SƯ HUỆ ĐĂNG: CHUYỆN ĐỜI, CHUYỆN ĐẠO
SƯ HUỆ ĐĂNG: CHUYỆN ĐỜI, CHUYỆN ĐẠO
TS. HOÀNG VĂN LỄ
Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam
Tổ Huệ Đăng, huý Thanh Kế, hiệu Thiện Thức, thế danh Lê Quang Hòa, sinh năm Quý Dậu (1873), tại xã An Đông, huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là một nhà Nho, 5 tuổi Ông đã được cha mình dạy chữ và giáo dục phẩm chất trung quân, ái quốc; đến 7 tuổi được đưa đến trường huyện, học giỏi có tiếng, lên trường tỉnh để nấu sử sôi kinh, hướng đến bảng vàng đang mong chờ. Song sự kiện vua Hàm Nghi xuất kinh kêu gọi Cần Vương kháng chiến, Ông xếp bút nghiên gia nhập nghĩa quân Mai Xuân Thưởng. Khi phong trào yêu nước Cần Vương thua cuộc, Vua Hàm Nghi bị bắt, Ông xuôi về Nam mưu tìm kế thể hiện ý chí nam nhi, trung quân ái quốc của mình. Ông tìm ra được con đường dấn thân khác qua Phật giáo và phong trào chấn hưng Phật giáo cải biến văn hoá của Phật tử cũng là mạch chính của văn hoá dân tộc. Cuộc đời và hành trạng của ngài là tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền thống yêu nước phụng đạo: “Đất nước có độc lập tự chủ thì Phật pháp mới hóa độ tròn duyên”. Sưu khảo về vị đại sư khả kính này là sự tôn vinh hạnh "bồ tát" hiện sinh trong niềm tin của Phật tử hôm nay và mai sau.
TỪ NHÀ NHO TRẺ TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG YÊU NƯỚC…
Đêm ngày 5 rạng ngày 6 tháng 7 năm 1885), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, vì thấy người Pháp khinh mạn vua mình như vậy, nên quyết định ra tay trước: đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Đến sáng thì quân Pháp phản công, quân triều Nguyễn thua chạy, rời bỏ Kinh thành Huế. Tôn Thất Thuyết vào cung báo lại việc giao chiến trong đêm và mời vị hoàng đế trẻ Hàm Nghi cùng Tam cung lên đường.
Vua Hàm Nghi đã phải chịu nhiều khổ ải vì phải luồn lách giữa núi rừng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, giữa muôn vàn thiếu thốn, bệnh tật, đói khát và sự hiểm nguy về tính mạng luôn đe dọa. Tại Tân Sở, vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập. Sự ủng hộ, che chở giúp đỡ và tham gia nhiệt tình của đồng bào các địa phương từ Quảng Trị qua tới đất Lào cũng như trong vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình đã cho Hàm Nghi thấy được vai trò của bản thân mình nên nhà vua đã không còn cảm thấy bị cưỡng ép như trước. "Nhà vua bị những gian lao mà luyện thành người nhẫn nại và đón cuộc phong trần bằng thái độ rất thản nhiên". Dân chúng nổi dậy rất đông, nhưng vì rải rác các nơi nên lực lượng không mạnh.
Tháng 9 năm 1888, suất đội Nguyễn Đình Tình phản bội ra đầu thú với Pháp tại đồn Đồng Cá. Nguyễn Đình Tình lại dụ được Trương Quang Ngọc về đầu thú. Sau đó Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc tình nguyện với Pháp đem quân đi vây bắt vua Hàm Nghi. Đêm khuya 26 tháng 9 năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt khi đang ngủ, Tôn Thất Thiệp bị đâm chết. Khi đó, ông mới 17 tuổi, chống Pháp được ba năm.
