Thông tin

SỰ DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO

Ở VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG BỐI CẢNH QUAN HỆ

GIỮA PHÙ NAM VỚI ẤN ĐỘ VÀ TRUNG  HOA

 

TS. TRẦN THUẬN(*)

 

Tóm tắt:

Trên vùng đất Nam bộ ngày nay, đã từng tồn tại một vương quốc cổ từ thế kỷ I đến thế kỷ VII với tên gọi Phù Nam. Trong quá trình tồn tại của mình, cư dân Phù Nam đã tiếp nhận ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Ấn Độ, trong đó có Phật giáo.

Phật giáo từ Ấn Độ đã du nhập vào Phù Nam khá sớm và phát triển mạnh mẽ vào các thế kỷ IV - VI, để rồi trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của vùng Đông Nam Á. Phật giáo đã cùng với Bàlamon và Hindu giáo góp phần làm nên đặc trưng của nền văn hóa mà các nhà nghiên cứu gọi là “văn hóa Óc Eo” hay “văn hóa Óc Eo – Phù Nam”.

Sự phát triển của Phật giáo Phù Nam không chỉ tạo nên ảnh hưởng trong đời sống xã hội của cư dân nơi đây mà còn lan tỏa sang tận vùng Nam Trung Hoa khi vương quốc này có mối quan hệ mật thiết và trở thành “cầu nối” giữa hai quốc gia, hai nền văn minh lớn trên bán đảo Ấn Trung: Ấn Độ và Trung Hoa.

 

***

1. Nam bộ là vùng đất nằm trong địa bàn phía Nam bán đảo Đông Dương, là phần lãnh thổ cực Nam của Tổ quốc Việt Nam, trải dài từ 8o34’ đến 12o15’ vĩ tuyến Bắc, từ 103o27’ đến 107o40’ kinh tuyến Đông, có diện tích rộng khoảng 60.000 km2 (chưa tính diện tích hàng trăm hòn đảo, quần đảo trong hải phận Nam bộ – Việt Nam). Phía Bắc giáp tỉnh Bình Thuận và Tây Nguyên, Tây Bắc giáp Campuchia, Tây Nam, Nam và Đông giáp biển Đông. Xét về mặt hành chính, Nam bộ là khu vực bao gồm 19 tỉnh thành (17 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc trung ương) trên tổng số 63 tỉnh thành của cả nước. Nam bộ được chia làm hai bộ phận: Đông Nam bộ với 5 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tp. Hồ Chí Minh); Tây Nam bộ với 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương (Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ).

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, vùng đất Nam bộ ngày nay vốn là địa bàn phân bố chủ yếu của văn hóa Óc Eo và là lãnh thổ chủ yếu của vương quốc Phù Nam; là vùng đất phụ thuộc của Chân Lạp; vùng đất được tích hợp về với Đại Việt thời các chúa Nguyễn, một bộ phận lãnh thổ quan trọng của xứ Đàng Trong; vùng “Ngũ trấn” (Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên), rồi chia làm 6 tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (từ năm 1834), nên được gọi là Nam kỳ Lục tỉnh của nước Đại Nam (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên); từ năm 1874 đến 1945, đây là vùng Nam kỳ thuộc địa của Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám - 1945, vùng đất này được gọi là Nam bộ, cùng với Trung bộ và Bắc bộ cấu thành lãnh thổ quốc gia Việt Nam thống nhất. Dưới thời chính phủ Bảo Đại và Việt Nam Cộng hòa, Nam bộ được gọi là Nam phần.

Ngoài những cư dân bản địa như Châu Ro, Mạ, Stieng,… với những thiết chế xã hội còn tồn tại một cách cơ bản đến hôm nay, vùng đất Nam bộ ngày nay, còn là mảnh đất từng nuôi dưỡng nhiều lớp người như Phù Nam, Khmer, Việt, Hoa, Chăm,… họ kế tục nhau hoặc chung tay xây dựng để có được một môi sinh xã hội Nam bộ đẹp đẽ góp phần làm nên bức tranh đẹp đẽ của đất nước Việt Nam.

Trong quá trình vận động và phát triển của vùng đất này, chủ nhân của nó – cư dân Phù Nam, bên cạnh việc tiếp nhận, bảo tồn và biến đổi những nét văn hóa vốn từ sự giao thoa giữa các tộc người, còn tiếp biến nhiều nét văn hóa từ bên ngoài, làm giàu cho đời sống văn hóa nơi đây, trong đó có Phật giáo, một nét văn hóa độc đáo đã từng chi phối mạnh mẽ và ảnh hường sâu sắc đến đời sống xã hội vùng Nam bộ.

Khi nghiên cứu Phật giáo Nam bộ, nhiều người chỉ chú ý đến Phật giáo Nam tông của người Khmer và Phật giáo Bắc tông của người Việt, người Hoa, mà quên đi rằng, Phật giáo đã du nhập vào vùng đất này từ rất sớm - thời vương quốc Phù Nam và để lại nhiều dấu ấn trong các di tích, di chỉ, hiện vật khảo cổ đã được kiểm chứng trong hơn nửa thế kỷ qua.

Với vị thế “thoáng mở” của Nam bộ, vào những thế kỷ đầu công nguyên, khi “cuộc gặp gỡ lịch sử vĩ đại” diễn ra ở Nam bộ (và nhiều vùng đất – đảo ở Đông Nam Á) giữa cư dân bản địa, chủ nhân văn hóa Đồng Nai tiền – sơ sử với lớp người ngoại nhập mang truyền thống văn minh Ấn Độ(1) đã diễn ra một sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống của người dân nơi đây. Một diễn trình văn hóa – lịch sử gắn kết các yếu tố “nội sinh” (văn hóa và cư dân bản địa) với các yếu tố “ngoại sinh” để tạo nên một nền văn hóa mới mà giai đoạn đầu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vương quốc Phù Nam mà Louis Malleret gọi là “Văn hóa Óc Eo”, nhiều học giả khác gọi là “Văn hóa Óc Eo – Phù Nam”.

Nam bộ hay nói rộng ra là “đất tổ của Phù Nam”(2) được các học giả phương Tây xem là phần lãnh thổ của Phù Nam biển (Maritime state of Funan) và khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang) được nhìn nhận là đầu mối quan trọng hàng đầu trên con đường mậu dịch, con đường giao lưu kinh tế, văn hóa trên biển giữa phương Đông (Trung Quốc) và phương Tây (Ấn Độ – Trung Cận Đông, La Mã). Sức sống của văn hóa Óc Eo hết sức mạnh mẽ. Ngay cả sau khi vương quốc Phù Nam tan rã (khoảng giữa thế kỷ VII), các thế lực chính trị – quốc gia mới hình thành, rồi vùng đất Nam bộ bị nhấn chìm trong nước biển dâng,... nhưng văn hóa Óc Eo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển trong điều kiện tự nhiên và xã hội mới – Chân Lạp, dưới tên gọi là “Hậu Óc Eo”.

1. Quá trình hình thành, phát triển và suy vong của vương quốc Phù Nam diễn ra từ những thế kỷ đầu công nguyên, thời kỳ mà các vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á, các xã hội “tiền nhà nước” của các cộng đồng dân cư vùng này, trong đó có Nam bộ, phải đối mặt với nhiều thách thức mới, nhưng cũng có nhiều thời cơ mới để phát triển(3).

