SỰ HÌNH THÀNH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
ĐINH HỮU CHÍ
1. Tình hình Phật giáo Việt Nam thời Pháp thuộc
Trong quá trình đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm cùng vận mệnh đất nước, đồng thời hòa quyện vào văn hóa dân tộc như một thực thể không thể tách rời, tạo nên một đặc trưng riêng, một dấu ấn riêng của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, có những lúc Phật giáo được coi là quốc giáo, nhiều bậc cao Tăng được trọng vọng trong xã hội, nhưng cũng có lúc Phật giáo đứng trước những chướng duyên, thế nhưng “dòng mạch” Phật pháp vẫn không bao giờ đứt. Điều đó có được là do các tín đồ của đạo Phật, dù ở trong hoàn cảnh nào, vẫn luôn có một niềm tin mãnh liệt ở đạo pháp, vào sự thống nhất trong giới Tăng, Ni và sự hoà hợp của đông đảo tín đồ.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, biết được sức mạnh và ảnh hưởng vô cùng to lớn của Phật giáo đối với quần chúng nhân dân, chúng đã thẳng tay đàn áp Tăng Ni, tàn phá chùa chiền, sinh hoạt nghi lễ Phật giáo bị ngăn cấm. Điều này cũng nằm trong kế hoạch hòng xóa bỏ văn hóa, phong tục tập quán, cũng như tôn giáo truyền thống của người Việt Nam. Mặt khác, thực dân Pháp cũng lo sợ nhân dân thông qua Phật giáo để chống lại chúng. Thế nên vừa tìm cách đồng hoá bằng việc thay thế dần văn hoá và lối sống phương Tây, đồng thời thực dân Pháp cũng ra sức truyền bá Công giáo. Có thể nói chưa khi nào Phật giáo Việt Nam lại đứng trước tình thế cấp bách như vậy, đòi hỏi phải có sự chấn chỉnh về mặt tổ chức để tập hợp, đoàn kết Tăng Ni, Phật tử cùng chèo chống con thuyền Phật giáo trước phong ba bão táp, vì thế nhiều người tâm huyết, nhất là các vị cao Tăng đã nhất tâm củng cố Phật giáo.
Vào những năm 1930, Phật giáo Việt Nam đã có những dấu hiệu đầu tiên của sự phục hồi, bằng chứng là phong trào chấn hưng Phật giáo do một số vị cao Tăng khởi xướng đã diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi ở khắp mọi nơi. Tại miền Nam, Hòa thượng Khánh Hòa ở chùa Tuyên Linh, Hòa thượng Thích Từ Phong ở chùa Giác Hải, Hòa thượng Thích Hoằng Nghĩa ở chùa Giác Viên... đã mở các lớp giáo lý, soạn dịch kinh sách nhằm hoằng dương chính pháp. Tại miền Trung, các vị Hòa thượng Thích Tuệ Pháp ở chùa Thiên Hưng, Hòa thượng Thích Thanh Thái ở chùa Từ Hiếu, Hòa thượng Thích Đắc Ân ở chùa Quốc Ân... thường xuyên mở các lớp giáo lý dạy dỗ cho các Tăng Ni trẻ, tạo không khí học tập sôi nổi, đồng thời qua đó các Tăng Ni được thấm nhuần giáo lý Phật đà. Trong khi đó ở miền Bắc, tại các đạo tràng như Vĩnh Nghiêm, Linh Quang, nhiều vị cao Tăng đã tổ chức các buổi giảng dạy Phật pháp, tiến hành in ấn kinh sách, dịch các bộ kinh lớn, tổ chức các ngày lễ Phật Đản, Vu Lan, tập trung Tăng Ni trong các khoá an cư... đã làm sinh động thêm đời sống Phật giáo. Chính từ sự chấn hưng này và liên tiếp trong nửa đầu thế kỷ XX, hàng loạt các tổ chức, hệ phái Phật giáo đã ra đời và có nhiều hoạt động tích cực.
Có một điều là các tổ chức Phật giáo ra đời phần nhiều đều tập trung ở những trung tâm lớn, mà cụ thể là ở ba trung tâm Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Điều này có những lý do khách quan, vì những nơi này tập trung đông dân cư, có điều kiện phát triển kinh tế, tập hợp được đông đảo tầng lớp Tăng Ni, Phật tử.
