Thông tin

SỰ HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP

VÀ DÂN TỘC CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN

VIỆT NAM (LỤC HÒA TĂNG VÀ LỤC HÒA PHẬT TỬ)

 

Hòa thượng THÍCH HUỆ THÔNG
Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng 2 TƯGH
Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương

 

Lịch sử thời cận hiện đại đã lưu lại một bức tranh hào hùng bi tráng của dân tộc, trên dòng chảy đó có sự đóng góp nhất định của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình thống nhất đất nước, đặc biệt là sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Ngày nay lịch sử đã sang trang, nhưng hành trạng dấn thân cao cả cùng với những phẩm chất cao quý của Chư Tôn đức trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn còn in đậm tâm trí hàng hậu học trong tổ chức hệ phái nói riêng và Tăng Ni Phật tử nói chung, mãi mãi là bài học vô giá về tinh thần yêu nước, về trách nhiệm với đạo pháp và dân tộc mà các bậc tiền bối đã thể hiện một cách sinh động trong một giai đoạn lịch sử. Đây là lý do Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp cùng Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”. Trên tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” tri ân công đức cao dày của các bậc tiền nhân, đồng thời làm sáng tỏ các giá trị lịch sử của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, tôi xin mạo muội đóng góp cùng Hội thảo bài tham luận “Sự hình thành và những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”.

1. Lịch sử hình thành của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Nói đến lịch sử hình thành của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là nói đến một quá trình vận dụng trí tuệ của Chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo hệ phái qua các thời kỳ, nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước và của Phật giáo trong mỗi giai đoạn lịch sử, phù hợp với diễn biến thời cuộc và thích ứng với hoàn cảnh thực tiễn xã hội.

Lịch sử hình thành của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khởi nguồn từ Hội Lục Hòa Liên Xã ra đời vào năm 1922, tiếp đến là Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời vào năm 1947, sau đó là Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hình thành vào năm 1952, theo trình tự thời gian thì cội nguồn cũng như lịch sử quá trình hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trải qua các giai đoạn như sau:

1.1 Hội Lục Hòa Liên Xã (năm 1922)

Lịch sử chứng minh Hội Lục Hòa Liên Xã có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với các tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam như Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947), Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử (1952), nên nói rằng Hội Lục Hòa Liên Xã chính là cái nôi khởi nguồn của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam sau này cũng không có gì sai, bởi vì xuất phát từ thành phần lãnh đạo của Hội Lục Hòa Liên Xã đã sản sinh ra một thế hệ kế thừa làm nòng cốt của hai tổ chức này và cũng là thành phần lãnh đạo chủ chốt của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập sau này.

Nhìn lại lịch sử, vào những năm 1920 - 1922 của thế kỷ trước, nhận thấy thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu thôn tính đất nước ta, đồng thời có những chính sách thù địch đối với Phật giáo, chúng trấn áp, khủng bố và thẳng tay tiêu diệt người dân yêu nước, trong đó có cộng đồng Phật giáo, trước tình hình cấp bách, các bậc tiền bối Tăng già Nam Bộ lợi dụng việc tổ chức an cư kiết hạ, nhất là các dịp húy kỵ tại các Tổ đình nhằm nhóm họp các bậc chức sắc, quy tập Tăng chúng để gắn kết mối liên lạc, trao đổi thông tin thời sự và khơi dậy tinh thần yêu nước và tổ chức thực hiện các hoạt động yêu nước.

Vào năm 1922, mùa an cư kiết hạ PL. 2466 được tổ chức tại Tổ đình chùa Giác Lâm (nay thuộc quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh), lúc bấy giờ Hòa thượng Chơn Thanh - Từ Văn (trụ trì chùa Hội Khánh) làm Chánh chủ kỳ Trường hương chùa Giác Lâm, Hòa thượng Quảng Chơn (chùa Long Thạnh) làm Phó chủ kỳ, Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải) làm chứng minh, Hòa thượng Hồng Nghĩa (chùa Giác Viên) làm Truyền Giới sư cùng quý Hòa thượng trụ trì các chùa Phụng Sơn, chùa Bửu Lâm, chùa Từ Phước... đã quy tập về Tổ đình chùa Giác Lâm họp bàn thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã, mục đích nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động cứu quốc.

Tiếp đến, vào năm 1923, cũng từ Hội Lục Hòa Liên Xã, Hòa thượng Chơn Thanh - Từ Văn đã cùng với hai sĩ phu yêu nước là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ Chủ Tịch) và cụ Tú Cúc Phan Đình Viện thành lập “Hội danh dự yêu nước” tại chùa Hội Khánh, chủ trương giáo dục đồng bào sống đúng với đạo lý con người, truyền bá tư tưởng chống giặc ngoại xâm, qua đó cho thấy, Hội Lục Hòa Liên Xã là một tổ chức Phật giáo góp phần đáng kể vào các hoạt động yêu nước và chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ.

