SỰ HẬU THUẪN CỦA MIỀN BẮC ĐỐI VỚI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM VIỆT NAM NĂM 1963
TRIỆU XUYÊN &
HOÀNG CHÍ HIẾU
Trước cũng như sau năm 1975 đã có một số công trình nghiên cứu về phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa miền Bắc với phong trào này vẫn chưa có một công trình nào đề cập đến hoặc nếu có cũng còn mang tính phiếm diện. Bài viết này góp phần tìm hiểu: “Sự hậu thuẫn của miền Bắc đối với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam với cộng đồng dân tộc trong thời hiện đại.
Như chúng ta đã biết phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 bắt nguồn sâu xa từ chính sách lệ thuộc ngoại bang, đi ngược chiều với dân tộc và từ chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ rất sớm, trước lúc phong trào bùng nổ, giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam đã nhận định: “Gia đình họ Ngô không chỉ tượng trưng không chỉ cho Thiên Chúa giáo mà cả cho sự can thiệp của nước ngoài” [1] . Về chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, trong kháng thư gửi cho Ngô Đình Diệm ngày 20-2-1962, giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam đã chỉ rõ: “Hàng ngày chúng tôi nhận được thư từ kêu van từ nhiều nơi gửi về tố sự khủng bố, áp bức bất công ở hạ tầng đối với Phật giáo chúng tôi không kể xiết” [2] . Ông Chan Htoon, Hội trưởng Hội Phật giáo thế giới cũng vạch ra rằng: “Ngay khi chế độ Ngô Đình Diệm được thiếp lập, dân chúng Campuchia khoảng 600.000 người theo Phật giáo Nam tông sinh sống tại miền Nam Việt Nam đã kêu ca là họ đã bị chính quyền Nam Việt Nam và Giáo hội Thiên Chúa giáo ngược đãi một cách có tổ chức. Từ năm năm qua, sự áp chế ngược đãi Phật giáo đã trở nên phổ thông, cho đến nay thì Phật tử Việt Nam cũng chịu chung một số phận”[3] .
Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 bùng nổ ngày 7-5-1963 khi chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo thế giới trong Đại lễ Phật đản 1963 bằng Công điện số 9195 ngày 6-5-1963. Hôm sau (8-5-1963), chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại Đài phát thanh Huế, làm tám Phật tử bị thiệt mạng. Sau vụ thảm sát 48 tiếng đồng hồ mặc dầu đã có được thông tin song không một hãng thông tấn nào trên thế giới đưa tin, kể cả những tờ báo lớn như Le Monde, New York Times, ngoại trừ Đài phát thanh Hà Nội[4] . Tiếp theo, Xã luận báo Nhân dân ngày 15-5-1963 đã nêu bật tính chất chính nghĩa và khẳng định thế tất thắng của cuộc đấu tranh: “Cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật và các tầng lớp đồng bào khác ở Huế là một cuộc đấu tranh chính nghĩa được nhân dân cả nước ủng hộ. Nhân dân miền Bắc vô cùng khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Huế được sự ủng hộ rộng rãi ở miền Nam. Chúng ta tin chắc cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng của đồng bào Huế và ở toàn miền Nam mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng” [5] .
Tiếp theo, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, nhân dân miền Bắc đã dấy lên một phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Tăng Ni, Phật tử miền Nam và tố cáo tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Ngày 20-5-1963, bác sĩ Lê Đình Thám, Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam đã gửi công điện cho Chủ tịch Hội Phật giáo thế giới ở Mianma, tố cáo “Chính phủ Việt Nam cộng hoà” đàn áp Phật tử tại Huế, đồng thời yêu cầu Hội Phật giáo thế giới kêu gọi Phật tử các nước khác ủng hộ cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Phật tử miền Nam Việt Nam. Ngày 21-5-1963, Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam gửi điện tín đến Hội đồng hoà bình thế giới “phản đối Mỹ và chính phủ Việt Nam cộng hoà về vụ xảy ra ở Huế ngày 8-5-1963” và Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á-Phi của Việt Nam cũng đã gửi điện cho Hội đồng Đoàn kết Á-Phi ở Le Caire tố cáo “Chính phủ Việt Nam cộng hoà”. Ngày 29-5-1963, Hội các luật sư tại Hà Nội đã ra tuyên bố phản đối hành động của “Chính phủ Việt Nam cộng hoà” đã vi phạm hiệp định Genève và những bản tuyên bố về nhân quyền của Liên hợp quốc; kêu gọi Hội luật gia dân chủ quốc tế và các hội luật gia thợ thuyền trên thế giới lên án “Chính phủ Việt Nam cộng hoà” và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam.
