Thông tin

SỰ HỘI NHẬP CỦA PHẬT GIÁO

TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM

 

TS. LÊ THỊ NGỌC ĐIỆP(*)

 

Sông Mê-kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới với chiều dài 4.880 km. Dòng chảy sông Mê-kông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua các quốc gia Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Suốt chiều dài dòng sông, tính chất “đa sắc tộc” và “đa tôn giáo” được thể hiện khá rõ trên lãnh thổ lưu vực sông rộng mênh mông này. Tính “đa tôn giáo” khá mờ nhạt, không nổi trội như tính “đa sắc tộc”, bởi vì sắc màu tôn giáo nổi bật và thống trị suốt chiều dài dòng sông chính là Phật giáo. Phật giáo giữ vai trò như một hệ tư tưởng xuyên suốt, thống nhất tín ngưỡng tôn giáo của các cư dân lưu vực sông Mê-kông tạo nên giá trị tinh thần, vẻ đẹp nhân văn sâu sắc của dòng sông vĩ đại này. Vì vậy, sông Mê-kông còn có tên gọi là “dòng sông Phật giáo”. Chính tính “đa sắc tộc” của các quốc gia dọc lưu vực sông Mê-kông đã làm cho Phật giáo trở nên đa dạng.

Phật giáo là tôn giáo lớn ở nước ta, khi du nhập vào Việt Nam đã có ảnh hưởng sâu rộng trên mọi lĩnh vực trong đời sống văn hóa xã hội của dân tộc Việt Nam và thâm nhập hầu hết vào mọi tầng lớp nhân dân. Lịch sử Phật giáo Việt Nam gần như hòa quyện với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong văn hoá Việt Nam, tư tưởng Phật giáo đã có vị trí và ảnh hưởng nhất định.

Nhằm nhận thức đầy đủ và rõ hơn về quá trình hội nhập văn hóa của Phật giáo đối với các quốc gia vùng sông Mê-kông, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ chú trọng phân tích sự hội nhập của Phật giáo trong văn hóa dân gian Việt Nam qua hình ảnh Phật trong dân gian, ca dao tục ngữ và trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu, nghệ thuật tạo hình.

1. PHẬT GIÁO TRONG DÂN GIAN

Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa dân gian Việt Nam. Hình tượng Bụt trong văn hoá dân gian là một hình tượng đặc sắc của Phật giáo. Hình tượng Bụt vừa thể hiện những phẩm chất, những ước vọng của người dân lao động, vừa thể hiện những đóng góp của Phật giáo đối với sự hình thành những truyền thống văn hóa đạo đức của người Việt.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam qua hai con đường: trực tiếp từ Ấn Độ và thông qua Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh, hai tên gọi khác nhau là Bụt và Phật cũng phản ánh con đường truyền bá Phật giáo vào Việt Nam này, Bụt là phiên âm từ Buddha Ấn Độ; Phật là âm Hán Việt của từ ngữ Trung Quốc. Trong văn hoá truyền thống, những tư tưởng, giá trị đạo đức của Phật giáo đã được ông cha ta chọn lọc tiếp nhận, phù hợp với nhân sinh quan của người Việt. Tư tưởng Phật giáo được cha ông ta tiếp nhận vừa làm kim chỉ nam vừa tạo nền tảng luân lý nhân bản.

Những câu chuyện có nguồn gốc dân gian Ấn Độ mà các tăng sĩ dùng để thuyết giáo, truyền đạo, chứa đựng những giáo lý của nhà Phật, khi thâm nhập vào nước ta thì phần nào “các giáo lý kia đã bị mờ nhạt đi, trái lại những yếu tố dân gian thì lại đậm nét hơn. Hơn nữa những yếu tố dân gian lại chuyển hóa đi, mà mang những sắc thái mới, sắc thái Việt”(1). Nhiều Phật thoại đã tách khỏi kinh Phật hoặc lời thuyết giáo của các vị tăng lữ để trở thành truyện ngụ ngôn hoặc truyện cổ tích của nhân dân ta. Bụt xuất hiện trong truyện dân gian đúng lúc để giúp đỡ người hiền lành, nghèo khó như: Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Ăn khế trả vàng, Phú ông hóa khỉ, Sự tích con muỗi, Sự tích cây Nêu, Sẩm sờ voi, Mèo lại hoàn mèo, sự tích Tứ pháp… là một hình ảnh đẹp về sự hội nhập một cách tự nhiên, hài hòa mà sâu sắc giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa ngay từ buổi đầu gặp gỡ.