Nhân đây tôi cũng xin được trích dẫn một số tư liệu xác định vị trí lãnh đạo Hội Lục Hòa Liên Xã của Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn, cũng như niên đại ra đời của tổ chức này như sau:

Trong số báo Phật Hóa Tân Thanh Niên có tường thuật lại một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn của tác giả Huệ Thanh có nội dung như sau: “Chiều ngày 16/7/1929 tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn tổ chức Hội nghị Tăng già, gồm các liệt vị Hòa thượng tại các chùa Từ Ân, Hội Khánh, Phú Long, Long Huê, Văn Thánh, Chúc Thọ, Tập Phước, Đức Sơn, Bình Long, Lý Dương Sanh… Chùa Linh Sơn có Hòa thượng Khánh Hòa - đương kim trụ trì, sư Thiện Chiếu và ông Trần Nguyên Chấn Commis giúp việc Dinh đốc lý Sài Gòn, hộ chủ chùa Linh Sơn, bàn về chấn hưng Phật giáo…. Đầu tiên, Commis Chấn trình bày một số sự việc: Năm 1923, ông Chấn thỉnh sư Thiện Chiếu về chùa Linh Sơn, năm 1925, sư Thiện Chiếu đi làm giáo thụ Trường hạ tại chùa Chúc Thọ, Gò Vấp. Ở đó sư Thiện Chiếu định tổ chức “Phật Giáo Thanh Niên Học Hội”, mục đích đào tạo nhân tài ra đảm đương Phật pháp. Nhưng tiếc thay, Hội ấy không thành lập được bởi sư Thiện Chiếu lúc đó còn trẻ tuổi, chưa được Giáo hội tín nhiệm. Cuộc vận động chấn hưng do Hòa thượng Khánh Hòa chủ trương chỉ được một số ít chùa hưởng ứng, trong 3, 4 năm trường cũng lắm phen thất bại, nhưng nhờ nghị lực của các đồng chí, tuy chưa kết quả hoàn toàn, cũng lập được Phật Học Tùng Xã và Phật Học Viện. Cũng năm này, sư Thiện Chiếu giao lại chùa Linh Sơn cho Commis Chấn và khuyên ông Chấn thỉnh Hòa thượng Khánh Hòa là người đức cao vọng trọng làm trụ trì để tổ chức tùng lâm. Tới tháng 7/1929, Hòa thượng Khánh Hòa đã thường trụ tại Linh Sơn 3-4 tháng. Ông Chấn đề nghị chư vị Hòa thượng mở lòng từ bi quan tâm, chỉ bảo giúp đỡ công việc của ông ở chùa Linh Sơn. Sư Thiện Chiếu phát biểu làm rõ thêm lý do việc ông giao chùa lại cho Commis Chấn và nêu quan điểm chấn hưng Phật giáo của ông là “chống các hủ tục ở bên trong và tà thuyết ở bên ngoài bấy lâu nay làm cho lu mờ cái nhân nghĩa của Phật giáo, ngăn lấp cái đường sáng suốt của chúng sinh”… Tiếp theo, Sư Thiện Chiếu mời lãnh đạo Lục Hòa Liên Xã có đôi lời góp ý. Khi đó Hòa thượng Từ Văn của chùa Hội Khánh thay mặt liệt vị Hòa thượng, trả lời vắn tắt: “Các ngài có nhiệt tâm như thế, chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm, nhưng các ngài cứ lo tiến hành, còn phần chúng tôi thì xin để cho chúng tôi suy nghĩ lại”...

Nội dung bài báo này đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý về hoạt động chấn hưng của Phật giáo ở Nam Kỳ thời bấy giờ, đặc biệt có liên quan đến Lục Hòa Liên Xã và Hòa thượng Từ Văn trụ trì chùa Hội Khánh, như một bằng chứng hùng hồn rằng, Hòa thượng Từ Văn trụ trì chùa Hội Khánh là lãnh đạo Hội Lục Hòa Liên Xã, ngài có một vị trí cũng như tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Tăng già thời bấy giờ. Ngoài ra nhà cầm quyền Pháp thời bấy giờ rất kính trọng đạo hạnh và trí tuệ của Hòa thượng, do đó nhà cầm quyền Pháp phong ngài làm Tăng thống Phật giáo Nam Kỳ, mà giới Tăng sĩ và đồng bào lúc bấy giờ gọi ngài là Hòa thượng Cả (dù chưa có tổ chức Giáo hội cũng như chức danh trong thời đó).

Theo “Lịch sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”1 thì: “... Quý Hòa thượng trong hệ phái Lục Hòa Tăng nhận định, tổ chức Lục Hòa Liên Xã được thành lập vào năm 1922 tại chùa Giác Lâm, nhân sự kiện kỵ Tổ đã tiến hành Đại hội với sự tham dự và chứng minh của quý Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải), Hòa thượng Hồng Nghĩa (chùa Giác Viên), Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh), Hòa thượng Thanh Ấn (chùa Từ Âm), Hòa thượng Quảng Viên (chùa Long Thạnh), Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tiên Linh, Bến Tre), Hòa thượng Bửu Chung (chùa Phước Long, Sa Đéc), Hòa thượng trụ trì chùa Phổ Lý tỉnh Đồng Tháp, cùng Chư Tôn đức và Tăng tín đồ tham dự, lúc đó Đại hội đã nhất trí bầu Hòa thượng Từ Văn trụ trì Tổ đình Hội Khánh là Hội trưởng Hội Lục Hòa Liên Xã”... Đáng chú ý là ngay sau khi tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã ra đời, Phật giáo Nam Bộ đã phát sinh ra “Tứ Trụ Thiền Gia” là thế hệ kế thừa của Hội Lục Hòa Liên Xã, được xem là những bậc long tượng thạch trụ trong Phật pháp. Tiêu biểu như quý ngài Nhất Chiếu (Hòa thượng Tịch Chiếu, Nguyễn Văn Tài), Nhì Linh (Hòa thượng Pháp Linh, Phan Thanh Hòa), Tam Không (Hòa thượng Thái Không, Trưởng tử của sư cụ Khánh Hòa), Tứ Đạo (Hòa thượng Thành Đạo, chùa Phật Ấn)… Chư Tôn đức Hòa thượng Tịch Chiếu, Hòa thượng Pháp Linh, Hòa thượng Thái Không và Hòa thượng Thành Đạo sau này đều là rường cột của Phật giáo Nam Bộ và là thành phần lãnh đạo chủ chốt của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947) và Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử (1952). Đây là hai tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1969.