Từ trước thế kỷ V TCN, các dân tộc ở Đông Nam Á đã từng tiếp xúc và trao đổi sản phẩm với các thương nhân Ấn Độ. Thế kỷ III TCN, miền Nam Ấn có nhiều biến động về chính trị và tôn giáo. Đạo Phật rất phát triển và giới tăng lữ hệ phái Hinayana (Tiểu thừa) đã không quản ngại gian nguy, đem giáo lý nhà Phật truyền đến những vùng đất xa xôi. Họ theo chân các thương đoàn đưa đạo Phật đến vùng ven núi Hy- malaya và xuống đến Myanmar bằng đường bộ. Theo đường thủy, họ đã đem giáo lý của Đức Phật đến các dân tộc Môn ở lưu vực các con sông Irrawaddy, Saluen, Ménam và đến tận châu thổ sông Mékong.

Bấy giờ, các thương nhân theo Ấn giáo cũng mang tinh thần tín ngưỡng của họ đi khắp các vùng miền mà họ đến buôn bán làm ăn. Chính họ là những người đầu tiên tạo được những dấu ấn Ấn giáo sâu sắc tại vùng đất Đông Nam Á, nơi mà Phật giáo cũng ra sức tạo được ảnh hưởng cho mình(4).

Cùng với sự tác động ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, quá trình hình thành và phát triển của Phù Nam còn chịu sự chi phối của văn hóa Trung Hoa. Văn minh chính trị Ấn – Trung đã có mặt trong sự hình thành vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo.

Vấn đề Phù Nam và văn hóa Óc Eo, đặc biệt là mối quan hệ giữa hai đối tượng này, đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu(5). Và có thể nhận ra rằng, vương quốc Phù Nam hình thành trong một bối cảnh đặc biệt, diễn ra sự định hướng chinh phục của hai thế lực Đông (Trung Quốc) – Tây (Ấn Độ).

Bấy giờ, đế chế Trung Hoa ở phương Bắc, sau khi thống nhất, thôn tính Bách Việt, xâm chiếm Lạc Việt, đặt ra các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, đưa biên cương của đế chế Hán đến tận Đại Lãnh (Bình Định – Phú Yên), lại tiếp tục mưu đồ bành trướng về phương Nam. Cuộc Nam tiến này được khởi sự từ Đông Ngô – thời Tam Quốc bằng việc cử sứ đoàn Khang Thái – Chu Ứng đến các tộc Nam Man thực hiện chiến dịch “Nam tuyên quốc hòa”, nhằm lôi kéo các tộc người này theo phong hóa Trung Hoa. Cùng lúc, triều đình Trung Hoa mở ra con đường mậu dịch trên biển “Nam Hải – Trường Hải – Tây Hải” để mưu lợi cả về chính trị lẫn kinh tế.

Trong khi đó, Ấn Độ dưới triều đại Gupta tiếp tục công cuộc bành trướng về hướng Đông, nhằm vào các xứ sở giàu nguồn kim loại vàng, hương liệu, ngọc bích, gỗ quý,… để buôn bán với các quốc gia nay thuộc vùng Vịnh và xa hơn với đế quốc Đông La Mã. Ấn Độ cũng lập ra con đường mậu dịch từ Tây sang Đông để truyền bá Phật giáo, Bàlamon giáo và tiêu thụ các mặt hàng trang sức cao cấp như các loại chuỗi, đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh, vàng, bạc,…(6)

Bấy giờ, cả vùng Nam Đông Dương, quần đảo Indonésia trở thành vùng tranh chấp giữa hai thế lực chính trị phương Tây và phương Đông, giữa hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa. Triều đình Trung Hoa dùng chiêu thức phủ dụ, mua chuộc, ban chức, phong chức để lôi kéo các thủ lĩnh tộc Nam Man, lại đặt ra các tên “nước”, lập ra các loại chư hầu thần phục triều đình, rồi phân biệt đối xử giữa các chư hầu, hòng chia rẽ nội tình cộng đồng Nam Man. Ba nước được đặt tên sớm nhất là Phù Nam, Lâm Ấp, Đường Minh. Người được ban chức tước đầu tiên là Đồ Gia Bạt Ma(7)  của Phù Nam, với danh hiệu “An Nam tướng quân Phù Nam vương”, và “An Nam tướng quân Lâm Ấp vương”. Tuy được mang danh hiệu vương, song Phù Nam, Lâm Ấp đều chỉ được mang chức tướng quân của đô hộ An Nam. Ở đây ta thấy, việc triều đình Trung Hoa đặt ra nước Phù Nam, Lâm Ấp chỉ nhằm mục tiêu chiến lược đưa hai nước chư hầu nầy vào cương giới lãnh thổ An Nam của Đại Hán, Đại Đường. Trong khi ở phía Tây, vương triều Gupta lại thực thi phương thức “tình nghĩa” kết hợp “đạo lý” để chinh phục cộng đồng người được gọi là Côn Lôn. Chuyện tình “Hỗn Điền – Liễu Diệp”(8)  thể hiện hình ảnh sinh động của phương thức chinh phục cộng đồng dân bản xứ. Phương thức này cuối cùng đã giúp Ấn Độ mở rộng lãnh thổ thành “Đại Ấn”, với hai vùng lãnh thổ Nội Ấn và Ngoại Ấn, mà “Ngoại Ấn” là vùng Đông Nam Á lục địa – hải đảo, trong đó có Phù Nam.

Với vị trí “cầu nối” giữa phương Đông và phương Tây, Nam bộ trở thành miền đất hứa cho những người từ các nơi đến đây lập nghiệp. Những phát hiện khảo cổ cho thấy Đông Nam bộ trước đây là trung tâm kinh tế văn hóa của cả vùng Nam bộ, giờ đây châu thổ sông Cửu Long, ba mặt giáp biển, lại trở thành trung tâm kinh tế văn hóa phát triển mạnh nhất, năng động nhất, không chỉ của Nam bộ mà của chung toàn khu vực Nam Đông Dương.