Kết quả của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam trong các năm 1951, 1958 và 1963 đã diễn ra ba cuộc vận động thống nhất Phật giáo lớn mà kết quả là cho ra đời ba tổ chức Phật giáo. Năm 1951, đánh dấu sự ra đời của Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Huế. Năm 1958, đánh dấu sự ra đời của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại miền Bắc. Năm 1964, đánh dấu sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại miền Nam. Mặc dù các cuộc thống nhất Phật giáo này chưa đạt được những thành tựu viên mãn nhưng nó cũng đã tạo ra những điều kiện tốt, là tiền đề cho sự thống nhất Phật giáo Việt Nam sau này.
Năm 1963 cũng là năm đáng nhớ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam khi Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân tại Sài Gòn để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, làm dấy lên phong trào chống chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp thế giới. Ngọn lửa bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rạng danh cho những người con Phật ở Việt Nam. Hành động vị pháp của Bồ tát Thích Quảng Đức là hồi chuông cảnh tỉnh cho những thế lực muốn phá hoại, chia rẽ Phật giáo Việt Nam...”.1
2. Những tổ chức có mối quan hệ tiền thân của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam
Tại nước ta, từ thập niên 1920, các nhà sư có tâm huyết kiên trì tư tưởng Phật giáo truyền thống, đã cùng nhau dấy lên phong trào chấn hưng Phật giáo để củng cố và phát triển những giá trị nền tảng về con người và xã hội của mình.
Bấy giờ, Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái quy tụ Tăng tín đồ đang phân rẽ vì ý thức hệ đa chiều. Ý thức quốc gia, dân tộc chưa đủ sức mạnh liên kết lại làm một khối Phật giáo thống nhất. Trước tình hình đó, nhiều vị cao Tăng và cư sĩ tâm huyết nước nhà tiếp thu những tư tưởng mới đã phất ngọn cờ chấn hưng Phật giáo.
Ở Nam Bộ, hai vị khởi xướng tiếng nói đầu tiên là Hòa thượng Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu. Ở Trung Bộ, có cư sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám cùng 2 Hòa Thượng Giác Tiên và Phước Huệ. Ở Bắc Bộ, nhị vị có Hòa thượng Trí Hải, Thanh Hanh và cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha. Các vị này đã chỉ ra những suy thoái trong hàng ngũ Tăng già, tình trạng sa sút và lỏng lẻo trong giới luật, tình trạng hoạt động trái với giáo lý nhà Phật, tình trạng dao động của tín đồ, tình trạng xâm nhập của các tư tưởng ngoại đạo... Nhìn thấy sự thành công của tư tưởng Phật giáo vào xã hội phương Tây, các nhà chấn hưng Phật giáo đặt câu hỏi vì đâu Phật giáo nước nhà suy thoái. Các vị bắt tay vào việc chấn chỉnh giềng mối từ giáo lý đến nghi lễ và cho ra đời những tổ chức Phật giáo mang tính cách mạng, có ý nghĩa cải cách triệt để nhằm duy trì ý nghĩa siêu việt của Phật Tổ tỏa rộng đến từng tầng lớp trong xã hội. Chấn hưng Phật giáo cũng từ nhận thức đúng mực về tư tưởng khoa học kỹ thuật hiện đại, rằng mặc dù con người có thể thăng tiến về vật chất, có thể tiến tới làm chủ thế giới tự nhiên, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự cải cách trong bản thân con người, thoát khỏi cái vô thường để hướng tới chân lý ngay trong cuộc sống.
Nhìn lại phong trào chấn hưng Phật giáo, thấy nổi lên ba trung tâm chấn hưng lớn là Nam Bộ, Huế và Hà Nội.
* Trung tâm Nam Bộ
Trong tình trạng u ám như vậy, vẫn còn có các chùa giữ được nền nếp tinh thần Phật giáo thuần thành như chùa Trường Thọ với Hòa thượng Tâm Thông, chùa Giác Hải với Hòa thượng Từ Phong, chùa Giác Viên với Hòa thượng Hoằng Nghĩa, chùa Hội Khánh với Hòa thượng Từ Văn, chùa Linh Tuyền với Hòa thượng Huệ Tịnh, chùa Hội Linh với Hòa thượng Hoằng Đạo, chùa Phước Lâm với Hòa thượng Mệ Nội, chùa Thiên Thai với Hòa thượng Thanh Kế... Đặc biệt là Hòa thượng Khánh Hòa, người phất ngọn cờ đầu phong trào chấn hưng Phật giáo nước ta, là người trực tiếp lãnh đạo phong trào này tại Nam Bộ.