Vào 4 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô. Trước phút rời xa quê hương, nhà vua nhìn lên bờ, không nén được cảm xúc vì nỗi niềm riêng và vận nước nên đã òa khóc. Từ Sài Gòn, ngày 13 tháng 12 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống chiếc tàu mang tên "Biên Hòa" vượt đại dương đi Bắc Phi.
Bấy giờ Lê Quang Hòa độ tuổi với vua Hàm Nghi, học võ thuật tại quê nhà, có chí hướng Cần Vương vốn đã học về đạo quân thần của Khổng giáo nghiêm cẩn. Nước đã loạn từ trước khi Ông chào đời, tuổi trưởng thành sống trong cảnh nước mất, càng nghĩ càng thúc giục lòng yêu nước với tinh thần võ đạo và tôn quân. Ông tham gia nghĩa quân của Mai Văn Thưởng tại tỉnh nhà Bình Định. Trước một vị tài danh như Mai Xuân Thưởng, một trong tám vị đậu cử nhân của trường thi Bình Định, trong khi các thí sinh khác rời bỏ trường thi về thực thi Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, điều này cho thấy họ Mai ý thức việc nắm tri thức để năng lực giúp nước cao hơn, nhiều hơn. Khi thủ lĩnh Cần Vương Đào Doãn Địch phong làm Tán tương quân vụ, Ông hết lòng thực hiện theo chủ tướng, được tin dùng. Tháng 8-1885 Đào Doãn định lâm bệnh mất, lúc trăn trối cử Mai Xuân Thưởng làm nguyên soái thay mình. Tài trí Mai Xuân Thưởng, cùng các nghĩa sĩ Cần Vương trổi dậy mạnh mẽ1, sức mạnh Cần Vương lan rộng ra Phú Yên, Quảng Ngãi... buộc Pháp huy động quân phiệt tấn công ba phía, Quảng Ngãi vào, Phú Yên ra, ngoài khơi bắn pháo yểm trợ sát hại nghĩa quân Cần Vương. Cầm cự đến tháng 3-1887, nghĩa quân thất trận, chủ tướng Mai Xuân Thưởng bị thương, rút quân về Phú Phong ẩn náu. Theo TS. Đinh Bá Hòa, đăng trên báo Bình Định, thì Mai Xuân Thưởng bị bắt chứ không phải ra hàng. Vì không thể chiêu dụ được, Ông bị xử chém vào ngày 7-6-1887 tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ); trong 3 đợt xử chém tháng 6-1887, Ông cùng 26 thủ lĩnh và nghĩa quân Cần Vương2 bị hành quyết.
Khởi binh Cần Vương tan biến nhanh chóng sau khi vua Hàm Nghi bị bắt vào ngày 26-9-1988 nói trên, Lê Quang Hòa thất chí tìm xuôi vào Nam bộ.
Hoà thượng Thích Trí Quảng nêu nhận xét kính trọng Tổ Huệ Đăng như sau: “Ngài xuất thân từ Tây Sơn, Bình Định. Ngài là nhà cách mạng, nhà trí thức, sau đó trở thành Tổ sư đắc đạo. Trước khi xuất gia, ngài là người trí thức có hiểu biết rộng, có tinh thần yêu nước và tham gia các phong trào tranh đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Nhưng phong trào khởi nghĩa không thành công, nên ngài lưu lạc vào miền Nam.
Xưa kia, huyện Đất Đỏ này là vùng hoang vắng, ngài đã ẩn cư ở khu rừng này và nghe được tiếng chuông chùa của Tổ Hải Hội. Tiếng chuông chùa ở đâu cũng có, nhưng tiếng chuông chùa của Tổ Hải Hội đã gắn liền sâu xa với Tổ Huệ Đăng là điều chúng ta phải suy nghĩ. Tu hành mà không nói được bằng trái tim thì biết cách đạo còn xa, tức phải cảm tâm với Tổ, với thầy, nương theo đạo lực của thầy tổ giúp chúng ta tiến trên đường đạo.