Trong đạo Phật, dân gian coi trọng nhất là hình tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni và hình tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Tâm thức dân gian Việt Nam tin rằng đức Phật Thích Ca là một vị thần nhân hậu, người đã giúp cho những người dân cơ hàn được giải thoát khỏi mọi nổi khổ đau trong cuộc sống. Còn Bồ tát Quan Thế Âm là đấng cứu thế của những người dân Việt nghèo khổ, Người có lòng từ bi rộng lớn như tấm lòng của một người mẹ, luôn sẵn sàng cứu giúp, chở che cho những kẻ khốn khó như chở che cho những đứa con của mình. Hai vị Phật này được người dân tôn kính, sung bái như cha mẹ, đặt lòng tin tuyệt đối về sự chở che, cứu giúp của hai nhân vật tôn giáo này.

Cha già là Phật Thích Ca

Mẹ già như thể Phật bà Quan Âm.

(Ca dao)

Hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Quan Thế Âm là hai nguyên mẫu Phật giáo của hình tượng Bụt trong văn hoá dân gian Việt Nam. Bụt hiền lành, phúc hậu, thường xuyên giúp đỡ người nghèo, cô đơn, bị ức hiếp… Bụt đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thiết trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Hình tượng Bụt chính là kết quả của sự hội nhập Phật giáo vào văn hóa dân gian Việt Nam.

Gần chùa gọi Bụt bằng anh,

Trông thấy Bụt lành, cõng Bụt đi chơi.

Bụt không chỉ tượng trưng cho lòng hiền từ, thương người mà còn được dùng để mô tả các hiện tượng, những biểu hiện khác nhau của hình tượng Bụt trong dân gian. Như từ Bụt mọc xuất phát từ hiện tượng một khối đá hay nhiều khối đá có hình thù giống Bụt trồi từ dưới đất lên; một loại cây ven hồ, ao có rễ dài rũ xuống trông giống như ông Bụt được gọi là cây Bụt mọc; những nơi phong cảnh đẹp là phong cảnh Bụt:

Bầu trời cảnh bụt,

Thú Hương sơn ao ước bấy lâu nay.

Kìa non non nước nước mây mây,

Đệ nhất động hỏi là đây có phải?

(Vịnh Động Hương tích – Thơ Chu Mạnh Trinh)

Trong dân gian, chúng ta hay gặp những câu hoặc “Bụt ở trong nhà, cầu Thích Ca ở ngoài đường”, ý muốn nói là Phật ở trong lòng mình, chứ không ở đâu xa. Quan điểm của Phật giáo là lấy nội tâm làm chủ, phật tử tự giác ngộ cho bản thân mình, tu theo Phật cốt ở tu tâm: Phật tại tâm; Phật tức tâm, tâm tức Phật. Đức Phật dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh. Chúng sinh không nhận thấy được, vì bị vô minh che lấp”. Con người ai ai cũng có bản tâm thanh tịnh, nhưng vì tâm tham sân si cho nên con người mới tạo tội tạo nghiệp. Khi lòng chúng ta gột hết ba độc tham sân si, trở nên trong sáng, vắng lặng, thì Phật chính là ta, cõi Phật cũng chính là cõi thế gian này không khác. 

Điều này cũng phản ánh hình tượng ông Bụt đã ở trong lòng mỗi người dân Việt như thịt như xương. Không phải chỉ đến chùa, đình, miếu, nơi có tượng thì mới nghĩ đến Bụt, mà bất kỳ lúc nào họ cũng có hình ảnh ông Bụt trong tâm tưởng. Câu tục ngữ Bụt là lòng đã nói lên quan niệm của dân gian về một ông Bụt tồn tại bên trong thiện tâm của mỗi người dân Việt.

Tư tưởng này cũng đã được Vua Trần Nhân Tông lĩnh hội, sau khi đại thắng quân Nguyên, Ngài đã xuất gia, trở thành vị tổ thứ nhất sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm. Trong bài phú Nôm “Cư trần lạc đạo” ông viết:

Bụt ở cuông nhà, Chẳng phải tìm xa

Nhân khuấy bổn, nên ta tìm bụt

Ðến cốc hay chỉn Bụt là ta”.