Ngày 3-6-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp cuộc đấu tranh của sinh viên Huế ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo. Sau khi nhận được tin này, nhân dân Hà Nội đã họp mittin, biểu tình lên án Mỹ - Diệm. Tối ngày 5-6-1963, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội liên hiệp sinh viên và Hội thanh niên Việt Nam, 5 vạn sinh viên các trường đại học và học sinh các trường chuyên nghiệp và phổ thông ở Hà Nội họp míttin tại Nhà hát thành phố, ra tuyên bố tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm và bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của sinh viên và tín đồ Phật giáo miền Nam. Bản tuyên bố viết: “Chúng tôi kịch liệt tố cáo trước dư luận trong nước và thế giới những tội ác tàn bạo của Mỹ -Diệm đối với thanh niên, sinh viên Huế và đồng bào miền Nam Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức thanh niên, sinh viên quốc tế, các nhà trí thức, các bạn thanh niên, sinh viên và nhân dân yêu chuộng tự do, công lý trên thế giới hãy ủng hộ cuộc đấu tranh của thanh niên, sinh viên Huế, các tín đồ theo đạo Phật và đồng bào miền Nam Việt Nam chống lại sự khủng bố tàn sát của chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Hãy lên án và đòi chấm dứt những hành động tàn bạo của bè lũ Mỹ - Diệm đang ngày càng diễn ra một cách khốc liệt, đe doạ tính mạng và cuộc sống của hàng triệu thanh niên, sinh viên và nhân dân miền Nam Việt Nam” [6] .
Cũng trong ngày 5-6-1963, đại biểu các tôn giáo (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài) ở thủ đô Hà Nội ra tuyên bố chung lên án tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm và bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam. Tuyên bố viết: “Nghiêm khắc lên án trước dư luận trong và ngoài nước những hành động độc tài, phát-xít của Mỹ - Diệm cấm tổ chức lễ Phật đản và đàn áp đồng bào Phật giáo Huế ngay trong ngày 8-5-1963 cùng những tội ác đẫm máu của chúng đối với các tôn giáo miền Nam Việt Nam” và “nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần đấu tranh bất khuất của các vị Tăng Ni, các sinh viên và tín đồ Phật giáo Huế, Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Chúng tôi nhất trí đồng tình với những yêu sách chính đáng của đồng bào” .[7]
Ngày 6-6-1963, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi điện khẩn cho Đại sứ R. Goburdhun, Chủ tịch Uỷ ban quốc tế ở Việt Nam. Bức điện khẳng định: “Vụ đàn áp dã man đối với sinh viên và thanh niên hôm 3-6-1963 xảy ra tiếp theo sau vụ khủng bố đẫm máu đối với các tín đồ Phật giáo hôm 8-5-1963 cũng tại thành phố Huế, sau khi giới Phật giáo miền Nam Việt Nam đưa ra 5 yêu cầu rất chính đáng mà chưa được giải quyết, chứng tỏ rằng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn ngoan cố thực hiện chính sách chia rẽ các tôn giáo và phân biệt đối xử, đi đến dùng quân đội đàn áp giới Phật giáo, bao gồm đại đa số nhân dân miền Nam Việt Nam ... Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nghiêm khắc lên án và cực lực phản đổi những hành động dã man trên đây của chính quyền Ngô Đình Diệm, chà đạp mọi quyền tự do dân chủ và tự do tín ngưỡng của nhân dân miền Nam Việt Nam“ [8] . Đồng thời yêu cầu Uỷ ban quốc tế xét ngay vấn đề này và đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm:
“1. Chấm dứt ngay mọi hành động đàn áp khủng bố thanh niên, sinh viên và nhân dân Huế, trả lại tự do cho các sinh niên và thanh niên bị bắt ngày 3-6 vừa qua, chữa chạy cho những người bị thương và bồi thường thiệt hại cho họ.
2. Thực hiện 5 điểm yêu cầu của giới Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, những yêu cầu chính đáng được toàn thể nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc triệt để ủng hộ và dư luận tiến bộ thế giới đồng tình.