Người Phù Nam đã có sự bang giao với nhiều nước ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Quyển sách đầu tiên đề cập đến Vương quốc Phù Nam là Dị vật chí của Dương Phù thời Đông Hán (25 - 220). Kế đến là Ngô thư thời Tam Quốc (220 - 280), theo sách này thì vào tháng Chạp năm Xích Ô thứ 6 (243), vua Phù Nam là Phạm Chiên (hay Phạm Chiêu, Fan-tchan, ở ngôi khoảng năm 225 đến 245) đã cử phái bộ sang giao hảo với triều đình nhà Đông Ngô, họ mang  theo nhạc công và phương vật dâng cho vua Ngô là Tôn Quyền (182 - 252). Khoảng những năm 245 đến 250, dưới thời Tôn Quyền, triều đình nhà Đông Ngô phái Khang Thái (chức Trung lang) và Chu Ứng (chức Tuyên hóa tùng sự) đi sứ Phù Nam. Theo Lương thư, hai sứ giả Trung Hoa này đã gặp sứ giả Ấn Độ là Trần Tống cùng phái đoàn Phù Nam vừa từ Ấn Độ trở về và đã hỏi han cặn kẽ về xứ sở và phong tục của nước Ấn Độ. Sách Phù Nam truyện của Khang Thái có viết, “Khi xưa, dưới thời Phạm Chiên, có một người nước Đàm Dương tên Gia Tường Lê từ Ấn Độ, đi từng chặng đường đã đến mua bán ở Phù Nam. Người ấy kể với vua Phạm Chiên về những tập quán, vẻ huy hoàng và sự trù phú của Ấn Độ”(9). Sau đó, vua Phạm Chiên đã sai Tô Vật đi sứ sang Ấn Độ. Tô Vật và phái bộ xuống thuyền ở Đầu Câu Lợi(10) đi đến cửa sông Hằng (sông Gange), đi ngược dòng sông đến tận triều đình Murunda. Quốc vương cho người đưa phái bộ đi thăm thú trong nước, và khi ra về, ông đã gửi tặng vua Phù Nam bốn con ngựa của xứ Nguyệt Chi (Indo - Scythe) và cho một người Ấn tên là Trần Tống tháp tùng phái bộ về đến Phù Nam. Thư tịch cho biết, cuộc hành trình này kéo dài đến 4 - 5 năm, khi đi thuộc triều đại Phạm Chiên, khi về thuộc triều đại Phạm Tầm (hay Phạm Tần, Fan-Siun, trị vì khoảng năm 247 đến 287).

Sách Tục Cao tăng truyện của Huệ Hạo, vào cuối triều Huệ Đế nhà Tần (290 - 306) cho biết, có một nhà sư Ấn Độ tên Ma Ha Kỳ Vực chu du Đông độ đã có đến Phù Nam, nhưng không ghi rõ là sư lưu lại đây bao lâu, đã làm gì và sinh hoạt Phật giáo ở Phù Nam như thế nào(11). Rồi việc phát hiện bi ký Võ Cạnh ở Nha Trang có niên đại khoảng thế kỷ II, với nội dung đề cập đến một người tên là Sri Mara mà các học giả người Pháp là Barth và Bergaigne cho là Phạm Sư Man, một vị vua Phù Nam thời xưa đồng thời là một Phật tử sùng tín, bảo vệ Phật pháp.

Qua thư tịch và tư liệu bi ký, một số người cho rằng, vào thế kỷ II, đạo Phật ở Phù Nam đã vượt qua giai đoạn truyền bá, có nghĩa là đã du nhập và có những bước phát triển, tạo được những dấu ấn trong đời sống xã hội bên cạnh Bà-la-môn giáo.

Sau những sứ bộ đầu tiên của Phù Nam và Đông Ngô, sự bang giao giữa Phù Nam và phía nam Trung Hoa diễn tiến đều đặn. Thời Tấn (265 - 419), Phù Nam ba lần cử sứ bộ sang thăm vào những năm 268, 285, 287. Những cuộc viếng thăm này đã có tác động thúc đẩy nền thương nghiệp hàng hải giữa hai phía, nhất là sau khi nhà Tấn thống nhất Trung Hoa, cũng như sự gia tăng nhu cầu của phương Bắc đối với sản vật và xa xỉ phẩm từ các nước phía Nam. Trong thời gian này, năm 357, vua Chiên Đàn phái sứ bộ đem theo một tờ biểu và voi thuần qua cống triều đình nhà Tấn. Tấn Mục Đế không nhận lễ vật, ra chiếu chỉ trả lại.

Trì Lê Đà Bạt Ma (Sri Indravarman) nối ngôi đã tiếp tục đẩy mạnh quan hệ bang giao và thương mại với Trung Hoa. Tống thư cho biết, các sứ bộ Phù Nam sang triều cống nhà Tống những phẩm vật địa phương vào các năm 434, 435, 438. Trước đó có một sự kiện xảy ra, khoảng năm 431 - 432, nước Lâm Ấp muốn đánh chiếm đất Giao Châu, ngỏ ý mượn quân của Phù Nam, nhưng Phù Nam đã khước từ đề nghị của Lâm Ấp(12). Vào thời Tống Văn Đế (nhà Lưu Tống), những năm 438, 453, Đồ Tà Bạt Ma (Kaundynia Jayavarman) cho sứ sang triều cống và cử các thương gia sang Quảng Châu buôn bán. Các thư tịch Trung Hoa đều nhắc đến trường hợp các sứ thần Phù Nam sang Trung Hoa vào thời Nam Tề, thời Lương để giảng kinh Phật hay dịch kinh Phật cho triều đình,.... Cụ thể, năm 484, dưới triều Vĩnh Minh thứ 2, Nam Tề (479 - 501), vua Phù Nam là Jayavarman (484 - 515) ủy nhiệm cho một vị Hòa thượng Ấn Độ là Sakya Nagasena (Sa Kỳ Na Già Tiên) đi sứ sang Nam Tề dâng biểu văn với lời lẽ nhún nhường, xin Hoàng đế Trung Quốc xem xét phong tục văn hóa mà giúp cho Phật pháp hưng thịnh vì rằng hiện tăng chúng tu tập ngày càng đông, pháp sự ngày càng được mở rộng… Và vua Jayavarman hiến dâng cho Hoàng đế Trung Hoa một pho tượng Long vương bằng vàng, một pho tượng Phật bằng bạch đàn. Sau khi nhà Nam Tề kết thúc, nhà Lương thành lập (502 - 556), năm 503, Đồ Tà Bạt Ma lại phái sứ bộ sang dâng cống phẩm. Nhân dịp này, vua Lương phong cho Đồ Tà Bạt Ma tước An Nam Tướng Quân Phù Nam Vương. Các sứ bộ tiếp tục được cử sang Trung Hoa vào các năm 511, 514.