Mục đích thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã là chấn hưng Phật giáo và đóng góp cho các hoạt động yêu nước, do vậy ngay từ những năm 1920 đến 1922, Phật giáo Sài Gòn - Gia Định và Thủ Dầu Một dưới sự lãnh đạo của Chư Tôn đức đã âm thầm thực hiện công việc chấn hưng Phật giáo, phát huy những thành quả Phật sự vốn có sẵn, cụ thể là sau khi thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã, Hòa thượng Từ Văn đã đứng ra mở giáo lý Phật học và mở khóa luật, nhân đó đã giúp cho giới Tăng sĩ tinh thần cải tổ tự thân, làm nền tảng cho công cuộc xây dựng tổ chức giáo hội.

Những ảnh hưởng và uy tín của Hòa thượng Từ Văn đã làm cho các bậc cao Tăng Sài Gòn – Gia Định và miền Tây Nam Bộ chú ý tới hoạt động Phật giáo ở Thủ Dầu Một, từ đó dẫn đến sự liên kết gắn bó giữa Hòa thượng Từ Văn với các bậc cao Tăng thời bấy giờ như quý Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải) Hòa thượng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên), các Hòa thượng chùa Giác Lâm, chùa Long Thạnh, chùa Kim Cang (Đồng Nai), Hòa thượng Như Bằng (chùa Sắc Tứ Thiên Ân). Năm 1906, chư sơn thiền đức khu vực miền Đông Nam bộ và Sài Gòn Gia Định đứng ra trùng tu tháp Tổ Nguyên Thiều, Hòa thượng Từ Văn được cung thỉnh vào hàng chứng minh trùng tu tháp Tổ và nhiều hoạt động Phật sự khác, điều đó chứng tỏ vai trò của Hòa thượng Từ Văn rất quan trọng trong sinh hoạt Phật sự lúc bấy giờ.

Thành quả này đã giúp cho Phật giáo Nam Bộ hình thành nền Phật học căn bản dựa trên cơ sở thành văn và đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài như Hòa thượng Từ Tâm (thành viên của Hội Danh dự yêu nước, sau tham gia phong trào tiền Nam Kỳ khởi nghĩa bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh ở đó), Hòa thượng Thiện Tòng (người sáng lập Hội Lục Hòa Tăng từ năm 1952 đến 1957, ngài là người ký đơn xin phép chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng), Hòa thượng Minh Tịnh, Hòa thượng Quảng Nhu, Hòa thượng Thiện Hương, Hòa thượng Trí Tấn, Hòa thượng Quảng Viên, Hòa thượng Mỹ Định… Đặc biệt, Hội Lục Hòa Liên Xã đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa các tông môn, hệ phái ở các chùa cũng như các bậc cao Tăng tại các ngôi già lam ở Nam Bộ, nhờ đó mà đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo và tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước tại các tỉnh thành.

1.2 Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (năm 1947)

Hội Lục Hòa Liên Xã ra đời năm 1922 đến năm 1931 sau khi Hòa thượng Từ Văn viên tịch thì ngừng hoạt động. Mục đích ban đầu là chấn hưng Phật giáo và đóng góp cho các hoạt động yêu nước, tuy nhiên Hội Lục Hòa Liên Xã còn gánh vác một sứ mạng cao cả, đó là đào tạo nên một thế hệ kế thừa giàu lòng yêu nước và tài năng xuất chúng. Chư Tôn đức xuất thân từ Hội Lục Hòa Liên Xã về sau đều là lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc tại Nam bộ, chính vì vậy có thể nhận định rằng, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ có mối liên hệ chặt chẽ với Hội Lục Hòa Liên Xã, hay nói một cách khác, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ là hậu thân của Hội Lục Hòa Liên Xã.