Theo hướng tâm linh này, các vị Thiền Tăng ẩn tu nhiều hơn là quyên góp xây chùa. Tổ Huệ Đăng của chúng ta cũng vậy. Tổ Hải Hội đắc đạo, nên thấy ngài Huệ Đăng tuy chưa xuất gia, nhưng Tổ nói đây là ngọn đèn trí tuệ của Phật, nên đặt cho Ngài pháp danh Huệ Đăng. Nhờ căn lành có sẵn, Tổ Huệ Đăng gặp Tổ Hải Hội thì căn lành này phát lên và Tổ Hải Hội cũng thấy căn lành của Ngài Huệ Đăng, nên Tổ đã huyền ký cho ngài. Ngài Huệ Đăng nhận bộ kinh Pháp hoa của Tổ Hải Hội trao cho, rồi đi vào hang ông Hổ để ẩn tu và hành trì kinh này.”
… ĐẾN MỘT ĐẠI SƯ VÌ ĐẠO PHÁP, VÌ DÂN TỘC
Tổ Huệ Đăng, vốn được cha truyền dạy chữ Nho từ tuổi ấu thơ, am tường Khổng Mạnh từ tuổi trưởng thành nên theo nghĩa quân Cần Vương giúp vua, tức giúp nước, là đạo trung quân thời bấy giờ. Các nhà Nho luôn học nghiêm túc về Phật giáo và Lão giáo, đó là khởi nguồn tri thức Tổ. Khi đọc kinh Phật bằng chữ Hán và thâm cứu đạo lý với tâm thương người, yêu nước trong thời biến loạn, mất nước.
Nhưng quan trọng hơn, Tổ có định duyên với Phật, nên chỉ tiếng chuông chùa cũng đánh đọng tâm thức của Ngài. Tổ Hải Hội nhìn thấy “căn lành” và đặt pháp danh cho Ngài là Huệ Đăng, tức là ngọn đèn trí huệ soi sáng cho mọi người nương theo tu tập. Với bộ kinh Pháp hoa được thầy tổ trao cho, Huệ Đăng “ẩn tu và hành trì”, am tường triết lý Phật đà.
1. Các cột mốc thời gian của Tổ Huệ Đăng tu học và hoằng dương đạo pháp:
“- Năm 1900, trên đồi Chân Tiên, lòng bâng khuâng vì thời cuộc, từ xa vọng lại tiếng chuông chùa trầm buồn, Ngài chợt thức tỉnh giấc mộng trần. Sáng hôm sau Ngài tìm đến chùa Long Hòa Cổ Tự gặp Sư Tổ Hải Hội - Chánh Niệm.
Qua phong thái và tâm tình của Ngài, Tổ trú trì đoán đây là người lương đống cho Phật pháp trong tương lai, nên lấy lời cảnh tỉnh khuyên Ngài xuất gia hành đạo.
Nghe Tổ giáo huấn, Ngài tự nghĩ rằng “Cứu quốc không xong, thôi đành cứu đời vậy”. Từ đó Ngài xin xuất gia học đạo, Tổ Hải Hội - Chánh Niệm truyền quy giới và ban cho Ngài pháp hiệu là Thiện Thức. Ngài tinh tấn tu học, mau chóng am hiểu được các việc trong thiền lâm, được Thầy Tổ mến yêu, huynh đệ kính vì.
- Năm 1901, Ngài được Bổn sư gởi đi tham học với Tổ Trí Hải ở chùa Thiên Thai Sơn Thạch Tự ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngài ở đây ba năm tinh tấn tu học, tỏ ra là người trí tuệ uyên bác, thông suốt các kinh, luật, luận. Rồi Ngài quay về chùa Long Hòa. Thấy đạo phong và trí huệ Ngài xứng đáng là người gìn giữ mối đạo tương lai, Tổ Hải Hội truyền trao Cụ Túc giới và ban pháp danh là Thanh Kế, đạo hiệu là Huệ Đăng.