Thời Rudravarman (Lưu Đà Bạt Ma) – con trai thứ của Jaya- varman, hoạt động ngoại giao và thương mại giữa Phù Nam và Trung Hoa vẫn được duy trì. Vị vua này tiếp tục cử phái bộ sang Trung Hoa vào những năm 517, 519, 520, 530, 535 và 539. Theo Lương thư, q.54 và Phù Nam truyện, năm 519 Rudravarman sai sứ giả dâng cho Trung Hoa tượng Phật gỗ chiên đàn của Ấn Độ. Rudravarman là một vị vua Phật tử, tuân phụng Phật pháp, tín thành Tam bảo. Sách Tục cao tăng truyện (q.1) có đoạn chép: “Vị sư Tăng Già Bà La (Sangha- pala), dịch là Tăng Dương hay Tăng Khải là người Phù Nam. Xuất gia từ nhỏ, sớm tinh thông Phật pháp, đến tuổi đi học thì xuất gia, chuyên nghiên cứu “A Tì đàm luận”, tiếng tăm lừng lẫy, vang vọng đến đất Hải Nam. Ông đã dịch bộ “A Dục Vương kinh” và bộ “Giải thoát đạo luận”. Ngoài ra, một vị cao tăng Phù Nam khác là sa môn Mạn Đà La (Mandra, người Hoa dịch là Hoằng Nhược) đã phiên dịch nhiều kinh sách, trong đó nổi tiếng là “Pháp giới thể tính kinh”, “Bản vân kinh” và “Văn Thù Bát nhã kinh”(13). Sách “Lịch đại Tam bảo kỷ” (do Tùy Phí Trường Phòng soạn) khi nói về giao lưu Phật pháp giữa Phù Nam và Trung Hoa (năm 524) cũng cho biết: “Nước Phù Nam đã phái Tăng Già Bà La mang sang Trung Quốc dâng tặng những bộ kinh: A Dục Vương kinh, Khổng  Tước Vương kinh, Văn Thù Sư Lợi kinh, Bồ tát tạng kinh, Cát Tường kinh... tổng số lên đến 100 bộ kinh”. Nhà nghiên cứu Kiêm Đạt trong Phật giáo Phù Nam khẳng định thêm rằng, “Hai vị sư Tăng Già Bà La và Mạn Đà La đều là người Phù Nam, dưới thời vua Sadabatma được mời sang Trung Quốc hoằng Pháp. Họ cũng mang nhiều kinh điển sang dâng tặng”(14). Hai nhà sư Phù Nam này không chỉ dịch được nhiều bộ kinh mà còn mang nhiều kinh tiếng Phạn từ Phù Nam đến Trung Hoa. Năm 539, sứ giả cuối cùng của Phù Nam đến Trung Hoa, nói rằng ở nước Phù Nam có tóc Phật, dài một trượng hai thước. Nghe vậy, Lương Vũ đế xuống chiếu sai Thích Vân Bảo theo sứ Phù Nam về nước để rước tóc Phật. Theo Tục Cao tăng truyện, q. 1 thì khoảng năm Đại Đồng (535 - 545) triều đình nhà Lương có sắc chiếu bảo Trương Phạm đến nước Phù Nam xin thỉnh các bộ kinh luận của các bậc danh tăng sang giảng dạy Phật pháp ở Trung Hoa. Vua Phù Nam nghe tin liền phái hòa thượng Ấn Độ là Chân Đế (Paramartha hay Gunarathna) lúc đó đang hành đạo ở Phù Nam mang theo 240 bộ kinh đến triều đình Trung Hoa vào năm 546(15). Sách Lịch đại Tam bảo ký, q. 11 và Tục Cao tăng Truyện, q.1 đều ghi chép số kinh luận mà Chân Đế đưa đến Trung Hoa, toàn bộ sách kinh phiên dịch gồm hơn 2 vạn quyển, phần lớn là kinh sách chưa truyền đến Trung Hoa. Điều đó chứng minh rằng lúc bấy giờ Phù Nam là một trung tâm Phật giáo ở phương Đông, có ảnh hưởng đến miền nam Trung Quốc.

2. Ta biết rằng, Ấn Độ giáo rất phát triển ở Phù Nam, nhiều ngôi đền và tượng thần Ấn giáo (Brahma, Vishnu, Shiva và nhiều vật thờ liên quan) đã được khai quật trên các di chỉ Óc Eo(16), nhưng Phật giáo cũng phát triển mạnh mẽ ở đây vào những thế kỷ V - VI và để lại nhiều dấu tích ở vùng châu thổ Cửu Long. Nhiều tượng Phật bằng gỗ, đá và đồng đã được tìm thấy trong những di tích thuộc văn hóa Óc Eo ở Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vũng Tàu,... Sách “Phù Nam Phật giáo khảo” cũng khẳng định: “Về mặt tôn giáo của đất Phù Nam, trước tiên theo đạo Bàlamon, về sau Phật pháp cũng được thịnh hành; hơn thế nữa, Phù Nam lúc bấy giờ là một trạm chuyển dịch lớn của Phật giáo di chuyển về phía Đông”.

Các nhà khảo cổ học (thế giới và Việt Nam), trong khi khai quật các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo trên vùng đất Nam bộ đã phát hiện nhiều tượng Phật và hiện vật liên quan đến Phật giáo. Trước hết là các tượng Phật và Bồ tát (những tác phẩm điêu khắc tinh xảo với số lượng khá lớn) do J. Boisselier tìm thấy và công bố vào năm 1966, tiêu biểu như: tượng Avalokitesvara (tượng Quán Thế Âm Bồ tát tìm được ở Rạch Giá), tượng Phật ngồi theo thế liên hoa tọa ở Thắng Tam (Vũng Tàu), có niên đại hậu bán thế kỷ thứ VI, tượng Avalokitesvara tìm thấy ở rạch Lò Gốm (Chợ Lớn), là những đỉnh cao về mặt phong cách và điêu khắc tiếu tượng học Phù Nam.

Ngoài ra còn một số tượng Phật được phát hiện và đang lưu giữ tại Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh như:

* Tượng Phật (số đăng ký BTLS.1615) bằng gỗ sao, màu nâu đen, cao 2,44m, ngang 0,65m, ở tư thế đứng trên tòa sen, chân phải hơi co, hông tượng lệch về phía bên phải(17). Tượng được xác định niên đại vào thế kỷ V. Pho tượng này do Louis Malleret phát hiện vào ngày 3.11.1943, trong khi tiến hành khai quật tại Sa Đéc – Đồng Tháp. 

* Tượng Phật (số đăng ký BTLS. 1617) bằng gỗ mù u, màu nâu đen, cao 1,70m, ngang 0,41m, ở tư thế đứng thẳng trên tòa sen, có niên đại vào thế kỷ V(18). Tượng do các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật tại làng Lợi Mỹ, xã Phong Mỹ, Sa Đéc - Đồng Tháp và được đưa về Bảo tàng ngày 8.4.1937.

* Tượng phật (số đăng ký BTLS. 1618) bằng gỗ sao, màu nâu đen, cao 1,03m, ngang 0,35m, ở tư thế đứng trên tòa sen, chân phải đứng thẳng, chân trái hơi co, hông tượng lệch nhẹ về phía phải, có niên đại vào thế kỷ VII(19). Tượng được các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật tại huyện Bình Hòa, tỉnh Long An.

Cả ba pho tượng đều là tượng Phật Thích Ca, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Ấn Độ khá rõ nét và được thể hiện trên các loại nguyên liệu mang tính “bản địa” với sự sáng tạo nghệ thuật cao. Có thể nói rằng, những pho tượng Phật bằng gỗ này là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc, đã được cư dân cổ đồng bằng sông Cửu Long tạo ra và góp phần làm nên những tinh hoa của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên(20).

Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng loạt những tượng Phật khá đặc trưng của nền văn hóa Phù Nam. Đặc biệt gần đây, Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khảo cổ, khai quật 3 đợt tại 3 địa điểm: gò Minh Sư, khu mộ táng và khu Đìa Phật - Đìa Vàng trong khu di tích, đã phát hiện thêm nhiều loại hình di tích, di vật văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp. Khi khai quật ở khu Đìa Phật - Đìa vàng, các nhà khảo cổ đã phát hiện di vật đồ gốm, đồ đá, hàng nghìn mảnh vỡ, đặc biệt phát hiện một tượng Phật gỗ có niên đại thế kỷ II - IV; khai quật khu mộ táng phát hiện 3 loại hình trong đó có di chỉ cư trú, là một quần thể của đền thờ Hindu giáo và Phật giáo giai đoạn sớm. Nhiều đền thờ mang đặc trưng tầng văn hóa ở giai đoạn Óc Eo điển hình ở thế kỷ III đến thế kỷ VII.