Sau Cách mạng tháng 8, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định, sau đó lan ra khắp các tỉnh thành miền Nam, nhân dân Nam bộ một lần nữa bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai. Trong bối cảnh như vậy, các tổ chức cứu quốc ở miền Nam đã ra đời, như Thanh niên tiền phong, Thiếu niên tiền phong, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, đặc biệt trong đó có tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Khởi đầu vào măm 1946, tại các địa phương như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Mỹ Tho, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Long Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá… các Hội Phật giáo cứu quốc lần lượt ra đời với phương châm hoạt động: “Cải cách Tăng đồ, đề xướng tự do, tuyên chánh pháp/ Duy tân Phật học, thực hành bình đẳng, độ quần sanh”. Trong khoảng thời gian này, hầu như chùa nào cũng có người tham gia Hội Phật giáo cứu quốc, quá trình tham gia hoạt động yêu nước, Phật giáo Nam Bộ đã có nhiều vị Tăng Ni và Phật tử bị bắt giam hoặc bị sát hại.

Sau một năm hoạt động sôi nổi đều khắp, mang lại nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên do yêu cầu thực tế cần phải thống nhất lãnh đạo trong các tổ chức Phật giáo cứu quốc, nên vào năm Đinh Hợi (1947), Chư Tôn đức lãnh đạo các tổ chức Phật giáo cứu quốc tại các tỉnh, thành Nam Bộ đã tập hợp tại chùa Thiền Kim (Đồng Tháp Mười) tiến hành thành lập Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Lần bấy giờ, Hòa thượng Minh Nguyệt (bí danh Tam Không) được bầu làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ; Hòa thượng Thích Huệ Thành, Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa làm Phó Hội trưởng, kiêm Ủy viên Mặt trận Liên Việt Nam Bộ; Ông Commis Hai cũng đồng là Phó Hội trưởng; Ông Đào Minh Không làm Tổng Thư ký; Hòa thượng Bửu Ý với tư cách là Ủy viên mặt trận Việt Minh xã Tân Tạo (Bình Chánh - Sài Gòn) được cử làm Ủy viên ban chấp hành phụ trách Tăng Ni thiện tín Sài Gòn - Chợ Lớn; Hòa thượng Huệ Phương hiệu Bạch Vân làm Ủy viên kiểm soát; ngoài ra, lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc 21 tỉnh thành cũng được bầu làm Ủy viên Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, trong đó có Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Thích Pháp Long, Thích Pháp Tràng, Thích Minh Tịnh… Trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đặt tại chùa Thiền Kim trong chiến khu Đồng Tháp Mười2. Trong thời gian này, Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ đã xuất bản tờ báo Tinh Tấn, do Hòa thượng Minh Nguyệt làm chủ nhiệm, Giáo sư Lê Văn Đông (bút hiệu Trong Thư – La Kim Trọng) làm chủ bút, báo được in ấn tại chùa Tổ, xã Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp, tạp chí Tinh Tấn hoạt động hiệu quả, nổi tiếng trong phong trào chống Pháp, đây là cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ.

Dòng chảy lịch sử đấu tranh hào hùng của Phật giáo Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến đã trôi qua gần hai phần ba thế kỷ, nhưng nó vẫn sống mãi trong lòng dân tộc và trong tâm khảm của những người Phật tử Nam Bộ. Các hoạt động tích cực của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí quật khởi kiên cường của Phật giáo Nam Bộ, là tiêu biểu cho quá trình Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

1.3 Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (năm 1952)

Sau Cách mạng tháng 8 là một giai đoạn lịch sử hào hùng bất khuất của dân tộc, chính quyền thực dân tăng cường càn quét phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, vào năm 1949, xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo cho giải tán Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và chuyển hướng sang hoạt động công khai hợp pháp.

Sau khi Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tuyên bố tự giải tán vào năm 1947, Chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và Phật giáo cứu quốc các tỉnh thành vẫn tiếp tục gắn kết trong các hoạt động yêu nước vì sự tồn vong của đạo pháp và lợi ích của dân tộc, đặc biệt giai đoạn này là khoảng thời gian Chư Tôn đức củng cố nhân sự và hoàn thiện chương trình hành động tiến đến thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng.

Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo trên các phương diện, vào ngày 9 tháng 02 năm 1952, Chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo cứu quốc ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định phối hợp cùng Phật giáo cứu quốc các địa phương như Tiền Giang, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và khu vực lân cận đã quy tập về chùa Long An (Hòa thượng Pháp Nhạc làm trụ trì), số 136 đường Cộng Hòa (Sài Gòn) mở hội nghị thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam với một bản Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam gồm có 9 Chương và 44 Điều được Tham lý Nội An Vũ Tiến Huân ký ngày 01/10/1957 thay Bộ trưởng Nội Vụ kiểm tra xác nhận Nghị định Điều lệ này3. Đại hội đã bầu Hòa thượng Thích Thiện Tòng (Nguyễn Thiện Tòng) trụ trì chùa Trường Thạnh (đệ tử Hòa thượng Thích Từ Văn) làm Đại Tăng trưởng; Hòa thượng Thích Pháp Nhạc (chùa Long An) làm Phó Tăng trưởng; Hòa thượng Thích Thành Đạo (Trần Văn Đước), trụ trì chùa Phật Ấn làm Tăng giám (Hội trưởng) kiêm Hoằng pháp Lục Hòa Tăng; Hòa thượng Thích Minh Đức (Lê Minh Chánh) trụ trì chùa Thiên Tôn làm Phó Tăng giám (Phó Hội trưởng); Yết ma Thích Huệ Chí (Ngô Đơn Quế), chùa Giác Viên làm Tổng Thơ ký; đạo hữu Đoàn Trung Còn làm Thủ quỹ; Hòa thượng Thích Pháp Lan (chùa Khánh Hưng) và Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền) cùng phụ trách công tác hoằng pháp... Văn phòng Trung ương Hội đặt tại chùa Trường Thạnh, số 97 đường Bác sĩ Yersin, Sài Gòn, sau một thời gian trụ sở Văn phòng Trung ương Hội dời về chùa Giác Lâm. Hội đã cho mở Trường Phật Học Lục Hòa nằm cạnh chùa Giác Viên (Gia Định) và cho xuất bản Tạp chí Phật Học. Song song đó, Giáo hội Lục Hòa Tăng tại các địa phương cũng được thành lập: Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Tiền Giang đặt tại chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho); Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một đặt tại chùa Hội Khánh do Hòa thượng Thiện Hương làm Tăng trưởng; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Long An đặt tại chùa Long An do Hòa thượng Thiện Duyên làm Tăng trưởng; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Tây Ninh đặt tại chùa Phước Lưu huyện Trảng Bàng; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Bình Định đặt tại chùa Minh Tịnh ở Qui Nhơn; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Trà Vinh đặt tại chùa Từ Lâm do Hòa thượng Chơn Lý làm Tăng trưởng; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Kiến Phong đặt tại chùa Tỉnh Hội do Hòa thượng Trí Thông làm Tăng trưởng.

