Thông tin

SỰ ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO

CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TRONG CÔNG CUỘC THỐNG NHẤT

PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀO NĂM 1981

 

Thượng tọa Tiến sĩ THÍCH ĐỨC THIỆN
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN

 

Chúng ta đều biết, vào ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức trang nghiêm trọng thể thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam với phương châm của Giáo hội là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Điều cần ghi nhận, một trong 9 tổ chức hệ phái thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đó là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn, Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, bậc giáo phẩm làm trưởng đoàn đại diện hệ phái tham gia sự kiện lịch sử trọng đại này.

Điều đặc biệt nữa, trong 9 tổ chức hệ phái thành viên tham gia Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có một thành viên quan trọng, đó là Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, điều đáng chú ý ở đây, lãnh đạo và các thành viên Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh cũng đều là những bậc giáo phẩm quan trọng của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam tham gia Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Chỉ riêng về thành phần nhân sự nòng cốt trong Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh và trong Ban vận động thống nhất Phật giáo, chúng ta sẽ nhận thấy vai trò, vị trí, và những đóng góp quý báu của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà vào năm 1981.

Nhằm ghi nhận, tôn vinh, tri ân những bậc tiền bối hữu công một thời đã gầy dựng nên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đã có những cống hiến thiết thực, hiệu quả cho đạo pháp và dân tộc trong một thời kỳ lịch sử, đồng thời với mong muốn làm sáng tỏ những giá trị lịch sử về cội nguồn của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, chính mục đích ý nghĩa cao cả này, hôm nay hệ phái Phật giáo Cổ truyền - Lục Hòa Tăng Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”. Trước hết tôi xin kính chúc Chư Tôn đức cùng quý vị đại biểu lời cầu chúc sức khỏe, an lạc và kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Vinh dự được mời tham gia hội thảo này, cảm nhận đầu tiên của tôi, có thể nói đây là dịp cá nhân tôi được tìm hiểu, học tập những bài học sâu sắc về tâm đức, trí tuệ, hạnh nguyện, tấm gương yêu nước, tinh thần trách nhiệm cao cả của Chư tôn đức tiền bối trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đối với Tổ quốc và đối với Phật giáo nước nhà trong một giai đoạn lịch sử, hưởng ứng mục đích ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” và “tri ân các bậc tiền bối hữu công” rất nhân văn sâu sắc, trên tinh thần phấn khởi, hoan hỷ, tôi xin đóng góp cùng hội thảo bài tham luận: “Sự đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam vào năm 1981”.

1. Lược sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, có quá trình đồng hành cùng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm, vào năm 1969, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập từ sự hiệp nhất hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thuộc hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam.

Qua tìm hiểu, được biết Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có nguồn gốc sâu xa từ Hội Lục Hòa Liên Xã, lật lại những trang sử trong cuốn “Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”1 tôi nhận thấy, thành phần nhân sự chủ chốt của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và các tổ chức Phật giáo cứu quốc các tỉnh thành Nam bộ đều xuất thân từ Hội Lục Hòa Liên Xã, và cũng từ nguồn nhân sự của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và các tổ chức Phật giáo cứu quốc các tỉnh thành Nam Bộ đã thành lập nên Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam vốn là tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Từ khi thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã vào năm 1922, sự kiện ra đời của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ vào năm 1947, thành lập Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam vào năm 1952, từ đó lập ra hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử vào năm 1953, sau đó lại hợp nhất hai tổ chức này để thành lập nên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vào năm 1969. Sau khi ra đời, hoạt động hộ quốc an dân của hệ phái  Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam tiếp tục được Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam kế thừa và phát huy hiệu quả cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất vào năm 1975.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử nước nhà, trong suốt quảng thời gian dài này là thời kỳ đất nước ta bị thực dân đế quốc xâm lược đô hộ và toàn dân tộc đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, điều đáng ghi nhận là trong đó có sự đóng góp trí tuệ công sức đáng kể của các tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và của tổ chức này trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc từ ngày thành lập đến ngày đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất vào năm 1975.

2. Sự đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam vào năm 1981

Sau năm 1975 đất nước hòa bình thống nhất, hoạt động của Phật giáo Việt Nam dần dần trở lại bình thường, thế nhưng để Phật giáo có được sự ổn định và phát triển bền vững, cũng như góp phần hiệu quả vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá, thì việc đầu tiên là cần phải thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước lại thành một khối đoàn kết hòa hợp trên tinh thần lục hòa cộng trụ.

Nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong cả nước thành một khối đoàn kết nhất quán đã nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của Chư Tôn đức giáo phẩm của các tổ chức hệ phái trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam và của chư Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước.

Đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trước yêu cầu cánh đáng này, có thể nói đây là những thuận lợi căn bản giúp cho lý tưởng thống nhất Phật giáo Việt Nam trở thành hiện thực.

Tuy nhiên vào thời điểm sau ngày miền Nam mới vừa được giải phóng và đất nước mới vừa hưởng được đời sống hòa bình thống nhất, trong bối cảnh Phật giáo đương thời, các bậc giáo phẩm trong các tổ chức hệ phái và của hai miền Nam – Bắc vẫn chưa có sự hiểu biết, đồng cảm nhất định, chính vì vậy công tác vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam trong thời điểm này được xem là nhiệm vụ trọng tâm rất cần thiết để làm nền tảng cho sự hòa hợp, đoàn kết, hiểu biết sâu sắc lẫn nhau giữa các bậc giáo phẩm và Tăng, Ni, Phật tử của các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước.

Trước yêu cầu cấp bách này, vào tháng 8/1975, Chư Tôn đức đã đứng ra thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM làm tiền đề khởi động việc thống nhất Phật giáo.

Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt nguyên là Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ làm Chủ tịch; Hòa thượng Thích Bửu Ý, nguyên là Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam làm Phó Chủ tịch; Hòa thượng Thích Thiện Hào, nguyên là Hội trưởng Lục Hòa Phật tử, Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử làm Tổng Thư ký.

Ngoài ra thành phần nhân sự trong Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM lúc bấy giờ, còn có quý Hòa thượng từng là lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, như các Hòa thượng Pháp Dõng, Hiển Pháp, Thượng tọa Từ Thông, Đại đức Huệ Xướng, Đại đức Thiện Đức, Đại đức Thiện Xuân…

Được biết, Chư Tôn đức lãnh đạo và các thành viên trong Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM hoạt động không kể thời gian nghỉ ngơi, tích cực nối kết Phật giáo các địa phương và các vùng miền trong cả nước suốt một thời gian dài mang lại kết quả mỹ mãn, đó là tạo được sự đồng cảm hiểu biết sâu sắc giữa các tổ chức hệ phái Phật giáo, sự đoàn kết hòa hợp trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, nhất là sự quyết tâm đồng thuận cao của chư tôn đức giáo phẩm trong các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam về lý tưởng hoài bão thống nhất các tổ chức hệ phái thành một khối thống nhất, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trước ý chí, tâm huyết và cũng là gánh vác sứ mạng lịch sử cao cả của mình, lúc bấy giờ chư tôn đức trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, các ngài đã hóa thân làm những sứ giả hòa hợp thống nhất, các ngài đã nối kết Chư Tôn đức giáo phẩm trong các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam thành một thể thống nhất về ý chí hành động, hướng đến mục tiêu chung là thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Chính tâm huyết nhiệt tình cống hiến thực hiện cho bằng được hoài bão thống nhất Phật giáoViệt Nam, trong suốt 5 năm, kể từ năm 1975 đến năm 1980, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM dưới sự lãnh đạo của quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Thiện Hào… đã phát triển được nhiều Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước tại nhiều địa phương tỉnh, thành trong cả nước, mà hầu hết Chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo yêu nước tại các địa phương là có nguồn gốc thuộc tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, tất cả đều hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền cho toàn thể Tăng, Ni, Phật tử để mọi người nhận thức giá trị và lợi ích thiết thưc của việc thống nhất Phật giáo nước nhà, sư kiện này không chỉ mang lại những lợi ích to lớn cho đạo pháp, mà còn góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong vai trò lãnh đạo Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt từng phát biểu: “Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới hưng thịnh. Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới có cơ hội và điều kiện để đồng lòng chung sức đóng góp cho dân tộc, xây dựng đất nước, cho nên thống nhất Phật giáo trong giai đoạn này mới là biểu hiện của lòng yêu nước. Tôi cho rằng, yêu nước là động cơ thúc đẩy cho sự thống nhất Phật giáo, tôi nghĩ ngày nay cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam cũng phải xây dựng trên cơ sở đó, chính vì vậy mà Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã ra đời2.

Đến năm 1980, khi thời cơ chín mùi, hội đủ những điều kiện cần thiết để đi đến Hiệp thương thống nhất Phật giáo Việt Nam thì Chư Tôn đức đã đứng ra thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng Bửu Ý lúc bấy giờ với tư cách là Phó Trưởng ban kiêm Phó Ban dự thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1980 - 1981) đã có nhiều đóng góp nhất định trong các hoạt động giao lưu Phật giáo giữa hai miền Nam Bắc, cũng như sự dấn thân bền bĩ của ngài trong việc thúc đẩy quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, nhờ đó Phật sự luôn được hanh thông và tiến triển theo kế hoạch.

Lịch sử ghi lại, trong bài diễn văn góp ý về cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Bửu Ý đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử bày tỏ sự vui mừng phấn khởi trước sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam đang bước đi trên con đường thống nhất, trong bài phát biểu của ngài có đoạn “Tôi quan niệm Phật giáo chỉ có một, nhưng từ lâu phân ra nhiều hệ phái, vì thời cuộc, vì chế độ thực dân cũ và với âm mưu chia rẽ để lợi dụng bằng cách này cách nọ nhằm phục vụ ý đồ thống trị của chúng. Nay đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất là một cơ duyên thuận lợi rất tốt để thống nhất Phật giáo thành một mối trên tinh thần hòa hợp tăng già, chung sức chung lòng vì đạo pháp và dân tộc3.

Được biết, nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến mục tiêu thống nhất Phật giáo, vào tháng 10/1979, đoàn Phật giáo miền Nam đã ra thăm miền Bắc và Thủ đô Hà Nội, trong đoàn gồm có quý ngài như Hòa thượng Thích Bửu Ý làm Trưởng đoàn, Hòa thượng Pháp Võng là Phó đoàn, Hòa thượng Pháp Lan là Thư ký đoàn, tháp tùng đoàn còn có Chư Tôn đức như quý Thượng tọa Từ Nhơn, Thượng tọa Huệ Thới, Thương tọa Từ Thông, Đại đức Thiện Đức (chùa Pháp Vân), Thượng tọa Trí Quảng, Đại đức Minh Thành (chùa Ấn Quang), Đại đức Huệ Xướng, Đại đức Thiện Xuân… nhìn lại thành phần nhân sự trong đoàn, chúng ta sẽ thấy một điều rất đặc biệt, đó là nhân sự của đoàn, từ lãnh đạo đoàn cho đến các thành viên trong đoàn đa phần là các bậc giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Qua đó, một lần nữa cho thấy vai trò và những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 là rất lớn lao và vô cùng quan trọng.

Sau bao tháng ngày khát khao mong đợi, thế rồi vào ngày 07/11/1981, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước được tổ chức quy mô hoành tráng tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, đánh dấu một bước ngoặc lịch sử Phật giáo Việt Nam, đó là sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà nơi đó có sự đóng góp, tham gia của Chư Tôn đức trong tổ chức tiền thân và tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam như Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền - Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, nguyên Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, nguyên Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM làm Đệ nhất Phó Pháp chủ; Hòa thượng Thích Thiện Hào, nguyên Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử, nguyên Tổng Thư ký Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Phó Chủ tịch HĐTS (sau là Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS), kiêm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp.HCM; Hòa thượng Thích Bửu Ý, nguyên Viện trưởng Viện Hoằng đạo GHPG Cổ truyền - Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Phó Chủ tịch HĐTS; Hòa thượng Thích Trí Tấn, Tổng Thư ký Viện Tăng thống; Hòa thượng Thích Trí Tâm, nguyên Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo GHPG Cổ truyền - Lục Hòa Tăng làm Trưởng Ban nghi lễ trung ương sau là Phó Pháp chủ HĐCM và hầu hết Chư Tôn đức thuộc tổ chức GHPG Cổ truyền - Lục Hòa Tăng Việt Nam đều tham gia nhiều cương vị khác nhau trong HĐTS và Ban Trị sự các tỉnh Trung và Nam Bộ.

Nhân hội thảo lần này, chúng ta ôn lại những trang sử vàng của Phật giáo nước nhà, một giai đoạn lịch sử mà các bậc giáo phẩm hệ phái Phật giáo Cổ truyền - Lục Hòa Tăng Việt Nam đã để lại cho hậu thế những bài học sâu sắc, rất quý báu về trí tuệ, bản lãnh và lòng yêu nước, ở đó không chỉ mang tính giáo dục cho hàng hậu học trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, mà còn đối với Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Từ giá trị lịch sử lưu lại và từ sự thấu hiểu của bản thân, nhân Hội thảo lần này tôi mạnh dạn đưa ra nhận định, trong sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam ngày nay, phải kể đến sự nỗ lực nhiệt thành của từng thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, đặc biệt trong đó có những đóng góp lớn lao và vô cùng quan trọng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng và của hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam nói chung.

 


1. Lịch sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2019

2. Trích từ Diễn văn ra mắt Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM của Hòa thượng Thích Minh Nguyệt.

3. Trích từ bài viết Giáo hội Phật giáo Cổ truyền với cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, trong cuốn Kỷ yếu Hòa thượng Thích Bửu Ý.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6953972