật chất, tinh thần, đạo đức và tâm linh.

Theo Phật giáo, khi hòa bình bền vững và phát triển bền vững ngự trị trên trái đất, cái gọi là thế giới khổ đau sẽ không còn khác biệt với Tịnh độ. Tịnh độ với hòa bình bền vững và phát triển bền vững là rất cần thiết, không chỉ cho cộng đồng châu Á mà còn cho cộng đồng toàn cầu.

 


(*). Phó Viện trưởng – Tổng thư ký viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.

1. “I have not one word to say against any religion or founder of any religion in the world. All religions are sacred to me.” Swami Vivekananda, The Complete Works of Swami Vivekananda, Mayavati Memorial Edition, Calcutta, 1988, vol. VII, p. 458.

2. I accept all the religions that were in the past, and worship them all; I worship God with every one of them, in whatever form they worship Him. I shall go to the mosque of Mo- hammedan, I shall enter the Christians Church and kneel before the crucifix; I shall enter the Buddhist temple, where I shall take refuge in Buddha and in his law. I shall go into the forest and sit down in meditation with the Hindu, who is trying to find the light which enlightens the heart of every one”. Vivekananda, The Complete Works of Swami Vivekananda, Mayavati Memorial Edition, Calcutta, 1988, vol. V, p. 305.

3. “The conflict of religions arises because each one claims the exclusive truth and demands complete adherence to it by the method of dogma, belief, ritual ceremony and prescribed acts. The solution would be to recognise that the real truth of religion is in the spiritual experience of which it is an outer formation”. Sing, K. (2007) Interfaith Harmony in A Globalized Society, www.timesofindia.com.

4. “The beloved of the gods, king Piyadasi, honors both ascetics and the householders of all religions, and he honors them with gifts and honors of various kinds. Whoever praises his own religion, due to excessive devotion, and condemns others with the thought “Let me glorify my own religion,” only harms his own religion. Therefore contact between religions is good. One should listen to and respect the doctrines professed by others. The beloved of the gods, king Piyadasi, desires that all should be well-learned in the good doctrines of other re- ligions”. Edicts of Ashoka, Trans. Ven. Dhammika, http://www.livius.org/sh-si/shahbazgarhi/shahbazgarhi2.html

5. Rigvieda 1.64.46: “ekam sadvipraa bahudhaa vadanti” literally means “The same truth can be explained differently by the sages”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 62
    • Số lượt truy cập : 6953960