- Năm 1903, Ngài được Tổ cho trú trì chùa Kiên Linh hơn một năm. Sau đổi về trú trì chùa Phước Linh ở xã Tam Phước (cùng tỉnh Bà Rịa)
- Năm 1904, Ngài được nhập chúng tu học với hạ lạp đầu tiên tại chùa Giác Viên, do Tổ Hoằng Ân làm Chủ hương.
- Năm 1905, Tổ Hải Hội viên tịch ở chùa Long Hòa. Ngài phải về cư tang và lo xây dựng bảo tháp. Thời gian này Ngài vào núi Dinh (núi Dinh Cố) khai phá Thạch động làm nơi tĩnh tu. Ngài ở lại đây hai năm tĩnh tu thiền định, tụng kinh Pháp Hoa. Danh đức của Ngài vang khắp, thiện tín bốn phương sùng kính ngày càng đông, đồ chúng theo Ngài tu học càng nhiều.
- Năm 1908, chùa Châu Viên ở Bà Rịa khai trường Kỳ, chư sơn mời Ngài lãnh chức Yết Ma, đồng thời làm Pháp sư trong giới đàn đó.
- Năm 1910, Ngài vẫn ở tại Thạch động mà Ngài đặt tên là Động Thiên Thai. Thạch động nhỏ hẹp, không phải là chốn già lam, nên Ngài nghĩ đến việc xây dựng chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh để tiếp Tăng độ chúng truyền bá chính pháp.
- Năm 1913 chư sơn trong tỉnh thỉnh Ngài tổ chức giới đàn tại chùa Phước Linh xã Tam Phước, Bà Rịa. Tại Đại giới đàn này, ngài được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng.
- Năm 1915, Ngài được thỉnh đến trú trì chùa Bà Lang Lệ ở Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) do Phật tử cúng dường. Về đây việc truyền bá Phật pháp của Ngài có cơ hội phát triển. Rất đông chư sơn các nơi đến học và quảng đại tín đồ đến quy y thọ giới.
Pháp hạnh của Ngài được lan truyền trong các sơn môn, nên trong những trai đàn đại lễ, các chùa đều thỉnh Ngài làm Pháp sư hay Chứng minh. Ngài không từ chối dù phải đi xa, như năm 1918 Ngài làm Pháp sư trường Hương ở chùa Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự (Cà Mau), năm 1920 Ngài làm Chứng minh trường Hương ở chùa Phước Trường v.v... Sau một thời gian vân du hoằng hóa ở các tỉnh Nam bộ, Ngài cùng một đệ tử về ẩn tu ở hang Mai trên núi Dinh, sống khắc khổ để tĩnh tu thiền định. Ngài bị quan Tri phủ sở tại nghi ngờ tổ chức chống Pháp nên bắt buộc phải rời hang Mai.
- Năm 1925, Ngài lại dẫn đồ chúng lên sườn núi Dinh khai hoang lập vườn trồng cây trái. Sau năm năm vừa tu hành vừa làm lụng cực nhọc, vườn cây vú sữa đã có trái, đủ huê lợi cho môn đồ no ấm tu học.
- Năm 1929, Ngài trùng tu lại ngôi Tổ đình Long Hòa được khang trang. Vì chùa đã bị hư mục sau 200 năm xây dựng. Và năm 1933, do thỉnh cầu của đồ chúng, Ngài cho xây dựng Thiên Bửu Tháp (còn gọi là Cửu Liên Đài) ở phía đối diện chùa Thiên Thai.
- Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa, cây đại thụ của phong trào chấn hưng Phật giáo, vận động chư sơn thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn ở gần chợ Cầu Muối. Chẳng may trên bước đường hoằng dương chánh pháp, hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học đã gặp trở ngại, nên Phật sự không tiến hành được suôn sẻ. Trước tình trạng đó, các Hòa thượng có tâm huyết ở Nam kỳ tha thiết với mục đích chấn hưng Phật Giáo, đã phải quay về chùa nhà, tỉnh nhà thành lập các tổ chức Phật giáo với danh xưng khác nhau để tùy duyên hoằng pháp. Hòa thượng Khánh Hòa thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học năm 1934, Hòa thượng Trí Thiền thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế năm 1937.