Cùng với Hòa thượng Khánh Hòa, còn có Hòa thượng Từ Phong cũng dốc lòng khôi phục bản đạo. Ban đầu hai vị lập ra Lục Hòa Liên Hiệp để các sư hội họp bàn về nội bộ Tăng đồ, kêu gọi chỉnh lý Tăng đồ.
Bấy giờ, chữ quốc ngữ đã bắt đầu phổ biến, xuất hiện một số nhà sư trẻ có thực học mà nổi bật nhất là sư Thiện Chiếu, người vừa am hiểu thâm sâu giáo lý nhà Phật đồng thời có khả năng tiếp cận tư tưởng khoa học phương Tây.
* Trung tâm Huế
Hai nhân vật hàng đầu Phật giáo Trung Bộ bấy giờ là Hòa thượng Giác Tiên và cư sĩ Lê Đình Thám. Hai vị chủ động mở một đạo tràng giảng kinh tại chùa Trúc Lâm lấy tên là Sơn Môn Học Đường Trúc Lâm và mời Hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp - Di Đà làm chủ giảng. Cư sĩ Lê Đình Thám còn thành lập An Nam Phật Học Hội và xuất bản tạp chí Viên Âm để quy tụ lực lượng và quảng diễn phong trào. Những vị quan chức cao cấp của triều đình như Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, những thân vương hoàng tộc như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, trí thức tân học như Lê Thanh Cảnh, Lê Đình Thám, Trương Xương, Nguyễn Khoa Toàn, phụ nữ tân học như Cao Xuân Xang, Tôn Nữ Thị Bân, Hồ Thị Thể Anh... tham gia học kinh, giảng pháp theo phong cách mới, chủ trương chấn hưng Phật giáo cho phù hợp với thời đại.
Hàng Tăng sĩ, ngoài hai vị hòa thượng trên, còn có những cao Tăng như Hòa thượng Huệ Pháp chùa Thiên Hưng, Hòa thượng Tam Tịnh chùa Tây Thiên, Hòa thượng Viên Thành chùa Trà Am, Hòa thượng Phước Hậu chùa Trường Xuân, kể cả nhà sư trẻ như Thượng tọa Mật Thể cũng tích cực hưởng ứng phong trào.
* Trung tâm Hà Nội
Cũng giống như tình hình tại Nam Bộ và Trung Bộ, Phật giáo Bắc Bộ với những khuôn mặt nổi bật như sư Tuệ Tạng, Trí Hải, cư sĩ Thiều Chửu, các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Trọng Thuật, Sở Cuồng Lê Dư làm trụ cột cho phong trào chấn hưng Phật giáo.
Miền Bắc thời bấy giờ, các chùa hầu hết đã biến tướng không còn là nơi tu hành Phật giáo lành mạnh nữa. Từ nơi thờ phụng đến nghi thức lễ bái không đâu giống đâu. Kinh sách toàn bằng chữ Nho, mà người am hiểu chữ Nho thì ít dần. Người ta đọc tụng, mà ý nghĩa kinh sách hiểu mơ hồ. Tự mình đã không thông thì việc đem ra rao giảng càng mơ hồ, xa rời chánh lý. Trong tình cảnh ấy, Phật giáo đồ lần lượt dắt nhau vào con đường mê tín dị đoan gây tiếng xấu cho nhà Phật. Phật giáo như một quá khứ còn sót lại những tập tục lạc hậu chỉ trì kéo và ngăn trở sự tiến bộ.
Sư trẻ Trí Hải có khả năng hiểu được kinh sách chữ Hán, tiếp thu được cái mới, gióng lên ý tưởng lập hội Phật giáo trong vùng Lý Nhân, Hà Nam. Các sư cao tuổi tâm huyết với tiền đồ của Phật giáo, tán thành sư Trí Hải, nhưng cho là rất khó, ngại bị chính quyền thực dân khép vào tội lập đảng cách mạng chống nhà nước bảo hộ. Sư Trí Hải bền lòng tiến hành từng bước, thuyết phục các vị trên suốt nhiều năm mà kết quả rất ít.