Trong khu di tích Gò Tháp, ngoài di chỉ cư trú ở chân gò Minh Sư còn có một số di chỉ khác như miếu Bà Chúa Xứ, khu mộ Đốc Binh Kiều, một vài gò nhỏ xung quanh... các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tượng Phật bằng gỗ và có dấu hiệu của một xưởng thủ công chuyên chế tác loại tượng này. Niên đại của những di chỉ cư trú này kéo dài từ thời kỳ tiền sử muộn đến thời kỳ văn hóa Óc Eo.

“Nhiều tượng Phật gỗ được phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đìa, làm ruộng với số lượng lớn, sự phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng vừa phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, vừa bộc lộ nét bàn địa chân chất, giản dị trong chất liệu tạc tượng là nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào tại chỗ. Chất liệu gỗ mù u làm nên các pho tượng này vừa bền vững đồng thời vẫn thỏa mãn được sự sáng tạo, tính đa dạng của nghệ nhân Óc Eo, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo ở đây. Thế kỷ V - VII là thời kỳ phát triển rực rỡ của điêu khắc Phật giáo bản địa mà sưu tập tượng Phật bằng gỗ ở vùng Đồng Tháp là một minh chứng”(21).

3. Từ nghiên cứu thư tịch đến khảo sát các hiện vật khảo cổ, chúng ta có thể hình dung bức tranh Phật giáo Phù Nam (trên vùng đất Nam bộ) với ba vấn đề cơ bản:

Thời điểm đạo Phật du nhập vào vương quốc Phù Nam: Dẫu chưa thể xác định chắc chắn thời điểm Phật giáo du nhập vào vương quốc Phù Nam từ lúc nào (vì chưa tìm thấy một sự kiện cụ thể nào có tính chất khẳng định). Tuy nhiên, nếu theo tinh thần bia Võ Cạnh (Nha Trang) thì Phật giáo đã du nhập vào Phù Nam từ trước thế kỷ II(22) (mặc dù bia Võ Cạnh không thuộc không gian vùng Nam bộ - đối tượng mà tác giả bài viết đang khảo cứu). Điều này cũng phù hợp với nhận định của một số nhà nghiên cứu khi cho rằng, “vào thế kỷ II, đạo Phật ở Phù Nam đã vượt qua giai đoạn truyền bá” và cụ thể hơn là các tượng Phật được tìm thấy ở khu vực Đìa Phật – Đìa Vàng thuộc khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) có niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ IV là một minh chứng cơ bản.

Đặc điểm của Phật giáo Phù Nam:

Trước hết có thể khẳng định chắc chắn rằng, Phật giáo Phù Nam du nhập từ Ấn Độ thông qua mối quan hệ mật thiết giữa vương quốc Phù Nam với Ấn Độ trong suốt thời kỳ hình thành cho đến khi kết thúc vương triều – đế chế Phù Nam (từ thế kỷ I đến thế kỷ VII), trong bối cảnh Phật giáo Ấn Độ du nhập vào các quốc gia Đông Nam Á.

Ở Phù Nam, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa cùng tồn tại. Có ý kiến còn hoài nghi về vấn đề này khi cho rằng, pho tượng Quán Thế Âm tìm thấy ở Rạch Giá chưa đủ độ xác tín về niên đại để khẳng định nó thuộc văn hóa Óc Eo hay không. Ta biết rằng, ngoài pho tượng Bồ tát ở Rạch Giá, ở Nam bộ còn phát hiện thêm một minh văn trên lá vàng ở Gò Xoài (Long An) nói về Pháp thân kệ(23), một tài liệu được viết bằng ngôn ngữ Pàli (hybrit pali), có dấu vết của San- skrit và văn tự Deccan (Nam Ấn). Mặc dù bản minh văn này có niên đại khoảng thế kỷ VIII, IX, tức sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt, có thể được xếp vào “văn hóa hậu Phù Nam”, nhưng có thể thấy rằng, bản minh văn đó không thể là của người Khmer vì người Chân Lạp thời đó theo đạo Bà la môn. Sau khi đánh bại Phù Nam, người Chân Lạp chủ trương đưa Bàlamon giáo lên hàng đầu, Phật giáo chỉ còn giữ trong dân gian. Sách Nam Hải quy truyện của Pháp sư Nghĩa Tịnh  có chép: “Chân Lạp dưới triều vua Bhavavarman I và Mahen- dravarman đều theo đạo Bàlamon. Phật giáo từng bị bức hại”. Xem ra bản minh văn ở Gò Xoài có thể là sự tiếp nối tinh thần “Pháp thân kệ” của người Phù Nam trước đó(24).

Bên cạnh sự tồn tại đan xen giữa Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa là sự đan xen giữa Phật giáo với Bàlamon giáo và Hindu giáo trong nền văn hóa Óc Eo mà chúng ta dễ dàng nhận ra.

Một đặc điểm khá nổi bật khác là Phật giáo ở Phù Nam được tiếp biến và mang màu sắc bản địa một cách rõ nét. Điều đó thể hiện trên nhiều khía cạnh, nhất là ở các pho tượng Phật đã được tìm thấy ở nhiều nơi trên vùng đất Nam bộ, khi xét về chất liệu, kỹ thuật chế tác, phong cách nghệ thuật,…

Ta có thể thấy, Phật giáo du nhập vào Phù Nam khá sớm, nhưng chỉ phát triển mạnh vào khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VI, khi Phù Nam trở thành đế chế hùng mạnh và trở thành trung tâm Phật giáo lớn ở Đông Nam Á.

Tầm ảnh hưởng của Phật giáo Phù Nam

Rõ ràng, Phật giáo đã cùng Bà-la-môn giáo và Hindu giáo quyện vào trong từng hơi thở cuộc sống của cư dân Phù Nam, góp phần làm nên đặc trưng văn hóa Óc Eo tồn tại trong nhiều thế kỷ. Trên cơ sở những khảo cứu về văn hóa Óc Eo – Phù Nam cho thấy, nền văn hóa này “thấm đẫm tinh thần Phật giáo”.

Những gì đã trình bày ở phần trên cho thấy, Phù Nam thực sự là “cầu nối” giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Phật giáo Phù Nam được tiếp nhận từ Ấn Độ, định hình trên nền tín ngưỡng bản địa và lan tỏa đến khu vực Nam Trung Hoa. Có thể thấy rằng, Phật giáo Phù Nam có sự tương đồng về nhiều mặt với Phật giáo Champa và Phật giáo Giao Châu. Phật giáo Giao Châu cũng từng tạo được ảnh hưởng đối với Nam Trung Hoa thời Tam quốc trong phạm vi quyền cai trị của Ngô Tôn Quyền. Và cũng chính nơi đây, người dân Trung Hoa đã tiếp nhận ảnh hưởng Phật giáo từ người Phù Nam. Nhiều nhà sư Phù Nam (trong đó có những nhà sư Ấn Độ) đã đến Trung Hoa để giảng kinh Phật, dịch kinh Phật cho triều đình; các nhà sử đến Trung Hoa để truyền bá đạo Phật, nhiều kinh Phật được dịch và chuyển đến Trung Hoa để người dân nơi đây được tắm gội đạo pháp theo tinh thần Phật giáo. 