Sau khi Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh, nhằm tăng cường các hoạt động đấu tranh và đáp ứng yêu cầu trước tình hình thực tế, lúc bấy giờ, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã phát sinh ra hai tổ chức trực thuộc hoạt động theo tôn chỉ định hướng của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, đó là và Hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử. Theo đó, Giáo hội Lục Hòa Tăng do Hòa thượng Thành Đạo (Tổ đình Phật Ân) làm Tăng trưởng, Hòa thượng Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Hương (Tổ đình Hội Khánh) làm Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương, trụ sở đặt tại chùa Phật Ân, sau dời về chùa Giác Lâm.

Ban Trị sự “Hội Lục Hòa Phật Tử” do Hòa thượng Thích Minh Thành làm Chánh Hội trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Hội trưởng, Thượng tọa Thích Minh Giác làm Tổng Thư ký; trụ sở Hội Lục Hòa Phật tử, đặt tại chùa Long Vân (Bình Thạnh – Gia Định).

Đến cuối năm 1953, Hòa thượng Huệ Thành, trên cương vị Trưởng ban Hoằng pháp đã có công rất lớn trong việc mở rộng tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhờ đó ảnh hưởng của Giáo hội Lục Hòa Tăng càng được nâng cao và phát triển đều khắp các tỉnh thành Nam Bộ.

Về lịch sử thành lập, tuy Giáo hội Lục Hòa Tăng ra đời vào ngày 09 tháng 02 năm 1952, nhưng đến năm 1957, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng mới chính thức được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận, hợp thức hóa tại Quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ Nội Vụ ký ngày 01/10/1957 (do Hòa thượng Thích Thiện Tòng đại diện xin phép thành lập “Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam”). Hội có điều lệ gồm 9 chương 44 điều. Ban chức sự lâm thời lúc bấy giờ gồm có: Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) làm Đại Tăng trưởng, Hòa thượng Thành Đạo (chùa Phật Ấn) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Đức (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám.

Sau ngày Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ra đời, nhất là sau khi hình thành hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, ảnh hưởng của hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng mang tinh thần cứu quốc ngày càng được nâng cao và mở rộng phạm vi hoạt động khắp các tỉnh thành tại Nam Bộ. Trong giai đoạn này, thực dân Pháp thất bại trên chiến trường Điện Biên Phủ dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơnever, theo đó, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đã ra sức phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đặc biệt là thực thi Đạo dụ số 10 nhằm cô lập hoàn toàn mọi hoạt động của Phật giáo. Trong bối cảnh như vậy, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng một tổ chức tập hợp những công dân yêu nước khoác áo nâu sồng đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh vì hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, góp phần đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đặc biệt, trong những ngày đấu tranh gay go quyết liệt nhất của các phong trào và tổ chức Phật giáo yêu nước chống lại sự đàn áp dã man của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, thì vào ngày 5/7/1963, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gửi một bức thư đến vấn an Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng4, bức tâm thư có đoạn: “Từ lâu tôi có ý nguyện thăm viếng chư Hòa Thượng và chiêm bái các Tổ đình miền Nam, nhưng từ hôm vào trên hai mươi hôm rồi, tôi chưa đi đâu được cả, vì phần tuổi già sức yếu, phần khổ bệnh đeo mang. Tuy nhiên dầu nằm một chỗ, tôi rất thấu hiểu thái độ cao quý và nỗi khổ tâm của Hòa Thượng, vì vậy tôi lấy làm thâm cảm và hết sức tán thán “đơn thân vị pháp” của Hòa Thượng. Nhân bệnh tình tôi có phần thuyên giảm, tôi vội vã viết thư này kính thỉnh Hòa Thượng thừa nhàn quang lâm chùa Xá Lợi để huynh đệ chúng ta cùng bàn Phật sự cho phỉ tình hoài vọng của tôi…”. Nội dung bức thư của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết gởi đến Hòa thượng Thích Huệ Thành đã cho thấy rất rõ vai trò và vị trí đặc biệt của Hòa thượng Thích Huệ Thành nói riêng và Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng nói chung là rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đạo pháp, bảo vệ chính nghĩa, chống lại sự đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

Toàn cảnh bức tranh hoạt động yêu nước và những đóng góp to lớn của Chư tôn giáo phẩm trong tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng đã khẳng định vai trò và vị trí của Giáo hội Lục Hòa Tăng trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, qua đó cho thấy Giáo hội Lục Hòa Tăng đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình từ sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh cho đến trách nhiệm hộ quốc an dân trong quá trình đồng hành cùng dân tộc.