Sư Trí Hải cùng các đồng môn trẻ tuổi theo cách tổ chức hội Liên xã của các sơn môn xưa nay vẫn làm, lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ. Lục Hòa Tịnh Lữ gồm những nhà tu làm bạn cùng nhau tu theo 6 pháp hòa thuận theo lời Phật dạy:
1) Thân hòa đồng trụ: Sống hòa trong tập thể.
2) Khẩu hòa vô tránh: Nói năng hòa thuận.
3) Ý hòa vô vi: Không làm trái ý nhau.
4) Kiến hòa đồng giải: Hiểu biết bảo ban nhau.
5) Giới hòa đồng tu: Cùng giữ giới luật tu hành.
6) Lợi hòa đồng quân: Cùng hưởng đều nhau.
Lục Hòa Tịnh Lữ từng bước ảnh hưởng lan truyền trong giới tu trẻ, tổ chức sinh hoạt thành công tại vài nơi, khiến các sư lão thành hoan hỷ tham gia như Thượng tọa Trí Hòa chùa Tú Yên, sư cụ Thông Thiên chùa Hà Mặc, sư cụ Thanh Lạc chùa Vị Bình, sư cụ Thanh Lịch chùa Hải Trung...
Đến năm 1934, cơ hội chín muồi, nhóm Tùng Thư tiến hành xin thành lập Hội do Nguyễn Năng Quốc làm Chủ tịch, quy tụ nhiều cư sĩ học giả và các vị sư đạo cao đức trọng.
* Tổ chức thống nhất các tổ chức Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên
Cho đến những năm 1950, nhiều tổ chức Phật giáo đã hoạt động trên khắp 3 miền. Ở Bắc có Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt và Tăng già Bắc Việt. Ở miền Trung có Hội Việt Nam Phật giáo Trung Việt và Tăng già Trung Việt. Ở miền Nam có Hội Việt Nam Phật giáo Nam Việt và Tăng già Nam Việt.
Các đoàn thể này cùng chung ý thức thống nhất Phật giáo toàn quốc. Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt chính thức gia nhập gia đình Phật giáo thế giới, khi cử đoàn tham gia Hội nghị Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ nhất tại Colombo với sự tham dự của 26 đoàn của 26 nước. Phật giáo Việt Nam chấp nhận bản Điều lệ và lá cờ Phật giáo thế giới 5 màu được Đại hội quy định làm biểu tượng chung của toàn thể Phật giáo thế giới.
Người đại diện cho Phật giáo Việt Nam là Thượng tọa Tố Liên được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới. Chùa Quán Sứ được bố trí làm trụ sở chính thức của WFP tại Việt Nam.
Sáu tổ chức Phật giáo trong cả nước lúc bấy giờ vâng theo lời hiệu triệu của các vị Đại lão Hòa thượng đã nhóm họp tại chùa Từ Đàm (Huế) gồm 51 đại biểu ngày 6-5-1951 thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được bầu làm Chủ tịch Hội.
Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam năm 1963 là sự kết hợp đồng bộ của các đoàn thể Phật giáo toàn miền Nam được đông đảo Phật tử, nhân sĩ trí thức, sinh viên học sinh, công chức, người lao động từ nông thôn đến thành thị ủng hộ và kết thúc bằng cuộc đảo chánh của quân đội, của chính quyền.
Ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức, Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Việt Nam tự thiêu tại Saigon. Trái tim biến thành xá lợi của Hòa thượng đã làm chấn động lòng người và đã gây nên tiếng vang khắp thế giới.
Tiếp đến, Hòa thượng Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại Huế, rồi còn các vị sư khác tự thiêu ở Sài Gòn đã gây cơn chấn động ghê gớm nhận chìm chế độ Ngô Đình Diệm.
Tuy vậy sau đảo chánh Ngô Đình Diệm, nội bộ Phật giáo tổ chức họp tiến hành thống nhất lần nữa rất long trọng và đầy khí thế, nhưng dần dần xuất hiện nhiều dấu vết rạn nứt. Sự rạn nứt ngày càng nghiêm trọng không thể hàn gắn. Hình thành khối Thượng tọa Tâm Châu, khối Thượng tọa Trí Quang hay còn gọi là khối Việt Nam Quốc Tự và khối Ấn Quang.