* * *

Sau một thời gian phát triển hưng thịnh, đến thế kỷ VI, đế chế Phù Nam suy yếu dần và bị người Chân Lạp đánh bại. Năm 600, Chi- trasena nối ngôi anh, làm vua Chân Lạp, tiếp tục mở rộng lãnh thổ. Năm 615, Chitrasena mất, con là Isanavarman lên làm vua. Khoảng năm 630, Isanavarman chiếm Na Phất Na. Nước Phù Nam kết thúc sự tồn tại. Sư kiện này được ghi lại trong Tùy thư: “Họ vua là Sát Lỵ (Ksatrya), tên là Trì Đà Tư Na (Chitrasena), tổ tiên ông đã dần hồi phát triển quyền lực của xứ sở. Trì Đà Tư Na đánh chiếm Phù Nam và khuất phục nước đó”(25). Sách Cao Miên quốc khảo cũng thừa nhận: từ một thuộc quốc của Phù Nam, bằng chiến tranh xâm lược, Chân Lạp đã hoàn toàn thôn tính Phù Nam trong thế kỷ thứ VII(26). Tùy thư (soạn năm 636) khi viết về triều Tùy (589 - 618) không thấy chép mục Phù Nam nữa mà trong liệt truyện Nam Man chỉ có ghi 4 nước là Lâm Ấp, Xích Thổ, Chân Lạp và Bà Lợi.

Vậy là, sau một thời gian cầm cự, đến đầu thế kỷ VII, chấm dứt sự tồn tại của Phù Nam với tư cách một quốc gia độc lập, một đế chế hùng mạnh có ảnh hưởng không chỉ với khu vực Đông Nam Á mà còn tạo được dấu ấn đối với nhiều nước trên thế giới. Cùng với sự kết thúc của vương quốc Phù Nam, Phật giáo ở vùng đất Nam bộ cũng bị gián đoạn trong một thời gian dài.

Có thể nói, suốt tiến trình lịch sử mấy ngàn năm của Nam bộ kể từ lúc có con người sinh sống, là cả một quá trình hội nhập, giao lưu, tích hợp và tiếp biến để trở thành phức thể văn hóa, trong đó yếu tố ngoại nhập ngày càng được gia tăng và làm giàu thêm cho văn hóa Nam bộ. Yếu tố “nội sinh” luôn đóng vai trò chủ đạo trong sự định hình văn hóa của vùng đất, trong đó có sự tiếp nối từ văn hóa Đồng Nai đến Óc Eo, qua Khmer rồi Đại Việt, Đại Nam như một dòng chảy. Đặc biệt, từ khi người Việt đóng vai trò chủ thể của văn hóa Nam bộ, vị thế của vùng đất này cũng như của cả đất nước nhanh chóng được nâng lên và tầm ảnh hưởng được mở rộng ra trong khu vực và trên thế giới. “Nam bộ thật rõ ràng là vùng đất đã từng hội tụ nhiều lớp cư dân, nhiều nhóm tộc người với những thân phận khác nhau, hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Họ đã đưa đến Nam bộ những truyền thống văn hóa khác nhau (phương Đông, phương Tây) và đã cùng chung lưng đấu cật dựng nên nền văn hóa lớn mang sắc thái chung được gọi là văn hóa truyền thống Nam bộ (Việt Nam) đã trải qua những thời kì, những bước thăng trầm. Trong đó, có hai thời kì mà họ đưa Nam bộ lên vị thế kinh tế chính trị mạnh và phát triển nhất trong thế giới Đông Nam Á, đó là thời dựng nước Phù Nam và thời “mở cõi – dựng nghiệp” Đại Việt – Đại Nam”(27).

Trong nguồn di sản quý giá ấy, Phật giáo đã đóng một vai trò không nhỏ vào sự phát triển của nền văn minh, văn hóa này. Điều đó nói lên rằng, Phật giáo đã có mặt từ rất sớm tại vùng đất Nam bộ, và đã từng là một trong những tôn giáo chủ đạo của các triều đại cổ vương quốc Phù Nam xưa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Xuân Diệm, “Tổng quan vị thế Nam Bộ thời cổ (Tiếp cận từ cổ địa đến cổ sử)”, Đề án Khoa học xã hội cấp nhà nước: Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ, Một số kết quả, Kỷ yếu hội thảo lần thứ 2, Tp. Hồ Chí Minh, 30.5.2009.

2. Lê Xuân Diệm, Văn hóa Óc Eo – những khám phá mới, Nxb. KHXH, 1995.

3. Kiêm Đạt, “Phật giáo Phù Nam”. Nguồn: http://www.bud- dhismtoday.com

4. G. Coedès, Lịch sử cổ đại các quốc gia Ấn Độ – Trung Hoa ở Viễn Đông, Hà Nội, 1944.

5. G. Coedès, Deux Inscriptions Sanskrites du Fuo-nan, BEFO XXXI, tr. 2 - 8 pl III - IV.

6. Nguyễn Thị Hậu, “Văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa cổ ở Nam bộ”. Nguồn: http://newvietart.com

7. Thông Thanh Khánh, “Tính chất Phật giáo Đại thừa Phù Nam”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 10 & 11 năm 2013.

8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học về “Văn hóa cổ đồng bằng sông Cửu Long, An Giang” 1984.

9. Phan Huy Lê (2004), “Qua di tích văn hóa Óc Eo và thư tịch cổ thử nhận diện nước Phù Nam”, trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 - 2004), Nxb. Thế giới.

10. L.  Malleret,  Khảo  cổ  học  đồng  bằng  sông  Cửu  Long (L’Archéologie du Della du Mékong), Tập I: Sự khám phá khảo cổ học và những cuộc khai quật Óc Eo (L’Exploration archéologique et les fouilles d’Oc Eo), Paris, 1959; Tập II: Nền văn minh vật chất Óc Eo (La civilisation materielle d’OcEo, Paris, 1960; Tập III: Nền văn hoá Phù Nam (La culture du Fuo-nan), Paris, 1961; Tập IV: Khảo cổ học bên này sông Bassac (Le Cisbassac), Paris, 1963.

11. Hoàng Nghị, Nguyễn Anh Tuấn, “Tượng Phật cổ văn hóa Óc Eo”, Tạp chí Cổ vật tinh hoa, số 9 tháng 9.2004.

12. Lương Ninh, ‘“Nước Chí Tôn” một quốc gia cổ ở miền Tây sông Hậu”, Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 1981.

13. Lương Ninh, Nam bộ Việt Nam – Từ thời tiền sử và sơ sử, Chuyên đề phục vụ đề tài nhánh cấp Nhà nước, Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Lịch sử Nam bộ.

14. Lương Ninh (2000), “Văn hóa cổ Phù Nam – Văn hóa đồng bằng sông Cửu Long”, trong Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995 - 2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

15. Hà Văn Tấn, “Từ minh văn trên lá vàng ở Gò Xoài (Long An). Bàn thêm về Pháp thân kệ”, Thông báo khảo cổ học tháng 9.1993.