Dịch:

Bụt ở trong nhà,

Chẳng phải tìm xa.

Vì quên mất gốc, nên ta tìm Bụt,

Nay mới hay, chính Bụt là ta.

Hình tượng Bụt đã thể hiện mức độ hội nhập sâu sắc của đạo Phật vào văn hóa dân gian Việt Nam. Các hình ảnh Quan Âm Tống tử, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Diệu Thiện, hay hình ảnh Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Ðiện (mây, mưa, sấm, chớp) ... đều biểu trưng cho một đạo Phật gần gũi với cư dân ở một quốc gia với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước cần có mưa thuận gió hòa.

Chính sự gần gũi, dân dã của Bụt mà dân gian đã dùng từ Bụt thay cho từ Phật. Ý nghĩa tôn giáo trong Bụt đã mờ nhạt, Bụt không còn là giáo lý đạo pháp mà là đại diện cho hình ảnh của sự hiền lành, bình an, của cái đẹp, trong một số trường hợp, từ Bụt được dùng như một tính từ để chỉ sự hiền lành, tốt bụng.

Phật giáo đã hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam một cách sâu sắc. Từ nhân sinh quan, thế giới quan, đạo lý, thẩm mỹ cho đến lời ăn tiếng nói của quảng đại quần chúng ít nhiều đều chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Kết hợp với nền văn hoá bản địa mà cụ thể là các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo chính thống đã chuyển biến thành Phật giáo dân gian là một điểm tựa của niềm tin vào đạo lý và chính nghĩa, là niềm an ủi cho tầng lớp nhân dân lao động thấp bé bị áp bức.

2. PHẬT GIÁO QUA CA DAO, TỤC NGỮ

Ca dao, tục ngữ có vai trò rất quan trọng trong các thành tố văn hóa dân gian, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân lao động, do nhân dân lao động sáng tạo và lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Trong nội dung này, chúng tôi sử dụng những câu ca dao, tục ngữ thể hiện những luận điểm, những thuật ngữ Phật giáo trong hợp tuyển Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam do Lệ Như Thích Trung Hậu biên soạn để minh chứng thêm cho những luận điểm trong bài viết.

Qua ca dao tục ngữ, quan niệm nghiệp báo luân hồi, triết lý nhân– quả của đạo Phật được thể hiện như nếp sống, tín ngưỡng của người Việt: Ở hiền gặp lành; Làm phúc để tích đức; Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác… để mong có tương lai tốt đẹp cho bản thân và cho con cháu các đời sau: Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con; Có tiền thì hậu mới hay, có trồng cây đức mới dày nên nhân. 

Theo luật nhân quả, nghiệp báo và tái sinh là hai phạm trù căn bản có liên quan mật thiết với nhau. Số phận mỗi con người được tạo ra do chính hành động của chúng ta chứ không phải do thế lực nào sắp đặt. Cốt lõi của phạm trù Kamma chính là tư tưởng nhân quả: Làm điều tốt, điều thiện thì có nghiệp tốt ứng báo điều tốt, điều thiện; Gây ra điều xấu, điều ác thì có nghiệp xấu ứng báo điều xấu, điều ác. Gieo gì gặt nấy; Nhân nào quả ấy; Gieo gió gặt bão; Cấy gió chịu bão… vì vậy con người phải nỗ lực làm điều tốt, điều thiện, tránh điều xấu, điều ác thì mới có số phận tốt đẹp.

Nghiệp báo luân hồi từ xưa cho đến nay đã dẫn dắt từng thế hệ con người biết soi sáng tâm trí mình vào triết lý nhân quả nghiệp báo mà có hành động, cư xử đúng mực. Người dân Việt hiểu rằng nghiệp nhân không phải là định nghiệp mà có thể thay đổi: đức năng thắng số, do đó họ tự nhận thức sửa chữa hành động, ứng xử của bản thân, tu tập, cải ác tùng thiện. Trong cuộc sống, nếu có những tai họa, biến cố đột nhiên xảy ra, thì họ nghĩ rằng kiếp trước đã làm điều xấu, nên gặp khổ nạn ở kiếp này, kiếp này phải trả: Bởi chưng kiếp trước vụng tu, kiếp này tu để đền bù kiếp sau; Làm ác kiếp sau chịu tội; Một đời làm hại, bại hoại ba đời. Không than trời trách đất, cam chịu và tự cố gắng phấn đấu hướng thiện, tích đức tu nhân, để chuyển hóa dần ác nghiệp kia.