3. Chấm dứt chính sách chia rẽ các tôn giáo, đàn áp Phật giáo, đảm bảo mọi quyền tự do dân chủ cũng như mọi tự do tín ngưỡng của nhân dân miền Nam Việt Nam” [9] .
Ngày 10-6-1963, Uỷ ban liên lạc toàn quốc những người Thiên Chúa giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hoà bình ra tuyên bố kịch liệt lên án Mỹ -Diệm đàn áp khủng bố đồng bào theo đạo Phật ở miền Nam Việt Nam. Bản tuyên bố viết: “Uỷ ban liên lạc công giáo toàn quốc tố cáo trước tín đồ Cơ đốc khắp năm châu và cực lực phản đối những hành động vô cùng bạo ngược của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo miền Nam Việt Nam. Chúng tôi coi những hành động bạo ngược đó là sự chà đạp đời sống thiêng liêng của mọi người thuộc bất cứ tôn giáo nào, là hành động vô nhân đạo và là sự khiêu khích đối với tất cả các tôn giáo ... Toàn thể những người công giáo chân chính trong cả nước coi Ngô Đình Diệm là tên Giu-đa hiện đại cần phải kiên quyết đánh đổ” [10] .
Ngày 11-6-1963, Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, báo chí miền Bắc đăng tin chi tiết và hình ảnh về vụ tự thiêu và cho đây là “sự hy sinh gan dạ của Hoà thượng Thích Quảng Đức để chống chính sách của tập đoàn Ngô Đình Diệm đàn áp tự do tín ngưỡng” [11] . Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất cảm động trước sự hy sinh cao cả của Hoà thượng Thích Quảng Đức; Người đã trân trọng cắt các cột báo đăng tin và ghi lại công đức của Hoà thượng.
Những ngày tiếp theo, trên khắp các thành phố, thị xã cũng như ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc, từ Lạng Sơn đến Vĩnh Linh, nhân dân gồm đủ mọi thành phần đã tổ chức mittin, như những cuộc mittin của 300 cán bộ, công nhân nhà máy sắt tráng men Hải Phòng, trên 1000 nhà sư và đồng bào theo đạo Phật tỉnh Hà Nam, trên 5000 đồng bào Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành thị xã Thanh Hoá, 1 vạn đồng bào 12 xã Yên Phong, tỉnh Hà Bắc, trên 7000 đồng bào miền Nam tập kết, thanh niên, học sinh và đồng bào Vĩnh Linh, trên 4500 Tăng Ni, tín đồ Phật giáo và Thiên Chúa giáo tỉnh Ninh Bình, 4000 đồng bào tỉnh Bình Định tập kết và đại biểu nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai, hơn 2000 cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ở Hà Nội, 1000 đồng bào và Phật tử thị Đồng Hới, 2000 cán bộ, công nhân khu gang thép Thái Nguyên, 300 đồng bào theo đạo Phật và đạo Thiên Chúa ở Tuyên Quang, trên 150 Tăng Ni, tín đồ Phật giáo thị xã Lạng Sơn, 480 công nhân bốc dỡ ở Hà Nội .... Tất cả đều đồng thanh lên án chính quyền Ngô Đình Diệm và bày tỏ sự đồng tình ủng hộ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào Phật giáo miền Nam, .[12]
Đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện “Kế hoạch nước lũ”, tấn công đồng loạt các chùa trên khắp miền Nam, bắt giữ hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử và ban hành lệnh giới nghiêm. Căm phẫn trước hành động này, ngày 25-8-1963, 5 vạn nhân dân thủ đô Hà Nội họp mittin lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Tại cuộc mittin, đại biểu của nhiều tổ chức, tôn giáo lên án chính quyến Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam. Nhà sư Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam cho “Kế hoạch nước lũ” của Diệm là “một vụ khủng bố Phật giáo lớn nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam” .[13]
Đại biểu của Tổng công đoàn Việt Nam nói: “Những hành động giả vờ “lương thiện”, “hoà giải” của Mỹ - Diệm trong vấn đề Phật giáo từ mấy tháng nay, đi đôi với thủ đoạn khủng bố trắng trợn của chúng hiện nay, càng làm lộ rõ bộ mặt phản động và âm mưu nham hiểm của Mỹ - Diệm nhằm thủ tiêu phong trào Phật giáo, một bộ phận trong toàn bộ phong trào yêu nước của đồng bào miền Nam. Đúng như dư luận đã vạch rõ, những hành động của Mỹ -Diệm đang gây nên một “sự bất mãn lớn trong nhân dân”, làm cho phong trào chống lại của đồng bào miền Nam ta đối với bọn chúng ngày càng “sâu sắc và gay gắt” .[14]