16. Văn Thoàn, “Trung tâm Phật giáo Phù Nam, Sri Vijaya và Kalinga”. Nguồn: http://phatgiaonguyenthuy.com

17. Tuệ Sĩ, Thắng Man giảng luận, Phật học viện Nha Trang ấn hành.

18. La Toàn Vinh, “Cổ xe nhỏ Phật giáo Phù Nam”, Montréal, 2007. Nguồn: http://yume.vn

 


(*). Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM

1. Theo cách nói của PGS. Lê Xuân Diệm.

2. Chữ dùng của P.Dupont, 1955.

3. Lê Xuân Diệm, “Tổng quan vị thế Nam Bộ thời cổ (Tiếp cận từ cổ địa đến cổ sử)”, Đề án Khoa học xã hội cấp nhà nước: Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ, Một số kết quả, Kỷ yếu hội thảo lần thứ 2, Tp. Hồ Chí Minh, 30.5.2009, tr. 20.

4. Quaritch Wales cho rằng, từ thế kỷ I đến thế kỷ X, bán đảo Mã Lai đã trải qua 4 đợt sóng văn hóa Ấn Độ. Đợt thứ nhất từ thế kỷ I đến thế kỷ III; đợt hai khoảng từ năm 300 đến 550; đợt ba từ năm 550 đền 750 và đợt thứ tư từ 750 đến 900 . Còn ở châu thổ sông Cửu Long, G. Coedès ghi nhận hai đợt ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, đợt thứ nhất từ đầu Công nguyên; đợt thứ hai từ giữa thế kỷ IV đến giữa thế kỷ VI, tương ứng với hai thời kỳ hình thành và phát triển của vương quốc Phù Nam.

5. Theo GS. Phan Huy Lê thì, tên nước Phù Nam, được ghi chép sớm nhất và nhiều nhất trong thư tịch cổ của Trung Hoa. Một số sách như Thượng thư đại truyện, Trúc thư kỷ niên rồi Tiền Hán thư (Q. 44, tr. 6), Hậu Hán thư (Q. 116, tr. 3) chép rằng vào đời Chu Thành Vương thứ 6 (1110 TCN), Việt Thường sai sứ dâng chim trĩ trắng, sau đó Chu Công chế xe chỉ nam cho sứ giả về nước. Về nước Việt Thường, có sách coi là một vương quốc trên đất nước ta hay ở Lâm Ấp, có sách còn chép sứ giả phải qua Phù Nam, Lâm Ấp mới về đến nước. Rõ ràng, đây là một truyền thuyết được chép trong nhiều sách và Việt Thường (thường chép là Việt Thường thị) ở đây là một tộc người nào đó ở phía nam Trung Quốc có quan hệ với nhà Chu, hơn nữa thời đó nước Phù Nam, Lâm Ấp cũng chưa ra đời. Vào cuối thế kỷ III, khi Trần Thọ viết Tam quốc chí đã bắt đầu có những ghi chép cụ thể về Phù Nam, khởi đầu với sự kiện năm 243 (niên hiệu Xích Ô thứ 6), vua Phù Nam là Phạm Chiên sai sứ đến nước Ngô triều cống. (Phan Huy Lê, Sđd).

6. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải, Văn hoá Óc Eo, những khám phá mới, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1995; Trần Văn Giàu (CB, 1987), Địa chí Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn minh và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội; Genet Varcin, Les Restes Osseux des Cent Rues (Sud Vietnam) (1958), BEFEO, T.XLIX, f.1; Các bài viết của Lê Trung Khá trong Những phát hiện mới về khảo cổ học các năm 1978, 1984, 1986; Nguyễn Quang Quyền trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1990; Nguyễn Lân Cường & Nguyễn Kim Thuỷ: Tư liệu mới về những sọ cổ thuộc văn hoá Óc Eo, Khảo cổ học, số 1/1995; O.W. Wolter (1993), History, Culture and Region in Southeast Asian Perspertives, Ibid; U. Minkheev và P.Demenchev chủ biên, Lịch sử Campuchia của Viện Đông phương học Nga; trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đã từng có những đợt khảo sát của các chuyên gia Ấn Độ, Nhật Bản với sự hướng dẫn của chuyên gia Việt Nam trong chương trình nghiên cứu “Văn minh Ấn Độ ngoài Ấn Độ”;...

7. Có sách ghi là Đồ Tà Bạt Ma (Jayavarman), lên ngôi vào khoảng cuối thế kỷ V, tương ứng đời Tề Vũ đế. Năm 503 (Thiên Giám thứ 2), sai sứ sang cống và được vua Lương phong tước hiệu “An Nam tướng quân Phù Nam vương”. Ông mất năm 513 (Thiên Giám 12).

8. Về sự hình thành vương quốc Phù Nam, dựa vào các thư tịch cổ Trung Hoa và những kết quả nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng, khởi đầu từ hai nhân vật truyền thuyết: Liễu Diệp – Hỗn Điền. Theo Khang Thái, sứ giả của Ngô Tôn Quyền thời Tam Quốc chép trong sách Phù Nam thổ tục (còn gọi là Phù Nam truyện) thì ông vua đầu tiên của nước Phù Nam, có lẽ là một quý tộc người Ấn Độ hay là một tăng lữ Bàlamon tên là Hỗn Điền. Một số học giả phương Tây cho rằng truyền thuyết Hỗn Điền là dị bản của truyền thuyết Ấn Độ về Kaundinya. Vương triều của Kaundinya tồn tại khoảng hơn 150 năm, trải qua 3 đời vua. Các thư tịch cổ của Trung Hoa phiên âm tên 3 vị vua này là Hỗn Điền, Hỗn Bàn Huống (127 - 217), và Hỗn Bàn Bàn (217 - 220) (Theo Ngô Văn Doanh (2009), “Vương quốc Phù Nam (khái quát những giai đoạn lịch sử)”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số tháng 3, tr. 13 - 20).

9. Lịch Đạo Nguyên, Thủy kinh chú, Q. 1, tờ 11, mặt sau.

10. Đầu Câu Lợi tức Takkola trên bờ biển phía tây bán đảo Mã Lai.

11. Văn Thoàn, “Trung tâm Phật giáo Phù Nam, Sri Vijaya và Kalinga”. Nguồn: http://phatgiaonguyenthuy.com

12. Tống thư, Q. 5, tờ 5 - 6 ; Q. 97, tờ 1 - 2; Nam Tề thư, Q. 58, tờ 4,...

13. Dẫn theo Kiêm Đạt, Phật giáo Phù Nam. Nguồn: http://www.buddhismtoday.com.

14. Dẫn theo Kiêm Đạt, Phật giáo Phù Nam. Nguồn: http://www.buddhismtoday.com.

15. Coedès G. 1968, The Indianized States of Southeast Asia, Honolulu, 60; Pachow W.

1958, “The Voyage of Buddhist Missions to South – East and theFar East”, Journal of the Greater India Society, XVII (1958), 14. Có tài liệu ghi đoàn người đến kinh đô Trung Hoa bấy giờ vào tháng Tám nhuận năm Thái Thanh 2 (548).