Nghiệp báo còn được thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ thường ngày. Khi gặp những hoàn cảnh thương tâm, những tai nạn rủi ro trong cuộc sống, chúng ta thường chia xẻ bằng từ “tội nghiệp”. Tội đây là tội của nghiệp, do nghiệp tạo ra dẫn đến kết quả hiện nay. Trong cuộc sống, không có tai nạn gì xảy ra ngẫu nhiên hay tình cờ, tất cả đều là kết quả của những hành động tạo thành từ trước: gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành, trồng cây chua ăn quả chua, trồng cây ngọt ăn quả ngọt… Đó cũng chính là triết lý cơ bản của đạo Phật - Thuyết nhân quả báo ứng: Quả báo ăn cháo gãy răng, Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày.

Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách cá nhân cũng như quan niệm đạo đức sống của cộng đồng. Hàng ngày, câu nói cửa miệng của người Việt luôn là: Cầu trời khấn Phật phù hộ độ trì; Nam mô Adi đà Phật… Quan điểm Phật giáo lấy nội tâm làm chủ, phật tử tự giác ngộ cho bản thân mình, tu theo Phật cốt ở tu tâm: Phật tại tâm; Phật tức tâm, tâm tức Phật. Tâm trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá con người, phân biệt người tốt, người xấu: Ở lâu mới biết lòng người có tâm.

Ðạo Phật chủ trương bình đẳng và tự giác, đồng thời chủ trương khuyên con người ta sống từ, bi, hỉ, xả, bác ái… có lòng thương người, thương đồng loại: Xả kỷ vị tha. Trong cuộc sống, người Việt luôn coi trọng chữ nhẫn, có thể nói chữ nhẫn dẫn đến sự thành công: chữ nhẫn là chữ tượng vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu;  Lấy nhịn làm đầu: một sự nhịn, chín sự lành; Lấy tình yêu thương, từ bi bác ái mà hoá giải oán thù: dĩ đức báo oán; Lấy oán thù đáp oán thù, Oán từ không dứt, niềm từ lại tiêu, Lấy tình thương gọi tình thương, Sóng lên một dợn, thủy triều lên dâng; Sống vì mọi người: Xả thân cứu thế; Làm việc thiện, cứu giúp những con người đau khổ, gặp hoạn nạn: Cứu một người phúc đẳng hà sa; Dù xây chín bậc thù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người; Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. 

Qua ca dao, tục ngữ giáo lý Phật giáo được thể hiện rất gần gũi, bình dị với người dân lao động. Đó chính là ước vọng hoàn thiện nhân cách, loại trừ dần những tính cách xấu, vươn tới những giá trị cao đẹp của phẩm chất con người. Vì nhân cách con người ảnh hưởng trực tiếp tới các mối quan hệ xã hội, mong muốn hoàn thiện các mối quan hệ xã hội, hướng tới sự tốt đẹp trong quan hệ giữa người với người.

3. PHẬT GIÁO TRONG NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN SÂN KHẤU VÀ NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH

Quan điểm, giáo lý Phật giáo không chỉ được thể hiện trong đời sống sinh hoạt thường ngày mà còn có tầm ảnh hưởng trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu dân gian như hát bội, hát chèo.

Thuyết “nhân quả báo ứng” là chủ đề nền tảng trong việc xây dựng kịch bản các vở chèo như: Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nhan, Chu Mãi Thần, Mục Liên Thanh Đề, … ai làm điều thiện được thưởng, làm điều ác bị phạt; Các vở hát Bội: San Hậu, Tam nữ đồ vương, Diễn võ đình … là những kịch bản mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và chứa đựng toàn vẹn triết lý “nhân quả báo ứng”, hướng thiện một cách cao đẹp. Ngoài ra còn có các vở chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng Phật giáo như: Phạm Công Cúc Hoa, Tấm Cám, Kim Vân Kiều... chuyên chở các bài học đạo đức của triết lý nhân quả - nghiệp báo, khuyên con người ăn hiền ở lành.