Linh mục Hồ Thanh Biên, Phó chủ tịch Uỷ ban liên lạc toàn quốc những người Thiên Chúa giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hoà bình “trịnh trọng tố cáo trước tín đồ Cơ đốc và toàn thể nhân dân yêu chuộng công lý khắp năm châu và cực lực phản đối hành động quân sự phát-xít vô cùng bạo ngược của bọn Ngô Đình Diệm ... Chúng tôi tuyên bố triệt để ủng hộ và luôn luôn sát cánh với toàn thể đồng bào miền Nam ruột thịt, với đồng bào Phật giáo miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam” .[15]
Đại biểu Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam vạch rõ: “Ngày 20-8-1963, Diệm ra sắc lệnh thiết quân luật ở miền Nam. Đó là sắc lệnh cực kỳ phản động và phát-xít tàn bạo chưa từng có ở miền Nam Việt Nam, để thẳng tay khủng bố, bắt bớ, bắn giết các nhà sư, tín đồ Phật giáo cũng như các nhà trí thức và các anh chị em sinh viên, học sinh yêu tự do dân chủ và toàn thể nhân dân yêu nước ở miền Nam” [16] .
Luật sư Phan Anh, chủ tịch Hội luật gia tố cáo tích chất cực kỳ phi pháp sắc lệnh thiết quân luật của Diệm: “Lịch sử pháp lý thế giới chưa bao giời thấy một vụ sử dụng quyền thiết quân luật kỳ khôi như vậy; một vụ thiết quân luật để đàn áp, bắn giết dã man chống lại những nhà sư tụng niệm trong chùa, những tín đồ Phật giáo tụ họp làm lễ an táng cho những người chết vì đạo, những giáo sư, những sinh viên yêu công lý, yêu dân chủ. Thực chất đây không thể gọi là một vụ thiết quân luật theo nghĩa pháp lý của nó. Đây là một mánh khoé thô bạo của một chế độ tàn ác”[17] .
Nổi bật nhất là Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28-8-1963. Trong Lời tuyên bố này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man Tăng Ni, Phật tử và khủng bố, bắt bớ giáo sư, sinh viên, học sinh miền Nam: “Gần đây, ở miền Nam Việt Nam lại xảy thêm một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và đau thương. Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật. Chúng đóng cửa các nhà trường, bắt bớ hàng loạt các giáo sư, sinh viên, học sinh. Tội ác dã man của chúng, trời đất không thể dung tha. Hành động hung tàn của chúng, nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình ... Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ nông công thương, không phân biệt chính kiến tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng” [18] . Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam: “Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, nhất định giành được thắng lợi cuối cùng”[19] .
Cũng cần nói thêm rằng trong phong trào hậu thuẫn đối với phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, báo chí miền Bắc đã góp phần rất tích cực, nổi bật nhất là các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, tạp chí Học tập (nay là tạp chí Cộng sản), tuần báo Thống nhất ... Các báo miền Bắc đã đưa tin về cuộc đấu tranh quyết liệt của Tăng Ni và Phật tử miền Nam; về sự tham gia đấu tranh tích cực của mọi giới đồng bào miền Nam; về sự ủng hộ rộng rãi của dư luận thế giới đối với phong trào; đăng những văn kiện quan trọng của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 cùng với những hình ảnh đấu tranh sinh động, như hình ảnh của Tăng Ni Phật tử miền Nam đối diện với sự đàn áp ác liệt của kẻ thù, nổi bật nhất là hình ảnh của những nhà sư ngồi yên trong ngọn lửa đỏ với một tâm nguyện duy nhất là “diệt lũ ma vương, đem lại an lạc cho chúng sinh”. Rất nhiều bài xã luận, bình luận cùng với những loại hình khác đã phân tích sâu sắc về bản chất độc tài, phản dân tộc, tay sai ngoại bang của chính quyền Ngô Đình Diệm; về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo miền Nam; khẳng định sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm và thắng lợi của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 đều là tất yếu như nhau.