Năm 1967, Thượng tọa Tâm Châu phế bỏ Hiến chương Phật giáo năm 1964, lập ra một Giáo hội khác với một Hiến chương khác. Hiến chương này lại được sự đồng thuận của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Phật giáo miền Nam dần bị lôi kéo vào chính trị như một đảng phái chính trị, thậm chí có một bộ phận Phật tử tham gia đấu tranh chính trị xa rời truyền thống đạo pháp và dân tộc Việt Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, việc thống nhất Phật giáo cả nước cũng gặp rất nhiều gian nan. Tuy nhiên, năm 1981, Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành công đã mở ra con đường cho Phật giáo Việt Nam đoàn kết phát triển với phương châm bất diệt của truyền thống Phật giáo Việt Nam “Đạo chỉ có thể phát triển bền vững trong lòng dân tộc”.2
2.1 Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1946)
Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, HT Thích Minh Nguyệt bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng với bí danh Tam Không, ngài có mặt ở hầu khắp các chùa, chiền, miếu mạo Nam Bộ để giảng giải cho Tăng Ni, phật tử - chính sách của Mặt trận Việt Minh mà Hội Phật giáo cứu quốc là một thành viên. Với nhiệt huyết yêu nước và cách mạng, Ngài lần lượt được các Tăng Ni, Phật tử bầu làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Mỹ Tho, Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Sài Gòn – Gia Định. Ngoài ra ngài còn là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Minh Sài Gòn – Gia Định và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Minh Kỳ bộ Nam Bộ.
Cuối năm 1946, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt hoạt động cách mạng khi chìm khi nổi, ẩn hiện khắp mọi nơi với bí danh Tam Không, được bầu làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, trụ sở tại chùa Ô Môi, Đồng Tháp Mười.
Ngày mùng 8/4 năm Kỷ Sửu (5/5/1949), Ban Chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ hợp cùng Phật giáo cứu quốc liên tỉnh Mỹ Tho - Sa Đéc tổ chức long trọng ngày lễ Đản sinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại một địa điểm ở Nam Bộ (báo không nói địa điểm cụ thể vì lý do bảo mật và bảo đảm an toàn cho địa phương này). Các cấp Dân-Quân-Chính, đồng bào, Phật tử đến tham dự trên 6.000 người.
Đứng trước máy phóng thanh, ông Tam Không, Hội trưởng, đại diện Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và Liên tỉnh Mỹ Tho - Sa Đéc đọc diễn văn khai mạc. Với giọng đều đều, rảnh rang, ông nhắc lại lòng yêu nước của các bậc Tăng già tiền bối trải qua các thời đại; ông giải thích ý nghĩa, thành tích tham gia kháng chiến của Phật tử Nam Bộ: “Phật giáo đồ Nam Bộ đã khai sát giới, gia nhập Vệ quốc quân và dân quân, cầm súng mang dao, giết giặc trừ gian. Đặc biệt tỉnh Bạc Liêu, số hội viên Phật giáo cứu quốc chỉ hơn 5.000 mà đã sung vào dân quân đến 1.500 người. Ngoài ra còn có nhiều nhà sư cùng với Vệ quốc quân ba khu Nam Bộ đền nợ nước tại chiến trường... Việc cứu giúp đồng bào, đỡ đầu bộ đội, ủng hộ quân nhu, Phật giáo đồ đã thực hành đúng lý tưởng lợi tha, bác ái của Đức Phật. Chuông, khánh là của quý nhà chùa mà tỉnh Mỹ Tho đã hiến cho công binh xưởng 50 đại hồng chung, 14 tiểu hồng chung và tỉnh Sa Đéc trên 2 tấn đồ đồng... Toàn Nam Bộ số hội viên Phật giáo cứu quốc có chừng 30.000 mà đã ngót 1.000 cha, mẹ, chị tham gia Hội mẹ chiến sĩ đỡ đầu chiến sĩ…”3.