Trong nghệ thuật tạo hình dân gian, sự hội nhập của Phật giáo được nhận diện chủ yếu qua hệ thống chùa và các tượng thờ, tranh thờ. Tượng Phật có thể được bày thờ trong nhà, song với tính chất là tượng thờ, hệ thống tượng Phật ở Việt Nam hình thành cùng với lịch sử xây dựng các ngôi chùa.

Lịch sử ngôi chùa ở Việt Nam gắn liền với sự phát triển của Phật giáo, với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam trong suốt 2000 năm. Ngôi chùa ở Việt Nam cũng ảnh hưởng kiểu kiến trúc chùa tháp, lầu chuông, gác trống theo mô hình kiến trúc của Ấn Độ, Miến Điện và Trung Hoa. Tuy nhiên theo thời gian, dân tộc Việt đã tạo ra một mô hình kiến trúc rất riêng cho ngôi chùa Phật giáo của mình. Đặc điểm nổi bật của ngôi chùa Việt là thể hiện sự kết hợp giữa tư tưởng nông nghiệp

– văn hoá làng – chứa đầy nét đầm ấm, gần gũi, trữ tình, không có sự kỳ vĩ theo chiều cao, hay nét hoành tráng có tính áp chế mà chỉ là cái mênh mông của một lối kiến trúc thấm đậm chất tâm linh và liên tưởng.

Phật giáo để lại nhiều quần thể kiến trúc độc đáo và danh lam thắng cảnh cho nước Việt. Miền Bắc có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Tây phương, chùa Yên Tử, chùa Hương, chùa Dâu, chùa Keo, chùa Thầy…; miền Trung có chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu, chùa Báo Quốc…; miền Nam có chùa Giác Lâm, chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Phong, chùa Linh Sơn...

Suốt chặng đường lịch sử dân tộc, ngôi chùa giữ vai trò quan trọng trong giá trị văn hoá truyền thống dân tộc và trong tình cảm hướng thiện của nhân dân. Một đặc điểm quan trọng của chùa Việt Nam là mọi người đi chùa ít tiếp cận với Phật giáo bằng kinh sách mà chủ yếu được giáo dục lòng lành qua những tác phẩm tạo hình. Vì vậy trong những ngôi chùa Việt, ngoài những chạm khắc, trang trí, kiến trúc, còn trưng bày cả một thế giới tượng Phật giáo. Tượng chùa là điểm phát sáng những giá trị mang đậm bản sắc dân tộc. 

Nhiều tượng Phật cổ nổi tiếng, thể hiện tinh hoa mỹ thuật Phật giáo ở Việt Nam như bộ tượng Thập Lục La Hán tạc bằng gỗ mít được lưu giữ ở chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Tây); Hội An - Quảng Nam Đà Nẵng có hai bộ tượng quý: bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đất nung cưỡi linh thú với gần 300 năm tuổi ở Chùa Phước Lâm; bộ

tượng Thập Bát La Hán ở chùa Chúc Thánh cũng bằng đất nung có niên đại hơn 200 năm tuổi, điểm khác biệt là các vị La Hán đều ngự trên đài sen chứ không cưỡi trên linh thú như ở chùa Phước Lâm; tượng Tuyết Sơn chùa Trăm Gian (Hà Tây)…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nổi tiếng với các bức tượng Phật “độc, dị” như: Bốn tượng bức tượng Phật Di Lặc cổ bí ẩn có đặc tính lạ ở Cà Mau; hai pho tượng táng ở chùa Đậu với nghệ thuật làm “tượng sơn bó cốt nhục” đã đạt đến độ tinh hoa, sinh động, thẩm mỹ và đặc biệt là phương pháp tu luyện kỳ bí của hai vị Thiền sư, khi chết thân xác không bị phân hủy, không cần đến bất cứ loại thuốc tẩm ướp xác nào; Đặc biệt bức “dị tượng” độc nhất ở chùa Hòe Nhai – Hà Nội, đó là bức tượng một vị vua thời Hậu Lê quì phủ phục và trên lưng ông là Phật Thích Ca. Pho tượng này là kết quả từ một cuộc pháp nạn của các tăng, ni Phật giáo vào năm 1687, khi vua Lê Hy Tông ra sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng. Khi được các hòa thượng đắc đạo giáo hóa, vua rút lại sắc lệnh đã ban và đề nghị làm “dị tượng” này để thể hiện sự sám hối của mình. “Bức tượng này được xem là bước tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam, mang đậm tính cách Việt và lịch sử Việt, không ở đâu trên thế giới có một mã văn hóa như thế”(2).