- Năm 1935, Ngài thành lập hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông, đặt trụ sở tại chùa Long Hòa ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời Ngài cho xuất bản tờ Bát Nhã Âm để vận động phong trào chấn hưng Phật Giáo và hoằng dương chính pháp. Trường gia giáo cũng được khai giảng tại chùa Long Hòa, quy tụ hàng Phật tử xuất gia và tại gia về tu học ngày càng đông.
Ngài thường nói với đồ chúng rằng:"Duy trì Phật pháp chính là ở chỗ mở rộng việc hoằng hóa lợi sanh, giáo dục thiện tín, gieo trồng duyên lành, cội phước". Chính nhờ quan niệm đúng đắn đó, mà việc truyền bá giáo lý của Ngài được phát triển khắp nơi”3
2. Vì tình yêu quê hương đất nước
Xuất gia là căn lành của Tổ Huệ Đăng, được thầy Tổ Hải Hội phát hiện và khuyến khích và nhận truyền thừa giáo pháp. Tiếng chuông chùa nơi rừng núi thanh vắng như tiếng dội vào tâm thức, tàng thức của đệ tử của Đức Phật. Tuy vậy, trách nhiệm thời cuộc vẫn luôn canh cánh bên lòng, Ngài nói “Cứu quốc không xong, thôi đành cứu đời vậy”. Chúng ta có thể tập hợp nhiều hành động vì nước của Ngài suốt cuộc đời từ năm 30 tuổi (1903) khi Ngài trú trì chùa Kiên Linh, chùa Phước Linh (Bà Rịa) đến lúc qua đời năm 80 tuổi(1953).
Một số hoạt động tiêu biểu:
- Lập hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông (1935), tại chùa Long Hòa và cho xuất bản tờ Bát Nhã Âm để vận động phong trào chấn hưng Phật Giáo và hoằng dương chính pháp.
Hội Thiên Thai Thiền Giáo tông được Hòa Thượng Thích Trí Quảng nêu bật trong sáu câu lục bát bài sám Pháp Hoa, đồng thời ca ngợi Tổ Huệ Đăng:
“Pháp tuỳ duyên” là phương pháp không chấp nhận sự cố chấp (chấp pháp) mà chuyển biến theo thực thế. Nghiên cứu bài sám Thảo Lư của Sư Huệ Đăng:
Chốn thảo lư an cư dưỡng tánh,
Dốc một lòng nhập thánh siêu phàm,
Sắc tài danh lợi chẳng ham,
Thị phi phủi sạch, luận đàm mặc ai,
Tuyết ban mai lâu dài chi đó,
Thân người đời nào có bao lâu,
Nhộn nhàng trong cuộc bể dâu,
Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây.
Ba vạn sáu ngàn ngày công khó,
Chia phần đem cho đó một hòm,
Của tiền để lại nhi tôn,
Bao nhiêu tội lỗi phần hồn lãnh riêng.
Chốn cửu tuyền khác miền dương thế,
Quỉ ngưu đầu chẳng nể chẳng kiêng,
Tội hành nghiệp cảm liền liền,
Muôn phần thảm độc ghê phen đoạn trường.
Rất thảm thương là đường sanh tử,
Dám khuyên người ngó thử lại coi,
Thân như pháo đã châm ngòi,
Nổ vang một tiếng rồi coi thế nào.
Tiếc công lao biết bao xiết kể,
Sự đáo đầu cũng thế mà thôi.
Trăm năm sự nghiệp phủi rồi,
Minh minh biển khổ luân hồi cực thân.