16. Nền Chùa (1982 - 1983), Óc Eo (1944, 1983, 1984, 1993), Gò Tháp (1984, 1993), Đá Nổi (1985), Cây Gáo (1986 - 1987), Gò Rộc Chanh (1986), Đồng Bơ (1987), Lưu Cừ (1986 - 1987), Gò Thành (1988).

17. Tượng có khuôn mặt tròn, mũi cao, mắt mở to, nhìn xuống. Thân tượng cân đối, cổ cao, vai thuôn tròn. Tỷ lệ giữa thân và chân khá hài hòa. Tượng khoác áo cà sa dài xuống cổ chân. Tòa sen hình trụ tròn gồm hai phần, phần trên chạm khắc hai lớp cánh sen, phần dưới là đế thấp, tròn hình trụ.

18. Tượng có khuôn mặt tròn phúc hậu, các đường nét trên khuôn mặt đã bị hủy hoại, chỉ còn chi tiết miệng được thể hiện như đang mĩm cười, môi dưới dày, hai dái tai dài chấm vai. Đầu tượng tròn, tóc kiều bụt ốc, giữa đầu có đỉnh Unisa hình chóp nhọn. Hình mặc trang phục gồm hai lớp: lớp ngoài là áo choàng rộng, phủ từ bờ vai xuống đến cổ chân; lớp trong là áo cà sa mỏng ôm sát thân thể lộ ra những đường cong trên cơ thể. Tòa sen hình trụ gồm hai phần: phần trên chạm khắc đóa sen lớn đang nở gồm hai lớp cánh sen, phần dưới là đế hình trụ tròn.

19. Tượng có khuôn mặt phúc hậu, mắt hé mở, nhìn xuống, mũi cao thon, miệng như đang mĩm cười. Tất cả đều toát lên vẻ từ bi, quảng đại. Đầu tượng tròn, tóc hình bụt ốc, giữa đầu có đỉnh Unisa hình chóp nhọn, hai dái tai dài. Tượng có thân hình cân đối, cổ cao, vai thuôn tròn, hai tay được diễn tả ở tư thế đang vận động. Tay phải đưa lên ngang ngực, lòng bàn tay để ngửa, hướng về trước, các ngón tay trong tư thế đang bắt ấn, tay trái giơ cao, nắm lấy vạt áo cà sa xoắn lại, bẻ ra ngoài đưa sang trái. Tượng mặc áo cà sa rộng quấn qua vai trái, để lộ vai phải, phần vạt áo cà sa bên hông trái căng rộng; kéo thẳng từ vai xuống cổ chân. Tòa sen gồm hai phần: phần trên là đóa sen lớn đang nở , gồm hai lớp cánh sen, phần dưới là đế cao hình trụ tròn.

20. Theo Thông Thanh Khánh, “Tính chất Phật giáo Đại thừa Phù Nam”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 11. 2013.

21. Nguyễn Thị Hậu, “Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) trong bối cảnh văn hóa Óc Eo”. Nguồn: namkyluctinh.org.

22. Trong công trình nghiên cứu của mình, TS. Thông Thanh Khánh khẳng định: Phật giáo Phù Nam được xem như có mặt sớm nhất tại vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa. Thật ra, ngay như trong một tên gọi mà bi ký Võ Cạnh vào thế kỷ thứ I Công nguyên đề cập đến một triều đại có tên gọi là Srimara đã phản ánh phần nào về vai trò Phật giáo Đại thừa ở “quốc gia Phù Nam” này. Srimara hay Srimala là tên gọi của một bộ kinh Đại thừa Phật giáo nói về vai trò của ngũ giới. Tên đầy đủ của bộ kinh này là Srimala – Sim-hanada – Sutra, dịch ra tiếng Hán là Thắng Man Sư Tử Hồng Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng kinh, thường gọi tắt là Kinh Thắng Man. Nội dung chính yếu của bộ kinh này nói về Thắng Man phu nhân, với nhân cách tượng trưng cho tinh thần tuyệt đối bình đẳng của Đại thừa, thiên chức làm mẹ của Bồ tát. Bồ tát không phải là con đường dành riêng cho hàng Thánh giả xuất thế, bậc đại trượng phu, hay một hạng người đặc biệt nào, bởi vì Phật tính vốn bình đẳng nơi tất cả chúng sinh. Chí nguyện và trách nhiệm ấy được thể hiện trọn vẹn trong cốt cách của một nữ Phật tử. Với thiên chức làm mẹ, Bồ tát ôm trọn cả thế gian vào trong lòng bao dung trời biển của mình. Thắng Man là bảng chỉ dẫn các phương pháp nuôi lớn thánh thai của Bồ tát, mở rộng tình mẹ bao la của Bồ tát, do thế không chỉ riêng biệt dành cho phụ nữ, mà con đường thực hiện của Bồ tát đạo. Như vậy nhân cách Thắng Man và nguyên lý Thắng Man đã nằm trọn trong tiêu đề kinh.

23. Bản minh văn này do Trung tâm Khảo cổ học – Viện Khoa học Xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh kết hợp với Bảo tàng Long An tổ chức khai quật, các nhà cổ tự Sanskrit đã tiến hành dịch và công bố. TS. Thái Văn Chải dịch và công bố sau khi phát hiện, sau đó vào năm 1993, GS. Hà Văn Tấn dịch lại và cho công bố trong thông báo tại Hội nghị Khảo cổ học tháng 9.1993.

24. Gần đây, trong một di tích Champa ở tỉnh Gia Lai, phía sau một phù điêu có hình Phật ngồi, mà Bùi Minh Trí đã thông báo năm 2012 có 4 dòng minh văn đúng là câu kệ Pháp thân như minh văn Gò Xoài, viết bằng tiếng Sanskrit chuẩn và bằng thứ chữ viết xưa hơn, khoảng thế kỷ VI – VII, chỉ khác ở câu Mahàvastu vài chỗ. Và như vậy, đến nay đã tìm được câu kệ Pháp thân bằng Pàli cũng như Sanskrit ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhất là khu vực phía nam. Có thể xem đó là những bằng chứng chắc chắn về sự có mặt của Phật giáo, Phật giáo Đại thừa. Và những di tích được đề cập trong các minh văn đó hẳn là di tích Phật giáo.

25. Tùy thư, Q. 82, tờ 3, mặt trước.

26. Theo PGS.TS. Trần Đức Cường thì đến thế kỷ thứ VII, lợi dụng lúc nước Phù Nam suy yếu, nước Bhavacura (người Trung Quốc gọi là Chân Lạp) được hình thành từ một thuộc quốc của Phù Nam có địa bàn hoạt động ở vùng Đông Bắc Campuchia hiện nay, xâm chiếm. Cho đến lúc đó, người Chân Lạp mới đặt chân đến vùng đất Nam bộ. Sau khi nước Phù Nam bị Chân Lạp thôn tính, có 4 quốc vương Phù Nam còn giữ được một số vùng ở miền Tây Nam bộ hiện nay tìm cách khôi phục quốc gia đã bị mất, nhưng không thành. Mãi đến năm 649, triều đại Phù Nam mới thực sự chấm dứt.

27. Lê Xuân Diệm, “Tổng quan vị thế Nam Bộ thời cổ (Tiếp cận từ cổ địa đến cổ sử)”, Tlđd.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6796044