Điều cần chú ý là sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 được đánh giá như là một mũi tiến công của phong trào cách mạng miền Nam. Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn. Hoang mang trước sự lớn mạnh và thế tiến công cách mạng , đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi tay sai, phế bỏ Ngô Đình Diệm hòng để cỉa thiện tình hình chính trị và quân sự để cứu vãn thất bại. Song Mỹ đã phạm phải sai lầm. Sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới” [20] .
Qua hai ngàn năm lịch sử, kể từ khi được truyền vào nước ta, lịch sử đã xác chứng rằng Phật giáo Việt Nam đã có những hoạt động cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa Phật giáo Việt Nam với cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, hiểu biết sự gắn bó này sẽ không đầy đủ nếu chỉ nhìn một cách đơn thuần về tinh thần và thái độ của Phật giáo đối với dân tộc mà không chú ý đến thái độ của nhân dân, chính sách của nhà nước đối với Phật giáo. “Sự hậu thuẫn của miền Bắc đối với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” như đã trình bày trên góp thêm một cứ liệu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều mà như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”[21] .
1 Schecter, Jerrold. The New Face of the Buddha, John Weatherhill, Tokyo, 1967, tr.186.
2 Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần ngày 20-2-1962 (bản đánh máy). Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, tr. 2.
3 Quốc Tuệ, Công cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr.184.
4 Xem Erich Wulff. Lễ Phật đản 8-5-1963 tại Huế trong “1963-2003 - Bốn mươi năm nhìn lại”. Nxb. Giao Điểm, USA, 2003, tr. 35.
5 Nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào Huế chống Mỹ-Diệm, Xã luận báo Nhân dân ngày 15/5/1963, tr.1.
6 Tuyên bố của Trung ương Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam lên án Mỹ - Diệm khủng bố 1200 thanh niên, sinh viên Huế. Báo Nhân dân, ngày 6-6-1963, tr.1.
7 Tuyên bố chung của đại biểu Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài Hà Nội ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào Phật giáo ở miền Nam chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Báo Nhân dân, ngày 6-6-1963, tr. 1.
8 Võ Nguyên Giáp. Điện gửi cho Đại sứ R. Goburdhun, Chủ tịch Uỷ ban quốc tế ở Việt Nam, ngày 6-6-1963. Báo Nhân dân ngày 7-6-1963, tr.1-4.
9 Võ Nguyên Giáp, Sđd., tr.1-4.
10 Đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở miền Bắc kịch liệt lên án Mỹ - Diệm khủng bố, đàn áp đồng bào Phật giáo miền Nam. Báo Nhân dân ngày 27-8-1963.
11 Báo Nhân dân, ngày 13-6-1963.
12 Báo Nhân dân các ngày 23, 27-6-1963 và 5-7-1963.
13 Thích Trí Độ. Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam nghiêm khắc lên án Mỹ - Diệm khủng bố, đàn áp đồng bào Phật giáo miền Nam. Báo Nhân dân ngày 27-8-1963, tr.3.
14 Nguyễn Hộ. Nhân dân lao động cả nước hãy ủng hộ bằng mọi cách cuộc đấu tranh của tín đồ Phật giáo và toàn thể đồng bào miền Nam Việt Nam. Báo Nhân dân ngày 27-8-1963, tr.3.
15 Hồ Thanh Biên. Chỉ khi nào xoá bỏ sự xâm lược của đế quốc Mỹ, xoá bỏ chế độ độc tài bán nước Ngô Đình Diệm, các tôn giáo mới thực sự được tự do. Báo Nhân dân ngày 27-8-1963, tr.3.
16 Nguyễn Trọng Quyền. Sinh viên và học sinh miền Bắc nguyện cùng đồng bào cả nước kiên quyết đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Báo Nhân dân ngày 27-8-1963, tr.3.
17 Phan Anh. Những người luật gia Việt Nam kịch liệt tố cáo thủ đoạn mới của Mỹ Diệm. Báo Nhân dân ngày 27-8-1963, tr.3.
18 Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay. Báo Quân đội Nhân dân, ngày 29-8-1963, tr.1.
19 Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tài liệu đã dẫn, tr.1.
20 Lê Duẩn. Thư vào Nam. Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 248.
21 Thích Đức Nghiệp. Hồ Chủ tịch một biểu trưng nhân bản Việt Nam. Nghiên cứu Phật học, số 1, Phân viện nghiên cứu Phật học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 29.
Bình luận bài viết