1.4 Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Sau khi được Mỹ hậu thuẫn lên nắm chính quyền, Ngô Đình Diệm đã ra sức phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đặc biệt là thực thi Đạo dụ số 10 nhằm cô lập hoàn toàn mọi hoạt động của Phật giáo. Trong bối cảnh như vậy, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng lại được chính quyền lúc bấy giờ chú ý vì sớm nhận ra đây là một tổ chức tập hợp những công dân yêu nước khoác áo nâu sồng. Do Phật giáo Lục Hòa Tăng là một tổ chức công khai hoạt động yêu nước, nên chế độ Ngô Đình Diệm đã ra sức ngăn cản, ráo riết truy bắt, nhiều vị lãnh đạo Lục Hòa Tăng bị chính quyền đương thời bắt giữ, lưu đày, các vị chưa bị bắt thì phải sống trong cảnh thường xuyên bị theo dõi, khủng bố, trấn áp. Bên cạnh đó, một chính sách bắt bớ khủng bố trá hình đã ra đời, đó là đối với những tu sĩ thuộc tổ chức Lục Hòa Tăng thì không được hoãn quân dịch, có nghĩa là toàn bộ Tăng sĩ Lục Hòa Tăng trong độ tuổi quân dịch đều bị bắt lính sung vào quân ngũ.

Trong khi cuộc đấu tranh chống chính quyền Mỹ Diệm đang lên cao với khí thế ngút trời thì vào giữa năm 1960, cơ quan Xứ ủy và Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định bị bể, bị địch bố ráp nên cán bộ bị bắt khá nhiều, lúc bấy giờ Hòa thượng Minh Nguyệt bị địch bắt, rồi sau đó lần lượt Hòa thượng Thành Đạo, Huệ Chí, Minh Giác và một số vị bên dân chính khác cũng bị địch bắt giam từ 10 đến 20 năm, một số bị đày ra Côn Đảo. Do chính quyền ráo riết săn lùng nên Hòa thượng Thiện Hào phải vào chiến khu và tham gia thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cũng trong năm 1960, cuộc đồng khởi của nhân dân toàn miền Nam bùng nổ làm sụp đổ chiến lược chiến tranh kiểu mới và làm cho chính quyền tay sai thời ấy giờ trở nên bị động, tình hình này đã tác động mạnh mẽ đến tình hình đấu tranh tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các địa phương khác. Đến ngày 20 tháng 12 năm 1960, tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh, đại biểu các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái và các dân tộc ở miền Nam Việt Nam, họp Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Hào lúc bấy giờ là đại diện của Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử đã được Đại hội bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội thông qua chương trình 10 điểm với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của Mỹ và bọn tay sai bán nước gia đình trị Ngô Đình Diệm, nhằm xây dựng một miền Nam Việt Nam hòa bình, trung lập, dân chủ và phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Một sự kiện chính trị nổi bật mang tính lịch sử quan trọng nữa, đó là vào cuối năm 1960, Hòa thượng Thích Thiện Hào đã tuyên bố trên Đài Tiếng nói Bắc Kinh, với tư cách là Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng - Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử, ngài đã nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, lên án các chính sách kỳ thị, thù địch Phật giáo của chính quyền Mỹ Diệm. Và từ đây tổ chức Lục Hòa Tăng trở thành đối nghịch với chế độ Ngô Đình Diệm, ngay sau khi Hòa thượng Thiện Hào phát biểu thì tất cả bảng hiệu của hệ phái Lục Hòa Tăng tại các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho công an mật vụ tháo gỡ xuống hết vì chúng cho rằng Phật giáo Lục Hòa Tăng là cộng sản. Do phải đối diện trước tình hình khó khăn với những diễn biến hết sức phức tạp và cũng nhằm để tránh danh xưng Lục Hòa Tăng, một tổ chức Phật giáo yêu nước đã bị chế độ Ngô Đình Diệm theo dõi, nên từ ngày 02 đến ngày 09 tháng 07 năm 1968 (Mậu Thân), dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, nhị vị Hòa thượng Huệ Thành và Hòa thượng Bửu Ý, đã đứng ra triệu tập Chư Tôn đức của hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử về chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) để tiến hành đại hội khoáng đại hợp nhất hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Sau khi hiến chương đã được soạn thảo và sau mấy tháng vận động, vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) dưới sự chủ trì của các Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý… Đại hội chính thức tiến hành hiệp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, kết quả cho ra đời Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, với một bản Hiến chương5 Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) gồm 12 Chương, 20 Điều thể hiện cương lĩnh đường lối hoạt động rất cụ thể, đã được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn.