2.2 Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử
Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ra đời vào năm 1952 do Hòa thượng Thiện Tòng chùa Trường Thạnh (quận 1) làm Tăng trưởng. Đây là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã (1920). Tại Nam Bộ, Tăng sĩ yêu nước có hoài vọng tập họp chư sơn thiền đức, mục đích của giáo hội nhằm tập họp Tăng sĩ vào một tổ chức để duy trì nền tảng Phật giáo cổ truyền, sống theo 6 phép Lục Hòa của tinh thần Phật giáo. Điều 2 của Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam cho biết nguyên nhân thành lập giáo hội nhằm “duy trì nền tảng cổ truyền và thực hiện nền giáo dục Phật lý để dìu dắt nhân sinh sống theo 6 phép Lục Hòa mà nghìn xưa đức Phật đã dạy”. Mặt khác, còn một mục đích quan trọng hơn, chính là do tình hình giặc Pháp lúc bấy giờ khủng bố mạnh, một số Tăng sĩ về phụ trách Phật giáo cứu quốc trong Mặt trận Liên Việt các tỉnh, nên lập giáo Hội Lục Hòa Tăng chính là nhằm để giữ vững tổ chức và người, nhằm đối phó với âm mưu lợi dụng tôn giáo của Pháp. Hòa thượng Bửu Ý, vị Tăng sĩ tham gia trong phong trào kháng chiến chống Pháp, cho biết “Sở dĩ Giáo hội ra đời là vì năm 1949 Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng xét thấy tình hình khó khăn do giặc Pháp khủng bố, lúc bấy giờ tôi là Ủy viên phụ trách Phật giáo cứu quốc Sài Gòn – Gia Định, bấy giờ quý cụ như Hòa thượng ở chùa Trường Thạnh, Phật Ấn, Long An, Long Quang, Giác Viên… âu lo, âm thầm lặng lẽ hoạt động cốt yếu là giữ tổ chức, và người…”.
Đến năm 1957, Giáo hội mới chính thức được chính quyền chấp thuận và có điều lệ. Văn phòng giáo hội đặt tại chùa Trường Thạnh. Giáo hội cũng có một trường học mang tên Phật Học Đường Lục Hòa, được xây dựng cạnh chùa Giác Viên (quận 11) do Thượng tọa Huệ Chí làm Giám đốc và một tạp chí lấy tên là Phật học tạp chí, tòa soạn đặt tại chùa Phật Ấn (quận 1) do Hòa thượng Thành Đạo làm chủ nhiệm và thượng tọa Huệ Chí làm chủ bút.
Bên cạnh tổ chức Giáo hội dành cho Tăng sĩ, Hội cũng thành lập thêm một tổ chức của cư sĩ Phật tử, đó là Hội Lục Hòa Phật tử vào năm 1954, trụ sở đặt tại chùa Long Vân (Gia Định). Mục đích chính của Hội nhằm chăm lo tốt đời sống các Phật tử có tuổi, giúp đỡ họ được chu tất khi qua đời. Hội cũng có một nghĩa trang tại Gò Dưa (Thủ Đức).
Năm 1963, Hòa thượng Huệ Thành, chùa Long Thiền (Đồng Nai) đã đứng ra hợp nhất hai tổ chức này lại thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Văn phòng đặt tại chùa Giác Lâm (quận Tân Bình).4
3. Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam
Sau ngày 30/4/1975, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được bầu làm Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước được sự tham gia nồng cốt của Chư Tôn đức Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Ban Vận động hiệp thương thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập với các chức danh: Trưởng ban: Hòa thượng Thích Trí Thủ; Phó Trưởng ban: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thế Long; Ủy viên thường trực: Hòa thượng Thích Thiện Hào; Chánh Thư ký: Thượng tọa Thích Minh Châu; Phó Thư ký: Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Thích Thanh Tứ; các Ủy viên: Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đạt Hảo, Hòa thượng Châu Mum, Thượng tọa Thích Thanh Trí, Thượng tọa Thích Chánh Trực, Thượng tọa Thích Giác Toàn, NS.Huỳnh Liên, Cư sĩ Nguyễn Văn Chế, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm.
Ban Vận động đã ra mắt ngày 9/4/1980 tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Tại buổi lễ ra mắt, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động gởi Tăng Ni, Phật tử cả nước và sau đó, toàn Ban Vận động đã ra mắt các vị Tăng Ni, Phật tử Thủ đô.