Lửa hồng trần rần cháy dậy,
Người say mê thấy vậy phải kêu,
Tỉnh tâm xét lại mấy điều,
Kíp tu đạo đức sau siêu linh hồn.
Sự dại khôn chẳng cần khôn dại,
Trước lỗi lầm sau phải ăn năn,
Biển sâu nước khỏa cũng bằng,
Mây tan gió tịnh, bóng trăng sáng lòa.
Cõi Ta bà có tòa Cực lạc,
Giòng sông mê, biển giác chẳng xa,
Y theo giáo pháp Thích Ca,
Tự nhiên bổn tánh Di Ðà phóng quang.
Ðã gặp đàng chưa toan dời bước,
Còn tiếc chi chơn bước lờ đờ,
Khuyên đừng đem dạ tưởng mơ,
Trăm năm cuộc thế như cờ bị vây.
Rút gươm huệ dứt dây tham ái,
Kíp tìm thầy cầu phái qui y.
Kiên trì ngũ giới tam quy,
Mở lòng từ nhẫn sân si phải chừa
Ta thấy: Nơi thảo lư (lều cỏ), tức nơi hang hổ, hành thiền Kinh Pháp Hoa, Ngài sớm ngộ Phật pháp, đặc biệt là Pháp tuỳ duyên, sau trở thành pháp tu căn bản của Thiên Thai Thiền giáo tông. Một thực tế minh chứng qua bài giảng của Sư Thích Quảng Tâm: “Nhận thấy quan điểm cuả xã hội Việt Nam, một trăm năm trước đây đã không chấp nhận nhà Sư đi khất thực, Cho nên Tổ Huệ Đăng đã dùng tùy duyên bằng cách chia ruộng hoang cho nhà chùa, dạy chúng làm ruộng để có thực phẩm tự túc và cũng trồng thuốc để cứu người, cộng với thần lực trì chú Chuẩn Đề mà các vị tu hành với Tổ đã có khả năng chữa được nhiều bệnh, cho nhiều người như tâm thần, bệnh ma dựa và nhiều bệnh khác”.
Pháp này thống nhất với “ứng vạn biến” để giải quyết sự việc hàng ngày với những nguyên tắc chặt chẽ “Dĩ bất biến” phải giữ.
- Phong trào Chấn hưng Phật giáo được Sư Khánh Hòa và nhiều danh tăng và cư sĩ yêu nước khởi xướng. Phong trào biểu thị tinh thần cải cách đạo pháp, lấy việc nâng cao hiểu biết của tu sĩ và cách làm đạo để phục vụ nhân sinh; đồng thời chấn hưng Phật giáo có mục tiêu thực tế là chấn hưng văn hóa dân tộc, thấy rõ chế độ nô lệ của thời Pháp thuộc, tức là thúc giục lòng yêu nước của Phật tử và người dân thời bấy giờ.
Năm 1922, chùa Kim Tiên (Cai Lậy) tổ chức lễ khánh thành, có liễn đối:
“Đại đạo quảng khai thố giác khêu đàm để nguyệt;
Thiền môn giáo dưỡng qui mao thằng thụ đầu phong”.
Tạm dịch:
“Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước;
Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây”.
Vào cuối quí 3-1923, chùa Linh Sơn (Sài Gòn) xuất hiện ngay câu liễn đối trước cổng chùa:
“Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế;
Từ bi nải sát sanh dĩ độ chúng sanh”.
Tạm dịch:
"Đạo Phật là nhập thế chứ không yếm thế;
Từ bi (lắm lúc) phải sát sanh để cứu chúng sanh".
Các hoạt động chấn hưng Phật giáo lan rộng khắp Nam kỳ, thúc đẩy Trung kỳ và cả nước; góp phần tiềm tàng trong phong trào yêu nước, cách mạng sau này.