Theo đó, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gồm có hai Viện: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo.

Viện Tăng thống Đại hội cung thỉnh Hòa thượng Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền) làm Tăng thống, Hòa thượng Minh Thành (chùa Long Vân) làm Phó Tăng thống, Hòa thượng Trí Tấn làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống. Hội đồng Viện Tăng thống gồm quý Hòa thượng Hoằng Thông (chùa Long Hội, Mỹ Tho), Hòa thượng Pháp Tràng (Tiền Giang), Hòa thượng Trí Hiền (Đồng Nai), Hòa thượng Trí Tấn (chùa Bà Thao, Tân Uyên, Thủ Dầu Một)…

Viện Hoằng đạo, Hòa thượng Minh Đức (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương) được bầu làm Viện trưởng; Hòa thượng Thiện Thuận làm Viện phó và Hòa thượng Bửu Ý làm Tổng Thư ký; Hòa thượng Phật Ấn sau khi ra tù được Giáo hội suy cử làm Trưởng Ban hoằng pháp thuộc Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Lúc bấy giờ, Hòa thượng Bửu Ý với tư cách là Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyển Lục Hòa Tăng, đã cùng chư tôn túc trong Tổng vụ giáo dục của Giáo hội đã thành lập các Trường Phật học Lục Hòa tại các chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Thiên Tôn và mở Trường Tiểu học ở chùa Lộc Uyển, Thiên Trường (quận 8) để đào tạo Tăng tài, truyền thừa mạng mạch Phật pháp và phát triển tổ chức hệ phái, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

Sau một thời gian nỗ lực hoạt động, không lâu sau đó, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng đã thành lập được 37 tỉnh thành hội và 81 quận huyện hội với trên 2000 ngôi chùa, tự viện thuộc hệ phái; có khoảng hơn mười ngàn Tăng Ni và trên hai trăm nghìn tín đồ Phật tử. Ngoài hệ thống giáo dục đào tạo Tăng tài, Giáo hội còn ra tạp chí Phật Học Lục Hòa do Hòa thượng Thành Đạo làm chủ nhiệm. Theo dòng thời gian, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đến tháng 03 năm 1974, khi Hòa thượng Thiện Thuận viên tịch thì Hòa thượng Bửu Ý được Giáo hội bầu làm Tân Viện trưởng, Hòa thượng Trí Tâm làm Tổng Thư ký, Đại đức Huệ Xướng làm Chánh Văn phòng và Đại đức Thiện Xuân làm Phụ tá Tổng Thư ký.

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử với các tên gọi khác nhau, như Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, Hội Lục Hòa Tăng, Hội Lục Hòa Phật tử và dù với danh xưng nào đi chăng nữa thì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn luôn là một tổ chức Phật giáo yêu nước, Chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn luôn là những tấm gương sáng ngời về sứ mạng xương minh Phật pháp, phát triển Phật giáo nước nhà, nhất là ý chí bất khuất và tinh thần bền bỉ tích cực trong các phong trào đấu tranh của Phật giáo chống lại các thế lực ngoại xâm, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình, thống nhất đất nước, đặc biệt là góp phần to lớn cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà.

2. Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp và dân tộc

2.1 Những đóng góp của các tổ chức tiền thân

Nói đến những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp và dân tộc, tất nhiên chúng ta không thể bỏ qua những đóng góp của các tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, vì đây chính là cội nguồn và là điểm phát khởi mà Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã kế thừa trên dòng chảy lịch hình thành và hoạt động của mình trong một giai đoạn lịch sử.

Do vậy, trước hết chúng tôi xin nêu tóm tắc những đóng góp của các tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp và dân tộc.

Từ những năm 1920 của thế kỷ trước, thời kỳ mà Phật giáo tại nước ta chưa có hệ phái hay bất cứ tổ chức giáo hội nào cả, thì tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn và Chư Tôn đức đã tiến hành thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã. Và ngay từ ban đầu, tổ chức Phật giáo yêu nước này đã tạo sức ảnh hưởng với tầm hoạt động lan rộng cả một khu vực rộng lớn bao gồm nhiều địa phương Nam Bộ như Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Có thể nói Lục Hòa Liên Xã là tổ chức đi tiên phong trong thời kỳ Phật giáo nước ta đang bắt đầu hình thành các tổ chức Hội, Đoàn. Ngay từ những năm 1920 đến 1931, Lục Hòa Liên Xã dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Từ Văn đã âm thầm thực hiện ngay công việc chấn hưng Phật giáo, làm nền tảng vững chắc cho các phong trào chấn hưng Phật giáo sau này tại Thủ Dầu Một và khu vực miền Đông Nam Bộ. Tinh thần chấn hưng Phật giáo khởi sự từ Lục Hòa Liên Xã đã giúp cho Phật giáo Nam Bộ hình thành nên một nền Phật học căn bản dựa trên cơ sở thành văn. Điều này chứng minh cho sự phát triển mang tính khoa học và đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài và tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa các bậc cao Tăng tại các già lam ở Nam Bộ, nhất là sự gắn kết giữa các tông môn, hệ phái, nhờ đó mà đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo và tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước tại các tỉnh thành ở Nam Bộ. Đặc biệt, Chư Tôn đức trong tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã đã thành lập Hội Danh dự yêu nước tại chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) để thực hiện công việc truyền bá tinh thần yêu nước trong đời sống xã hội tại Thủ Dầu Một và các vùng lân cận, đây là một trong những đóng góp quan trọng của Hội Lục Hòa Liên Xã cho dân tộc trong một giai đoạn lịch sử. Chư tôn đức trong tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã đã đào tạo nên một đội ngũ Tăng tài kế thừa và sau này các ngài đều là thành phần nhân sự chủ chốt làm lãnh đạo các Hội Phật giáo cứu quốc tại các tỉnh thành ở Nam Bộ.

Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời trong bối cảnh chiến sự diễn ra khắp mọi nơi trên đất nước và ngày càng khốc liệt, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đã có những đóng góp hiệu quả trong quá trình tham gia kháng chiến, như tổ chức đấu tranh chống thực dân Pháp, bảo vệ đạo Phật, vận động quyên góp tài chánh, thuốc men, lương thực, giấy mực và các nhu yếu phẩm phục vụ các phong trào thi đua yêu nước, trong tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam bộ đã có nhiều vị Tăng Ni và Phật tử đã bị bắt giam hoặc bị sát hại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thông qua những hoạt động tích cực của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, vai trò hộ quốc an dân của Phật giáo đã được thể hiện một cách mạnh mẽ, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, điều này càng khẳng định vị thế của Phật giáo giữa lòng dân tộc.

Giáo hội Lục Hòa Tăng ra đời trong bối cảnh tình hình đất nước ngày càng căng thẳng khi thực dân Pháp tăng cường càn quét vào các phong trào kháng chiến, trước những yêu cầu thực tế của tình hình thời cuộc, nên Giáo hội Lục Hòa Tăng đã tích cực thể hiện vai trò hộ quốc an dân và đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cụ thể là sau khi ký Hiệp định Giơ ne vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước, thực thi Đạo dụ số 10 nhằm cô lập mọi hoạt động của Phật giáo, trong bối cảnh như vậy, Giáo hội Lục Hòa Tăng đã phát động Tăng Ni và tín đồ Phật tử tham gia vào các phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp Phật giáo, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhiều vị lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng bị chính quyền đương thời trấn áp, bắt giữ, lưu đày…

2.2 Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp và dân tộc

Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp có thể tạm chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu tính từ ngày thành lập cho đến ngày giải phóng miền Nam. Trong giai đoạn này, Chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã cùng chia sẻ trách nhiệm với các tổ chức Giáo hội Phật giáo đương thời trong công tác đào tạo Tăng tài theo tình hình và đặc điểm riêng của tổ chức mình, từ đó đào tạo nên một thế hệ kế thừa xuất sắc cống hiến cho sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển Phật giáo nước nhà. Bên cạnh đó, Chư tôn đức trong tổ chức Giáo hội Cổ truyền Lục Hòa Tăng đã khôn khéo trong các hoạt động Phật sự, nhất là đã tùy duyên hòa nhập vào đời sống nhằm mục đích giữ gìn giềng mối đạo pháp, vừa thuận lợi cho các hoạt động đấu tranh yêu nước, nên đã góp phần ổn định sinh hoạt đạo pháp trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh ly loạn.

Giai đoạn hai, tính từ sau ngày đất nước hòa bình cho đến ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1980, Chư Tôn đức trong tổ chức Giáo hội Cổ truyền Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia vào Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước và công tác vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, tiến đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Nhìn vào các hoạt động đầy tâm huyết, kiên trì và hiệu quả của Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong suốt quá trình tham gia thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1975 cho đến ngày Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1980, mới thấy hết được những đóng góp vô cùng to lớn của các ngài trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà.

Về những đóng góp cho dân tộc, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời sau cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, trong bối cảnh đất nước đang ở cao trào đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, với sứ mạng hộ quốc an dân, Chư Tôn đức trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tích cực trực tiếp tham gia các hoạt động đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 1968 đến ngày đất nước hòan toàn giải phóng. Qua đó có thể nói rằng, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, có truyền thống đồng hành sắt son với dân tộc, đã có những đóng góp nhất định vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong những giai đoạn gay cấn khắc nghiệt của lịch sử dân tộc. Những cống hiến vô cùng ý nghĩa của Chư Tôn đức Tăng Ni và quần chúng Phật tử trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khẳng định vai trò phụng sự đạo pháp và đồng hành sắc son cùng dân tộc một cách đầy trách nhiệm trước vận mệnh đất nước.

 


1. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh.

2. Theo tư liệu trong bài “Tưởng nhớ Hòa thượng Thích Bửu Ý” của Lê Quốc Sử - nguyên cán bộ tôn giáo vận.

3. Tham khảo toàn văn Bản Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam trong phần phụ lục của Kỷ yếu.

4. Bức thư này hiện được lưu trữ tại Tổ đình chùa Hội Khánh.

5. Tham khảo toàn văn Bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong phần phụ lục của Kỷ yếu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6795820