Phật giáo còn để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa truyền thống Việt Nam thời Lý - Trần qua bốn công trình nghệ thuật vĩ đại còn được gọi là An Nam tứ đại khí gồm: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm; hay công trình đại tượng Phật bằng đá cao 27m, nặng 3.000 tấn ở Bắc Ninh, tượng Phật được đặt trên đỉnh núi Phật Tích – là nơi phát tích của đạo Phật ở Việt Nam, được xem như bảo vật từ thời nhà Lý…

Qua khảo sát nghệ thuật biểu diễn sân khấu dân gian và nghệ thuật tạo hình cũng đã phần nào phản ánh được sự hội nhập của Phật giáo với các tín ngưỡng bản địa và sự giao thoa văn hóa với những sinh hoạt của cộng đồng cư dân Việt.

KẾT LUẬN

Đạo Phật là một tôn giáo lớn ở Ấn Độ, được truyền trực tiếp vào Việt Nam khoảng thời gian đầu công nguyên do các thương gia, tăng sĩ Ấn Độ đến bằng con đường biển. Với tinh thần hòa đồng tôn giáo, đạo Phật đã đã thâm nhập vào đời sống người Việt một cách tự nhiên, nhanh chóng hòa nhập với tín ngưỡng bản địa.

Khuynh hướng nhập thế của Phật giáo đã đã góp phần đẩy nhanh sự hội nhập của Phật giáo với văn hóa Việt Nam và trở thành một nội dung không thể thiếu trong văn hóa truyền thống. Quá trình thế tục hóa Phật giáo của văn hóa Việt Nam tạo thành một dòng Phật giáo riêng, một đức Phật riêng của người Việt. Đây cũng là xu hướng dân gian hóa các tư tưởng triết lý của tôn giáo: Những yếu tố đạo đức trong tôn giáo luôn được phản ánh gắn liền với đời sống thực tiễn.

 Đạo Phật đã ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của người Việt từ triết lý, tư tưởng, đạo đức, văn học, nghệ thuật cho đến phong tục tập quán, nếp sống nếp nghĩ... người Việt xem Phật giáo như chỗ dựa tinh thần, một sư an ủi tâm linh khi trong cuộc sống còn gặp phải quá nhiều những gian truân, bất trắc. Qua quá trình lịch sử, trải qua bao cuộc biến đổi thăng trầm của đất nước, Phật giáo đã khẳng định mình và có một chỗ đứng vững chắc trong lòng của dân tộc, tồn tại và phát triển cùng với dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trịnh Doãn Chính (CB) (2012), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. CTQG Hà Nội.

2. Nguyễn Duy Cần (1997), Tinh hoa Phật giáo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tb.

3. Lệ Như Thích Trung Hậu (sưu tập) (2002), Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Đỗ Minh Hợp (CB) (2006), Tôn giáo phương Đông: Quá khứ và hiện tại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Trương Sỹ Hùng (2010), Tôn giáo trong đời sống Đông Nam Á, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện văn hóa, Hà Nội.

6. Đinh Gia Khánh (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng HCM, Nxb. KHXH, Hà Nội.

7. Đinh Kiều Nga, Những ảnh hưởng của Phật giáo với văn hóa dân tộc, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2342/ Nhung_anh_huong_cua_Phat_giao_voi_Van_hoa_dan_toc

8. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc Văn hóa Việt Nam: Cái nhìn hệ thống - loại hình, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

9. Anh Tuấn, Những pho tượng độc, dị nhất Việt Nam: http:// www.vntravellive.com/news/nhung-pho-tuong-doc-di-nhat-viet- nam-1569.html

 


(*). Khoa Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM.

1. Đinh Gia Khánh (2003): Tác phẩm được tặng giải thưởng HCM, Hà Nội: NXB KHXH, tr. 186.

2. Anh Tuấn, Những pho tượng độc, dị nhất Việt Nam: http: http://www.vntravellive.com/

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6796013