Ngày 15/5/1980, tại chùa Xá Lợi, Ban Vận động đã làm lễ ra mắt trước đông đảo Tăng Ni, Phật tử TP.HCM. Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã đọc diễn văn khai mạc và Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động, khẳng định bối cảnh nước nhà đã thống nhất là vận hội mới mở đường cho thống nhất Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Thượng tọa Thích Giác Toàn, đại diện các tổ chức, hệ phái đã phát biểu bày tỏ hoan hỷ và cảm xúc, nhất trí hoàn toàn với việc thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Trong ngày 23/5 và 24/5/1980, Ban Vận động đã tổ chức ra mắt tại giảng đường chùa Từ Đàm, Huế và nhận được sự đồng thuận của tất cả Tăng Ni, Phật tử cố đô.
Sau khi lễ ra mắt thành công tốt đẹp, tại Hà Nội, TP.HCM và Huế - mùa thu tháng 8/1980, Ban Vận động đã có cuộc mạn đàm thân mật với 140 đại biểu nhân sĩ, trí thức, Phật tử thuộc nhiều giáo phái tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) do Hòa thượng Thích Trí Thủ chủ trì. Nội dung cuộc mạn đàm xoay quanh vấn đề thống nhất Phật giáo Việt Nam, những tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp, các hệ phái đa số đều nói lên những suy nghĩ chân tình trước tình hình thống nhất Phật giáo cùng những băn khoăn như chương trình tu học của Tăng Ni, tính biệt truyền của hệ phái; vấn đề hệ thống và cơ cấu tổ chức của Phật giáo Việt Nam sau khi thống nhất, vấn đề quản lý chùa chiền, quản lý Tăng, Ni…
Ngày 16/1/1981, Hội nghị kỳ 2 của Ban Vận động đã tiến hành tại Hà Nội. Hòa thượng Thích Trí Thủ đã đọc diễn văn khai mạc, nêu rõ quyết tâm tiến hành sớm việc thống nhất Phật giáo Việt Nam trong năm 1981. Hội nghị đã thảo luận chương trình hoạt động của Ban trong năm 1981.
Từ ngày 15/3 đến 24/3/1981, Ban Vận động đã lần lượt đến thăm và tiếp xúc 9 hệ phái gồm: Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ.
Các cuộc tiếp xúc đã diễn ra giữa Ban Vận động và các hệ phái trong bầu không khí cởi mở, chân tình và thẳng thắn. Mọi tâm trạng, tư tưởng của quý vị đều nhìn về một hướng, đó là thống nhất Phật giáo Việt Nam là lựa chọn duy nhất và phù hợp nhất trong bối cảnh nước nhà đã thống nhất trọn vẹn, có còn chăng là những ưu tư thứ yếu mà trong quá trình thống nhất sẽ được đồng nhất hoặc cởi bỏ cho phù hợp với tình hình.
Ngày 5/8/1981, tại chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM), Hội nghị kỳ 3 của Ban Vận động đã họp phiên toàn thể. Đây là hội nghị cuối cùng của Ban Vận động trước khi hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 11-1981. Hội nghị đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đức Nhuận và chủ trì của Hòa thượng Thích Trí Thủ cùng các vị giáo phẩm trong Ban Thường trực. Phía khách mời có các ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Ung Ngọc Ky, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Mục đích của Hội nghị kỳ III lần này là để các vị trong Ban Vận động, lãnh đạo các hệ phái góp ý kiến, thảo luận các phương thức và đường lối thống nhất Phật giáo Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận góp ý kiến về bản dự thảo văn kiện thống nhất Phật giáo cùng nội dung tổ chức Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam. Với 4 ngày làm việc trong tình đoàn kết, cảm thông và xây dựng, Hội nghị kỳ III đã thành công viên mãn trong niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ rạng rỡ của Phật giáo Việt Nam.
Sáng ngày 9/10/1981, tại chùa Xá Lợi đã diễn ra cuộc họp mặt Tăng Ni, Phật tử TP.HCM với Ban Vận động và sự phối hợp của Ban Vận động TP.HCM nhằm chuẩn bị tiến tới Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo VN được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 4/11/1981. Cuộc họp mặt quy tụ trên 1.000 Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu của các hệ phái, tổ chức Phật giáo.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Trưởng ban nội dung đọc lời đúc kết các ý kiến đóng góp trong cuộc họp, nói lên được tính nhất quán cao độ và sâu sắc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử hiện diện đối với công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Trong gần hai năm, Ban Vận động đã tích cực làm tốt vai trò của mình, thu thập ý kiến của lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước để soạn thảo văn kiện căn bản cho sự thống nhất; đồng thời tổ chức hội nghị đại biểu các hệ phái, thảo luận, biểu quyết các văn kiện để triển khai thành lập cơ cấu tổ chức các tỉnh thành. Con đường đó dù có nhiều thuận lợi vì có cùng một điểm chung, đó là nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong bối cảnh đất nước thống nhất, độc lập, một sự thống nhất thực sự với trọn vẹn ý nghĩa của nó, nhưng không phải là không gặp một vài sự khó khăn. Nói như Hòa thượng Thích Trí Thủ trong trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ trước thềm Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam là: “Chân lý bao giờ cũng thắng”.
Thống nhất Phật giáo Việt Nam không chỉ là nguyện vọng mà hơn thế nữa, đó là chân lý tất yếu của Phật giáo Việt Nam, “có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước” để thực hiện những Phật sự trọng đại của Phật giáo Việt Nam, như báo cáo của Thượng tọa Thích Minh Châu về sứ mệnh của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam”.5
* Chùa Thiên Tôn - gốc nôi Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
Theo thư tịch: Chùa Thiên Tôn ngày xưa là chùa Giác Hoàng, do Hòa thượng Thích Minh Đức (1903-1971) đệ tử của Tổ Huệ Đăng khai sơn vào năm 1947 tại bến đò Cây Keo. Năm 1952, chùa Giác Hoàng dời về số 9 đường An Bình. Năm 1954, nhân dịp lễ lạc thành và an vị Phật, Tổ Khai sơn an danh là chùa Thiên Tôn.
Chùa có phòng thuốc nam từ thiện để chữa bệnh cho dân và che mắt địch. Chùa xây hầm bí mật và tổ chức bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng về ăn ở, hội họp và làm việc.
Năm 1969, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập, Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã suy cử Hòa thượng Thích Minh Đức làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam. Chùa Thiên Tôn là trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
Điểm đặc biệt của chùa Thiên Tôn là trong hai thời kỳ kháng chiến đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, chùa Thiên Tôn luôn đồng hành cùng dân tộc, là cơ sở an toàn của Đặc Khu ủy Sài Sòn - Gia Định.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, chùa Thiên Tôn vẫn tiếp tục tích cực tham gia các công tác Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, đã ghi dấu Chư Tôn Đức các đời trụ trì chùa Thiên Tôn:
1) Hòa thượng Thích Minh Đức (1954-1971)
2) Thượng tọa Thích Nhựt Bửu (1973-1978)
3) Thượng tọa Thích Nhựt Quang (1978-1985)
4) Thượng tọa Thích Chơn Định, tự Lệ Tập (1996-1997)
5) Hòa thượng Thích Chơn Không, tự Lệ Hoa (2006 đến nay)
Chùa Thiên Tôn hiện nay ở số 117/3/2 đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 5, quận 5, TpHCM và được xếp hạng Di tích cấp Thành phố của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/3/2011”.6
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái, Phật giáo Phật lịch 2518.
2. TT Thích Đồng Bổn chủ biên, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn Giáo.
3. Vài nét về Phật giáo Việt Nam trước ngày thành lập Giáo hội - Phúc Nguyên.
1. http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2348/ Vài nét về Phật giáo Việt Nam trước ngày thành lập Giáo hội – Phúc Nguyên
2. http://www.sugia.vn/portfolio/detail/149/phat-giao-viet-nam-truyen-thong-va-hien-dai.html - TS. Lê Sơn
3. https://giacngo.vn/lichsu/phatgiaovietnam/2011/05/26/73E60B
4.https://phatgiaolongan.org/xin-cho-biet-ve-giao-hoi-luc-hoa-tang-va-hoi-luc-hoa-phat-tu/
5.https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/ Hoàng Hạ tổng hợp
6. https://phatgiao.org.vn/chua-thien-ton--goc-noi-phat-giao-co-truyen-viet-nam-d19109.html
Bình luận bài viết