3. Thác về nơi quê quán:
Rời xa quê hương vào tuổi thanh niên, yêu nước trong phong trào Cần Vương thất bại, rồi từ ý thức "cứu nước" sang "cứu đời", thành vị đại sư đắc đạo (như Hòa thương Thích Trí Quảng đúc kết)... Hầu hết cuộc đời của Ngài dấn thân và hành trì ở đất Nam bộ. Cuối đời Ngài thác nơi quê quán của mình.
“- Năm 1941, Ngài về thăm quê nhà. Vì quá ngưỡng mộ danh đức của Hòa thượng, quan huyện Bình Khê và một số đông nhân sĩ trong huyện đến thọ giáo và thỉnh cầu Ngài ở lại hoằng hóa tại đây. Ngài chọn núi Ông Đốc ở xã Bình Tường - Phú Phong - Tây Sơn - Bình Định, lập nên ngôi chùa Thiên Tôn.
- Năm 1943, sơn môn trong Nam cử người ra rước Ngài trở lại chùa Thiên Thai. Bấy giờ sức khỏe của Ngài đã giảm sút nhiều. Ngài luôn khuyên bảo đồ chúng lo tinh tấn tu hành, cố gắng giữ gìn chính pháp, một lòng một dạ với sự nghiệp lợi sanh. Ngài sắp xếp ngôi thứ trong Tổ đình Thiên Thai và nhiệm vụ truyền pháp độ sanh trong môn đệ.
- Năm 1944 Ngài lại trở về chùa Thiên Tôn - Bình Định.
- Ngày 11 tháng 7 năm Quý Tỵ (1953) Ngài ngồi kiết già, hướng mặt về Tây, niệm Phật và viên tịch. Bảo tháp Ngài được xây dựng trên sườn núi Ông Đốc cạnh chùa”4.
Kết luận:
Hòa thượng Huệ Đăng tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền thống yêu nước phụng đạo, như Ngài nói: “Đất nước có độc lập tự chủ thì Phật pháp mới hóa độ tròn duyên”. Tổ đình Thiên Thai là nơi Ngài hoằng dương đạo pháp, thu hút rất nhiều chư tăng, chư ni đến học đạo, là bậc Đại sư từng giáo huấn nhiều danh sư…
Công hạnh và đạo nghiệp rực rỡ của Ngài còn thể hiện qua việc trước tác nhiều thơ văn Nôm. Các kinh điển được Ngài diễn Nôm thường tụng còn lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay như: Kinh Vu Lan nghĩa, Kinh Di Đà nghĩa, Bát Nhã Tâm Kinh nghĩa, Tịnh Độ Chánh Tông, Bài sám Thảo lư…
Xử sự trọn lòng với nơi sinh quán, 9 năm cuối đời Sư Huệ Đăng về trú trì ở chùa Thiên Tôn (tỉnh quê nhà Bình Định) và viên tịch tại đây. Lưu lại thế gian tinh thần, trí huệ Phật pháp, Việt dịch kinh điển và tấm lòng vì nước vì quê hương thời biến loạn Pháp thuộc.
1. Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Bùi Điền, Đặng Đề, Nguyễn Hóa, Lê Thượng Nghĩa, Hồ Tá Quốc, Võ Đạt... cùng hàng ngàn sĩ phu và nhân dân các tỉnh
2. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, năm 1991, trang 412; khi bị hành hình, Mai Xuân Thưởng 27 tuổi, để lại những câu thơ khí khái:
Không tính làm chi việc mất còn,
Nợ trai lo trả ấy là khôn.
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước,
Ðá tạc lòng trung quý mấy hòn.
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá,
Ðỏ loè bia sách máu là son.
Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới,
Một nhánh MAI già trổ nụ non.
3. Theo Trung Đức, Sơ lược tiểu sử Tổ Huệ Đăng,
https://giacngo.vn/lichsu/2009/11/14/56D219/
4. Trung Đức, Sơ lược tiểu sử Tổ Huệ Đăng,
https://giacngo.vn/lichsu/2009/11/14/56D219/
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết